Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Abba! Cha Ôi (số 79)

HAI CỘT TRỤ
(Bạn J.B xin phép tác giả THANH PHƯƠNG được trich bài thơ này từ www.simonhoadalat.com gửi tặng mừng lễ Bổn Mạng đến tất cả các đọc giả ABBA mang thánh hiệu Phêrô và Phalô…)
Hai cột trụ chống trời
Trời Rôma hiển thánh
Hai cột trụ đỡ đời
Chở che đoàn dân Thánh.
Miệng chối, tim hãi sợ
Lòng đau, mắt lệ nhoà
Đá mềm tuôn thống hối
Niềm tin vang câu ca.
Dong duổi đường Damas
Tìm Chúa bao hung hăng
Nhiệm mầu đời ngã ngựa
Tình yêu giăng bẫy vương.
Đời thật thà tính toán
Bỏ Ngài con theo ai ?
Xin ngàn lần khẳng định
Nên Đá tảng cho Ngài.
‘’Không còn là tôi sống
Mà Chúa sống trong tôi…
Dù thế nhân vu khống
Ai tách tôi khỏi Ngài…’’
Phêrô, người đánh cá
Lại là kẻ chăn chiên
Tay quyền uy tháo mở
Tim yêu thương hiền hoà.
Người chiến sĩ tù đầy
Khách lữ hành phong ba
Phaolô, vì dân ngoại
Tin yêu đời nở hoa.
Hiệp lòng cùng Hội Thánh
Mừng Cột Trụ hiển vinh
Xin đưa đoàn dân Thánh
Về Cõi sáng uy linh.
THANH PHƯƠNG

PHAOLÔ : NGƯỜI LÀM CHỨNG
Nếu trước khi gặp Chúa Yêsu Phục Sinh, Phêrô là một người có niềm tin theo kiểu "sáng nắng chiều mưa" thì cũng trong hoàn cảnh đó, Phaolô lại là một người kiên quyết đến cùng.
Phaolô sinh tại Tarsô, miền Kilikia (x. Cv 22,3), thuộc gia đình biệt phái (Pharisêu). Khi được cắt bì, người ta gọi ông là Saul - trùng tên với vị vua tiên khởi của Israel, cũng là người thuộc chi tộc Benjamin như ông. Ông được giáo dục theo truyền thống Do Thái giáo một cách nghiêm túc. Từ năm 15 tuổi, Saul được gởi lên Giêrusalem để được thụ giáo với một rabbi nổi tiếng là Gamaliel (x. Cv 22,3), để trở thành một rabbi trong tương lai. Ngoài ra, Saul cũng học nghể dệt và đan lưới cá, nhờ vậy mà sau này trong bước đường truyền giáo, ông đã tự lo cho mình và không trở nên gánh nặng cho người khác (x. Cv 18,3; 20,34). Saul vừa là công dân Do Thái (x. Cv 21,39), vừa là công dân Roma (x. Cv 22,27-28). Saul sử dụng tiếng Aram trong gia đình và tiếng Hy lạp trong giao tiếp và viết lách với mọi người. Có lẽ Phaolô là tên Saul đọc theo cách Hy hóa. Với nguồn gốc và quá trình bản thân như vậy, Phaolô thực sự là một người có uy tín trong các cộng đồng Do Thái thuần túy lẫn Do Thái Hy hóa.
Theo sách Công vụ Tông đồ của Thánh Luca và thơ Galat của Thánh Phaolô, chúng ta có thể chia sự nghiệp của Thánh Phaolô thành hai phần rõ rệt. Phần nào cũng đáng dựng thành một cột trụ vững chắc, chỉ có điều phần đầu thì ngắn hơn.
Phần đầu đời dấn thân, Phaolô sống như một Pharisêu nhiệm nhặt và đang nỗ lực cùng với những người thờ phượng Thiên Chúa đích thực theo truyền thống Do Thái bắt bớ và triệt tiêu các nhóm "phản đạo", "tà giáo". Kitô giáo là một trong những nhóm đó. Các nỗ lực "nhiệt tâm với việc nhà Chúa" của Phaolô thật có lý với một người Do Thái chân chính.
Vì đối với người Do Thái, chỉ có một Yavê Thiên Chúa của Abraham, Ysaac, Yacóp và Môsê là Đấng đáng tôn thờ, nên những ai thờ phượng một thần linh khác sẽ là thờ tà thần, còn ai tôn dương con người làm thần linh để mà thờ là báng bổ Thiên Chúa. Do đó, nếu khi chưa gặp Đức Kitô Phục Sinh , mà Phaolô không hành động một cách mãnh liệt và dứt khoát như vậy, thì Phaolô chỉ là một người Do Thái trung bình, một người giữ đạo theo kiểu "đu đủ". Nhưng nếu hăng hái như kiểu Phaolô sẽ xứng danh là bổn mạng của các nhóm tôn giáo cực đoan, cuồng tín, không đối thoại, chỉ duy mình tôi là đúng.
Các thành tích trong các hoạt động này của Phaolô có thể kể ra là người đồng tình giết phó tế Stêphanô (x. Cv 7,58; 8,1); người trực tiếp tấn công, tàn phá Hội Thánh, "xông vào các nhà tư, và lôi đi đàn ông, đàn bà mà tống ngục" (Cv 8,3); người xin chứng thư ủy nhiệm bắt đạo của thượng tế (x. Cv 9,2); người đã đến Đamát (x. Cv 9,3); người nổi tiếng về bắt đạo ở Giêrusalem và Đamat (x Cv 9,21.26).
Nhưng kể từ khi Chúa Yêsu, người Nazareth, Phục Sinh đã hiện ra với ông trên đường đi Đamat thì cuộc đời ông thay đổi.
Thánh Kinh kể: đang khi Saul trên đường gần tới Đamat thì thình lình ánh sáng từ trời loé sáng bao lấy ông, hất ông ngã xuống đất và có tiếng nói với ông: "Saul, Saul, tại sao ngươi bắt bớ Ta?" Ông thưa lại: "Thưa Ngài, Ngài là ai?", đáp lại lời ông: "Ta là Yêsu ngươi đang bắt bớ. Song hãy chỗi dậy vào thành; sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì" (Cv 9,3-6; x 22,5-16; 28,9-18). Sau đó, những người cùng đi đưa ông vào thành. Ba ngày ba đêm, ông không nhìn thấy gì và cũng không ăn uống gì. Sau đó, môn đệ Hananya được Chúa Yêsu Phục Sinh sai đến đặt tay trên Phaolô để mắt ông được thấy lại, dạy cho ông những điều cốt yếu về đạo và giúp ông chịu phép Thánh tẩy nhân danh Chúa Yêsu. Môn đệ Hananya nói với Phaolô: "Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã tiền định cho anh được biết thánh ý Người và được thấy Đấng công chính và nghe tiếng xuất tự miệng Ngài; vì anh sẽ là chứng tá cho Ngài trước mặt mọi người về các điều anh đã thấy, đã nghe. Và bây giờ sao còn lần lữa? Hãy chỗi dậy chịu thanh tẩy và rửa mình cho sạch các tội của anh, miệng kêu khẩn Danh Ngài (Cv 22,14-16).
Nếu trước đây Phaolô chỉ thờ một Thiên Chúa duy nhất và vô hình của tổ tiên thì nay Phaolô cũng thờ một Thiên Chúa duy nhất của tổ tiên ấy đã nhập thể hữu hình nơi con người Yêsu Nazareth đã chết và đã sống lại; Nếu trước đây do không biết, nên Phaolô đã tàn phá Hội Thánh và bắt bớ những người theo Chúa Yêsu thì nay đã gặp và biết quả thật Yêsu là Đức Chúa (x. Ph 2,11) thì ông đã yêu thương, xây dựng Hội Thánh bằng cách thuyết phục những anh chị em Do Thái giáo của ông và đồng chịu cách bắt bớ, phỉ báng và tù tội như những người trước đây ông đã bắt bớ; Nếu trước đây vì là một người Biệt phái nghiêm nhặt, Phaolô không bao giờ tiếp xúc với dân ngoại, vì họ là người tội lỗi không được tuyển chọn thì nay, sau khi đã nhận lãnh sứ mạng cua Chúa Yêsu Phục Sinh , Phaolô đã mang ơn cứu độ đến cho dân ngoại dù họ là chủ nhân hay đầy tớ (x. Plm).
Niềm tin vào Chúa Yêsu Phục Sinh , tức là niềm tin Kitô giáo đã trở nên một sức mạnh lớn lao, khiến Phaolô đủ sức giựt mình ra khỏi những lối sống khép kín, tự tôn của niềm hãnh diện dân riêng của Chúa, đến mức không còn đủ sáng suốt và bình tĩnh để nhận ra Chúa đang viếng thăm và đón nhận Ngài. Sức mạnh niềm tin ấy gắn chặt cuộc đời Phaolô vào Chúa Yêsu, đến độ Phaolô sẵn sàng đánh đổi tất cả mọi giá trị để được một mình Chúa mà thôi (x. Ph 3,8). Đối với Phaolô, không phải do sức mạnh của lề luật, nhưng do sức mạnh của lòng tin vào Đức Yêsu Kitô người ta mới được nên công chính. Sự công chính do tự Thiên Chúa ban xuống cho lòng tin ! (x. Ph 3,9).
Chính niềm tin vào Đức Yêsu Kitô đã làm cho Phaolô được thỏa mãn mọi khát vọng hướng về Thiên Chúa; làm cho Phaolô không còn là người chỉ biết nhân danh lề luật để bắt bớ, nhưng làm cho ông nên quyền năng của Chúa trong việc chữa lành bệnh tật, cho kẻ chết sống lại và nhất là rao giảng lẽ sống cho muôn người.
Sức mạnh niềm tin Kitô giáo nơi các chứng nhân Thánh Kinh là sức mạnh có thể đánh đổi cơ nghiệp và mạng sống. Nhưng khi dám làm một cuộc đánh đổi cho niềm tin như thế, thì không một chứng nhân nào bị tiêu hủy hay trở nên vô ích, mà ngược lại, nơi các ngài phát sinh một sự sống sung mãn của Thiên Chúa và là nguồn ơn cứu độ xuất phát từ Đức Kitô Yêsu cho muôn người.
AN THANH, CSsR – DCCT
Thánh GENNARO MARIA SARNELLI (1702 - 30.6.1744)
Nhìn thánh Anphong, Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế thế nào, thì chân phúc Gennaro Maria Sarnelli y như thế. Sarnelli và Anphong như hai anh em sinh đôi. Họ cũng là người Napoli, cùng học và đỗ tiến sĩ luật đời cũng như luật đạo, cũng là luật sư nổi tiếng, cùng gia nhập hàng giáo sĩ khi sự nghiệp cá nhân đã có hướng phát triển ổn định, cùng hiến mình cho người nghèo, cùng làm chung một số mục vụ và cùng là tu sĩ linh mục Dòng Chúa Cứu Thế.
Sarnelli sinh ngày 12.9.1702. Thời còn là sinh viên luật, Sarnelli đã dành nhiều thời gian để chăm sóc các bệnh nhân thuộc bệnh viện "Vô phương cứu chữa". Khi là chủng sinh, Sarnelli đã cùng thánh Anphong lập các nguyện đường đêm, để đón tiếp những người bị xã hội cho là du thủ du thực, những người nghèo khổ phải làm thuê đến tận đêm mới được nghỉ ngơi. Dù xuất thân từ quý tộc, và cá nhân ngài thừa hưởng một tài sản rất lớn, nhưng ngài đã quyết tâm rời bỏ gia đình để vào Chủng viện Trung Hoa. Nơi đây tập họp những anh em có lòng ước ao muốn truyền giáo cho Trung Hoa lục địa.
Ngày 8.7.1732, Sarnelli thụ lãnh sứ vụ linh mục và tháng 8.1733 xin gia nhập Dòng Chúa Cứu Thế. Trong vòng năm năm (1736 - 1741), cha Sarnelli đã viết và được xuất bản 40 tác phẩm lớn nhỏ. Trong đó có những tác phẩm, mà ngay các nhà xã hội học của thế kỷ 20 vẫn phải tìm nghiên cứu như "Đấu tranh chống nạn mãi dâm" (1736), "Lý lẽ Công giáo và những giải pháp nhằm bảo vệ các quốc gia khỏi bị tàn phá bởi nạn mại dâm" (cũng năm 1736). Theo lý luận của Sarnelli về vấn đề này thì con người của thế kỷ ánh sáng có ba thái độ đối với nạn mãi dâm: cấm chỉ, cho hành nghề theo quy chế và xóa bỏ nô lệ tình dục. Còn Sarnelli, ngài lên án một cơ cấu xã hội đang tạo ra thảm trạng mãi dâm, lên án cả nhưng tú bà, ma cô đã sống sung túc trên máu, nước mắt và nhục nhã của các chị em làm gái điếm. Ngài không quan tâm lắm đến các biện pháp hình sự, nhưng chú trọng đến những can thiệp mục vụ. Cha Sarnelli tin vào sự thay đổi phong tục, tin vào sức mạnh của ân sủng, của lời cầu nguyện và của việc sống các bí tích có thể giải thoát các cô gái và xã hội.
Sanelli không chỉ quan tâm đến các chị làm gái như một hiện tượng xã hội phải kêu gọi mọi người giải quyết, nhưng chính ngài đã có 10 năm trực tiếp làm việc với các chị. Thánh Anphong kể lại: "Gennaro Maria Sarnelli đã thổ lộ với một người bạn rằng, lúc đầu khi ngài miệt mài với công việc khiêm hèn này, một vài người tỏ ra kính trọng, nhưng sau đó, họ đã tránh mặt hoặc phản ứng không chút nhã nhặn." Mặc cho mọi người tẩy chay, Sarnelli vẫn chạy đến với những con người bất hạnh ấy để giúp họ lấy lại phẩm giá và tìm giải pháp để cứu họ. Các can thiệp của ngài đã trực tiếp đụng đến "chén cơm" của bọn ma cô, nên chúng đã đe dọa giết ngài.
Một trong các hoạt động nổi bật khác của Sarnelli là huấn luyện tông đồ giáo dân. Ở các nguyện đường đêm của ngài và thánh Anphong lập nên, lúc đầu, các ngài quy tụ và hướng dẫn, nhưng dần về sau, chính bác thợ cắt tóc, anh phu khuân vác, chị bán tạp hóa là những người chủ trì các buổi cầu nguyện và dạy giáo lý cho những người mới đến.
Ngày 30.6.1744, sau chuyến giảng đại phúc cuối, căn bệnh lao đã bộc phát đốt cháy từng tế bào, làm năng lượng đưa cha Sarnelli về nhà Chúa. Cha Francesco Chiovaro ghi lại nhận xét của thánh Anphong:
"Gennaro Maria đã sống mãnh liệt những năm tháng làm linh mục. Đã 12 năm qua, ngài không bao giờ biết đến sự nghỉ ngơi, giúp đỡ người nghèo, người bệnh và những cô gái điếm, chăm lo giáo dục trẻ em, giảng thuyết, thức trắng nhiều đêm để viết hết sách này đến sách khác, sau cùng bệnh lao đã đến phá vỡ thể trạng không bao giờ tráng kiện của ngài."
Cuộc đời của chân phúc Sarnelli là cuộc đời của một chứng nhân trọn vẹn về lời nói (qua 40 tác phẩm) và việc làm (như mô tả của thánh Anphong) cho sức mạnh của niềm tin Kitô giáo. Như Charles Chauvin nhận xét: Sarnelli là khuôn mặt tâm linh lớn của thế kỷ 18, người đã đặt hy vọng hoàn toàn nơi sức mạnh giải phóng của ân sủng. Nên có thể nói, đối với Sarnelli, dù trong một thân xác yếu nhược bởi bệnh tật, nhưng với niềm tin vào Chúa Yêsu Phục Sinh - Đấng đã từng trở nên đồng hình đồng dạng với con người, nhất là những người tội lỗi - thì sức mạnh của Thiên Chúa quyền năng sẽ đủ sức làm cho thân xác không ra gì trở nên phương thế và cơ hội cứu độ người khác. Đối với Sarnelli, sự cố gắng của con người là một điều rất nhỏ - không đáng kể - chỉ có sức mạnh ân sủng của Chúa ban mới làm nên mọi sự. Chính vì niềm xác tín ấy, mà con người Sarnelli thuộc trọn về Chúa trong hàng chư thánh của người.
Sức mạnh niềm tin Kitô giáo là do Thiên Chúa ban, nên không lệ thuộc ở phía con người. Do đó, Thiên Chúa có thể dùng tất cả những ai dám tin tưởng vào Người để cứu độ người khác, dù đó chỉ là một thiếu nữ ngang bướng, ương ngạnh.
AN THANH, CSsR – DCCT
Thư mục vụ của Đức Cha Huỳnh Văn Nghi:
Ngày giới trẻ thế giới XVII tại Toronto
Ngày Giới trẻ Thế giới lần XVII sẽ được cử hành từ thứ năm 18 đến Chúa Nhật 21-7-2002, tại Toronto, Canada, phía Bắc Mỹ Châu. Người ta ước lượng sẽ có trên một triệu bạn trẻ từ các quốc gia đến dự. Chủ đề suy niệm, học hỏi và hành động lần này là Lời Chúa Giêsu trong sách Tin Mừng theo thánh Matthêu: "Anh em là muối cho đời… Anh em là ánh sáng cho trần gian" (Mt 5,13.14)
Đức Thánh Cha viết: "Đây là một dịp may nữa để gặp Chúa Kitô, để làm chứng cho sự hiện diện của Ngài trong xã hội hôm nay, và trở nên những người kiến tạo nền văn minh tình thương và sự thật" (số 1).
Anh em là muối cho đời
Nói đến muối, người ta nghĩ ngay đến chức năng của nó là làm gia tăng hương vị và bảo tồn thức ăn khỏi hư thúi. Cả hai chức năng này đều có thể áp dụng cho đức tin Kitô giáo và cho nhiệm vụ của người Kitô hữu trong xã hội và trong thế giới hôm nay. Đức Gioan Phaolô II đã viết: "Chất muối, mà nhờ đó bản sắc Kitô giáo của chúng ta giữ được tinh tuyền, ngay cả khi phải sống trong một thế giới rất tục hóa, là một hồng ân của phép rửa tội. Thông qua phép rửa tội chúng ta được ơn tái sinh" (số 2).
Nhờ Bí tích Rửa tội, chúng ta được "gia vị" bằng cuộc sống mới đến từ Đức Kitô. Phẩm giá chúng ta được nâng lên. Thánh Phaolô đã viết: "Chúng ta là hương thơm của Đức Kitô dâng kính Thiên Chúa, tỏa ra giữa những người được cứu độ cũng như những người bị hư mất" (2 Cr 2,15). Vì thế, thánh nhân khuyên các tín hữu "đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải tiến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì là đẹp lòng Chúa, cái gì là hoàn hảo" (Rm 12,2). Các bạn trẻ hãy cố gắng sống trong sáng, thánh thiện, tinh tuyền và trọn hảo theo phong độ của Chúa Cha trên trời (x. Mt 5,48).
Đức Thánh Cha kêu gọi các bạn trẻ bảo tồn kho tàng đức tin bằng việc đào sâu căn cội Kitô giáo của mình, học hỏi lịch sử Giáo hội, nghiên cứu những di sản tinh thần đã được truyền lại, đi theo vết chân của những chứng nhân và những bậc thầy tiền bối, có thế các bạn mới trở nên những tông đồ và những chứng nhân khả tín của ngàn năm mới này… (Còn tiếp)
Đức Cha HUỲNH VĂN NGHI (ViệtCatholic News)
TIN GIÁO HỘI THẾ GIỚI
COLLEGE PARK, Ga. - Đức hồng y Jozef Tomko nói với hàng ngàn người tham dự Đại Hội Thánh Thể ở Atlanta - Hoa Kỳ là "người Công giáo phải ý thức sâu xa rằng Thánh Thể là sự hiện diện của chính Đức Giêsu Kitô giữa chúng ta. Thánh Thể là về một con người, chính con người Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa trở nên xác phàm và trở nên bánh cho cuộc sống chúng ta… Chúa Giêsu Kitô hiện diện thực sự giữa chúng ta".
Khi Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh và cá nuôi sống đám đông dân chúng, Người đã tỏ lộ chính Người như là "bánh hằng sống" mà thịt và máu Người trở thành của ăn và của uống thực cho chúng ta…
THIÊN - ÂN (ViệtCatholic News 25/6/2002)
Văn Phòng Phối Kết Tông Đồ Mục Vụ Việt Nam Hải Ngoại loan báo chương trình các sinh hoạt của Giới Trẻ Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới Toronto 2002: Trong những ngày 24-26 tháng 07/2002, ban sáng sẽ có các giờ giáo lý bằng tiếng Việt, ban chiều sẽ có các chương trình sinh hoạt văn hóa và đức tin cho Giới Trẻ Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại. Văn Phòng Phối Kết tha thiết mời gọi các Nhóm Trẻ (không phân biệt đi với danh nghĩa "Vietmamese in Diaspora" hay đi theo Giáo Phận, Hội Đoàn) đến tham dự các chương trình của Giới Trẻ Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại, đặc biệt buổi Chia Sẻ "Thắp Sáng Niềm Tin Yêu" chiều ngày 24 tháng 07/2002. Các chương trình chi tiết và địa điểm các buổi sinh hoạt sẽ được Ban Tổ Chức thông báo sau.
Chúng ta cùng cầu xin Thiên Chúa, qua lời chuyển cầu của Chân Phước Anrê Phú Yên chúc lành đặc biệt cho Giới Trẻ Việt Nam.
Trích lược từ Thông Báo của phòng Phối Kết Mục Vụ, HOA QUỲNH chuyển tin.
TÂM TÌNH NGƯỜI TRẺ (Trích bài từ HOSANNA giới trẻ Sài gòn)
"Ai giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được." (Mt 10,39)
…Trong cuộc sống, tôi chẳng khác nào Phêrô năm xưa, lúc vui vẻ thì vỗ ngực: "Thầy đi đâu con cũng nguyện theo Thầy đến cùng", ước mong được ngồi bên cạnh Thầy khi Thầy làm vua, mà tôi quên rằng còn vế sau Phêrô chưa đám nói: "Tôi vác thập giá lên núi Sọ cùng Thầy". Và Phêrô đã chối Thầy không chỉ một lần!
Hôm nay bạn bè tôi đang tham gia phong trào "hiến máu nhân đạo", còn tôi, sợ mất sức hay gầy đi thì mất dáng, mất duyên. Các lớp học tình thương cũng mời gọi tôi, nhưng tôi trả lời: "Không học phí thì miễn bàn!" Anh em tôi tới chầu Chúa mỗi sớm, còn tôi, ngủ khèo cho khoẻ…!
Giêsu ơi, những hy sinh nhỏ đối với con đã là khó nói chi đến liều mạng sống mình vì Ngài. Xin giúp con. Amen!
Thánh Tô-ma Tông đồ (ngày 3 tháng 7)
"Đức Giêsu bảo: Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!" (Ga 20,29)
Câu "Phúc cho ai không thấy mà tin" đã đánh động tôi bấy lâu.
Đối với người Công giáo, niềm tin được đặt lên hàng đầu. Vậy mà tôi thì cứ như Tôma, chẳng dám tin và làm chứng cho Chúa trong môi trường sống của mình. Những lần cầu xin mà không được, tôi đâm nghi ngờ và xa dầnThiên Chúa. Cho đến mãi thời ian gần đây, tôi mới thấymình thật có lỗi với Chúa vì đã không nhận ra những việc nhỏ mọn nhất mà Chúa làm cho tôi. Chúa đã êu thương tôi vô vàn.
Lạy Chúa vì yếu lòng tin, nên con không nhận ra tình yêu Chúa dành cho con, xin Chúa thêm đức tin cho con, để con luôn sống trong tin yêu và hy vọng. Amen.


Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang