Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Abba! Cha Ôi (số 19)

TÌNH YÊU THA THỨ
     Có một chàng thanh niên nọ, nghe theo bạn bè xấu bỏ   nhà đi hoang. Sau một thời gian ăn chơi trác táng, anh ta hồi tâm lại và muốn quay trở về, nhưng lại sợ bố mẹ không tha thứ. Suy nghĩ hồi lâu, anh ta quyết định viết thư cho bố mẹ. Bức thư có đoạn viết: "Bố mẹ ơi! con vô cùng ân hận vì đã bỏ nhà ra đi. con đã tự dứt bỏ tình cảm thân thương mà bố mẹ dành cho con; con đã bỏ đi cuộc sống êm đềm bên cạnh bố mẹ. Nay con chân thành muốn trở lại nhà và sống những ngày còn lại trong tình cảm ấm êm bên cạnh bố mẹ. Nếu bố mẹ tha thứ cho con, xin lấy một miếng vải trắng và cột trên cành táo trước nhà để làm dấu…"

     Ngày hôm sau, trên chiếc xe khách, anh ta ngồi với tâm trạng lửa đốt. Khi chiếc xe đi gần tới nhà anh ta, anh ta cúi xuống và không dám nhìn về phía trước, vì sợ sẽ không có miếng vải nào trên cây. Anh ta nhờ người bạn đồng hành bên cạnh "Này bạn, khi tới khúc quanh trước mặt kia, nhờ bạn xem giúp ở cây táo trước nhà bên tay phải có miếng vải trắng nào treo trên cây không". Người bạn trả lời trong sự ngạc nhiên: "Bạn ơi, không phải là một miếng, mà tất cả mọi cành đều có những miếng vải, và cây táo trở thành một bông hoa rất to đang khoe sắc rực rỡ."
    Bạn thân mến! Khi yêu ai, chúng ta rất dễ thông cảm và bỏ qua những lỗi lầm của người ấy; và hơn thế vạn lần, Thiên Chúa sẽ tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta, dù tội đó có lớn tới đâu, vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta với tình yêu vô biên của Ngài. Thiên Chúa đã bày tỏ trọn vẹn tình yêu vô biên ấy nơi Đức Giê-su Ki-tô. Trong dụ ngôn "Người Cha nhân hậu" (x Lc 15,20b-24), thánh Luca đã giới thiệu cho ta biết được phần nào về lòng bao dung của  Thiên Chúa:
     Người cha, ngày ngày đứng ngồi không yên, lo lắng không biết con mình ra sao. Chắc hẳn, ông gầy yếu đi về nhớ thương. thế rồi, một ngày kia, ánh mắt già nua của người cha bỗng thấy đứa con từ đàng xa, "Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để" (Lc 15,20). Cũng thế, Thiên Chúa đang chờ đợi ta trở về. Người sẵn sàng tha thứ để ta lại được làm con cái Chúa.
     Lạy Cha, vì yêu thương loài người chúng con, cha đã dựng lên chúng con giống hình ảnh Cha và ban cho khả năng yêu thương. Dù thế, chúng con đã phụ lòng Cha thương yêu, mà cam chịu kiếp nô lệ: làm tôi tiền của, danh vọng, cái tôi của riêng mình… chúng con đã khép lòng lại, để cho hận thù, ích kỷ làm hư hại trái tim tươi đẹp mà Cha đã tặng ban. Thấy chúng con xấu xa như thế, Cha lại sai chính con một của Cha đến chia sẻ kiếp sống của chúng con, đền tội chúng con, để chúng con được sống và sống dồi dào.      Trước tình yêu thương vô cùng của Cha, nhìn lại sự đáp trả của mình, chúng con vô cùng hổ thẹn. Xin Cha tha thứ cho chúng con. Giúp con biết làm lại cuộc đời mà đáp trả tình yêu của Cha cho cân xứng. Amen.
TIẾN QUANG-Hà Nội
MỖI KITÔ HỮU ĐỀU ĐƯỢC GỌI TRỞ NÊN CHỨNG NHÂN CỦA PHÚC ÂM
BẰNG CÁCH TIẾP CẬN TRỰC TIẾP, GIỮA NGƯỜI VỚI NGƯỜI
Hẳn nhiên, bổn phận này cũng có thể thực hiện dưới nhiều hình thức, kỹ thuật khác nhau, nhằm canh tân cuộc sống xã hội, cổ vũ công bằng và hòa bình trên thế giới. Nếu ta cho rằng không phải Kitô hữu nào cũng có thể đóng nổi một vai trò hữu hiệu trên bình diện xã hội, trong sinh hoạt tập thể, thì ta cũng biết có một lối tiếp cận trực tiếp và thân mật mà mỗi người ở cấp độ nào cũng có thể làm được. Người ta đã lạm dụng hình ảnh giọt nước rơi xuống mặt biển và biến tan mất trong khối nước mênh mông để hạ thấp giá trị của việc làm chứng trực tiếp, của lời nói trao đổi giữa hai con người với nhau; phải thay hình ảnh này với hình ảnh của cây diêm đang cháy và tiếp cận với cây diêm khác.
Lacordaire từng nói: Kitô hữu là một người đã được Chúa Giêsu Kitô phó thác những người khác cho mình. Và vì thế tôi phải làm sao để họ xác tín về niềm hy vọng ấp ủ trong tôi, mỗi lần tôi có dịp để làm chứng.
Thánh kinh nói rằng chúng ta sẽ trả lời về mỗi lời chúng ta đã nói. Và có thể chúng ta cũng phải trả lời về những lời chúng ta không chịu nói, khi có cơ hội, vì những lời ấy không phải là dụng cụ ân sủng của Thiên Chúa đến cho người bên cạnh chúng ta hay sao!
Khủng hoảng trong việc rao truyền Phúc-âm trước tiên không phải do thiếu giáo lý viên (giáo sư tôn giáo hoặc giáo sư thần học), nhưng vì thiếu những người nam, nữ Kitô hữu cảm nhận được niềm vui của Chúa, biết tha thiết chia sẻ niềm vui và sự bình an phát xuất từ cuộc sống đạo, gần gũi Chúa tự đáy lòng mình.
Đức Hồng-y Hume, ngày kia, trong một buổi thuyết giảng về rao truyền Phúc-âm, đã nói rằng muốn cho sứ điệp được lắng nghe, các đức tính phải có sự thành thật, thâm tín, vui tươi. Tiên quyết ở đây hẳn không phải là một giáo trình, một giáo sư, một lối biện bác. Người nghe lưu tâm trước hết về lối nói chân thành của người đối thoại, mức độ thâm tín bộc lộ trong cuộc sống của người nói, niềm vui tuôn tràn từ tận đáy lòng và mong được chia sẻ vì yêu thương.
"Maria, phúc thay cho em, vì em đã tin…", những lời Elisabeth nói với Maria trong lần Mẹ đến thăm tự nhiên bộc phát, khi bà thấy niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt của Mẹ: bà thấy trước tiên niềm vui đó, bà hiểu và cảm nhận liền; và nỗi hân hoan kia biến đổi cuộc "thăm viếng (Visite) thành mầu nhiệm gặp gỡ" (Visitation). Khuôn mặt rạng rỡ của Mẹ Maria cũng là một cuộc truyền tin. Niềm vui chia sẻ đó đã là Phúc-âm, Tin-mừng.
Linh mục Bernard Haering, một nhà thần học luân lý nổi tiếng đã dám viết ra những lời như sau: "Khủng hoảng của công cuộc Phúc-âm hóa phát xuất từ sự kiện này: các nhà thần học thường quá dè dặt đối với Chúa Thánh Thần và đôi khi họ không còn nói đến Ngài trong các tài liệu của họ; thế mà Kinh Tin-kính dạy chúng ta rằng Chúa Thánh Thần là nguồn ban sự sống; do đó chúng ta phải luôn nhớ đến vai trò của Ngài giúp ta cảm nhận cuộc sống của Chúa và linh hoạt đời sống đó".
Hồng Y L.J.SUENENS
GIỚI TRẺ TIN YÊU
(ABBA – Sài Gòn): Ngày 29/4, khoảng 50 sinh viên Công Giáo thuộc nhóm Kitô Vua đã tham dự ngày trại hè hằng năm.
Chủ đề của ngày trại xoay quanh câu hỏi của Chúa Giêsu đặt ra cho Thánh cả Phêrô: "Con có yêu mến Thầy không?". Các trại sinh đã thi nhau diễn tả câu trả lời bằng nhiều hoạt động phong phú như "đường lên đỉnh ASEAN" bằng ngôn ngữ tình yêu, âm nhạc và thời trang, tài năng bảo vệ sự sống, vẽ và bình các hình thức cầu nguyện của các tôn giáo… Nhưng cao điểm hơn là thánh lễ đêm cử hành sau lửa trại.
Đươc biết hiện nay nhóm sinh viên Kitô Vua có khoảng 200 thành viên, tham dự sinh hoạt thường xuyên mỗi tháng hai lần. Dịp trại này là cơ hội vừa xã hội vừa thắt chặt tình thân ái truyền giáo trong môi trường đại học.
J.B Ngô Minh Tâm


Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang