Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Abba! Cha Ôi (số 18)

                                                                                    THÁNH KINH LÀM CHỨNG
Phương Nhung sống trong một gia đình Công giáo lâu lắm rồi, nhưng cô thấy không có lý do chính đáng để mình theo đạo. Hàng xóm cô có bao nhiêu người Công giáo cũng cãi nhau, cũng ly dị, cũng nói dối, thề gian. Ngay những người Công giáo cô đang sống chung cũng chẳng thánh thiện cho lắm.
Nghề thợ may buộc Nhung phải tiếp xúc với đủ loại người, mặc dù cô chỉ thích sống một mình. Bất chợt cửa hàng của cô đón một ông Mỹ đến may đồ. Đối với Nhung, ông Mỹ này cũng không có gì đặc biệt, nhưng hình như ông kia lại thấy nơi cô thợ may nhỏ nhắn này có cái gì, nên ông trở lại may liên tục và có những lần ông ghé chỉ để nói chuyện đôi ba câu mà chẳng hề may đồ. Cứ mỗi lần có dịp ghé Việt Nam là ông Mỹ ấy lại đến (nói ông Mỹ, vì lúc đầu Nhung chỉ gọi như vậy, nhưng thực ra anh ta chỉ mới hơn 30 tuổi một chút).

Rồi lúc tình cảm chín muồi, anh này đã tỏ tình và xin cưới Nhung làm vợ. Nhưng không để Nhung cảm thấy bị ràng buộc, anh ấy đề nghị Nhung nên qua Mỹ một thời gian, nếu thuận tình thì sẽ tiến đến hôn nhân. Nhung không tha thiết chuyện lấy chồng, nhưng nếu được qua Mỹ thì quá sướng,nên cô đồng ý.
Phương Nhung bắt đầu tiến hành thủ tục để đi Mỹ. Mỗi lần đến bộ phận chuyên trách của Tổng lãnh sự quán Mỹ là Nhung sợ, vì họ hoạch hoẹ đủ điều. Họ hỏi cả những điều rất riêng tư. Điều làm cho cô khó chịu là luôn bị người ta hoài nghi về các câu trả lời. Cô không còn hy vọng chuyện đi Mỹ nữa. Nhưng lúc ấy tình cảm của Nhung và David lại bắt đầu nẩy nở trong lòng cô thật hơn và lớn hơn. Cô xin những người Công giáo sống gần cô đi khấn.
Lần phỏng vấn cuối cùng của phía Mỹ dành cho cô để đưa ra quyết định hoặc cho cô đi, hoặc hủy bỏ toàn bộ hồ sơ. Đầu tiên, người phỏng vấn đặt quyển Thánh Kinh một cách nghiêm cẩn trước mặt cô rồi bảo: "Cô hãy đặt tay lên đây rồi thề đi!" Cô chỉ coi việc này như một nghi thức, nên nhanh chóng làm cho xong. Nhưng kể từ đó trở đi, Nhung đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên kia. Trước tiên, tất cả mọi câu trả lời của cô, người phỏng vấn đều tin, đến độ cô phải hỏi: "Tại sao hôm nay lại tin tôi, còn những lần trước thì…?" Người phỏng vấn trả lời ngay: "Thánh Kinh đã bảo chứng cho lời nói của cô!"
Thánh Kinh là gì mà có thể bảo chứng cho lời nói của tôi?
Nhung quyết định đến nhà thờ gần đó xin học giáo lý. Cô thầm cám ơn người dạy đã yêu cầu cô trong suốt thời gian học phải đọc hết Tin Mừng theo thánh Gioan và thư Rôma.
Những án văn không chỉ làm cho cô thỏa lòng vì hay và xác tín mà bắt đầu làm cho cô cảm nhận một con người mà cô bắt đầu gọi bằng Chúa. Cô viết: "Trong tim con đã ngự trị hình ảnh của Chúa. Ngài đã soi sáng và đem lại vinh quang, bình an". Đến với Chúa hay để Chúa sống trong mình, Phương Nhung cảm nghiệm cách sâu xa: "Trong cuộc sống, nếu không có Chúa thì chỉ là cuộc mua cạm bẫy của sự dữ, cuộc đời chỉ là một bức màn đen tối và loại trừ người khác. Nhưng khi có Chúa, cuộc đời sẽ tươi sáng".
Cô kể, Chúa đến làm cho em không còn sợ hãi, nhất là Ngài đã ban cho em những giấc ngủ an lành. Cô Maria Phương Nhung đã chính thức đón nhận các bí tích khai tâm ngày 18/3 vừa qua. Trong ngày đó, cô sung sướng ca khen lời Chúa: "Lời Chúa là ngọn đèn cho con bước, là ánh sáng chỉ đường cho con".
NGUYỄN LÊ PHAN ANH
CUỐN PHÚC ÂM THEO BẠN
"Câu chuyện đẹp nhất kể cho nhân loại
Đã được viết lại từ thuở xa xưa
Bởi Máthêu, Marcô, Luca và Gioan
Mạc-khải Chúa Kitô và sứ mạng Ngài trên trần thế.
Còn bạn, bạn viết Phúc-âm, mỗi ngày mỗi chương
Bằng cách sống của mình, tệ hại hay ngay lành
Khi kẻ khác đọc thấy, họ sẽ nghĩ gì
Về cuốn Phúc-âm theo bạn?
Phúc-âm là chuyện tình tuyệt diệu
Rạng chiếu nơi cuộc sống thần thánh Chúa Kitô
Ôi, chân lý ấy ước gì còn kể lại
Nơi chuyện đời của bạn và tôi.
Bạn vẫn viết, cho người, mỗi ngày một chữ
Cố làm sao chữ bạn viết ngay lành
Vì Phúc-âm gần nhất mà người ta đọc được
Lại là Phúc-âm do đời bạn viết nên".
Wallace E.Norwood
CUỐN SÁCH GIẮT LƯNG
Tôi không biết trong các bạn sinh viên mình đã làm quen với cuốn Tân Ước chưa, chứ tôi thì mới được khoảng hơn nửa năm nay thôi. Vì thế, tôi cho đó là một sự thiệt thòi, bạn có cảm thấy như vậy không?
Và tôi cam chắc rằng không chỉ tôi, mà còn có những người Công giáo trong chúng ta, cũng như tôi, thậm chí còn có những người lớn chưa biết đến hình dạng của cuốn Tân Ước ra sao. Các bạn và tôi, những người trẻ đành khoanh tay đứng nhìn để kho tàng quý giá của mình mỗi ngày mỗi mai một sao?
Không thể thế được, phải làm cái gì đó, vì chính tôi đã tìm thấy hạnh phúc trong Tân Ước, phải chia sẻ với mọi người thôi.
Bạn có nghe người ta nói bói Kiều không? Tôi đã làm như vậy với cuốn Tân Ước của mình mỗi khi bất an, nhắm mắt và lật bất kỳ, đụng đâu đọc đó và cảm nghiệm, tôi tìm được trong đó sự thanh thản. Có lần, người bạn cùng phòng (lương giáo) thấy hiếu kỳ, đã mượn cuốn Tân Ước và bắt chước tôi "bói", và bạn ấy nói rằng những lời đó đúng với tình trạng của bạn hiện tại. Các bạn thấy độc chiêu chưa?
Một hôm nọ, tôi đi lễ chiều ở nhà thờ Phú Hạnh, cha xứ rao sẽ biếu không cho những người trong giáo xứ không có Tân Ước, tôi cảm thấy rất vui.
Vậy các bạn, ai cần cứ liên hệ địa chỉ bên dưới nhé. (free trước mắt là 20 cuốn, nhanh mail lại, và ghi địa chỉ liên lạc nhé).
MARIAT
GIỚI TRẺ TIN YÊU
(ABBA-Cần Thơ): Gần 200 ngàn bạn trẻ hô to khẩu hiệu " Vui mừng và hy vọng" để đánh dấu ngày hội truyền thống sinh viên Công Giáo Cần Thơ lần thứ 15 (22-4-2001).
Trong ngày hội, ngoài sự hiện diện diện của các bạn SVCG Cần Thơ, còn có các đòan SVCG Sài Gòn, Vũng Tàu, Qủang Nam, Đà Nẵng... về dự. Ngày hội kéo dài từ 7 giờ 30 đến 15 giờ trong bầu khí tươi vui và thánh thiện. Mở đầu nghi thức, các anh chị cựu sinh viên đã dâng nến Phục Sinh và lễ vật tượng trưng cho hoa quả đầu mùa của Chúa đã và đang gieo trong lòng sinh viên và những môi trường họ đang phục vụ. Mọi người truyền cho nhau ngọn nến sáng và cùng nhau ngợi khen Chúa bằng những bài tình ca truyền thống sinh viên.
Sau thánh lễ mọi người cùng chia sẻ với nhau bữa cơm lòng mến (Agape) và tiếp tục giao lưu tư tưởng, văn nghệ với nhau.
Được biết việc giúp cho sinh viên sống đạo và dấn thân phục vụ Chúa là một bận tâm lớn của Đức Giám Mục địa phận, nên chính ngài đã đến tham dự ngày này với sinh viên. Dịp này, các em sinh viên có cơ hội thấy tinh thần phục vụ của các anh chị cựu sinh viên để cố gắng tiếp nối...
THU NGÔ


Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang