Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Thánh Thể - Nguồn sống và sức mạnh của người giáo lý viên hôm nay

Cứ mỗi độ tháng 6 về, giáo phận Thanh hóa lại bắt đầu “chiến dịch MEN Phục Sinh”, tức khóa huấn luyện đào tạo giáo lý và thánh nhạc cho toàn thể các bạn giáo lý viên thuộc 51 giáo xứ trong giáo phận Thanh Hóa. Nhưng giáo lý viên là ai? người giáo lý viên có sứ mạng gì?...đâu là nguồn sống, là sức mạnh cho người giáo lý viên hôm nay?

Trước hết, Giáo Lý Viên là những người chia sẻ sứ mạng của Hội Thánh, sứ mạng quan trọng nhất, đó là Rao giảng Tin mừng. “Việc dạy Giáo lý được Hội Thánh coi là một trong những nhiệm vụ tối quan trọng của mình” (DGL1).

“Giáo lý viên là những giáo dân có trình độ và đời sống đạo hạnh, dưới sự hướng dẫn của các nhà truyền giáo, hiến thân lo giảng dạy Giáo lý Tin mừng, tổ chức các cử hành Phụng vụ và các việc bác ái” (Gl.785.1)


“Giáo lý viên là một giáo dân được Giáo hội đặc cử tuỳ theo nhu cầu địa phương, để làm cho Đức Kitô được nhận biết, yêu mến và noi theo”. (Hd.GLV.1)

Ơn gọi Giáo lý viên: Mỗi tín hữu trong Hội Thánh đều được Chúa Thánh Thần mời gọi góp phần làm cho Nước Chúa mau đến. Ơn gọi Giáo lý viên không những bắt nguồn từ Bí tích Rửa tội và Thêm sức, mà còn do lời mời gọi đặc biệt của Chúa Thánh Thần, “một đặc sủng được Hội Thánh nhìn nhận và uỷ nhiệm” (Hd.GLV.2).

Như thế, Ơn gọi Giáo lý viên vừa có tính “tổng quát”, vì tham gia vào việc mở mang Nước Chúa, vừa có tính “chuyên biệt”, vì dành riêng cho việc Dạy Giáo Lý. Giáo lý viên cần phải khám phá, nhận định và vun trồng Ơn gọi của mình.

Nhưng để chu toàn được sứ vụ tông đồ của mình một cách trọn vẹn trong thế giới hôm nay, người giáo lý viên phải lấy THÁNH THỂ làm nguồn sống và sức mạnh cho mình. Bởi vì, Bí Thánh thể là bí tích Chúa Giêsu đã thiết lập để hiện diện và ở cùng nhân loại cho đến tận thế; trở thành của ăn cho người tín hữu; là dấu chỉ hữu hình cho sự hiệp nhất trong Hội thánh; là trung tâm của phụng tự và mọi sinh hoạt nơi Hội Thánh; là bí tích Tình Yêu - sợi dây liên kết mọi người; là sức mạnh và nguồn sống cho sứ vụ truyền giáo… như giáo lý của Hội Thánh trình bày với chúng ta sau đây:

1. Chúa Giêsu Kitô đã thiết lập Bí tích Thánh Thể, biến cố này được 4 tác giả Tân Ước tường thuật: “Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con. Này là chén Máu Thầy...“ (Mt 26,22-24). Biến cố này được diễn ra trong khung cảnh mừng lễ Vượt Qua (Mc 14,12-16) của dân Do thái. Trong bữa ăn thân mật (tiệc li) thắm tình huynh đệ (Mt 26,18-19). Trong một căn phòng rộng rãi đã chuẩn bị sẵn sàng (ngày nay gọi là phòng tiệc li). Trong bữa tối cuối cùng (đêm thứ năm) trước ngày chịu nạn (Ga 18,1-16).

2. Thánh lễ là sự hiện diện của Chúa Kitô dưới hình bánh rượu, tức là sự hiện diện Bí tích qua dấu hiệu khả giác là hình bánh hình rượu. Thực chất cũng là Chúa Giê-su Kitô lịch sử trên đất Do thái trong cuộc đời 33 năm tại thế; cũng là sự hiện diễn của Chúa Kitô trong vinh quang trên trời (Người lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng: Kinh Tin Kính).

3. Bí tích Thánh Thể là của ăn, là lương thực nuôi linh hồn tín hữu: “Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi thì được sống muôn đời, vì Thịt Tôi thật là của ăn và Máu Tôi thật là của uống” (Ga 6,54-55). Nhờ đó Giáo Hội tiếp tục được sống và tăng trưởng.

4. Bí tích Thánh Thể là Bí tích đại kết: qua dấu chỉ khả giác bánh miến được làm bởi nhiều hạt lúa miến và rượu nho được ép bởi nhiều quả nho, là hoa màu ruộng đất và công lao của con người do Lời toàn năng của Thiên Chúa trở nên Mình Máu Chúa Kitô để mọi người được ăn, được kết hợp với Chúa Kitô và hiệp nhất với nhau nên một cùng xây dựng một thế giới yêu thương hòa bình và hạnh phúc.

5. Bí tích Thánh Thể là trung tâm của phụng tự và mọi hoạt động của kitô giáo: tất cả mọi hoạt động của Giáo Hội đều qui về Bí tích Thánh Thể. Nhờ đó, người kitô hữu được thông công sự sống thần linh với Thiên Chúa ngay ở đời này và được nếm thử trước sự kết hợp với Thiên Chúa sau này là nguồn hạnh phúc mà chúng ta hằng khao khát, như sách Giáo lí Công giáo số 1324 trình bày: “Thánh Thể là nguồn mạch và đỉnh cao của sinh hoạt Giáo Hội. Các Bí tích khác cũng như tất cả các thừa tác vụ trong Giáo Hội và các tác vụ tông đồ đều liên kết và qui hướng về Thánh Thể. Bởi vì Thánh Thể chứa đựng tất cả kho báu thiêng liêng của Giáo Hội tức chính bản thân Chúa Kitô, lễ Vượt Qua của chúng ta”.

6. Bí tích Thánh Thể là Hi tế Tạ ơn mà Chúa Kitô đã thiết lập trong bữa ăn tối sau cùng vào đêm Ngài bị trao nộp, để lưu truyền vạn đại lễ hi sinh thập giá của Ngài đến muôn đời cho tới khi Ngài lại đến, và cũng để ủy thác cho Giáo Hội Hiền thê yêu qúi của Ngài: Bí tích của tình yêu, dấu hiệu của hiệp nhất, sợi dây liên kết của bác ái, bữa tiệc Vượt Qua trong đó Chúa Kitô được ban làm lương thực, linh hồn được đổ tràn đầy ân sủng và bảo chứng vinh quang mai sau đã được ban cho chúng ta.

Bí tích Thánh Thể còn nhắc cho ta ý thức rằng khi lãnh nhận Thánh Thể là được Chúa sai đi truyền giáo, vì đã được Ngài ngự trong tâm hồn và nhận Ngài làm chủ đời sống mình.

a) Ý nghĩa truyền giáo này của nhiệm tích Thánh Thể đã được Thánh Phaolô minh nhiên nhắc lại trong thư gửi tín hữu Côrintô:

“Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn bánh và uống chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1 Cr 11, 26).

Hội thánh nhắc lại lời của Thánh Phaolô trong lời tung hô sau truyền phép. Nhiệm tích Thánh Thể là một bí tích “mang tính thừa sai” không chỉ bởi ân sủng của sứ vụ thừa sai tuôn chảy từ đó, nhưng cũng bởi nó chứa đựng trong mình nguyên lý và nguồn suối cứu rỗi vĩnh cửu cho mọi người.

b) Vì thế việc cử hành hy tế Thánh Thể là hành vi thừa sai có hiệu quả nhất mà Cộng đoàn Hội thánh có thể chu toàn trong lịch sử của thế giới. Mọi thánh lễ kết thúc với lệnh truyền thừa sai “Hãy đi bình an.” Một lời mời gọi các tín hữu mang sứ điệp của Chúa Phục sinh đến các gia đình của họ, những nơi làm việc và xã hội trên khắp thế giới.

c) Trong Lá Thư “Ngày của Thiên Chúa, “ Đức Gioan Phaolô II mời gọi các tín hữu noi gương hai môn đệ làng Emmaus, một khi đã nhận ra Chúa Kitô phục sinh “trong lúc bẻ bánh,” (Lc 24,30-32) liền cảm thấy nhu cầu quay lại để chia sẻ với tất cả bạn bè niềm vui được gặp Chúa (số 45). “Bánh được bẻ ra” mở toang đời sống của các Kitô hữu và của toàn thể cộng đoàn để chia sẻ và tự hiến cho thế gian được sống. (Ga 6,51)

Nhiệm tích Thánh Thể đem lại mối dây không thể chia lìa giữa hiệp thông và sứ vụ truyền giáo, mối dây làm cho Hội thánh trở thành bí tích hiệp nhất của toàn thể nhân loại. (GH số 1)

Thực hành: Khi đến dâng lễ, chúng ta đến lãnh nhận bánh trường sinh, đồng thời cũng lãnh nhận sứ mạng loan báo Tin Mừng do chính Chúa Giêsu giao. Vì thế, chúng ta hãy tiếp tục giới thiệu Chúa Giêsu cho những người trong môi trường sống, như: gia đình, xí nghiệp, cộng đoàn.

Ý thức được tầm quan trọng của THÁNH THỂ như vậy, và cũng để tập cho các bạn giáo lý viên biết tham dự cách tích cực vào việc suy tôn THÁNH THỂ CHÚA, ban huấn luyện “chiến dịch MEN phục sinh năm 2011” tại giáo hạt Nga Sơn đã phối hợp với cha xứ giáo xứ Tam tổng, tổ chức những thánh lễ, các giờ chầu Thánh Thể cho mọi giới đoàn trong giáo xứ, rồi cùng với giới trẻ kiệu Thánh Thể nhân ngày lễ Chúa nhật kính Mình và Máu Chúa Kitô.

Đây cũng là việc thờ phượng đỉnh cao mà ban huấn luyện cùng với hơn 120 em học viên thuộc giáo hạt Nga Sơn thực hiện để kết thúc “chiến dịch MEN phục sinh năm 2011” này, và nhất là nhằm biểu lộ lòng mến yêu bí tích Thánh Thể, cùng xin ơn trợ giúp cho sứ vụ ra đi loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Kitô giữa lòng đời hôm nay của người giáo lý viên giáo phận Thanh hóa thân yêu.

Qua ngày lễ suy tôn Mình và Máu Chúa Kitô hôm nay, ai ai cũng xác tín rằng THÁNH THỂ CHÍNH LÀ NGUỒN SỐNG VÀ SỨC MẠNH CHO SỨ MẠNG NGƯỜI GIÁO LÝ VIÊN HÔM NAY.
NĐ Minh Thanh


Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang