Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Giáo dục thiên niên kỷ thứ ba (Tập II)


10-Trường Kitô lâm nguy ở thời đại chúng ta, ở giữa xã hội hiện tại với cách sinh họat và tư tưởng của thế hệ này.
Lâm nguy vì những gía trị của trường Kitô bị lu mờ, lâm nguy vì những gía trị căn bản của trường Kitô để tồn sinh bị chôn vùi, chê bai, loại bỏ. Thế nhưng chính những gía trị ấy mới là lý do tồn sinh của sứ mạng truyền bá đức tin của trường Kitô.

Thật vậy trong những năm gần đây quần chúng đã chú ý đến ích lợi của việc giáo dục và học hỏi; và đã nhìn nhận sự cần thiết của nhà trường; dư luận về sự cần thiết của học đường đã thức tỉnh các chính phủ và các tổ chức quốc tế chú ý đến việc giáo huấn tuổi trẻ. Nhưng giáo huấn ấy lại chú trọng nhất đến việc đào tạo những chuyên viên kỹ thuật và dạy cách sinh sống theo trào lưu duy vật, thụ hưởng! Chứ đâu có quan tâm đến việc gíao dục đạo đức và mở mang tòan diện những quan năng và tài khiếu trong trẻ con và thanh niên thiếu nữ.
Giáo dục tân thời không quan tâm đến việc dạy chúng ăn ở như những con người có lương tri và lý tri. Luân thường đạo lý bị loại ra khỏi nhà trường. Rõ hơn, thì phải nói: "Thiên Chúa đã bị loại ra khỏi nhà trường"
Một khía cạnh khác của giáo dục tân thời:
Khoa sư phạm và những ngành khoa học về giáo dục có danh hiệu kêu vang như vậy chú ý đến khảo cứu về những hiện tượng và những phương cách trình bày, giải thích, thí nghiệm: cốt làm sao cho học sinh hiểu biết và áp dụng, đi đến kỹ thuật tạo ra những máy móc đủ thứ đủ loại để xử dụng vào đời sống hằng ngày, và để buôn bán khắp hoàn cầu cho giới tiêu thụ...vét tiền chất đống trong những ngân hàng, và ngân hàng thì thi nhau cho vay vốn và chuốc lời lãi..... cũng để làm giàu. Quần chúng tiêu thụ è lưng ra đóng góp tiền bạc bỏ ngân hàng cũng để có lãi và tiện dùng khi cần tiền mua sắm đồ dùng,người người như say sưa tiêu thụ!
Không có không được, cái vòng nô lệ vật chất máy móc là thế mà vẫn lấy làm sang khi có xe hơi đẹp, có nhà cửa cao ráo là oai là sướng lắm rồi. Đó giáo dục tân thời để có một nghề trong tay, có một việc làm để có tiền thỏa mãn óc tiêu thụ là như vậy. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ như những thế hệ thượng cổ.
Người đời xưa quen gọi là cái học vì "manh áo túi cơm." Còn có ai nghĩ đến giá trị tinh thần và đạo đức? Nhà trường im lặng cho yên thân chứ đâu có chú tâm đến bản chất của giáo dục: Tiên học lễ hậu học văn; chứ đâu có quan tâm đến những gía trị có ý nghĩa sâu xa đối với con người và đời sống tâm linh, đạo đức của thế nhân sống trên đời, sống trong gia đình, trong xã hội và liên hệ đạo đức: tin cậy mến đối với Đấng Tối Cao.
Giáo dục tùy thời, giáo dục khoa học, giáo duc vô nhân đạo, vô tôn giáo, giáo dục vô tín ngưỡng, vô luân thường đạo lý... đó là trào lưu giáo dục của thời đại này.
Nhà trường tân thời chỉ có mục đích thông tin. Học sinh học hỏi cái gì?
+ Học hỏi về những hiện tượng, những việc xẩy ra trong trời đất, trong các dân các nứơc thế gian, trong những  bệnh tật, trong những ngôn ngữ, trong sự việc gọi là lịch sử, và trời đất có những biến cố gì, có những thay đổi gì... và ngừng lại ở mặt ngòai, khả giác như vậy , chứ không đi xa đến nguyên nhân,và từ đó lần đến nguyên nhân đệ nhất, cội rễ của những hiện tượng, của những gì tai nghe mắt thấy...
+ Giáo dục hiện tại không làm cho con người dùng đến lý trí, và suy luận, và lương tâm và linh hồn và từ đó lên đến Thượng Đế Tạo Hóa muôn lòai. Cái thứ giáo dục gọi là khoa học và kỹ thuật xét cho kỹ là thứ giáo dục vô thần, duy vật, kỹ thuật, mang cái danh rất vang là giáo dục khoa-học, sẽ biến hóa con người thành những vật để xử dụng như tất cả các thứ vật dụng trong cuộc đời mà mọi người có thể mua sắm được ở các chợ búa, cửa hiệu bán hàng.Hiện nay có cách nói "mua bán những bộ óc - chất xám của con người", và cái ngành thương mại ây rất thịnh hành. Kỹ thuật hóa nhà trường: dạy kỹ thuật phá thai, kỹ thuật giết người gìa lão, bệnh hoạn nan y. Nhân phẩm chẳng còn được nhìn nhận.
Như vậy thì đừng ngạc nhiên thấy người giết người xảy ra khắp nơi cùng chốn ,và chiến tranh ác nghiệt với những thứ khí giới...tiêu diệt hàng triệu người, tàn phá những đô thị, xua đuổi từng đàn từng lũ những con người không nhà ở, không quê hương, chạy lọan...thóat thân khỏi bị giết! Giết người từng vạn, từng triệu mà chỉ cần bấm một cái nút; và người bấm nút chỉ là một chuyên viên kỹ thuật mà thôi, chứ đâu có phải là một con người còn có lý trí và lương tâm luân thường đạo lý, hoặc ít nhất là còn có cảm giác thông cảm với tha nhân đau đớn, rên xiết vì bị tàng tật.
Giáo dục tân thời đào tạo những con người máy (robot).
Kết qủa là tai họa: Những thanh niên thiếu nữ giết người, giết cha mẹ, chỉ cần có trong tay một khẩu súng là chúng làm chúa thiên hạ... Ấy robot dữ tợn là thế đó: những con người máy theo bản năng ác thú : vì không có lương tâm luân thường đạo lý để làm như một bộ thắng mạnh mẽ kiềm hãm những đam mê trên đường ác.
Con người vô giáo dục, con người không được dạy đạo làm người thì hành động như ác thú: không suy tư, không lương tâm, không lương tri làm cái thắng để chế ngự đam mê, tình dục hận thù.
Rồi báo chí, tivi kể lại chuyện giết người...một cách máy móc, khách quan... như loan một tin động trời động đất mà không một lời khuyên răn chỉ dạy, không có suy tư luân thường đạo lý chi cả.
Lại còn tìm cách giải thích một cách khoa học về bộ óc...của sát nhân là vì óc của họ tự lúc sơ sinh đa bị gài vào bạo động giết người như vậy rồi.. Và người đọc cũng chỉ đọc để biết tin tức, thỏa mãn lòng tọc mạch thế thôi, chứ đâu có nghĩ đến gía trị luân thường đạo lý của hành vi của một con người.
Đời nay là vậy, và đa số thế nhân cũng vậy, hành vi tư tưởng đều máy móc. Đó là kết qủa của nhà trường tân thời, của hệ thống giáo dục theo phương pháp khoa học quan sát và theo dõi những hiện tượng, những kết qủa của phòng thí nghiệm.
Mọi sự việc đều bỏ vào hạng "hiện tượng" đời là đời, sự việc là sự việc, chiến tranh là chiến tranh, học sinh giết chúng bạn là cách chơi súng đạn, như một thứ sport... mà bỏ quên gía trị luân lý và lương tâm đạo đức.
Đến đây chúng ta nên nhắc lại lời phán quyết của một nhà văn, người nước Pháp, đã viết: "Science sans conscience n'est que ruine de l'âme" Nôm na mà nói thì là:"Khoa học mà chẳng có lương tâm điều khiển thì chỉ tạo nên tai họa cho linh hồn." Hoặc nhớ lại lời phán quyết của Thày Lão Tử: "Làm văn hóa mà lầm thì giết muôn thế hệ."
Và đừng quên Thiên Chúa đã ban mười điều luật cho Maisen để giáo dục dân Ngài. Và Thiên Chúa đã sai Con Một duy nhất của Ngài xuống thế làm ngưòi để dạy cho loài người biết Đường về cùng Đức Chúa Cha. Đường là ĐẠO của Chúa Kitô, và nhà trường Kitô có nghĩa-vụ dạy Đạo của Chúa Kitô: tất cả các môn học đều thấm nhuần tinh thấn của Chúa Kitô. Nhà trường Kitô dạy học trò biết Chúa Giêsu là Đường, là Chân lý và là Sự Sống, như Thánh Lasan Quan Thày các nhà giáo dục đã truyền dạy trong kho tàng văn kiện của Ngài về cách thức điều khiển những nhà trường.
Cách giáo dục rời rạc từng mảnh vụn, các trị giá giáo dục phân loại, và lắm khi chiếu theo phương tiện ấy để dễ đi đến một sự đồng tâm nhất trí nơi quần chúng, kiểu đó gây tai hại cho giáo dục, lắm khi làm lu mờ cái bản chất của giáo dục; cái kiểu điều khiển nhà trường tùy theo sự ưng thuận của đại đa số theo cách chính trị dân chủ như vậy càng ngày càng lui về chánh sách "trung lập" : nhà trường đứng ở thế trung lập để thỏa mãn mọi thứ dư luận đối với giáo dục tuổi trẻ, là nguyên nhân gây hại đến sứ mạng giáo dục tuổi trẻ.
Sứ mạng nhà trường là giáo dục những người trẻ, là khai tâm mở trí cho con em, chuẩn bị những công dân lương thiện cho đất nước, cho nhân loại, và giáo huấn những người trẻ biết sống theo nhân phẩm và trung thành với sứ mạng làm người đối với những người đồng loại trong một xã hội an hòa, giữ đạo làm người - người đối xử với người, những người trẻ phải tin biết họ có một lý trí cần được soi sáng, hướng chiều về sự thiện - làm lành lánh dữ. Đó là lương tâm của con người.
Một nền giáo dục không có mục tiêu ấy thì bị nêu án là phản giáo dục. Chúng ta phải điều chỉnh cái xu hướng dần dần quên bỏ cái phận sự nền tảng của giáo dục là phải quan niệm con người và đời sống của con người cho rõ ràng và chính đáng.
Nhà trường Kitô có sứ mạng giáo dục những con người có thân xác và linh hồn, có tự do, có lý trí, có chí quyết cá biệt và có trách nhiệm, giáo dục một con người có quyền tự do, luôn luôn được mời gọi hướng thượng, sống xứng hợp với nhân phẩm của mình.
Nếu vấn đề trung-lập-hóa nhà trừờng có nghĩa là, trong thực tế, dần dần tôn giáo sẽ bị loại ra ngoài mọi hành động giáo dục và mọi nền văn hóa, thì đấy là một hành động ác ôn ngang trái. Trung lập hóa nhà trường để dần dần tiêu diệt học đường kitô-giáo là một tội ác. Ngành sư phạm phải mở rộng cái nhìn đối với sứ mạng giáo dục một cách quyết liệt và khách quan thiết thực và công bình vì lợi ích của con em, gia đình, quốc gia và nhân loại hòan cầu.
Một chút suy tư: Nhà giáo và phụ huynh còn phải quan tâm suy nghĩ đến vấn đề: "làm cách nào để giáo dục con em" và phải nêu lên vấn đề nguyên nhân : "tại sao?".
Muốn thế thì cần phải bỏ qua mọi cái hiểu lầm về sự đòi hỏi nhà trường phải đứng ở thế trung dung...tùy thời.... ví dụ như thế trung lập không được quyết định lành hay dữ , tin hoặc không tin... tự do...tín ngưỡng phải hay không phải, bổn phận lương tâm, xét đoán, phải theo cách ăn nói lịch thiệp là tôn trọng tư tửơng dư luận của kẻ khác: cái gì cũng được, cái gì cũng good, good... great, great...
Sư phạm tân thời nếu có, thì đòi hỏi: " Nhà trường phải đứng ở thế trung lập" trong việc giáo dục con em, và tái lập sự thống nhất trong những bước tiến của sứ mạng giáo dục, có như vậy mới tránh được sự tản mát trong việc học hỏi và những quanh quẩn rối loạn của những dư luận bên hữu hoặc bên tả...trong những sự hiểu biết và rừng dư luận đối với những sự kiện và những biến cố lịch sử, hoặc thiên nhiên hoặc khoa học..."
Quyết rằng: nhà trường phải trung lập như vừa diễn tả trên đây " quyết định ấy có gía trị gì? và sinh ra những hậu qủa gì?
Chúng ta nên hiểu biết rằng: Đời của người dương thế không bao giờ đứng vững ở thế trung lập. Trong thực tế của đời sống chúng ta phải chọn lựa phải hoặc trái, lành mạnh hoặc đau ốm, khổ đau hoặc sung sướng, cười hay khóc, tươi sáng hoặc buồn phiền, sáng trí hoặc mê muội...ánh sáng hay bóng tối, đêm hay ngày...đường đi nẻo bước cũng vẫy lên hoặc xuống, đi bên hữu hoặc đi bên tả...không lung tung lộn xộn được...
Giáo dục con em biết chọn lựa cho đúng với lương tâm, với lý trí với luật pháp... .Đó là giáo dục xây dựng đất nước và giúp những con người trẻ trưởng thành: lương thiện trong hành vi tư tưởng.
Nhà trường Kitô gieo ánh sáng vào mỗi hành động của con người: chú trọng đến gía trị thiết thực của con người trong cái cá tính biệt hiệu của mỗi con người học sinh - một nhân vị toàn vẹn, trác tuyệt, và cá biệt của từng học sinh kể như một nhân vị đáng tôn trọng.
Mỗi người có trách nhiệm, có tự do quyết định, có lương tâm xét xử, có tự do chọn lựa lành hoặc dữ... và ý thức xâu xa rằng: việc lành, bổn phận phải làm, việc ác phải tránh; việc lành được thưởng việc ác bị phạt bởi Chúa Hằng Sống và công bình vô cùng.
Nhà trường Kitô gieo ánh sáng vào mọi hành vi tư tưởng của con người, và dạy cho học sinh biết phân biệt lành dữ, phải trái...trong mọi sự việc, mọi tư tưởng, mọi câu chữ đọc trong sách, giáo dục óc suy tư, và óc phán đoán chính trực.
Trường Kitô hướng theo Đạo Phúc Âm của Chúa Kitô và ý thức rằng:" Chỉ khi được soi sáng bởi ánh sáng Chúa Kitô hiện thân làm người thì cái sự nhiệm màu trong con người mới được soi sáng và nhân loại mới thấu hiểu thiên mệnh của mình".
11-Trường Kitô là mối quan tâm đặc biệt của Giáo Hội.
Ở giữa một thời đại muôn màu muôn sắc, muôn chí hướng, muôn nhu cầu, muôn rắc rối, muôn mặt, muôn ước vọng...Giáo Hội lại càng phải ý thức rằng: "giáo dục phải có những đặc tính Kitô-giáo." Đặc tính Kitô ấy của nhà trường làm cho nhà trường trở nên khí cụ trong tay Giáo Hội và là một nơi thuận lợi cho Giáo Hội để thi hành sứ mạng truyền bá đức tin vào Chúa Giêsu Kitô là Thày Thiên Hạ, là Ánh Sáng thế gian, là chân lý và là sự sống của các linh hồn.
= Trường Kitô tham gia vào sứ mạng truyền bá Phúc Âm với Giáo Hội, và là nơi thuận lợi cho Giáo Hội thi hành nhiệm vụ săn sóc các linh hồn.
= Trường Kitô là những trung tâm truyền bá Phúc Âm, là lò tập luyện trọn vẹn con người, là nơi học hỏi về văn hóa, là nơi luyện nghề, là nơi học tập nên người, nên công dân tốt cho đất nước, và cũng là nơi tiện lợi cho các người trẻ đối thoại với nhau, học hỏi lẫn nhau, trao đổi văn hóa, khuyến khích lẫn nhau nên người khôn ngoan đạo đức và cũng là nơi kết tình bằng hữu,suốt đời vẫn còn nhớ nhau và nhớ những thày giáo đã dạy mình năm xưa và nhà trường mình đã quen thuộc mến yêu thủơ ấu thơ thanh xuân.
= Nhà trường Kitô là hình bóng sống động của Giáo Hội Công Giáo: ở đấy những người trẻ được huấn luyện trong đức tin, được dạy dỗ sống như những con người tin cậy mến Thiên Chúa, và có một nền văn hóa sáng ngời, ý thức rõ ràng về phẩm gía thế nhân và đời sống con người phải thi hành một sứ mạng trên cõi đời, tất cả những gía trị và đức tính cao qúi ấy được đề cao và khuyếch trương một cách êm ấm dịu dàng.
= Nhà trường Kitô luôn gợi ý nghĩa và hình bóng một Alma Mater: "Một Hiền Mẫu nuôi con khôn lớn trong lòng tôn thờ trìu mến Cha ngự ở trên trời."
12 -Trường Kitô phải được coi như một thành phần trong một giáo-phận và một xứ đạo.
Nhà trường Kitô sống cùng một đức tin trong đoàn thể những tín hữu trong một xứ đạo, một giáo phận dưới quyền một Đấng chăn chiên là Giám mục địa phận. Đấy là tinh thần hiệp nhất của những người con hiếu thảo của Thiên Chúa Ba Ngôi. Giáo Hội Công Giáo luôn nhìn nhận nhà trường Kitô là bằng chứng thiết thật của lòng thành hiến dâng cuộc đời của những tu sĩ để làm việc truyền giáo và làm chứng đức tin của mình trong nhiệm vụ giáo dục tuổi trẻ.
Ở thời đại chúng ta, việc dạy dỗ tuổi trẻ đã gặp nhiều trở ngại và khó nhọc, sự kiện ấy đã làm cho một số tu sĩ của những dòng tu chuyên việc giáo dục đã bỏ cuộc, thêm vào sự kiện ấy còn có sự giảm thiểu những ơn kêu gọi đi tu những dòng tu chuyên sứ mạng giáo dục tuổi trẻ. Đấy là mối lo âu của Giáo Hội nói chung và các Giáo Phận nói riêng. Chúng ta phải nhìn nhận sự hiện diện và việc làm của những tu sĩ hiến thánh cho Thiên Chúa để thi hành sứ mạng giáo dục tuổi trẻ trong những nhà trường Kitô là cần thiết và là một ơn trọng đại Thiên Chúa ban xuống cho ta. Những tu sĩ chuyên nghề giáo dục tuổi trẻ, dìu dắt thanh niên thiếu nữ trên đường đạo đức là một đại hồng ân Chúa ban cho một giáo phận, cho Giáo Hội và cho một quốc gia dân tộc.
Những tu sĩ giáo chức ấy phải luôn trung thành với tinh thần của nhà dòng của họ:là tinh thần của các thánh lập dòng của họ đã để lại cho họ trong những văn kiện qúi báu mà họ để lại làm gia tài cho Dòng của họ qua các thế hệ. Sự hiện diện của các tu sĩ chuyên nghiệp giáo dục là một đại ân cho các gia đình, cho họ đaọ, và cho một giáo phận. Họ làm gương sáng qua một đời hiến thánh và tận tụy nghề dạy học, là một nghề khó nhất và đòi hỏi nhiều hy sinh, nhiều nhẫn nại và tình thương tuổi trẻ.
Sự hiện diện của các tu sĩ nam nữ bên cạnh các linh mục và Giám Mục Địa Phận và những nhà giáo khác lo cho tuổi trẻ sống đạo dức trong kỷ luật theo giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô là hình ảnh trung thực nhất của Giáo Hội của Chúa Kitô giữa một họ đạo, một giáo phận và một đô thị.
Như vậy nhà trường Kitô đứng lên làm chứng về đức tin và lòng trung thành sống theo Phúc Âm của Chúa Kitô vậy.
Ước gì được như vậy! Nghĩa là chúc nguyện cho nhà trường Kitô họat động trung thành với sứ mạng của mình thì mới thật là như một Hải Đăng hoặc một Vì Sao Đức Tin soi đường cho giới trẻ về cùng Chúa Giêsu Kitô để được ơn cứu rỗi trường cửu.


Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang