Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Bài giảng lễ Thánh Giuse thợ (bổn mạng lớp)


Anh em thân mến,
            Việc kính nhớ thánh Giu-se vào ngày Quốc tế Lao động chắc hẳn mời gọi chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa của lao động trong cuộc sống con người. Là người có niềm tin, chúng ta đánh giá lao động như thế nào? Xin dựa vào các bản văn của phần Phụng vụ Lời Chúa hôm nay để đưa ra vài suy tư.
            Kinh thánh mở đầu những trang đầu tiên bằng công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Sách Sáng Thế nói rằng: Thiên Chúa hoàn thành công cuộc sáng tạo trong 6 ngày và ngày thứ 7 Ngài nghỉ ngơi. Thiên Chúa nghỉ ngơi, hay đúng hơn, Ngài dừng lại bởi vì Ngài muốn trao phó công trình của Ngài lại cho con người tiếp tục hoàn bị. Thiên Chúa có thể hoàn tất mọi sự một cách tuyệt hảo, nhưng dường như Ngài đã không muốn làm thế. Ngài trao phó vũ trụ trong tình trạng xem ra bất toàn để chính con người hoàn chỉnh và cảm nhận được niềm vui ngay trong công việc mình thực hiện.


Thật vậy, con người không chỉ là thành quả công việc của Thiên Chúa, mà hơn thế nữa, Thiên Chúa còn trao cho con người quyền tiếp nối công trình còn dở dang và động viên con người hoàn thành những sáng kiến Ngài đã khởi sự. Dáng đứng con người không phải là nghỉ ngơi nhưng là làm việc. Chính khi lao động, con người trở nên người hơn, trở nên con Thiên Chúa hơn và xứng đáng tham dự vào đời sống của Thiên Chúa hơn.
Hơn thế nữa, Thiên Chúa còn sai Con của Ngài là Đức Ki-tô Giê-su đến để mang lại cho cuộc đời trần thế một ý nghĩa mới, mặc cho lao động  một giá trị mới. Thật vậy, khi vào trần gian, Con Thiên Chúa chấp nhận sinh ra trong một gia đình bình thường như mọi gia đình. Là con của bác thợ mộc Giu-se như dân làng Na-da-rét vẫn thường gọi, thì thế nào Người cũng phải đổ mồ hôi để kiếm sống hàng ngày như bất cứ người nào. Chúa Giê-su đã từng nói: “Cha Ta làm việc, Ta cũng làm việc…”. Hơn thế nữa, qua cuộc sống lao động, Con Thiên Chúa muốn thánh hóa đời sống của con người và mặc cho lao động giá trị cứu chuộc. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo ở số 2427 viết rằng: “Khi chịu đựng những vất vả của lao động trong sự kết hợp với Chúa Giê-su, người thợ làng Na-da-rét và đã chịu đóng đinh vào thập giá trên đồi Can-vê, con người cộng tác một cách nào đó với Con Thiên Chúa trong công trình cứu chuộc của Người. Họ biểu lộ mình là môn đệ của Đức Ki-tô, khi vác thập giá hằng ngày trong hoạt động họ được kêu gọi chu toàn. Lao động có thể là một phương thế thánh hóa và làm sinh động các thực tại trần thế trong Thần Khí của Đức Ki-tô”. Nhờ đó, lao động không còn là lời nguyền rủa hay hình phạt do tội, bởi vì Con Thiên Chúa, Đấng vô tội cũng đã làm việc bằng đôi tay và khối óc nhân loại của Người, nhưng lao động trở thành phương thế để con người mang lại ấm no hạnh phúc cho mình cũng như cho tha nhân và nhờ đó đạt đến hạnh phúc đời đời.
Anh em thân mến,
Xin được kết luận những suy tư này bằng những lời của Chân Phước Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II trích từ Tông Huấn “Custos Redemptoris” (Người Trông Nom Đấng Cứu Thế) các số 22 đến 24 như sau:
“Lao động là cách hằng ngày diễn tả tình yêu trong cuộc sống của Gia đình Nagiarét. Sách Tin Mừng nói rõ loại công việc mà thánh Giuse làm để nuôi sống gia đình mình: Người là một thợ mộc. Từ đơn giản này tóm gọn toàn bộ cuộc sống của thánh Giuse. Đối với Chúa Giêsu, đây là những năm ẩn dật, những năm mà Luca nói đến sau khi kể lại câu chuyện xảy ra trong Đền thờ: “Và Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nagiarét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2,51). Sự “phục tùng” hoặc vâng lời của Chúa Giêsu trong nhà Nagiarét cần được hiểu như là một sự chia sẻ trong lao động với Giuse. Trong khi học việc với người được coi là cha mình, Người được biết đến như là “con của ông thợ mộc.” Nếu Gia đình Nagiarét là tấm gương và là mẫu mực cho các gia đình khác, trong việc cứu độ và nên thánh, thì lao động của Chúa Giêsu bên cạnh ông thợ mộc Giuse cũng tương tự như thế. Trong thời đại chúng ta ngày nay, Giáo hội nhấn mạnh điều này bằng cách qui định phụng vụ kính thánh Giuse Thợ vào ngày 1 tháng Năm. Lao công của con người, nhất là lao động tay chân, được đặc biệt nhấn mạnh trong Tin Mừng. Cùng với nhân tính của Con Thiên Chúa, lao động cũng được đưa vào trong mầu nhiệm Nhập thể, và cũng được cứu chuộc theo cách đặc biệt. Tại xưởng mộc nơi Ngài miệt mài làm việc với Chúa Giêsu, thánh Giuse đưa lao công con người đến gần mầu nhiệm Cứu chuộc hơn.
Trong thời gian Chúa Giêsu “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa”, đức tính cần cù nắm một vai trò đáng kể, vì “lao động là điều thiện hảo nơi con người”, nó “biến đổi thiên nhiên” và biến con người “theo một nghĩa nào đó, thành nhân bản hơn”.  Tầm quan trọng của lao động trong đời sống con người đòi hỏi chúng ta phải thấu triệt và tiếp thu ý nghĩa của nó để “giúp mọi người đến gần Thiên Chúa, Đấng Tạo hoá và Đấng Cứu chuộc hơn, để tham dự vào kế hoạch cứu độ con người và thế giới, và để đào sâu hơn tình bạn với Chúa Kitô trong cuộc sống của họ, bằng cách qua đức tin, chấp nhận tham dự sống động vào sứ mạng gồm ba chức vụ của Người là Tư tế, Tiên tri và Vua”. Điều hết sức quan trọng ở đây là thánh hoá cuộc sống hằng ngày, một sự thánh hoá mà mỗi người phải đạt được tuỳ theo bậc sống của mình. Sự thánh hoá đó có thể được thăng tiến theo mẫu mực ai cũng có thể đạt tới: “Thánh Giuse là mẫu mực của những người khiêm hạ mà Kitô giáo nâng lên những địa vị cao sang; … Người là bằng chứng cho thấy rằng để trở thành một môn đệ tốt và chân chính nối gót Chúa Kitô, không cần đến những điều vĩ đại – chỉ cần các nhân đức thông thường, đơn sơ và nhân bản, nhưng phải là những nhân đức đúng nghĩa và chân thực.”
            Lạy thánh Giu-se, xin cầu bầu cùng Chúa Giê-su cho chúng con biết noi gương Ngài, luôn tìm kiếm và xây dựng Nước Trời qua cuộc sống lao động hàng ngày của chúng con. Amen.

LM Gioan Bosco Cao Tấn Phúc (DCVSBNT)

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

chia vui cùng các bạn nha

Lên đầu trang