Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

ĐỜI SỐNG ĐỘC THÂN TRONG ƠN GỌI LINH MỤC

Thế giới hôm nay đang trải qua một cuộc chuyển mình vô cùng rộng lớn và hết sức sâu đậm, làm rúng động các giá trị và cơ cấu văn hóa, xã hội và ngay cả cơ cấu và giá trị tôn giáo. Chúng ta chỉ cần kể ra một số trào lưu đã gặm nhấm các xã hội tây phương và cũng đang thấm nhập vào xã hội Việt Nam là đủ thấy vấn đề: ly dị, hôn nhân thử, con cái từ từ bị coi là gánh nặng chứ không phải là ơn phúc nên chẳng còn ai đi chúc cho bạn hữu được “con đàn cháu đống”; những cặp cùng phái (nam – nam; nữ - nữ) cũng đòi phải được coi như hôn nhân và gia đình;
St. Gioan Vianey-Bổn mạng các linh mục
St. Gioan Vianey-Bổn mạng các linh mục
nạn phá thai không những đang lan tràn và tăng thêm, nhưng còn được coi là truyện thường và là quyền lợi của người đàn bà… Có những sự kiện khác, xem ra nhẹ nhàng hơn, nhưng không kém phần quan trọng. Chẳng hạn, vì lợi lộc, người ta nói dối và lừa đảo nhau để chiếm đoạt của cải, đất đai, tài sản cách bất công, gây ra một bầu khí nghi kỵ, kèn cựa, mâu thuẫn. Sống hạnh phúc thế nào được khi người ta không còn tin tưởng nhau và sợ hãi, giữ miếng với nhau. Vấn đề còn trầm trọng hơn nữa vì người ta coi tất cả những điều đó là bình thường, không có vấn đề gì. Thế là người ta đang coi thường hay đánh mất những giá trị căn bản và nền tảng nhất của cuộc đời nên vô số người đang sống vật vờ và sầu thảm, nhiều khi ngay cả giữa những đống vàng bạc cao ngất ngư.
Sứ mệnh tông đồ trong hoàn cảnh này đòi phải canh tân tư tưởng thần học, tìm những phương pháp mục vụ mới và xử dụng những phương tiện tân tiến, thích hợp với thời đại, nhưng trên hết, cần phải có một thế hệ linh mục nhiệt thành, say mê Chúa Giêsu và gắn bó với Người, dám dấn thân, sẵn sàng chịu đựng mọi thiệt thòi và dám hy sinh tất cả vì Chúa Giêsu, sẵn sàng đến bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì Chúa cần. Tóm lại, đây là những linh mục hạnh phúc trong ơn gọi với tất cả những đòi hỏi và điều kiện của của nó..

I.      ĐỜI SỐNG ĐỘC THÂN TRONG ƠN GỌI LINH MỤC

Một trong những đòi hỏi của ơn gọi linh mục là đời sống độc thân trong tinh thần Lời Khuyên Phúc Âm Khiết Tịnh.
Các tu sĩ trong đời sống thánh hiến có ba Lời Khấn, như ba viên bích ngọc quí giá, giúp cho người tu sĩ luyện tập để được tự do và thanh thoát khỏi tất cả để thuộc trọn về Chúa, sống hạnh phúc với Chúa để được tư do ra đi đến tận cùng trái đất rao giảng Tin Mừng. Nhờ sống ba Lời Khấn, các tu sĩ trở thành những người quảng đại và quả cảm sẵn sàng chấp nhận những nguy hiểm cho sức khỏe và ngay cả chính mạng sống để đem Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người (x. Evangelii Nuntiandi, 69).
Linh mục triều không có Lời Khấn, nhưng giá trị và ý nghĩa của ba Lời Khấn gắn liền với ơn gọi và công tác mục vụ của linh mục triều. Trong khi người tu sĩ sống ba Lời Khấn có sứ mệnh sống ba giá trị Lời Khuyên Phúc Âm thế nào để trở nên dấu chỉ rõ ràng, không thể lầm lẫn trước mặt các phần tử khác của Giáo Hội và trước thế giới để mời gọi mọi người sống theo, linh mục triều sống ba Lời Khuyên Phúc Âm như điều kiện và kết quả của việc theo Chúa với tất cả tâm hồn, trí khôn và sức lực, để thuộc trọn về Chúa và để phục vụ Dân Chúa nhân danh Chúa.
Trong viễn tượng ơn gọi và sứ mệnh linh mục, ba Lời Khuyên Phúc Âm cũng là 3 viên bích ngọc quí giá vì chúng giúp cho người linh mục tu luyện để được tự do và thanh thoát khỏi tất cả những gì thuộc về trần gian để thuộc trọn về Chúa, để trở nên hiện thân của Chúa Giêsu Linh Mục và để thương yêu mọi người và lo lắng cho việc Nhà Chúa.
Trong khi Lời Khuyên Phúc Âm Khó Nghèo thanh luyện người linh mục để được thanh thoát trong mối liên hệ với sự vật và tiền bạc của cải để nhận Chúa như gia nghiệp duy nhất của đời mình, Lời Khuyên Phúc Âm Vâng Lời thanh luyện người linh mục trong mối liên hệ với chính mình để lòng mình được thanh thoát khỏi tham vọng, chức quyền, dự tính riêng tư cá nhân mà kiếm tìm và thi hành Thánh Ý Chúa, Lời Khuyên Phúc Âm Khiết Tịnh nhắm mục đích thanh luyện người linh mục trong mối liên hệ với tha nhân để con tim được thanh thản và mở rộng để vươn lên Chúa, được đầy tràn Chúa và thuộc trọn về Chúa, yêu Chúa với con tim không san sẻ; đồng thời cũng có khả năng vươn ra mọi người, nhất là những người ít may mắn, những người bị bỏ rơi.
Ba Lời Khuyên Phúc Âm bổ túc cho nhau và tựa dựa vào nhau. Tuy nhiên, trong khuôn khổ giới hạn của bài suy niệm, bài này chỉ đề cập đến Lời Khuyên Khiết Tịnh và đời sống Độc Thân

1.     Những yếu tố căn bản của đời sống độc thân khiết tịnh

Cũng như trong đời sống hôn nhân gia đình, trong đời sống độc thân khiết tịnh có 2 yếu tố căn bản. Chúng liên hệ trong mối tương quan bổ túc lẫn cho nhau, nhưng không đồng hóa với nhau. Đó là tình cảm và cơ quan sinh dục.

a) Tình cảm
Bất cứ liên hệ nào giữa con người cũng chở theo một tình cảm. Do đó, có tình cảm cha mẹ và con cái; tình cảm anh em; tình cảm bạn bè; tình cảm giữa những người quen thuộc; tình cảm bạn đồng nghiệp… và tình cảm trai gái giữa những đôi nhân tình dẫn đến hôn nhân. Tình cảm giữa những đôi nhân tình, nhất là giữa vợ chồng có 2 đặc tính: 1) thuộc về nhau, chiếm đoạt và chi phối nhau; 2) kích thích ước muốn và thú vui nhục dục của cơ năng truyền sinh. Như thế, tình cảm giữa những người say mê nhau được đặt ở một bình diện hoàn toàn khác biệt với tinh cảm của các mối liên hệ khác, như liên hệ cha – con, anh – em, bạn trai – bạn gái, đồng nghiệp nam – nữ. Tuy nhiên, trong đời sống thường ngày, tình cảm trong các liên hệ nói trên dễ vượt giới hạn để biến sang tình cảm của liên hệ trai – gái. Vì thế mới có truyện ngoại tình, loạn luân…

b) Cơ quan sinh dục
Trong cuộc gặp gỡ trai – gái, cơ quan sinh dục và có khi tất cả cơ thể chuyển động và thúc đẩy hưởng thụ mà người ta thường gọi là thú vui nhục dục hay thú vui xác thịt. Đây là yếu tố quan trọng để kết hiệp vợ chồng và để thúc đẩy người ta truyền sinh.

Để sống đời sống độc thân trinh khiết cách hạnh phúc như ơn gọi linh mục đòi hỏi, cần phải chiếu soi cả hai yếu tố trên để thanh luyện và qui hướng chúng về Chúa. Thường thì khi nói đến đời sống độc thân trinh khiết, người ta chỉ nghĩ đến khía cạnh thứ hai là các thú vui xác thịt mà không để ý đến tình cảm, nhưng nhiều khi chính tình cảm là đầu mối đưa đến liên hệ tình dục. Ngoài ra, cho dù chưa có liên hệ xác thịt mà tình cảm đã chuyển sang thứ tình cảm trai – gái, thì cũng không còn đời sống độc thân khiết tịnh nữa.

2.     Lý do gây khó khăn cho đời sống độc thân khiết tịnh trong thế giới hôm nay
Sống đời độc thân khiết tịnh thời nào cũng khó và đòi phải có cố gắng, nhưng xem ra trong thời đại tân tiến hôm nay, đời độc thân khiết tịnh có những cái khó đặc biệt. Để sống đời độc thân trong an bình và hạnh phúc theo lời khuyên Phúc Âm Khiết Tịnh, cần phải tìm ra lý do gây khó khăn để tìm phương thế khắc phục

a)      Bản tính nhân loại
Lý do đầu tiên và cũng là lý do căn bản gây khó khăn là chính bản tính nhân loại, vì ảnh hưởng của tội nguyên tổ nên chao đảo, mất quân bình. Để cắt nghĩa lý do này, chúng ta có thể trở lại mô hình đã được trình bày trong bài suy niệm về Tu Đức Truyền Giáo.

            Trước Tội Nguyên Tổ                                       Sau Tội Nguyên Tổ
                    

Trong lý trí con người có các tư tưởng. Trước tội nguyên tổ, các tư tưởng hòa hợp với nhau vì cùng có một nguồn là ánh sáng của Thiên Chúa. Rất nhiều tư tưởng, nhưng các tư tưởng hòa hợp với nhau nên chúng ta viết một mũi tên. Mỗi tư tưởng làm phát sinh một tình cảm. Vì tư tưởng hòa hợp nhau, nên các tình cảm cũng hòa hợp nhau. Tình cảm thúc đẩy ý chí quyết định. Vì tất cả hòa hợp nên cùng đi về một hướng và ý chí dễ quyết định. Sau tội nguyên tổ, vì hậu quả của tội nguyên tổ là việc từ khước và chống đối Thiên Chúa, lý trí con người không vươn lên tìm ánh sáng của Thiên Chúa để nhìn vạn vật, thụ tạo, mà nhìn thẳng sang các thụ tạo làm phát sinh các tham vọng, tư lợi, dục vọng… Vì vậy, các ý tưởng trong trí óc xung khắc nhau và từ đó, các tình cảm cũng xung khắc nhau. Ý chí quyết định dưới sức ép của các tình cảm xung khắc nên bất nhất và mâu thuẫn; khi thế này, lúc thế kia. Tình trạng này được diễn tả qua ba mũi tên. Hậu quả là con người mất quân bình trong ý tưởng, tình cảm và ý chí. Những tình cảm hết sức đẹp đẽ cũng có thể biến thể thành những dục vọng, tham lam, ích kỷ. Nhìn một người rất đáng kính trọng, nhưng trong lòng lại có thể nghĩ đến việc chiếm đoạt và thụ hưởng. Tình trạng xung khắc và mất quân bình từ chính trong nội tâm con người có thể được diễn tả qua thư thánh Phaolô gửi giáo đoàn Roma: “Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm.” (Rom 7,15).

b)      Bầu khí văn hóa
Nhìn về quá khứ, nhất là trong môi trường văn hóa cổ truyền Việt Nam, đời sống độc thân được người dân coi trọng như một giá trị quí báu và cảm phục các linh mục giữ đời độc thân. Sống trong môi trường văn hóa đó, linh mục cảm thấy hãnh diện và được khích lệ, coi như một sự can đảm nên chính người linh mục cũng trân trọng đời sống độc thân. Trong xã hội tân tiến, văn minh hôm nay, nhất là tại Âu Mỹ, đời sống độc thân của các linh mục không còn gây được sự chú ý như xưa vì nhiều người, chẳng tu gì, cũng sống độc thân, ít nữa là theo ý nghĩa không lập gia đình. Trong một số môi trường, việc sống độc thân của các linh mục, tu sĩ không những không gây chú ý, mà còn bị coi thường, bị khinh rẻ. Đã có thời gian, người ta coi các linh mục tu sĩ là những người bất bình thường vì không lập gia đình!
Trong bối cảnh văn hóa xã hội của thế giới văn minh, có thể có linh mục chao đảo đối với đời sống độc thân trong tinh thần Lời Khuyên Phúc Âm Khiết Tịnh vì một đàng thiếu sự khích lệ bên ngoài từ dân chúng, đàng khác chính mình cũng hồ nghi về giá trị, hay ít nữa về sự hữu ích của đời sống độc thân trong tinh thần Lời Khuyên Phúc Âm Khiết Tịnh.

c)      Bản năng tự nhiên của con người và cơ cấu sinh hoạt của xã hội hiện nay
Thiên Chúa dựng nên con người với một số bản năng, như nền tảng cho cuộc sống riêng tư cá nhân và tổ chức xã hội. Trong số những bản năng bẩm sinh, có bản năng muốn được thuộc hoàn toàn về một người và có một người hoàn toàn thuộc về mình. Bản năng này làm cho mối liên hệ khác hoàn toàn các liên hệ bình thường và đây chính là nền tảng của liên hệ vợ chồng.
Trong cơ cấu sinh hoạt ngoài xã hội cũng như trong Giáo Hội trong thời đại này, có rất nhiều cơ hội để những người khác phái gặp gỡ và làm việc chung với nhau. Từ những gặp gỡ và cộng tác thường xuyên, hơn nữa còn cùng chịu trách nhiệm, rất dễ nảy sinh thứ tình cảm sâu đậm hơn tình bạn bình thường làm nảy sinh bản năng chiếm đoạt để người đó thuộc về mình và mình thuộc về người đó. Vì vậy, tình bạn, tình đồng nghiệp có thể dễ dàng biến thể trở thành tình cảm trai – gái. Trong bối cảnh này cũng cần để ý đến hệ thống bố-con và anh-em thiêng liêng. Khi không để ý, thứ tình cảm này cũng có thể trở thành thứ tình cảm trá hình của bản năng chiếm đoạt và thuộc về nhau, mà chỉ có vợ chồng mới được có.

d)      Tư tưởng
Tư tưởng điều khiển hành động. Trong những thập niên gần đây, trên thế giới đã xuất hiện một số lý thuyết nghe rất bùi tai đã gây nhiều khó khăn cho đời sống độc thân của các linh mục, tu sĩ và trong thực tế đã làm cho nhiều người điêu đứng.

* Phái tính thiết yếu cho con người: bắt nguồn từ cuộc cách mạng về phái tính hay dục tình, đã phát sinh một thứ ý thức hệ coi phái tính là yếu tố thiết yếu của bản tính con người. Do đó, người ta cho việc hưởng thụ thú vui phái tính hay tình dục là quyền lợi của mỗi người. Những người không lập gia đình, không hưởng thụ là bất bình thường. Cấm đoán hưởng thụ thú vui phái tính là bất nhân, là đi ngược với bản tính con người. Từ tiền đề này, người ta khinh chê các linh mục tu sĩ sống đời độc thân, đòi quyền lợi xử dụng thuốc ngừa thai nhân tạo để có thể hưởng thụ thú vui xác thịt bất cứ lúc nào và với bất cứ ai, cho phép tiền dâm hậu thú (hôn nhân thử), coi thường việc thủ dâm, cho phép phá thai, chấp nhận đồng tình luyến ái… Những tư tưởng này cũng thâm nhập vào đầu óc của giới tu trì, ít nữa là trong thời gian đại học, trước khi đi tu. Có khi không dám nói ra, nhưng trong lòng thì đã ngả theo cách suy nghĩ nên tự biện minh để tìm cách hưởng thụ. Bề ngoài thì còn sống đời sống độc thân, nhưng lòng thì không còn độc thân theo tinh thần Lời Khuyên Phúc Âm Khiết Tịnh và hậu quả là người ta sống một cuộc sống “hai mặt” (double life).
Trong ý hệ này, có một sự hồ đồ căn bản. Đó là đã nhập nhọe hai yếu tố khác nhau, tuy liên hệ mật thiết với nhau và biến chúng thành một: phái tính như giống đực, giống cái và phái tính như cơ quan truyền sinh. Phái tính như thứ loại, phân biệt nam nữ, giống đực giống cái thì thiết yếu. Ai cũng sinh ra hoặc như người nam, hoặc như người nữ. Người sinh ra á nam, á nữ thì bất bình thường. Còn phái tính như cơ quan truyền sinh thì việc xử dụng cơ quan này, tuy thường gây ra thú vui, cũng gọi là lạc thú hay thú vui xác thịt thì không thiết yếu cho bản tính con người. Cơ quan này cần phải được hướng dẫn và xử dụng theo ơn gọi và bậc sống. Nếu việc xử dụng cơ quan truyền sinh là thiết yếu, thì phải xử dụng nó 24 giờ một ngày và suốt cả cuộc đời. Đàng này, các em nhỏ và ông già bà cả không xử dụng cơ quan truyền sinh và ngay cả những cặp vợ chồng cũng không luôn xử dụng nó. Không phải vì vậy mà họ kém người hơn. Tại Việt Nam hay có sự kiện một người đàn bà sau khi lấy chống một thời gian ngắn thì chồng chết và người đàn bà đó còn rất trẻ và có đã có một con. Người đàn bà đó ở vậy, thủ tiết, thờ chồng nuôi con. Đây là một người hết sức trưởng thành và được mọi người cảm phục và quí mến.

* Độc thân chỉ là luật của Giáo Hội, đã được đặt ra vào đầu thể kỷ IV nên không thiết yếu cho ơn gọi linh mục. Từ điều xác quyết này dĩ nhiên người ta đi đến kết luận là linh mục có thể lập gia đình. Trong thực tế, tại các Giáo Hội Đông Phương, bên cạnh những linh mục không có gia đình, cho đến nay vẫn còn có những linh mục có gia đình. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ đơn thuần là linh mục có thể có gia đình, mà còn có một số điều kiện. Trong Giáo Hội Đông Phương, nếu ứng viên lên chức linh mục muốn lập gia đình, phải lập gia đình trước khi chịu chức phó tế. Sau khi đã chịu chức phó tế thì không được lập gia đình và nếu đã lập gia đình và người vợ qua đời hay bỏ đi, phó tế hay linh mục không được tái hôn. Ngoài ra, những linh mục lập gia đình sẽ không bao giờ được tuyển chọn làm giám mục.
Nhưng câu hỏi cần đặt ra ở đây là có phải vì qui luật về đời sống độc thân linh mục chỉ có vào đầu thế kỷ IV nên đời độc thân không thiết yếu cho ơn gọi linh mục không? Thay vì đi tìm những sự kiện hay tài liệu làm chứng trực tiếp hay gián tiếp thời gian cụ thể của những qui luật Giáo Hội, chúng ta chỉ tìm một đôi suy tư để thấy được mối liên hệ mật thiết giữa đời độc thân và ơn gọi linh mục. Trước tiên, phải nói đến cách thức hiểu về thời gian có luật độc thân. Vì chỉ thấy tài liệu rõ ràng về luật độc thân cho linh mục vào đầu thế kỷ IV, người ta kết luận đây chỉ là luật Giáo Hội và cũng không có nền tảng Thánh Kinh nên không thiết yếu cho ơn gọi linh mục. Nhưng nếu biết nhìn sự kiện với con mắt khác thì có thể hiểu ngược lại. Đời sống độc thân không có trong truyền thống văn hóa của các nước quanh biển Mediterráneo. Vì thế, Tin Mừng đã phải mất nhiều thời gian để biến hóa và thay đổi não trạng và nếp sống văn hóa của các dân tộc đó. Cuộc biến đổi não trạng và nếp sống tiến từ từ đến đầu thế kỷ IV mới chín mùi và lan rộng trong xã hội nên Giáo Hội mới thực sự áp dụng qua một qui luật phổ quát trong Giáo Hội, lúc đó giới hạn chính yếu trong các nước ven biển Mediterráneo. Về nền tảng Thánh Kinh thì đúng là không có bản văn viết, nhưng trong cách sống của Chúa và của các Tông Đồ thì rõ ràng là nhiều vị đã theo Chúa khi chưa có gia đình và không bao giờ lập gia đình. Trường hợp thánh Phêrô là rõ ràng có gia đình, nhưng đi đã theo Chúa thì không thấy nói gì đến vợ con nữa. Điều này được ám chỉ một cách hết sức rõ ràng trong ơn gọi của bốn môn đệ đầu tiên: Phêrô và Anrê, Gioan và Giacôbê. Khi được Chúa gọi, các ngài đã bỏ tất cả (thuyền, chài lưới, người cha và những anh giúp việc) để đi theo Chúa (x. Mc 1,14-20; Mt 4,18-22). Nếu ơn gọi linh mục là theo Chúa và dâng hiến trọn vẹn cuộc đời để phụng sự Chúa thì đời sống độc thân là hệ luận dĩ nhiên và thiết yếu cho ơn gọi linh mục.

* Nạn thiếu hụt linh mục: Cần phải truyền chức linh mục cho những người có gia đình vì càng ngày, Giáo Hội càng thiếu linh mục. Lý lẽ này được người ta nhắc đi, nhắc lại nhiều lần mỗi khi có dịp, kể cả Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thánh Thể năm 2005. Trong dịp này, các Giám Mục nghi lễ Đông Phương đã cảnh giác các Giám Mục nghi lễ Latinh Tây Phương, nơi không có lớp linh mục lập gia đình, phải suy nghĩ cẩn thận về đề nghị này. Lý do căn bản người ta đưa ra ở đây là vấn đề thiếu linh mục. Do đó, nếu truyền chức cho những người có gia đình, sẽ giải quyết được nạn khan hiếm linh mục. Xem ra, người ta “nói mà không biết mình nói gì”! Chỉ cần nhìn kinh nghiệm của các giáo hội Đông Phương và các giáo phái Tin Lành, kể cả Anh Giáo sẽ thấy ngay đề nghị trên không có căn bản. Trong các giáo hội nghi lễ Đông phương, linh mục có thể lập gia đình mà vẫn khan hiếm linh mục; Anh Giáo cũng cho mục sư và cả giám mục có vợ, thế mà vẫn thiếu linh mục; trong các giáo phái Tin Lành, các mục sư có vợ mà vẫn thiếu mục sư! Giải pháp cho lấy vợ trong thực tế đã không giải quyết vấn đề như người ta đề nghị mà còn gây thêm những vấn đề phức tạp khác. Vấn đề nền tảng là vấn đề Đức Tin và quyết tâm và khả năng dâng hiến, chứ không phải là vấn đề có vợ hay không có vợ.

* Mục đích của cuộc đời là hạnh phúc. Người ta hay nói: “Chúa dựng nên chúng ta để được hạnh phúc. Chúa không muốn chúng ta phải đau khổ”. Nói “hạnh phúc” nhưng lại hiểu là thú vui và vì đồng hóa hạnh phúc với thú vui nên hậu quả là người ta chỉ tìm thỏa mãn giác quan, xúc cảm và trở thành nô lệ cho các xúc cảm, dục vọng.

* Ý hệ coi tự do cá nhân là tuyệt đối. Ý hệ này được phát huy và cổ võ tối đa trong bối cảnh của xã hội văn minh, dồi dào phương tiện vật chất, được cơ khí hóa nên gây ra một tâm trạng trống rỗng và nếp sống rất cô đơn. Người ta cần tìm xúc cảm mới và mạnh hơn để quên đi sự trồng rỗng và nỗi cô đơn trong tâm hồn. Cũng có thể vấn đề không hệ tại việc tìm và hưởng thụ thú vui cảm xúc, nhưng tìm sự an ủi trong tình cảm. Có lẽ chưa làm gì sai trái lớn lao trên bình diện cảm xúc và xác thịt, nhưng về tình cảm thì biến thể sang liên hệ vợ chồng vì có sự gắn bó và tình cảm thuộc về nhau.

e)      Tổ chức xã hội
Các sinh hoạt và tổ chức trong xã hội văn minh thường nhắm kích thích giác quan và chế tạo các tiện nghi đủ loại, vừa tầm tay với hầu như của mọi người cũng để thỏa mãn giác quan. Hơn nữa, nhiều hoạt động còn có mục đích trực tiếp kích thích cảm xúc phái tính và thú vui xác thịt qua phim ảnh, báo chí, cách ăn mặc, cách sống buông thả… Một người để cho mình luôn bị kích thích sẽ rất khó sống đời độc thân một cách hạnh phúc theo tinh thần lời khuyên Phúc Âm.


II.  Nhu cẦu HUẤN luyỆn

Đứng trước những hoàn cảnh nói trên, nhất là vì tội nguyên tổ, nội tâm con người bị xé lẻ, các khuynh hướng tự nhiên bị chao đảo và ơn gọi linh mục còn có những đòi hỏi vượt lên trên khuynh hướng tự nhiên, cần phải chấp nhận tu luyện mới có thể sống đời độc thân trong ơn gọi linh mục cách hạnh phúc và hăng say, nhiệt thành phụng sự Chúa, thuộc về Chúa và gắn bó với Chúa.
Trong những năm gần đây, người ta nói nhiều đến sự kiện một số linh mục bên Âu châu, nhất là bên Mỹ, bị tố cáo về những tội liên quan đến tình dục, đang làm cho Giáo Hội điêu đứng. Vấn đề ở đây không phải là thiếu tư tưởng thần học, hay thua kém phương pháp chuyên môn và các phương tiện, nhưng là vấn đề con người của các linh mục đã không được tu luyện.
Việc tu luyện có hai khía cạnh bổ túc lẫn cho nhau. Đó là huấn luyệntự huấn luyện. Huấn luyện là công việc của các nhà đào tạo, có nhiệm vụ chỉ bảo, hướng dẫn và khích lệ người được huấn luyện. Tự huấn luyện là công việc người được huấn luyện phải làm. Nói cho cùng, việc tự huấn luyện là chính yếu vì nhà đào tạo có giỏi và giầu kinh nghiệm cách mấy, nếu người được huấn luyện không hiểu và xác tín, hay không chấp nhận trong lòng và không quyết tâm luyện tập thì việc làm của các nhà đào tạo cũng vô hiệu quả. Công việc huấn luyện chỉ giới hạn trong một thời gian ngắn, nhưng việc tự huấn luyện thì kéo dài cả đời.


Hành trình tu luyện có 3 yếu tố chính yếu và chúng ảnh hưởng lẫn nhau:
 
I
Nối nguồn
 ®
II
Ý thức và xác tín về những đòi hỏi của Ơn Gọi và những chướng ngại vật cản trở
®
III
Luyện tập áp dụng cụ thể vào thực tại và hoàn cảnh sống riêng của mình

- Tất cả cuộc đời linh mục bắt nguồn và được nuôi dưỡng, nâng đỡ bằng cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Ngài là lý do, là động lực, là ánh sáng và là nguồn mạch.
- Do đó, cần phải kết hiệp liên lỉ với Chúa để Chúa trở thành nguồn gợi hứng và là lực đẩy cho mọi hành động trong ngày sống.

- Mỗi tương quan, nhất là tương quan mật thiết có những đòi hỏi của nó và mỗi ơn gọi, mỗi bậc sống có những đòi hỏi và điều kiện của nó. Cần phải thâm hiểu và chấp nhận cách ý thức.
- Có những cách suy nghĩ và cách sống của môi trường chung quanh có thể cản trở hay không thích hợp với ơn gọi và bậc sống của linh mục. Cần phải ý thức và phân định để chiến đấu, thanh luyện và để khỏi đua đòi, chạy theo đám đông.

- Không phải hễ biết là làm được ngay mà phải cố công luyện tập mới được.
- Thực tại của mỗi người khác nhau. Cần phải hiểu thực tại và hoàn cảnh của mình để luyện tập cách thích hợp.
 


Tháng 11 năm 2010, các cha trong Ban Giám Đốc Đại Chủng Viện Xuân Lộc đi thăm viếng ba Đại Chủng Viện bên Hàn Quốc để học hỏi kinh nghiệm điều hành Chủng Viện và huấn luyện các chủng sinh. Trong dịp này, các cha trong Ban Giám Đốc đã được hướng dẫn viếng thăm Núi các Thánh Tử Đạo ở Jeonju. Núi này gọi là Núi các Thánh Tử Đạo vì chôn cất thi hài của 7 Vị Tử Đạo, tất cả thuộc cùng một gia đình, gồm cha mẹ với 4 người con ruột và một người con dâu. Hai anh chị lấy nhau lúc chị mới có 17 tuổi, còn anh thì 18 tuổi. Cả hai người cùng có chí hướng sống độc thân dâng mình cho Chúa, nhưng theo văn hóa Hàn Quốc lúc đó, không có hình thức sống độc thân, nhất là đối với phái nữ. Nhờ có cùng một cha linh hướng, hai người biết nhau và biết chí hướng của nhau nên đã quyết định lấy nhau, nhưng cùng quyết tâm sống như anh em. Suốt ba năm trời trước khi được phúc tử đạo, hai người sống chung trong một căn phòng và đã giữ vững được lời thề hứa độc thân. Không thiếu những lần hai người bị cám dỗ mãnh liệt, nhất là những khi trở trời, phong ba, sấm sét nổi lên. Những lúc đó, khí giới của họ là lòng quyết tâm và lần chuỗi Mân Côi.

Đôi vợ chồng trẻ Tử Đạo này đã giữ vững được lời thề hứa vì đã: 1) Rõ ràng trong lựa chọn; 2) Cương quyết trong chiến đấu với sự trợ lực của ơn Chúa qua lời Kinh Mân Côi. Đó là bí quyết của hai Vị Tử Đạo trẻ trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Đây cũng phải là bí quyết của bất cứ linh mục nào muốn sống trung thành với lời thề hứa và hạnh phúc trong lựa chọn độc thân linh mục.

Giuse Đinh Đức Đạo

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang