Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Abba! Cha Ôi (số 89)

CUỘC ĐỜI LÀ CÂY THẬP GIÁ
Người Công giáo Việt Nam thường treo ảnh của người thân đã qua đời trong nhà. Các tấm ảnh được treo, luôn luôn là hình ảnh lúc sinh thời của người ấy. Không ai treo ảnh bị chết. Một lý do thật đơn giản: người ấy có chết đâu. Họ chỉ qua đời thôi. Họ đang sống ở một đời khác, một thể dạng khác và chỉ có ai đã qua đời mới biết rõ.
Nhưng người Công giáo lại treo hình Chúa chịu chết suốt hơn 2000 năm qua. Chắc chắn Giáo Hội không tuyên truyền cho sự chết, mà Giáo Hội muốn nói cái chết là cái đã đến, và sẽ đến chỉ là một nhịp của sự sống chứ không còn là một sự tuyệt vọng bất tử nữa. Từ khi Chúa Giêsu bẻ gãy sự chết và trỗi dậy vinh quang thì cái chết không còn là mối đe dọa khiến người ta sẵn sàng làm mọi sự dù là gian manh độc ác, để được sống. Cái chết chỉ là một dấu lặng trong bản nhạc hoan ca của sự sống Chúa Giêsu mà bất kỳ ai trong nhân loại này cũng có thể nhận bản nhạc oai hùng đó là của mình khi chân thành nhìn nhận Giêsu là Cứu Chúa của mình.
Nên Thập Tự Giá đã trở nên một biểu tượng của sự sống chứ không phải dấu hiệu của sự chết. Một biểu tượng hạnh phúc rất người.

Khi mới lớn, tôi hay bị các anh chị mắng: "Mày nhìn cái gì cũng thấy màu hồng, trong khi cuộc đời này đen như mõm chó!" Khi lớn lên một chút nữa, tôi thấy lời ấy có phần đúng, vì bao nhiêu nỗ lực của tôi, của bạn bè tôi bị người ta chà đạp lên. Bao tiếng kêu oan, oán hờn bất công như rơi phải lỗ đen vũ trụ... May mắn cho tôi, vì là người Công giáo, tôi thấy cây Thập Tự Giá đóng đinh Chúa Giêsu treo trên vách nhà, đã giết chết Chúa, nhưng có cầm giữ được Người đâu? Người đã sống lại. Lúc đó tôi lại thấy nhìn cuộc đời màu hồng hay màu đan đều chẳng có lý, mà nhìn cuộc đời là cây Thập Tự Giá là đúng nhất.
Thập Tự Giá đau thương và chết chóc.
Thập Tự Giá con người chất lên vai nhau và đổ dồn cho Chúa.
Mang Thập Tự Giá vì yêu thương, vì hận thù.
Dựng Thập Tự Già vì báo oán, vì thứ tha.
Thập Tự Giá có cả chua ngọt đắng cay.
Nhưng hơn cả Thập Tự Giá có Con Thiên Chúa đã chết trong cô đơn và đã sống lại, đang hiện diện giữa lòng tôi và cộng đoàn. Thập Tự Giá là biểu tượng hạnh phúc là thế đó.
Một bên là con người vất vả trong đau khổ để thoát khỏi bế tắc đã vô tình và cố ý tạo ra thánh giá cho nhau. Một bên là Thiên Chúa làm cho độc ác của con người trở nên vô nghĩa với sự phục sinh vinh hiển của nhân loại trong Chúa Giêsu Kitô.
Lễ Suy Tôn Thánh Giá, 2002
AN THANH, CSsR.
HAI MƯƠI CÂU KINH
Giữa tháng 7, giáo xứ tôi tổ chức khai giảng lớp Giáo Lý Hôn Nhân. Mặc dù chưa có ý định "kết hôn" song tôi vẫn rất hào hứng khi tham dự khoá học này. Tôi muốn được đứng ở vị trí của những người sắp trở nên tế bào riêng của xã hội, của giáo hội và để nhìn xem mối tương quan giữa họ với Thiên Chúa. Và thật lạ, lớp học có đến hơn nửa lớp là "độc thân" như tôi.
Cha chánh xứ khai mạc khóa học bằng một vài câu chuyện rất thú vị về đời sống gia đình. Cha đã khéo léo dẫn chúng tôi đến với cái nhìn mới, nghiêm túc hơn và có nhận thức đúng đắn hơn về vai trò của việc học Giáo Lý. Đặc biệt là Giáo Lý Hôn Nhân – khoá Giáo Lý cuối cùng trong cuộc đời mỗi người. Đó không phải là khoá học người ta đến tham dự chỉ là để được cấp chứng chỉ "đủ điều kiện kết hôn", nhưng là một khoá học có vai trò đặc biệt, giúp các bạn trẻ hiểu rõ hơn vai trò và giá trị của đời sống gia đình, giá trị của lời Chúa trong cuộc sống riêng của mỗi cá nhân và trong cái tế bào gia đình mà mỗi người trẻ sẽ tạo nên. Và để các bạn trẻ hiểu rõ rằng chúa muốn họ làm gì ở địa vị nào đó ?
Bài học đầu tiên mà chúng tôi nhận được chỉ vỏn vẹn có ba chữ Học Kinh Nguyện. Cha kê khai một loạt hai mươi kinh mà chúng tôi phải thuộc để "trả bài" cho Cha. Từ Tin – Cậy – Mến, đến Mười Điều Răn, Tám Mối Phúc Thật, Mười Bốn Mối Thương Người,… Cha đã cho tôi thấy sự xa lạ của giới trẻ với kinh nguyện bằng một phép thử nhỏ: Cả 4 người bạn trẻ được Cha gọi tên đều không thuộc quá 3 trong số 20 kinh đó – và thú nhận với bạn, bản thân tôi cũng không thuộc hết.
Tôi nhớ có một câu nói rất hay: Khi bạn cầu nguyện là bạn thắp lên một ngọn nến, nhờ vậy bạn được hiếu sáng hơn. Như vậy vô hình chúng ta có thể thấy, hình như những người trẻ đang "tối đi" vì họ không nắm giữ những gì cơ bản nhất của đời sống Kitô giáo. Đó là thường xuyên "trò chuyện" với Thiên Chúa thông qua những lời kinh đơn sơ. Có thể bạn sẽ cho là tôi phóng đại, hay có suy nghĩ cực đoan vì giới trẻ ngày nay sống trong xã hội hiện đại, xã hội thông tin toàn cầu… Và có thể giao tiếp bằng rất nhiều cách. Vậy thì chúng ta sẽ "trò chuyện" với Thiên Chúa bằng một cách nào đó thiết thực, sống động mới lạ hơn chăng? Và phải chăng chúng ta không cần cầu nguyện nữa ??
Nhìn lại cuộc sống của chính mình và của bạn bè xung quanh, tôi có ý nghĩ rằng tất thảy dường như quá bận rộn, có quá nhiều mối quan tâm… thậm chí đôi khi chúng ta còn quên mất "sự hiện diện của Thiên Chúa nơi chúng ta, nơi cuộc sống người ban cho chúng ta". Điều này khiến tôi nhớ đến một câu chuyện kể rằng: Ngày xưa Trời không cao như bây giờ, Trời ở rất gần. Nhưng con người ngày càng bận rộn và tham vọng. Họ muốn xây nhà cao cửa rộng, họ muốn theo đuổi nhiều thứ và họ khó chịu vì Trời ở quá gần khiến họ cảm thấy vướng víu. Thế rồi con người quyết định bảo trời là phải "xê ra". Từ đó Trời mới vút lên cao như bây giờ. Và dù lên cao hay ở thấp Trời vẫn tỏa sáng sưởi ấm hết thảy mọi loài, mọi vật.
Cuộc đời mỗi người nằm trong bàn tay quan phòng của Chúa. Vậy mà đã không ít lần tôi bảo Chúa "xê ra" để tôi rảnh tay đi tìm xa hoa trần thế. Tôi thấy Chúa thật vướng víu khi tôi đến với Người chỉ gần một tiếng đồng hồ vào ngày Chúa Nhật. Tôi đã kiêu căng nghĩ rằng không có Chúa tôi vẫn là tôi, tôi chẳng hề "trò chuyện" với Chúa, mặc kệ Chúa nhẫn nại đợi chờ tôi…
Cuộc sống của chúng ta đòi hỏi chúng ta phải cầu nguyện không ngừng để khỏi sa trước cám dỗ. Có nhiều cách cầu nguyện, song tôi nghĩ kinh nguyện là phương thức cầu nguyện đơn sơ mà hiệu quả nhất. Chẳng phải Chúa Giêsu đã không dạy chúng ta cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha đó sao?
VÂN THẢO PHƯƠNG
ĐỐ VUI BẰNG THƠ – VÈ
Tác giả
NGUYỄN ĐỨC QUỲNH (Úc Châu)
BÀI SỐ 3: TRẢ LỜI MẪU
1- Quả khế hình sao
Chiên xào, nấu canh
Tỏi hành, rựa mận
Thiếu khế không thành.
2- Đó là cây đa
Chú Cuội Hằng Nga
Ai mà chẳng biết!
Trăng ngà mùa thu.
3- Cây súng mầu đen
Đêm tối không đèn
Tây đen canh gác
Bóp nhằm cò súng
Tiếng đùng nổ vang.
4- Dưa leo uốn nắn
Hổ rắn giống y (*3)
Nghệ thuật tân kỳ
Vua vườn khó chi.
5- Con heo "lợn Tỗn"
Hai người khênh ngược
Chân ngước lên trời
Chân người đi xuôi
Một đuôi, sáu mắt
La ó ầm làng.
(*3) Dưa chuột (dưa leo) cũng được (Vua vườn) Nguyễn Đức Quỳnh nghiên cứu và phát minh, muốn đưa nghệ thuật vào trái cây, rau cỏ (Artist in Vegies). Nên đã áp dụng các nguyên lý sẵn có như: Ánh sáng (quang học): để hướng dẫn các vật uốn theo chiều ánh sáng. Y học: để châm cứu, băng bó... Hóa học: để thêm hoặc giảm lượng nước và các chất dinh dưỡng hòa tan... Sự đụng chạm và uốn nắn để hướng dẫn những trái cây (bầu, bí, mướp, dưa leo...) lớn lên theo khuôn khổ và thời gian theo hình thù mình muốn. Đặc biệt và điển hình là trái dưa leo đã được ông Nguyễn Đức Quỳnh uốn nắn giống hệt như con rắn hổ mang (cobra cucumber).Tuần báo VN THỜI NAY ngày (8.2.1995). Đó là một thành công đưa nghệ thuật (Artist) vào rau cỏ, trái cây…
BÀI SỐ 4: CÂU ĐỐ
1 – Quả gì giống rắn?
Không nắn cũng thành
Ngon ngọt nấu canh
Ngon lành xào, luộc.
2 – Cây gì cao nhất?
Lên tận tầng mây
Dân cầy trông ngóng
Đêm rằm trời trong.
3 – Có ai biết không?
Sĩ, nông, thương, công...
Giới nào đứng nhất?
Hành khất thì sao?
Nhà báo giới nào?
4 – Lá gì ăn phở?
Lai ở Tố tia
Mầu tía, nâu, xanh
Cây gì đố anh (chị)?
5 – Đố bà, đố ông?
Nghệ thuật nhà nông
Tỉa trồng ra sao?
Ca dao đã nói?


Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang