Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Cuộc đời sống đạo đích thực

Có thể nói niềm tin, cách suy tư, lối sống và cách hành động của ĐHY Nguyễn Văn Thuận qua những giai đoạn lịch sử và hoàn cảnh khác nhau đã biểu hiện cách sống đạo đích thực theo tinh thần Kitô giáo, vì thế hiện nay Giáo Hội Công Giáo đang lập đề án phong thánh cho ngài. Sau đây là những nét biểu tượng chính của tinh thần đó nơi ĐHY Nguyễn Văn Thuận.
OMNIA VINCIT AMOR
Những lời ĐHY Nguyễn Văn Thuận đã viết khi bị quản chế ở Cây Vông đã được ngài cố gắng thực hiện trong cả cuộc đời mình. Ngài đã kể lại: “Trong chuyến hành trình ra Bắc, ba lần tôi đã bị xích chung với một tù nhân không công giáo, từng là dân biểu và nổi tiếng là Phật Tử cực đoan. Sự gần gũi trong cùng số phận ấy đã ghi khắc dấu vết sâu đậm nơi trái tim ông. Sau này tôi được biết rằng sau khi được trả tự do, ông ta hãnh diện và thích kể lại sự kiện trên đây. Ông đã luôn luôn tìm cách để được xích chung với tôi và từ đó chúng tôi trở thành bạn với nhau.”

Khi mới đến trại Vĩnh Quang, ngài cũng đã chinh phục được những cán bộ có nhiệm vụ canh giữ và theo dõi ngài. Ngài kể lại rằng một hôm trời mưa, đang ngồi bổ củi, ngài đã hỏi một người canh tù có thể đẽo một cây thánh giá bằng gỗ được không. Anh ta trả lời rằng luật trại cấm đưa vào bất cứ vật gì mang dấu chỉ tôn giáo, Ngài trả lời: “Tôi biết, nhưng chúng ta là bạn với nhau.” Anh ta nói: “Sẽ có nguy hiểm cho cả hai chúng ta”. Ngài bảo anh ta cứ lơ đi để cho ngài làm. Anh ta bỏ đi nơi khác. Thế là ngài đã dẽo xong cây thánh giá và giấu trong cục xà phòng cho đến ngày ra trại.
Trong trường hợp khác, ngài đã xin người canh tù một sợi đây điện. Anh ta hoảng hốt nói: “Tôi đã học ở Đại Học An Ninh rằng nếu một người xin dây điện có nghĩa là muốn tự tử.” Ngài giải thích cho anh ta rằng ngài là một linh mục công giáo, không được tự tử. Ngài nói ngài chỉ muốn làm một dây xích nhỏ để đeo cây thánh giá. Anh ta nói: “Thật khó mà từ chối anh điều gì!” Sau đó anh ta đem đến cho ngài một sợi điện và hai cái kìm nhỏ. Thế là ngài đã hoàn thành sợi dây đeo thánh giá một cách dễ dàng.
Một câu chuyện khác đã xẩy ra tại giáo xứ Giang Xá, nơi ngài bị quản chế. Ngài kể lại: “Khi tôi bị quản thúc tại làng Giang Xá, cách Hà Hội 20 cây số. Người canh giữ tôi là một người tín hữu công giáo. Thoạt đầu ông ta đặt bao nhiêu câu hỏi về tôi: ông giám mục này đã làm gì để bị giam giữ như thế? Khi sống và ăn chung với tôi, ngủ trong cùng một phòng cạnh tôi, dần dần ông ta hiểu, và ông để cho tôi viết các sách đạo đức. Ông cho phép các linh mục đến gặp tôi ban đêm, họ ở cách xa đó 300 cây số, để được nghe tôi nói về Công Đồng Chung Vatican II, vì không một giám mục nào ở Bắc Việt đã có thể tham dự Công Đồng…”.
Mỗi tháng, người cán bộ này đều phải làm báo cáo cho công an về các sinh hoạt của ngài. Nhưng một hôm ông ta nói ông ta không làm báo cáo nữa, vì ông không biết phải viết gì. Ngài liền nói với ông ta: “Ông cần phải viết. Nếu ông không viết thì ông sẽ bị thay thế. Một người lính canh khác mà tới đây, họ sẽ làm khó tôi.” Ông ta lại nói: “Tôi không biết viết gì cả!”. Ngài nói để ngài viết giúp cho, ông ta chỉ cần chép lại, Ông ta nói: “Tốt lắm!”.
Tháng đó, công an khen ông ta viết báo cáo tốt và tặng ông ta một chai rượu cam. Ông đem về và tối đó đưa đến mời ngài cùng uống.
Ngài kết luận: “Omnia vincit amor”. Tình yêu thắng được tất cả!
NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG
Vào năm 2000, khi đi khám bệnh, người ta khám phá ra có một màng đang mọc phủ lên trong thành bụng của ngài. Ngài nói với tôi rằng cuộc khảo sát cho biết kết quả là “benigne”, tức bướu lành. Tuy nhiên, vào đầu năm 2001, sự phát triển của cái bướu này đã gây khó chịu cho ngài nhiều hơn và sức khỏe yếu đi. Ngày 17.4.2001, theo đề nghị của Đức Hồng Y Bernard F. Law, ngài đến một bệnh viện tại Boston, Massachuchetts, Hoa Kỳ, để cắt cái màng đó đi. Ngàì cho biết ở Ý cũng có một bác sĩ chuyên mổ về loại biếu này, nhưng ĐHY Law nói ở Mỹ có nhiều phương tiện tối tân hơn, nên qua Mỹ mổ sẽ tốt hơn. Ngài đã nhờ ĐHY Law giúp đỡ.
Sau khi mổ xong khoảng một tuần lễ, ngài đã điện thoại cho tôi biết bác sĩ chỉ cắt khoảng 2/3 cái màng vì không thể cắt hơn được nữa.
Tôi có hỏi ý kiến một vài bác sĩ chuyên về ung thư về trường hợp của ngài. Họ cho rằng đó là trường hợp tuyến tiền liệt của ngài được mỗ vào năm 1988 tại Hà Nội, nay phát triển trở lại và trở thành ung thư. Vì ngài không chịu đi khám nghiệm thường xuyên để chửa trị, nên bướu đã lan dần lên thành bụng. Trường hợp này không còn cứu chữa được, ngoại trừ có phép lạ. Bệnh viện ở Boston có cắt hết rồi bướu cũng mọc lại. Nhưng tôi không dám nói với ngài.
Đầu năm 2002, màng bướu tái phát và ăn lan vào ruột. Các bác sĩ Ý cho biết ngài phải chịu một cuộc giải phẫu kéo dài trong khoảng 30 tiếng đồng hồ mới có thể cắt bỏ hết và nối lại ruột được.
Ngày 24.4.2002, ngài trở về Úc thăm thân mẫu và mừng tuổi thọ 100 của mẹ ngài, rồi tiếp tục đi giảng thuyết, sau đó trở lại Roma nghỉ ngơi và chịu các cuộc thử nghiệm trước khi mổ. Ngày 4.5.2002 ngài đến bệnh viện ở Milano, phía bắc nước Ý, để chịu giải phẩu.
Lần chót tôi được nói chuyện với ngài bằng điện thoại hai tiếng đồng hồ là ngày 4.5.2002, trước khi đi mổ. Lần trước đó vào ngày 26.4.2002, khi ngài đang ở Úc thăm thân mẫu ngài, ngài cũng đã nói chuyện với tôi suốt hai tiếng đồng hồ như thế. Hình như ngài đã linh cảm trước rằng ngài có thể sẽ ra đi trong cuộc giải phẫu này nên đã sẵn sàng tất cả. Sau khi nói hết những chuyện cần phải nói, ngài dặn tôi: Cố gắng hoàn thành cuốn sách nói về các biến cố lịch sử Việt Nam trước 30.4.1975 mà tôi đang biên soạn và nếu cần ngài giúp đỡ gì cứ nói. Tôi hứa với ngài tôi sẽ hoàn thành càng sớm các tốt.
Cuộc giải phẫu được thực hiện trong ngày 8.5.2002, nhưng mới kéo dài được 7 tiếng thì sức khỏe của ngài không còn chịu nổi nên cuộc giải phẩu phải ngưng lại. Các bác sĩ đợi sức khỏe của ngài phục hồi để giải phẫu tiếp, nhưng chuyện đó đã không xẩy ra.
Trong bài giảng cho Giáo Triều ngày 14.3.2000 về “Bí quyết của sự Thánh Thiện: Sống mỗi ngày như là ngày cuối cùng”, ngài nói: “Khi ra khỏi nước, tôi đã nhận được một lá thư của Mẹ Têrêxa ở Calcutta với những lời lẽ sau đây: “Điều đáng kể không phải là số lượng công tác được hoàn thành, nhưng là mức độ tình yêu mà ta để vào trong mỗi công tác”. Kinh nghiệm đó đã củng cố trong tôi ý niệm là phải sống mỗi ngày, mỗi phút giây của cuộc đời ta như là phút giây cuối cùng; hãy dẹp bỏ những gì là phụ thuộc; chỉ tập trung vào những gì là chính yếu. Mỗi chữ, mỗi cử chỉ, mỗi cú điện thoại, mỗi quyết định phải là những phút giây đẹp nhất đời ta. Chúng ta phải thương yêu mọi người, chúng ta phải tươi cười với mọi người mà đừng đánh mất một giây phút nào”.
Ngày 16-9.2002 ngài đã từ trần lúc 6:30 chiều ngày 16.9.2003 tại Roma, tức lúc 3:30 sáng ngày 16.9.2003 giờ Los Angeles, California.
Trong thánh lễ an táng Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Chắc chắn sự khuất bóng của ngài gây đau buồn cho những ai đã quen biết và yêu mến ngài: gia đình ngài, cách riêng mẹ ngài, tôi lại bày tỏ cho bà sự gần gũi yêu thương của tôi. Tôi cũng nghĩ tới Giáo hội Việt nam yêu quí, Giáo Hội đã sinh ngài trong đức tin, và tôi cũng nghĩ tới toàn thể dân Việt Nam mà Đức Hồng Y đáng kính đã công khai nhắc tới trong chúc thư thiêng liêng của ngài bằng cách khẳng định luôn luôn yêu mến. Tòa Thánh mà ngài đã phục vụ qua những năm cuối đời ngài, than khóc Hồng Y Nguyễn Văn Thuận”.
Trong 174 phái đoàn của các quốc gia tới dự đám tang Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, người ta thấy có hai đại diện của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam ngồi chung trong phái đoàn của nước Pháp vì giữa Vatican và Hà Nội chưa có bang giao.
TỰ NHÌN LẠI CUỘC ĐỜI MÌMH
Khi nhìn lại cuộc đời mình, Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã mô tả như sau: “Ngày hôm nay, vào lúc bế mạc tuần tĩnh tâm, tôi rất xúc động. Cách đây 24 năm, ngày 18 tháng 3 năm 1976, áp lễ thánh Giuse, tôi bị đưa từ nơi quản thúc ở Cây Vong, đến chỗ biệt giam nghiêm nhặt trong nhà tù Nha Trang, Phú Khánh.
“Cách đây 24 năm, tôi không bao giờ ngờ rằng một ngày kia, chính vào ngày này, tôi kết thúc việc giảng thuyết tuần Tĩnh Tâm tại Vatican.
“Cách đây 24 năm, khi tôi cử hành thánh lễ với ba giọt rượu và một giọt nước trong lòng bàn tay, tôi không bao giờ tưởng tượng, ngày hôm nay Đức Thánh Cha tặng cho tôi một chén lễ mạ vàng.
“Cách đây 24 năm, tôi không hề nghĩ rằng chính hôm nay, lễ thánh cả Giuse năm 2000, Đức Giám Mục kế vị tôi lại thánh hiến chính nơi tôi bị quản thúc một nhà thờ đẹp nhất dâng kính thánh Giuse tại Việt Nam.
“Cách đây 24 năm, tôi không bao giờ ngờ rằng ngày hôm nay, khi vừa kết thúc tuần Tĩnh Tâm, một vị Hồng Y giao cho tôi một món quà lớn để giúp cho những người nghèo tại giáo xứ ấy.
“Thiên Chúa thật cao cả, và tình thương của ngài cũng cao cả.”
Lữ Giang
Ghi chú: Trích trong cuốn “Vài đòng về ĐHY Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận” của Lữ Giang phát hành 10.000 cuốn năm 2008.

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang