Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Chuyện kể về những người con xa xứ…


cập nhật: (03/05/2012)    

 
Lần đầu tiên đến với Sài Gòn, tôi như bị choáng ngợp bởi cái vẻ hào nhoáng, sôi động của một thành phố công nghiệp. Sài Gòn với những tòa nhà sang trọng, cao chọc trời. Sài Gòn với những dòng người hối hả ngược xuôi. Sài Gòn rực rỡ, lung linh ánh đèn, ánh điện về đêm. Đây quả thực là một thành phố hào hoa, một mảnh đất màu mỡ mà những người con xứ Thanh chọn để mưu sinh. Có những người đã thành công nhưng cũng không có ít người bị xoáy vào vòng kim tiền. Để rồi đằng sau ấy là biết bao câu chuyện, là những nụ cười và những giọt nước mắt… Nhân ngày họp mặt di dân Thanh Hóa tại Sài Gòn – 01/05/2012, Ngày lễ đặc biệt dành cho những người công giáo Thanh Hóa đang sống, làm việc và học tập tại khu vực phía Nam, tôi đã thấy, đã nghe và ghi nhớ nhiều những mảnh đời xa xứ…


Long đong cảnh đời bán vé số…

Rất nhiều di dân Thanh Hóa tới Sài Gòn hoa lệ nhưng lại làm nghề bán vé số. Cái nghề này đối với người dân Miền Nam dường như quen thuộc đến nỗi không có chắc người ta sẽ tưởng là một miền đất khác. Ngồi uống cà phê, hoặc chỉ ngồi lân la ở một quán cóc ven đường, dăm ba phút lại có một người đến rao bán vé số. Có những đứa con nít, có những người vẫn còn sung sức của tuổi thanh niên, có những người tàn tật, có những ông bà già móm mém…Người mua cho thì vui rồi, vì bán được hàng. Nhưng nhiều người không mua đôi khi còn buông những thái độ không tốt khi bị làm phiền… “Đời bán vé số cực lắm em ơi”. Chị Maria Phạm Thị Nghĩa – giáo xứ Nghi Sơn nói với tôi. Chị năm nay đã 48 tuổi, nắng gió Sài Gòn làm đổi màu da của chị. Nước da ngăm đen cộng thêm những dấu ấn về tuổi tác hằn lên khuôn mặt. Chị tâm sự đã vào đây được sáu năm. Cũng bon chen, cũng chật vật lặn lội bơi ngược dòng ở nơi phồn hoa đô thị. Nỗi nhớ nhà lúc nào cũng thường trực. “Nhưng chị cũng chỉ có một mình thôi nên cũng dễ. Chứ có gia đình chắc gì đã chịu được cảnh xa nhà”. Chị không có chồng, không có con. Làm được bao nhiêu chị dành dụm thỉnh thoảng giúp người này, người kia. Còn lại bao nhiêu thì đóng góp, hiến cho nhà thờ để xây dựng các công trình. Một ngày chị kiếm được khoảng 360 nghìn. Đối với cuộc sống độc thân, đó cũng là nhiều.

Hiện tại chị đang nuôi một đứa cháu học tại Sài Gòn. Niềm vui nhỏ bé lấp đầy khoảng trống của một người phụ nữ cô đơn, xa nhà.

Cùng có hoàn cảnh như chị là chị Têrêxa Trần Thị Nhiệm, cũng ở xứ Nghi Sơn. Các chị ở cạnh nhau, giúp đỡ nhau, chia sẻ với nhau những nỗi ưu phiền nơi đất khách. Và cứ đến ngày 01/05 hàng năm cùng hẹn nhau đến với nhà thờ Vườn Xoài để họp mặt đồng hương Công giáo Thanh Hóa. Một ngày được sống với tình quê, tình Chúa lấy lại sức của cả một năm lao động.

Nỗi niềm của những người làm công nhân…

Cuộc sống ở quê ngày càng khó khăn do đất chật, người đông. Người người Nam tiến, bỏ đồng, bỏ ruộng vào nhà máy làm công nhân. Đa số là các bạn trẻ, những người mới lập gia đình, lứa tuổi chủ yếu từ 18-40. Làm công ty so với sức khỏe của người lao động là chuyện rất bình thường, có thể coi là nhàn nhã. Nhưng có biết đâu đó cũng là những câu chuyện kể mãi không hết. Trong số những di dân có mặt tại nhà thờ Vườn Xoài ngày 01/05, đa phần là những người đang làm công nhân cho các nhà máy tại Sài Gòn, tại Đồng Nai, tại Bình Dương. Ngày nghỉ của công nhân thì ít, muốn có lương cao tí thì phải thường xuyên tăng ca. Ngày nào cũng chỉ có biết đường từ nhà trọ đến nhà máy, “đâu có biết đường mô đâu em”, Chị Maria Trần Thị Huyền – giáo dân xứ Liên Nghĩa nói với tôi. Chị tham dự ngày di dân năm nay cùng với chồng và mấy người em. Học hết lớp 9, chị đã phải vào trong này đi làm. Mới ngày đầu non nớt bước vào đô thị, cái gì chị cũng sợ. Cũng không ít lần bị người ta lừa cái này, lừa cái kia. “Cũng may mình là người có đạo em ạ, không thì không biết chị sẽ ra sao nữa”. Chị kể với tôi chị đã thấy những người bạn của mình sa ngã như thế nào, cuộc sống khốn khổ ra sao. Đang từ chốn quê ra thành phố, cái gì cũng không biết, vượt qua được tất cả những thử thách cuộc đời đâu dễ gì. Khi hỏi chị về cuộc sống ở đây thế nào, chị trả lời: “Ở đây mình kiếm được tiền dễ hơn, trung bình công nhân như bọn chị tháng cũng được khoảng 4 triệu. Nhưng đi làm bao năm mà chị chẳng thấy dư được bao nhiêu. Hết năm nay, hai anh chị về quê thôi”. Chị gặp anh ở Sài Gòn này, anh cũng là công nhân. Cái tình quê nơi đất khách vun đắp cho tình yêu đôi lứa. Nhưng xác định lâu dài thì anh chị vẫn mong muốn trở về quê hương, rau cháo nuôi nhau. “Ở đây người ta sống với nhau hờ hững lắm, không được tình cảm như người quê mình đâu”.

Không ít người có những tâm sự như chị. Nhiều người khi hỏi đến còn rơm rớm nước mắt vì tủi thân. “Sao người Thanh Hóa mình ở trong  này bị người ta rẻ rung và khinh ghét đến thế”. Những con sâu làm rầu nồi canh, những cá nhân không tốt làm ảnh hưởng đến cả một vùng đất, và khổ nhất vẫn là những cảnh đời tha phương…

Tâm sự của các bạn sinh viên…   

Số lượng sinh viên công giáo Thanh Hóa đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp tại Sài Gòn cũng khá đông. Nhưng số lượng các bạn tham gia các hoạt động của các nhóm sinh viên thì lại rất ít. Ngay trong ngày lễ di dân năm nay, số sinh viên tham gia có thể đếm được dễ dàng. Các bạn ngoài lo học còn bị cuốn vào rất nhiều những thứ khác. Đời sống ở đô thị cao hơn, trong khi đó chi phí mà gia đình chu cấp có phần hạn hẹp. Nhiều bạn phải hi sinh đi làm thêm, thời gian đi sinh hoạt không còn. Nhiều bạn nếu không đủ lập trường và ý chí, rất dễ bị tác động bởi các mặt tiêu cực. Bạn Giuse Vũ Văn Hoàng, 24 tuổi, là người giáo xứ Tam Tổng, vào Nam học đã được bốn năm. Nhưng đây là lần đầu tiên bạn đến với ngày lễ di dân. “Thực sự vào trong này, nhiều khi mình bị cuốn vào những cuộc đi chơi bạn bè, những cuộc nhậu, rồi đi làm thêm. Lu bù quá mà không để ý tới những người xung quanh mình. Ngày nghỉ nhớ nhà, nhớ quê lắm nên thường nhận lời bạn về các tỉnh chơi cho khuây khỏa. Vì vậy mà không tham dự di dân lần nào. Lần này, bạn kéo đi mới biết rằng, gặp mặt mọi người thế này vui quá…” Những lời nói thật lòng của một chàng trai trẻ cho chúng ta thấy được những lý do rất đời thường, những câu chuyện rất bình thường. Xa nhà nên luôn phải tự lập thôi. “Nhà mình nghèo, chu cấp đủ tiền ăn học thì bố mẹ không thể, mình đành phải đi làm thêm. Nhưng cực lắm. Cái cảnh đi bưng bê, dọn bàn, cái cảnh nhặt bóng ở sân bóng…nghĩ lại thôi cũng thấy rùng mình. Nhưng phải cố gắng thôi. Chỉ cần không làm mất chính mình”…

Niềm hạnh phúc giản dị…

Cuộc sống đôi khi có vất vả, có khó khăn mới đích thị là cuộc sống. Để rồi khi vượt qua con người ta mới biết thế nào là sự thương yêu, sự nâng niu và trân trọng. “Khó khăn tới mấy cũng không bằng nỗi nhớ nhà đâu em ơi. Nhiều khi nhìn người ta tíu tít về quê mỗi dịp lễ tết là tủi. Cũng muốn về lắm chứ nhưng tiền xe đâu có ít đâu” – một giáo dân Nghi Sơn chia sẻ. Nhưng bù lại, gặp được một người thân quen, nhận được một cuộc gọi từ quê nhà mà đặc biệt là ngày di dân này, nỗi buồn như được cất bớt. Tất cả đều nói vui, hạnh phúc và mong chờ từng ngày để đến với ngày truyền thống. Chỉ một cái bắt tay, một cái nhìn, một nụ cười từ những người đồng hương thôi đã xóa đi rất nhiều những giọt mồ hôi.

Rồi niềm vui khi mình là người công giáo, hàng ngày, hàng tuần đều được đến nhà thờ, có những giây phút bình yên trong Chúa. Di dân Thanh Hóa cũng được các cha Sài Gòn yêu quí và giúp đỡ nhiều. Đó là tình cảm đáng quí ở nơi đất khách.

Và cũng có những người con xứ Thanh tìm thấy tình yêu thực sự tại mảnh đất này. Tôi đã được nhìn thấy một gia đình hạnh phúc, người mẹ là di dân Thanh Hóa, bố là người Sài Gòn. Anh chị tham dự ngày di dân với hai cô con gái sinh đôi xinh như thiên thần. Hai bé đang tập nói, bập bẹ thứ giọng trộn lẫn của cả hai miền. Có những hạt lúa đã nảy mầm như thế đó. Anh không phải người công giáo, gặp, yêu và kết hôn với chị, anh đã gia nhập vào gia đình Kitô hữu. Và giờ đây, anh hạnh phúc với sự lựa chọn của mình.

Niềm vui của di dân khi gặp Đức Cha quê hương, quí linh mục đoàn, và tình liên đới mà những người xa quê dành cho nhau là những bông hoa tỏa hương trong ngày lễ di dân. Tất cả đã tạo thành những ấn tượng đẹp, những gam màu tươi sáng cho một cuộc sống bộn bề, bon chen. Xin chúc cho những niềm vui ấy mãi mãi vẹn tròn. Chúc cho cộng đoàn di dân Thanh Hóa tại Sài Gòn bình an và hạnh phúc…

Maria Én Trần

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang