Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

CÙNG ĐỌC TOÁT YẾU GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (21)


 
PHẦN II
LỜI GIỚI THIỆU
 
Các Bạn Giáo Lý Viên thân mến,
 
Hơn hai tháng qua kể từ ngày bắt đầu khóa huấn luyện Giáo Lý Viên cấp I, chúng ta đã cùng theo dõi 20 buổi trò chuyện của Cha Phêrô với anh Nguyễn Thiện Chí về Kinh Tin Kính. Những buổi trò chuyện ấy đều theo sát “Phần I: Tuyên xưng đức tin” của cuốn Tóat Yếu Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo.
 
Được biết không những các Bạn Giáo lý viên thuộc GP Phan Thiết, mà con rất đông các Bạn ở những Giáo phận khác cùng vào đọc tại trang gpphanthiet.com hay trang giaolyductin.org của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin thuộc HĐGM VN. Ngoài ra còn nhiều Bạn yêu cầu có bản văn để đọc.
 
Vì thế, chúng tôi sẽ sớm có bản in phần I, đáp ứng tài liệu học tập cho các Bạn, đồng thời xin tiếp tục giới thiệu “Phần II: Cử hành mầu nhiệm Kitô giáo” của cuốn Toát Yếu Giáo Lý HTCG. Mời các Bạn tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện về Phụng Vụ.

 
Cầu chúc các Bạn đầy tràn niềm vui Phục Sinh để chuẩn bị thật tốt cho ngày khai mạc Năm Đức Tin 18/10/2012 của Giáo Phận.
 
Ban Giáo Lý GP Phan Thiết.
 
 
CỬ HÀNH MẦU NHIỆM KITÔ GIÁO
 
Kính chào cha, rất vui được cha sẵn sàng tiếp tục giải đáp giáo lý, vì con cảm thấy chỉ học phần Tín lý không thì chưa đủ, và tuy con đã đọc kinh, đi lễ Chúa Nhật, nhưng tham dự các việc này thấy hay, linh thiêng mà cũng chưa hiểu mấy, vậy hôm nay con tranh thủ đến với cha để được học thêm nữa.
 
 *Chào bạn trẻ sinh viên triết học. Triết học là tìm kiếm sự khôn ngoan, yêu mến sự khôn ngoan (Philosophy). Thiên Chúa là Sự Khôn Ngoan, “kính mến Chúa là đầu mối mọi sự khôn ngoan” của chúng ta. Bởi vậy, rất tốt khi bạn tiếp tục tìm Chúa để yêu mến Chúa, và tôi cũng rất vui cùng bạn tiếp tục tìm hiểu Phần thứ hai để gặp gỡ Đức Khôn Ngoan.
 
*Ôn lại 20 bài cũ một tí nhé: Thiên Chúa như một người bạn đến ngỏ lời, dạy dỗ chúng ta, cho chúng ta biết Ngài là ai, ta là con Ngài cao trọng thế nào, nhưng đã yếu đuối sa ngã làm sao và cách thế Ngài cứu chúng ta, nâng chúng ta dậy nhờ Đức Giêsu Kitô và Hội Thánh mà ta là thành phần tham dự tích cực trong hành trình tiến về trời mới đất mới. Đó là Phần thứ nhất: Tín lý, những điều ta tin, có thể ví như những nguyên tắc lý thuyết, chân lý tôn giáo phải nắm vững. Phần thứ hai là căn cứ trên những nguyên tắc ấy, chúng ta có cuộc giao lưu, trao đổi, gặp gỡ Chúa để trò chuyên tâm sự với Ngài bằng những lời chúc tụng, ngợi khen, và đón nhận ân sủng của Ngài trong cử hành long trọng gọi là Phụng vụ.
 
 Xin cha nói rõ thêm phụng vụ là gì ?(218)
 
Phụng vụ là việc cử hành mầu nhiệm Đức Kitô, đặc biệt là cử hành Mầu nhiệm Vượt qua của Người. Trong Phụng vụ, qua trung gian việc thực thi phận vụ tư tế của Đức Giêsu Kitô, sự thánh hóa con người được biểu lộ và thực hiện qua các dấu chỉ. Thân thể nhiệm mầu của Đức Kitô, nghĩa là Đầu và các chi thể, thực thi việc thờ phượng công khai dành cho Thiên Chúa.
 
*Theo nghĩa từng chữ: phụng là tôn thờ, vụ là việc; phụng vụ là việc tôn thờ, việc thờ phượng. Bạn nhớ lại thái độ cung kính ta dành cho Chúa bằng hành vi cao nhất là tôn thờ, thờ phượng. Cuộc gặp gỡ Thiên Chúa và con người qua Phụng vụ để ta thờ phượng Ngài, và Ngài ban ơn nâng đỡ ta. Đó cũng là hai mục đích căn bản của Phụng vụ: tôn vinh Thiên Chúa, thánh hóa con người.
 
*Chúng ta gặp lại từ “mầu nhiệm Đức Kitô” tức toàn thể con người và hoạt động của Đức Kitô; “mầu nhiệm Vượt qua của Người” tức cái chết cứu độ và sự phục sinh vinh hiển của Người. Thiên Chúa ngỏ lời, gặp gỡ chúng ta qua Đức Kitô, thì tiến trình ngược lại, Phụng vụ giúp ta gặp Chúa, hiệp thông với Chúa được cử hành trong Đức Kitô, Đấng hằng sống “hôm qua, hôm nay và mãi mãi.” 
 
Điều này một lần nữa diễn tả tính qui Kitô, cho thấy Đức Kitô là tâm điểm của việc thờ phượng, và con hiểu thêm tại sao kết các lời nguyện hay đọc “Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con…” và lời trong thánh lễ “Chính nhờ Người, với Người và trong Người…” Thế, Phụng vụ có vị trí nào trong đời sống Hội Thánh ?(219)
 
Là hành động tuyệt đối thánh thiêng, Phụng vụ là chóp đỉnh mà mọi hoạt động của Hội Thánh đều hướng tới, đồng thời là nguồn mạch phát sinh mọi năng lực của đời sống Hội Thánh. Qua Phụng vụ, Đức Kitô tiếp tục công trình cứu chuộc chúng ta trong Hội thánh, với Hội Thánh và nhờ Hội Thánh của Người.
 
*Bạn để ý những từ ngữ diễn tả tính chất cao trọng đặc biệt của phụng vụ: tuyệt đối thánh thiêng, chóp đỉnh mọi hoạt động, nguồn mạch phát sinh mọi năng lực. Hội Thánh có nhiều hoạt động như dạy giáo lý, sinh hoạt đoàn thể các giới, truyền giáo, việc bác ái (Caritas)… nhưng tất cả đều phải có sức sống từ Phụng vụ là việc tột đỉnh trên hết. Việc canh tân đầu tiên của Công đồng Vatican II là Phụng vụ. Và người ta có thể nhận ra tính qui cũ, tổ chức trật tự, tâm tình đạo đức… của một giáo xứ khi tham dự Phụng vụ cử hành nơi giáo xứ đó.
 
*Nhờ Phụng vụ mà hành vi cứu độ của Đức Kitô tiếp tục diễn ra trong thời đại này, ta gọi là “hiện tại hoá” cho con người hôm nay. Người sống và hành động trong và với Hội Thánh, Người hành động qua các Bí tích. Hoạt động “siêu thời gian ấy” gọi là “nhiệm cục bí tích” (220) cốt tại việc thông chuyển các hiệu quả ơn cứu chuộc của Đức Kitô qua việc cử hành các Bí tích của Hội Thánh, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, “cho tới khi Chúa lại đến” (1 Cr 11, 26).
 
CHƯƠNG MỘT
MẦU NHIỆM VƯỢT QUA TRONG ĐỜI SỐNG CỦA HỘI THÁNH
 
PHỤNG VỤ – CÔNG TRÌNH CỦA THIÊN CHÚA BA NGÔI
 
 *Khác với việc thờ phượng riêng tư, có thể âm thầm cá nhân do lòng đạo đức bình dân, Phụng vụ là việc thờ phượng Thiên Chúa cách công khai. Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha, Con và Thánh Thần. Cũng như sáng tạo và cứu độ là công trình của Ba Ngôi, thì Phụng vụ, nối dài chương trình cứu độ ấy cũng là công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi. Tuy nhiên, vai trò mỗi Ngôi Vị có vị trí khác nhau trong Phụng vụ: Chúa Cha là nguồn mạch và cùng đích; Chúa Con biểu lộ và hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua; Thánh Thần là nguyên lý thánh hoá trong Phụng vụ.
 
Vậy, Chúa Cha là nguồn mạch và cùng đích của Phụng vụ  theo nghĩa nào? (221)
 
Trong Phụng vụ, Chúa Cha đổ tràn các phúc lành của Ngài cho chúng ta trong Người Con nhập thể, đã chết và đã sống lại vì chúng ta, và Ngài tuôn đổ Chúa Thánh Thần vào lòng chúng ta. Đồng thời Hội Thánh chúc tụng Chúa Cha qua việc tôn thờ, ca tụng, tạ ơn, và cầu xin Ngài ban hồng ân là Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
 
 Còn Đức Kitô? Công trình của Đức Kitô trong Phụng vụ là gì ?(222)
 
Trong Phụng vụ Hội Thánh, Đức Kitô biểu lộ và hoàn thành mầu nhiệm Vượt qua của Người. Khi trao ban Thánh Thần cho các Tông đồ, Người trao ban cho họ và những người kế nhiệm họ quyền thực hiện công trình cứu độ qua hy tế Thánh Thể và qua các Bí tích, nơi chính Người hoạt động để trao ban ân sủng của Người cho các tín hữu trong mọi thời và trên toàn thế giới.
 
Thế, Chúa Thánh Thần hoạt động như thế nào trong Phụng vụ của Hội Thánh?(223)
 
Trong Phụng vụ, Chúa Thánh Thần hoạt động cách chặt chẽ nhất với Hội Thánh. Chúa Thánh Thần chuẩn bị cho Hội Thánh gặp gỡ Chúa của mình. Ngài nhắc nhớ và làm tỏ hiện Đức Kitô  cho đức tin của cộng đoàn. Ngài làm cho hiện diện và hiện tại hóa mầu nhiệm của Đức Kitô; Ngài kết hợp Hội Thánh vào đời sống và sứ vụ của Đức Kitô, làm cho hồng ân hiệp thông được sinh hoa kết quả nơi Hội Thánh.  
 
MẦU NHIỆM VƯỢT QUA TRONG CÁC BÍ TÍCH CỦA HỘI THÁNH
 
Nẩy giờ bàn đến Phụng vụ ta hay nhắc đến Bí tích. Vậy, các Bí tích là gì ? Đó là những Bí tích nào?(224)
 
Các Bí tích là những dấu chỉ khả giác và hữu hiệu của ân sủng, do Đức  Kitô thiết lập và ủy thác cho Hội Thánh; qua các Bí tích, sự sống thần linh được trao ban cho chúng ta. Có bảy Bí tích : Rửa tội, Thêm sức, Thánh Thể, Thống hối, Xức dầu bệnh nhân, Truyền chức thánh và Hôn phối.
 
*Bạn còn nhớ ta định nghĩa từ này trong mầu nhiệm Giáo Hội: bí là bí nhiệm, bí ẩn; tích là vết tích, dấu tích. Các “dấu chỉ khả giác” thấy được, ví dụ nước để rửa sạch, khi cử hành Bí tích Rửa tội sẽ đem lại “hiệu quả của ân sủng” là tẩy sạch nguyên tội và mọi tội lỗi ta phạm. Điểm lưu ý quan trọng là chính Đức Kitô đã lập Bí tích; khác với Á bí tích cũng có những dấu chỉ cử hành sinh ơn ích thiêng liêng, nhưng do Hội Thánh lập.
 
Do Đức Kitô lập nên Bí tích  phải liên hệ mật thiết với Người. Thế, đâu là mối liên hệ giữa các Bí tích với Đức Kitô?(225)
 
Các mầu nhiệm trong đời sống Đức Kitô là nền tảng cho những gì mà ngày hôm nay, qua các thừa tác viên của Hội Thánh, Đức Kitô trao ban trong các Bí tích. “Điều hữu hình nơi Đấng cứu độ chúng ta được chuyển vào trong các Bí tích ” (thánh Lêo Cả).
 
“Các mầu nhiệm đời sống của Đức Kitô… ngày hôm nay, Người vẫn trao ban cho ta qua các thừa tác viên cử hành Bí tích”? Người đã “lên trời ngự bên hữu Chúa Cha rồi mà?
 
*Bạn có nhớ lời Người hứa với các môn đệ “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” không? Điều này ứng nghiệm trọng Phụng vụ, nhất là Bí tích Thánh Thể. Chúng ta cũng cần nhớ lại bài cũ tín lý về Đức Kitô mà bạn đã hỏi : Chúa lên trời rồi còn có ảnh hưởng gì với mọi hoạt động trần thế không? Vương quyền Người vô tận được báo trước trong 2Sm7,14 mà cha đã nói, chắc vẫn còn tác động đến thế giới ngày nay. Vậy, hiện tại Chúa Giêsu thống trị như thế nào?(133): Là Đức Chúa của vũ trụ và lịch sử, là Thủ lãnh Hội Thánh của Người, Đức Kitô vinh hiển vẫn hiện diện một cách mầu nhiệm trên trần gian, nơi Vương quốc của Người đã hiện diện như hạt giống và đã khởi đầu trong Hội Thánh.
 
*Đức Kitô vẫn hiện diện sống động trong Hội Thánh nhất là trong cử hành Phụng vụ, Người hiện diện trong Lời Chúa khi cử hành, hiện diện qua thừa tác viên chức thánh, hiện diện nơi cộng đoàn phụng vụ “ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ.”… Đặc biệt trong thánh lễ, Người vừa là chủ tế, vừa là của lễ mà chúng ta có dịp tìm hiểu kỹ hơn.
 
Các Bí tích liên kết mật thiết với Đức Kitô đến nỗi có thể nói, Đức Kitô tiếp tục hành động khi cử hành Bí tích. Thế còn Hiền thê của Đức Kitô thì sao? Đâu là sự liên kết giữa các Bí tích với Hội Thánh?(226)
 
Đức Kitô đã ủy thác các Bí tích cho Hội Thánh của Người. Các Bí tích này là “của Hội Thánh” theo hai nghĩa : các Bí tích là “do Hội Thánh,” vì các Bí tích là hoạt động của Hội Thánh, (mà Hội Thánh) là Bí tích của hoạt động Đức Kitô; các Bí tích là “cho Hội Thánh,” theo nghĩa là các Bí tích xây dựng Hội Thánh.
 
*Bí tích vừa “do Hội Thánh” vừa “cho Hội Thánh.” Tương quan hai chiều này vừa thể hiện ai muốn cử hành Bí tích phải có năng quyền do Hội Thánh uỷ thác và cử hành theo nghi thức của Hội Thánh chứ không phải sáng kiến riêng tư; ngược lại, khi cử hành các Bí tích cách thành sự, hợp pháp, thì góp phần xây dựng Hội Thánh nhờ phát sinh hiệu quả thiêng liêng cho từng chi thể Hội Thánh, do từng Bí tích mang lại như: có ấn tín, gia tăng đức tin, ban ân sủng… cần thiết cho ơn cứu độ.
 
Ấn tín Bí tích là gì ?(227)
 
Là một dấu ấn thiêng liêng được thông ban trong các Bí tích Rửa tội, Thêm sức và Truyền chức. Ấn tín này là lời hứa và bảo đảm cho sự che chở của Thiên Chúa. Nhờ ấn tín, người Kitô hữu trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô; họ được tham dự vào chức tư tế của Người theo nhiều cách. Họ là thành phần trong Hội Thánh theo những bậc sống và phận vụ khác nhau; như thế, ơn gọi của họ là phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ Hội Thánh. Vì ấn tín không thể xóa đi được, nên ba Bí tích trao ban ấn tín, chỉ được nhận một lần trong đời.
 
Đâu là mối liên hệ giữa các Bí tích với đức tin?(228)
 
Không những các Bí tích giả thiết phải có đức tin, mà các Bí tích còn nuôi dưỡng, củng cố và diễn tả đức tin, bằng lời đọc và những nghi thức. Qua việc cử hành các Bí tích, Hội Thánh tuyên xưng đức tin tông truyền. Từ đó có câu thành ngữ cổ “lex orandi, lex credendi”, điều này muốn nói : Hội Thánh tin như Hội Thánh cầu nguyện.
 
Cha nói các Bí tích phát sinh hiệu quả thiêng liêng, tức hữu hiệu. Tại sao các Bí tích hữu hiệu?(229)
 
Các Bí tích hữu hiệu “ex opere operato” (do chính hành động được hoàn tất). Thực vậy, chính Đức Kitô hoạt động trong các Bí tích và thông ban ân sủng mà các Bí tích biểu lộ, không lệ thuộc vào sự thánh thiện bản thân của thừa tác viên; tuy nhiên, các hoa trái của Bí tích cũng tùy thuộc vào sự chuẩn bị nội tâm của người lãnh nhận.
 
*“ex opere operato” từ Latin này gọi là “do sự”, chứ không phải “do nhân”. Vì chính Đức Kitô hoạt động trong cử hành Bí tích, nên cho dù thừa tác viên bất xứng và có thể tội lỗi đi nữa, khi có năng quyền và cử hành đúng nghi thức Hội Thánh, hiệu quả Bí tích vẫn phát sinh ân sủng cho ta. Cụ thể một người dù đang mắc tội, rửa tội đúng nghi thức bằng việc đổ nước lã trên đầu em bé và đọc công thức “Phêrô, ta rửa con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” thì em bé đó được Chúa thánh tẩy mọi tội lỗi. Nhưng “Các hoa trái của Bí tích cũng tùy thuộc vào sự chuẩn bị nội tâm của người lãnh nhận” đó là “do nhân”, tiếng Latin gọi là “ex opere operantis”. Nghĩa là ta càng chuẩn bị tâm hồn kỹ lưỡng, càng mạnh tin, càng sốt sắng… thì ân sủng Bí tích càng dồi dào cho ta.
 
Tại sao các Bí tích cần thiết cho ơn cứu độ?(230)
 
Mặc dù không phải tất cả các Bí tích đều được ban cho từng người Kitô hữu, các Bí tích đều cần thiết cho những ai tin vào Đức Kitô, bởi vì chúng trao ban các ân sủng Bí tích, ơn tha thứ tội lỗi, ơn được làm nghĩa tử của Thiên Chúa, ơn nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô và ơn được thuộc về Hội Thánh. Chúa Thánh Thần chữa lành và biến đổi những ai lãnh nhận các Bí tích.
 
Ân sủng Bí tích là gì?(231)
 
Ân sủng Bí tích là ân sủng của Chúa Thánh Thần, được Đức Kitô trao ban, mỗi Bí tích theo một cách. Ân sủng này giúp người tín hữu trên bước đường nên thánh, và cũng giúp Hội Thánh tăng trưởng trong đức ái và trong chứng từ của mình.
 
Đâu là mối liên hệ giữa các Bí tích với đời sống vĩnh cửu ?(232)
 
Trong các Bí tích, Hội Thánh đã được tham dự trước vào đời sống vĩnh cửu, đang khi “chờ đợi ngày hồng phúc, ngày Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa cao cả và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang” (Tt 2, 13).
 
* “tham dự trước vào đời sống vĩnh cửu” nên người tham dự Phụng vụ được gọi là tiên hưởng Phụng vụ trên trời. Hiểu được điều này, ta cảm nhận bầu khí thánh thiêng khi cử hành Phụng vụ, và tham dự cách linh động, tích cực, sốt sắng… hầu “mưu ích cho chúng ta cùng toàn thể Hội Thánh Người.”
 
*Hôm nay ta tìm hiểu Phụng vụ là việc thờ phượng chính thức công khai của Hội Thánh trong tương quan với Thiên Chúa Ba Ngôi, cùng biết tên và nguyên lý bên trong khi cử hành bảy Bí tích, phương thế hữu hiệu Đức Kitô lập để tiếp tục hành vi cứu độ của Người cho ta. Lần tới ta sẽ tìm hiểu Phụng vụ do ai cử hành, cử hành thế nào, ở đâu…
 
Lm Phêrô Nguyễn Hữu Duy

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang