Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Abba! Cha Ôi (số 67)

Thông điệp Phục Sinh của Đức John Paul II
- Vào cuối Thánh lễ Phục Sinh ngày 31/03 vừa qua tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha John Paul II đã trao ban thông điệp Phục Sinh của ngài trước khi ban những lời chúc lành cho Roma và cho toàn thế giới. Sau đây là bản dịch lại từ bài phát biểu bằng tiếng Ý của ngài.
1. "Chúa Giêsu hiện đến ... và nói với các môn đệ, "Bình an cho anh em" (Ga 20, 19). Lời chúc bình an của Chúa Giêsu lại vang lên hôm nay, trong ngày cực trọng này: Bình an cho anh em! Bình an cho mọi người nam và người nữ trên toàn thế giới! Đức Kitô thật sự đã trỗi dậy từ cõi chết, và mang lại bình an cho tất cả chúng ta! Đây chính là "tin mừng" Phục Sinh.
Hôm nay là một ngày mới, "do Thiên Chúa làm ra", một ngày mà trong thân thể vinh quang của Đấng Phục Sinh, một thế giới bị tổn thương bởi tội lỗi sẽ được hồi sinh với vẻ đẹp vốn có của nó và được chiếu rọi ánh vinh quang rạng ngời.

2. " Sống chết giao tranh cùng nhau, và trận chiến đã có một kết thúc lạ kỳ!" Sau trận giao tranh quyết liệt, Đức Giêsu đã chiến thắng khải hoàn và đi trước mở ra một trang sử mới khi loan báo một Tin Mừng: "Ta là sự sống lại và là sự sống" (Ga 11, 25), "Ta là ánh sáng thế gian" (Ga 9, 5). Toàn bộ thông điệp của Người có thể tóm gọn trong chỉ một câu: "Bình an cho anh em!" Bình an của Người là hoa quả của sự chiến thắng tội lỗi và sự chết mà Người đã giành được với một giá rất đắt.
3. "Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban bình an của Thầy cho anh em. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian." (Ga 14, 27). Bình an "theo kiểu thế gian" – mọi thời đại đều đã nhìn thấy – đó là những cán cân quyền lực luôn bấp bênh và không sớm thì muộn cũng sẽ chống chọi với nhau.
Bình an, món quà của Đức Kitô Phục Sinh, là bình an đích thực và hoàn thiện, có thể giúp con người hòa giải với Thiên Chúa, hòa giải với chính mình và với các thụ tạo khác của Chúa.
Đã có nhiều công bố mang tính tôn giáo rằng bình an là món quà Thiên Chúa trao tặng. Chúng ta lại thấy điều này trong cuộc gặp gỡ ở Assisi gần đây. Nguyện xin cho những người tín hữu trên toàn thế giới cùng nhau nỗ lực xây dựng một thế giới loài người công bằng và thắm tình huynh đệ hơn; nguyện xin cho họ luôn hành động không biết mệt mỏi để chắc rằng niềm tin tôn giáo không bao giờ là nguyên nhân của chia rẽ và hận thù, trái lại chỉ là và luôn luôn là căn nguyên của tình huynh đệ, hợp nhất và yêu thương.
4. Hỡi các cộng đoàn tín hữu trên tất cả các lục địa đang hoang mang và hy vọng, tôi kêu gọi các bạn hãy mạnh dạn tuyên bố Đức Giêsu đã Phục Sinh, và hãy hành động để bình an của Người có thể chấm dứt những cảnh tượng bi thảm nối tiếp nhau bởi tính hung bạo và sự giết chóc đang làm vấy máu Đất Thánh, đang nhúng chìm những ngày tháng này vào lại trong nỗi khiếp sợ và tuyệt vọng.
Có vẻ như người ta phát động chiến tranh là vì hòa bình! Nhưng không chuyện gì có thể giải quyết bằng chiến tranh, chiến tranh chỉ có thể mang lại nỗi đau lớn hơn và chết chóc, không thể giải quyết được bất cứ vấn đề nào bằng sự trả thù. Đây thực sự là một thảm kịch: không ai còn có thể im lặng và ngồi yên được nữa, không một vị lãnh đạo chính trị hay tôn giáo nào! Sự lên án phải được theo sau bằng các hành động thiết thực của tình đoàn kết sẽ giúp mọi người có thể tái khám phá lòng tôn trọng lẫn nhau và tiến tới đàm phán thật sự.
Chúa Giêsu đã chết và đã chỗi dậy từ cõi chết, để lại ngôi mộ trống như một lời chứng thầm lặng nhưng thuyết phục. Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét, người đã hòa giải tất cả nhờ thập giá (Ep 2, 14-16), và giờ đây Người đã giao phó cho chúng ta, môn đệ của Người, nhiệm vụ phải tháo bỏ tất cả những gì là nguyên nhân của lòng căm thù và các hành động trả đũa.
5. Còn biết bao nhiêu thành viên của đại gia đình nhân loại vẫn còn là đối tượng của nghèo khổ và bạo lực! Tai chúng ta vẫn nghe tiếng rên xiết từ khắp nơi trên thế giới từ những người khẩn cầu sự giúp đỡ, vì họ đang đau đớn và đang chết: từ Afghanistan, nơi đã gánh chịu biết bao nỗi thống khổ trong những tháng qua, giờ đây lại đang bị ảnh hưởng mạnh của trận động đất tàn khốc; cho đến rất nhiều những quốc gia khác nơi không có cân bằng xã hội và tồn tại những tham vọng chống đối nhau, sẽ vẫn gây nên nỗi khốn khổ cho vô số anh chị em của chúng ta.
Hỡi những người con của thiên niên kỷ thứ ba này! Cha xin lặp lại với các con: hãy mở trái tim mình ra cho Đức Chúa, Đấng đã chịu đóng đinh và đã Phục Sinh, Đấng đến ban phát bình an! Nơi đâu có Đức Giêsu Phục Sinh hiện diện, Người sẽ mang theo đến nơi đó bình an đích thực! Xin bình an hãy đến, trước hết là trong tim của mỗi người, với nhiều tổn thương trong sâu thẳm, không dễ gì hàn gắn. Xin bình an hãy tiếp tục tỏa lan trong những mối quan hệ giữa các khu vực, giữa những người khác ngôn ngữ và trí lực, để họ có thể mang đến mọi nơi chất men làm nên sự hợp nhất và tình yêu thương.
6. Và lạy Chúa, Thiên Chúa Phục Sinh, Đấng đã vượt qua nỗi khổ nhục và cái chết, hãy ban cho chúng con bình an của Người! Chúng con biết bình an của Người sẽ được biểu lộ đầy đủ trong thời sau hết, khi Người ngự đến trong vinh quang. Dù thế, bất cứ nơi nào trên thế giới này có Người hiện diện, nơi đó thật sự có bình an. Đây là lòng xác tín của chúng con, nhờ Đức Kitô, Đấng ngày hôm nay đã chỗi dậy từ cõi chết, Con Chiên đã hy sinh để cứu chuộc chúng con! Người đã mời gọi chúng con hãy giữ cho ngọn lửa hy vọng được cháy mãi nơi trần gian.
Trong ngày vinh quang này, Giáo Hội không ngừng ca tụng trong hân hoan và tin tưởng: "Đức Kitô, nguồn hy vọng của tôi, đã Phục Sinh!" Vâng, Đức Kitô đã sống lại, và cùng với Người niềm hy vọng của chúng ta cũng được Phục Sinh! Alleluia!
Theo Zenit.org (31/03/2002)
Tú Anh sưu tầm và dịch.
TRUYỀN TIN
Sứ thần Gabriel được sai đến một thành miền Galilê, gọi là Nazaret, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc nhà Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Người đầy ơn phúc, Chúa ở cùng người." Nghe lời ấy, Maria bàng hoàng, bối rối… (Lc 1,26-29).
Bàng hoàng bối rối, nhưng rồi Maria tin nhận Tin Mừng: "Này tôi là tôi tá Chúa, xin hãy thành sự nơi tôi như lời sứ thần truyền" (Lc 1,38).
Và như Hội Thánh vẫn đọc trong Kinh Truyền Tin: "Và chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người, và ở lại cùng chúng tôi…"
Và như lời bà Ysave chúc tụng Đức Mẹ: "Phúc cho Người vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những điều Ngài đã phán" (Lc 1,45).
Ở nơi Đức Mẹ Maria, thế giới trở lại với niềm tin, tin vào tình yêu của Thiên Chúa, tin vào sự hiện diện ý định yêu thương của Ngài, tin và được "Chúa ở cùng".
Niềm tin ấy đã mất từ lâu lắm rồi. Từ ngày Evà bùi tai nghe lời nham hiểm của con rắn: "Chẳng chết chóc gì đâu! Chẳng qua Thiên Chúa biết ngày nào các người ăn nó, mắt các người sẽ mở ra…" (St 3,4-5).
Hết tin vào Thiên Chúa, và nuốt trái cấm liên tục, e rằng mình không manh động thì chẳng có Chúa nào săn sóc cho:
Ma đưa lối, quỷ đưa đường
Lại tìm những nẻo đoạn trường mà đi…
Từ đấy thế gian lạc lối. Hôm nay, ánh sáng soi đường về đậu lại nơi tâm lòng của trinh nữ Maria. Đón nhận lấy ý định của Thiên Chúa, phó thác mình cho tác động cứu độ thế gian của Ngài.
Chấp nhận tình yêu từ trời ấy, hay là không chấp nhận.
Ngay trong những ngày này, ở nơi mà "Ngôi thứ Hai đã xuống thế làm người, và ở cùng chúng ta", ở nơi "bà Maria sinh con trai đầu lòng, lấy tả bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì không có chỗ cho hai ông bà trong nhà trọ" (Lc 2,7), ở nơi hình địa là nhà thờ Giáng Sinh ở Bêlem, người ta vẫn đang đánh nhau điên loạn. Trong nhà thờ, những người Palestin, võ trang cố thủ. Bên ngoài, quân đội Israel với xe tăng, súng máy, máy bay quần thảo. Đôi bên nhìn nhau chỉ thấy thù hận ngợp trời, ngợp đất. Đi lạc, đi hoang dại từ vườn địa đàng, từ tháp Babel đến bây giờ con cháu Evà vẫn chưa tìm lại được một chút tâm của Maria.
"Chúng tôi con cháu Evà, ở chốn khách đây, chúng tôi ở nơi khóc lóc…"
Và vẫn "không có chỗ" cho bà Maria.
Không! Cũng có đấy. Trong nhà thờ Giáng Sinh, giữa khói lửa, thiếu thức ăn, thiếu nước uống, thiếu thuốc men, mấy cha Dòng Phaxicô, và mấy nữ tu vẫn tận tình săn sóc thương binh:
"Thế gian sẽ không còn thấy Thầy,
Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy,
Vì Thầy sống và anh em cũng sống" (Ga 14,19)
Và trên khắp thế gian này cũng vậy…
"Ôi khoan thay, ôi nhân thay, ôi dịu thay, thánh Maria trọn đời đồng trinh…"
NGÀY NÀY NĂM XƯA
Ngày 07/04/1861 – Linh mục tử đạo Phêrô NGUYỄN VĂN LỰU
Đọc lại toàn bộ lịch sử thời tử đạo Việt Nam, hầu như trong bất cứ cuộc tử đạo nào cũng thấy bóng dáng một linh mục bản quốc. Dù hoàn cảnh khó khăn hiểm nguy, các vị đã can đảm hiện diện, hoặc hóa trang vào thăm giáo hữu ở trong tù, ban bí tích hòa giải và trao Mình Thánh Chúa; hoặc kín đáo đón các tín hữu bị đưa ra pháp trường và bí mật giải tội cho họ. Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Lựu là trường hợp tiêu biểu cho sự kiện này. Cha bị bắt đang khi lén vào làm việc mục vụ trong ngục.
Phêrô Nguyễn Văn Lựu sinh năm 1812 tại Gò Vấp, Gia Định (nay là Sài Gòn). Có một chi tiết rất thú vị trong cuộc đời cha cho ta thấy những người nên thánh cũng gần gũi với chúng ta, cũng đời thường lắm. Đó là cha Lựu có một tật xấu nhưng đã bỏ được. Do gặp gỡ giao thiệp với dân đồng bằng Cửu Long, cha thường uống rượu với họ. Một hôm đang đi trên thuyền, cha mời linh mục Thuyết ở thuyền khác qua làm vài "xị" nhưng vị này nhất mực từ chối: "Tôi không uống vì nhiều lý do, uống rượu vừa tốn kém, vừa mất tỉnh táo, lại chẳng phải là gương tốt cho tín hữu". Ngay lúc đó cha Lựu ném chai rượu xuống sông và nói: "Từ hôm nay tôi không uống nữa". Và cha đã trung thành giữ lời hứa đó.
P.V. Khương
(Trích từ
"Thiên hùng sử 117 Hiển thánh tử đạo Việt Nam" Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam, San Jose, California, Hoa Kỳ)
GIỚI TRẺ TIN YÊU
Như đã đưa tin, giải bóng đá mừng Chúa Phục Sinh Bến Hải Cúp – giáo xứ Bến Hải (Gò Vấp - TPHCM) đã kết thúc tốt đẹp vào ngày 31/03/2002 vừa qua, đúng vào dịp Đại Lễ Phục Sinh.
Giải năm nay diễn ra vô cùng hấp dẫn vì những diễn tiến bất ngờ nằm ngoài dự đoán của "giới chuyên môn" trong giáo xứ. Có nhiều gương mặt mới đã làm nên chuyện. Trong các bản tin nhanh sau các trận bóng dán trong sân nhà thờ luôn nổi bật các hàng tít "Tân binh thay thế cựu binh", "Lại một bất ngờ"…
Nổi bật nhất là đội bóng Giáo Lý Viên. Lần đầu tham dự Bến Hải Cúp và được đánh giá là đội không mạnh (có lẽ vì quan điểm "dạy hay thì đá dở" chăng?), nhưng Giáo Lý Viên đã gây bất ngờ đầu tiên bằng việc lọt vào vòng bán kết. Tiếp theo đó trong trận bán kết, Giáo Lý Viên lại bị dự đoán sẽ thúc thủ trước trước đội bóng vốn là vô địch giải năm ngoái. Thế nhưng Giáo Lý Viên đã thắng giòn giã 4-1 giành quyền vào tranh cúp vô địch. Trong không khí vui vẻ mừng Chúa Phục Sinh, Giáo Lý Viên đã vào trận chung kết với tinh thần rất cao. Trận cầu sôi động đã kết thúc với tỉ số 2-1 với phần thắng nghiêng về Giáo Lý Viên - nhà vô địch mới của xứ Bến Hải. Ngoài ra, một cầu thủ trong đội Giáo Lý Viên (là giáo lý viên dự bị) đã được trao giải "Cầu thủ xuất sắc nhất".
Nếu nam giáo lý viên giành được hai giải chính thức trên, thì nữ giáo lý viên cũng giành được một "giải bên lề", đó là "cổ động viên nhiệt tình nhất". Thế mới thấy, giáo lý viên giáo xứ Bến Hải: dạy cũng giỏi, đá cũng giỏi, mà hét cũng giỏi!
TERESAH
DI CHÚC
Một người đàn bà giàu có đang hấp hối trên giường bệnh. Trong tờ chúc thư để lại, bà kể tên tất cả những người thân thuộc và xa gần sẽ hưởng gia tài của bà. Tuyệt nhiên, bà không hề đá động tới cô gái nghèo và trung thành hầu hạ bà từng giây, từng phút. Quà tặng duy nhất mà bà tặng cho cô gái đó là một thánh giá được bọc thạch cao. Cô gái nhận lấy món quà nhưng lòng cô đầy cay đắng buồn phiền. Cô tự nghĩ : "Mình đã trung thành phục vụ hầu hạ sớm hôm để rồi chỉ được một món quà không ra gì". Không còn đủ bình tĩnh để nuốt lấy từng giọt cay đắng, cô đã kéo Thập Giá xuống khỏi tường và ném tung trên nền nhà. Cây Thập Giá vỡ tung, và kìa! trước sự ngạc nhiên của cô, tất cả những mảnh vụn thoát ra khỏi mảnh vỏ thạch cao đều là những viên kim cương óng ánh.
Bạn thân mến, cô gái chỉ có thể hiểu được lòng tốt của người chủ khi cô nhận ra giá trị của món quà. Lắm khi Thiên Chúa cũng gởi tặng cho chúng ta những món quà được bọc bằng hình thù của thập giá. Sự sần sùi và dáng vẻ thê thảm của thập giá làm ta không thể nào hiều được lòng tốt của Chúa. Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Thiên Chúa không bao giờ muốn điều dữ cho chúng ta. Tất cả mọi sự xảy đến cho chúng ta đều nhằm dẫn đưa chúng ta đến nguồn hạnh phúc cao cả hơn.
Lạy Chúa, xin cho chúng con tiếp nhận tất cả mọi sự xảy đến trong đời con như hồng ân của Chúa. Trong lúc thịnh vượng, xin cho con biết dâng lời cảm tạ. Trong cơn hoạn nạn, xin cho con cũng biết dâng lời chúc tụng vì tin rằng Chúa yêu thương con nhiều hơn. Amen.
TRẦN XUÂN SANG gửi.
CẦU NGUYỆN VỚI THÁNH KINH
Alleluia ! Chúa đã Phục Sinh ! Alleluia ! Ngợi khen Chúa ! Alleluia ! Tạ ơn Chúa !
Tối thứ tư tuần bát nhật Phục Sinh, sau giờ cầu nguyện với Thánh Kinh được tổ chức tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, tôi nhận được lời đề nghị viết bài chia sẻ về các giờ cầu nguyện này của một bạn trẻ lần thứ hai tham dự giờ này. Tôi hỏi bạn ấy sao lại đề nghị tôi viết bài chia sẻ? Bạn trẻ ấy trả lời vì giờ cầu nguyện Thánh Kinh này hay quá nên muốn được thông báo với đông đảo các bạn trẻ khác để mọi người có thể đến với giờ cầu nguyện này. Thật lâu rồi tôi không viết gì cả nên nghĩ đến chuyện viết lách tôi hơi ngán, nhưng tôi biết rằng chính Chúa Giêsu Phục Sinh đang mời tôi cộng tác với Ngài trong việc loan báo Tin Mừng Phục Sinh, Tin Mừng Cứu Độ cho anh em tôi. Vì vậy tôi nhận lời.
"Đời sống cầu nguyện", cụm từ này nghe quen thuộc lắm nhưng hình như cũng không dễ cảm nghiệm lắm đối với đông đảo một số người. Có một điều tôi biết chắc là "cầu nguyện" là một nhu cầu có thật của giới trẻ hiện nay. Qua tâm sự của một người bạn tôi được biết các bạn trẻ ở miền Bắc khao khát được có một đời sống cầu nguyện thân mật, gắn bó với Chúa nhưng họ không biết làm cách nào; đợt tĩnh nguyện mừng bổn mạng Sealos của giới trẻ ĐMHCG năm rồi chúng tôi cũng nhận được rất nhiều lời nguyện của các bạn trẻ xin cho được biết cầu nguyện; cộng đoàn cầu nguyện của tôi sinh hoạt vào tối thứ bảy mỗi tuần cũng quy tụ được khá nhiều các bạn trẻ, tôi nghĩ các bạn ấy cũng đã phải chọn lựa, hy sinh khi đến với Chúa vào tối thứ bảy và quả thật họ đã biết chọn lựa phần tốt nhất cho mình, chọn phần của Maria ngồi dưới chân Chúa Giêsu mà nghe Lời Ngài.
Cảm ơn Chúa Thánh Thần vì chính Ngài đã gieo vào lòng tôi, lòng các bạn, lòng mỗi người tín hữu chúng ta nỗi khao khát được gặp Chúa, được trò chuyện với Chúa, được cảm nghiệm quyền năng Chúa, được đụng chạm Chúa cách gần gũi, thân tình. Và để tặng cho chúng ta mối quan hệ tuyệt vời đó, để làm thỏa nỗi khát khao cầu nguyện trong chúng ta Chúa Thánh Thần đã cho chúng ta một cơ hội : đó là vào mỗi tối thứ tư hàng tuần lúc 19 giờ 30 phút đến 20 giờ 30 phút tại Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp có tổ chức giờ cầu nguyện với Thánh Kinh và chầu Thánh Thể do Quý Cha trong Ban Tông Đồ Thánh Kinh và Quý Thầy học viện Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách. Giờ cầu nguyện này thật tuyệt vời vì trong giờ đó tôi được đụng chạm đến Lời Hằng Sống của Chúa, được đón nhận bình an khi nghe Lời Người, được tìm thấy những chỉ dẫn cho hành trình sống mỗi ngày của mình, được nhận ra sự hiện diện đầy yêu thương của Cha, của Giêsu và của Thánh Thần trong từng biến cố lớn nhỏ của cuộc sống, được trao ban nguồn hy vọng giữa lòng thế giới đầy những thất vọng, những biến cố đau thương, đổ vỡ, những thất bại của nghiện ngập, bệnh tật, nghèo đói, chiến tranh, hận thù, chia rẽ, các tệ nạn xã hội… và được nuôi dưỡng bằng chính Thánh Thể của Giêsu, Con yêu dấu của Cha, người Anh Cả của chúng ta.
Hãy đến để gặp Người, hãy cho Người có cơ hội để gặp bạn trong Ngôi Nhà của Người, Ngôi Nhà của Lời Hằng Sống, Lời Yêu Thương, Lời Tạo Dựng.
Anna Têrêsa Nguyễn Đinh Phương Thùy Khanh


Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang