Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Abba! Cha Ôi (số 47)

Các bạn thân mến của ABBA,
20/11 này là Ngày Nhà Giáo Việt Nam. Tự hào quá đỗi ! Vì hình như khắp thế giới hiếm có nước nào như Việt Nam ta là có một ngày riêng nhằm tôn vinh những người đứng trên bục giảng. Xin được gửi đến quý thầy cô giáo trên khắp mọi miền, trong mọi lĩnh vực những lời chúc tụng tốt đẹp nhất và thân thương nhất. Xin Thiên Chúa ban muôn ơn phúc trên sự nghiệp trồng người cao cả của các thầy cô yêu mến của chúng ta.
Còn nữa, sắp tới đây có một ngày lễ mà Giáo Hội Việt Nam ta mong đợi. Đó là lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 24/11. Riêng năm nay, lễ này sẽ được mừng kính trọng thể vào ngày 18/11. Vô hình chung, chúng ta có hẳn "một tuần lễ mừng các Thánh Tử Đạo Việt Nam". Có nghĩa là, chúng ta sẽ có nhiều thời gian hơn để chiêm ngắm và học tập tấm gương sáng ngời của các Ngài. Lại một lý do nữa để thêm tự hào về quê hương Việt Nam, các bạn nhỉ ?

GIẢI VÂY
Chuyện xảy ra ở một lớp 1. Những đứa trẻ đang nghiêm túc làm bài tập làm văn. Lớp học rất im lặng. Bỗng trong lớp vang lên tiếng ai đó:
- Bố thằng Tomy bị tù!
Thầy giáo biết ngay đã xảy ra chuyện gì. Đó là giọng của David – đứa trẻ ngồi cạnh Tomy.
- Ông ấy bị tù đã ba tháng rồi – David tiếp tục nói trong khi thầy giáo bị bất ngờ chưa kịp xử trí.
Thầy giáo nhìn thấy Tomy tái mặt và chân tay dường như rã rời. Nó ngước mắt nhìn thầy giáo như cầu cứu. Những đứa trẻ khác cũng nhìn người thầy chờ đợi. Chúng thì thào với nhau đoán xem ai đã tiết lộ cái điều bất ngờ đó.
- Có gì mà ngạc nhiên hả các em – Thầy giáo nói khi lớp đã bắt đầu yên lặng – Bố của Tomy là người thợ lắp kính. Các em có nhớ rằng bác ấy là người đã lắp những tấm kính ở cửa sổ lớp học trường ta không? Trong nhà tù cũng có rất nhiều cửa kính bị vỡ bởi những cơn giông… Bố của Tomy được cử đến thay những tấm kính bị vỡ. Công việc thật không dễ gì làm xong nhanh được…
Đôi mắt Tomy sáng lên lòng biết ơn.
Nhiều năm trôi qua. Khi đã là cha của một đứa con trai, Tomy dắt con tới trường và nói với thầy giáo những lời cảm động: "Em không bao giờ quên cái ngày hôm ấy… cái giờ phút mà em như người đang sặc nước sắp chết đuối thì thầy đã túm lấy em và mang lên bờ, đặt trên bãi cỏ xanh êm dịu…"
NGUYỄN (st)
NGÀY NÀY NĂM XƯA
Vào ngày 24.11.1838, Thiên Chúa đã dùng máu đào của ba vị Thánh sau đây để tô thêm những dấu son vào trang sử vàng của Giáo Hội Việt Nam, đó là:
Thánh Phêrô Borie Cao – Giám mục Thừa sai Paris,
Thánh Phêrô Vũ Đăng Khoa – Linh mục,
Thánh Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm – Linh mục.
Ngoài ra, thật là một sự ngẫu nhiên tuyệt vời khi cả hai điều tự hào đã đề cập ở phần đầu lại có cả trong một con người. Các bạn có đoán được sự kỳ diệu đó ở chỗ nào không? Vâng, đó cũng là một vị Thánh Tử Đạo Việt Nam. Tuyệt vời là ở chỗ Vị thánh này vốn là một thầy giảng và ngày đón nhận Hồng Phúc Tử Đạo của Ngài chính là ngày 20/11.
Bạn Anh Tú đã gửi về cho chúng ta trích dẫn nguyên văn những câu nói của Ngài hay của người khác về Ngài mà bạn ấy đã đọc được trong "Thiên hùng sử 117 Hiển thánh tử đạo Việt Nam" do Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại San Jose, California, Hoa Kỳ thực hiện với hy vọng qua đó, chúng ta sẽ hình dung ra toàn bộ cuộc đời cùng đức tin sắt son của vị thánh này.
20.11.1837  - Thánh Phanxicô NGUYỄN CẦN – Thầy giảng
Phanxicô Nguyễn Cần sinh năm 1803 tại xã Sơn Miêng thuộc địa phận Hà Nội. Thuở thiếu thời, khi bị mẹ ngăn cản việc dâng mình cho Chúa vì không muốn xa con, cậu đã nói với mẹ: "Nếu mẹ không bằng lòng con ở với cha xứ nhà, con sẽ trốn đi, ở với cha xứ khác".
Vào chủng viện, thành thầy giảng, được cử đi giúp Đức Cha Havard Du, rồi cha Retord Liêu. Cha Liêu nhận xét: "Thầy giúp tôi học tiếng Việt, chia sẻ với tôi mọi khó khăn, hiểm nguy, thiếu thốn. Thầy rất nhiệt tâm trong việc tông đồ".
Ngày 19/04/1836, trên đường đi mời linh mục về xứ giảng chuẩn bị lễ Phục Sinh, thầy Cần bị bắt.
Trước công đường, quan nói thầy đừng tin vào các đạo trưởng và hãy đạp lên ảnh đạo, quan sẽ tha cho về nuôi mẹ già. Thầy trả lời: "Thưa quan, tôi chưa thấy các đạo trưởng lừa dối ai bao giờ, còn mẹ già tôi không lo, tôi xa nhà đã lâu chẳng giúp gì cho bà". Quan lại dùng nhiều lời khiếm nhã phê bình về đạo, thầy không những bình tĩnh giải thích lại mà còn trình bày thêm về 10 điều răn Thiên Chúa, 6 điều răn Hội Thánh và kết thúc bằng một lời nguyện khiến ai nấy hết sức cảm phục. Kết thúc phiên tòa, viên quan đã nói nhỏ với những người đứng bên: "Anh này nói cũng có lý. Những giới răn và kinh nguyện của anh ta chứa đựng nhiều điều tốt lành, có lẽ còn dễ hiểu hơn bản thập điều của nhà vua nữa".
Cha Liêu và thân mẫu thầy hết sức đau buồn, tìm mọi cách chuộc thầy nhưng thầy an ủi mẹ rằng: "Xin mẹ đừng lo cho con, con đã ước ao tử đạo từ lâu, xin mẹ chỉ cầu nguyện cho con là đủ".
Lần thứ hai, khi quan và nhiều người khác vừa khuyên nhủ vừa hăm dọa thầy bước qua Thập Giá, thầy vẫn một dạ sắt son: "Dù thiên thần xuống bảo tôi bỏ đạo, tôi cũng chẳng tin. Dù kính trọng cha Liêu, tôi không thể làm điều sai lạc đó được. Hơn nữa, tôi biết chắc ngài không ra lệnh tôi như vậy. Còn với dân chúng, tôi thương mến thật, nhưng cũng không vì họ mà xúc phạm đến Chúa".
Trải qua những chuỗi ngày dài mang nhiều cực hình trong trại giam, thầy không hề chán nản. Trái lại, "…Có một ông Chánh tổng cũng bị giam ở đây, hứa với con khi ra tù sẽ theo đạo và sống theo những điều con giảng… Thưa cha, con thấy người đời sẵn sàng chịu nhiều khổ sở để được giàu sang hoặc danh vọng chóng qua, lẽ nào con không nhẫn nại, chịu những sự khó mau qua này, để được vinh quang đời đời". (trích một bức thư thầy Cần gửi cho cha Liêu)
Một viên cai ngục thấy tác phong của thầy như vậy đã dự đoán: "Ông này chỉ bằng nắm tay mà nghị lực phi thường. Ông ta mà chết chắc sẽ trở nên Thành Hoàng của làng chứ chẳng chơi".
Ngày 20.11.1837, khi đã có bản án xử giảo (thắt cổ), quan tổng trấn lại khuyên thầy nhắm mắt bước đại qua Thập Giá. Thầy Cần trả lời: "Mắt thì nhắm được, chứ lòng và trí khôn không thể nhắm được, nên tôi chẳng làm".
Tại pháp trường, khi dây thừng đã cuốn quanh cổ, viên quan cố thuyết phục lần cuối nhưng thầy đã chứng tỏ ý chí sắt đá của một chứng nhân Đức Kitô khi phát biểu lời nói sau cùng: "Tôi trung không thờ hai chủ, xin quan cứ án mà thi hành".
Hiện nay, Thánh Phanxicô Nguyễn Cần chính là Thành Hoàng của làng Sơn Miêng, đúng theo lời dự đoán vô tình của viên cai ngục năm nào.
ANH TÚ
TIA SÁNG
Sống là để tìm kiếm Thiên Chúa, chết để tìm gặp Ngài, sống vĩnh cửu là để chiếm hữu Ngài.
P.Nouet
Ngày nay, loài người xao xuyến vì không biết rõ tại sao sống, vì sao chết… và chắc là họ sẽ chết. Con người xao xuyến, đó là dấu chứng tỏ con người đang tìm kiếm một điều gì hay một người nào đó… vì đang chờ đợi. Điều quan trọng là định hướng đúng cuộc tìm kiếm và lựa chọn; bám víu vào những vật hư nát thì một ngày kia chúng sẽ phai tàn trong bàn tay chúng ta. Tìm kiếm Thiên Chúa, không có nghĩa là phải gạt bỏ mọi thụ tạo chung quanh ta và những thú vui chúng mang lại, nhưng phải xem chúng là phương tiện, chứ không phải là cứu cánh. Tôi có xao xuyến không? Vì lẽ gì? Có hợp lý không? Trong đời sống tôi, có chỗ nào dành cho Thiên Chúa chăng?
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết gắn bó với cái cốt yếu, xin cảm ơn Chúa vì những cái phụ thuộc.


Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang