Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Abba! Cha Ôi (số 111)

TÌNH YÊU : MỘNG HAY THỰC
Tình yêu là một loại hình văn hóa cao cấp nhất của con người. Tuy nhiên "mộng" quá thì mất "thực" hoặc ngược lại. Mộng là cái ảo, cái hư, nhưng vẫn là cái thực. Đó là mộng của thực và là thực của mộng. Nói đến tình yêu, thường được liên tưởng ngay đến tình yêu nam nữ và tuổi trẻ. Rog Fuller nói: "Tuổi trẻ cần cả tình yêu và tình bạn. Tình yêu làm rực rỡ tuổi trẻ, còn tình bạn làm ngọt ngào tuổi trẻ". Có tin nhau mới phát sinh tình bạn, từ đó mà nảy mầm tình yêu. Chất lãng mạn là chất tất yếu liên kết hai con người khác phái, tâm hồn và thể xác. Cả mộng và thực hòa quyện để có tình yêu hai – trong – một.
Mỗi người là một nửa. Hai nửa khác nhau ghép lại thành một vòng tròn tình yêu. Dù là hạnh phúc tình yêu hay hạnh phúc hôn nhân cũng cần thiết như nhau. Cần thiết – thiết tha – tha thứ. Có vậy người ta mới yêu nhau. Do đó: Yêu thì phải kính, kính thì phải nể, nể thì phải trọng, trọng thì phải mong, mong thì phải nhớ, nhớ nghĩa là yêu. Một vòng tròn bắt đầu từ chữ yêu và kết thúc cũng bằng chữ yêu.

Như nói về gia đình, chúng ta áp dụng "hiếu đễ". Hiếu thì phải đễ (nhường), nhường thì phải nhịn. Nhờ đó mà "trong ấm ngoài êm", tạo nên hạnh phúc gia đình. Để gọi là tổ ấm thì mỗi thành viên đều phải như con ong miệt mài chăm chỉ xây tổ ấm gia đình. Mà, yêu nhau là để tiến đến hôn nhân, và hôn nhân là tạo một gia đình mới. Nghĩa là từ tình yêu lãng mạn, đầy mộng ảo, để dẫn đến cái thực. Nhưng mà trong cái thực đó vẫn không thiếu yếu tố mộng mơ đầy thi vị. Có thể thực tế làm phôi pha lãng mạn, nhạt nhoà mộng mơ, nhưng cùng nhau biết sánh đôi thi vị hoá thực tế. Sự dịu dàng và ngọt ngào trong từng lời nói, cử chỉ… sẽ là liệu pháp mầu nhiệm giúp nhau "tát cạn biển Đông". Hãy ảo mộng tình yêu, chứ đừng bao giờ ảo tưởng. Đừng cho rằng cuộc sống trĩu nặng lo toan đã khiến lòng người chai sạn và con tim khô cứng. Cuộc sống chuyển từng giây phút. Nếu dòng sông không chảy, dù nhanh hay chậm, không còn là dòng sông mà trở nên ao tù. Yêu nhau thì phải biết thuỷ triều lên hay xuống để mà liệu tay chèo.
Tình trạng ly thân và ly dị là thiếu cân bằng giữa mộng và thực. Hoặc còn sống chung nhưng chỉ là miễn cưỡng.
Để gọi là tình yêu đích thực thì theo nhà soạn nhạc L.V.Beethoven (1770 – 1827), "Phải có chất hy sinh mà không đòi hỏi gì". Đúng vậy, phải có "trái tim vàng" trong "túp lều lý tưởng".
Ở thị xã Vĩnh Long ông N (56 tuổi) gặp cô M (22 tuổi) làm tiếp viên nhà hàng. Ông động lòng trắc ẩn, đưa cô về nuôi và cho cô học nghề. Đùng một cái, ông bị tai nạn ngồi xe lăn. Cô M chưa học nghề xong, hằng ngày gánh rau cải ra chợ bán nuôi ông, người mà cô đã "cảm" và nhận làm chồng. Có lẽ cô là người hiếm thấy, nhưng đó là người phụ nữ vĩ đại và phi thường giữa đời thường. Cô đã thực sự sống, không chỉ nhìn nhau mà còn nhìn về một hướng: Hạnh phúc trong tình yêu và hôn nhân.
Không lấy người yêu mình, chẳng lấy người mình yêu, mà lấy người yêu mình và mình yêu. Tình yêu là lãng mạn là ảo mộng, cuộc hôn nhân là thực tế. Cái mộng mà thực và thực mà mộng là bản sắc đặc trưng trong tình yêu mà nhưng ai đã, đang và sẽ yêu đều cần phải có. Đó mới là biết yêu, bằng cách mộng mị hoá cái thực tế, và thực tế hoá cái mộng ảo.
TRẦM THIÊN THU ( NGỌC THẢO chuyển, trích từ báo Công Giáo và Dân Tộc )
XANH VỎ ĐỎ LÒNG
Sau hai mươi tiếng đồng hồ đi tàu lửa, anh em chúng tôi đã đặt chân lên vùng đất Quảng Ngãi, vùng đất của nắng cháy đồng khô, vùng đất của người nghèo, vùng đất của nhiều người tha phương cầu thực, và nhất là vùng đất của rất nhiều vị tử đạo.
Trong chuyến đi này, tôi có được nhiều điều mới lạ: mới vì được đi tàu lửa, mới vì được sống trong một gia đình người Quảng, mới vì đây là lần đầu tiên tôi được đến và được sống trên mảng đất Truyền Giáo đã thấm đẫm máu đào của rất nhiều vị tử đạo trong đó có hai anh em Dòng chúng tôi là Cha An-phong Điềm và thầy Phao-lô Mẫn.
Chuyến đi thực tế này, chúng tôi không sống tại Cộng Đoàn như các anh em năm trước mà sống tại nhà các chức việc thuộc các chi họ do Cha Bề Trên sắp xếp. Sống trong cùng một gia đình, chúng tôi được trở nên những người con, người cháu, người bạn từ xa về thăm gia đình, bè bạn. Tôi và chú Ba (Thầy Thoại) được sống và sinh hoạt tại chi họ Bình Hiệp, cách trụ sở Châu Ổ khoảng 4 km. Với phương châm tam cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm, chúng tôi đã nhanh chóng hội nhập và trở nên như người dân địa phương: cũng phát bờ cuốc góc, thồ phân, vét giếng...
Ở đây ruộng ít hơn đồi, cát nhiều hơn đất, lại thêm khí hậu khắc nghiệt nên con người có vẻ lam lũ, cảnh vật khô cằn. Có lẽ chỉ có cây khoai mì là chịu được nên lá vẫn xanh. Phải chăng chính cái nghèo, cái khổ, cái khắc nghiệt, cái khó khăn do hoàn cảnh đã rèn đúc nên những con người có một ý chí vững mạnh cả mặt đời lẫn mặt đạo?
Về mặt đời, họ lo tiến thân qua việc cố gắng học để có một cái nghề hay chấp nhận đi xa làm ăn, chấp nhận làm mọi nghề như: thợ hồ, bán vé số, bán hàng dạo... miễn là có tiền. Ở đây, gia đình nào có hai người vào thành phố làm ăn là khá giả.
Về mặt Đạo, có những người hết lòng trung thành với đạo dù có bị chèn ép, bị gây khó khăn đủ điều. Mặc dù Nhà Thờ chi họ không còn nữa, khi đi lễ thì bị chặn đường gây khó dễ khăn, nhưng họ vẫn tìm mọi cách để sống đạo và giữ đạo vào thời khó khăn nhất.
Gần nhà tôi ở, có một ngôi Nhà Thờ đã bị trưng dụng làm trường nông nghiệp và nay đang bỏ hoang. Còn hang đá Đức Mẹ ở sân Nhà Thờ thì chỉ còn có đá thôi. Vì vắng bóng Mẹ, những viên đá xanh rêu hình như không muốn nằm im nên cũng buồn bã hạ thổ nằm. Nếu không để ý thì người qua đường khó có thể nhận ra đây là nơi mà đã có thời các sinh hoạt tôn giáo sầm uất, cũng như đã từng là nơi trú ẩn an toàn cho dân thời chiến tranh. Nó còn là ranh giới phân chia giữa người có đạo và người ngoại.
Mỗi khi đi ngang ngôi Nhà Thờ năm xưa, cái đau thương, cái buồn cho nhà Chúa lại xâm chiếm lòng tôi. Nhiều lần như thế và tôi đã hỏi Chúa. Lạy Chúa, Chúa ở đâu? Dây thừng Chúa dùng để đuổi con buôn khỏi đền thờ năm xưa đâu, hay người ta đã dùng nó mà trói Ngài khi đem Ngài đi đóng đinh? Suy nghĩ về nhà Chúa ở đây cứ đeo bám tôi mãi mà tôi không hiểu nổi.
Cho đến một hôm, tôi gặp một cụ già chia sẻ với tôi về lòng tin của cụ thời cấm cách. Cụ kể cho tôi biết bao khó khăn cụ phải chịu. Thậm chí có lúc, cụ đã cạo trọc đầu để họ lầm là thầy chùa nhưng vẫn không yên. Mỗi khi phải đối mặt, cụ vẫn một mực tuyên xưng Đức Tin. Cụ tâm sự với tôi: "Làm sao tôi có thể bỏ Chúa được. Tránh thì vẫn tránh nhưng khi đối mặt thì mình vẫn phải tuyên xưng Chúa thôi''. Tôi còn gặp một số người trẻ nhưng sẵn sàng chấp nhận sự thiệt thòi, mất việc để giữ đạo.
Từ khi gặp được những con người như thế, tôi có suy nghĩ khác trước. Nhà Thờ là nơi chỗ cần cho người tin sinh hoạt tôn giáo, gặp Chúa và gặp nhau. Người ta có thể phá huỷ đền thờ bằng gạch đá chứ không ai phá hủy được đền thờ tâm hồn đó là đền thờ thiêng liêng được đặt trong lòng của mỗi con người mà thế gian không thể phá huỷ được. Nên dù bị cấm cách, bắt bớ cũng như bị cách ly khỏi đời sống Cộng Đoàn, đời sống Đức Tin của họ vẫn phát triển và sinh hoa kết trái giống như cây khoai mì, mặc cho thời tiết khắc nghiệt, đất cày sỏi đá nhưng củ vẫn cứ nhiều.
Đó chính là điều mà thánh Phao-lô đã quả quyết trong thư gửi tín hữu Rô-ma: "Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ gươm giáo?" Như có lời chép: "Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thằng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta." (Rm 8, 35 – 37)
Mặt khác, cũng chính khi phải đối mặt với sự dữ, phải chịu thử thách về lòng tin mà lộ ra chân tướng của người tin thật, tin giả; lộ ra những sỏi đá, bụi gai mà hạt giống lời Chúa đã gieo vào mà không sinh trái; lộ ra đâu là lúa tốt, đâu là cỏ lùng. Những người chối bỏ Đức Tin vào thời khó khăn xưa nay vẫn còn dửng dưng với tôn giáo. Họ vẫn coi tôn giáo như một cái gì đó luôn cản trở họ, cản trở con cái họ trên con đường làm ăn sinh sống. Với lý do không có đạo dễ xin việc hơn và thế là họ vẫn để Chúa nằm ngoài cuộc sống họ. Tôi trộm nghĩ, không phải bây giờ Chúa mới không có nơi họ mà ngay thời xưa, lúc chưa gặp thử thách về Đức Tin Chúa cũng chẳng có nơi họ. Nói cách khác, họ theo đạo là để có được bao nhiêu những thứ khác ngoài Chúa.
Qua chuyến đi thực tế lần này, một lần nữa tôi lại cảm nghiệm được hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh, trong lòng người tin. Do đó, dù thế gian có cấm cách bắt bớ mấy đi chăng nữa thì vẫn có những con người đứng đó làm chứng cho Đức Tin. Dù số đông có bỏ đạo để được lợi một cái gì thì vẫn có những người chấp nhận thiệt thòi để được cái lớn hơn là chính Chúa. Họ như những ánh sao giữa bầu trời đen như thể nhắc nhở cho mọi người biết rằng: ánh sáng Đức Tin vẫn còn đó. Chính họ là những người đã tin tưởng và sống triệt để Lời Chúa "Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng hãy can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian" (Ga 17, 33).
ĐỖ MINH HIẾN, CSsR ( trích từ Website Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam )


Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang