Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

GIÁO LÝ Thiên Chúa và Trần Thế (Gott und die Welt)


Joseph Ratzinger. Biển Đức XVI // Phạm Hồng Lam dịch 

CHƯƠNG II 
ĐỨC GIÊSU KITÔ 

          ** Thưa hồng y, có thể nói được rằng hình người trên khăn liệm ở Turin là Đức Giêsu thật?
          Khăn liệm Turin vẫn còn là một ẩn số, chưa có lời giải rõ ràng, dù có rất nhiều điểm cho thấy đó là tấm khăn thật. Dù sao, không ai trong chúng ta lại không cảm xúc trước sức hút đặc biệt của bóng người đó, trước các vết thương dễ sợ.

          ** Và trước khuôn mặt đầy ấn tượng.
          Cả cuộc khổ hình hiện lên một cách mãnh liệt trên khuôn mặt. Đồng thời ta cũng thấy một phẩm giá lớn lao trên đó. Khuôn mặt gợi lên nét yên tĩnh và thoải mái, bình an và thương xót. Như vậy, khăn có thể giúp ta mường tượng được Đức Kitô.

          ** Một con người với nét tự tin lớn...
          Nếu chỉ là một tự tin của con người, thì đó là một tình tự thái quá. Nhưng trên khuôn mặt đó có một cái gì khác và lớn hơn nhiều: Đức Giêsu biết rằng Ngài hoàn toàn làm một với Cha Ngài, với Chúa. Sự hợp nhất này có tính chất gia đình, nó vượt lên trên tất cả mọi thứ hợp nhất thần bí mà chúng ta biết. Vì vậy Đức Giêsu có lý do để dùng tên gọi Thiên Chúa cho mình – “Ta là điều đó”.


          ** Đó cũng là một con người thỉnh thoảng tỏ ra thô lỗ và cáu kỉnh: «Này, thế hệ không tin và không thể dạy bảo được kia!“ Ngài thất vọng kêu lên: Tôi phải ở bên các ngươi bao lâu nữa? Tôi còn phải chịu đựng các ngươi bao lâu nữa »
          Chính tôi cũng luôn bị đánh động bởi sự nghiêm khắc và thiếu kiên nhẫn của Ngài đối với con người. Đây có thể là một bài học cho ta về tình yêu, tình yêu luôn đòi hỏi, chứ không đơn giản chỉ là mềm lòng hay chấp nhận thua thiệt mà thôi. Đức Giêsu nhìn con người với đôi mắt Thiên Chúa. Từ cái nhìn đó, ta có thể nhận ra nỗi thất vọng của Ngài đối với con người, và nhận ra cơn giận của Ngài trước cách con người đối xử với tạo vật của Ngài. Những câu trên cho thấy nỗi chán chường và vô tâm của con người đối với Thiên Chúa đã trầm trọng tới cỡ nào, cho thấy khả năng bịt tai và khép kín của con người đã thật sự trầm trọng ra sao trước mặt Chúa.

          ** «Khóc lóc và nghiến răn » là câu Đức Giêsu thích nói nhất. Hễ khi nào muốn ám chỉ điều gì xấu, Ngài lại dùng câu đó.
          Bảo đó là câu Ngài thích nói thì có lẽ không đúng. Đó là chữ Ngài dùng khi vấn đề trở nên nguy kịch. «Khóc lóc và nghiến răng» ám chỉ cái đe doạ, cái nguy hiểm, tóm lại ám chỉ một con người đã hư mất. Nó nói lên hoàn cảnh thế giới, trong đó con người đang ngất ngư trong độc chất và truỵ lạc, rồi vừa khi thoát ra được bỗng nhận ra toàn bộ sự mâu thuẫn của cuộc sống mình. Hoả ngục thường được diễn tả bằng lửa đốt. Còn nghiến răng chỉ xẩy ra khi bị rét lạnh. Khóc lóc nghiến răng là hình ảnh của một người bị bỏ rơi, bị đẩy ra ngoài trời lạnh, vì hắn không còn chấp nhận tình yêu. Người đó bị đẩy hoàn toàn ra khỏi thế giới của Chúa, cũng là thế giới của thương yêu – đến nỗi phải nghiến răng khóc lóc.

          ** Thỉnh thoảng Đức Giêsu làm trò ảo thuật. Khi môn đệ hết tiền trả thuế Đền thờ, Ngài nói với Phê-rô: «Chèo thuyền ra hồ thả câu; khi bắt được con cá đầu tiên, mở miệng nó ra, anh sẽ thấy một quan tiền trong đó. Dùng tiền đó mà trả thuế cho anh và cho Thầy».
          Không phải bạ đâu Ngài làm phép lạ ở đó. Ngài chỉ làm khi có liên hệ tới đức tin. Ngài nói rõ: Ta đến không phải để làm phép lạ, nhưng để loan truyền nước Thiên Chúa. Câu chuyện anh kể trên có một ý nghĩa khác, sâu xa hơn. Thật ra Chúa không cần phải trả thuế, bởi vì đền thờ rốt cuộc là chính Ngài, nhưng Ngài đã trả vì vâng lời, và đã trả theo cách thật đặc biệt do Chúa ban. Tôi thấy Ngài mỉm cười khi làm chuyện đó.

Giêsu – nhân vật giả tưởng?

          ** Mối hoài nghi về nhân vật Giêsu lịch sử chẳng bao giờ dứt. Có người cho đó là một nhân vật giả tưởng. Có kẻ bảo đó là một thứ thủ lãnh của một giáo phái. Có kẻ lại bảo Kitô chỉ là một trong những sơ nguyên tượng được dùng để nói lên bi kịch của kiếp người: đau khổ, lo âu, tình yêu. Và có người còn nói: Vị sư phụ đó xem ra hay đấy, nhưng ông ta đâu có liên hệ gì tới tôi.
          Dĩ nhiên, như ta vẫn thấy, người ta có thể hoài nghi mọi chuyện lịch sử. Chẳng hạn như có một vị trí thức bảo không có Đại đế Karl*, nghĩa là ông chối bỏ cả một lịch sử hai trăm năm. May mà chúng ta không ăn theo trong vụ này. Tài liệu lịch sử cho ta biết về biến cố, nhưng chúng không giúp ta sờ được chính sự kiện.

          ** Như vậy nghĩa là còn có chỗ cho những giả định, hồ nghi?
          Không. Ngay cả khi ta chỉ dùng những tiêu chuẩn lịch sử đã được công nhận để xét, thì sự hiện hữu của Đức Giêsu đã quá rõ và đầy đủ, đến nỗi ta không còn nghi ngờ gì nữa về nhân vật lịch sử này. Những gì được truyền tụng về Ngài khác hẳn với những gì có thể tạo ra hay tưởng tượng ra. Chúng bẻ gẫy mọi mô hình giả định. Và ở đây ta có thể nhận ra cả dấu vết của biến cố lẫn những gì sau đó đã hình thành nên từ biến cố đó. Cả hai không thể giải thích được bằng những phạm trù tư tưởng, mà chỉ bằng va chạm nền tảng với một sự kiện đã thực sự xẩy ra. Vì vậy, theo tôi, việc hoài nghi về sự hiện hữu của Đức Giê-su là chuyện thiếu đứng đắn.

          ** Nhưng đâu là nguồn sử liệu thật sự khả tín?
          Anh cũng biết, càng ngày người ta càng đào sâu vào tài liệu và bới qua bới lại quanh chúng. Người ta muốn chẻ nhăm chúng ra để phân tích. Để cuối cùng chỉ còn lại một nhúm dữ kiện nghèo nàn và người ta bỗng tự hỏi, làm sao một khuôn mặt nghèo nàn như thế này mà lại cưu mang được những biến cố như thế kia. Ta không được phép quên điều này: Bức thư thứ nhất gởi giáo đoàn Côrintô, lá thư làm chứng về việc sống lại của Chúa và về việc lập phép Thánh Thể, đã có bằng văn bản, trước khi Phaolô khởi sự viết. Lá thư được viết vào thập niên 50 sau ngày Chúa Kitô sinh. Và nội dung lá thư ghi lại những gì đã được truyền tụng trước đó ở Giêrusalem. Như vậy có nghĩa là Phao-lô đã chép lại những gì đã được viết ra, như chính ngài đã nói. Cả văn phong của thư cũng cho thấy ta đang tiến sát thật gần chính ngay các sự kiện.
          Tôi phải thú thật, càng nghe về những nỗ lực nghiên cứu nguồn sử liệu, tôi càng bớt tin vào các giả thuyết đi quá đà của các chuyên gia. Và những giả thuyết đó cứ lặp đi lặp lại và không ngớt mâu thuẫn nhau. Ngay Albert Schweitzer*đã chỉ trích việc cố công nặn ra một Giêsu lịch sử để đối lại với Đức Kitô của niềm tin, việc làm đã được khởi sự từ khi mở đầu thời kỳ Ánh sáng. Schweitzer bảo, ta tưởng lúc này đây đã có được khuôn mặt thật của Ngài, nhưng thực ra Ngài đã vượt qua thời đại chúng ta rồi và đã trở về lại với chính Ngài rồi.
          Tôi nghĩ, tất cả những nỗ lực kia chỉ là những tái cấu trúc, trong đó người ta luôn chỉ nhận ra khuôn mặt của nha tái tạo mà thôi. Dù là Đức Kitô của Adolf Harnarck – phản chiếu típ người tư do của ông; hay là Đức Kitô phản chiếu loại triết lý hiện sinh của Bultmann*. Tất cả những cấu trúc đó đều được thực hiện với ý nghĩ nền tảng này: Không thể có Chúa như là một con người được. Vì thế, họ không công nhận tính lịch sử của các biến cố làm tiền đề cho Ngài. Có nghĩa là ở đây người ta đã khởi sự làm việc với một điều kiện, là phải loại ra khỏi biến cố cái lực nội tại của nó – nhưng chính lực này mới là cái tạo cho biến cố sự lôi cuốn và đầy đủ ý nghĩa.

          ** Vậy cách làm việc của ngài như thế nào?
          Tôi nghĩ, đúng hơn ta nên đặt câu hỏi: Khuôn mặt như trong Tân Ước mô tả có nói lên ý nghĩa gì không? Và câu trả lời của tôi có thể sẽ là: Chỉ có khuôn mặt như trong Tân Ước mới thật mang ý nghĩa. Chỉ như thế nó mới mang chiều kích cao cả và mới có thể tạo ra được những biến cố như kia. Vì thế, theo xác tín của tôi, ta có lý do để tin vào Tin Mừng, dù cho mọi phê bình nguồn sử liệu, mà mình cũng có thể học được trong đó nhiều chuyện. Có thể có những tiểu tiết lưu truyền đã bị người đời sau làm biến thể, nhưng tựu trung các chứng từ Tin Mừng đều đáng cậy, và ta có thể gặp được khuôn mặt thật của Đức Kitô trong đó. Tin Mừng đáng cậy hơn nhiều so với những tái cấu trúc lịch sử xem ra vững chắc.Tôi muốn thêm: Tin Mừng Gioan, mà một thời gian dài chỉ được xem như là một sáng tác thuần tuý thần học (Bultmann chẳng hạn đã cố minh chứng đó là sản phẩm của các phong trào ngộ giáo), ngày nay lạ lùng thay đã được công nhận là một sử liệu. Tin Mừng này có những chỉ dẫn địa lý đúng đắn nhất, và có một kiến thức đúng nhất về lối nghĩ và cách sống của người Do-thái thời đó. Nhà chú giải Klaus Berger ở Heidelberg vì vậy muốn coi nó là bản văn kì cựu hơn các Tin Mừng khác. Điểm này có lẽ tôi không cùng quan điểm. Tục truyền bản văn hình thành vào cuối thế kỉ thứ nhất. Ta cứ việc biết như thế. Tuy nhiên đó là một tài liệu với kiến thức rất chính xác, và viễn kiến thần học của nó không tách khỏi nền tảng lịch sử.
(Còn tiếp) 


*
Karl (tiếng Pháp và Anh: Charlemagne 748 - 814): xuất thân từ dòng vua chúa Karolinger ở Đức. Năm 800 được giáo chủ Lê-ô III đội mũ hoàng đế của Đế quốc Rôma.
*Albert Schweitzer (1875 – 1965): Người Phap, nhà thần học tin lành, y sĩ, triết gia, nhạc sĩ. Giải Nobel hoà bình năm 1952.
*Rudolf Karl Bultmann (1884 – 1976): Nhà thần học tin lành người Đức, chủ trương phải lọc bỏ những gì là thần thoại ra khỏi sứ điệp Tân Ước.

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang