Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Abba! Cha ÔI (số 66)

ĐỨC KITÔ ĐÃ PHỤC SINH!
Nhiều thế kỷ nay, hàng năm, người Kitô hữu loan báo sự Phục Sinh của Đức Giêsu. Và hôm nay, một lần nữa, chúng ta lại loan truyền và công bố cho toàn thế giới: Đức Kitô đã phục sinh! Chúng ta công bố điều này vì đức tin dạy rằng Đức Giêsu người Nagiarét, Đấng đã sinh ra cách đây trên 2000 năm, Đấng ấy đã chết và đã được phục sinh trong Chúa Thánh Thần. Biến cố Phục Sinh của Đấng Cứu Thế mãi mãi ghi đậm trong ký ức của Giáo hội, của những người đã đi trước chúng ta trong đức tin. Người tiên phong trong niềm tin vào sự phục sinh của Đức Giêsu, đó là Mẹ Maria. Từ các thánh tông đồ đến chúng ta, một chuỗi liên tục những người nam người nữ, bằng chứng tá đời sống của họ đã truyền thông cho chúng ta niềm tin này: Đức Kitô đã phục sinh!
Trích từ bài của Lm. Antôn VŨ HỮU LỆ - Dòng Phanxicô

HẠNH PHÚC TRONG MỖI CÁCH ĐÓN NHẬN
1. HẠNH PHÚC TRẢI NGHIỆM
Cháu gái tôi gặp một khó khăn lớn là đã mang thai mà chưa có chồng. Cháu tìm đến tôi nhờ giúp đỡ. Cháu nói:
- Con sẽ không phá thai đâu, nhưng con ghét nó. Con không hề có một chút tình cảm như đã có khi chăm sóc em út thay mẹ.
Khi cháu đã mẹ tròn con vuông, tôi hỏi:
- Bây giờ có cho thằng cu này không, có người sẵn sàng nhận nó làm con nuôi đó?
Cháu tôi lắc đầu bảo:
- Nếu bây giờ ba má con không chấp nhận con của con, con sẽ bế cháu đi và hai mẹ con sẽ tự tìm cách sống -   Cháu tôi cúi đầu hôn vào trán thằng bé - ha con ha!
2. HẠNH PHÚC TRẢ LỜI
Giáo sư Robertson Me Quikin có người vợ _ Muriel _ 17 năm qua mắc chứng tâm thần Alzheimen _ đau đớn và câm lặng. Khi biết bệnh bà không thể khỏi nhanh, ông đã từ nhiệm chức hiệu trưởng trường đại học để có nhiều thời gian chăm sóc và ở với bà. Đồng nghiệp, học trò và bà con của Quikin đều cho rằng ông đã làm một lựa chọn khác người. Còn ông thì tự nhủ "tôi chưa bao giờ tiếc nuối cả".
Nhưng có những đêm thức trắng bên bà Muriel, giáo sư đã thốt lên với Chúa: "Lạy Chúa, …con biết một huấn luyện viên cho một cầu thủ ngồi ở ghế dự bị là vì ông không muốn cho cầu thủ ấy tham gia trận đấu, nhưng vì sao Ngài không cho con biết lý do. Lạy Chúa, con muốn biết tại sao con không được tham gia trận đấu bình thường như mọi người?".
Sáng hôm sau Quikin đưa Muriel đi tập thể dục buổi sáng như thường ngày, nhưng hôm nay lại có một gã ăn mày ngọng nghịu cứ nói đằng sau ông: "Ốt (tốt) lắm, tôi thít (thích) thế, ốt (tốt) thật đấy!" khi về nhà ông chợt nghĩ hay là Chúa đã qua người ăn xin để trả lời mình? Ông nói: "Ôi! Nếu Chúa thích thế thì con sẵn sàng. Con cám ơn vì Chúa bổ sức cho con."
Sáng sớm ngày 14/2/1995, tức là sau 47 năm ngày ông ngỏ lời yêu bà, lúc ông đang làm vài động tác thể dục ngay bên giường bà. Bà Muriel từ từ tỉnh và tai ông Quikin nghe một giọng nói trong veo từ miệng bà: "yêu.. yêu… yêu!" Thấy ông vừa mừng vừa lo lắng, bà lại nói:"Em vẫn tốt." Lúc đó ông buộc miệng: "Ốt thật đấy! Tôi thít thế!" (Theo chẳng bao giờ trễ cả. NXB Trẻ. 2002)
3. HẠNH PHÚC GẶP GỠ
chiều nay đọc Thánh Kinh Luca 19,1-10, tôi gặp anh Zakkhê. Anh là người thuộc phường tội lỗi và cũng nhỏ thó bằng một mẫu là cùng. Khi Chúa Giêsu đi ngang qua Yericô, anh trèo lên cây sung đón Ngài. Gặp anh Ngài nói: "Xuống mau Zakkhê, hôm nay tôi trọ nhà anh!" Anh vui mừng đón Chúa vào nhà.
Chẳng đợi Chúa Giêsu lên lớp dạy dỗ điều gì, mà chỉ nghe vài lời oán trách của người Do Thái, anh đã quyết định: "Này nửa phần của cải tôi, thưa Ngài, tôi xin bố thí cho kẻ khó, và nếu tôi đã gian lận gì của ai, tôi sẽ đền lại gấp bốn." Khi gặp được Giêsu, anh Zakkhê đã hạnh phúc chẳng kém gì Thánh Phaolô. Anh đã làm điều Phaolô nói: "Vì Ngài tôi đành mất tất cả, tôi xem mọi thứ như phân bón, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa tôi."
4. HẠNH PHÚC NIỀM TIN
Các ngôn sứ đã loan báo và ngay Chúa Giêsu cũng đã nói là phải đi qua đau khổ mới đến vinh quang, phải đi vào cái chết rồi mới trỗi dậy vinh hiển, nhưng các tông đồ không tin, vì lòng các ông không bao giờ ước ao một diễn trình như vậy. Nhưng sáng nay, khi ra mồ, Phêrô và Gioan đã thấy: "dải vải vẫn đặt đó, còn tấm thượng khâm phủ đầu Ngài thì không đặt chung với dải vải, nhưng được cuộn riêng ra một chỗ" (Yn 20,6-7), còn xác Chúa Giêsu họ không thấy. Tuy thế, tác giả Tin Mừng thứ tư xác nhận: "Ông đã thấy , và ông đã tin" (Yn 20,8).
Phêrô, Gioan và các tông đồ tin vào những gì các ngôn sứ và Chúa Giêsu đã nói. Các tông đồ tin Chúa đã sống lại. Niềm tin đó tạo ra một sức mạnh nơi Phêrô _ một người hèn nhát chối thẳng ngay trước mặt đầy tớ gái _ khiến ông dõng dạc tuyên bố trước toàn thể công chúng: "Đức Giêsu người Nazareth, Thiên Chúa đã xức dầu cho Ngài bằng Thánh Thần và quyền năng; và Ngài đã thi ân giáng phúc và chữa lành mọi kẻ bị quỷ ma áp bức thống trị… Chúng tôi là chứng nhân về mọi điều Ngài đã làm trong vùng người Do Thái và ở Giêrusalem" (Cv 10, 38-39). Và khi Phêrô tin và tuyên xưng Thiên Chúa đã làm cho Đức Giêsu sống lại (x Cv 10,40-41), thì sức mạnh niềm tin đã làm cho con người quê mùa, kém cỏi như Phêrô chữa lành cho người què ở đền thờ (x Cv 3,6), làm cho kẻ chết sống lại (x Cv 9, 36-42).
KẾT
Nếu hạnh phúc của cháu tôi có là do tay nó đã ôm đứa trẻ vào lòng; hạnh phúc của giáo sư Quikin là Chúa đang nói với ông; hạnh phúc của Zakkhê là gặp Chúa; hạnh phúc của Phêrô là tin và gặp Chúa Phục sinh thì hạnh phúc của mỗi người chúng ta sẽ tùy thuộc vào cách chúng ta đón nhận Chúa như một giai điệu yêu thương bên tai, hay như tiếng thông reo rì rào, hay như làn sóng biển dồn dập… hay như Lời Chúa trong Thánh Kinh mỗi ngày, vì Chúa Giêsu Phục Sinh mang hạnh phúc đến cho mọi người, mọi thời bằng muôn cách thích hợp cho riêng từng người.
Xin ngợi khen Giêsu Phục Sinh, Chúa con! Helleluia.
0h5, Thứ Bảy Vọng Phục Sinh Năm Nhâm Ngọ.
AN THANH, CSsR.
MỘT CUỘC PHỤC SINH
Không biết truyền thống này có từ bao giờ mà cứ đến những dịp Đại lễ như Giáng sinh hay Phục sinh là lúc mà những vị đại diện Chúa Ki-tô mệt mỏi và bận rộn nhất cho những hối nhân hòa giải với Chúa. Không gì buồn chán và dễ cáu gắt khi nhiều hối nhân cứ ê a xưng tội của những người thân mình. Tuy nhiên, các ngài sẽ cảm thấy vui và an ủi lớn khi có những hối nhân mà các ngài quen gọi là bắt được những "con cá lớn" có khi là 10, 20, 30 năm hay thậm chí cả 60 năm cuộc đời mới làm hoà với Chúa.
Trong Tuần Thánh vừa qua tôi cũng được chứng kiến một con cá lớn như thế chạy đến làm hoà với Chúa. Buổi sáng hôm ấy khi tôi đang làm một vài chuyện trong cộng đoàn, có tiếng chuông khách và tôi vội chạy ra mở cổng. Một chị đạo đức từng làm việc với tôi đã đem đến cho chúng tôi "một con cá lớn" theo như lời chị nói. Tướng mạo của anh ta khá bặm trợn và tuổi đời ngoài bốn mươi. Thoạt nhìn tôi hơi ái ngại vì anh ta trông rất "xã hội đen", song khi chị đạo đức ấy giới thiệu tôi với anh, trông anh ta có vẻ nhút nhát và hơi run khi chào tôi. Chị ấy nhờ tôi giúp anh ăn năn xét mình vì hơn 18 năm qua anh hoàn toàn nguội lạnh và không hề biết đến các bí tích. Rồi tôi đã cùng anh tâm sự, giúp anh xét mình và không quên cùng đấm ngực với anh nhìn nhận mình cũng là người tội lỗi trước khi mời cha bề trên cho anh làm hoà với Chúa.
Anh tuổi ngoài 40 nhưng trông già hẳn đi vì dạn dày sương gió! Là người Công giáo từ thuở nhỏ nhưng chưa bao giờ anh sống cho ra một Ki-tô hữu chính danh. Gia đình, bạn bè và hàng xóm đều ngán ngẩm anh vì họ cho rằng anh là một tên đốn mạt và vô liêm sỉ. Nhắc đến tên anh là người ta kinh hãi và lo sợ. Anh đã từng chọc trời khuấy nước nên anh rất có uy trong chốn giang hồ. Cũng từ dạo ấy anh bị sống tách biệt với hàng xóm và những người thân. Dù có tiền, có uy song anh vẫn cảm thấy cô đơn và thiêu thiếu một điều gì đó. Nhiều lúc anh muốn sống một cuộc sống bình thường như bao người nhưng dư luận cứ ám ảnh anh mãi riết rồi anh cũng phó mặc cho số phận đưa đẩy để mặc sức sống theo bản năng.
Nhưng rồi cũng chính từ một chút le lói muốn trở thành người lương thiện còn sót lại trong anh, anh đã được biến đổi thật sự. Lạ thay, bao mùa Phục sinh trước đây có bao giờ anh để ý đến tiếng chuông, những lời nguyện ngắm hay tiếng cầu kinh của những người đạo đức quanh khu xóm của anh, vậy mà từ đầu mùa chay 2002 này có một cái gì thôi thúc trong anh khiến anh không thể cưỡng lại được. Song anh lại nghĩ nếu mình nói lúc này thì ai tin mình. Lưỡng lự, thấp thỏm mãi anh mới mạnh dạn tìm gặp một chị đạo đức trong xóm giáo mà anh thường thấy đi chầu Mình Thánh Chúa để xem có cách nào cho anh quay về với Chúa. Rất may, chị đạo đức này là người hiểu rộng, biết sâu và nhiệt tâm đã nói chuyện với anh, hướng dẫn anh và sau hết đã đưa anh đến cộng đoàn tôi vào những ngày Tuần Thánh này.
Khi xưa thánh Phaolô nói rằng Phaolô trồng, Apôlô tưới, nhưng chính Chúa mới cho mọc lên. Thật vậy, nhiều lúc người ta cứ tưởng mình đã làm được những điều trọng đại và đáng được thưởng công, song người ta quên mất một điều là chúng ta chỉ là những dụng cụ của Chúa mà thôi. Anh tâm sự rằng trước khi đến làm hoà với Chúa, trong lòng anh có một sự chiến đấu lớn, anh tưởng rằng mình khó vượt qua (bằng chứng là hai lần thất hẹn với chị đạo đức vì hình như có một ma lực nào đó không muốn cho anh từ bỏ con đường tội lỗi). Cũng may, chính nhờ sự cầu nguyện đặc biệt của cộng đoàn hiệp thông các thánh mà sự dữ đã bị đẩy lui để nhường bước tiến cho sự thánh thiện và quyền năng của Chúa.
Từ một con người có tiếng trong giới xã hội đen, anh đã biến đổi và trở nên một con người hiền hoà và tự tin sau giây phút làm hòa với Chúa. Xin chúc mừng anh. Chúa Ki-tô đã chết nhưng đã Phục sinh. Anh cũng đang được phục sinh với Ngài rồi đấy. Cầu chúc anh mãi được Phục sinh với Ngài và đừng đánh mất những gì anh mới tìm gặp.
Tuần Thánh 2002
Xuân Sang
NGÀY NÀY NĂM XƯA
Ngày 02/04/1839 – Thánh tử đạo Đaminh VŨ ĐÌNH TƯỚC
Cuộc tử đạo của vị linh mục dòng Đaminh này chỉ kéo dài vỏn vẹn trong mấy tiếng đồng hồ. Ngày 02/04/1839, trong lúc đang dâng lễ tại nhà một tín hữu cho cha ẩn náu, một toán người đến vây bắt cha. Toán người này không phải quân triều đình mà chỉ là những người tham nhận tiền thưởng. Cảnh tượng khi cha Tước bị bắt giống hệt như cảnh Chúa Giêsu bị bắt trong vườn Cây Dầu năm xưa. Khi đám người kia chặn cha lại, cha hỏi: "Các ông đi tìm ai?". Họ trả lời rằng họ tìm bắt linh mục, cha đã trả lời: "Chính tôi đây."
Các tín hữu xin lấy tiền chuộc cha, nhưng đám người này muốn nhận nhiều hơn từ phía nhà vua nên từ chối. Khi họ áp giải cha Đaminh đi, đông đảo các tín hữu cầm gậy gộc vây đánh để giải cứu cho cha. Thấy khó lòng chống trả lại các tín hữu và tức tối vì vuột mất "món bổng lộc", đám người hung hãn này đã chọn giải pháp là thủ tiêu luôn cha Tước, sau đó bỏ chạy tán loạn.
Vết thương quá trầm trọng, cha Tước đã không qua khỏi. Nhưng trong những giây phút ngắn ngủi cuối cuộc đời, cha Đaminh Vũ Đình Tước vẫn không quên bổn phận của mình, cha vẫn sáng suốt dặn dò, khích lệ các tín hữu và không ngừng kêu danh Giêsu.
Giáo Hội đã xác nhận chứng tá tử đạo của Cha và suy tôn ngài lên bậc Chân Phước vào ngày 27/05/1900.
Anh Tú
Ngày 06/04/1857 – Thánh tử đạo Phaolô LÊ BẢO TỊNH
Phaolô Lê bảo Tịnh vốn xuất thân từ một vị ẩn tu. Vâng lời bề trên, và vâng nghe theo Thánh ý Thiên Chúa, vị ẩn sĩ Lê bảo Tịnh đã từng bước trở thành một linh mục truyền giáo, một giáo sư và sau cùng là một vị thánh tử đạo của non sông Việt Nam.
Cha Phaolô Tịnh đã từng được cử làm Giám đốc kiêm giáo sư chủng viện Vĩnh Trị. Tuy bận rộn, nhưng cha vẫn làm nên một số tác phẩm tiêu biểu như "Phúc âm dẫn giải", "Lục vấn lương tâm", "Những lời khuyên thực hành để giúp xa lánh tội trọng và dọn mình chết lành", v.v…
Thanh Tùng
TIA SÁNG
Không phải sách Tin Mừng giải thích Phục Sinh; Chính Phục Sinh mới giải thích Tin Mừng.
J.S. Whale
Một sinh viên cao đẳng viết:
"Buổi sáng Chúa nhật Phục Sinh, tôi vừa đi phát báo xong. Lúc ngang qua nhà thờ thánh Gall, mặt trời đang lên cao. Tôi không có ý định vào đi lễ, bởi vì đang độ tuổi chối bỏ giáo hội của thiếu niên.
Và chuyện đã xảy ra!
Mặt trời dọi đúng vào cây thánh giá bạc to lớn treo ở tiền đường nhà thờ. Mắt tôi không thể rời khỏi đó. Ánh sáng rạng ngời như bốc lửa của thánh giá làm tôi nghiệm được tâm tình của các tông đồ trong ngày Phục Sinh đầu tiên. Một sức mạnh vô hình điều khiển chân tôi bước theo các bậc cấp. Tôi vào trong nhà thờ, quỳ xuống và cầu nguyện.
Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi hiểu được thế nào là Phục Sinh."
Lễ Phục Sinh nói với tôi điều gì?
Lễ Phục Sinh nào đáng nhớ nhất trong đời tôi?
GIỚI TRẺ TIN YÊU
(ABBA - Roma) _ Hôm thứ năm, ngày 21/3/2002, tại quảng trường Thánh Phêrô, 20 ngàn bạn trẻ Ý đã quy tụ lại với nhau gặp gỡ Đức Thánh Cha. Cuộc gặp gỡ lần này là để chuẩn bị cho Ngày Giới trẻ Thế giới tại các giáo phận địa phương vào Chúa Nhật Lễ Lá và cho ngày Đại hội Giới trẻ Thế giới sắp tới sẽ được tổ chức tại Toronto vào 23-28/7/2002. Đặc biệt trong dịp này có sự tham dự của hai chị em đến từ Canada, mà có người cha bị chết tại tòa Bạch Ốc ở New York trong cuộc khủng bố hôm 11/9 năm ngoái.
Trong cuộc gặp gỡ lần này, ĐTC đã nói chuyện với các bạn trẻ xoay quanh chủ đề của Đại hội Giới trẻ Thế giới: "Anh em là muối cho đời, là ánh sáng cho trần gian" (Mt 5, 13-14). ĐTC nhắc nhở các bạn trẻ của ngàn năm mới đừng lạm dụng tự do của chúng ta được Thiên Chúa ban tặng; đừng phung phá phẩm vị cao cả của chúng ta là được làm Con Thiên Chúa. Mà các bạn trẻ hãy dành thời gian để cầu nguyện, hãy để Phúc Âm uốn nắn, hãy hiến trọn đời mình cho Chúa Kitô. Có như thế, các bạn mới không bị chi phối bởi đời sống vật chất, các bạn mới có thể là ánh sáng cho thế gian và là muối cho đời.
Tiếp đến, hai chị em người Canada đã chia sẻ chứng từ về mình khi người cha bị chết do bọn khủng bố gây ra. ĐTC cùng các bạn trẻ Rôma đã lắng nghe chứng từ của hai chị em. Sau đó, ĐTC đã ôm và chúc lành cho hai chị em. Đây là giây phút cảm động nhất trong buổi gặp gỡ.
Ngoài ra còn có các chứng từ của các bạn trẻ chọn cho mình lối sống trong tương lai: gia đình, linh mục, tu sĩ và giáo dân thừa sai.
Bài hát cho ngày Giới Trẻ Thế giới "Ánh sáng của thế giới" cũng được hai bạn trẻ người Canada khác trình bày và ĐTC cùng các bạn trẻ hiện diện đã lắng nghe chăm chú.
Tuy đã già yếu, nhưng Đức Thánh Cha trông rất phấn khởi và khỏe mạnh, Ngài kết thúc bài nói chuyện với một giọng mạnh mẽ và vững chắc: "Chúc các con một cuộc hành trình tốt đẹp tới Toronto".
(ABBA - Sàigòn) _ "Anh em là muối cho đời, là ánh sáng cho trần gian" (Mt 5, 13-14). Đó cũng là chủ đề của kỳ tĩnh tâm của giới trẻ giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, vào ba ngày 25-26-27/03 vừa qua, lấy từ chủ đề của Đại hội Giới Trẻ Thế Giới sắp tới. Đây là đợt tĩnh tâm cuối cùng của giáo xứ và cũng là đợt tĩnh tâm cuối cùng của địa phận Tp.HCM, nên đã thu hút rất nhiều người trẻ tham dự. Trong ba ngày tĩnh tâm, Cha giảng phòng đã giúp các bạn trẻ tái khám phá lại mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người qua các câu hỏi được đặt ra: Thiên Chúa là ai, Đức Giêsu là ai? (ngày thứ nhất); Ta phải sống như thế nào để trở thành người Công giáo đích thực? (ngày thứ hai); và Ta phải làm thế nào để duy trì hạnh phúc của người Công giáo? (ngày thứ ba).
Trong ngày tĩnh tâm cuối cùng, Cha giảng đã mời gọi các bạn trẻ hãy luôn duy trì niềm hạnh phúc nhất của người Công giáo chính là nhận biết: trong ta có Thiên Chúa và trong Thiên Chúa có ta, bằng việc cầu nguyện. Vì qua cầu nguyện, ta mới khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong ta, để rồi ta sống trong sự hiện diện đó và ta biết tỏa sáng sự hiện diện của Thiên Chúa qua cách sống. Khi đó, ta mới trở nên muối và ánh sáng cho đời.
Và trong ngày cuối cùng này, các bạn trẻ đã có những cử chỉ rất bác ái. đáp lại lời mời gọi của ban Mục Vụ Giới Trẻ, các bạn đã mang theo quần áo, sách vở cũ cũng như tiền để giúp đỡ người nghèo.
Kết thúc Thánh Lễ tạ ơn sau ba ngày tĩnh tâm, Cha chủ tế đã chúc lành cho các bạn và mời gọi các bạn trẻ hãy để cho ánh sáng của Chúa Giêsu ở lại trong các bạn và các bạn hãy ra đi làm chứng cho Tin Mừng.
J.B


Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang