Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Abba! Cha Ôi (số 70)

NGÀY NÀY NĂM XƯA
Thánh Giuse TUÂN, Linh mục dòng Đaminh
Ở tỉnh tôi có Thánh tử đạo Giuse Tuân quê ở xứ Cao Xá, tỉnh Hưng Yên (nay là Hải Hưng). Cha được thụ phong linh mục (dòng Đaminh), trở thành người phục vụ Tin Mừng trong thời bách hại tàn khốc nhất dưới triều đại vua Tự Đức. Một tín hữu vì lợi lộc đã phản bội và tố giác cha, cũng chính vì việc này mà sau đó cha được ơn tử đạo, vào ngày 29/04/1861. Đúng 90 năm sau, cha Tuân đã được phong lên bậc Chân Phước (29/04/1951).

Tạ Hữu Long (Hải Hưng)
Thánh Augustinô SCHOEFFLER ĐÔNG
Ngày 01/05 cách đây 151 năm (1851) có một vị linh mục vốn là người Pháp nhưng đã được ghi tên vào danh sách những vị thánh tử đạo Việt Nam. Lm. Augustinô Schoeffler sinh ra tại Mittelbronn tỉnh Loraine, nước Pháp. Từ nhỏ cha đã có được ơn gọi loan báo Tin Mừng, mặc dù bị nhiều rào cản nhưng cha vẫn quyết vâng theo ơn gọi. Năm 1847 cha được thụ phong linh mục. Sau đó, cha được gởi đến địa phận Tây Đàng Ngoài, rồi tiếp đến là coi xứ Đoài (đang trong thời bách đạo). Trong quá trình phục vụ ngài đã hy sinh bị bắt để không ai bị liên lụy. Khi nghe tin mình sẽ bị trảm quyết vào ngày 01/05, cha vui mừng quỳ ngay xuống đất tạ ơn Chúa và Đức Mẹ đã xếp đặt cho mình được tử đạo vào ngày đầu tháng Đức Mẹ. Ngày xử cha người ta đi đông như hội, mọi người vô cùng ngạc nhiên vì lòng can đảm của cha. Cha tử đạo khi chỉ mới 29 tuổi.
Cũng đúng vào ngày đầu tháng Đức Mẹ năm sau, 01/05/1852, Giáo hội Việt Nam lại đón nhận thêm một vị thánh tử đạo xuất thân từ nước pháp. Đó là Cha Gioan Louis BONNARD HƯƠNG đến từ St. Christot-rn-Jarret, Lyon, Pháp. Trong 3 năm (1949-1952) rao giảng Tin Mừng ở Việt Nam, cha Gioan Louis Bonnard Hương đã đóng góp nhiều lúa chín cho giáo hội. Lần nọ, sau khi dâng lễ, cha đã bị bắt. Những lần khảo cung là những lần cha cảm nghiệm sống động nhất lời Đức Kitô "Không phài chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em…" (Mt 10, 20) "Tôi không thấy bối rối chút nào, không phải sợ gì và chưa bao giờ tôi nói tiếng Việt Nam lưu loát và dễ dàng đến thế". Cha còn kể rằng cha thấy rất vui mừng khi biết được gông xiềng của mình còn nhẹ hơn thập giá của Đức Kitô bội phần.
Cả hai vị thánh tử đạo đã được phong Chân Phước cùng một ngày 27/05/1900.
Thái Thanh
02/05/1854 – Thánh Giuse NGUYỄN VĂN LỰU
Ông Trùm họ Mặc Bắc này quê ở Cái Nhum, tỉnh Vĩnh Long. Ông đúng là một chứng nhân giữa đời thường của Đức Kitô. Ông sinh ra trong một gia đình công giáo đạo đức, bản thân ông sau này cũng làm chồng và làm cha của một gia đình công giáo đạo đức. Ông giúp các linh mục điều hành họ đạo, chăm lo cho thiếu nhi, người nghèo, hiến ruộng vườn xây tu viện. Đặc biệt, khi làm Trùm họ, ông đã hòa giải thành công nhiều xích mích. Cách hòa giải của ông rất đơn sơ, phân tích ai đúng ai sai, trích dẫn Lời Chúa trong Phúc âm, mời gọi người ta tha thứ và làm hòa với nhau. Ở tuổi 64, sau một năm lao tù, ông mất do yếu sức. Dù không bị xử tử, nhưng với thái độ kiên trung trong bắt bớ tù đày ông Trùm Lựu vẫn được nhận cành vạn tuế tử đạo. Một điều lạ nữa là, dù đang trong thời cấm đạo tàn khốc, đám tang của ông vẫn có sự hiện diện của 4 vị linh mục và khoảng 2000 tín hữu.
Ông trùm Giuse Nguyễn Văn Lựu được phong Chân Phước vào ngày 02/05/1909.
Đỗ Thái (Vĩnh Long)
LẰN RANH VÔ HÌNH
Bấy lâu đi trại cũng nhiều, dựng trại làm lều đều biết, nhưng thực chất vẫn chưa hiểu đúng ý nghĩa của cái cổng trại. Chỉ đơn giản là cái cổng có tên trại và trang hoàng cho đẹp, thế thôi. Hôm nọ được huấn luyện về cắm trại mới vỡ lẽ ra một điều. Chú B. nói người ta đi trại thường hay quên làm "ranh giới đất trại". Nếu không làm "ranh giới đất trại" thì có làm cái cổng trại đẹp đến đâu chăng nữa vẫn vô nghĩa mà thôi. Ranh giới đôi khi chỉ là một sợi dây thừng, dây dù, thậm chí là dây nilông, nếu muốn người ta có thể bước hoặc chui qua dễ dàng. Làm ranh giới là để rèn luyện cho trại viên ý thức kỷ luật, phải ra vào trại bằng cổng chính đàng hoàng, không bạ đâu băng đó.
Chú kể có một lần đoàn chú đi cắm trại, dây không đủ để làm ranh giới đất trại. Ban chỉ huy bèn quy định đâu là ranh giới đất trại và chẳng có một vật gì hữu hình xác định ranh giới đất trại. Chú nói "Không hề có ai bước qua lằn ranh vô hình đó!"
Bước nhanh qua ranh giới để đi cho gần, khỏi phải vòng vèo vào cổng chính chi cho xa, có bước qua bừa cũng chẳng ai phạt, cũng chẳng có chuyện gì to tát. Thế nhưng, cái lằn ranh vô hình và mỏng manh đó quyết định ý thức kỷ luật, trình độ văn minh của một con người. Dừng lại: có lòng tự trọng; Bước qua: không có lòng tự trọng. Nếu bạn tự trọng, bạn sẽ được mọi người tôn trọng.
Lại nghĩ đến chuyện đi đường, chuyện đèn xanh đèn đỏ bây giờ. Đèn đỏ hả, ôi dào, có công an đâu, thôi đi đại cho kịp công việc, ai cũng vượt mà, chạy vô tư nữa là, mình đứng lại làm gì, dị hợm quá. Lằn vôi phân đường hả, là cái thá gì, chừng nào là con lương lấn qua không được thì thôi, mà nhiều khi cần cũng khiêng xe qua luôn chứ đừng nói. Có ai phạt đâu mà sợ, chừng nào có người "canh" thì mình đi đàng hoàng, không có tội vạ gì. Chỉ là hùa theo đám đông, còn ý thức cá nhân, lòng tự trọng thì trôi tuột đi đâu mất cả. Chỉ sợ bị phạt, chỉ sợ khác người (dù mình đúng, người ta sai), mà không sợ bản thân trở nên thấp kém.
Tôi có đủ bản lĩnh tự thiết lập cho mình một "lằn ranh vô hình" để là người duy nhất dừng lại đúng vạch vôi lúc đèn đỏ trong khi tất cả những người khác chạy ào ào qua mặt, trong đó có không ít những ánh mắt cười cợt "Đồ khùng!" không?
Hoa Quỳnh
TIN GIÁO HỘI THẾ GIỚI
Ngày 23/04/02, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có cuộc nói chuyện với các Giám Mục Nigiêria về việc chính phủ Nigiêria cho áp dụng luật Hồi giáo ở 12 thành phố miền bắc Nigiêria.
Ngài thúc giục Giáo Hội Nigiêria nói chung và các Giám Mục nói riêng phải can đảm lên tiếng đấu tranh để bảo vệ cho quyền tự do tôn giáo. Đức Cha nói: "Các nhà lãnh đạo trong chính phủ, cả địa phương và trung ương, cũng như những người có thiện chí thuộc mọi tín ngưỡng phải luôn nhớ rằng tất cả các chính quyền đều phải có nghĩa vụ bảo đảm quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật không bao giờ bị xâm phạm bởi các lý do tôn giáo, dù công khai hay ngấm ngầm." Ngài còn giải thích thêm: "Ngay trong trường hợp hiến pháp một quốc gia có công nhận vị trí đặc biệt của một tôn giáo nào đó, thì quyền tự do tín ngưỡng vẫn phải được pháp luật công nhận và được mọi người tôn trọng, ngay cả đối với những người nước ngoài đang trú ngụ tại quốc gia đó."
Về việc thúc đẩy đối thoại giữa các tôn giáo, Đức Thánh Cha cho biết: " Dù phải đối mặt với những khó khăn như hiện nay, công cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa giáo với Hồi giáo, cũng như Thiên Chúa giáo với các tôn giáo khác tại Nigiêria cũng có được những tiến triển rõ rệt." Ngài nhấn mạnh: "Nền văn hóa phong phú đa sắc tộc tại Nigiêria phải được nhìn nhận là nguồn lực làm giàu thêm cho đất nước, chứ không phải là nguyên nhân gây nên xung đột và chia rẽ."
Hiện Nigiêria có 50% dân số theo đạo Công giáo, 50% là người Hồi giáo, bao gồm dân thuộc 250 sắc tộc và ngôn ngữ cùng sinh sống trên 36 thành phố khác nhau.
Về cuộc xung đột tại Trung Đông – Sau 22 ngày bị bao vây, bị thiếu nước và thức ăn nghiêm trọng, nhà dòng Phanxicô đặt trong nhà thờ Giáng Sinh tại Bêlem lại bị quân đội Israel cắt đứt mọi đường dây điện thoại. Tuần trước, Đức Thánh Cha đã đích thân dùng điện thoại để động viên khoảng 39 tu sĩ nam nữ tại đây, nên hành động chặn đứng mọi đường liên lạc bị xem là quá sức chịu đựng. Đại diện Dòng Anh Em Hèn Mọn đã nhiều lần đề nghị Đại sứ quán Israel tại Vatican phải xem xét lại trách nhiệm của họ về vấn đề trên.
TERESAH (theo Zenit.org)
TIA SÁNG
Muốn sống hạnh phúc, thì không có gì bằng biến đổi ưu tư lo lắng thành việc làm.
Maeterlinck
Đa số nhân loại dùng phần lớn cuộc đời mình để băn khoăn lo nghĩ: một sinh viên rối rắm trước kỳ thi đang tới, một thiếu nữ tự hỏi mình có được bạn bè ưa thích không, một bà mẹ cuống quýt lên vì bữa ăn đã gần… Chẳng có gì lạ lùng khi thấy ta phải lo nghĩ; nhưng nếu cứ băn khoăn lo nghĩ thì mất bình an trong lòng và phần hạnh phúc mà Thiên Chúa ban cho ở đời này. Chỉ có một liều thuốc là làm việc…
Chớ gì anh sinh viên biết bắt tay vào công việc học hành, người thiếu nữ thôi trang điểm để tiếp đón bạn bè, người mẹ dừng tay chốc lát để lấy lại hơi sức…
Hiện tại tôi lo lắng gì? Tôi có thể biến nó thành việc làm được chăng? Có thật là tôi không biết làm gì cho tôi hay người khác không?


Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang