Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Abba! Cha Ôi (số 69)

NHÂN NGÀY GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG
Một lần tôi đi thăm Đền Hùng. Người hướng dẫn giới thiệu những phát Hiện Khảo Cổ Học cho thấy: từ xa xưa, núi Nghĩa Lĩnh này đã là nơi gặp gỡ của dân miền xuôi và dân miền núi. Như vậy, chắc ở nơi bây giờ là Đền Hùng từ rất xa xưa đã có sinh hoạt tôn giáo, có tế tự.
Tôi lại nhớ khi học Kinh Thánh đã nghe giải thích rằng: những Đền Thờ cổ xưa bên Israel như Bthel, Hebron... đã là nơi giữ gìn, lưu truyền và phổ biến các truyền thuyết của lịch sử Cựu Ước. Bèn hỏi người hướng dẫn: "Như vậy có thể truyền thuyết một bọc trăm trứng phát xuất từ chính nơi này?" Chị trả lời: "Điều đó là chắc chắn, không phải nghi ngờ gì nữa!"

Tôi thầm cám ơn những vị đã hướng dẫn mình đọc Kinh Thánh khi xưa. Một kết quả bất ngờ của lời các vị dạy là đã giúp tôi lần mò được một vài bước trên vùng Đất Tổ. Tôn giáo cổ của các dân tộc có nhiều điểm khác nhau mà cũng nhiều điểm giống nhau. Tôi cho rằng những điểm khác nhau sẽ được mặc khải của Chúa, của Đức Ki-tô bổ khuyết và đưa về giác ngộ. Còn những điểm giống nhau thì chính là cái tâm chung Thiên Chúa ban cho loài người để đến thời, đến buổi, có thể đón nhận được mặc khải của Ngài.
Và chính lúc đi hành hương Đền Hùng, tôi cảm nhận một cách thấm thía mầu nhiệm Lời Thiên Chúa tàng ẩn, đợi chờ lâu dài trong lịch sử, như hạt giống nằm yên trong lòng đất chờ đến mùa mọc lên, rồi sẽ nẩy mầm xanh ngọn.
Ngày Abraham mộc mạc lên đường, đã thoáng gợn bước đi đầu tiên được Thần Khí dẫn dắt về "miền đất Thiên Chúa chỉ cho" (St 12,1). Nhưng làm sao khi Lang Liêu làm bánh dày, bánh chưng thành tâm thế, thanh khiết thế, lại không có "nỗi thao thức của tất cả Tạo Thành đang chờ đợi sự biểu dương của con cái Thiên Chúa" (Rm 8,19).
Vào một đêm mà trai gái nước tôi "đang hát Hội Trăng Rằm", thì cũng dưới ánh trăng ấy, bên Israel, bà Ruth đến nằm dưới chân ông Booz để rồi nên vợ nên chồng, để sinh Jessê, sinh David (x. Rt 3 và 4,17; Mt 1,1–16). Con đường Lời đi đang mở, con đường của con người cũng đang mở. Phải có gọi có đáp, có tìm có gặp chứ!
Và hôm nay, trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương, tôi vẫn tự hỏi: đã tìm thấy chưa? đã gặp chưa?
Thông điệp Phục Sinh của giới trẻ: Hãy cùng nhau hành động vì hòa bình
Dù lo sợ cho tương lai, nhưng họ vẫn không đánh mất niềm hy vọng. Dù chỉ chứng kiến toàn bạo lực nhưng họ vẫn tin tưởng vào hòa bình. Dù phải khóc thương cho bạn bè mình nhưng họ vẫn sẵn sàng tha thứ. Các bạn trẻ vùng Đất Thánh, dù là người Israel, Palestin, Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo hay Hồi giáo, tất cả đều có chung một cảm nhận và chung một quan điểm chín chắn về chính trị. Tất cả đều khát khao có một cuộc sống tương lai trong hòa bình, được chứng kiến những ước mơ của họ trở thành sự thật và được hạnh phúc.
Simon, Mays, Reem, Jakob, Karen và Gilad đã chia sẻ niềm hy vọng và nỗi sợ hãi của họ: Phục Sinh 2002 tại vùng Đất Thánh sẽ không được hoàn toàn vui vẻ vì tình trạng căng thẳng và những đau khổ mất mát. Không thể đi lại, các bạn trẻ chỉ có thể gửi lời chúc mừng Phục Sinh đến nhau qua điện thoại. Nhưng Phục Sinh sẽ là thời điểm để họ cầu nguyện hăng say hơn xin Chúa che chở và ban ơn hộ phù cho tình huynh đệ và đoàn kết.
Simon Azazian, một Kitô hữu người Palestin 21 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Jerusalem. Anh đang theo học ngành Anh văn và báo chí tại đại học Bêlem, cách Jerusalem khoảng bảy kilômét. Trường đã bị đóng cửa một khoảng thời gian trong tháng ba sau khi bị hư hại nghiêm trọng bởi những tên lửa của quân Israel. Simon kể về một ngày của mình. "Tôi thức dậy lúc 6 giờ sáng vì mặc dù ngày thường tôi đến trường chỉ mất 15 phút, nhưng hiện có nhiều chốt kiểm tra trên đường, tôi phải đi mất gần hai tiếng đồng hồ. Những tên lính luôn gây phiền nhiễu cho tôi. Ở trường tôi học hai bài trong dãy nhà mới xây bị tên lửa Israel làm hư hại. Tôi thấy chán nản và mất can đảm. Tôi không thể chịu đựng nổi áp lực này. Tôi không thể nào hết căng thẳng, tôi rất lo lắng cho tương lai. Tất cả những gì tôi hy vọng chỉ là một cuộc sống bình thường, một công việc, rồi kết hôn, có một gia đình, và có thể sống bình thường tại Jerusalem."
Simon không có một cái nhìn lạc quan về thời cuộc: "Tôi nghĩ phải mất một thời gian dài chúng ta mới có được hòa bình. Thật khó nói rằng cái gì sẽ xảy ra, tình hình hiện nay quá hỗn loạn. Tôi mong muốn người Palestin và người Israel sống trong hoà bình nhưng tôi không tin vào cái hòa bình mà họ nói đến hôm nay. Tôi tin tưởng vào một nền hòa bình có thể đảm bảo cho quyền lợi của mọi người." Nhưng niềm tin của Simon thì rất mạnh mẽ "Là một Kitô hữu, tôi nghĩ sự tha thứ là con đường duy nhất dẫn tới hòa bình. Chúng ta phải quên đi hận thù trong quá khứ, bước sang một trang mới và nhìn thẳng tới tương lai. Đức Thánh Cha đã ban một thông điệp về một nền hòa bình đích thực; nền hòa bình đích thực xuất phát từ con tim và là món quà của Thiên Chúa". Simon kể rằng năm nay "Lễ Phục Sinh rất im ắng. Thường trong lễ Phục Sinh gia đình tôi tụ họp với bà con họ hàng sống khắp nơi trên Palestin. Nhưng năm nay chúng tôi chỉ có thể nói "Phục Sinh vui vẻ" qua điện thoại. Năm nay chúng tôi cảm nhận gần hơn với những đau khổ của Đức Kitô, Đấng đã chết trên thập giá. Tôi hy vọng trong tương lai chúng ta sẽ có những mùa Phục Sinh tràn đầy niềm vui".
Mays Omar, hai mươi tuổi, là người Palestin theo đạo Hồi. Hiện cô đang sống tại Bêlem và cũng là một nữ sinh viên của đại học Bêlem. "Cuộc sống quá gay go" cô nói. "Tôi ở ngay đối diện trụ sở chính của lực lượng vũ trang Israel. Những ngày qua, khu vực này liên tục bị đánh bom và nã pháo, nguồn điện bị cắt, trường đại học bị tạm ngưng. Tôi khóa mình trong phòng không dám ra ngoài, cửa sổ thì rung lên liên hồi mỗi khi có bom nổ. Tôi thấy rất buồn. Ở nhà, tôi cố gắng học nhưng rất khó tập trung. Tôi cứ nghĩ ngợi về chiến tranh, về những người bị giết. Tôi hy vọng có hòa bình bằng cả con tim nhưng mọi chuyện có vẻ quá khó khăn. Tôi là một nguời đạo Hồi và tôi cầu nguyện cho hoà bình. Tôi xin tất cả các bạn trẻ trên khắp thế giới hãy giúp chúng tôi".
Reem Jafari, 20 tuổi, cũng là một người Palestin theo đạo Hồi, đang rất buồn rầu vì cái chết của một người bạn. "Dạo này, muốn sống một cuộc sống bình thường cũng không được. Tôi cố gắng đi tiếp, cố học hành như bình thường, nhưng sự căng thẳng và sợ hãi vì vừa mất đi người mà tôi yêu mến luôn bám lấy tôi." Reem đang học ngành Quản trị kinh doanh tại đại học Bêlem và làm việc cho nhiều tổ chức phi chính phủ của Palestin. "Những gì xảy ra trong vài tuần lễ vừa qua, những cuộc chiếm đóng quân sự, những cuộc bố ráp của cảnh sát, thật tàn bạo và thái quá, tôi thật sự rất nổi giận. Tôi muốn làm một cái gì đó cho dân tộc tôi. Tôi mơ đến một đất nước Palestin tự do và tôi thích được làm việc trong các tổ chức giải quyết xung dột. Tôi tin rồi chúng ta sẽ đạt được hòa bình".
Reem nói lễ Phục Sinh của Thiên Chúa giáo năm nay không được tưng bừng lắm. Và anh có một thông điệp gửi cho giới trẻ Israel: "Tôi muốn nói với họ, hãy cùng nhau hành động vì hòa bình. Chúng tôi, những người Palestin, chỉ muốn quyền lợi và phẩm giá của mình được tôn trọng. Các bạn trẻ trên khắp thế giới hãy đến Palestin để chứng kiến sự thật của những gì đang diễn ra tại đây".
Các bạn trẻ ở Israel cũng không có gì khác hơn, họ cũng lo sợ cho tương lai như những người bạn Palestin đồng trang lứa. Jakob Grabovoy, một bạn trẻ Công giáo 26 tuổi đến từ Ukraine. Anh đến Israel đã được ba năm, hiện đang sống và làm việc tại Tel Aviv. "Cuộc sống của tôi vẫn diễn ra hoàn toàn bình thường. Vẫn đi làm, vẫn gặp gỡ bạn bè, nhưng tôi thấy căng thẳng. Tôi muốn có hòa bình nhưng tôi chẳng thể làm được gì nhiều. Chúng ta sẽ phải chờ cho thời kỳ đen tối này qua đi. Tôi và bạn bè luôn nói chuyện về thảm kịch này, về những con người đang bị giết mỗi ngày, đúng là những chuyện mà bạn không thể nào quên được."
Về những người trẻ Palestin đánh bom tự sát, Jakob nói: "Tôi không lên án họ, nhưng lên án những kẻ đã tẩy não họ, gieo rắc vào đầu họ đầy những hận thù và những tư tưởng bạo lực". "Tôi biết hòa bình là có thể được" anh nói chắc chắn. "Nhưng làm cách nào để đạt được thì rất khó nói. Chúng ta phải tập bao dung hơn với nhau. Tôi tin vào khái niệm chung sống trong hòa bình: hai dân tộc, hai nền văn hóa sống bên cạnh nhau hòa thuận và an toàn". "Tôi dự lễ Phục Sinh ở Tel Aviv. Tôi cầu nguyện luôn luôn. Tôi xin Thiên Chúa giữ gìn che chở mạng sống. Tôi cầu xin Người ban cho hòa bình. Tôi cho rằng niềm tin tôn giáo có thể giúp ích trong việc hòa hợp những tín hữu của các tôn giáo khác nhau."
Cô gái Israel Karen Assam, 21 tuổi, đến từ Tel Aviv, đang làm việc trong một tổ chức về giáo dục. Cô đến các trường tại Israel và Palestin để tổ chức các buổi chuyên đề về quyền con người và về hòa bình. Cô đã bộc lộ cảm quan chính trị nhạy bén của mình. "Công việc của tôi là xây dựng ý thức cho người ta, đặc biệt là các bạn trẻ. Các bạn trẻ Israel cảm nhận hết sức sâu sắc về bi kịch đang xảy ra. Đương nhiên không phải lúc nào họ cũng thấu cảm với những bạn Palestin đồng trang lứa. Tôi tin tưởng vào hòa bình. Nhưng tôi thấy buồn kinh khủng vì bạo lực và chết chóc dường như đang chiếm ưu thế. Người ta không dám ra khỏi nhà, ngay cả chỉ để đến quán nước. Thật là không sống nổi. Tôi hy vọng trong tương lai sẽ có một cuộc sống bình thường, hai dân tộc có thể sống cạnh nhau và không còn cảnh đổ máu nữa".
Karen chơi thân với một bạn trai người Palestin. "Tôi là người Israel đầu tiên không mặc quân phục mà anh ấy được gặp, và cũng là người đầu tiên tôn trọng phẩm giá của anh ấy mà không có thành kiến. Rồi chúng tôi trở thành bạn". Mặc dù không giữ đạo thường xuyên nhưng Karen nói "tôn giáo là một phần của văn hóa Do Thái, một đặc trưng của chúng tôi. Tôn giáo cũng có thể là một vũ khí nhưng về cơ bản thì nó vẫn phục vụ cho việc xây dựng hòa bình." "Chúng tôi cần sự giúp sức của tất cả các bạn trẻ Israel và trên toàn thế giới – cô kết luận – để thiếp lập hòa bình và sự hợp nhất."
Thật không dễ làm một người theo chủ nghĩa hòa bình khi bạn đang mặc quân phục. Gilad Waksman, 23 tuổi, đến từ Jaffa, Israel, vừa hoàn thành nghĩa vụ ba năm quân dịch và hiện anh đang làm việc cho một công ty xuất nhập khẩu. "Tôi là một con người của hòa bình. Tôi chẳng thể hiểu nổi nguyên nhân của cuộc chiến tranh này. Tôi buồn lắm vì nhiều bạn bè của tôi đã bị chết trong các cuộc xung đột. Tuần vừa rồi, một thằng bạn cùng trong quân ngũ với tôi đã bị giết. Nhiều lúc tôi thấy hoàn toàn tuyệt vọng vì dường như chẳng có một giải pháp nào cho cuộc chiến này. Tôi được mời mọc hãy bỏ sang châu Âu hoặc Mỹ, nhưng đây là đất nước của tôi, là nhà của tôi." Gilad tán thành thái độ của khoảng 350 lính dự bị Israel từ chối phục vụ cho quân đội: "Tôi hiểu lý do của họ, nhưng không may rằng nhiệm vụ của một người lính là phải tuân theo mệnh lệnh." Khi được hỏi về những người Palestin đánh bom tự sát, anh nói: "Những gì họ làm thật kinh khủng: đúng là họ hành động để chống lại quân đội nhưng đằng khác, họ lại giết thêm những thường dân vô tội". "Tuy nhiên, như tôi đã nói – Gilad tiếp tục – tôi thành thật tin tưởng vào hòa bình. Nhưng để có được hòa bình người ta phải mở mắt ra, phải đặt sang một bên các quan điểm chính trị và nhìn nhau như những con người. Tôi tin rằng hai dân tộc chúng tôi có thể chung sống tại đây, trên cùng một mảnh đất, có thể là ở những bang khác nhau." Có một điều mà Gilad luôn chắc chắn: "Đánh chiếm bằng quân sự không phải là một giải pháp".
Theo Fides. Org,
Hoa Quỳnh (sưu tầm và dịch)
NGÀY NÀY NĂM XƯA
Ngày 27/04/1856 – Thánh tử đạo Laurensô NGUYỄN VĂN HƯỞNG
Mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, Laurensô Nguyễn Văn Hưởng luôn khao khát tình thương cha mẹ. Khi khám phá ra Thiên Chúa chính là Người Cha nhân hậu luôn yêu thương, cha đã dâng hết không những cả đời mà cả mạng sống mình cho tình thương ấy. Khi quan tỉnh Ninh Bình thấy cha hiền lành và có "chân tu", quan hứa nếu cha Hưởng đạp lên thánh giá, quan sẽ tha cho và cho về làm trụ trì ở chùa Non Nước. Cha Laurensô nói: "Tôi không biết gì về Thần Phật, làm sao ở chùa được?" Cha lại nói thêm: "Có bao giờ con cái dám đạp lên đầu cha mẹ mình không?". Và cha đã toại nguyện được trở về với Người Cha trên trời đang yêu dấu dang tay chờ đón ngài. Cha Laurensô Nguyễn Văn Hưởng được phong thánh vào ngày 02/05/1909.
Giuse P.
Ngày 28/04/1840 – Thánh tử đạo Phaolô PHẠM KHẮC KHOAN - Phêrô NGUYỄN VĂN HIẾU - Gioan Baotixita ĐINH VĂN THÀNH
Thánh Phaolô Phạm Khắc Khoan khi bị bắt đã là một linh mục 66 tuổi, còn Phêrô Nguyễn Văn Hiếu và Gioan Baotixita Đinh Văn Thành là hai thầy đi theo phụ giúp cha. Nói là thầy nhưng một người cũng đã 60 tuổi, người kia là 41 tuổi.
Sau đây là trích lược cuộc nói chuyện của cha Khoan với quan tổng trấn.
Ta muốn kết thân với ông. Ta chỉ muốn tìm cách cứu mạng ông thôi. Xin ông chịu khó chấp nhận bước qua thập giá.
Mấy tháng qua ở trong tù, tôi đã suy tính kỹ lắm rồi, nhưng càng nghĩ, tôi càng xác tín hơn, càng cương quyết giữ vững đức tin cho đến chết.
...
Khi đó (1802) Thế Tổ Gia Long, phụ thân của Hoàng Đế ra Hà Nội, chúng tôi có đến ra mắt. Ngài hứa cho chúng tôi được tự do giảng đạo, xây nhà thờ và các nhà bác ái. Ngài yêu cầu chúng tôi cổ động dân chúng sống thuận hòa và chăm chỉ làm ăn. Từ đó đến nay, tôi vẫn vâng lệnh vua, nhắc nhở bà con làm điều tốt, tránh điều xấu. Tôi thờ Vua trên trời và tuân phục vua dưới đất, tôi vẫn xin Vua trên trời ban ơn cho các quan, để thời các ngài được thái bình thịnh trị. Sao hôm nay quan lại bảo tôi bỏ lệnh Tiên Đế mà tôi đã tuân hành biết bao năm nay?
Thế ông không muốn sống à?
Thưa quan, mọi sinh vật đều muốn sống, huống chi là con người có suy nghĩ. Ai biết giá trị cuộc sống mà chẳng ham sống. Thế nhưng với người Kitô hữu, chết là cách sống đời đời trên Thiên Đàng.
Ai bảo ông là có Thiên Đàng?
Đó là chuyện đương nhiên. Như nhà vua vẫn ban thưởng cho các trung thần, thì Chúa Trời Đất chẳng lẽ không ban thưởng cho những tôi trung phục vụ Người đến chết sao? Nơi tưởng thưởng đó, chúng tôi gọi là Thiên Đàng.
Vậy ai dạy cho ông biết là có Chúa Trời Đất?
Thưa tổng trấn, không cần phải ai dạy cả, chính trời đất vũ trụ là cuốn sách mở ra dạy ta bài học đó. Nhìn ngắm những công trình kỳ diệu của thiên nhiên, tức khắc phải nhận ra có Đấng sáng tạo và gìn giữ nó. Chúng tôi gọi Đấng Tạo Hóa đó là Chúa Trời và tôn thờ Người.
……
Quan bảo tôi chà đạp Thập Giá là điều chẳng hợp lý chút nào.
Sao lại không hợp lý, ta chỉ cho ông con đường sống mà không hợp lý à?
Thưa quan, nếu nước nhà có biến, mà quan sợ chết đào ngũ thì quan là kẻ hèn nhát. Cũng vậy, tôi nhờ ơn Vua Cả trên trời, tôi đâu có quyền sợ chết mà bỏ Người được.
Trong ngục thất, ba vị luôn cất cao lời ca tiếng hát tạ ơn Thiên Chúa. Tại nơi thụ hình, cha Khoan hát lên ba lần Alleluia, Alleluia, Alleluia, mỗi lần với cung giọng cao hơn như trong lễ Phục Sinh. Hai thầy Hiếu và Thành hát theo cha Khoan thay cho cộng đoàn. Ba vị thánh đã về Thiên Quốc cùng một ngày sau ba năm bị bắt giam.
Teresah (Trích từ "Thiên hùng sử 117 Hiển thánh tử đạo Việt Nam"
Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam, San Jose, California, Hoa Kỳ)
GIỚI TRẺ TIN YÊU
(ABBA - Sàigòn) - Trưa thứ tư, ngày 17.04.02, công an đã ập vào một nhà ở đường Hoàng Văn Thụ (gần khu lăng Cha Cả) lập biên bản một nhóm sinh viên đang sinh hoạt và chia sẻ Lời Chúa.
Một bạn lần đầu tiên tham dự buổi sinh hoạt này kể:
"Sáng nay em được một chị bạn mời đến nhà dùng cơm trưa và sinh hoạt chung với các bạn sinh viên cùng trường Bách Khoa. Sau khi ăn trưa xong, tụi em đã thảo luận với nhau một số vấn đề về sinh viên như: tại sao hiện nay sinh viên lười biếng? Một sinh viên siêng năng sẽ như thế nào? Mọi người đang sôi nổi trao đổi thì công an ập vào như tấn công khủng bố vậy, tịch thu các sổ sách và một số quyển Kinh Thánh rồi lập biên bản."
Nhưng họ lập biên bản về cái gì? "Họ bảo tụi em truyền đạo bất hợp pháp!"
Được biết nhóm này đã quy tụ được bốn lần, đa số là sinh viên Bách Khoa. Họ đến với nhau để cùng nhau tìm cách giải quyết những khó khăn và nghịch lý trong đời sống sinh viên, mà hiện nay nhà trường và nhà nước chưa giải quyết được như gian lận trong thi cử, ma túy học đường, đạo đức sinh viên. Họ tin trong Kinh Thánh có câu trả lời, nên đã tự nguyện rủ nhau làm điều đó. Theo một thành viên trong nhóm cho biết thì đây là nhóm hoàn toàn do sinh viên chủ động, không có linh mục hay tu sĩ nào đứng đằng sau cả.
Như vậy việc các bạn sinh viên làm là đang trực tiếp góp phần giải quyết khó khăn của nhà trường và xã hội bằng cách thức riêng của mình chứ không hề gây mất an ninh cho ai cả. Vậy tại sao công an lại bắt bớ họ? Thật không thể hiểu nổi khi chính quyền chủ trương "mọi người có quyền tự do tôn giáo" và không hề cấm cản mọi người được quyền mời bạn bè đến chơi nhà, lại có những người ngang nhiên coi thường luật pháp, thậm chí vi phạm nghiêm trọng đến quyền tự do cá nhân như vậy.
Riêng với các bạn sinh viên, theo thiển ý của tôi, các bạn đã làm một việc tốt và hoàn toàn không có gì vi phạm pháp luật. Ngay giả sử như các bạn có truyền giáo thì cũng không vi phạm pháp luật, vì không có một điều luật nào ở Việt Nam cấm sinh viên truyền giáo cả. Các bạn hãy vui lên, các bạn không cô đơn đâu, vì hiện nay rất nhiều nơi từ Bắc chí Nam các sinh viên có thiện chí vẫn đang cùng nhau đọc Lời Chúa và cầu nguyện với nhau theo nhóm nhỏ. Vì tất cả chúng ta tin rằng chỉ có Chúa mới có cách làm cho chúng ta thật sự thoát khỏi những bi đát của cuộc sống này và ban cho chúng ta hạnh phúc.
THU UYÊN


Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang