Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Mừng 7 năm ngày Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI kế vị ngai toà Thánh Phêrô


                                                           
Sau khi Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được Chúa gọi về, vị Hồng Y Niên trưởng của Hồng Y đoàn của giáo triều Rôma được bầu làm Giáo Hoàng thứ 265 của Hội Thánh Công Giáo. Đó là Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, người Đức, 78 tuổi. Ngài lấy tông hiệu Benedicto XVI. Lúc đó là 18 giờ 4 phút giờ Rôma ngày 19 tháng 4 năm 2005.

Bảy năm đã đi qua kể từ ngày Đức Benedicto đăng quang trên ngai toà Thánh Phêrô. Bảy năm ấy, vị Giáo hoàng “tôi tớ đơn sơ và khiêm nhường của Thiên Chúa” như lời đầu tiên Ngài tuyên bố, đã cai trị Hội Thánh trong thời kỳ nhiều thử thách về mọi mặt và nhiều biến động của một thế giới đa chiều.
Bảy năm là một thời gian đẹp. Con số 7 là con số hoàn hảo trong Kinh Thánh, từ công trình sáng tạo bảy ngày trong sách Sáng thế, bảy ơn Chúa Thánh Thần trong sách Isaia cho đến lời tung hô bảy đặc tính của Thiên Chúa trong cuốn sách cuối cùng của Kinh Thánh, sách Khải Huyền (7, 12).
Vì thế, trong ngày kỷ niệm bảy năm trên ngai toà Phêrô của người Cha chung, có lẽ chúng ta nên nhìn vào Giáo Hội là Mẹ của mình để ca tụng quyền năng của Chúa Kitô là Đầu Nhiệm thể Giáo Hội và là Đấng đã thực hiện công trình Cứu chuộc nhiệm mầu và hoàn hảo.
Trong thời gian có nhiều dịp nhớ đến Đức Thánh Cha với các chuyến tông du, với sinh nhật của Ngài, rồi ngày kỷ niệm..., dân Chúa nhớ hoặc hát lên bài hát “Này Con là Đá”, trong đó có câu “trên viên Đá này Ta xây Giáo Hội muôn đời kiên trung”. Có người cho rằng nguyên bản là “Giáo Hội muôn đời vinh quang”, nhưng có những lúc Giáo Hội không vinh quang trên trần thế này, cho nên hát Giáo Hội muôn đời kiên trung thì đúng hơn.
Thật ra nói Giáo Hội muôn đời vinh quang là hoàn toàn chính xác. Khi Chúa Giêsu trao quyền cai quản Hội Thánh cho Phêrô, Người không hứa hẹn danh vọng và quyền lực của thế gian, điều mà chính Người đã từ chối khi đi vào thế gian này. “Này Phêrô, con là Đá, trên viên Đá này Thầy sẽ xây dựng Hội Thánh của Thầy. Dù quyền lực hoả ngục cũng không làm gì được”.
Vinh quang của Hội Thánh chính là được cùng chia sẻ những thống khổ và cuộc Tử Nạn hồng phúc của Đấng Phu Quân chí Thánh. Thánh Phaolô đã xác nhận: “Vinh quang của ta là Thánh Giá Đức Kytô”. Và vinh quang thật sự của Hội Thánh sẽ tỏ hiện huy hoàng trong ngày Cánh chung.
Đức Thánh Cha là vị Đại diện Chúa Kitô và cũng là biểu tượng của Hội Thánh. Chắc chắn vinh quang của triều đại Ngài cũng không đi ra ngoài quỹ đạo của con đường lên Golgotha. Mặc dù Chúa ban cho Hội Thánh một khu đất nhỏ với diện tích chưa đầy nửa cây số vuông trên một ngọn đồi để lập quốc gia cho dễ hoạt động ở trần gian, và mặc dù Chúa cũng ban uy tín cũng như danh dự để vị Đại diện Người cùng đồng hành với thế giới con người. Nhưng bản chất của con đường Cứu rỗi vẫn là thập giá hy tế.
Do đó, những đau khổ và những bách hại dưới nhiều hình thức mà Đức Thánh Cha phải gánh chịu trong suốt 7 năm triều đại Ngài là dấu chỉ của một niềm hy vọng kiên trung vào lời Đức Kitô quả quyết: “Thầy đã thắng thế gian”.
Trong một xã hội mà cái đẹp và cái tốt bị che mờ đi quá nhiều, con người thường bị cám dỗ đi tìm ẩn náu nơi các phù hoa. Họ tìm đến những màu cờ sắc áo xa lạ với lý tưởng Kitô giáo. Cứ nhìn những trang Facebook hay những blog của người trẻ thời đại này sẽ thấy được điều ấy. Chọn cho mình một avatar là biểu hiện của các thế lực chống đối Thiên Chúa chẳng hạn, có khi chỉ là vô tình, nhưng cũng có thể cho thế gian thấy là người ta gián tiếp biểu lộ sự nghi ngờ vinh quang của Hội Thánh.
Hai ngàn năm đã đi qua. Bao vương triều dù vững mạnh cũng đã sụp đổ. Chưa có thể chế trần gian hay vương triều đất nước nào tồn tại 2000 năm và chưa có quyền bính nào truyền liên tục đến 265 đời như ngai toà Thánh Phêrô. Lời Tả quân Lê Văn Duyệt nhắc nhở vua Minh Mạng ngày trước hẳn nhiều người còn nhớ: “Tây Sơn chém giết người Công giáo, Tây sơn mất ngôi. Vua xứ Pégou (Miến điện) vừa đuổi các linh mục ra khỏi nước, liền bị xô khỏi ngai vàng”. Và Tả quân còn nói rằng bao lâu ông còn sống, nhà vua không được cấm Đạo.
Thiên Chúa luôn ra tay bênh đỡ dân Ngài “cho khỏi tay lũ ác nhân hãm hại, thoát bọn tử thù tứ phía bủa vây” (TV.17,9), nhưng cách Ngài hành động không phải bao giờ cũng giống nhau. Ngài muốn dân Ngài phải tin tưởng, dù đi qua thung lũng tối tăm cũng không sợ hãi (x.TV.23), và không bám vào các quyền lực khác để mong có chỗ đứng an thân.
Mừng 7 năm người Cha chung trên ngai toà Phêrô cũng là mừng vì những năm tháng biến động đã không “làm chuyển rung” Hội Thánh Chúa. Dù hôm nay người ta lên án Giáo Hội, người ta đe doạ người tin Chúa, người ta hành hung các mục tử, nhưng sự vững vàng của triều đại Thiên Chúa là dấu chỉ củng cố đức tin cho mỗi người chúng ta.
Xin cùng tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho Đức Thánh Cha. Xin cùng cầu nguyện cho Giáo Hội hoàn vũ và cách riêng Giáo Hội Việt Nam. Xin cho những thử thách, bách hại chóng qua đi, xin cho người tín hữu chỉ theo Chúa, không quay nhìn những biểu tượng khác để xa lìa Giáo Hội, và xin cho những ai đã quay lưng với Giáo Hội, bắt tay với quyền lực để làm công cụ chống phá Giáo Hội, được quay về cùng một mối, “để nên một đàn chiên có một chủ chăn”.
Lạy Mẹ Maria là Mẹ Hội Thánh, xin Mẹ gìn giữ Đức Thánh Cha của chúng con, Đấng mà “Chúa đã lập với Người một giao ước bình an, để Người đứng đầu coi sóc thánh điện, lãnh đạo dân, và ban cho Người chức tư tế cao cả tồn tại đến muôn đời” (Hc. 45, 24)
 
Gioan Lê Quang Vinh
(Nguồn: vietcatholic.com)

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang