Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Giáo lý "CHÚA NHẬT NGÀY CỦA CON NGƯỜI"


          1. Có sự nối kết nào giữa “ngày của Chúa” và “ngày của con người” không?
          Chắc chắn là có. Vì khi toàn thể công trình tạo dựng được kết thúc, đến ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã chúc lành và thánh hiến. Ngày này nối kết liền sau công trình của ngày thứ sáu, là ngày Thiên Chúa tạo dựng con người “theo hình ảnh của Thiên Chúa, giống như Thiên Chúa” (x. St 1,26). Chính Thánh Ambrosiô, một trong các Thánh Giáo Phụ đã suy tư về đoạn Kinh Thánh tường thuật công cuộc tạo dựng như sau: “Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng con: Ngài đã dựng nên trái đất, nhưng con không đọc thấy rằng Ngài nghỉ ngơi. Ngài đã dựng nên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao, và con cũng không đọc thấy Ngài nghỉ ngơi. Nhưng con đọc thấy rằng, Ngài dựng nên con người và sau đó Ngài nghỉ”. “Ngày của Thiên Chúa” từ đây sẽ mãi mãi nối trực tiếp với “ngày của con người”.

          2. Khi ban điều răn “ngươi hãy nhớ đến ngày Sabbat để thánh hoá nó” (x.Xh 20,8), Chúa muốn chúng ta phải sống như thế nào?
          Đây là thời gian ngừng nghỉ nhằm để tôn trọng ngày được thánh hiến cho Chúa. Đây không phải là một điều răn đè nặng lên con người, nhưng đúng hơn là một trợ lực để giúp con người nhận ra sự lệ thuộc có tính sống còn của mình vào Đấng Tạo Hoá, đồng thời để con người nhận ra ơn gọi của mình là cộng tác vào công trình của Chúa và đón nhận ân sủng của Ngài. Vì khi tôn trọng việc Chúa “nghỉ ngơi”, con người lại tự khám phá ra chính mình. (DD 61)


          3. Những hình thái ngày sabbat của người Do Thái bây giờ là lỗi thời đối với chúng ta do sự hình thành ngày chủ nhật, vậy tại sao chúng ta lại vẫn dựa vào điều răn thứ ba của thập giới làm nền tảng cho việc thánh hoá “ngày của Chúa”?
          Những động lực nền tảng dẫn đến việc thánh hoá “ngày của Chúa” vẫn giữ nguyên giá trị và vẫn đứng vững với tính cách trọng đại của những lệnh truyền Thập Giới, nhưng phải đọc lại nó dưới ánh sáng thần học và linh đạo chủ nhật: “Ngươi hãy giữ ngày sabbat để thánh hoá ngày ấy, như Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi. Trong sáu ngày ngươi sẽ lao động và làm các việc của ngươi. Nhưng ngày thứ bảy là ngày sabbat kính Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi: ngươi sẽ không làm bất cứ công việc nào, ngươi và con trai, con gái ngươi, tớ trai, tớ gái của ngươi, bò lừa và mọi thú vật của ngươi, khách ngụ cư ở bên trong cổng thành ngươi, ngõ hầu tớ trai, tớ gái của ngươi cũng được nghỉ ngơi như chính ngươi. Ngươi hãy nhớ là ngươi đã từng làm nô lệ ở đất Ai Cập và Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đã đem ngươi ra khỏi đó bằng bàn tay mạnh mẽ, cánh tay giương cao. Vì thế, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi mừng ngày sabbat” (x. Dt 5,12-15). (DD 62)

          4. Việc giữ “ngày của Chúa” ở đây được liên kết mật thiết như thế nào đối với công cuộc giải phóng đã được Thiên Chúa hoàn thành cho dân của mình?
          Đức Kitô đã đến để thực hiện một cuộc “xuất hành” mới nhằm trả tự do cho những kẻ bị áp bức. Ngài đã làm nhiều phép lạ chữa bệnh vào ngày sabbat (x Mt 12,9-14), không phải để vi phạm ngày của Chúa, nhưng để đem lại toàn bộ ý nghĩa cho ngày đó: “Ngày sabbat được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabbat” (x. Mc 2,27). Cuộc Vượt Qua của Đức Kitô đã giải phóng con người khỏi ách nô lệ còn mãnh liệt hơn ách nô lệ đè nặng trên một dân tộc bị áp bức; Đó là ách nô lệ của tội lỗi làm con người xa cách Thiên Chúa, xa cách mình và xa cách người khác.

          5. Việc nghỉ ngơi chủ nhật đã được thực hành như thế nào trong lịch sử, đặc biệt đối với người Kitô hữu?
          - Trong một vài thế kỷ đầu, người Kitô hữu chỉ sống chủ nhật như một ngày dành riêng cho việc phụng tự. Còn luật dân sự của đế quốc Roma, thì mãi đến thế kỷ thứ tư mới ấn định rằng các thẩm phán, cư dân ở thành phố và các công nhân thuộc các nghề nghiệp khác nhau phải ngưng làm việc trong ngày này. Các Kitô hữu rất vui mừng vì thấy cản trở đó đã bị dẹp bỏ. Từ đây, họ có thể chú tâm vào việc cầu nguyện chung.
          - Đến thời cuối của đế quốc Roma, các Công Đồng không ngừng bảo vệ những khoản luật liên quan đến việc nghỉ ngơi chủ nhật.
          - Đối với những quốc gia mà người Kitô hữu là thiểu số hoặc những ngày lễ nghỉ theo lịch không trùng với chủ nhật, thì chủ nhật vẫn luôn luôn là ngày của Chúa. Đó là ngày mà các tín hữu họp nhau để hợp thành cộng đoàn tạ ơn. Nhiều khi họ phải trả giá bằng những hy sinh lớn lao. Đối với họ, sẽ không phải là bình thường khi chủ nhật, ngày của lễ hội và niềm vui lại không phải là ngày nghỉ ngơi. Và người ta vẫn nghĩ rằng: nếu không có đủ một thời gian rảnh rỗi, thì người ta khó mà “thánh hoá” chủ nhật được. (DD 64)

          6. Trong xã hội dân sự, ngày của Chúa và ngày để nghỉ có liên hệ như thế nào?
          Mối liên hệ giữa ngày của Chúa và ngày để nghỉ có một tầm quan trọng và có một ý nghĩa vượt xa cách nhìn riêng của Kitô giáo. Thật vậy, lao động và nghỉ ngơi lồng vào nhau và nối tiếp nhau được khắc ghi trong bản tính con người là điều do chính Chúa muốn, như ta thấy ghi lại trong bản tường thuật về cuộc tạo dựng trong sách Sáng Thế (x. St 2,2-3: Xh 20,8-11). Nghỉ ngơi là một cái gì mang tính chất “linh thánh”, bởi vì nó cho phép con người thoát khỏi vòng trói buộc của những bổn phận trần thế đôi khi quá khắc nghiệt, để con người ý thức lại rằng mọi sự đều là công trình của Thiên Chúa.

          7. Tại sao Giáo Hội lại hợp pháp hoá và cổ võ việc nghỉ chủ nhật?
          Ngay trong thời đại chúng ta, nhiều người vẫn phải làm việc quần quật như những tên nô lệ trong những điều kiện bi thảm và giờ giấc nặng nề, nhất là nơi nhiều miền nghèo khổ, đang phải chịu những hoàn cảnh bất công và bị bóc lột giữa người với người, kể cả trong các xã hội có nền kinh tế phát triển nhất. Giáo Hội thấy cần phải có qui chế ấn định hẳn hoi để làm nhẹ bớt gánh nặng lao động và để giúp cho mọi người có thể thánh hoá ngày của Chúa. Trong tinh thần này, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã trình bày trong thông điệp Rerum Novarum rằng việc nghỉ chủ nhật là một quyền lợi của người lao động phải được Nhà Nước bảo đảm. (còn tiếp). 
Lm Vinc Nguyễn Văn Thanh

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang