Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Sống ơn gọi tình yêu giữa dòng lịch sử

 
1. Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ Người nhiều điều quan trọng. Trong những điều quan trọng ấy có một điều được kể là quan trọng hơn hết, đó là điều răn yêu thương. “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).
Lời Chúa trên đây là một mời gọi gởi tới mọi môn đệ Chúa ở khắp nơi, thuộc mọi thời. Chúa đợi mỗi môn đệ hãy trả lời Chúa.
Với nhận thức mình được Chúa yêu thương, tôi đã trả lời: “Vâng, con xin đón nhận điều răn mới Chúa ban. Con coi đời sống yêu thương là dấu chỉ con thuộc về Chúa và là con đường cứu độ”.

Trả lời của tôi là một thứ cam kết, giữa tình yêu tôi và tình yêu Chúa. Cam kết ấy ban đầu mới chỉ là một lời hứa chung chung. Nhưng, khi sống lời cam kết ấy trong dòng lịch sử, tôi dần dần nhận thấy lời cam kết ấy có một dung mạo. Ở đây, tôi xin phép mô tả vài nét của dung mạo đó nơi nhiều môn đệ Chúa tại Việt Nam hôm nay. Những nét đó được thành hình nhờ ơn Chúa từ những biến cố lịch sử. Ở đây, tôi xin đề cập đến biến cố 30 tháng 4 năm 1975.
2. Nét thứ nhất là tinh thần nghèo khó.
Biến cố 30 tháng 4 năm 1975 là một biến cố đã giúp rất nhiều người môn đệ Chúa trở về với tinh thần nghèo khó.
Ban đầu sự nghèo khó được cảm nhận như một sự mất mát: Mất của cải, mất danh dự, mất các điểm tựa trong đời sống xã hội. Sự mất mát như thế nói lên thực trạng của những đổ vỡ. Đổ vỡ đau xót nhất là đổ vỡ những niềm tin. Khi những niềm tin bị sụp đổ, người ta dễ cảm thấy mình cô đơn, lẻ loi, bị loại trừ.
Trước cảnh hoang tàn và tan nát, người môn đệ Chúa, được ơn Chúa giúp, đã biến đổi sự mất mát và bị tước đoạt, trở thành một cơ hội để cởi gỡ khỏi những áp lực không thuận lợi cho việc đi vào Nước Trời. Từ sự cởi gỡ đó, họ được Chúa đưa vào tinh thần nghèo khó mà Chúa Giêsu đã nói trong Phúc Âm (x. Mt 5,3). Tinh thần nghèo khó của Phúc Âm cho họ một sự tự do thiêng liêng, mở rộng lòng họ, hướng về một chân trời mới, để họ biết gần gũi hơn với những người nghèo khổ.
3. Nét thứ hai là tăng cường tinh thần cầu nguyện.
Với nhận thức mình bần cùng rất mực thiếu thốn, người môn đệ Chúa bám vào Chúa một cách tuyệt đối và trọn vẹn.
Họ cầu nguyện với Chúa một cách chân thành hết sức hồn nhiên. Họ tin Chúa là Đấng thiêng liêng sống động, giàu lòng thương xót. Họ chắc chắn Chúa thấy được tình cảnh của họ. Họ đặt tất cả hy vọng nơi Chúa.
Mọi lời cầu nguyện của họ đều mang hương vị phó thác của tâm tình thánh vương Đavít xưa: “Chúa ơi, xin bảo toàn con, vì con tìm nương tựa Người” (Tv. 15).
Xin bảo toàn con, là xin Chúa giúp con giữ trọn lời cam kết với Chúa: Cam kết sống yêu thương, để thuộc về Chúa và để tham gia vào chương trình cứu độ.
Xin bảo toàn con, là vì con thấy sống yêu thương như Chúa yêu thương là việc không dễ chút nào. Những trở ngại là rất nhiều. Những chống đối là vô kể. Chúng đến từ mọi phía. Có thứ đến từ xã hội, có loại đến từ nội bộ Hội Thánh, cũng có lực lượng xấu xuất phát ngay từ chính bản thân con. Nghịch cảnh là thế. Mà bản thân con thì bần cùng. Con xin phó thác con cho Chúa, xin bảo toàn con, vì con tìm nương tựa Người.
4. Nét thứ ba là nương tựa vào Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá, để biết yêu thương trong mọi nghịch cảnh.
Khi người môn đệ Chúa thực tình tìm nương tựa vào Chúa để sống yêu thương, họ đã được nhận lời. Chúa nhận lời họ bằng cách đưa họ đến với Chúa chịu đóng đinh trên thánh giá, và bảo họ hãy tựa vào Người.
Khi vâng lời Chúa, mà tựa vào Chúa chịu đóng đinh trên thánh giá, người môn đệ bần cùng nhưng phó thác nơi Chúa đã đón nhận được một dòng tình yêu mới từ Chúa chia sẻ cho. Đó là một tình yêu tự hạ, một tình yêu gần gũi và cảm thương những thân phận khổ đau. một tình yêu tha thứ, một tình yêu hiến dâng, bằng lòng chịu mọi khổ đau để làm giá cứu chuộc nhân loại.
Được Chúa chia sẻ cho tình yêu Chúa trên thánh giá, người môn đệ Chúa hiểu rõ sự thực này là: Trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn tứ bề chống đối, người môn đệ Chúa vẫn phải yêu thương, và vẫn có thể yêu thương. Chúa Giêsu đã yêu thương như thế, thì người môn đệ Chúa cũng sẽ bắt chước Chúa mà yêu thương như vậy.
Chúa Giêsu đã yêu mến Chúa Cha đến cùng. Cho dù có lúc Người cảm thấy như bị Chúa Cha ruồng bỏ (x. Mc 15,39), Người vẫn một mực phó thác linh hồn mình cho Chúa Cha (x. Lc 23,46).
Chúa Giêsu đã yêu thương nhân loại đến cùng. Cho dù bị người ta loại trừ một cách nhục nhã, Chúa Giêsu vẫn xin Chúa Cha tha thứ cho họ, và vẫn bênh họ với một tấm lòng quảng đại không thể ngờ: “Xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
Dựa vào Chúa chịu đóng đinh, người môn đệ Chúa mới thấy: Để sống yêu thương như Chúa yêu thương, họ phải gắn kết mật thiết với Chúa. Lúc đó yêu thương của họ hoà trộn vào yêu thương của Chúa. Hay có thể nói: Trái tim của họ được Chúa đổi mới, để mọi lời nói, mọi thái độ, mọi tâm tình, mọi lựa chọn của họ đều phát xuất một cách tự nhiên từ trái tim đổi mới đầy ắp tình yêu Chúa.
Dựa vào Chúa chịu đóng đinh, người môn đệ Chúa còn nhận ra một điều rất mới, đó là giá trị của đau khổ chịu vì yêu thương.
5. Nét thứ bốn là nhận ra giá trị của đau khổ vui chịu vì yêu thương.
Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá đã chịu rất nhiều đau khổ ghê gớm. Người biết đau khổ là điều mọi người muốn tránh. Chính Người cũng xin Chúa Cha cứu Người thoát khỏi cuộc tử nạn, nếu đẹp ý Chúa Cha. Nhưng Người đặt sự vâng phục ý Chúa Cha lên hàng ưu tiên (x. Lc 22,42). Mà ý Chúa Cha là muốn Con mình hy sinh trở thành của lễ cứu chuộc nhân loại. Nên Người đã tự nguyện bước vào cuộc tử nạn đầy đau khổ, với nhận thức chịu đau khổ vì yêu thương có giá trị đền tội thay cho muôn người và có giá trị cứu độ muôn người.
Nhận thức trên đây được người môn đệ Chúa cảm nghiệm một cách thấm thía. Nhờ đó, họ coi đau khổ vui chịu vì yêu thương, dù trong một việc rất nhỏ, đều có giá trị thiêng liêng cao quý, để rồi, họ có thể quả quyết: “Vinh dự của chúng ta là thập giá Đức Kitô”. Hơn nữa, họ cũng có thể nói như thánh Phaolô: “Hiện nay, tôi vui sướng trong những đau khổ tôi phải chịu vì anh em. Tôi bổ khuyết nơi thân xác tôi những gì còn thiếu trong cuộc thương khó của Đức Kitô, để Hội Thánh là thân xác của Người được nhờ” (Cl 1,24).
6. Chia sẻ trên đây phác hoạ dung mạo của một số cuộc đời sống ơn gọi yêu thương trong lịch sử Việt Nam hiện nay. Có thể có những dung mạo khác. Nhưng chỉ với dung mạo được phác hoạ trên đây, tôi cũng nhận thấy rõ ràng và chắc chắn Chúa đã và đang gởi vào Hội Thánh Việt Nam nhiều nhân chứng sống động. Họ thuộc đủ mọi hạng người.
Với đời sống yêu thương theo gương Chúa, họ đang gieo rắc Tin Mừng cứu độ trong môi trường họ sống. Không phải là không có khó khăn. Nhưng dù hoàn cảnh rất phức tạp, và cho dù chính Chúa xem ra cũng vắng mặt, họ vẫn âm thầm sống yêu thương, ít là như một của lễ như Chúa Giêsu trên thánh giá. Kết quả cứu độ chắc chắn sẽ không phải là nhỏ cho Hội Thánh và cho Quê Hương Việt Nam yêu dấu.
Xin hết lòng cảm tạ Chúa giàu lòng thương xót.
 
+ GM JB Bùi Tuần
(Nguồn: danchuausa.net)

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang