Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Tìm hiểu Sách GLHTCG – Bài 20. Tội tổ tông

Phần I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

Bài 20. TỘI TỔ TÔNG
Thánh Augustinô nói: “Tôi đã tìm xem sự dữ từ đâu đến và không thấy câu giải đáp” (GLHTCG số 385). Đâu là cội nguồn của sự dữ ở bên trong và giữa chúng ta, giữa người nam và người nữ, giữa các thế hệ và các dân tộc? Augustinô đã không tìm được câu trả lời cho câu hỏi này cho đến khi ngài tìm gặp được Đấng mà chỉ mình Ngài chiến thắng sự dữ: đó là Đức Kitô. Thế rồi từ đó sự chắc chắn này không bao giờ rời Augustinô, đó là Danh “Giêsu” nghĩa là “Thiên Chúa cứu”. Đức Giêsu là Thiên Chúa cứu toàn thể nhân loại. Nếu đúng là Đức Giêsu đã đến và đã chết cho mọi người, thì không một người nào lại không cần đến Đức Giêsu: “Hãy đến với ta, tất cả…” (Mt 11,28).

Tất cả, bao gồm trẻ thơ: “Hãy để trẻ em đến với Ta…” (Mc 10,14). Trẻ thơ cũng cần Chúa Giêsu, Ngài muốn là “Thiên Chúa cứu” của chúng, cũng là “Đấng Cứu Độ” của chúng. “Tội tổ tông” trước hết hàm ý tất cả mọi người không trừ ai đều cần Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ. “Giáo lý về tội tổ tông, có thể nói được, là ‘mặt trái’ của Tin Mừng này: Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ của tất cả mọi người” (GLHTCG số 389).
Tội tổ tông là một mầu nhiệm đức tin; chúng ta biết về điều này chỉ qua mạc khải. Nó không thể nắm bắt chỉ qua lý trí thuần túy, mặc dù người ta có thể chứng minh rằng giáo thuyết này cung cấp một câu trả lời hữu lý đối với tính bí ẩn của sự dữ. Do đó điều quan trọng là cần biết chính xác những gì giáo huấn đức tin khẳng định về tội nguyên tổ, nhất là khi những ý niệm sai lầm về tội nguyên tổ đang lan tràn.
Đức tin nói cho chúng ta biết, ngay từ khởi đầu của lịch sử gia đình nhân loại, những người là cha mẹ đầu tiên của chúng ta đã lạm dụng sự tự do của mình, tự nâng mình lên chống lại Thiên Chúa (số 415). Thánh Kinh sử dụng ngôn ngữ hình tượng để phác họa những hậu quả của chọn lựa đó: Adam và Evà mất đi sự gần gũi nguyên thủy đối với Thiên Chúa và chạy trốn Thiên Chúa. Một sự rối loạn nội tại và lên án lẫn nhau, thống trị và thèm muốn, những điều đó trở thành rõ ràng trong mối liên hệ giữa người nam và người nữ. Và sự chết, vốn là hậu quả đã được báo trước, nay bước vào lịch sử nhân loại (số 399-401). Những gì được trình bày trong chương 3 sách Sáng Thế cũng được chúng ta kinh nghiệm trong cuộc sống hằng ngày.
Nhưng tại sao lại quy chiếu về “tội tổ tông”? Tại sao một đứa trẻ lại bị vết nhơ bởi tội tổ tông ngay khi nó vừa sinh ra, đến nỗi trẻ nhỏ cũng cần chịu Phép Rửa (số 1250)? Tội tổ tông không quy chiếu về bất cứ tội cá nhân nào mà hậu duệ của bà Evà phạm. Nó hàm ý rằng tất cả mọi người (ngoại trừ Đức Trinh Nữ Maria) đang thiếu một điều gì đó: Điều mà cặp cha mẹ đầu tiên của chúng ta đã đánh mất qua tội cá nhân của họ - như một di sản mà tổ tiên đã phung phí. Họ đánh mất cho chính họ và cho cả chúng ta nữa, tức là sự gần gũi nguyên thủy với Thiên Chúa và sự hài hòa xuất phát từ sự gần gũi này (số 404). Trong một nghĩa nào đó, tất cả chúng ta là hậu duệ của đứa con hoang đàng, và chỉ sau khi Thiên Chúa trao cho chúng ta “cái áo tốt nhất” của ân sủng thì chúng ta mới được bình an và bước vào nhà (Lc 15,11-32).
Tuy nhiên, “tội tổ tông” còn hàm ý, mặc dù với ân sủng của Bí tích Thánh Tẩy và với sự giúp đỡ của ân sủng, chúng ta vẫn phải chiến đấu trong suốt cuộc đời để chống lại những nghiêng chiều về sự dữ (số 407). Đó là điều mà chúng ta thừa hưởng từ nguyên tổ. Nhưng nếu chúng ta chiến đấu cùng với Đức Kitô, đó là ‘cuộc chiến đấu cao đẹp” (2Tm 4,7), chúng ta sẽ chiến thắng.
 
ĐHY Christoph Schönborn

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang