Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Abba! Cha Ôi (số 101)

"THẮP SÁNG NIỀM TIN VÀ HY VỌNG"
Trong không khí tưng bừng của một ngày hội lớn tại Giáo phận Tp.HCM, hàng ngàn bạn trẻ nô nức kéo về dự Đại Hội Giới Trẻ đầu Mùa Vọng được tổ chức tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse vào ngày 30/11/2002.
Theo dự kiến ban đầu, số lượng đăng ký cho ban tổ chức để nhận khăn quàng, đèn, logo… ước chừng khoảng 4000 người, nhưng con số phát sinh đã lên đến khoảng 4.250 người. Đúng 15h30 cánh cổng Đại Hội bắt đầu mở, hàng ngàn bạn trẻ tiến vào sân với khăn quàng Đại Hội trên vai và nụ cười hoan hỉ trên nét mặt vui tươi… Dòng người đông đúc lần lượt xếp kín khoảng sân ồn ào vui nhộn với bầu khí tập thể hào hứng. Đến 16h hầu như trong sân không còn một chổ nào trống. Đông Quân và Huy Hoàng đã dẫn mọi người cùng bước vào phần "Khởi động" với băng reo, bài ca chủ đề của Đại Hội "Hãy thắp sáng lên", biểu ngữ "Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên" (Lc 12,49)… Cùng một số tiết mục ca múa "Điểm Tựa Giêsu", "Dòng máu Lạc Hồng"… đã khiến cho bầu khí Đại Hội bắt đầu "nóng lên". Vào nghi thức khai mạc, theo bài ca cử điệu ngày ĐHGTTG XVII, mọi người cùng chào đón Cha chủ sự tiến lên lễ đài cùng một nhóm nhỏ rước đuốc, Sách Thánh, Thánh Giá, ngọn đuốc… trong trang phục Nam – Trung – Bắc. Ngọn đuốc của Đại Hội từ tay ba bạn trẻ đại diện ba miền đã bừng lên mạnh mẽ, rực rỡ… cháy sáng cho đến những giây phút cuối cùng của Đại Hội như biểu tượng của sự bền bỉ của ngọn đèn đức tin nơi giới trẻ. Ánh sáng của ngọn đuốc như tiếp thêm lửa cho lửa lòng của tất cả các bạn trẻ đang sống chứng nhân cho Đức KiTô và đặc biệt cho các bạn trẻ đang hiện diện trong Đại Hội.

Dưới sự hướng dẫn năng động của hai MC, trong thoáng chốc, từ hai bên tả hữu của khán đài, đã có 10 bạn trẻ hăng hái tham gia hội thi "Thắp sáng chu toàn bổn phận" với hình thức chia đội. Đội Trăng Sao, Chiếu Sáng và đội Mặt Trời Bừng Cháy, các bạn đã phải trải qua bốn phần thi: Chúa Giêsu chu toàn phận sự, làm đạo sĩ, làm ngôn sứ, làm tư vấn với những câu hỏi dí dỏm và những câu trả lời rất thông minh dưới dạng hò vè, hát đối đáp… Xen lẫn là phần dành cho các khán giả –những tham dự viên luôn đầy nhiệt huyết và ủng hộ đội mình hết lòng. Sau phần chơi vui nhộn, các bạn như lặng đi với vở kịch "Sự trở lại của một tâm hồn" do nhóm bạn trẻ Phanxicô phụ trách.
Đến 17h45, chiếc quạt lửa số hai được mở như dấu hiệu "tiếp thêm lửa" thắp sáng khi phục vụ. Một loạt những "tác phẩm" của các nhóm sinh viên: Vươn Đến Tương Lai, hài "Bao Công đành bó tay", thi hò, kịch "Bác sĩ tài ba", trò chơi nhỏ, kết biểu tượng Quyết Tâm Phục Vụ… đã đưa không khí Đại Hội "nóng" thêm với những tràng cười dòn dã mà không kém ý nghĩa sâu sắc.
Sau phần giao lưu ăn nhẹ với tiết mục "Lưu dấu ấn trên khăn Đại Hội", các bạn trẻ cùng xếp hàng đón Đức Tổng và Đức Cha Phụ Tá đến thăm và chia vui. Trong lời giáo huấn chia sẻ của Đức Tổng, Ngài nhấn mạnh đến hình ảnh ngọn đuốc, ngọn đèn của đức tin… "Phải châm dầu cho ngọn đèn Đức Tin bằng cầu nguyện, chiêm ngắm để trở nên tỏa sáng như Đức Kitô… Mỗi gia đình nhìn ngắm Chúa Kitô, mỗi người nhìn ngắm Chúa Kitô… Hãy nhìn vào 20 nét trong cuộc đời Chúa Kitô – Một bản Tin Mừng tóm tắt – để ngọn đèn thêm ánh sáng… Đừng để gió độc và bóng tối và thói đời – thổi tắt mất ngọn đèn Đức Tin…"
Một số vở: kịch "Thắp sáng khi xây dựng", múa "Người phụ nữ ngoại tình", nhạc kịch "Donbosco và Garelli" – kỷ niệm 50 năm Donbosco – đã dẫn các bạn trẻ vào phần "Thắp sáng khi xây dựng". Phần "Thắp sáng niềm tin Giêsu" được khơi đi bằng chứng từ về Le Na Maria – một cô gái đầy nghị lực và lòng tin vào tình yêu của Thiên Chúa. Cô không có tay nhưng vẫn có thể làm mọi việc, thậm chí lái xe, bơi lội, chơi đàn và hát rất hay… Cô đã sống để làm chứng cho sự huyền diệu của tình yêu Thiên Chúa đổ xuống trên cô. Chứng từ kế tiếp là hình ảnh mẹ Têrêsa Calcuta, len lỏi trong những xóm nghèo, bị xua đuổi, bị từ chối, bị hiểu lầm nhưng vẫn một mực yêu thương những người nghèo khó hết lòng…
Không khí Đại Hội như lắng xuống, các bạn trẻ giơ cao đèn cùng hát "Giêsu là Ánh Sáng". Đức Tổng đặt Thánh Thể vào hào quang và xông hương… Các bạn trẻ cùng nắm tay nhau cầu nguyện, cùng thắp sáng lên trong ta, trong nhau niềm tin Giêsu vĩnh cửu… Sau phần ban phép lành của Đức Tổng, các bạn trẻ chia tay nhau với quyết tâm "Thắp sáng cuộc đời". Dù đã là 21h đêm, các bạn vẫn còn luyến tiếc, bịn rịn, trao cho nhau những chiếc khăn Đại Hội có màu của tình yêu – màu của "lửa".
SÓC CON
ĐỊNH HƯỚNG CUỘC ĐỜI
Sống trên đời, ai trong chúng ta cũng cần phải có một Lý Tưởng cho cuộc sống. Lý Tưởng đó định hướng cuộc đời ta. Lý Tướng đó nuôi dưỡng và hướng dẫn chúng ta, cũng như đem lại cho chúng ta sức mạnh để kiên trì trong cuộc sống. Đặc biệt Lý Tưởng đó sẽ cung cấp cho ta nghị lực cần thiết để vượt qua mọi thương đau và thử thách trên đường đời.
Như người lữ hành lạc bước trên lộ trình, như một thủy thủ đọc sai hải bàn, như một phi công đọc sai bản đồ, rất nhiều khi chính bản thân chúng ta cũng đọc sai những hướng dẫn trên đường đi tìm Lý Tưởng cho cuộc sống. Những ảo ảnh của tiền tài, những phù phiếm của danh vọng, những hào nhoáng của lạc thú đã lôi kéo không biết bao nhiêu người đến những bóng mờ của chết chóc và của thất vọng!
Thực tế của đời thường đã chứng minh cho chúng ta thấy: Những kẻ chán đời, những người bi quan yếm thế, những kẻ tìm đến quyên sinh đều là những người không biết định hướng cuộc đời. Họ là những người sống không có Lý Tưởng. Và kết quả của những cuộc sống không định hướng, không Lý Tưởng là sự thất vọng, bế tắc, chán chường, tự tử…
MẪU NGƯỜI ĐIỂN HÌNH KHÔNG BIẾT ĐỊNH HƯỚNG CUỘC ĐỜI.
Nguyệt san công giáo Catholic Digest, trong một số mới phát hành gần đây, có kể một mẫu người điển hình như sau:
Có một người đàn ông chán đời nọ, đang đứng buồn trên một chiếc cầu cao nhìn xuống dòng nước của một con sông sâu đang chảy xiết. Ông đang đốt điếu thuốc lá cuối cùng trước khi quyên sinh kết liễu cuộc đời.
Ông không còn lối thoát nào khác hơn nữa. Ông đã làm đủ mọi cách để lấp đầy nỗi chán chường trong tâm hồn. Ông đã đi đây đi đó. Ông đã tìm lạc thú trong các cuộc vui chơi trác táng thâu đêm suốt sáng. Ông đã chạy đến với mọi thứ hơi men và khói thuốc. Ông đã dùng đủ mọi thứ thuốc an thần, cần sa và ma túy. Nhưng chán chường vẫn cứ chán chường…
Ông thử thời vận lần cuối cùng bằng một cuộc hôn nhân, nhưng không có một người đàn bà nào có thể sống bên ông được vài tháng! Bởi vì ông đòi hỏi quá nhiều, nhưng lại không nghĩ đến người khác! Cuối cùng ông tự nhận rằng: Ông đã chán chường, mà cũng không ai được hạnh phúc bên cạnh ông! Chỉ có dòng sông kia họa may mới mang lại cho ông sự thanh thản!
Người đàn ông chán đời chưa hút xong điếu thuốc thì có một người hành khất cũng đi qua chiếc cầu… Con người rách rưới tiều tụy đó dừng lại nhìn người đàn ông và giơ tay xin ông giúp đỡ. Người đàn ông chán đời không ngần ngại rút cả ví tiền và trao cho người hành khất. Ông giải thích rằng: "Ở bên kia thế giới, tôi không cần đến tiền bạc này nữa."
Người hành khất cầm lấy chiếc ví tiền một lúc rồi trao lại cho khổ chủ. Ông ta nhìn thẳng vào đôi mắt của kẻ chán đời và nói: "Thưa ông, tôi không cần một số tiền lớn như thế. Tuy là một người hành khất, nhưng tôi không phải là một kẻ hèn nhát. Tôi cũng không muốn cầm tiền của một người hèn nhát muốn tự tử. Ông hãy giữ lại tiền của ông và đem qua bên kia thế giới với ông..." Nói xong, người hành khất ném cả ví tiền xuống dòng sông rồi lặng lẽ bước đi, bỏ mặc kẻ chán đời ngẩn ngơ đứng đó, tiếp tục gậm nhấm nỗi đắng cay chua xót trong lòng...
Đã hút xong điếu thuốc từ lâu, nhưng người đàn ông chán đời vẫn chưa muốn kết liễu cuộc sống. Ông nhìn theo người hành khất đang khuất xa dần... Tự nhiên, ông không muốn chết nữa, mà chỉ muốn nhặt lại chiếc ví tiền để trao tặng cho người hành khất!! Suốt cả cuộc đời, ông đã sống trong nhỏ nhen, thiển cận, ích kỷ! Chưa một lần trong đời, ông biết mở ví tiền để trao tặng, dù chỉ một đồng bạc nhỏ cho bất cứ người nào!?
Giờ phút này, ông muốn mở rộng tâm hồn, giang rộng đôi tay ôm ấp mọi người để trao tặng và tiếp tục sống... Nghĩ như thế, kẻ chán đời đứng thẳng lên, dời khỏi chiếc cầu và tiếp tục rảo bước đuổi theo cho kỳ được bóng dáng người hành khất đang mờ dần...
CHÚNG TA CẦN ĐỊNH HƯỚNG CUỘC ĐỜI.
Không gì buồn chán bằng một cuộc sống không định hướng! Không gì thất vọng bằng một cuộc đời không Lý Tưởng, không Lẽ Sống! Sống mà không biết tại sao mình sống! Sống mà không biết mình sẽ đi về đâu là điều làm cho con người chán chường, khổ đau và thất vọng nhất.
Là con người, ai trong chúng ta cũng khao khát hạnh phúc. Ai trong chúng ta cũng đi tìm hạnh phúc. Nhưng chính bản thân chúng ta phải thành thật thú nhận rằng nhiều khi chúng ta chỉ chạy theo ảo ảnh của hạnh phúc! Ai trong chúng ta cũng biết rằng tiền tài, danh vọng và lạc thú tự nó không phải là hạnh phúc đích thực! Nhưng biết bao nhiêu người vẫn thi đua nhau, vẫn sát phạt nhau để tích lũy tiền tài, chiếm đọat danh vọng và chạy theo lạc thú!!
Hạnh Phúc không phải là một nơi ta đi đến rồi giơ tay đón nhận. Hạnh phúc không phải là món quà từ trời rớt xuống như sương sa gió bay! Hạnh phúc phải là một Hướng Đi của cuộc sống. Có bước theo hướng đó, con người mới cảm thấy cuộc sống có hạnh phúc. Vậy hướng đi của chúng ta là gì? Hướng Đi cuộc đời của mỗi người chúng ta là Sống Cho Tha Nhân.
Có sống cho tha nhân, ta mới biết quên mình, quên cái tôi ích kỷ để nghĩ đến người khác. – Có sống cho tha nhân, ta mới vượt qua được những nhỏ nhen tầm thường của "cái tôi đáng ghét" (kiểu nói của Văn hào Pháp Blaise Pascal) thuộc nội tâm con người chúng ta. – Có sống cho tha nhân, ta mới dễ dàng khám phá những ưu điểm, những đức tính tốt nơi người khác, đồng thời vui vẻ nhìn nhận những khuyết điểm, những nết xấu của chính mình. – Có sống cho tha nhân, ta mới sẵn sàng chia sẻ và trao ban những gì ta có cho người khác... Không cần ta trao ban những gì lớn lao to tát, có giá trị tài chánh cao như một món tiền kếch xù, một chiếc nhẫn kim cương, một món quà tặng quý giá, nhưng chính là chúng ta Trao Ban Chia Sẻ Với Nhau Tình Thương của mình.
Bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể trao ban cho nhau Tình Thương. Có biết bao người chung quanh đang chờ đợi nơi chúng ta một cái mỉm cười, một nụ hôn, một cái bắt tay, một lời chào hỏi, một cử chỉ đỡ nâng, một lời an ủi khích lệ chân thành... Cuộc sống này, xã hội này sẽ tốt đẹp và đáng yêu đáng sống biết bao, khi người người biết đối xử với nhau bằng tình thân ái, bằng sự tha thứ và lòng quảng đai. – Trái lại, có thể nói tất cả những đổ vỡ, thương đau, hận thù đang chồng chất trong các gia đình, trong xã hội, chỉ vì con người quên đi sứ mệnh cao cả mà Thượng Đế đã trao phó khi tạo dựng con người là sống cho nhau, yêu thương nhau và phục vụ nhau.
Ai càng sống ích kỷ, càng tích lũy và chiếm giữ cho mình, người đó càng nghèo nàn khốn khổ. Ai càng đóng kín con tim, khép chặt đôi tay, người đó sẽ không được nhận lãnh và không xứng đáng hưởng niềm vui tinh thần của trao ban chia sẻ. Hạnh phúc đích thực và hướng đi của mỗi người chúng ta là Trao Ban và Chia Sẻ Tình Thương. Biết chia sẻ, biết trao ban tình thương sẽ là liều thuốc chữa trị căn bệnh trầm trọng nhất trong tâm hồn chúng ta: Đó là sự chán chường thất vọng trong cuộc sống. Trao Ban, Chia Sẻ Tình Thương là liều thuốc xoa dịu mọi khổ đau trong tâm hồn con người. Phải chăng đó chính là Hướng Đi Cuộc Đời Mỗi Người Chúng ta. Ước mong bạn và tôi, chúng ta sẽ cùng nắm tay nhau Xây Dựng Tình Thương cho gia đình và xã hội của chúng ta hôm nay.
Lm TRẦN QUÝ THIỆN
DANH VỌNG
Tôi đang mãi mê say sưa với cuốn: "Viết cho em" của linh mục Piô Ngô Phúc Hậu, vừa được mới xuất bản gần đây, thì Vọng đến rủ tôi cùng nhấm nháp ít cốc rượu đế, hầu tranh luận một vấn đề khi trà dư tửu hậu, đó là thói quen thường tình của chúng tôi; tôi đồng ý và ủng hộ ngay. Sau vài cốc rượu, sự hưng phấn đã đến với chúng tôi "tửu nhập ngôn xuất". Vọng, anh bạn tôi vào đề ngay:
– Cha Hậu viết hay quá: một tâm lý gia, một nhà giáo dục kỳ tài.
– Tôi tiếp lời: một nhà giảng thuyết giỏi, cha đề cập nhiều về khái niệm Hạnh phúc gia đình, tâm lý nam nữ, cá tính, nhân cách trách nhiệm và bổn phận của cha mẹ, vợ chồng, con cái... Hay nhất là về Tình yêu.
Vọng đăm chiêu suy nghĩ như tìm một điều gì đó mà anh chưa bao giờ gặp được trên báo chí hay phương tiện truyền thông đại chúng đề cập một xóm Đạo nhỏ nghèo của Vọng, xóm Đạo của anh vỏn vẹn chỉ có trên dưới 40 gia đình, hay nói đúng hơn chỉ là một giáo điểm nhỏ bé trong một Xã rộng lớn ở vùng sâu của Huyện K. thuộc Tây nguyên. Tôi vinh dự được Giáo điểm của Vọng mời dự lễ và liên hoan nhân ngày lễ các THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM – là lễ Bổn mạng của Giáo điểm B.H – là nơi anh đang sinh sống. Thánh lễ cử hành tại tư gia, liên hoan cũng tại đây, ngôi nhà ngói ba gian, gần bên bờ ruộng ngập nước, tôi càng cảm động hơn khi Ban Đại Diện đọc tên các em để linh mục tặng quà mừng Bổn mạng, các em hồn nhiên vui vẻ và vô tư, các em biết đâu rằng, cha phụ trách và Ban Đại Diện đang băn khoăn, lo lắng cho các em và thương nhiều lắm cho các em mai ngày....? Giáo điểm B.H là vùng kinh tế mới, di cư từ năm 1976, giáo dân sống rải rác thưa thớt, tôi xúc động vô cùng bởi sự nhiệt tâm của những người anh em, họ sống rất chân tình; cởi mở, tôi bắt gặp nơi anh em một ánh mắt đầy thiện cảm, họ nghèo vật chất nhưng giàu ĐỨC ÁI, ít giáo dân nhưng nhiều hoài vọng. Tôi càng xúc động hơn, khi các em thiếu nhi chắp tay cầu nguyện mà nhìn ngắm linh mục như một thiên sứ, bởi các em có được thấy linh mục mặc áo lễ màu đỏ rực rỡ như thế bao giờ đâu?
Vọng cũng như tôi cùng nhìn các em mà chạnh lòng! Tôi cảm nhận Họ như người thân hữu ngay từ giây phút gặp gỡ đầu tiên. Đúng như câu nói của người xưa: "Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu."
Vọng sinh hoạt và sống ở giáo điểm B.H ngay từ mới ngày đầu lập cư, anh sống như một trí thức thời xưa, bất đắc chí và mai danh ẩn tích, sống khác với đời thường, anh cao thượng và vị tha khi người đời bon chen, ích kỷ, anh ít giao du bởi anh an phận thủ thường... Anh sống như một cư sĩ. Vọng cau có với đời nhưng bao dung với người, anh thường tâm sự với tôi: "Phú nhuận ốc, Đức nhuận thân" (người giàu lo sửa nhà, người có đức lo tu thân, sửa mình). Vọng không thích những người ưa Danh hão mà thiếu lòng nhân ái, phản đối kẻ thủ lợi không biết chia sẻ và nhất là ghét những ai dửng dưng, không qua tâm đến tha nhân.
Vọng ưa Danh lắm, nhưng không phải Danh của cát bụi, phù du. Mục đích mà Vọng luôn vươn tới là DANH VĨNH CỬU, THƯỜNG HẰNG, anh muốn làm sáng DANH CHÚA. Anh sống có ý nghĩa như tên anh. Vọng ơi! Mùa vọng đã đến, anh đợi trông xóm Đạo anh phát triển cũng như nhân loại đang ĐỢI TRÔNG, chuẩn bị đón mừng Thiên Chúa Giáng Sinh và MÙA VỌNG – MÙA TRÔNG ĐỢI CHÚA ĐẾN khi hành trình nhân loại đang sang trang...
Vọng và tôi hân hoan niềm dự cảm, nhưng lòng vẫn man mác buồn khi thấy xóm Đạo của chúng tôi còn nghèo quá!
Jos. NGUYÊN TRẦN, Buôn Trấp – Ban Mê Thuột.
CẢM XÚC MAI HÒA
Một cảm giác run sợ và né tránh ập đến trong tôi khi lần đầu tiên tôi nhìn thấy bệnh nhân SIDA giai đoạn cuối. Hình ảnh một thanh niên toàn thân bầm tím và nấm mốc. Đặt chân đến khu chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối ở Mai Hòa, Củ Chi cùng với nhóm Hiệp Thông và anh em ca đoàn, mặc dù đã chuẩn bị trước tinh thần nhưng tôi vẫn không thoát khỏi cảm giác đó. Sau một lúc định tâm mọi người cùng chuẩn bị Thánh Lễ, có cả những bệnh nhân nhiễm AIDS cũng tham dự. Tất cả cùng hát to và tham dự sốt sắng, lời giảng của cha Q.U đánh động tôi và tôi nghĩ rằng mọi người cũng được đánh động: "Làm con người chắc hẳn ai cũng từng vấp ngã khác nhau nhưng Thiên Chúa tình yêu vẫn lẽo đẽo theo từng người chúng ta, góp vốn cho chúng ta, khi chúng ta phá sản và nguồn vốn của Ngài không bao giờ cạn. Những điều này làm tôi luôn có niềm tin và hy vọng. Sau Thánh Lễ mọi người tạp trung đi thăm các bệnh nhân. Chúng tôi họp thành vòng tròn và cùng ca hát với bệnh nhân, và điều kỳ lạ khiến tôi thoát khỏi cảm giác ấy là trên khôn mặt của từng bệnh nhân, không phải là vẻ mặt chán đời, mà khuôn mặt của niềm hy vọng vẫn nụ cười trên môi dù sức sống đã tàn lụi. Anh Dũng, một bệnh nhân đã nhiễm AIDS. Anh Sơn, bệnh nhân nhiễm AIDS, đã từng chán đời để xe lửa cán đứt nửa người nhưng hát hay đàn giỏi; và lời hát của anh Dũng, anh Sơn đã đánh động tôi và mọi người. Ca từ mộc mạc thấm đậm. Ai đã từng chìm trong đam mê, ma túy, tình dục hãy thức tỉnh và quay về với cuộc sống. Nơi đây có một sức sống mới, niềm hy vọng vào Thiên Chúa tình yêu. Đó là điều tôi cảm nhận được… Xin cảm ơn những người cho tôi sức sống mới.
16/11/2002 – ĐS.
CHIA SẺ VỀ MAI HÒA
Tôi viết lên đây đôi lời cảm nghĩ của tôi với các bạn đã bị nhiễm HIV trong giai đoạn cuối tại nhà thờ Củ Chi. Tôi đã nghe nhiều về căn bệnh và cách phòng chống bệnh này, nhưng hôm nay mới có dịp chứng kiến tận mắt. Thật sự là một là một sự khiếp sợ cho tôi cũng như cho những bạn đi cùng ngày hôm nay. Cũng là lời cảnh báo cho tôi và cho những ai có cuộc sống buông thả, không biết quí trọng bản thân. HIV không từ một ai.
Giờ đây đối với những người đã mắc phải, hối hận thì cũng quá trễ, phải trả một cái giá đắt quá, để lại bao đau thương, oán trách cho bản thân, những người xung quanh và xã hội.
Phải chi lúc còn sức khỏe, có ý thức và tỉnh táo hơn thì bây giờ đâu có cảnh tượng ngày hôm nay. Tôi thật sự rất thương cho những người đã bị xã hội bỏ rơi, xa lánh. Họ bị cô lập trong cả quãng đời ngắn ngủi còn lại, quãng đời mà thời gian tính bằng từng ngày một.
Tôi rất mong rằng các bạn sinh viên đi cùng ngày hôm đó cũng như mọi người trong chúng ta sẽ nhận ra điều gì mình phải làm và điều gì không được làm, phải biết nghĩ đến bản thân, đến những người xung quanh và xã hội này nữa để cuộc sống chúng ta được tốt đẹp hơn.
Một bạn trẻ.
ĐI VỀ ĐÂU ?
(
của tác giả NGUYỄN ĐỨC QUỲNH – Úc Châu )
Bài số 5 : Michel Ange, nhà họa sĩ đại tài và là nhà điêu khắc trứ danh của nhân loại. Ông để lại bao nhiêu tác phẩm vĩ đại cho nhân loại qua thiên tài của ông. Hai ngày trước khi chết, ông tâm sự: Tôi tiếc rằng tôi phải chết, khi tôi bập bẹ những tiếng đầu đời trong nghệ thuật của tôi... Nhưng qua những tác phẩm của tôi, Thiên Chúa hiện diện.
Giữa những chán nản của giới hạn cái chết, Michel Ange dù thấy giới hạn trước cái chết, ông cũng thấy được câu trả lời của câu hỏi Đi Về Đâu? để xác tín niềm tin nơi Thiên Chúa và sẵn sàng ra đi trong bình an.
Một Phaolô thông thái và uyên thâm. Sinh ra tại Tarsô, trong một gia đình dòng dõi quý tộc và giàu sang, ông Được theo học rất cao, thông thạo nhiều ngôn ngữ. Tính tình nhiệt thành hăng say. Những ngày rong ruổi đi bách hại Đạo Công Giáo, với một bầu nhiệt huyết dấn thân. Nhưng ông không trả lời đuợc câu hỏi Đi Về Đâu?. Chỉ trên đường Damascus, ông gặp gỡ được Chúa Kitô và trả lời được câu hỏi Đi Về Đâu?. Ông đã thay đổi cả cuộc sống. Con người ông đổi mới hoàn toàn. Ông tìm ra được đáp số cuộc đời. Ông tìm được lý tưởng và chân lý cuộc sống. Ông đã hết mình làm chứng nhân cho chân lý và lý tưởng đó, khi ông xác quyết: Tôi thâm tín rằng dù sự sống hay sự chết , dù Thiên thần hay thiên phủ, dù là hiện tại hay tương lai, hay quyền năng, dù chiều cao hay chiều sâu, hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa. Và ông đã sống chết với lý tưởng đó. Ông đã tìm được hạnh phúc cho cuộc sống trường sinh.
Nhưng trái lại, cũng có nhiều người không trả lời được câu hỏi Đi Về Đâu?. Họ biến mình thành tuyệt vọng. Họ ru ngủ cuộc đời trong những hư vô không tưởng, và kết thúc cuộc đời trong buồn bã và chán ngán


Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang