Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Abba! Cha ÔI (số 76)

NGÀY NÀY NĂM XƯA
Tháng 6/1862 – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO BỊ ÁN THIÊU
Đọc "Thiên hùng sử các Thánh tử đạo Việt Nam", tôi phám phá ra một điều đặc biệt, là trong số 117 vị thánh tử đạo đất Việt, chỉ có 6 vị mang bản án thiêu sinh, và tất cả đều diễn ra trong tháng 6/1862.
Hai vị thánh đầu tiên bị án thiêu là Đaminh Toại (sinh 1812)Đaminh Huyên (sinh 1817). Hai vị là ngư phủ người xứ Đông Thành, Thái Bình, thuộc địa phận Tây Đàng Ngoài. Khi vua Tự Đức ra chiếu chỉ Phân sáp, 8/1961, quân lính đã theo chiếu chỉ này được phép tràn vào các làng Công Giáo để thu tài sản và bắt giáo hữu giải lên huyện, khắc hai chữ "Tả Đạo" lên má để khỏi trốn và giam ngục. Ông Đaminh Toại vì bệnh tật có thể đóng tiền chuộc để được tự do nhưng ông đã từ chối vì không muốn để mất cơ hội quý báu hiến dâng mạng sống minh chứng cho niềm tin và tình yêu vào Thiên Chúa. Suốt thời gian chín tháng bị giam ngục, hai ông Toại và Huyên phải chịu bao cực hình: đói khát, đòn vọt nhưng hai ông vẫn luôn vững lòng can đảm và kiên cường ngay cả khi nhận bản án tử hình. Trong tù, hai ông luôn khích lệ các bạn tù kiên trì giữ vững niềm tin. Ông Toại thường nói: "Nào anh em, hãy can đảm lên! Chúng ta chịu khổ hình vì Đức Kitô, nên chúng ta phải đón nhận đau khổ cách nhẫn nại. Chúng ta phải bền chí đến cùng, sẵn sàng hy sinh mạng sống vì Chúa". Sau nhiều lần bắt ép hai ông chà đạpThánh Giá không được, quan thấy khó lòng lay chuyển được niềm tin của hai ông nên đã kết án thiêu sinh. Hai vị hân hoan cảm tạ Chúa và vui vẻ rảo bước đến giàn hỏa thiêu dành sẵn cho mình sáng ngày 5/6/2962, để trở thành của lễ toàn thiêu dâng lên Thiên Chúa.

Hai vị thánh Phêrô Đinh Văn Dũng (sinh 1800)Phêrô Đinh Văn Thuần (sinh 1802) cũng chấp nhận bản án thiêu để làm ngọn đuốc sáng minh chứng cho đức tin. Hai ông là anh em họ, người họ Đông Phú, xứ Trung Đồng, Kẻ Mén, Thái Bình, đều làm nghề đánh cá, một nghề như thánh Phêrô, Bổn mạng của hai ông. Cũng từ chiếu chỉ Phân sáp của vua Tự Đức, thảm họa đã ập trên làng Đông Phú. Đầu năm 1962, hai ông Dũng và Thuần bị bắt giam ngục. Dù chịu nhiều cực hình và bị cưỡng ép phải chà đạp Thánh Giá nhưng hai ông nhất mực từ chối và thẳng thắn tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô. Ngay cả khi quan dùng sách tình cảm, cho lính dẫn hai ông về thăm gia đình vợ con, trước cảnh gông cùm cả gia đình đều nức nở khóc lóc buồn thương, nhưng hai ông vẫn bình tĩnh an ủi khích lệ vợ con hãy sẵn sàng chấp nhận việc dâng hiến. Ông Phêrô Dũng nói: "Hãy vui mừng vì tôi được hy sinh mạng sống cho Đức Kitô". Trong thời gian bị giam ngục, ông Phêrô Thuần đã một lần bị thối chí nghe lời quan đạp lên Thánh Giá, nhưng khi gặp lại bạn hữu, ông tìm được can đảm tiếp tục tuyên xưng niềm tin cho đến chết. Cuối cùng, nhận thấy việc giam giữ hai ông là vô ích, quan đã kết án thiêu sinh cả hai. Hai ông đã bị thiêu sống ngày 6/6/1862, trong tâm tình hân hoan tạ ơn được nói lên niềm tin kiên vững vào Đấng Cứu Chuộc.
Thánh Vinh Sơn Dương (sinh 1821) là vị thứ năm vinh dự nhận bản án thiêu. Ông là một giáo hữu nghèo, chất phác người làng Doãn Trung, xứ Kẻ Mèn, Thái Bình, thuộc địa phận Trung (nay là Thái Bình). Ngoài nghề nông ông còn giữ trách vụ thu thuế trong làng, nên bị "quan tâm đặc biệt" hơn các giáo hữu khác. Vì chiếu chỉ Phân sáp, ông Dương và các giáo hữu bị bắt và bị phân sáp vào làng Mỹ Nhuệ, huyện Quỳnh Côi. Suốt chín tháng bị giam giữ với biết bao hình khổ, sỉ nhục mắng nhiếc, ông Dương đã vui vẻ chấp nhận tất cả để giữ lòng trung tín với Chúa Giêsu, quyết không chà đạp Thánh Giá. Chiếu chỉ của nhà vua dù đẩy các giáo hữu vào tình cảnh bi đát nhất nhưng nhà vua đã thất bại, bởi đến cả những giáo hữu tầm thường nhất như Vinh Sơn Dương, dù chỉ còn có hai bàn tay trắng vẫn giữ được trái tim sắt đá, lòng can đảm của mình. Cuối cùng, ngày 6/6/1862, ông Dương đã đại diện cho người nông dân Việt đầu tiên lãnh bản án thiêu như hàng loạt các tín hữu thời sơ khai tại Rôma, sau 18 thế kỷ qua đi của lịch sử Kitô giáo. Ánh lửa thiêu sống Vinh Sơn Dương không lịm đi nơi một vùng quê nước Việt mà bừng lên tỏa sáng khắp năm châu.
Vị cuối cùng vinh dự lãnh án thiêu là Thánh Phêrô Đa (sinh 1802). Ngài cũng là vị tử đạo cuối cùng trong 117 chứng nhân đức tin đất Việt được Giáo hội tôn vinh. Cái chết của Phêrô Đa chấm dứt một giai đoạn cam go và khai mạc giai đoạn thanh bình mới của Giáo hội Việt Nam. Phêrô Đa sinh trưởng trong một gia đình lao động nghèo tại làng Ngọc Cục, xứ Lục Thủy, Nam Định, thuộc địa phận Trung Đàng Ngoài. Phêrô Đa theo nghề thợ mộc của cha. Ông rất nhiệt tình với việc chung và nhận làm ông Từ tại giáo xứ. Sau chiếu chỉ Phân sáp, ông bị bắt giam lúc khoảng 60 tuổi. Tuy Phêrô Đa chỉ là một tín hữu tầm thường thiếu học, nhưng lòng dũng đảm và đức tin kiên vững không thua gì các mục tử của mình. Dù bị tra tấn dã man và nhiều khổ hình kinh khiếp, nhưng ông luôn bền chí chịu đựng, chấp nhận hy sinh trọn vẹn kể cả mạng sống, nhất định không bước qua Thánh Giá để giữ lòng trung tín với Đức Kitô. Khi biết chắc không thể làm ông khuất phục, quan liền kết án thiêu sống ông cùng một số chứng nhân khác. Ngày 7/6/1862, Phêrô Đa hân hoan vui mừng đến nơi xử án. Ông bình thản cầu nguyện và phó dâng mọi sự trong sự quan phòng của Chúa. Khi ngọn lửa sắp tàn, quân lính thấy ông vẫn còn sống, liền chém bay đầu ông. Vậy là Phêrô Đa đã hy sinh vì chân lý bất diệt đến hai lần: vừa bị thiêu đốt, vừa bị chém đầu.
Cùng với 18 vị tử đạo khác tại Việt Nam, ngày 29/4/1951, ĐTC Piô XII đã long trọng suy tôn 6 vị tử đạo trên lên bậc Chân Phước.
J.B (Tổng hợp từ "Thiên Hùng Sử 117 Thánh Tử Đạo VN")
TÌNH YÊU NGƯỜI TU SĨ
Người tu sĩ có tình yêu không nhỉ?
Nếu nói không là những kẻ vô tri,
Và nói có là những kẻ tình si.
Không mà có, có mà không đó mới kỳ,
Không hay có xin ai giùm giảng giải!
Hãy lẳng lặng mà nghe tôi đáp lại:
Không là không có cái tình ái li ti,
Có là có cái tình yêu đại hải.
Tôi không thể yêu riêng người con gái,
Mái tóc huyền và đôi mắt như nai.
Tôi không thể mến riêng người mẹ yếu,
Mỗi ngày trông ngóng đợi con về.
Tu sĩ tôi mến yêu tất cả,
Kẻ bần cùng cô thế chốn dương gian.
XUÂN SANG
HÃY TIN TƯỞNG VÀO CHÚA QUAN PHÒNG
Một bữa tu viện Clervaux hết muối ăn. Cha viện trưởng Bernado gọi thầy Guibert và bảo: Con hãy dắt lừa, đi phố mua muối chở về. Thầy Guibert nói: Cha đưa tiền cho con để con đi mua. – Con ơi, tu viện hết tiền và vàng cũng không còn, nhưng ở trên kia có Đấng giữ túi tiền và kho vàng của ta. Nghe thế Guibert suýt phì cười, nhưng thầy không thể không lưu ý với Cha viện trưởng điều này: "Thưa Cha, nếu con đi với hai bàn tay không, con chắc chắn cũng sẽ trở về với hai bàn tay không." – Đừng lo con ơi, hãy tin tưởng vào Đấng giữ kho báu của Cha ở với con và Người sẽ tìm cách giúp con có những gì cần thiết để con chu toàn công việc. Thầy Guibert cúi đầu nhận phép lành của Cha viện trưởng và dắt lừa ra đi. Dù vậy lòng thầy không hết hoài nghi ngờ vực. Nhưng khi sắp vào cửa thành thì có một vị linh mục đến gần và hỏi: "Thầy ở đâu đến và đến đây để làm gì?". Thầy Guibert không do dự thú nhận sự túng thiếu của tu viện mình với một vẻ mặt ngượng ngùng bối rối. Cảm động, vị linh mục dẫn thầy về nhà xứ và trao cho thầy nửa thùng muối kèm theo số tiền 300 quan Pháp. Cứ tưởng tượng thầy Guibert vui mừng biết chừng nào nên vội vã về ngay tu viện. Việc đầu tiên là thầy kể hết sự tình cho Cha Bề trên biết. Cha Thánh Bernado thong thả nói: "Cha đã nói với con nhiều lần rằng đối với người Kitô hữu không có cái gì cần thiết khác cho bằng đức tin."
Đúng thế, không có đức tin, người Kitô hữu chỉ là một chiếc máy bay không có động cơ và không tài nào hướng về Thiên Chúa được. Hơn thế nữa một con người không biết tin tưởng nhìn nhận Đấng tạo thành nó thì kẻ đó không thể sống có hạnh phúc được. Điều đó chứng tỏ lòng tin nơi tình yêu Thiên Chúa không phải chỉ hiểu như một sự suy phục, nhìn nhận trong tâm trí mà thôi, trái lại nó cần được biểu lộ cụ thể bằng những thái độ và cung cách sống hằng ngày của mình…
MINH HIỆP (Trích lược từ "Dấu Ấn Tình Yêu")
TIA SÁNG
Không phải ai cũng được mời gọi kết hôn, nhưng ai ai cũng được mời gọi sống yêu thương.
Dr André Ferrère
Mọi người đều có cùng một ơn gọi: sống yêu thương. Thiên Chúa mời gọi con người ra khỏi bản thân, để chia sẻ đời sống với người khác. Những người từ chối hôn nhân cũng thế, không phải họ sợ hay không thích, mà để yêu mến nhiều hơn những con người họ gặp được trong đời sống… Tôi có hiểu nguyên do của lối sống độc thân linh mục hay tu sĩ chưa? Sự từ bỏ của họ trở thành một sự hy sinh, nghĩa là một hành động làm cho nên thánh. Có thể họ sống từ bỏ là để giúp đỡ tôi. Bao giờ? Như thế nào?
Lạy Chúa, xin soi sáng cho con phương cách giúp đỡ những người đã từ bỏ đời sống hôn nhân vì yêu mến Chúa và con.


Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang