Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Abba! Cha Ôi (số 92)

HÃY NÓI NHƯ MẸ
Đọc Thánh Kinh Tân Ước, tôi chỉ thấy Đức Mẹ lên tiếng có ba lần. Lần đầu là lời "Thưa vâng" (x.Lc 1,38), lần thứ hai là lời "Ngợi khen" (x.Lc 1,46tt) Thiên Chúa và lần thứ ba là lời bảo con người hãy nghe lời Chúa Giêsu (x.Lc 2,5). Chỉ những lời nói ít ỏi đó, mà Mẹ Maria đã trở nên phương tiện hữu hiệu trong tay Thiên Chúa. Qua Mẹ, Thiên Chúa đã nhập thể làm người. Qua Mẹ, con người trở nên người biết ơn và biết tôn thờ Thiên Chúa. Qua Mẹ, những ai chưa biết phải làm gì trong cảnh khốn cùng biết chạy đến, nghe và làm theo lời truyền của Chúa Giêsu.
1. Người Việt Nam khi nói "vâng", "dạ" có khi diễn tả sự đồng tình, phấn khởi; có khi diễn tả một trạng thái lưỡng lự chưa thể có ý kiến khác; và cũng có khi chỉ là một sự chịu đựng. Trong khi đó, lời "Thưa vâng" của Đức Trinh Nữ Maria diễn tả sự đồng ý, vui mừng và ước ao cho điều Thiên Chúa vừa phán trở nên hiện thực. Một bề trên cao cấp của một tu hội ở Roma đến kinh lược tại Việt Nam đã nhận xét: giáo dân và tu sĩ ờ Việt Nam vẫn còn vâng lời theo thói quen. Người trên nói, người dưới nghe mà không có phân định rõ ràng. Trong khi đó Đức Maria đã vâng lời một cách đầy trách nhiệm. Nghĩa là ý định của Thiên Chúa đã được Đức Mẹ tìm hiều kỹ càng, nhất là khi mọi vấn nạn đều đã được làm cho thỏa mãn (x.Lc 1,26-37), rồi sau đó Mẹ nhận ý định đó như là quyết ý của mình: "Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói" (Lc 1,38).

2. Lời "Ngợi khen" là môt lời mà thuật đắc nhân tâm cho là hữu dụng nhất, nhưng cũng một bậc thầy chuyên dạy giới trẻ làm người phải lưu ý rằng khi người khác khen thì phải chú ý chất lượng của lời khen xem bao nhiêu phần trăm là "dầu" (xịn), bao nhiêu phần phần trăm là "nước" (dỗm). Nên phản ứng tự nhiên của mỗi người khi được / bị người khác khen thường hay có thái độ từ chối lời khen đó như: "không dám", "anh quá lời", "chỉ do may mắn"… hoặc phủ nhận lời khen: "Đừng chọc quê nghe bạn!"…, mặc dù trong lòng họ rất muốn nhận lời khen và đôi khi cũng thấy mình xứng đáng được ngợi khen. Riêng Đức Maria ngợi khen không vì "tiểu xảo" nhưng vì tấm lòng Mẹ đang ngấm chìm trong dòng suối ân sủng. Do đó khi bà Elizabeth khen: "Em thật có phúc hơn mọi người nữ" (Lc 1,42), Mẹ đã hồn nhiên cất lên bài ca "Ngợi khen". Mẹ nhận trọn vẹn lời khen của người khác, mà không mất công giả bộ từ chối, nhưng Mẹ đã chuyển lời khen tặng đó thành lời ngợi khen Thiên Chúa trên môi miệng của mình: "Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, vì là thân nữ tỳ mà được Người thương nhìn tới… Hết mọi đời sẽ khen tôi có phúc, vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi như vậy" (Lc 1,46tt).
3. Những người không có chuyên môn tâm lý, khi gặp một hoàn cảnh khó khăn thường hay khuyên giải. Còn những nhà tham vấn chuyên nghiệp thì tìm cách khơi lên vấn đề và khả năng thật của thân chủ, để thân chủ tự giải quyết. Riêng Đức Maria đứng trước những khó khăn của người khác, Mẹ đã đến xin Chúa ngay (x.Ga 2,3), rồi sau đó xin những người ấy làm theo lời Chúa bảo (x.Ga 2,5).
Nếu kết quả của những lời khuyên của những người không chuyên mà không lắng nghe chỉ làm tăng thêm bối rối cho người ta thì việc Mẹ Maria chạy đến với Chúa Giêsu đã là cách tốt nhất để chuẩn bị nguồn ân sủng sắp tuôn đổ xuống. Nếu kết quả của những kỹ năng khơi lên tiềm năng thành công cũng chỉ đem lại khả năng làm hòa với chính mình rồi khó khăn từ từ sẽ tính thì việc Đức Trinh Nữ Maria mời gọi con người nghe và làm theo lời Chúa đã mang lại hiệu quả giải thoát khỏi bế tắc một cách trực tiếp và tức thời.
Những lời ít ỏi của Mẹ Maria đang chạm đến lòng của những ai đang khắc khoải một cuộc sống được giải phóng thực sự khỏi những ràng buộc của dự phóng, cơ chế của cá nhân cũng như của cộng đồng. Nếu họ dám thốt lên ba lời ấy như Mẹ.
Tháng Mân Côi 2002 – AN THANH, CSsR.
HÃY LÀM NHỮNG VIỆC NHỎ MỌN NHẤT VÌ TÌNH YÊU
Cuộc sống của ta được hình dung như một tấm lụa được dệt bằng những hành động rất bé nhỏ, thông thường như cầu nguyện, ăn uống, và hoạt động giải trí, những việc thăm viếng, trò chuyện với nhau. Đó là sinh hoạt hằng ngày của ta.
Nhưng có lẽ chẳng mấy ai biết được tất cả điều này là một nguồn vô tận cung cấp chất liệu cho tình yêu mến Chúa của ta, cũng như củi để cung cấp chất liệu cho lửa. Nói cách khác, nếu chúng ta thực sự yêu mến Chúa, thì những hành vi nhỏ mọn ấy phải được ta biến đổi nên những hành vi của tình yêu.
Có những linh hồn chỉ chăm lo đọc kinh cầu nguyện vì cho rằng đời sống đạo đức chỉ là ở những việc sùng kính hệ tại mà không biết rằng, việc dâng cho Chúa cả ngàn công việc nhỏ mọn hằng ngày và cố gắng làm các việc đó cách thận trọng vì lòng mến Chúa, thì ta cũng đã làm việc đạo đức rồi. Khi bạn có một tình yêu chân thành và tha thiết đối với Chúa, bạn cũng phải làm việc nỗ lực như khi bạn cầu nguyện. Bạn đã không thấy rằng, Chúa không vui lòng khi thấy ta làm những công việc lớn lao nhưng rất ít khi, cho bằng thấy lòng trung thành của ta luông đầy đủ và trung thành làm mọi việc thường ngày vì tình mến yêu Ngài. Têrêsa Hài Đồng Giêsu, chị đã dùng cả cuộc đời làm tấm gương sáng để phản chiếu một chân lý rằng: Những hành động bé nhỏ nhất được làm vì tình yêu là những việc làm được Chúa yêu thích.
Thiên Chúa không nhìn vào sự lớn lao của công việc ta làm, cho bằng nhìn vào mức lớn lao của tình mến Chúa đã thúc đẩy ta làm những việc đó sách gương phúc cũng đã viết: Ai yêu mến nhiều thì làm nhiều.
Chỉ cần nhớ rằng Thiên Chúa là Cha chúng ta. Ngài muốn ta cư xử như những đứa con của Ngài. Chúng ta càng có những cử chỉ và những tâm tình của những trẻ nhỏ đối với Cha mình thì Ngài càng hài lòng.
Một người Cha mong chờ gì ở đứa con bé bỏng của mình, hẳn nhiên không phải là những công việc lớn lao, ông chỉ trông mong những điều hết sức đơn sơ, phù hợp với khả năng, hay nói đúng hơn, phù hợp với sự bất lực của con mình: Một cử chỉ, một sự âu yếm, một cái nhìn đầy tình yêu, một bông hoa nhỏ, hay bất cứ một vật bé mọn nào đứa trẻ lượm ở dọc đường và dâng cho ông với một nụ cười.
Vậy Thiên Chúa cũng chỉ mong có thế nơi chúng ta, những đứa con bé nhỏ của Ngài trên mặt đất này.
Đó cũng chính là điều thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã hiểu rõ, và chị đã dùng điều đó làm ánh sáng soi đường cho cuộc sống của mình, khiến chị được Thiên Chúa yêu thương vô cùng. Chị đã nói: "Tôi sẽ cứ bé nhỏ mãi, không biết làm gì khác ngoài việc đi hái những bông hoa, những bông hoa tình yêu và hy sinh để dâng lên Chúa cho Ngài vui" (trích Tinh Thần Thiếu Nữ Terexa).
Những bông hoa này, chị thánh đã hái mỗi ngày trong khu vườn của cuộc sống cộng đoàn, của bổn phận mình…
Soi vào đời sống bé thơ của chị Thánh, ta như thấy rõ ràng lắm một "con đường nhỏ", đó là con đường mà "con nhỏ" đã dùng để đi đến với Cha hiền của mình.
Con nhỏ sống trong tình yêu chỉ có:
– Một luật lệ duy nhất và đơn giản là tình yêu giữa Chúa và linh hồn.
– Một khuôn khổ vô biên, tức là sự vô biên của Thiên Chúa mà con nhỏ hằng nhắm mắt đi tới và đi vào bởi tình yêu.
– Một hình thức vô vi, tức là sự hư không của con người, con người phải tự nguyện và xác tín về sự hư vô, nhỏ bé của mình để đón nhận lấy lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa và phải luông tâm niệm: Thiên Chúa là tất cả, còn mình là hư không.
Đường lối của con nhỏ là chỉ nhắm vào tình yêu, sống trong tình yêu do đó mọi hoạt động của nó cũng bởi tình yêu mà phát xuất. Đã do tình yêu mà ra thì hành động cử chỉ rất đơn giản, thanh thoát, miễn là hướng đến cùng đích là Thiên Chúa. Nhu cầu sống của con nhờ trong tình yêu, chỉ là yêu và được yêu. Và phải yêu mến Chúa bằng tình yêu của con thơ phó thác, nghĩa là đời sống thiêng liêng của ta phải đầy Tin, Cậy, Mến trong đơn sơ để khiêm nhường bé nhỏ chứ không phải là bé nhỏ bằng những cử chỉ nũng nịu, nhõng nhẽo, ướt át của những tình cảm tự nhiên của con người sống ngoài chân lý siêu nhiên của Thiên Chúa.
Giống như chị thánh Têrêsa, ta cũng hãy để linh hồn ta khiêm nhường, tức là ở đúng trong sự thật mà tin tưởng cậy trông yêu mến Chúa mãnh liệt, hãy để Chúa Thánh Linh hoạt động trong linh hồn bởi các linh ân của Người để biến đổi tâm hồn ta ra thơ bé, để được là con nhỏ cưng yêu của Chúa – là Cha hiền của mình, và để được sống đúng là con thảo của người.
Thánh Augustinô đã nói: Yêu ai thì giống kẻ ấy, yêu đất thì trở nên đất, yêu Chúa thì trở nên Chúa. Hay như thánh Toma: Sự thánh thiện không ở tại biết nhiều, suy nhiều, nghe nhiều. Bí thuật lớn lao của sự thánh thiện là yêu nhiều.
Thánh nữ Têrêsa đã đi đúng con đường ấy. Chị đã dệt tấm lụa cuộc đời chị bằng chính tình yêu vô biên, sự hiến thân phó thác để nói được rằng: Cha tôi là tất cả, còn tôi là không. Tôi yếu đuối bất lực, nhưng Cha tôi có tất cả, và tất cả những gì của Cha tôi là của tôi.
Chẳng phải khi đến trước toà phán xét, con nhỏ sẽ được Cha hiền ôm trên tay và nói rằng: Hỡi con nhỏ của Cha, Cha đã hiểu con rồi, vì cả đời con, con đã biết sống nhờ cậy vào công nghiệp giá máu của Con Cha. Con đã thâm tín sự yếu đuối, nhỏ bé, hư vô của con, và vì yêu mến Cha, con đã tín thác nơi Cha và đã hoàn toàn hiến thân phó thác cho Cha tuỳ nghi sử dụng con để làm việc đẹp lòng và sáng danh Cha. Con đã sống cho Cha hơn cho con. Con đã làm thỏa tình yêu Cha, vì cả đời con đã sống lệ thuộc vào Cha và chỉ khát khao Cha. Nhiều lúc con đã phải mò mẫm tìm kiếm Cha trong đêm tối của Đức tin, con đã tin yêu trong sự khiêm nhường nhỏ bé của con và sống trong tình yêu Cha, nên con đã làm sáng danh Cha lắm. Vậy suốt đời con đã đói khát Cha thì nay con được no thỏa. Suốt đời con đã gõ cửa thì nay Cha mở Thánh Tâm Cha để đón nhận con. Cha đây nên phần thưởng hạnh phúc suốt đời cho con và tôn vinh con như Cha đã hứa.
Ôi hạnh phúc cho ai sống đời con nhỏ!
Mừng lễ Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, THERESA THẢO.
GIỜ HÀNH HƯƠNG CỦA GIỚI TRẺ Ở LA VANG
Ban tổ chức Đại Hội La Vang lần này yêu cầu nhóm phụ trách Giờ Hành Hương Giới Trẻ dành 15 phút đầu để ôn lại lịch sử Giáo hội Việt Nam. Kể cũng khó, vì trong 15 phút ngắn ngủi thì chỉ có thể nói rất khái quát, làm sao gợi lên được cả một quá trình lịch sử phong phú diệu kỳ? Nhưng ở Đại Hội La Vang, có một nhân tố thuận lợi không có ở nơi nào khác: ở đây, các bạn trẻ cả nước hội tụ, mỗi người, mỗi đoàn mang theo ký ức và truyền thống của quê hương mình.
Nhóm phụ trách Giới Trẻ kêu gọi các bạn trẻ tích cực góp phần cho nội dung giờ hành hương. Lời kêu gọi được tung ra đã được đáp ứng bằng tất cả thiện chí và nhiệt tình của Giới Trẻ.
Tối ngày 13/8/2002, các bạn trẻ đến từ miền Bắc đã họp nhau ở Dòng Chúa Cứu Thế Huế để chuẩn bị phần đóng góp của mình. Các bạn miền Trung, miền Nam thì họp ngay trên Linh Địa La Vang vào trưa ngày 14/8. Vào giờ ăn trưa hôm đó thì kể như đã ráp nối xong những mảng ký ức lịch sử của cả ba miền Việt Nam.
Khi Giờ Hành Hương bắt đầu, cha Phục và cha Dũng dẫn đầu đoàn Giới Trẻ mũ trắng, đi đầu là cây Thập Giá cao 3m, một bạn nữ bưng một khay muối và một bạn nam giơ cao ngọn đuốc sáng, cùng với lá đại kỳ tiến bước về Lễ Đài trong tiếng hát hào hùng mà tươi trẻ:
"Lạy Chúa, chúng con về từ bốn phương trời, lạy Chúa, chúng con về từ khắp thôn làng, cùng với lớp sóng người hành hương, về Nhà Chúa đi, về Nhà Chúa đi... Về La Vang nơi đây, vòng tay Mẹ hoài yêu dấu, về La Vang nơi đây, quỳ dâng Mẹ lời khấn cầu, rồi ra khơi muôn nơi trên quê hương, trong yêu thương, lướt qua bao sóng gió lớn... Về La Vang nơi đây, nguyện xin làm hạt muối trắng, về La Vang nơi đây, nguyện xin làm hạt muối mặn, rồi ra đi muôn nơi trong hân hoan, đem chia san, ướp thương yêu khắp đất nước... Về La Vang nơi đây, nguyện xin làm ngọn nến trắng, về La Vang nơi đây, nguyện xin làm ngọn đuốc rạng, rồi giơ cao soi cho bao anh em, trong đêm đen, thắp Tin Vui sáng lẽ sống."
Khoảng gần 30 bạn đã có mặt trên lễ đài, với hàng chục ngàn bạn trẻ khắp nước bao quanh để cùng nhau ôn lại lịch sử chung. Các bạn trên lễ đài hiểu rõ rằng thời gian rất hạn chế. Các bạn nói rất ngắn và nối tiếp nhau liên tục.
Mở đầu là một bạn trẻ vùng Ninh Cường: "Thưa các bạn, tôi từ vùng nông thôn Ninh Cường, giáo phận Bùi Chu tới đây. Chính ở quê hương chúng tôi mà lần đầu tiên đã có một vị Thừa Sai của Chúa để lại tên mình trong sử sách. Theo khâm Định Việt Sử, thì năm 1532, đã có một nhà Truyền Giáo tên là I-nê-khu loan báo Tin Mừng ở quê hương chúng tôi. Ngày nay nếu các bạn về thăm quê tôi, những tháp chuông Nhà Thờ nối nhau vươn cao trên đồng ruộng xanh tươi, xin hãy cầu nguyện để hiệp thông với bao thế hệ thừa sai đã vun trồng Lời Chúa..."
Một bạn khác tiếp lời dõng dạc: "Thưa các bạn, tôi là người Quảng Nam đây, từ thế kỷ XVII, các Thừa Sai cùng với các Giáo Dân Nhật bị cấm cách bắt bớ đã sang nước ta tỵ nạn ở Hội An, mở đầu cho công cuộc Truyền Giáo của Dòng Tên ở Việt Nam. Nếu các bạn đi thăm phố cổ, xin đừng quên ghé Nhà Thờ chúng tôi, viếng mộ các Thừa Sai đã sống và chết ở miền Nam Hà này."
Một cô gái Hà Nội: "Ở kinh đô Thăng Long Kẻ Chợ chúng tôi, năm 1627, cha Đắc Lộ đã từng ứng dụng Phép Giảng Tám Ngày, rồi ngài đã lập hội các Thầy Giảng, rất nhiều người nghe giảng, học đạo. Bản thân tôi hiện nay cũng là một dự tòng, được vinh dự đi theo bước chân của bao thế hệ đã mở cho tôi con đường đức tin..."
Cộng đoàn hoan hô râm ran khi một thanh niên hãnh diện giới thiệu mình là người đồng hương của Thánh Tử Đạo An-rê Phú Yên...
Xen kẽ vẫn là những lời hát đầy xác tín sâu xa về sứ vụ cùng với Đức Ki-tô, cùng với Mẹ Ra Khơi với Lòng Tin và nhiệt huyết của tuổi trẻ Việt Nam:
"La Vang ta ra khơi cùng với Đức Ki-tô, La Vang ta ra khơi để đón ánh nắng vui, La Vang ta ra khơi để hát tiếng kêu mời, La Vang ta ra khơi thả lưới, lưới muôn người.
Thuyền ta đi băng qua bão mưa ngàn xa, thuyền ta đi băng qua thế gian phù hoa. Anh em ta không lo vì trong Giê-su Ki-tô, thì ta hiên ngang hô to: Lời Tin Vui Cứu Độ.
La Vang ta ra khơi cùng với Đức Ki-tô, La Vang ta ra khơi để đón ánh nắng vui, La Vang ta ra khơi để hát tiếng kêu mời, La Vang ta ra khơi thả lưới, lưới muôn người.
Thuyền ta đi no gió sức thiêng thần linh, thuyền ta đi trong đâm tới khi bình minh. Anh em ta không quên Mẹ La Vang luôn bên ta, Mẹ La Vang luôn nâng niu, Mẹ La Vang dấu yêu..."
Cứ thế, các bạn trẻ nối nhau chia sẻ, không để một phút nào trống... Sau đời các cha Dòng Tên đến hội Thừa Sai Paris và thời có các Giám Mục Đại Diện Tông Toà ở Việt Nam, rồi các Thánh Tử Đạo...
Một phút sôi nổi hân hoan là khi giọng nói Quảng Trị dõng dạc xướng lên: "Ở nơi Linh Địa La Vang này, năm 1798, Đức Mẹ đã hiện ra an ủi, nâng đỡ các con cái của Người đang đau khổ vì bị bách hại..."
Dân Bằng Sở ngoại ô Hà Nội nói về thánh Lê Tuỳ hay làm phép lạ. Xứ đạo Đồng Trì gần đó lại lưu giữ được ký ức về Thánh Ven (Vénard) vị Tử Đạo rất thân thiết với tâm linh Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng, bổn mạng các xứ Truyền Giáo...
Người Phát Diệm nhắc lại kỷ niệm về bà Thánh Đê, quê Phúc Nhạc, vị Thánh Nữ duy nhất trong 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam...
KHỞI PHỤNG - TIẾN LỘC - QUANG UY
Đại Hội La Vang lần thứ 26, 2002 ( Còn tiếp )
ĐỐ VUI BẰNG THƠ – VÈ: Tác giả NGUYỄN ĐỨC QUỲNH (Úc Châu)
BÀI SỐ 6: TRẢ LỜI MẪU
1 – Cao ngất cây buồm
Cột buồm chằng dây
Khiến cây không đổ
Biển hồ thuận gió
Nguy khó bão giông.
2 – Dấp cá mùi tanh
Rău răm lai thành
(*6)
Mùi tanh giảm bớt
Hương vị ngon lành.
3 – Bánh xe ngoài đường
Ở đủ mọi nơi
Gầm giường gầm tủ
Đói chẳng dám xơi.
4 – Con diều lộng gió
Nó bay qua Tầu
Đầu dây bên ta
Nước nhà biên giới.
5 – Lấy lửa ông táo
Đốt điếu thuốc lào
Hút vào bị say
Lăn quay ra bếp
Tiếng ù... Khói bay.
(*6) Lá rău dấp cá có mùi tanh tanh, nhiều người sợ không giám ăn. Vì vậy ông Nguyễn Đức Quỳnh đã có sáng kiến và nghệ thuật cho lai giống với rau răm để mùi tanh được giảm đi, tăng thêm mùi vị thơm ngon hơn, có nhiều màu sắc: Đỏ, tím, vàng, xanh... Làm cảnh tuyệt đẹp. Ông đã đặt tên cho loại rău thơm mới này là Răm cá. Răm cá có nhiều dược tính tốt cho sự tiêu hóa... Đường kinh nguyệt, huyết trắng... cho nữ giới…
GIỚI TRẺ TIN YÊU
(ABBA – Đồng Tháp) _ Thứ bảy, ngày 21.9, hơn 50 bạn trẻ từ Tp.HCM đã hăng hái xếp ba-lô, lên xe tiến về huyện Lấp Vò – Lai Vung, Đồng Tháp để cùng vui chơi với các em nhỏ ở đây. Gần 700 em gồm cả các em thiếu nhi quanh vùng Lấp Vò cũng nô nức về dự "Hội Trăng Rằm"…
Được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, các bạn trẻ đã tổ chức cho các em một chương trình khá hoàn hảo, bắt đầu bằng việc tổ chức các trò chơi dân gian như đập lon, nhảy sạp,… Sau đó là chương trình văn nghệ vui nhộn với sự góp mặt của cả các bạn trẻ ở huyện Lấp Vò và các em thiếu nhi nơi đây.
Và rồi theo chân đoàn múa lân và ông địa, các em được nhận đèn, thắp nến và đi rước vòng qua chiếc cầu nhỏ trước giáo xứ Long Hưng, để đến địa điểm nhận quà gồm bánh kẹo, tập vở, bút màu, sữa… Cả một vùng Lấp Vò như rực sáng bởi những ánh nến lung linh của các em nhỏ và rộn ràng với những tiếng cười hòa lẫn tiếng trống lân. Đêm "Hội Trăng Rằm" đã tan mà các bạn trẻ còn quyến luyến như không muốn về… Đâu đó là những lời hẹn gặp lại, những cái nắm tay bịn rịn…
Các bạn trẻ đến đây không chỉ để "cho", họ còn "nhận" được cả tấm lòng của bà con ở đây thông qua những bữa cơm dân dã. Bạn có biết không, "đặc sản" của Lấp Vò – Lai Vung là nem và củ ấu và… Những củ ấu được trao đi dường như không còn "méo" nữa.
SÓC CON


Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang