Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Abba! Cha Ôi (số 46)

Các bạn thân mến,
Một bạn đọc ở nước ngoài có gợi ý cho ABBA nên mở một chuyên mục thường xuyên để nhắc nhớ các bạn trẻ Kitô giáo ở hải ngoại về Giáo Hội Mẹ Việt Nam. ABBA rất tâm đắc với ý kiến này và nhận thấy không chỉ những đứa con đang lưu lạc nơi phương xa mà còn cả những đứa con đang sống ngay trên quê hương Việt Nam cũng không biết nhiều và luôn khao khát được biết về Mẹ của mình. Do đó, bắt đầu từ số này, ABBA sẽ có một chuyên mục mới với tên gọi là "Ngày này năm xưa" để chúng ta cùng nhau tạ ơn Chúa cho những thăng trầm của Giáo Hội và cho những người con ưu tú mà Thiên Chúa đã ban cho quê hương Việt Nam.
Vi tầm hiểu biết và khả năng thu thập thông tin còn hạn hẹp, nên ABBA – Cha ơi rất mong được sự cộng tác và ủng hộ của các bạn để bức tranh Giáo hội Việt Nam thêm trọn vẹn. Bạn đọc nào có trong tay mình bất cứ thông tin gì về lịch sử Giáo hội Việt Nam ở mọi miền đất nước, ABBA xin tình nguyện làm trung gian giúp các bạn chia sẻ cho mọi người.
ABBA xin tri ân.

NGÀY NÀY NĂM XƯA
14.11.1861 - Thánh tử đạo Stephano Théodore Cuénot Thể
Hoài bão chính của Stephano Théodore Cuénot là đi truyền giáo, nên chỉ sau 3 năm được thụ phong linh mục, cha đã xin gia nhập Hội Thừa Sai Paris, và một năm sau được cử đến Việt Nam (1829).
Dưới thời Minh Mạng, những cuộc bắt đạo gắt gao đã đưa đẩy cha Thể và một số vị thừa sai, linh mục, chủng sinh Việt Nam phải lưu lạc từ Thái Lan, Malaysia cho đến Singapore. Nhưng cha Thể đã nói: "Bằng mọi giá phải lo cho họ. Như tôi (một thừa sai) chết, người ta có thể gửi người khác thay thế chậm lắm là một năm. Một linh mục, chủng sinh Việt Nam nằm xuống, phải mất hai ba chục năm mới có người thay thế được."
Năm 1835, Đức cha Tabert đã truyền chức Giám mục cho cha Thể ngay tại Pénang (Malaysia), chọn làm phụ tá và cử vị tân giám mục cấp tốc trở về địa phận.
Trong tình hình thiếu hụt thừa sai và linh mục, và trong những ngày lâm cảnh máu chảy đầu rơi, sự hiện diện của Đức cha Thể quả là niềm an ủi lớn lao cho các tín hữu.
Với 32 năm phục vụ giáo hội Việt Nam, 26 năm trong chức vụ giám mục, Đức cha Thể xứng đáng là một vị chủ chăn nhiều tài năng, sáng kiến và gặt hái được nhiều thành quả lớn lao được Tòa Thánh công nhận.
Đức cha chủ trương: "Phương pháp tốt nhất để đức tin của giáo hữu vững vàng là đào tạo họ thành những tông đồ truyền giáo." Bằng nhiều hình thức khéo léo và linh hoạt, Đức cha không những đã đào tạo được một đội ngũ linh mục, thầy giảng và nữ tu bản xứ đông đảo và nhiệt thành, giúp các tín hữu giữ vững niềm tin, mà còn gia tăng số người ngoại rửa tội một các đáng kể. (Cụ thể: năm 1835, số trẻ em được rửa tội là 133 em, năm 1841 là 1.800 em, năm 1843 là 8.273 em, riêng năm 1844 là 5.056 em đồng thời kéo theo số người lớn trong gia đình trở lại và rửa tội là 1.007 người.)
Một công trình lớn khác của Đức cha là công cuộc truyền giáo cho các dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Bana.
Ngày 24.10.1861, dưới chiếu chỉ "phân sáp" thời Tự Đức, do tình nguyện ở lại sau khi khuyên mọi người di tản, Đức cha bị bắt giam. Lúc đó, miền trung đang bị lụt, nên khi bị giải đến nhà giam ở tỉnh thì Đức cha lâm trọng bệnh. Chỉ trong vòng ba tuần, vào ngày 14.11.1861, Đức cha kiệt sức và thở hơi cuối cùng.
Do bản án trảm quyết từ Huế gửi vào sau khi Đức cha đã qua đời, quan trấn thủ Bình Định không cho chém nữa mà đem đi chôn. Tuy nhiên, sau đó triều đình lại gửi một bản án mới truyền phải quăng xác xuống sông. Quan trấn thủ đã cho đào mồ Đức cha lên để thi hành đúng bản án ấy.
Trong ngày suy tôn 20 vị thánh tử đạo Việt Nam 02.05.1909, Đức cha Stephano Théodore Cuénot Thể đã được Đức Piô X xướng danh đầu tiên.
(Theo Thiên hùng sử 117 Hiển thánh tử đạo Việt Nam - Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam, San Jose, California, Hoa Kỳ)

QUAY VỀ VỚI TÌNH YÊU
(Tiếp theo và hết)
Trong nhóm có hai bạn dự tòng là Huyền và Nga.
Huyền là một người khiếm thị. Gia đình Huyền không ai biết gì về đạo. Nhưng khi còn sáng mắt, Huyền đã xem những phim nhiều tập của Brazil trên truyền hình, ví dụ như phim "Người giàu cũng khóc". Trong những phim nhiều tập sản xuất ở châu Mỹ La Tinh đó, thường có một vai linh mục rất nhân hậu, làm Huyền cảm thấy trong đạo có cái gì đó thật hay. Mỗi khi có dịp Huyền cũng vào nhà thờ xem người có đạo cầu nguyện, thờ tự như thế nào.
Một cảm nghiệm khác của Huyền là những khi Huyền làm một điều gì tốt hoặc xấu thì sau đó hay xảy đến những sự việc như thể tưởng thưởng, khuyến khích Huyền vì việc tốt, hoặc trách phạt sửa dạy Huyền vì việc xấu. Huyền thấy như có cái gì, có ai vô hình săn sóc, giáo dục Huyền.
Bây giờ Huyền đang theo học lớp dành riêng cho những bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn của vợ chồng thầy Khôi và cô Vân, ở đó Huyền cũng tiếp xúc được với các đồ đệ của Chúa. Đặc biệt hồi tháng tám vừa qua, Huyền cùng với cô Vân đi hành hương Phát Diệm và thăm viếng nhiều xứ đạo. Không những Huyền quen biết thêm nhiều bạn ở Hà Nội, mà còn gặp gỡ nhiều bạn từ miền Trung, miền Nam. Cộng đoàn dân Chúa ở Phát Diệm đón tiếp các đoàn hành hương thật ấm cúng, tình nghĩa chan hòa. Huyền cũng đứng lên tham gia những tiết mục ca hát rất hồn nhiên. Trong Thánh Lễ, Huyền lắng nghe từng lời giảng, lắng nghe lời ca tiếng hát của cộng đoàn đông đảo. Vừa đặt chân về Hà Nội, Huyền ngỏ ý xin học giáo lý. Hiện nay một giáo lý viên ở nhà thờ Hàm Long là chị Oanh đang hướng đẫn Huyền. Hy vọng Phục sinh sắp tới Huyền sẽ chính thức gia nhập dân Chúa.
Cùng đi với Huyền là Hương, một bạn trẻ vượt khó khác. Hương cũng đến từ một gia đình không hề biết gì về đạo. Tuy chưa đầy 20 tuổi, Hương đã có một quá khứ gian nan khổ ải. Do vậy mà Hương trở nên cứng cỏi, chỉ tin vào mình thôi, ngoài ra không tin một ai, không tin cái gì hết. Lại cũng ở trong lớp vượt khó của thầy Khôi và cô Vân mà Hương gặp Liên. Khác với Hương, Liên có đức tin. Liên khuyên Hương cầu nguyện. Hương từ chối, đã bảo là không tin ai hết mà. Vả lại Hương chẳng biết cầu nguyện thế nào, chưa hề cầu nguyện bao giờ. Nhưng Liên bảo cứ thử đi; cầu nguyện thì đơn giản lắm, chỉ cần nghĩ tới Chúa, rồi vui thì nói mình vui, buồn thì nói mình buồn. Nghe lời Liên, Hương đã thử cầu nguyện. Kết quả là thấy mình như được gỡ ra khỏi cái vỏ cô đơn, lạnh giá, đúng là được đáp lời thật. Cho nên sắp tới chắc là Hương sẽ theo chân Huyền thôi.
Trong lần gặp mặt này còn có hai bạn ngoại đạo, Thái và Vân Anh.
Thái làm quen với đạo lần đầu tiên hồi anh làm việc ở Sài Gòn. Hồi đó anh sống trong một căn hộ gần kề bên nhà thờ Phaolô. Chiều chiều anh nghe ca đoàn nhà thờ tập hát. Dần dần anh tò mò vào nhà thờ. Anh nhận thấy đã bước chân vào nhà thờ, thì gặp một bầu khí khác lạ, bình an, thanh thản, sâu lắng khác cuộc sống sôi động bộn bề đời thường. Hôm nay cũng vậy, ngồi với các bạn ở đây, Thái cũng thấy như mình ở trong một thế giới khác, mọi sự đều hiền hòa, đơn sơ.
Đối với Vân Anh thì đây là lần dầu tiên tham gia sinh hoạt với các bạn bên đạo. Cô khóc và nói rằng mình xúc động vì các bạn chia sẻ với nhau chân thành quá. Trong cuộc sống xã hội bình thường, người ta không sẵn sàng tâm sự với nhau như vậy.
Cũng xin nói thêm người đưa Thái và Vân Anh đến với nhóm là Ngọc. Sở dĩ Ngọc mời hai người bạn quý của mình tham gia buổi chia sẻ hôm nay là vì Ngọc vẫn khao khát chia sẻ cho người khác đức tin mình ấp ủ trong lòng.
Vũ ghi.
TIA SÁNG
Lời an ủi là liều thuốc bổ, nhưng ta đâu có uống thuốc bổ từ sáng tới chiều.
Newman
Tháng 11, tháng các linh hồn. Thỉnh thoảng Thiên Chúa cũng an ủi chúng ta bằng những dấu hiệu: một cử chỉ thân ái, một điều may mắn bất ngờ, một lời nói và hành động khích lệ ta… Mỗi dấu hiệu tựa như một cú roi. Hãy giữ mình kẻo quên đi, mỗi ngày đòi một liều lượng mạnh hơn, giống như uống rượu hay nghiện thuốc. Đức tin ta lành mạnh nhờ bước đi giữa hoài niệm và hy vọng, mà vẫn tin chắc rằng ta không đơn độc. Người dũng cảm lăn xả vào cuộc đời mà chiến đấu, không cần kích thích; người cần kích thích, ấy là kẻ nhát đảm hoặc gian lận.


Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang