Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Sự hiệp thông giữa các Giáo hội địa phương tại Châu Á sẽ hỗ trợ nhau cách hữu hiệu hơn trong việc loan báo Tin Mừng



Đức giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc trao đổi với WHĐ
về Hội nghị toàn thể lần X của Liên Hội đồng Giám mục Á châu
WHĐ (3.12.2012) – Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) đã cử Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc, giám mục Mỹ Tho, và Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, giám mục Thái Bình, đi dự Hội nghị toàn thể lần thứ X của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC). Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc đã giới thiệu cho chúng ta nội dung chính của Tài Liệu Làm Việc trong Hội nghị. Ngoài ra, chúng tôi cũng xin ngài cho biết một số thông tin liên quan đến Hội nghị. Xin trân trọng giới thiệu với độc giả.

***
– Kính thưa Đức cha, là đại biểu chính thức của HĐGMVN tham dự Hội nghị lần X của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu, Đức cha có thể cho chúng con biết đôi nét về chủ đề cũng như nội dung chính của Hội nghị lần này?
– Hội nghị toàn thể của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu lần này, vì là kỷ niệm 40 năm thành lập và quy chế được Toà Thánh Vatican phê chuẩn vào năm 1972, nên đã chọn chủ đề: FABC kỷ niệm 40 năm – Đáp lại những thách đố tại Châu Á – (FABC AT FORTY YEARS: RESPONDING TO THE CHALLENGES OF ASIA). Hội nghị sẽ nhìn lại các sinh hoạt và đường lối đã vạch ra trong 40 năm qua, và chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa; cố gắng phân định các dấu chỉ của thời đại và cầu nguyện xin Ơn Khôn Ngoan; cùng nhau suy nghĩ trong cái nhìn đức tin về bối cảnh mục vụ hiện nay tại Châu Á, và xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn Giáo hội; suy nghĩ về cách thức đáp ứng những thách đố trên bình diện mục vụ, xin ơn quảng đại và can đảm. Sau cùng Hội nghị muốn nói lên sự quyết tâm dấn thân mới mẻ và quyết liệt hơn cho Giáo hội tại Á Châu.
– Chúng con được biết Đức cha sẽ có bài tham luận trong Hội nghị. Vậy Đức cha có ý định trình bày những gì với các giám mục Á châu?
– Bài tham luận của tôi dựa trên số 5 của phần A là phần nhìn lại hoạt động và đường hướng của FABC trong 40 năm qua; và trên số 17 của phần B, tức phần bàn về sự phân định các dấu chỉ của thời đại; sau cùng nói qua về sinh hoạt của các thành phần Dân Chúa tại Việt Nam.
Trong phần đầu, ngoài việc nhắc lại đường lối đối thoại theo ba hướng mà FABC đã đề ra ngay từ khi mới thành lập (Tài Liệu Làm Việc, số 5): hướng về người nghèo, hướng về các nền văn hoá, hướng về các tôn giáo, tôi có đề nghị nên cùng nhau suy nghĩ về một hướng thứ tư, là đối thoại với xã hội vô thần duy vật. Tôi có nhắc tới sự hướng dẫn tích cực của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong dịp các giám mục Việt Nam đi viếng mộ hai thánh Phêrô và Phaolô năm 2009.
Trong phần thứ hai, tôi nhắc lại số 17 đề cập đến một “văn hoá mới” đang lan rộng tại Châu Á và làm đảo lộn những giá trị cổ truyền, do ảnh hưởng của việc toàn cầu hóa, tạo ra một não trạng “duy thế tục”, duy vật, duy hưởng thụ, duy tương đối. Trong thực tế hiện nay, não trạng này cũng khá phổ biến ở Việt Nam, giống như ở nhiều nước Á Châu khác. Não trạng này, nếu không được lưu ý kịp thời, có thể làm xói mòn các niềm tin tôn giáo, và ngay cả đời sống đức tin Kitô giáo.
Trong phần thứ ba, tôi đề cập tới những nỗ lực của Giáo hội tại Việt Nam, tiêu biểu là Đại hội Dân Chúa năm 2010, một cố gắng nhìn lại của Giáo hội tại Việt Nam để hướng tới việc sống đức tin sâu xa hơn, trên cả ba bình diện mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ, để làm chứng cho Tin Mừng về Tình Yêu của Thiên Chúa trên Quê hương Đất Nước Việt Nam và tất cả những nơi mà có người Việt Nam Công Giáo hiện diện.
– Khi tham dự Hội nghị lần này, Đức cha có ước mong gì cho các Giáo hội tại châu Á và cách riêng cho Giáo hội tại Việt Nam?
– Cũng như một số Đức cha Việt Nam khác, tôi mới biết FABC, vì từ trước tới nay, chúng tôi ít có dịp giao lưu, nhưng lần này tôi hy vọng sẽ là “một sự bắt đầu mới” của Giáo hội tại Việt Nam hội nhập vào khu vực Á Châu, một sự hội nhập rất cần thiết, vì rõ ràng Việt Nam là một quốc gia Á Châu, dân tộc Việt Nam là một dân tộc Á Châu. Chắc chắn chúng ta có rất nhiều điểm chung với các Giáo hội chị em tại Á Châu. Sự hiệp thông giữa các Giáo hội địa phương tại Châu Á sẽ làm cho Giáo hội trở nên năng động hơn, vui tươi hơn, và hỗ trợ nhau cách hữu hiệu hơn trong việc loan báo Tin Mừng cho chư dân và việc Tân Phúc âm hoá. Tôi tin vào cái nhìn tiên tri của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: thế kỷ 21 là thế kỷ của Châu Á. Chúng ta hãy mạnh dạn giới thiệu gương mặt Chúa Giêsu cho các dân tộc Á Châu, cho các nền văn hoá Á Châu. Chắc chắn Ngài sẽ thu phục được những con người Á Châu, vì chính Ngài cũng là một người Á Châu như mọi người Á Châu chúng ta. Ngài sẽ ban cho chúng ta Thần Khí Phục Sinh của Ngài, và càng ngày sẽ càng có thêm người được chia sẻ Tình Yêu và Sự Sống của Ngài. Ngài sẽ đẩy lùi “nền văn hoá sự chết” khỏi lục địa Á Châu.
– Chúng con chân thành cảm ơn Đức cha về những thông tin và chia sẻ sâu sắc của Đức cha.
 
Gm Phaolô Bùi Văn Đọc

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang