Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

130 Câu Chuyện Nhà Đạo

   1.      Chuyện 1 - 10
   2.      Chuyện 11 - 20
   3.      Chuyện 21 - 30
   4.      Chuyện 31 - 40
   5.      Chuyện 41 - 50
   6.      Chuyện 51 - 60
   7.      Chuyện 61 - 70
   8.      Chuyện 71 - 80
   9.      Chuyện 81 - 90
  10. Chuyện 91 - 100
11. Chuyện 101 - 110
12. Chuyện 111 - 120
13. Chuyện 121 - 130


1.      Chúa Giêsu là Đấng Chăn Chiên Tốt Lành
Chúa Giêsu nói rõ về ngài: "Ta là Đấng Chăn Chiên Tốt Lành."
Các tông đồ xua đuổi các em bé, nhưng Chúa Giêsu tốt lành dạy để các em đến với Ngài.
Các tông đồ muốn trừng phạt, nhưng Chúa Giêsu tốt lành trách họ: Con Người đến không phải để giết chết nhưng để cứu sống.
Khi thấy các tông đồ tức nhau, cải nhau, tranh giành nhau rộn ràng, Chúa Giêsu quở trách và sửa dạy họ ngay.
Chúa Giêsu ngồi trên lưng con lừa và đi chậm rãi vào thành Giêrusalem một cách hiền từ mặc dân chúng hoan hô nồng nhiệt.
Trong hồi Thương Khó, bị sỉ vả nhục nhã ê chề, bị đánh đập hành hạ tàn nhẫn, Chúa Giêsu vẫn im lặng tha thứ.Trước khi tắt thở trên thập giá, muốn cho những kẻ đối xử độc ác với mình cũng được ơn lành, Chúa Giêsu lớn tiếng cầu xin Chúa Cha tha tội cho họ.

2. Tên trộm và Chúa Giêsu trên cây Thánh Giá...
Trong một đền thờ ở tỉnh Bayern, Đức, có một Thánh Giá rất lạ: đôi tay Chúa Giêsu không bị đóng đinh giăng ra nhưng lại xoè ra như ôm lấy một vật gì.
Tại sao thế?
Số là, theo như lời truyền kể lại, một đêm âm u tối tăm kia, trong khi nhà thờ chỉ có một chút ánh sáng leo lét của cây đèn Nhà Tạm, trong khi mọi cửa nhà thờ đã đóng hết và ông từ đã về nhà nghỉ, thì có một tên trộm đào ngạch, chun vào nhà thờ. Nó chăm nhìn lên Chúa Giêsu bị treo trên Cây Thánh Giá, không phải vì nó tỏ lòng ăn năn đau đớn tội lỗi nó đã phạm làm mất lòng Chúa, nhưng vì nó thấy trên đầu Chúa Giêsu, người ta có đặt một mũ triều thiên bằng vàng chạm ngọc.
- "Ta sẽ lấy chiêc mũ triều thiên nầy. Ta sẽ giàu có, sung sướng." Nó ngghĩ bụng như vậy.
Tên trộm trèo lên bàn thờ, vói tay định lấy chiếc mũ triều thiên quý giá trên đầu Chúa Giêsu thì bỗng hãi hùng làm sao, hai bàn tay của Chúa Giêsu cũng rời khỏi hai lổ đinh thâu và ôm choàng lấy tên trộm.
Bị Chúa ôm thình lình, tên trộm không kịp phản ứng, và dầu rất mạnh, nó vẫn không thể nào vùng vẫy được vì Chúa ôm nó quá cứng. Tên trộm nhìn vào cặp mắt của Chúa. Chúa cũng nhìn nó lại.
Ba giờ trôi qua! Ba giờ, Chúa Giêsu và tên trộm nói chuyện thì thào với nhau trên Cây Thánh Giá.
Sau cùng, tên trộm khóc. Nó đau buồn vì đã phạm tội làm mất lòng Chúa. Nó xin xưng tội với Chúa. Nó hứa chừa tội và sửa mình lại. Xưng tội xong, nó ôm chặt lấy Chúa để tỏ lòng ăn năn đau đớn. Lúc đó, Chúa Giêsu lại càng ôm chặt nó hơn nữa...

3. Hai cái xương sườn gãy
Thánh Philiphê Nêri (1515-1595) có một quả tim yêu thương linh hồn người ta rất tha thiết. Ngài sẵn sàng hy sinh tất cả thời giờ để ngồi toà giải tội.
Với nếp sống bình dân, dễ mến, ngài đã gây được ảnh hưởng trên nhiều người. Không ai quên được câu nói của ngài: "Với kẻ yêu mến Chúa thì không gì nặng nhọc mệt mỏi, nhưng đầy hân hoan trong nguồn suối chân thật."
Trước tình trạng sa đọa trong Hội Thánh thời bấy giờ, ngài chủ trương: "Người ta chỉ có thể canh tân bằng sự thánh thiện, chứ không thể bằng cách nào khác."
Năm 1593, ngài khiêm nhường từ chối mũ hồng y và lui về tu viện, sống đời ăn chay cầu nguyện.
Quả tim ngài luôn bừng cháy lửa yêu mến Chúa và các linh hồn đến nỗi Chúa làm phép lạ cho hai cái xương sườn bên cạnh quả tim, gãy và nổi cao lên rõ ràng trong lồng ngực. (Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng)

4. Chỉ có một trường hợp thôi.
Thánh Bênađô khuyên mọi người hãy lo ăn năn trở về với Chúa trong khi mình đang sống, chứ đừng dại chờ đến những giây phút cuối đời, mới lo phần rỗi. Ngài dọa rằng: "Cha đã đọc kỹ toàn bộ Sách Thánh. Cha chỉ gặp được một gương ăn năn trở lại trong giờ chết: đó là người trộm lành. Chỉ có một người ăn năn trở lại khi sắp chết, vì thế các con đừng ngã lòng. Chỉ có một người ăn năn trở lại khi sắp chết, vì thế các con đừng ỷ vào chuyện nầy."

5. Người lạ mặt
Một người lạ mặt nói với nữ tu: "Thưa sơ, tôi bệnh. Tôi cần lo thuốc men trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Tôi không có tiền. Có thể tôi không bao giờ trả nổi."
Các nữ tu tại bệnh viện Thương Xót ở Chicago nhận ngay người bệnh nhân lạ mặt nầy. Đó là năm 1911.
Một năm sau, nữ tu bề trên Raphael nhận được một bức thư của một người bạn của người lạ mặt. Người nầy tên là Ferris Thompson, con của một ông chủ ngân hàng giàu có ở New York. Trong bức thư, có kèm theo một ngân phiếu 250 ngàn đô la "để khuyến khích những công việc từ thiện như vậy." Và từ đó, mỗi năm, các nữ tu nầy nhận được một ngân phiếu 5 ngàn đô la.
Năm 1930, các nữ tu xây một nhà nhà trẻ, lấy tên Ferris Thompson, để ghi nhớ các vị ân nhân.
Ngày 19 tháng 12 năm 1946, nữ tu Therese, quản lý của Dòng, nhận được một bức thư do một phòng luật sư từ New York gởi đến, trong đó có một ngân phiếu 200 ngàn đô la do bà Louise Thompson, vợ của ông Ferris Thompson, trối lại trước khi bà qua đời ngày 30 tháng 8 năm1946. (Treasure of catechism stories - Rev.Lawrence G.Lovasik, S.V.D.)
6. Hại nhất cho Giáo Hội là cái gì ?
Sự ngu dốt về giáo lý là điều hết sức tai hại cho Giáo-Hội.
Trong Thông điệp "Acerbo Nimis ", Đức thánh Giáo Hoàng Piô X nói rõ : " Lý do chính của sự sống đạo suy sụp là do sự ngu dốt về những điều về Thiên Chúa ".
Một Đức Giám Mục kia, khi được báo cho biết trong giáo phận ngài, có nơi thanh niên đi rước lễ về, đùa cợt và le lưỡi ra cho nhau xem, liền đưa ra lệnh cho toàn giáo phận: "Chúng ta phải liệu xây phòng dạy giáo lý trước, rôi mới xây nhà thờ sau".

7. Một linh mục quản xứ rất cảm thông với giáo dân
Khi còn làm cha sở giáo xứ Salzanô, Đức Giáo Hoàng Piô X thường dậy sớm mở cửa nhà thờ, thay thế cho ông từ vì ông nầy ngủ chưa dậy.
Nhiều lần, các bổn đạo đến dự lễ sớm, đề nghị để họ đi đánh thức ông từ dậy, nhưng ngài vui vẻ nói: "Để cho ông ngủ yên. Các con tưởng cha không mở cửa nhà thờ được sao? " Rồi ngài lại khôi hài nói: "Khi cha già yếu, nằm liệt trên giường, lúc đó ông từ đi mở cửa nhà thờ cũng được".

8. Vì sao con người không được hạnh phúc trên trần gian này ?
Thánh Phanxicô Khó Khăn cùng với thầy Juniper đi dạo trong rừng.
Thầy Juniper cao hứng nói to:
- "Hạnh phúc thay chim bay trong không khí, súc vật ăn trên đồng cỏ, cá lội trong suối nước! Vậy mà, nầy thầy Phanxicô, sao con người lại không đựợc hạnh phúc như vậy nhỉ?"
Thánh nhân trả lời:
- "Vì chim, súc vật và cá thì được dựng nên cho cõi đời nầy, đó là lý do tại sao chúng sung sướng. Còn con người thì không được dựng nên cho cõi đời nầy, vì thế, con người không thể nào chỉ được hạnh phúc ở trên đời này."

9. Gương tốt của một thầy giáo
Đại sử gia người Đức, Godefroid Kurth, thích kể kỷ niệm nầy:
"Lúc 10 tuổi, tôi học tiểu học. Chiều kia, bãi lớp, tôi ra về, nhưng vì quên một vật ở lớp, tôi tui lại lớp. Tôi đẩy nhẹ cửa bước vào. Tôi tưởng không có ai. Ngờ đâu, thầy giáo tôi đang quỳ cầu nguyện, mắt ngước lên Thánh Giá. Đã hơn 50 năm rồi, mà hình ảnh nầy vẫn sống mãi trong trí tôi. Và hình ảnh này đã giúp tôi rất nhiều trên con đường tốt của tôi."

10. Cử chỉ của chú chẳng khác chi cử chỉ của cái thằng vô ơn độc ác kia không?
Người kia chê bai bạn mình vì bạn mình giữ ngày Chúa Nhựt. Người bạn nầy liền trả lời:
- "Nếu tôi có 7 đồng, tôi ra đường gặp một người ăn mày xin tôi, tôi cho anh ta sáu đồng, chú nghĩ sao?"
- "Anh thật đại độ đáng khen, và người ăn mày kia chắc phải cám ơn anh lắm."
- "Đúng! Nhưng nó lại vật cổ tôi xuống, móc lấy thêm một đồng nữa, thì anh nghĩ sao?"
- "Cái thằng khốn nạn! Nó đáng chết!"
Người bạn liền cắt nghĩa:
- "Nầy nhé, đó là câu truyện của ngày Chúa Nhật: Chúa cho chú sáu ngày làm việc, Chúa chỉ giữ lại cho Ngài một ngày Chúa Nhật. Thế mà chú không biết ơn Chúa, không biết tôn trọng ý của Chúa, cướp ngay cả ngày Chúa Nhật là ngày của Chúa. Cử chỉ của chú có khác chi cử chỉ của cái thằng vô ơn độc ác kia không?"

11. Muốn giúp ích cho Giáo Hội, hãy dạy giáo lý
Một bà sang trọng và giàu có kia, trong một buổi yết kiến Đức Thánh Cha Piô X, thành thật tâu lên:
- "Tâu Đức Thánh Cha, con có thể làm gì để giúp ích cho Giáo Hội?"
Câu trả lời của Đức Thánh Cha vụt bay ra như một mũi tên:
- "Con hãy đi dạy giáo lý!"

12. Thất học, thế mà làm cố vấn cho hai vị thánh thông thái
Thánh Felice da Cantalive thất học về mặt đời. Dầu vậy, ngài vẫn hãnh diện về việc ngài học được năm chữ đỏ và một chữ trắng. Ngài cắt nghĩa : năm chữ đỏ, là năm Dấu Thánh Chúa Giêsu; một chữ trắng, Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Ngài sống đời cầu nguyện, hy sinh, treo cao gương tốt.
Hai vị thánh danh tiếng đồng thời với ngài, thánh Carôlô Bôrômêô và thánh Philiphê Nêri, chọn ngài làm cố vấn.
Có đời sống nội tâm sâu xa, thì dẫu bất tài, thiếu khả năng, vẫn được Chúa dùng để làm ích cho các linh hồn.

13. Một tờ trối làm bỡ ngỡ
Một thanh niên kia không ân cần săn sóc cha mẹ mình vì thấy cha mẹ mình nghèo. Trái lại, anh ta ân cần lui tới săn sóc ông cậu vì thấy ông cậu nầy giàu.
Khi ông cậu qua đời, người thanh niên nầy vui mừng vì tin chắc thế nào cũng được ông cậu trối cho một phần gia tài.
Khi đọc tờ trối, người thanh niên nầy liền hỡi ôi!
Trong tờ trối có nói rằng:
- "Cậu trối cho cháu ba trăm đồng để mua một cuốn giáo lý mà học biết bổn phận phải sống hiếu thảo với cha mẹ mình."

14. Khoa học gia khét tiếng Ampère tin Chúa.
Ai dùng điện, ai dùng bình điện mà lại không biết đến tên Ampère?
Ampère, nhà vật lý điện học danh tiếng người Pháp, chiều nào cũng đến Nhà Thờ Đức Bà ở Pari để quỳ lần hột trước Mình Thánh Chúa.
Một sinh viên kia chống đối đức tin của người công giáo. Anh ta luôn huênh hoang tuyên bố những điều nghịch đạo. Ngày kia, khi nhìn thấy nhà khoa học danh tiếng Ampère nầy đang quỳ cầu nguyện và lần hột trong Nhà Thờ Đức Bà ở Pari, anh ta cứng họng, khiếp đảm và không còn dám tuyên bố điều gì nghịch đạo Công giáo nữa.
Khi nằm trên giường bệnh gần chết, Ampère được một nữ tu đọc cho nghe một đoạn sách Gương Phước. Ông thú thật với nữ tu nầy:
- "Thưa chị, tôi đã thuộc lòng cả cuốn sách Gương Phước nầy rồi ".

15. Khoa học gia khét tiếng Volta tin Chúa.
Ai dùng điện, ai dùng bình điện, ai dùng "pin" mà lại không biết đến Volta?
Volta, nhà vật lý danh tiếng người Italia, đã phát minh ra "pin".
Khi nghe có bạn khoa học gia của mình hồ nghi về sự "có Chúa", ông liền mạnh mẽ nói rằng:
- "Khoa học chỉ làm cho tôi thấy Chúa hiện diện khắp nơi. Nguyên Nhân Tiên Khởi, Đấng Ra Luật không sai lầm, Đấng Tạo Hóa, Lý Do Cuối Cùng của tất cả: đó là CHÚA."
Volta là một giáo lý viên. Ông rất thích dạy giáo lý cho trẻ em.
Tại nhà thờ Cômô, ở bắc nuớc Italia, nơi sinh quán của ông, có bia ghi:
"Nơi đây, Alessandro Volta đã được rửa tội và đã từng đứng đây dạy giáo lý".

16. Đức tin của con quý hơn mạng sống của con nhiều!
Kỳ Giáo Hội Mễ Tây Cơ bị bách hại trong thế kỷ thứ 20 vừa rồi, người ta thấy quân nghịch đạo cột sau xe ôtô một thanh niên Công giáo. Chàng này chỉ có một tội: không chịu bỏ Đạo, không chịu từ chối đức tin của mình.
Xe ôtô lăn bánh mạnh và nhanh trên con đường gồ ghề. Chàng thanh niên Công giáo này cắn răng lại. Thịt chàng nát bầm. Máu tuôn ra lai láng. Bùn và đất lấp phủ cả mặt mũi.
Bỗng tiếng phanh rít lên và xe ôtô dừng phắt lại trước một cửa nhà.
Quân nghịch đạo nhảy xuống xe, lấy gươm dí vào đầu chàng thanh niên này và la lên một cách tức tối:
- "Mày hãy nói đí: đả đảo Giêsu Kitô! Nếu không, mày sẽ chết!"
Nghe tiếng rộn ràng trước cửa nhà của mình, một người đàn bà vội chạy ra.
Bà như điên lên khi thấy con trai yêu quý của mình phải bị hành hạ quá sức dã man. Nhưng để bảo vệ đức tin của con mình, bà mẹ anh hùng này liền liều mình xông vào giữa đám lính, đến quỳ bên cạnh con đang hấp hối. Bà vừa khóc, vừa ôm đầu con, vừa nói rõ từng tiếng bên tai con:
- "Con ơi, con đừng bỏ Chúa nhé! Con đừng bỏ đức tin của con nhé! Đức tin của con quý hơn mạng sống của con nhiều!"
Người con liền gật đầu và chết trong tay mẹ mình, trước mặt đám quân lính độc ác, nghịch đạo, đang ngơ ngác, không hiểu vì sao hai mẹ con này lại anh dũng đến thế!

17. Người tội lỗi nhất !
Trong cơn hấp hối, thánh Đa Minh, đấng sáng lập Dòng Đa Minh, nói với các thầy: "Cha không hiểu tại sao Chúa không giáng lửa xuống thiêu đốt làng mạc này vì nó đang chứa một người tội lỗi nhất trong thiên hạ?"
Các thầy ngơ ngác nhìn nhau.
Một thầy cúi xuống sát tai thánh Đa Minh, hỏi: "Lạy Cha thánh, xin cha cho chúng con biết người tội lỗi ấy là ai để chúng con tìm cách đưa họ về đàng lành."
Thánh Đa Minh bình thản trả lời, từng tiếng rõ: "Người tội lỗi ấy, chính là cha."
Các thầy lại càng ngẩn ngơ, không hiểu được ý của Đấng sáng lập dòng mình. Thánh Đa Minh liền giải thích : "Nếu có một người nào tội lỗi nhất trong thiên hạ, mà được ơn Chúa dồi dào như cha xưa nay, thì người đó sẽ nên thánh bằng mấy ngàn lần cha đây!"

18. Rước Chúa Giêsu Thánh Thể mà không qua lớp Vỡ Lòng tại giáo xứ
Đây là truyện một em nhỏ, tuy chưa qua lớp Vỡ Lòng tại giáo xứ, nhưng vẫn được Đức Thánh Cha cho rước lễ lần đầu.
Trong một buổi triều yết, thấy một người cha dắt một đứa con nhỏ bốn tuổi, Đức Thánh Cha Piô X hỏi và biết rằng em nhỏ này chưa được rước Chúa Giêsu Thánh Thể. Ngài liền hỏi em này hai câu giáo lý.
Câu thứ nhất: "Con có biết rước lễ là rước ai không?"
Em nhỏ đáp ngay: "Dạ, rước Chúa Giêsu Kitô."
Câu thứ hai: "Con có biết Chúa Giêsu Kitô là ai không?".
Em nhỏ đáp liền: "Dạ, là Đức Chúa Trời."
Đức Thánh Cha sung sướng xoa đầu em bé và nói với người cha một câu làm mọi người hiện diện sửng sốt:
- "Ngày mai, khi Cha cử hành Thánh Lễ, ông đem con đến để Cha cho em rước Chúa."

19. Hãy mở rộng trái tim của mình để cứu các linh hồn
Chị thánh Têrêxa Hài Đồng nói: "Tôi là trái tim của Giáo Hội."
Không phải chị thánh này muốn nói chị là trung tâm điểm của Giáo Hội đâu. Trái tim của Giáo Hội phải là một trái tim luôn luôn khắc khoải tìm đủ cách để đem các linh hồn về cho Chúa, hầu thực hiện lời Chúa truyền: "Hãy đi rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc."
Chị thánh Têrêxa này ý thức rằng mình thuộc về Giáo Hội thì trái tim mình cũng phải luôn luôn yêu mến các linh hồn, luôn luôn khắc khoải đem Chúa đến cho các linh hồn, đó là khắc khoải truyền giáo. Vì thế, chương trình của vị thánh bốn mạng các xứ truyền giáo này, là : " Trong quả tim của Giáo Hội là Mẹ tôi, tôi sẽ là tình yêu... Lúc đó, tôi sẽ là tất cả !"

20. Truyền giáo bằng điện thoại
Năm 1939, tại Nữu Ước, một tối kia, cha Hall nghe một cú điện thoại. Lạ thay, người đang nói với cha là một người mà cha chưa hề quen biết. Ông nói ông đang có chuyện buồn trong gia đình.
Cho rằng ông này đã quay lầm số điện thoại của mình, cha Hall định xin lỗi ông và gác máy. Nhưng bỗng được ơn Chúa soi sáng, cha Hall cầm chặt lấy cây Thánh Giá trên bàn viết và dịu dàng nói tiếp với người đàn ông đang gọi mình: "Xin ông cứ vui lòng nói, tôi lắng nghe ông nói đây".
Sau một tiếng đồng hồ tâm sự, ông khóc nức nở và cám ơn cha Hall rối rít.
Và từ đó, bắt đầu một cuộc truyền giáo mới: truyền giáo bằng điện thoại. Mỗi tuần, cha Hall được gọi điện thoại đến ba ngàn lần.
Cha Hall được Giáo Quyền cho phép truyền giáo qua điện thoại để đem Lời Chúa đến cho bất kỳ ai cần được an ủi, giải sáng và hướng dẫn bằng phương tiện truyền thông đại chúng này.

21. Gương tốt của một thầy giáo công giáo
Đại sử gia người Đức, Godefroid Kurth, thích kể kỷ niệm lúc nhỏ như thế này.
Lúc 10 tuổi, Kurth học tiểu học. Chiều kia, khi bãi lớp ra về, Kurth lui lại lớp vì dã quên một vật trong lớp.
Kurth đẩy nhẹ cửa bước vào. Kurth tưởng không có ai. Ngờ đâu, thầy giáo của Kurth đang quỳ cầu nguyện, mắt ngước lên Thánh Giá.
Kurth nói:
"Đã hơn 50 năm rồi, mà hình ảnh này vẫn sống mãi trong trí tôi. Và hình ảnh này đã giúp tôi rất nhiều trên con đường tốt của tôi."

22. Chúng ta ngạc nhiên trước các vị thánh thế nào?
Chúng ta thấy có những vị thánh sức vóc mảnh giẻ, sức khỏe yếu kém, thế mà các ngài đã thực hiện được nhiều công việc vĩ đại, làm chúng ta phải bỡ ngỡ (thánh Augutinô, thánh Gioan Kim Khẩu, thánh Bênađô, thánh Vinh-Sơn,....).
Nhưng chúng ta còn bỡ ngỡ hơn nữa khi thấy các ngài, dù công việc đến lút đầu, vẫn kiếm đủ thời giờ để sống kết hiệp với Chúa, để cầu nguyện, để lo các việc thiêng liêng đạo đức.

23. Hai cánh tay của Môisê giơ lên trời cầu nguyện
Hai cánh tay của Môisê giơ lên trời cầu nguyện đã tiêu diệt được nhiều địch quân hơn những binh sĩ chiến đấu ( Bossuet).

24. Đức Thánh Cha phải lo cho mình trước hết và sau hết.
Thánh Bênađô chủ trương: "Hãy quan tâm đến mình trước hết!" Ngài khuyên Đức Thánh Cha Êugêniô III như sau:
"Nếu Đức Thánh Cha là người của tất cả mọi người, thì Đức Thánh Cha cũng phải là người của chính mình Đức Thánh Cha trước đã, mới hợp lý. Chẳng vậy, ích gì cho Đức Thánh Cha nếu Đức Thánh Cha làm ích cho kẻ khác mà không làm ích gì cho mình. Vì vậy, xin Đức Thánh Cha hãy giữ lại cho mình một phần nào, và nếu thiên hạ đến múc nước nơi mạch của Đức Thánh Cha, thì Đức Thánh Cha cũng phải lo uống chính nước ấy trước đã.... Nếu ĐTC hiến toàn thân mưu công ích cho kẻ khác, đến nỗi bê trễ việc riêng mình, thì thật là phí công vô ích. Vì vậy, từ khởi sự cho đến khi hoàn thành các công việc, xin Đức Thánh Cha hãy tập nghĩ đến mình trước, rồi mới nghĩ đến kẻ khác sau. Đức Thánh Cha phải lo cho mình trước hết và sau hết."

25. Đức Giáo Hoàng Piô X nhắn với các tu sĩ
Đức Giáo Hoàng Piô X viết những lời sau đây trong một bức thư gởi cho một Dòng chuyên lo giáo dục:
"Ta nghe rằng một dư luận đang phổ cập khắp nơi, là muốn cho các con đặt mục đích giáo dục con em lên hàng đầu, và đời tu trì xuống hàng nhì, vì nhu cầu và tình thế hiện tại đòi phải có như thế. Ta không muốn cho dư luận đó có tiếng vang nơi các con cũng như nơi các Hội Dòng khác có mục đích giáo dục như các con. Trong trường hợp của các con đây, các con phải nhất quyết điều này, là đời sống tu trì chiếm quyền ưu tiên hơn đời sống hoạt động bên ngoài. Nếu các con có bổn phận trọng đại giáo huấn kẻ khác, thì các con còn có bổn phận trọng đại hơn đối với Thiên Chúa. "

26.Người công giáo phải luôn vui vẻ.
Nhà nghịch đạo Nietzsche chê trách người tín hữu là kẻ buồn rầu, chán nản: "Người có đạo hãy hát cho tôi nghe những bài ca hay hơn để tôi tin vào Đấng Cứu Thế của họ. Đồ đệ của Đấng Kitô phải có một thái độ cứu rỗi hơn."
Vì sao nhà nghịch đạo này và nhiều người khác đã chê trách như vậy? Có lẽ họ thường thấy nhiều người đạo đức xem ra buồn rầu, ít vui tười mỉm cười, dễ buông lời gắt gỏng, cử chỉ đôi khi sỗ sàng và thiếu nhã nhặn.
Nhưng những ai sống thật theo tinh thần Phúc Âm, thì không thể nào quên được lời Thánh Phaolô dạy các tín hữu ở thành Philipphê: "Các con hãy luôn vui mừng trong Chúa. Cha nhắc lại : Các con hãy vui mừng."
Đạo công giáo là đạo vui vẻ.
Những tiếng hát vui mừng AlleluiaMagnificat luôn vang lên nơi cửa miệng người tín hữu.
Đối với người tín hữu, sự vui vẻ là điều ngợi khen Chúa.
Phụng vụ Chúa trong Giáo Hội chứa đầy sự vui vẻ vì Giáo Hội biết Chúa đã sống lại, biết nhân loại đã được cứu chuộc, biết Thiên đàng là nơi Chúa sẽ ban cho chúng ta. Vì thế, dù thế giới điên đảo đến đâu mặc lòng, Giáo Hội vẫn luôn bình tĩnh cầu nguyện, luôn ca hát trong tình yêu của Chúa và trong niềm hy vọng được Chúa luôn bênh đỡ.

27. Các thánh không để ai yêu Chúa hơn mình.
Mẹ thánh Têrêxa gốc thành Avila mạnh mẽ tuyên bố: "Ở trên thiên đàng, có người được vinh hiển hơn tôi, tôi chịu được, nhưng ở trên mặt đất này, có ai yêu Chúa hơn tôi, tôi không chịu được".
Thánh Pôlicapô già khụm. Người ta bắt ngài chối Chúa. Ngài liền run run thốt lên những lời thành thật sau đây trước mặt toà sắp lên án xử tử ngài: "Tôi phụng sự Chúa tôi đã 86 năm rồi, thế mà Ngài không bao giờ xử tôi tệ bạc một chút gì cả. Làm thế nào tôi có thể thoá mạ Chúa Trời tôi và Chúa Cứu Chuộc tôi được".
Trong một bức thư gởi cho người chị em họ tên là Marie Guerin, thánh nữ Têrêxa Hài Đồng viết : "Tôi chỉ biết một phương thế để đi đến một sự trọn lành, đó là yêu Chúa. Bởi thế, chúng ta hãy yêu, vì trái tim chúng ta chỉ được dựng nên vì mục đích đó".
Tất cả cuộc sống của chị thánh Têrêxa Hài Đồng đều được thu gọn trong hai tiếng: yêu Chúa. Yêu Chúa luôn, yêu Chúa hơn nữa, yêu Chúa cho đến khi trái tim chị không thể chịu nổi nên đã ngã vật xuống. Vì thế, không những chị đã sống vì yêu Chúa, mà chị cũng đã chết vì yêu Chúa, và sau khi chết, chị vẫn còn yêu Chúa mãi vì tình yêu Chúa là tình yêu bất diệt.

28. Người đời thật độc ác với nhau là dường nào!
Lẽ sống của người đời là ăn uống no say. Hạnh phúc của người đời là giàu sang phú quý, và đối xử với nhau thì người đời lấy sự hận thù ghen ghét : "Ngoài miệng thì nói hoà bình ngon ngọt với người lân cận, nhưng trong lòng thì lại gài bẫy để hạ bệ nhau". ( Giêrêmia 9,8 )
Nếu có yêu nhau thì người đời yêu một cách mù quáng : yêu ai thì nói quá yêu, ghét ai nói thiếu nói thừa như không.
Nếu có phán đoán thì họ ăn nói hồ đồ, xuyên tạc : có ít xít ra nhiều, việc bé xé ra to.
Họ lại xoi tì, nói xấu không gớm miệng : vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết.
Sống đã ghét nhau rồi nhưng đôi khi đã chết mà vẫn còn ghét nhau.
Báo Osservatore della Domenica ra ngày 10.12.1961, có đăng một câu chuyện được tóm như sau : Bên Mỹ, cách đây 15 năm, một bà kia sắp chết, tỏ ý không muốn được chôn trong nghĩa địa vì ở đó có xác những kẻ bà ta đã từng cãi lộn. Khi bà chết, người con gái liền thi hành ý muốn đó : dấu mẹ trong một tủ sắt. Bây giờ người ta mới biết được chuyện này và cảnh sát liền bắt đem đi chôn.
Người đời thật độc ác với nhau là dường nào!

29. Tôi tin Giáo Hội. Tôi yêu Giáo Hội.
Nguồn gốc của Giáo Hội, người đời cho là yếu kém và đáng khinh hơn cả : 12 người nghèo khó, đồ đệ của một kẻ bị xử tử, rao giảng một chân lý đầy mầu nhiệm và bắt buộc nhiều hy sinh.
Nhưng lạ lùng thay, Giáo Hội vượt qua biên thùy của xứ Palestina nhỏ bé.
Nền văn minh ngoại giáo của đế quốc rộng lớn Rôma đã phải sửng sốt vì sức bành trướng mau lẹ và mạnh mẽ của Giáo Hội.
Tôn giáo, chính trị, văn học liền liên kết lại để giết chết cây cải Chúa Giêsu mới trồng. Những nhát gươm vô đạo chặt lìa những nhành lớn, nhưng nhiều nhành khác lại mọc ra.
Tertulianô nói: "Chúng tôi mới hôm qua, mà hiện nay chúng tôi đã ở tràn đầy nhà cửa, thành thị của các ông."
Trong suốt 300 năm, Giáo Hội sơ khai bị các vua chúa của đế quốc Rôma bắt bớ vô cùng khốc liệt, nhưng cuối cùng, các vua chúa cũng phải nhìn nhận sự có mặt của Giáo Hội. Và từ đó, cây cải nhỏ Giáo Hội đã trở thành một cây to. Các nhành cây bao bọc các dân nước. Các chim trời, những linh hồn đại độ tìm Chúa, đến đậu trên cây đó.
Trong khi đó, ngai vàng của các vua chúa trên trần gian này thi nhau sụp đổ. Các lý thuyết và các ý thức hệ của loài người đến, rồi lại đi, tan theo với thời gian. Còn Giáo Hội thì vẫn luôn tươi trẻ, vẫn luôn mới mẽ, vẫn luôn hồi sinh.

30. Tên tôi là Kitô-hữu.
Ngày xưa, thánh Concorđiô bị giam vì đạo. Trong buổi xử án, quan toà hỏi: "Ông là ai ? Và người ta gọi ông thế nào?"
- "Tên tôi là Kytô-hữu, và người ta gọi tôi là Kytô-hữu".
Quan toà tức tối: "Ta không nói chơi đâu. Ta không hỏi ngươi theo đạo nào. Ta chỉ muốn biết tên ngươi mà thôi."
Thánh Concordio vẫn thong thả trả lời:
- "Tôi đã nói rồi. Tôi là người Kytô-hữu, Tên tôi do Chúa Kitô mà ra. Vì thế, tôi thuộc về Ngài và sống chết, tôi muốn phụng sự Ngài."
Quan liền bắt thánh Concorđiô chịu những cực hình ghê rợn.
Thánh Concorđiô không nhượng bộ.
Trước khi tắt thở, ngài còn nói lên một lần cuối cùng: "Tôi là người Kytô-hữu".

31. Dẫu tội lỗi cũng không làm cho ta thất vọng Tội lỗi là sự dữ chúng ta phải ghê tởm nhất. Tuy thế, chúng ta đừng để tội lỗi làm cho chúng ta mất lòng trông cậy vào Chúa.
Đức cha Pie nhận xét: "Chúa cần có những lỗi lầm và những tội lỗi của chúng ta. Nếu chúng ta không phạm tội thì Chúa làm thế nào thi hành lòng nhân từ lạ lùng và sự tha thứ của Người được."

32. Yêu Thánh Giá:
Những ai yêu Chúa Giêsu đều ôm lấy Thánh Giá. Nhiều vị thánh tử đạo được lệnh đạp Cây Thánh Giá hoặc bước ngang qua Cây Thánh Giá thì được tha chết và được thưởng, nhưng các ngài cung kính đến gần và ôm Cây Thánh Giá lên mà hôn.
Thánh nữ Anê bị bắt lúc 15 tuổi.
Quan dỗ, cô không nghe.
Quan dọa, cô không sợ.
Quan không ngã lòng. Ông truyền dẫn Anê đến đền thờ bụt. Quan mở trói cho cô để cô được tự do lấy một tí hương rắc vào lửa. Như thế, cô sẽ được tha vì có tỏ dấu tôn kính bụt thần.
Thấy hai tay được tự do, Anê liền chấp lại và làm dấu Thánh Giá. Cô biết mình yếu đuối. Cô biết quan sẽ căm tức. Cô biết quân lính sẽ giết chết mình. Nhưng với Thánh Giá Chúa Giê-su, cô được tràn đầy sức mạnh để chiếm lấy vòng hoa tử đạo.
Lạy Chúa Giêsu, từ khi Chúa chết vì yêu con trên Thánh Giá, thì Thánh Giá là phần rỗi của con, là nguồn hy vọng và an ủi của con, là con đường dẫn đưa con về trời.

33.Điều tai hại nhất cho ta
Ngày kia, có một người trèo lên được một ngọn núi thật cao.
Ông ta kiêu hãnh, đứng thẳng người lên để tỏ ra mình đang ở một nơi cao nhất, không ai sánh được. Nhưng than ôi, ông không chịu nổi sức đẩy của một làn gió mạnh nên đã văng xuống hố sâu.
Đó là hình ảnh loài người khốn nạn của chúng ta. Chúng ta không có cái gì để khoe khoang. Và khi muốn khoe khoang thì chúng ta liền bị đánh bật ngã xuống ngay.
Chúng ta khoe mình sống thánh, nhưng sự thánh thiện ở trên đỉnh núi cao, đôi cánh chúng ta nhỏ quá, không làm sao bay lên được.
Chúng ta khoe mình dốc quyết mạnh mẽ, nhưng những gì chúng ta dốc quyết, chúng ta thường không thể giữ được.
Chúng ta khoe mình có những lời hứa tốt đẹp, nhưng khi vừa bị cám dổ, chúng ta liền để cho các lời hứa ấy biến tan ngay.

34. "Khi nào bị treo lên khỏi đất, tôi sẽ kéo tất cả mọi người đến với tôi."
Đức Giêsu chết trên thập giá. Trên đầu, có tấm bảng đề "Giêsu Nadarét, Vua Dân Do Thái" bằng ba ngôn ngữ: Hy Bá, Hy Lạp và La Tinh.
Đức Giám mục Bossuet suy niệm như sau:
"Vương quyền của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, được phổ biến bằng tiếng Hy Bá là tiếng của Dân Chúa, bằng tiếng Hy lạp là tiếng của các nhà bác học, các triết gia, các bậc khôn ngoan; bằng tiếng La Tinh là tiếng của đế quốc thế giới, tiếng của các nhà chinh phục và của các nhà chính trị.
Vậy, ớ những người Do Thái, những người được thừa hưởng những lời Chúa hứa, cũng như những người Hy Lạp, phát minh ra các nghệ thuật, cũng như các người Roma, những kẻ làm chủ thế giới, hãy đến gần đây. Hãy đến và đọc tấm bảng lạ lùng nầy. Các người hãy quỳ gối xuống để thờ lạy Vua trên hết các vua! "
Thật như lời Chúa Giêsu đã nói tiên tri:"Khi nào bị treo lên khỏi đất, Tôi sẽ kéo tất cả mọi người đến với Tôi."

35. Các Đức Giáo Hoàng và nền hòa bình thế giới
Năm 1889, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII khen ngợi và khuyến khích Hội Nghị đầu tiên về Hòa Binh, và năm 1896, ngài chúc lành cho Hội Nghị Hoà Bình họp tại Budapest, nước Hungary.
Năm 1906, Đức Giáo Hoàng Piô X chúc lành cho Hội Nghị Quốc Tế thứ 15 về Hòa Bình, và năm 1911, ngài khen ngợi Tổ chúc Trợ Cấp Carnegie có mục đích lo cho hòa bình thế giới.
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XV luôn suy nghĩ về nền hòa bình kitô-hữu. Ngài ngỏ lời an ủi những chiến binh năm 1915. Ngài nhắc nhở những vị lãnh đạo của các quốc gia lâm chiến (1.8.1917), và thông điệp của ngài, tháng 8 năm 1917, vẫn còn trong đầu óc của mọi người. Nước Thổ đã dựng bia kỹ niệm ngài tại Istanbul. Sau đó, ngài còn cho công bố thông điệp Pacem Dei (1920).
Đức Giáo Hoàng Piô XI, khi lên ngôi giáo hoàng, ra thông điệp đề cao nền hòa bình của Đức Kitô.
Đức Giáo Hoàng Piô XII chống lại chiến tranh thế giới lần thứ hai bằng cách thúc giục mọi người tham gia vào công việc xã hội và bác ái để lo cho các tù nhân, các người chạy trốn, các người tỵ nạn, các trẻ em, những người nghèo khổ, người người bị thiên tai. Trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, ngài gởi những sứ điệp đặc biệt trong Mùa Giáng Sinh để kêu gọi hoà bình.
Đức Giáo Hoàng Gioan XX III ra thông điệp Pacem in terris (1963) kêu gọi nhân loại hãy hãy sống bình an huynh đệ với nhau. Đây là thông điệp đầu tiên không những gửi cho người Công giáo, mà còn gửi đến ''tất cả những người thiện chí''. Nhà lãnh đạo Sô viết Khrouchtchev từng tuyên bố trong tờ Izvestia là ông đã đọc thông điệp ấy ''một cách thích thú, vì Đức Gioan XXIII lắng nghe được tiếng nói của lẽ phải''. Và đây cũng là lần đầu, một vị lãnh đạo Sô viết biết khen Giáo hoàng! Thông điệp nầy tạo nên một biến cố quan trọng và gây chú ý đến giáo huấn của Giáo hội về hòa bình.
Năm 1968, Đức Phaolô VI thiết lập Ngày Hòa bình thế giới. Ngày nầy được cử hành hàng năm vào ngày 1 tháng giêng.
36. Đời hạnh phúc là do chúng ta quyết định Chúng ta được hạnh phúc hay là chúng ta bất hạnh, điều nầy không do Thiên Chúa định đặt, nhưng do chúng ta quyết định: chính chúng ta quyết định chúng ta có hạnh phúc hay là chúng ta bất hạnh.
Một người kia sống rất hạnh phúc. Được hỏi, ông nói:
- "Thật quá đơn giản! Mỗi sáng mở mắt ra, tôi có hai lựa chọn trong ngày sống hôm đó: một là tôi sống vui vẻ hạnh phúc, hai là tôi sống buồn phiền, bất hạnh. Tôi xin Chúa cho tôi chọn điều thứ nhất. Và tin tưởng vào Chúa thương tôi, ban ơn giúp sức cho tôi, tôi chọn điều thứ nhất, và tôi quyết sống theo điều nầy trong ngày sống hôm đó của tôi."

37. Nhờ lời cầu nguyện, tên tử tội khét tiếng, trước khi bị xử tử, chụp lấy Thánh Giá và hôn ba lần.
Lời cầu nguyện của thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu lúc 14 tuổi đã làm cho một tên tử tội khét tiếng, trước khi bị xử tử, chụp lấy Thánh giá và hôn ba lần.
Chúng ta hãy đọc câu chuyện nầy trong nhựt ký của Têrêxa: "Truyện Một Linh Hồn."
Số là năm 1887, tên tội phạm khét tiếng dữ tợn là Pranzini bị kết án tử hình. Trước khi bị điệu đi ra pháp trường xử tử, anh ta vẫn khăng khăng không chịu ăn năn.
Biết được như vậy, Têrêxa rất đau buồn. Chị quyết nhận anh ta làm người con thiêng liêng đầu tiên. Chị cầu xin với Chúa như sau:
- "Lạy Chúa con, con tin hết sức chắc chắn rằng Chúa muốn tha thứ cho Pranzini bất hạnh nầy. Mặc dầu anh ta không chịu xưng tội và không tỏ ra dấu gì ăn năn, nhưng con vẫn trông cậy vào lòng thương xót của Chúa. Vì anh ta là người tội lỗi đầu tiên của con, con xin Chúa cho con một dấu chỉ chắc chắn, cốt là để nâng đỡ con."
Trong khi đó, ngoài pháp trường, Pranzini bị dẫn lên đoạn đầu đài để bị chém đầu.
Trước khi chém đầu Pranzini, lý hình cởi trói cho anh ta. Được tự do hai tay, anh chụp lấy Cây Thánh Giá của vị linh mục đang đứng gần đó và hôn Thánh Giá ba lần.
Têrêxa vô cùng sung sướng khi biết được tin nầy.
Chị hết lòng tạ ơn Chúa nhân lành.

38. "Đây là vấn đề lương tâm của tôi."
Nhà thi sĩ và trí thức người Pháp, François Coppée, cọng tác cho tờ báo Journal de Paris. Mỗi bài của ông đăng, được trả rất bội hậu lúc đó (cuối thế kỷ thứ 18 và đầu thế kỷ thứ 19).
Khi thấy tờ báo nầy cho đăng những bài nghịch đạo và chống đạo Công giáo, ông xin ông giám đóc tờ báo cho ông ngưng cộng tác. Ông giám đốc tưởng là vấn đề tiền bạc, liền nói:
- "Tôi sẽ trả cho ông 25 ngàn quan tiền Pháp mỗi năm."
François mĩm cười và trả lời:
- "Thưa ông, đây không phải là vấn đề tiền bạc đâu. Tôi biết ông luôn luôn tốt lành, tế nhị và hào phóng đối với tôi. Nhưng đây là vấn đề lương tâm của tôi."

39. Một trong những vị giám mục tuyệt vời nhất của Italia đã trở lại thế nào?
Thế kỷ thứ 18, tại Rôma, có một thanh niên chỉ biết ăn chơi, không màng gì đến giáo lý và đạo đức.
Một ngày kia, vì tọc mạch, anh ta ghé vào một nhà thờ và nghe được một câu của linh mục giảng: "Đời đời sẽ không bao giờ chấm dứt!"
Lạ thay, câu nầy cứ ám ảnh anh ta mãi.
Chịu không nổi, anh ta quyết đi xưng tội.
Sau khi chịu Phép Giải Tội, anh ta được bằng an vui vẻ, không còn bị ám ảnh bởi câu đó nữa. Từ đó, anh ta quyết sống một cuộc đời mới.
Anh ta xin đi tu, và sau đó, làm linh mục.
Linh mục nầy về sau, được chọn làm giám mục. Đó là một trong những vị giám mục tuyệt vời nhất của Italia: Đức Cha Đôminicô Mansi, tổng giám mục thành Lucca (+1769)

40. Ảnh hưởng của giáo lý kéo dài...
Các thanh thiếu niên ở Ars ngu dốt về giáo lý.
Ngay từ sáu, bảy tuổi, các em đã phải ra đồng ruộng làm việc.
Chỉ có những ngày mùa đông lạnh lẽo âm u, các thanh thiếu niên nầy mới rãnh được. Lại thêm một vấn đề rất bất lợi cho giáo lý: không ai biết đọc, biết viết.
Linh mục quản xứ mới của Ars, cha Vianê, liền đưa ra thời khoá biểu thuận lợi cho đàn chiên của mình về việc đi học giáo lý: mỗi ngày, học một giờ giáo lý từ lúc 6 giờ sáng; mỗi ngày Chúa nhựt, học một giờ giáo lý từ lúc 13 giờ trưa. Và linh mục quản xứ Vianê nầy giữ giờ giáo lý nầy một cách đều đặn trong vòng 27 năm.
Về sau, từ giám mục đến linh mục trong giáo phận Lyon, ai ai cũng công nhận rằng giáo dân Ars hiểu biết giáo lý và được dọn mình rất kỹ trước khi lãnh nhận các Phép Bí Tích.
41. " Tôi đã đến, tôi đã thấy, và Đức Mẹ Maria đã chiến thắng!" Sau khi chiến thắng Farnace, vua của Ponto, tại Zela, Cesar kiêu căng gởi về Rôma bản tin danh tiếng: "Tôi đã đến, tôi đã thấy, và tôi đã chiến thắng!" (Veni, vidi, vinci!)
Ngược lại với sự kiêu căng này, Sobieski, vua nước Ba Lan, sau khi chiến thắng quân Thổ để giải phóng thành Vienna, kinh đô của nước Áo, đã khiêm nhượng gởi về cho Đức Giáo Hoàng tại Rôma, bản tin sau đây: "Tôi đã đến, tôi đã thấy, và Đức Maria đã chiến thắng!" (Venni, vidi, Maria vinse!"

42.Người nghèo cho chúng ta nhiều hơn là chúng ta cho họ
Người nghèo cho chúng ta nhiều hơn là chúng ta cho họ.
Khi yêu thương, thông cảm và giúp đỡ người nghèo, chúng ta thấy đời mình có ý nghĩa, chúng ta nếm được sự vui vẻ thanh cao, chúng ta hưởng được sự bình an quý giá.
Mẹ Têrêsa, người đã được trao tặng giải Nobel Hòa Bình năm 1979, đưa ra nhận xét đầy kinh nghiệm sau đây:
"Người nghèo không cần chúng ta thương hại, họ cần tình yêu và thông cảm. Họ cho chúng ta nhiều hơn là chúng ta cho họ. Trong thời gian khó khăn của Ấn Độ, chúng tôi yêu cầu một số người tình nguyện từ khắp nơi đến giúp. Nhiều ngàn người đã đến và khi họ ra về, nhận xét chung của họ là họ đã đem về nhiều hơn là đem cho. Có một lần ờ Calcutta, chúng tôi nhặt được 5 người đang chết, trong đó, có một người phụ nữ bệnh quá nặng. Tôi muốn ngồi với bà trong giờ phút cuối cùng. Tôi đặt tay tôi lên tay của bà. Bệnh nhân tỉnh ra, nhìn tôi, không than đói, không than khát, chỉ miệng cười và nói 'cám ơn' trước khi nhắm mắt lại từ giã cuộc đời."

43. Danh GIÊSU với các thánh
Thánh Gioan tông đồ: 24 lần trong các thư của ngài.
Thánh Phaolô: 154 lần trong các thu của ngài.
Thánh Bênađô: trước khi làm gì như mở sách, uống nước, ...đều kêu Danh Chúa Giêsu: "Lạy Chúa Giêsu!"
Thánh Phanxicô Khó Khăn năng kêu tên Giêsu. Và mỗi lần kêu như vậy, ngài nghe ngọt như có mật ong trong miệng lưỡi.
Thánh Ephrem mỗi lần thấy có tên Giêsu thì hôn một cách cung kính.
Thánh Bernađinô khi giảng thì viết tên Giêsu trên một cái bảng nhỏ và đưa cho giáo dân thờ lạy.
Thánh Léonard de Port Maurice dạy bổn đạo viết tên Giêsu nơi cửa nhà để được ơn thiêng che chở.
Thánh Inhaxiô Loyola đặt tên Giêsu cho dòng mình lập.
Thánh Phanxicô Xaviê ao ước thấy tên Giêsu được vinh hiển, nên gặp ai cũng chào câu: "Chớ gì Chúa Giêsu Kitô được ngợi khen!"
Thánh Phanxicô Salêsiô mỗi lần đọc tên Giêsu là mỗi lần nghe sốt sắng lạ lùng.
Bà thánh Phanxica Chantal, lập Dòng Đi Viếng, lấy thanh sắt đỏ, khắc tên Giêsu trên ngực.

44. Lời cầu nguyện của chúng ta được thiên thần ghi chép thế nào?
Người ta truyền miệng câu chuyện sau đây về thánh Bênađô.
Thánh Bênađô được Chúa cho thấy các thiên thần ghi những lời cầu nguyện của chúng ta như sau.
- lời cầu nguyện của những kẻ luôn cầu nguyện một cách chăm chỉ và sốt sắng thì được ghi bằng vàng,
- lời cầu nguyện của những kẻ tuy chăm chỉ cầu nguyện nhưng thỉnh thoảng không sốt sắng thì được ghi bằng bạc,
- lời cầu nguyện của những kẻ cứ mãi lo ra chuyện này chuyện kia thì được ghi bằng mực,
- lời cầu nguyện của những kẻ cầu nguyện một cách cực chẳng đã thì được ghi bằng nước,
- lời cầu nguyện của những kẻ không có lòng ăn năn thống hối thì không được ghi bằng gì hết.
45. Thánh Vianê năng nhấn mạnh về Ngày Chúa Nhật
Thánh Vianê, cha sở họ Ars, năng nói cho giáo dân về Ngày Chúa Nhật như sau.
"Ngày Chúa Nhật là Ngày của Chúa. Mọi ngày trong tuần đều do Chúa làm ra. Chúa có thể giữ tất cả các ngày trong tuần cho Ngài. Nhưng Chúa lại cho các con sáu ngày. Ngài chỉ giữ lại một ngày của Ngài. Các con có quyền gì mà lấy của kẻ khác. Các con biểt rằng của ăn trộm không đem lại ích lợi gì cho các con đâu. Ngày của Chúa mà các con ăn cắp thì các con đâu có được lợi gì. Cha biết có hai cách làm cho mình ra nghèo khổ: một là làm việc trong Ngày Chúa Nhật, hai là đi ăn trộm."
46. "Kinh Amen này có ích cho cha đó!"
Đức Giám Mục thành Mende, Đức Cha Foulquier, sắp chết. Vị linh mục đến giúp ngài dọn mình chết, động viên ngài như sau:
"Chắc là Đức Cha đau nhiều lắm. Xin Đức Cha hãy can đảm lên, chúng con cầu nguyện nhiều cho Đức Cha."
Đức Cha Foulquier liền khiêm nhượng trả lời:
" Cám ơn cha, cám ơn cha. Vâng, đau thì tôi đau đã từ lâu rồi, nhưng tôi có một lời kinh rất vắn, tôi nhờ Đức Mẹ dâng lên cho Chúa. Kinh này an ủi tôi mỗi lần tôi đau.Tôi đọc cho cha nghe. Cha sẽ thấy kinh này hay.
Lạy Chúa Giêsu, con mù. Amen!
Lạy Chúa Giêsu, con đau nhức nơi gân. Amen!
Lạy Chúa Giêsu, con điếc. Amen!
Lạy Chúa Giêsu, con không dâng được Thánh Lễ, con cũng không đọc được Kinh Nhật Tụng. Amen! "
Rồi Đức Cha sắp chết này vui vẻ mỉm cười, nói với vị linh mục:
"Cha hãy đọc Kinh Amen này đi. Kinh này sẽ có ích cho cha đó!"

47. Không phải nhờ may rủi mà lên thiên đàng được.
Lên thiên đàng không phải như một cuộc trúng số nhờ may rủi, nhưng phải biết chuẩn bị lâu ngày.
Một người kia ở làm đầy tớ cho một ông chủ giàu có. Ngày nọ, người đầy tớ này đi vắng thì ông chủ giàu có này qua đời.
Khi người đầy tớ này về, người ta nói cho anh ta biết ông chủ của anh đã về trời. Người đầy tớ này liền lắc đầu:
- "Chủ tôi không về trời được đâu. Khi còn sống, ông ta muốn đi đâu thì ông ta nói đến điều đó nhiều lần và chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Còn chuyện ông đi về trời thì không bao giờ tôi nghe ông nói tới và tôi thấy ông cũng không chuẩn bị gì cả. Vì thế, tôi không tin rằng ông chủ tôi đã về trời đâu."

48. Học các môn đời chưa đủ, nhất là phải học Giáo lý.
Nhà toán học lừng danh thế giới, Ampère tự nói với mình rằng:
"Hãy học những sự vật của thế giới này, đó là bổn phận của tình trạng ngươi, nhưng chỉ nhìn những sự vật này bằng một con mắt mà thôi. Chớ gì con mắt kia của ngươi không ngừng dán chặt vào ánh sáng vĩnh cửu. Ngươi hãy nghe các nhà thông thái, nhưng chỉ nghe một lỗ tai mà thôi, còn lỗ tai kia, hãy luôn luôn sẵn sàng nhận lấy những sự quan trọng dịu dàng của Bạn ngươi ở trên trời. Ngươi chỉ viết một tay thôi, còn tay kia hãy nắm chặt lấy tà áo của Thiên Chúa, giống như người con nắm chặt tà áo của cha mình. Không có sự cẩn mật chú ý đó, chắc chắn cái đầu của ngươi sẽ bị bể ra vì va vào đá."

49. Một đại văn hào chết trong tuyệt vọng.
Nhà đại văn hào này vùng lên một cách tuyệt vọng. Ông giơ những ngón tay nhọn lên trời. Ông hét vang lên: "Đi tìm một linh mục cho ta gặp. Đi tìm một linh mục cho ta gặp." Nhưng không ai đi cả.
Người chứng kiến cảnh hấp hối này lúc đó, vội rút lui, kêu con gái mình lại, rồi nói nhỏ bên tai con: "Cha không muốn chết như thế. Nếu cha lâm bệnh, con hãy đi mời linh mục Monsabré đến cho cha."

50. Giây phút cuối đời đầy hạnh phúc của đại văn hào Chateaubriand
Đó là những ngày cuối tháng 6 năm 1848.
Cuộc nội chiến xảy ra ác liệt trên những đường phố của kinh thành Paris. Tiếng la hét om sòm vang lên khắp nơi.
Nằm trên giường bệnh, Chateaubriand nghe rõ mồm một. Ông cầm lấy Cây Thánh Giá, và cầu nguyện: "Lạy Chúa Giêsu Kitô! Chỉ có Chúa mới cứu vãn được xã hội hiện tại này."
Rồi dán chặt đôi mắt một cách trìu mến vào Chúa Giêsu chịu chết trên Cây Thánh Giá, Chateaubriand thốt ra những lời cuối cùng đầy xúc động: "Đây chính là Chúa của con! Đây chính là Vua của con!"
51. Hãy cho tôi đủ tiền!
Trong cơn bắt Đạo, một thanh niên công giáo bị đem ra xử.
Quan án thương, muốn cứu người thanh niên này.
Sau đây là cuộc đối thoại giữa hai người.
- "Đạp Cây Thánh Giá, bỏ Đạo đi, ta sẽ cho một nén bạc."
- "Dạ bẩm quan, ít quá!"
- "Một nén vàng!"
- "Dạ bẩm quan, chưa đủ!"
- " Thế bao nhiêu mới đủ? "
- "Dạ, bẩm quan, nếu quan muốn tôi đạp Cây Thánh Giá để bỏ Đạo, thì xin quan hãy cho tôi một số tiền thật lớn, đủ để tôi mua một linh hồn khác. Mà linh hồn tôi thì vô giá, bẩm quan ạ!"
Và người thanh niên ấy vui vẻ chịu chết vì Đạo, chịu chết vì Chúa, không chịu để cho linh hồn vô giá của mình phải hư mất.

52. Nhà bác học danh tiếng chỉ mong được lên thiên đàng.
Le Verrier, nhà bác học danh tiếng của nước Pháp, có nhiều phát minh lớn lao về lãnh vực thiên văn.
Ngày kia, Đức Giám mục địa phận khen nhà bác học này: "Danh tiếng của ông lên tận các vì sao trên trời."
Nhà bác học này liền khiêm nhượng trả lời: "Xin Đức Cha cầu nguyện cho con. Con chỉ mong được lên thiên đàng mà thôi."

53. Đánh vần tên Chúa trên các vì sao.
Ông Carrier là một kẻ nghịch đạo rất độc ác. Chính ông đã tàn sát nhiều tín hữu, triệt hạ nhiều nhà thờ.
Ngày kia, gặp một người nông dân công giáo ở vùng Bretagne, nước Pháp, ông ngạo nghễ nói: "Chúng ta sắp triệt hạ các lầu chuông và các nhà thờ của người công giáo các ông".
Người nông dân công giáo vùng Bretagne liền khiêm tốn trả lời, nhưng không kém phần hãnh diện: "Chuyện đó có thể được, nhưng các ông sẽ luôn luôn để lại cho chúng tôi những vì sao trên trời. Và bao lâu mà cuốn sách vần này còn, chúng tôi sẽ dạy cho con cháu chúng tôi biết đánh vần tên của Chúa rất tốt lành ở trên đó".

54. Thế gian làm gì thì làm, Giáo Hội cứ cầu nguyện và hát ca.
Khi suy niệm về đời sống vô cùng thanh thản và đầy hiệu quả của Giáo Hội sơ khai, một Giáo Hội bị bắt bớ triền miên trong suốt hơn 300 năm đầu tiên, chúng ta nhận thấy rõ ràng: Giáo Hội sơ khai đứng vững được, là nhờ sự cầu nguyện.
Thật đúng như lời của Ernest Hello, một văn sĩ công giáo, nhận xét: "Thế gian làm gì thì cứ làm, còn Giáo Hội thì cứ cầu nguyện và hát ca!".

55. Ngọn lửa nhiệt thành tông đồ của thánh Phanxicô Xaviê
Chết lúc 46 tuổi.
Đi truyền giáo 10 năm trong các miền xa lạ.
Nếu tính, thì đi được 1/3 vòng quanh thế giới.
Nếm đủ mọi nỗi đau khổ, khó khăn: đói khát, gió bão, hải tặc, nghịch đạo, dịch tả...
Làm cho hơn một triệu người trở lại với Chúa.
Chết kiệt sức trên đảo Tân Châu trước khi muốn vào tỉnh Canton của Trung Quốc để truyền giáo.
Giáo dân Antôniô, người chứng kiến giờ chết của thánh Phanxicô, kể lại rằng: "Trước rạng đông một chút, tôi thấy ngài sắp chết, và khi tôi để trong tay ngài một cây sáp, thì ngài tắt thở trong Chúa."
Ngọn lửa của cây sáp mà thánh Phanxicô Xaviê cầm trong tay trước khi chết, là ngọn lửa nhiệt thành tông đồ, ngọn lửa nhiệt thành truyền giáo mà ngài đã nhen lên trong cuộc đời mình.
Giáo Hội Chúa Giêsu lập trên trần gian này, là Giáo Hội truyền giáo.
Giáo Hội truyền giáo luôn luôn cần có những ngọn lửa nhiệt thành của chúng ta.
56. Chúa Giêsu nhấn mạnh rất nhiều về Thiên Đàng.
Chúa Giêsu nói Ngài bởi trời mà xuống.
Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết có Cha của Ngài và Cha của chúng ta ở trên trời, ở trên thiên đàng.
Chúa Giêsu đưa ra nhiều hình ảnh về thiên đàng: tiệc cưới, kho vàng quý báu, viên ngọc quý.
Chúa Giêsu nói phần thường đời đời trên thiên đàng dành cho những ai trung thành theo Ngài trên trần gian này. Chúa Giêsu nói Ngài về trời, về thiên đàng để dọn chỗ cho chúng ta.
Chúa Giêsu nói đến những của cải không bao giờ hư nát của chúng ta ở trên thiên đàng.
Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng dại dột chạy theo những của cải chóng qua ở trần gian này mà mất nước thiên đàng ở đời sau.

57. Tả cảnh thiên đàng không nổi.
Một người bạn thân yêu của thánh Augustinô yêu cầu ngài viết một cuốn sách về thiên đàng.
Thánh Augustinô vào phòng, đóng cửa lại, cố suy nghĩ để viết. Ngài viết thư xin thánh Hiêrônimô giải đáp một vài thắc mắc. Bỗng thánh Augustinô nghe một giọng nói vang lên:
- "Hỡi Augustinô, anh muốn gì đó? Anh muốn dùng ngòi bút để hiểu sự bao la của trời đất sao? Anh tự hào muốn thấy điều con mắt phàm trần không bao giờ thấy được sao? Anh muốn hiểu điều anh không thể hiểu được sao?"
Đó là giọng của Hiêrônimô. Hôm đó chính là ngày thánh Hiêrônimô qua đời.
Từ đó, thánh Augustinô bỏ ý định viết cuốn sách về Thiên Đàng.

58. "Góc trời đó, là nguồn an ủi của tôi."
Một vị tu rừng tìm cách sống trong một cái hang nhỏ và tối tăm, đêm ngày ăn chay, đền tội, hãm mình.
Ngày kia, một đoàn người, gồm những kẻ mộ mến tài đức của ngài, lên rừng đến thăm.
Thấy cách sống của vị tu rừng này, họ bỡ ngỡ hỏi:
- "Làm sao ngài có thể ở trong này một ngày mà thôi?"
- "Quý vị hãy vào, nhìn qua cái lỗ này, quý vị sẽ rõ."
Họ vào và thấy: nơi tường hang rêu phủ, có một lỗ hổng, để lộ ra một góc trời.
Họ không hiểu. Vị tu rừng liền cắt nghĩa:
- "Góc trời đó, là nguồn an ủi của tôi. Những khi tôi buồn chán, tôi nhìn ra góc trời đó và kêu lên: "Ôi Thiên Đàng! Ôi Thiên Đàng!" Hai tiếng này làm cho linh hồn tôi được bằng an vui vẻ."

59. "Đó chính là bí quyết của tất cả sức mạnh của tôi."
Trong khi rút lui khỏi Mátxcơva, quân Pháp của đại tướng Napoléon phải trãi qua nhiều ngày trong lạnh buốt, mệt nhọc và thiếu thốn.
Một đêm kia, khi đi thị sát, Napoléon thấy xa xa, trong sương mù, có ánh lửa. Ông bảo viên sĩ quan cận vệ đến xem.
Viên sĩ quan này trở về, báo cáo:
- "Thưa tướng quân, đó là đại tá Drouot. Ông đang làm việc và đang cầu nguyện trong trại mình."
Napoléon lấy làm cảm phục.
Sau này, khi gặp đại tá Drouot, Napoléon thành thật cám ơn đại tá đã treo cao gương anh dũng cho toàn thể quân đội nước Pháp đang rút lui khỏi nước Nga trong đêm kinh khủng đó. Đại tá Drouot trả lời trong niềm tin mạnh mẽ của mình:
- "Thưa tướng quân, Tôi không sợ chết. Tôi không sợ đói. Tôi chỉ sợ Thiên Chúa mà thôi. Đó chính là bí quyết của tất cả sức mạnh của tôi."

60. "Cho đến khi cái chết thấy con đứng thẳng."
Một thanh niên kia đến thú thật với một linh mục đầy kinh nghiệm:
- "Thưa cha, con phải làm gì khi con sa ngã phạm tội?"
- "Con hãy chỗi dậy và đứng lên."
- "Thưa cha, con đã từng chỗi dậy, nhưng rồi con cứ sa ngã lại."
Linh mục này kết thúc một câu đầy thông cảm:
- "Mỗi lần ngã xuống, là con hãy cố gắng đứng dậy ngay, cho đến khi cái chết...thấy con đứng thẳng và thấy con không còn ngã xuống nữa."

61. Ba kinh Kính Mừng
Thánh Anphôngsô Ligôri giải tội cho một thanh niên. Thanh niên này cứ sa đi ngã lại mãi trong tội dâm ô nặng, đến đỗi ngài thấy không thể nào ban phép giải tội cho anh ta được.
Trước khi anh ta ra khỏi toà giải tội, ngài chỉ khuyên anh ta mỗi ngày đọc Ba Kinh Kính Mừng để dâng linh hồn và xác cho Đức Mẹ.
Một thời gian sau, một thanh niên đến xin xưng tội với ngài. Anh ta chỉ xưng một vài tội nhẹ thôi. Khi xưng xong, anh ta nói:
- "Cha có nhận ra con không? Con chính là người thanh niên mà cha đã từ chối, không ban phép giải tội trước đây. Sáng nào, con cũng đọc Ba Kinh Kính Mừng. Chúa đã giải thoát con khỏi những cơn cám dỗ. Con xin cha cứ nói ra chuyện này cho mọi người nghe."

62. Trước mặt Chúa, ai cũng ngang nhau.
Turenne là vị thống chế danh tiếng của nước Pháp ở thế kỷ 17.
Ngày kia, trong khi dự thánh lễ, ông lên rước Chúa. Trước mặt ông là người giúp việc của ông. Người giúp việc này thấy ông chủ danh tiếng của mình đang đứng sau lưng, liền định nhường chỗ, nhưng thống chế Turenne nói:
- "Ông cứ đứng trước tôi như thường. Chúng ta chỉ có một Chúa mà thôi. Ngài là Đấng kêu mời tất cả mọi người và hai chúng ta đây, lên rước Chúa vào lòng."

63. Con ong và con nhện
Thánh Phanxicô Salêsiô dạy về ý ngay lành như sau:
- "Hãy làm các công việc lành, không phải như những con nhện, nhưng như những con ong. Con nhện dệt màng nhện của nó trước mặt mọi người. Nó giăng màn nhện từ cây này qua cây khác, giăng trong nhà, nơi các cửa sổ, trên những bàn ăn. Nói tóm lại, nó luôn luôn lao nhọc trước công chúng. Nó là hình ảnh của những tâm hồn kiêu căng, làm gì cũng để cho người ta khen."
"Nhưng những con ong thì dịu dàng hơn và khôn ngoan hơn. Con ong sản xuất mật một cách kín đáo. Nó sản xuất trong tổ của mình, nơi đó, không ai thấy được. Nó là hình ảnh của tâm hồn khiêm nhuợng, không tìm lời ngợi khen nơi trần thế, nhưng làm việc gì cũng làm vì Chúa".

64. Thánh Anphongsô lần hột lúc về già thế nào?
Lúc về già, nhiều khi thánh Anphongsôkhông nhớ rõ mình đã lần hột trong ngày hay chưa.Thánh nhân hỏi thầy giúp kẻ liệt. Thầy này cười và cho thánh nhân quá lo lắng.Thánh nhân liền nghiêm nghị trả lời:
- "Thầy đừng cười chơi. Thầy không biết rằng Chuỗi Môi Khôi làm cho tôi được rỗi linh hồn sao!"

65. "Ngày nay, chúng ta có rất nhiều máng chuyền nước, nhưng lại có rất ít thùng chứa nước."
Người tông đồ không phải chỉ là máng chuyền nước, nhưng nhất là, phải là thùng chứa nước.
Thánh Augustinô nói: "Trước khi ra mặt giảng dạy thiên hạ, vị tông đồ phải nâng lòng khát khao lên cao để uống cho đầy nước trước đã, rồi mới nên thông cho kẻ khác phần dư thừa tràn trụa."
Vì vậy, những ai có bổn phận phân phát hồng ân của Thiên Chúa cho các linh hồn, tiên vàn phải được tham gia và tràn đầy các ơn Thiên Chúa muốn dùng họ như trung gian để phân phát cho kẻ khác. Có như thế, họ mới đủ khả năng phân phối cho các linh hồn.
Thánh Bênađô nói với các vị tông đồ rằng:
- "Nếu là người khôn ngoan sáng suốt, bạn hãy lo cho mình trở nên thùng chứa nước trước khi là máng chuyền nước cho kẻ khác. Biết bao nhiêu người dám lăn xả vào những hoạt động tông đồ trong khi họ chỉ là máng chuyền nước chảy, rồi lại khô ráo!"
Tình trạng này đã làm cho thánh Bênađô hết sức phàn nàn:
- "Ngày nay, chúng ta có rất nhiều máng chuyền nước, nhưng lại có rất ít thùng chứa nước." (x. Hồn Tông Đồ)

66. "Khi nào bị treo lên khỏi đất, tôi sẽ kéo tất cả mọi người đến với tôi."
Đức Giêsu chết trên thập giá. Trên đầu, có tấm bảng đề "Giêsu Nadarét, Vua Dân Do Thái" bằng ba ngôn ngữ: Hy Bá, Hy Lạp và La Tinh.
Đức Giám mục Bossuet suy niệm như sau:
"Vương quyền của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, được phổ biến bằng tiếng Hy Bá là tiếng của Dân Chúa, bằng tiếng Hy lạp là tiếng của các nhà bác học, các triết gia, các bậc khôn ngoan; bằng tiếng La Tinh là tiếng của đế quốc thế giới, tiếng của các nhà chinh phục và của các nhà chính trị.
Vậy, ớ những người Do Thái, những người được thừa hưởng những lời Chúa hứa, cũng như những người Hy Lạp, phát minh ra các nghệ thuật, cũng như các người Roma, những kẻ làm chủ thế giới, hãy đến gần đây. Hãy đến và đọc tấm bảng lạ lùng nầy. Các người hãy quỳ gối xuống để thờ lạy Vua trên hết các vua! "
Thật như lời Chúa Giêsu đã nói tiên tri:"Khi nào bị treo lên khỏi đất, tôi sẽ kéo tất cả mọi người đến với tôi."

67. Bằng an trong lương tâm vì được Chúa tha tội trong Bí Tích Giải Tội
Năm 1927, chính quyền nước Na Uy ban tặng huy chương bạc cho nhà khoa học danh tiếng Lars Eckeland.
Trong một bữa tiệc được tổ chức mừng ông Lars Eckeland, có người hỏi vì sao ông từ bỏ Đạo Tin lành để theo Đạo Công Giáo. Sau đây là câu trả lời của nhà khoa học Na Uy nầy.
- "Lúc đó, tôi muốn nhận lãnh Bí Tích Giải Tội làm cho tôi chắc chắn rằng những tội của tôi đã được tha. Tôi đã tin rằng những tội của tôi đã được tha, và như vậy, tôi đã giải quyết được vấn đề lớn nhất của đời tôi."

68. Các Đức Giáo Hoàng và nền hòa bình thế giới
Năm 1889, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII khen ngợi và khuyến khích Hội Nghị đầu tiên về Hòa Binh, và năm 1896, ngài chúc lành cho Hội Nghị Hoà Bình họp tại Budapest, nước Hungary.
Năm 1906, Đức Giáo Hoàng Piô X chúc lành cho Hội Nghị Quốc Tế thứ 15 về Hòa Bình, và năm 1911, ngài khen ngợi Tổ chúc Trợ Cấp Carnegie có mục đích lo cho hòa bình thế giới.
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XV luôn suy nghĩ về nền hòa bình kitô-hữu. Ngài ngỏ lời an ủi những chiến binh năm 1915. Ngài nhắc nhở những vị lãnh đạo của các quốc gia lâm chiến (1.8.1917), và thông điệp của ngài, tháng 8 năm 1917, vẫn còn trong đầu óc của mọi người. Nước Thổ đã dựng bia kỹ niệm ngài tại Istanbul. Sau đó, ngài còn cho công bố thông điệp Pacem Dei (1920).
Đức Giáo Hoàng Piô XI, khi lên ngôi giáo hoàng, ra thông điệp đề cao nền hòa bình của Đức Kitô.
Đức Giáo Hoàng Piô XII chống lại chiến tranh thế giới lần thứ hai bằng cách thúc giục mọi người tham gia vào công việc xã hội và bác ái để lo cho các tù nhân, các người chạy trốn, các người tỵ nạn, các trẻ em, những người nghèo khổ, người người bị thiên tai. Trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, ngài gởi những sứ điệp đặc biệt trong Mùa Giáng Sinh để kêu gọi hoà bình.
Đức Giáo Hoàng Gioan XX III ra thông điệp Pacem in terris (1963) kêu gọi nhân loại hãy hãy sống bình an huynh đệ với nhau. Đây là thông điệp đầu tiên không những gửi cho người Công giáo, mà còn gửi đến ''tất cả những người thiện chí''. Nhà lãnh đạo Sô viết Khrouchtchev từng tuyên bố trong tờ Izvestia là ông đã đọc thông điệp ấy ''một cách thích thú, vì Đức Gioan XXIII lắng nghe được tiếng nói của lẽ phải''. Và đây cũng là lần đầu, một vị lãnh đạo Sô viết biết khen Giáo hoàng! Thông điệp nầy tạo nên một biến cố quan trọng và gây chú ý đến giáo huấn của Giáo hội về hòa bình.
Năm 1968, Đức Phaolô VI thiết lập Ngày Hòa bình thế giới. Ngày nầy được cử hành hàng năm vào ngày 1 tháng giêng Dương lịch.

69. "Đây là vấn đề lương tâm của tôi."
Nhà thi sĩ và trí thức người Pháp, François Coppée, cọng tác cho tờ báo Journal de Paris (Báo của thành Paris). Mỗi bài của ông đăng, được trả rất bội hậu lúc đó (cuối thế kỷ thứ 18 và đầu thế kỷ thứ 19).
Khi thấy tờ báo nầy cho đăng những bài nghịch đạo và chống đạo Công giáo, ông xin ông giám đóc tờ báo cho ông ngưng cộng tác. Ông giám đốc tưởng là vấn đề tiền bạc, liền nói:
- "Tôi sẽ trả cho ông 25 ngàn quan tiền Pháp mỗi năm."
François mĩm cười và trả lời:
- "Thưa ông, đây không phải là vấn đề tiền bạc đâu. Tôi biết ông luôn luôn tốt lành, tế nhị và hào phóng đối với tôi. Nhưng đây là vấn đề lương tâm của tôi."

70."Đây là viên đá đầu tiên của một đền thờ tôi muốn xây ở đây."
Cho đến năm 1896, vùng Cayenne ở Saint-Ouen, nước Pháp, không bao giờ thấy bóng một chiếc áo dòng đen. Nhưng một ngày trong năm đó, một vị linh mục cả gan xâm nhập vùng nầy.
Một người nghịch Đạo trong vùng nầy, thấy vậy, liền ném mạnh một hòn đá vào đầu vị linh mục.
Vị linh mục cúi xuống nhặt viên đá vấy đầy máu đỏ của mình và nói:
- "Xin cám ơn ông. Đây sẽ là viên đá đầu tiên của một đền thờ tôi muốn xây cất ở đây."
Và sự thật, viên đá ấy là viên đá đầu tiên của đền Thờ Môi Khôi được xây lên ở đó.

71. Chúa Giêsu sống đức vâng lời một cách đặc biệt.
Chúa Giêsu vâng lời trước khi xuống trần gian: "Của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội không còn đẹp lòng Cha nữa. Vì thế, con xin đến để làm theo thánh ý Cha."
Sau này, khi ra giảng đạo, Chúa Giêsu nói rõ điểm này: "Tôi từ trời xuống không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi."
Khi còn sống trong gia đình, Chúa Giêsu hết dạ vâng lời Đức Mẹ và thánh Giuse như Phúc Âm thánh Luca ghi lại: "Đoạn cậu theo cha mẹ trở về Nadarét. Cậu vâng phục cha mẹ."
Khi ra giảng đạo, Chúa Giêsu luôn nổi bật trong sự vâng lời Đức Chúa Cha. Ngài nói Ngài không bao giờ làm theo ý riêng của mình: "Tôi không bao giờ làm theo ý riêng của tôi, nhưng tôi làm theo ý Đấng đã sai tôi." Sợ Thầy mệt, các môn đệ giục Chúa Giêsu ăn nhưng Ngài nói đã ăn rồi: "Lương thực Thầy dùng, là thi hành ý Đấng sai Thầy và làm xong công việc Ngài giao."
Chúa Giêsu rất hãnh diện vì đã vâng lời Cha Ngài một cách hoàn toàn: "Lạy Cha, con đã tôn vinh Cha dưới thế, con đã hoàn thành công việc Cha dạy con phải làm."
Chúa Giêsu quyết vâng lời cho đến tận cùng dẫu khi cảm thấy rất đau khổ và trong tình huống quá buồn tủi: "Giờ đây, linh hồn Thầy xao xuyến. Nhưng biết nói làm sao? Phải chăng là: "Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này. Nhưng chính giờ này mà con đã đến." - "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cha cho con khỏi uống chén này, nhưng xin đừng theo ý con, một theo ý Cha mà thôi." Và Chúa Giêsu đã phải cầu nguyện như thế đến ba lần.
Thánh Phaolô đã nói về việc Chúa Giêsu vâng lời một cách lạ lùng, và vâng lời như vậy cho đến chết: - "Ngài hạ mình xuống vâng phục cho đến chết, và chết trên thập giá."
Và cũngchính thánh Phaolô làm nổi bật một cách đặc biệt đức vâng lời lạ lùng của Chúa Giêsu trong hồi Thương Khó và Tử Nạn: "Vào những ngày còn trong thân xác, Ngài đã dâng lên cho Đấng có thể cứu Ngài khỏi chết những lời cầu xin khẩn nguyện với lớn tiếng kêu van cùng nước mắt, và Ngài đã được nhậm lời thoát khỏi sợ hải. Dầu là Con của Thiên Chúa, Ngài đã phải đau khổ dãi dầu mà học cho biết vâng phục."

72. Chúa Giêsu nhấn mạnh về sự vâng lời.
Chúa Giêsu dạy chúng ta phải luôn luôn cầu mong cho được vâng theo thánh ý của Chúa Cha trên trời: "Các con hãy cầu nguyện như thế này: Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời."
Ai vâng lời Ngài, Chúa Giêsu nhận họ làm môn đệ của mình: 'Nếu các con giữ lời Thầy, các con sẽ là môn đệ của Thầy; các con sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải thoát các con."
Ai vâng lời Ngài, Chúa Giêsu nhận họ làm bạn hữu của mình: "Các con có giữ điều Thầy truyền dạy, các con mới là bạn hữu của Thầy."
Ai vâng lời Ngài, Chúa Giêsu xem họ là bà con của mình: "Chúa Giêsu còn đang nói với đám đông thì có mẹ và anh em Ngài đến đứng ở ngoài, muốn nói chuyện với Ngài. Có người thưa với Chúa: "Mẹ Thầy và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn nói chuyện với Thầy." Chúa trả lời cho người đó: "Ai là Mẹ Tôi, ai là anh em tôi?" Rồi đưa tay chỉ các môn đệ,Ngài nói tiếp: "Đây là Mẹ và anh em Tôi vì hễ ai làm theo ý Cha Tôi trên trời, kẻ đó là anh chị em, là mẹ Tôi."
Ai vâng lời Chúa Giêsu, kẻ đó mới yêu mến Ngài và được Đức Chúa Trời Ba Ngôi đến ngự trong lòng họ: "Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽư yêu quý người đó. Và Chúng Ta sẽ đến ngự trong lòng nó."
Ai vâng lời Chúa Giêsu thì được hạnh phúc lớn lao: "Khi Chúa Giêsu còn đang nói, một người đàn bà ở giữa dân chúng cất lớn tiếng: "Phúc thay dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú." Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: "Đúng hơn là phúc cho những ai nghe và giữ Lời Chúa."

73. Chúa phạt nặng những ai bất tuân, không vâng lời.
Chúa đuổi ông Ađam và bà Eva ra khỏi vườn Diệu Quang vì tội không vâng lời.
Vì tội không vâng lời, dân Hi Bá bị Chúa phạt đi lang thang trong Rừng Vắng bốn mươi năm thay vì bốn mươi ngày, và nhiều người trong số họ bị Chúa phạt không cho vào Đất Hứa.
Ngay cả Môsê, người được Chúa khen là thánh thiện nhất trong dân của Ngài, vì sơ ý lỗi đức vâng lời một chút, vẫn bị Chúa phạt một cách đau khổ: cho nhìn thấy Đất Hứa, chứ không cho vào Đất Hứa.
Còn vua Saul thì bị Chúa truất quyền làm vua, bị Chúa cho bại trận cũng vì tội không vâng lời.

74. Chúa thưởng bội hậu những ai vâng lời.
Vì vâng lời, Abraham được Chúa thưởng cho dòng dõi trường tồn và đầy hạnh phúc.
Các tông đồ bủa lưới suốt đêm nhưng không bắt được con cá nào, nhưng vì vâng lời Chúa mà bủa lưới lại khi mặt trời đã lên cao, nên chỉ trong nháy mắt, bắt được rất nhiều cá.

75. Renan: bất phục, mục sư Newman: vâng phục
Renan kiêu hãnh, bất tuân, tự ý lìa bỏ chủng viện Xuân Bích và lìa bỏ cả Giáo Hội nữa. Renan ra đi trong sự ngạo ngược và bất phục.
Trong lúc đó, mục sự Newman, danh tiếng nhất của Anh giáo lúc bấy giờ, lại xin trở về với Giáo Hội trong vâng phục. Vì vâng phục, Newman phải vào lại ngồi ghế chủng sinh ở trường Truyền Giáo Rôma để được tẩy não lại vì bị nghi ngờ đang còn lạc đạo, trong lúc những tác phẩm thần học của Newman đã hết sức danh tiếng khắp Âu châu và Mỹ châu.
Vào học lại tại trường Truyền Giáo Rôma, Newman đã dẹp bỏ lòng tự ái một bên, chỉ xin bề trên đặc ân cho mình một phòng nhỏ gần Nhà Nguyện để ngày đêm suy niệm về mầu Nhiệm Thánh Thể.
Newman thổ lộ: - "Số phận tôi, là bị người ta không hiểu. Nhờ đó, tôi được dịp nhìn vào tôi hơn, nhìn vào tận thâm cung của hồn tôi, và như thế, tôi được kết hiệp thân thiết với Chúa hơn. Lúc ấy, tôi mới hiểu rằng chỉ có Chúa Giêsu Thánh Thể là nguồn an ủi độc nhất của tôi."

76.Con người của Phêrô
Tên Ximong. Con của ông Giona. Chủ một chiếc đò. Làm nghề chài lưới.

Chúa Giêsu kêu gọi Phêrô và Phêrô bỏ thuyền, bỏ lưới, bỏ gia đình để theo Chúa.
Chúa Giêsu đến nhà Phêrô và chữa bà gia ông lành bệnh. Ngài sống trong nhà ông Phêrô một thời gian để làm việc. Ngài cho ông một tên mới, gọi là "Đá" vì con người cứng rắn của ông.
Phêrô có tư cách thủ lĩnh: ông điều khiển được Nhóm Mười Hai.
Phêrô có tính tình thẳng thắn, bộc trực. Ông thường nói toạc ra trước khi suy nghĩ: "Con không bỏ Thầy đâu?"....
Khi mọi người im lặng, sợ sệt, Phêrô cả gan nói lớn: "Lạy Thầy, con sẽ đi với ai vì Thầy là Đấng có lời hằng sống."
Chúa Giêsu yêu đặc biệt Phêrô vì thấy Phêrô có nhiều tư cách đáng phục: ngài đưa ông lên Núi Tabôrê, đưa ông vào Vườn Giếtsêmani.

77. Phêrô, trước: hoảng sợ chối Thầy Giêsu!
Nhưng cuối cùng vì hoảng sợ, Phêrô đã phản bội Thầy Giêsu một cách phủ phàng: chối Thầy đến ba lần liên tiếp, chối phăng phắc, chối không chút ngập ngừng, chối không chút do dự.
Và khi gà gáy, liếc nhìn của Thầy Giêsu đầy buồn bã đã rơi đúng trên khuôn mặt sợ sệt của Phêrô.

78. Phêrô, sau: yêu Chúa Giêsu không ai bằng!
Khi gà sắp gáy lần thứ ba, liếc nhìn của Chúa Giêsu đầy yêu thương tha thứ, - nhưng cũng rất buồn - rơi đúng trên khuôn mặt đầy sợ sệt của Phêrô, và lạ lùng thay, Phêrô bắt được luồng sóng tình yêu của Thầy và tin chăc rằng Thầy không bao giờ loại bỏ mình, nên Phêrô đáp lại, không phải bằng sự tuyệt vọng của Giuđa, nhưng bằng một lòng hy vọng lớn lao. Phêrô tin rằng Thầy đã hoàn toàn tha thứ cho mình.
Thế rồi một bóng người ra đi loạng choạng giữa đêm khuya vắng, vừa thất thểu, vừa mếu máo, đấm ngực ăn năn khóc lóc thảm thiết, đến đến đỗi từ đó, cho đến cuối đời, giọt lệ thống hối làm cho đôi má Phêrô phải mòn đi thấy rõ.
Khi sống lại, hai Thầy trò gặp nhau. Chúa Giêsu thấy Phêrô quả thật là một con người mới mẻ, có tình yêu khiêm tốn nhưng sâu đậm. Chúa Giêsu không ngần ngại cử Phêrô chính thức làm vị chủ tịch tối cao của Giáo Hội. Và vị Giáo Hoàng đầu tiên nầy đã không phụ lòng mong mỏi của Thầy mình.
Phêrô hăng hái ra đi khắp nơi, chinh phục các linh hồn cho Chúa Giêsu. Bị tù đày, vẫn vui mừng; bị đánh đập, vẫn hân hoan; luôn bình tĩnh, chịu đựng, can đảm, không còn sợ sệt nữa. Vào tù ra khám, bị đánh bị đuổi, Phêrô vẫn một mực cương quyết điều khiển Giáo Hội sơ khai một cách tận tụy.
Đến tận Rôma, dưới thời bạo chúa Nêrôn, trong lúc Đạo của Thầy mình bị bắt bớ ghê rợn, Phêrô tìm đủ cách để rao giảng Tin Mừng, lén lút sống trong các hang Toại Đạo với các bổn đạo, nâng đỡ đức tin của đoàn chiên mẹ, chiên con.
Phêrô vui lòng để cho quân nghịch đạo bắt, sau khi biết rõ ý Chúa là phải hy sinh mạng sống cho Giáo Hội.
Phêrô bị bắt và bị giam trong ngục sâu, 9 tháng ròng rã, đói, khát, lạnh lẽo, cô đơn, nhưng vẫn vui lòng chịu đựng vì yêu Thầy.
Khi bị lôi ra khỏi ngục để bị đóng đinh như Thầy, Phêrô khiêm nhượng xin cho được đóng đinh ngược, để kính trọng Thầy Giêsu của mình. Như vậy, trước khi chết, Phêrô vẫn còn khiêm nhượng cho mình không xứng đáng đóng đinh trên thập giá trong tư thế như Thầy của mình.
Chúa Giêsu đã đặt tất cả vận mạng của Giáo Hội Ngài lập, vào tay Phêrô.
Con người hèn yếu, hèn nhát và bất toàn nầy, tên là Phêrô, vẫn được Chúa Giêsu dùng để làm nên một vị thánh, vị Giáo Hoàng tiên khởi, cột trụ của Giáo Hội.
Và Giáo Hội Công giáo luôn hiên ngang về Vị Giáo Hoàng đầu tiên đã từng lầm lỡ nầy của mình.

79. Phaolô, trước: ghét Chúa Giêsu hết sức thậm tệ
Phaolô, truớc, có tên là Saolê.
Lúc còn ăn học tại Giêrusalem, Saolê rất gắn bó với Đạo Do Thái, vì thế, khi biết được có những kẻ cả gan đứng lên rao giảng đạo của một người đã chết tên là Giêsu, ông liền nổi cơn tức giận đến cực điểm và quyết tiêu diệt cho kỳ được những kẻ theo đạo mới nầy.
Phaolô tìm cách tiêu diệt đến 3 lần những kẻ theo Chúa Giêsu.
Lần thứ nhất: Để thủ tiêu thánh Stêphanô là một kẻ trung thành theo Chúa Giêsu, Saolê đã xúi giục dân chúng ném đá thánh Stêphanô cho đến chết. Chính Saolô sốt sắng giữ áo cho bọn ném đá nầy, để tay họ được thảnh thơi mà ném cho mạnh.
Lần thứ hai: Giết được thánh Stêphanô, Saolô chưa hả giận. Như chó sói hung dữ đi tìm mồi, Saolô tình nguyện dẫn đầu quân đội Pháp đình Do Thái, đi lục soát các gia đình ở Giêrusalem, xem có ai theo ông Giêsu thì bắt đem về, hành hạ, tra tấn và gết chết.
Lần thứ ba: Bắt bớ và tiêu diệt các bổn đạo ở Giêrusalem, Saolô chưa thoả lòng, nên còn muốn đi bắt xa hơn nữa. Ông xung phong đem quân lính đi đến thành Đamas, thủ đô nước Syria, cách Giêrusalen 250 cây số, để vây bắt, tra tấn, hành hạ và giết chết những ai theo ông Giêsu ở đó.

80. Phaolô, sau: yêu Chúa Giêsu không ai bằng!
Đang khi đi bắt Đạo lần thứ ba, Phaolô, lúc đó đang còn mang tên Saolê, đã được Chúa Giêsu làm cho trở lại một cách lạ lùng.
Chúng ta hãy nghe chính thánh Phaolô krể lại biến cố lạ lùng nầy:
"Đang khi tôi đi đường và đến gần Đamát, thì vào khoảng trưa, bỗng nhiên có một luồng ánh sáng chói lọi từ trời chiếu xuống bao phủ lấy tôi. Tôi ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với tôi: "Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta?" Tôi đáp: "Thưa Ngài, Ngài là ai?". Người nói với tôi: "Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ." (Cv 22, 6-8)
Saolê đi bắt Chúa Giêsu, nhưng Chúa Giêsu phục kích bắt lại Saolê, và Saolê đầu hang Chúa Giêsu.
Saolê rút lui vào sa mạc ba năm để ăn năn, cầu nguyện và dọn mình làm tôi Chúa. Sau đó, Saolê đổi tên thành Phaolô, đi giảng đạo trong 30 năm.
Phaolô yêu mến Chúa Giêsu đến nỗi ngài nói: "Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi." (Gl 2,20)
Phaolô thách đố ai có thể tách ngài ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô được: gian trân, khổ cực, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, gươm giáo. "Không gì có thể tách tôi ra khỏi tình Chúa Giêsu yêu tôi được!" (x.Rô 8,35).
Trong ba mươi năm đi loan báo Tin Mừng, Phaolô đi đây đi đó được hai vạn cây số: bị đánh đòn năm lần, bị tra tấn ba lần, bị ném đá một lần, bị đắm tàu ba lần, bị trôi chơi vơi giữa biển một ngày một đêm, bị đói, bị khát, bị mình trần, nếm đủ mọi nguy hiểm do sông ngòi, do trộm cướp, do người đồng hương, do người dân ngoại, do những anh em giả, nguy hiểm nơi thành thị, nguy hiểm trên rừng vắng, nguy hiểm trên biển cả. Và cuối cùng, được đổ máu ra, để làm chứng cho Chúa Giêsu, Đấng mà trước đây, ngài ghét thậm tệ, nhưng sau đó, lại yêu Ngài không ai bằng!

81. Giáo Hội Công Giáo luôn tươi trẻ, luôn mới mẽ
Thời gian không làm cho Giáo Hội Công Giáo trở nên già cỗi, héo úa, khô tàn. Trái lại, với thời gian, Giáo Hội Công Giáo càng sinh động, càng lột xác, càng tươi trẻ, càng mới mẻ.
Hoàng đế Napôlêôn (Napoléon), sau khi đã ngạo nghễ tuyên bố: "Trẫm sẽ nghiền nát Giáo Hội Công Giáo", thì cuối cùng, trước khi chết, cũng đã phải thú nhận rằng: "Trẫm đã xây dựng một nước trên gươm giáo, và nước đó đã sụp đổ. Đức Giêsu đã xây dựng nước Ngài trên tình yêu, và nước đó vẫn còn".
Và nhà văn hào vô thần Vônte (Voltaire) vung tay múa ngón ngăm đe Giáo Hội Công Giáo: "Ta đã chán nghe câu chuyện 12 tông đồ bành trướng nước ông Kitô. Một mình ta, ta sẽ tiêu diệt Giáo Hội Công Giáo". Lúc đó là năm 1758. Vônte còn ngạo nghễ nói tiên tri: "Còn 20 năm nữa, Giáo Hội Công Giáo sẽ bị tiêu diệt ".
Và lịch sử đã chứng minh lời ông nầy nói một cách lạ lùng: đúng vào năm 1778, là 20 năm sau, Vônte già, yếu, chết, còn Giáo Hội Công giáo vẫn trẻ, vẫn mạnh, vẫn sống cho đến bây giờ, và vẫn sống mãi cho đến tận thế.
82. Đời nội tâm đem lại ích lợi tông đồ
Chỉ có đời nội tâm mới có thể nâng đỡ chúng ta trong việc gieo vãi cách khó nhọc, thầm kín, và bề ngoài coi như thất bại.
Chỉ có đời nội tâm mới làm cho chúng ta hiểu sự vất vả cầu nguyện hy sinh sẽ nâng cao khả năng hoạt động; sự cố gắng bắt chước các nhân đức Chúa Giêsu sẽ tăng lên gấp bội sức linh nghiệm của công cuộc tông đồ...
Đã có lần chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi nghe thuật chuyện về một hiệp hội trong quân khu Normandie. Lúc đầu, chúng tôi không tin là có kết quả như vậy. Thí dụ, có đời nào lại thấy anh em quân nhân tham gia các buổi Chầu Thánh Thể để phạt tạ những lời lộng ngôn, những tội lỗi của chúng bạn, đông hơn là khi dự các buổi hoà nhạc hoặc diễn kịch?
Đến sau, chúng tôi mới hiểu rõ. Và chúng tôi không còn ngạc nhiên nữa khi nghe biết Cha Tuyên úy của trại quân đội nầy là người thấu hiểu Nhà Tạm, đầy sinh lực tông đồ. (Hồn Tông Đồ)

83. Lấy hy sinh và đau khổ để làm việc tông đồ
Người ta có thể chịu đau khổ như người ngoại giáo, như người bị trầm luân hoả ngục hoặc như một đấng thánh.
Để được chịu đau khổ như Chúa Giêsu, tiên vàn phải tập chịu đau khổ như đấng thánh. Chốc ấy, đau khổ sẽ làm ích cho bản thân chúng ta, rồi mới đem áp dụng mầu nhiệm đau khổ trên các linh hồn: "Tôi bổ khuyết sự Thương Khó Chúa Giêsu còn thiếu trong xác thịt tôi và vì Nhiệm Thể của Chúa là Giáo Hội" (Cl 1,24)....
Linh mục Faber nói: "Đau khổ là Bí Tích cao cả hơn hết". Vị tôn sư nầy đã nhấn mạnh vào sự cần thiết và vinh dự của đau khổ. Tất cả các lý lẽ ngài nêu ra, đều có thể áp dụng vào sự phong phú của hoạt động tông đồ do sựu liên kết mật thiết đau khổ của vị tông đồ với hy sinh của Chúa Cứu Thế trên đồi Gôngôta, nhờ đó, ngài mới được tham gia ơn ích bởi Máu Thánh Chúa (Hồn Tông Đồ).

84. Hãy tìm lý do nơi sách giáo lý!
Tại Hàn Lâm Viện Các Khoa học luân lý và chính trị, các viện sĩ bàn về những nguyên nhân gây ra sự nghèo đói, túng cực.
Mỗi viện sĩ đều có bài tham luận.
Để kết thúc, viện sĩ Renouard tóm lại một câu như sau:
- "Không cần tìm nguyên nhân đích thực ở đâu xa. Nguyên nhân nầy có trong sách giáo lý, nơi chương nói về Bảy Mối Tội Đầu."

85. Ba người bạn
Ông kia có ba người bạn. Người bạn thứ nhất và thứ hai thì rất thân, còn người bạn thứ ba thì không thân lắm.
Ngày kia, bị toà xử án, ông liền xin ba người bạn đi theo để biện hộ cho ông.
Người bạn thân thứ nhất từ chối, viện cớ mắc việc không đi được.
Người bạn thân thứ hai bằng lòng đi đến cửa quan nhưng lại sợ, nên rút lui, không dám vào toà án để biện hộ cho ông.
Chỉ có người bạn thứ ba, tuy không được ông ta yêu thích gì, nhưng lại tỏ ra hết sức trung thành, vào tận toà án biện hộ cho ông, làm cho ông không những được trắng án, mà còn được thưởng nữa.
Người bạn thân thứ nhất trong đời sống của ta, là TIỀN BẠC. Khi ta chết, tiền bạc bỏ rơi ta ngay để vào tay người khác, hoạ may nó chỉ để lại cho ta một cái áo và một chiếc hòm.
Người bạn thân thứ hai trong đời sống của ta, là CHA MẸ, VỢ CHỒNG, CON CÁI, BẠN BÈ, ... Khi ta chết, họ khóc lóc, nhưng cũng chỉ đưa ta đến cửa huyệt rồi về.
Người bạn thứ ba mà trong đời sống, ta thường ít ưa thích, là CÁC CÔNG VIỆC LÀNH. Các công việc lành nầy theo ta đến tận Toà Chúa phán xét, biện hộ cho ta, làm cho ta được Chúa thưởng vào nước thiên đàng.
86. Học đời, nhưng nhất là, phải học Đạo
Nhà toán học lừng danh thế giới, Ampère tự nói với mình rằng:
"Hãy học những sự vật của thế giới này, đó là bổn phận của tình trạng ngươi, nhưng chỉ nhìn những sự vật này bằng một con mắt mà thôi. Chớ gì con mắt kia của ngươi không ngừng dán chặt vào ánh sáng vĩnh cửu. Ngươi hãy nghe các nhà thông thái, nhưng chỉ nghe một lỗ tai mà thôi, còn lỗ tai kia, hãy luôn luôn sẵn sàng nhận lấy những sự quan trọng dịu dàng của Bạn ngươi ở trên trời. Ngươi chỉ viết một tay thôi, còn tay kia hãy nắm chặt lấy tà áo của Thiên Chúa, giống như người con nắm chặt tà áo của cha mình. Không có sự cẩn mật chú ý đó, chắc chắn cái đầu của ngươi sẽ bị bể ra vì va vào đá."

87. Giây phút cuối đời của nhà đại thi hào Victor Hugo
Nhà đại văn hào này vùng lên một cách tuyệt vọng. Ông giơ những ngón tay nhọn lên trời. Ông hét vang lên: "Đi tìm một linh mục cho ta gặp. Đi tìm một linh mục cho ta gặp." Nhưng không ai đi cả.
Người chứng kiến cảnh hấp hối này lúc đó, vội rút lui, kêu con gái mình lại, rồi nói nhỏ bên tai con: "Cha không muốn chết như thế. Nếu cha lâm bệnh, con hãy đi mời linh mục Monsabré đến cho cha."

88. Quyết giữ vững ngọn đèn đức tin
Thời Thập Tự Quân, một kỵ sỹ bị quân nghịch đạo tấn công, sắp chết.
Trong cơn nguy hiểm đó, ông nhìn lên trời và khấn:
- "Lạy Chúa, nếu con đánh trận còn sống, con sẽ thắp một cây sáp nơi Mồ Chúa và đem nó đỏ về tận nhà."
Ông được thoát nạn.
Giữ lời hứa, ông thắp một cây sáp đỏ nơi mồ Chúa và tìm cách mang nó về tận nhà.
Trên đường về, ông luôn che cho cây nến khỏi tắt vì gió mạnh.
Sắp hết cây nến này, ông thắp cây nến khác.
Cứ thế, ông đem cây nến đỏ về tận nhà như lời đã hứa với Chúa.
Thật là một gương anh dũng.
Cây đèn Đức Tin của chúng ta, trên con đường về Quê Trời, chúng ta phải luôn thắp sáng.
Ma quỷ, xác thịt, thế gian là những luồng gió độc địa đối với Đức Tin. Chúng ta phải luôn che chở Đức Tin, chống lại những luồng gió độc đó.

89. Khi người dạy giáo lý có đời sống nội tâm, chính Chúa Giêsu hướng dẫn họ
Một giáo sĩ điều khiển Hội Dòng Nữ Tu dạy giáo lý, ngày kia nói với bà bề trên sở tại:
- "Thưa bà, tôi nghĩ nên cho chị X...nghỉ dạy giáo lý ít nhất là một năm."
Bà bề trên không đồng ý:
- "Nhưng thưa Cha, Cha quá rõ. Chị X... là người có biệt tài chỉ huy. Với tài khôn khéo, chị đã lôi kéo được các trẻ khắp vùng ngoại ô đấy. Không cho chị ấy dạy giáo lý, tức là bỏ rơi một số lớn thiếu nhi."
Vị giáo sĩ này liền đưa ra nhận xét:
- "Tôi đã ngồi dự lớp giáo lý của chị này dạy rồi. Chị làm cho thiếu nhi ham thích, nhưng bằng phương pháp quá nhân loại. Sau một năm tập lại để được huấn luyện kỹ về đời nội tâm hơn, chị đó sẽ thánh hoá bản thân, và nhờ lòng nhiệt thành, nhờ tài khéo léo, sẽ thánh hoá thiếu nhi. Nhưng hiện tại, tôi dám chắc chị ấy là trở lực cho tác dụng trực tiếp của Chúa Giêsu nơi linh hồn các em đang sửa soạn rước lễ lần đầu. Chắc bà lấy điều tôi yêu cầu làm phiền lòng. Vậy được! Tôi dàn xếp thế này... Tôi biết chị N... là một linh hồn có đời nội tâm khá, nhưng kém tài. Bà hãy xin Bề Trên Cả sai chị đó đến đây ít lâu. Rồi mỗi giờ dạy giáo lý, cho chị X... đến dạy 15 phút để cho bà khỏi lo các em bỏ học, sau đó, chị X... sẽ rút lui hoàn toàn. Lúc đó, bà sẽ thấy các em biết cầu nguyện, ca hát cách sốt sắng hơn nhiều. Sự cầm trí và vâng lời của chúng sẽ phản chiếu tính cách siêu nhiên hơn. Đó là hàn thử biểu để đo lường."
Nửa tháng sau, bà bề trên cũng nghiệm thấy chị N... dạy giáo lý một mình và số trẻ em lại đông hơn. Lúc này, chính Chúa Giêsu dạy giáo lý qua lời chị. Từ cặp mắt, cử chỉ, tính hiền lành, dịu dàng, cho tới cách làm Dấu Thánh Giá, điệu giọng, tất cả đều phản chiếu Chúa Giêsu.
Chị X... có tài tô điểm, làm những gì buồn tẻ nhất thành ra vui vẻ. Nhưng Chị N... còn đi xa hơn. Đành rằng chị vẫn cố gắng sửa soạn bài, cắt nghĩa và giảng hết sức rõ rệt, nhưng bí quyết trổi vượt trong lời chị giảng bảo, là nhiệm cảm. Chính nhờ nhiệm cảm này, các linh hồn thấy mình được tiếp xúc với Chúa Giêsu.
Trong lớp giáo lý của chị N..., có kém phần vui vẻ nhộn nhịp, ít có những cái nhìn sửng sốt, ít sự say mê thường được gây nên do những bài diễn thuyết vô cùng hấp dẫn của những nhà hùng biện hay là câu truyện rất cảm kích về một cuộc chiến đấu gay go.
Trái lại, với một thái độ chăm chỉ, trầm tĩnh, thiếu nhi ngồi trong lớp như trong thánh đường. Không cần áp dụng phương thế nhân loại nào để giúp chúng khỏi chia trí, chán nản nữa. Vậy ở giữa các em, phải chăng có một sức hấp dẫn huyền nhiệm nào? Chúng tôi dám quả quyết đó là ảnh hưởng do Chúa Giêsu trực tiếp gây ra. Vì một linh hồn nội tâm cắt nghĩa giáo lý, chính là cái đàn huyền cầm vang âm thanh dưới ngón tay nhạc sĩ thần linh. Và không một nghệ thuật gia nào, dầu xuất sắc đến đâu, có thể so sánh với tác dụng của Chúa Giêsu được. (Hồn Tông Đồ)

90. Chết thình lình, không kịp ăn năn tội
Thánh Tôma More có một người bạn sang trọng, nhưng đạo đức lơ là. Thánh khuyên ông này ăn năn trở về với Chúa, nhưng ông cứ nói: "Khi sắp chết, tôi sẽ nói: "Lạy Chúa, xin tha cho con'" và tôi sẽ được tha thứ."
Ngày kia, khi hai người cưỡi hai con ngựa đi ngang qua cầu Luân Đôn, thánh Tôma More thấy con ngựa của ông bạn hất ông vào thành cầu, làm cho đầu ông bị dập. Lúc đó, thánh Tôma More nghe ông bạn thốt ra lời: "Đồ quỷ!", và chết tươi ngay.
Cái chết thường xảy đến rất thình lình. Ta không kịp sửa soạn gì đâu. Và nếu ai đã được sửa soạn, thì đó là một ơn Chúa ban rất quý!

91. Quyết đôi đá cha bể đầu, nhưng sau đó đổi ý
Ngày kia, một vị linh mục đứng giữa công trường của thành phố Philadelphia bên Mỹ. Ngài cổ động cho người ta giúp một công việc từ thiện.
Nghe giảng xong, dân chúng liền cảm động. Nhiều người đem tiền đến dâng cúng.
Một người trac độ ba mươi tuổi, tiến đến gần vị linh mục, vừa quỳ xuống dưới chân ngài, vừa đặt trên mặt đất 12 hòn đá và một vài đồng bạc:
-"Thưa cha - ông đau đớn nói - xin cha hãy nhận lấy của lễ con dâng và xin cha tha tội cho con. Con đến đây với ý định dùng mấy hòn đá này để đôi bể đầu cha. Nhưng Lời Chúa mà cha giảng, đã đánh động lòng con."

92. Học đời, nhưng nhất là, phải học Đạo
Nhà toán học lừng danh thế giới, Ampère tự nói với mình rằng:
"Hãy học những sự vật của thế giới này, đó là bổn phận của tình trạng ngươi, nhưng chỉ nhìn những sự vật này bằng một con mắt mà thôi. Chớ gì con mắt kia của ngươi không ngừng dán chặt vào ánh sáng vĩnh cửu. Ngươi hãy nghe các nhà thông thái, nhưng chỉ nghe một lỗ tai mà thôi, còn lỗ tai kia, hãy luôn luôn sẵn sàng nhận lấy những sự quan trọng dịu dàng của Bạn ngươi ở trên trời. Ngươi chỉ viết một tay thôi, còn tay kia hãy nắm chặt lấy tà áo của Thiên Chúa, giống như người con nắm chặt tà áo của cha mình. Không có sự cẩn mật chú ý đó, chắc chắn cái đầu của ngươi sẽ bị bể ra vì va vào đá."

93. Giây phút cuối đời của nhà đại thi hào Victor Hugo
Nhà đại văn hào này vùng lên một cách tuyệt vọng. Ông giơ những ngón tay nhọn lên trời. Ông hét vang lên: "Đi tìm một linh mục cho ta gặp. Đi tìm một linh mục cho ta gặp." Nhưng không ai đi cả.
Người chứng kiến cảnh hấp hối này lúc đó, vội rút lui, kêu con gái mình lại, rồi nói nhỏ bên tai con: "Cha không muốn chết như thế. Nếu cha lâm bệnh, con hãy đi mời linh mục Monsabré đến cho cha."

94. Quyết giữ vững ngọn đèn đức tin
Thời Thập Tự Quân, một kỵ sỹ bị quân nghịch đạo tấn công, sắp chết.
Trong cơn nguy hiểm đó, ông nhìn lên trời và khấn:
- "Lạy Chúa, nếu con đánh trận còn sống, con sẽ thắp một cây sáp nơi Mồ Chúa và đem nó đỏ về tận nhà."
Ông được thoát nạn.
Giữ lời hứa, ông thắp một cây sáp đỏ nơi mồ Chúa và tìm cách mang nó về tận nhà.
Trên đường về, ông luôn che cho cây nến khỏi tắt vì gió mạnh.
Sắp hết cây nến này, ông thắp cây nến khác.
Cứ thế, ông đem cây nến đỏ về tận nhà như lời đã hứa với Chúa.
Thật là một gương anh dũng.
Cây đèn Đức Tin của chúng ta, trên con đường về Quê Trời, chúng ta phải luôn thắp sáng.
Ma quỷ, xác thịt, thế gian là những luồng gió độc địa đối với Đức Tin. Chúng ta phải luôn che chở Đức Tin, chống lại những luồng gió độc đó.

95. Khi người dạy giáo lý có đời sống nội tâm, chính Chúa Giêsu hướng dẫn họ
Một giáo sĩ điều khiển Hội Dòng Nữ Tu dạy giáo lý, ngày kia nói với bà bề trên sở tại:
- "Thưa bà, tôi nghĩ nên cho chị X...nghỉ dạy giáo lý ít nhất là một năm."
Bà bề trên không đồng ý:
- "Nhưng thưa Cha, Cha quá rõ. Chị X... là người có biệt tài chỉ huy. Với tài khôn khéo, chị đã lôi kéo được các trẻ khắp vùng ngoại ô đấy. Không cho chị ấy dạy giáo lý, tức là bỏ rơi một số lớn thiếu nhi."
Vị giáo sĩ này liền đưa ra nhận xét:
- "Tôi đã ngồi dự lớp giáo lý của chị này dạy rồi. Chị làm cho thiếu nhi ham thích, nhưng bằng phương pháp quá nhân loại. Sau một năm tập lại để được huấn luyện kỹ về đời nội tâm hơn, chị đó sẽ thánh hoá bản thân, và nhờ lòng nhiệt thành, nhờ tài khéo léo, sẽ thánh hoá thiếu nhi. Nhưng hiện tại, tôi dám chắc chị ấy là trở lực cho tác dụng trực tiếp của Chúa Giêsu nơi linh hồn các em đang sửa soạn rước lễ lần đầu. Chắc bà lấy điều tôi yêu cầu làm phiền lòng. Vậy được! Tôi dàn xếp thế này... Tôi biết chị N... là một linh hồn có đời nội tâm khá, nhưng kém tài. Bà hãy xin Bề Trên Cả sai chị đó đến đây ít lâu. Rồi mỗi giờ dạy giáo lý, cho chị X... đến dạy 15 phút để cho bà khỏi lo các em bỏ học, sau đó, chị X... sẽ rút lui hoàn toàn. Lúc đó, bà sẽ thấy các em biết cầu nguyện, ca hát cách sốt sắng hơn nhiều. Sự cầm trí và vâng lời của chúng sẽ phản chiếu tính cách siêu nhiên hơn. Đó là hàn thử biểu để đo lường."
Nửa tháng sau, bà bề trên cũng nghiệm thấy chị N... dạy giáo lý một mình và số trẻ em lại đông hơn. Lúc này, chính Chúa Giêsu dạy giáo lý qua lời chị. Từ cặp mắt, cử chỉ, tính hiền lành, dịu dàng, cho tới cách làm Dấu Thánh Giá, điệu giọng, tất cả đều phản chiếu Chúa Giêsu.
Chị X... có tài tô điểm, làm những gì buồn tẻ nhất thành ra vui vẻ. Nhưng Chị N... còn đi xa hơn. Đành rằng chị vẫn cố gắng sửa soạn bài, cắt nghĩa và giảng hết sức rõ rệt, nhưng bí quyết trổi vượt trong lời chị giảng bảo, là nhiệm cảm. Chính nhờ nhiệm cảm này, các linh hồn thấy mình được tiếp xúc với Chúa Giêsu.
Trong lớp giáo lý của chị N..., có kém phần vui vẻ nhộn nhịp, ít có những cái nhìn sửng sốt, ít sự say mê thường được gây nên do những bài diễn thuyết vô cùng hấp dẫn của những nhà hùng biện hay là câu truyện rất cảm kích về một cuộc chiến đấu gay go.
Trái lại, với một thái độ chăm chỉ, trầm tĩnh, thiếu nhi ngồi trong lớp như trong thánh đường. Không cần áp dụng phương thế nhân loại nào để giúp chúng khỏi chia trí, chán nản nữa. Vậy ở giữa các em, phải chăng có một sức hấp dẫn huyền nhiệm nào? Chúng tôi dám quả quyết đó là ảnh hưởng do Chúa Giêsu trực tiếp gây ra. Vì một linh hồn nội tâm cắt nghĩa giáo lý, chính là cái đàn huyền cầm vang âm thanh dưới ngón tay nhạc sĩ thần linh. Và không một nghệ thuật gia nào, dầu xuất sắc đến đâu, có thể so sánh với tác dụng của Chúa Giêsu được. (Hồn Tông Đồ)

96. Chết thình lình, không kịp ăn năn tội
Thánh Tôma More có một người bạn sang trọng, nhưng đạo đức lơ là. Thánh khuyên ông này ăn năn trở về với Chúa, nhưng ông cứ nói: "Khi sắp chết, tôi sẽ nói: "Lạy Chúa, xin tha cho con'" và tôi sẽ được tha thứ."
Ngày kia, khi hai người cưỡi hai con ngựa đi ngang qua cầu Luân Đôn, thánh Tôma More thấy con ngựa của ông bạn hất ông vào thành cầu, làm cho đầu ông bị dập. Lúc đó, thánh Tôma More nghe ông bạn thốt ra lời: "Đồ quỷ!", và chết tươi ngay.
Cái chết thường xảy đến rất thình lình. Ta không kịp sửa soạn gì đâu. Và nếu ai đã được sửa soạn, thì đó là một ơn Chúa ban rất quý!

97. Quyết đôi đá cha bể đầu, nhưng sau đó đổi ý
Ngày kia, một vị linh mục đứng giữa công trường của thành phố Philadelphia bên Mỹ. Ngài cổ động cho người ta giúp một công việc từ thiện.
Nghe giảng xong, dân chúng liền cảm động. Nhiều người đem tiền đến dâng cúng.
Một người trac độ ba mươi tuổi, tiến đến gần vị linh mục, vừa quỳ xuống dưới chân ngài, vừa đặt trên mặt đất 12 hòn đá và một vài đồng bạc:
-"Thưa cha - ông đau đớn nói - xin cha hãy nhận lấy của lễ con dâng và xin cha tha tội cho con. Con đến đây với ý định dùng mấy hòn đá này để đôi bể đầu cha. Nhưng Lời Chúa mà cha giảng, đã đánh động lòng con."

98. Học đời, nhưng nhất là, phải học Đạo
Nhà toán học lừng danh thế giới, Ampère tự nói với mình rằng:
"Hãy học những sự vật của thế giới này, đó là bổn phận của tình trạng ngươi, nhưng chỉ nhìn những sự vật này bằng một con mắt mà thôi. Chớ gì con mắt kia của ngươi không ngừng dán chặt vào ánh sáng vĩnh cửu. Ngươi hãy nghe các nhà thông thái, nhưng chỉ nghe một lỗ tai mà thôi, còn lỗ tai kia, hãy luôn luôn sẵn sàng nhận lấy những sự quan trọng dịu dàng của Bạn ngươi ở trên trời. Ngươi chỉ viết một tay thôi, còn tay kia hãy nắm chặt lấy tà áo của Thiên Chúa, giống như người con nắm chặt tà áo của cha mình. Không có sự cẩn mật chú ý đó, chắc chắn cái đầu của ngươi sẽ bị bể ra vì va vào đá."

99. Giây phút cuối đời của nhà đại thi hào Victor Hugo
Nhà đại văn hào này vùng lên một cách tuyệt vọng. Ông giơ những ngón tay nhọn lên trời. Ông hét vang lên: "Đi tìm một linh mục cho ta gặp. Đi tìm một linh mục cho ta gặp." Nhưng không ai đi cả.
Người chứng kiến cảnh hấp hối này lúc đó, vội rút lui, kêu con gái mình lại, rồi nói nhỏ bên tai con: "Cha không muốn chết như thế. Nếu cha lâm bệnh, con hãy đi mời linh mục Monsabré đến cho cha."

100. Quyết giữ vững ngọn đèn đức tin
Thời Thập Tự Quân, một kỵ sỹ bị quân nghịch đạo tấn công, sắp chết.
Trong cơn nguy hiểm đó, ông nhìn lên trời và khấn:
- "Lạy Chúa, nếu con đánh trận còn sống, con sẽ thắp một cây sáp nơi Mồ Chúa và đem nó đỏ về tận nhà."
Ông được thoát nạn.
Giữ lời hứa, ông thắp một cây sáp đỏ nơi mồ Chúa và tìm cách mang nó về tận nhà.
Trên đường về, ông luôn che cho cây nến khỏi tắt vì gió mạnh.
Sắp hết cây nến này, ông thắp cây nến khác.
Cứ thế, ông đem cây nến đỏ về tận nhà như lời đã hứa với Chúa.
Thật là một gương anh dũng.
Cây đèn Đức Tin của chúng ta, trên con đường về Quê Trời, chúng ta phải luôn thắp sáng.
Ma quỷ, xác thịt, thế gian là những luồng gió độc địa đối với Đức Tin. Chúng ta phải luôn che chở Đức Tin, chống lại những luồng gió độc đó.

101. Khi người dạy giáo lý có đời sống nội tâm, chính Chúa Giêsu hướng dẫn họ
Một giáo sĩ điều khiển Hội Dòng Nữ Tu dạy giáo lý, ngày kia nói với bà bề trên sở tại:
- "Thưa bà, tôi nghĩ nên cho chị X...nghỉ dạy giáo lý ít nhất là một năm."
Bà bề trên không đồng ý:
- "Nhưng thưa Cha, Cha quá rõ. Chị X... là người có biệt tài chỉ huy. Với tài khôn khéo, chị đã lôi kéo được các trẻ khắp vùng ngoại ô đấy. Không cho chị ấy dạy giáo lý, tức là bỏ rơi một số lớn thiếu nhi."
Vị giáo sĩ này liền đưa ra nhận xét:
- "Tôi đã ngồi dự lớp giáo lý của chị này dạy rồi. Chị làm cho thiếu nhi ham thích, nhưng bằng phương pháp quá nhân loại. Sau một năm tập lại để được huấn luyện kỹ về đời nội tâm hơn, chị đó sẽ thánh hoá bản thân, và nhờ lòng nhiệt thành, nhờ tài khéo léo, sẽ thánh hoá thiếu nhi. Nhưng hiện tại, tôi dám chắc chị ấy là trở lực cho tác dụng trực tiếp của Chúa Giêsu nơi linh hồn các em đang sửa soạn rước lễ lần đầu. Chắc bà lấy điều tôi yêu cầu làm phiền lòng. Vậy được! Tôi dàn xếp thế này... Tôi biết chị N... là một linh hồn có đời nội tâm khá, nhưng kém tài. Bà hãy xin Bề Trên Cả sai chị đó đến đây ít lâu. Rồi mỗi giờ dạy giáo lý, cho chị X... đến dạy 15 phút để cho bà khỏi lo các em bỏ học, sau đó, chị X... sẽ rút lui hoàn toàn. Lúc đó, bà sẽ thấy các em biết cầu nguyện, ca hát cách sốt sắng hơn nhiều. Sự cầm trí và vâng lời của chúng sẽ phản chiếu tính cách siêu nhiên hơn. Đó là hàn thử biểu để đo lường."
Nửa tháng sau, bà bề trên cũng nghiệm thấy chị N... dạy giáo lý một mình và số trẻ em lại đông hơn. Lúc này, chính Chúa Giêsu dạy giáo lý qua lời chị. Từ cặp mắt, cử chỉ, tính hiền lành, dịu dàng, cho tới cách làm Dấu Thánh Giá, điệu giọng, tất cả đều phản chiếu Chúa Giêsu.
Chị X... có tài tô điểm, làm những gì buồn tẻ nhất thành ra vui vẻ. Nhưng Chị N... còn đi xa hơn. Đành rằng chị vẫn cố gắng sửa soạn bài, cắt nghĩa và giảng hết sức rõ rệt, nhưng bí quyết trổi vượt trong lời chị giảng bảo, là nhiệm cảm. Chính nhờ nhiệm cảm này, các linh hồn thấy mình được tiếp xúc với Chúa Giêsu.
Trong lớp giáo lý của chị N..., có kém phần vui vẻ nhộn nhịp, ít có những cái nhìn sửng sốt, ít sự say mê thường được gây nên do những bài diễn thuyết vô cùng hấp dẫn của những nhà hùng biện hay là câu truyện rất cảm kích về một cuộc chiến đấu gay go.
Trái lại, với một thái độ chăm chỉ, trầm tĩnh, thiếu nhi ngồi trong lớp như trong thánh đường. Không cần áp dụng phương thế nhân loại nào để giúp chúng khỏi chia trí, chán nản nữa. Vậy ở giữa các em, phải chăng có một sức hấp dẫn huyền nhiệm nào? Chúng tôi dám quả quyết đó là ảnh hưởng do Chúa Giêsu trực tiếp gây ra. Vì một linh hồn nội tâm cắt nghĩa giáo lý, chính là cái đàn huyền cầm vang âm thanh dưới ngón tay nhạc sĩ thần linh. Và không một nghệ thuật gia nào, dầu xuất sắc đến đâu, có thể so sánh với tác dụng của Chúa Giêsu được. (Hồn Tông Đồ)

102. Chết thình lình, không kịp ăn năn tội
Thánh Tôma More có một người bạn sang trọng, nhưng đạo đức lơ là. Thánh khuyên ông này ăn năn trở về với Chúa, nhưng ông cứ nói: "Khi sắp chết, tôi sẽ nói: "Lạy Chúa, xin tha cho con'" và tôi sẽ được tha thứ."
Ngày kia, khi hai người cưỡi hai con ngựa đi ngang qua cầu Luân Đôn, thánh Tôma More thấy con ngựa của ông bạn hất ông vào thành cầu, làm cho đầu ông bị dập. Lúc đó, thánh Tôma More nghe ông bạn thốt ra lời: "Đồ quỷ!", và chết tươi ngay.
Cái chết thường xảy đến rất thình lình. Ta không kịp sửa soạn gì đâu. Và nếu ai đã được sửa soạn, thì đó là một ơn Chúa ban rất quý!

103. Quyết đôi đá cha bể đầu, nhưng sau đó đổi ý
Ngày kia, một vị linh mục đứng giữa công trường của thành phố Philadelphia bên Mỹ. Ngài cổ động cho người ta giúp một công việc từ thiện.
Nghe giảng xong, dân chúng liền cảm động. Nhiều người đem tiền đến dâng cúng.
Một người trac độ ba mươi tuổi, tiến đến gần vị linh mục, vừa quỳ xuống dưới chân ngài, vừa đặt trên mặt đất 12 hòn đá và một vài đồng bạc:
-"Thưa cha - ông đau đớn nói - xin cha hãy nhận lấy của lễ con dâng và xin cha tha tội cho con. Con đến đây với ý định dùng mấy hòn đá này để đôi bể đầu cha. Nhưng Lời Chúa mà cha giảng, đã đánh động lòng con."

104. Học đời, nhưng nhất là, phải học Đạo
Nhà toán học lừng danh thế giới, Ampère tự nói với mình rằng:
"Hãy học những sự vật của thế giới này, đó là bổn phận của tình trạng ngươi, nhưng chỉ nhìn những sự vật này bằng một con mắt mà thôi. Chớ gì con mắt kia của ngươi không ngừng dán chặt vào ánh sáng vĩnh cửu. Ngươi hãy nghe các nhà thông thái, nhưng chỉ nghe một lỗ tai mà thôi, còn lỗ tai kia, hãy luôn luôn sẵn sàng nhận lấy những sự quan trọng dịu dàng của Bạn ngươi ở trên trời. Ngươi chỉ viết một tay thôi, còn tay kia hãy nắm chặt lấy tà áo của Thiên Chúa, giống như người con nắm chặt tà áo của cha mình. Không có sự cẩn mật chú ý đó, chắc chắn cái đầu của ngươi sẽ bị bể ra vì va vào đá."

105. Giây phút cuối đời của nhà đại thi hào Victor Hugo
Nhà đại văn hào này vùng lên một cách tuyệt vọng. Ông giơ những ngón tay nhọn lên trời. Ông hét vang lên: "Đi tìm một linh mục cho ta gặp. Đi tìm một linh mục cho ta gặp." Nhưng không ai đi cả.
Người chứng kiến cảnh hấp hối này lúc đó, vội rút lui, kêu con gái mình lại, rồi nói nhỏ bên tai con: "Cha không muốn chết như thế. Nếu cha lâm bệnh, con hãy đi mời linh mục Monsabré đến cho cha."

106. Quyết giữ vững ngọn đèn đức tin
Thời Thập Tự Quân, một kỵ sỹ bị quân nghịch đạo tấn công, sắp chết.
Trong cơn nguy hiểm đó, ông nhìn lên trời và khấn:
- "Lạy Chúa, nếu con đánh trận còn sống, con sẽ thắp một cây sáp nơi Mồ Chúa và đem nó đỏ về tận nhà."
Ông được thoát nạn.
Giữ lời hứa, ông thắp một cây sáp đỏ nơi mồ Chúa và tìm cách mang nó về tận nhà.
Trên đường về, ông luôn che cho cây nến khỏi tắt vì gió mạnh.
Sắp hết cây nến này, ông thắp cây nến khác.
Cứ thế, ông đem cây nến đỏ về tận nhà như lời đã hứa với Chúa.
Thật là một gương anh dũng.
Cây đèn Đức Tin của chúng ta, trên con đường về Quê Trời, chúng ta phải luôn thắp sáng.
Ma quỷ, xác thịt, thế gian là những luồng gió độc địa đối với Đức Tin. Chúng ta phải luôn che chở Đức Tin, chống lại những luồng gió độc đó.

107. Khi người dạy giáo lý có đời sống nội tâm, chính Chúa Giêsu hướng dẫn họ
Một giáo sĩ điều khiển Hội Dòng Nữ Tu dạy giáo lý, ngày kia nói với bà bề trên sở tại:
- "Thưa bà, tôi nghĩ nên cho chị X...nghỉ dạy giáo lý ít nhất là một năm."
Bà bề trên không đồng ý:
- "Nhưng thưa Cha, Cha quá rõ. Chị X... là người có biệt tài chỉ huy. Với tài khôn khéo, chị đã lôi kéo được các trẻ khắp vùng ngoại ô đấy. Không cho chị ấy dạy giáo lý, tức là bỏ rơi một số lớn thiếu nhi."
Vị giáo sĩ này liền đưa ra nhận xét:
- "Tôi đã ngồi dự lớp giáo lý của chị này dạy rồi. Chị làm cho thiếu nhi ham thích, nhưng bằng phương pháp quá nhân loại. Sau một năm tập lại để được huấn luyện kỹ về đời nội tâm hơn, chị đó sẽ thánh hoá bản thân, và nhờ lòng nhiệt thành, nhờ tài khéo léo, sẽ thánh hoá thiếu nhi. Nhưng hiện tại, tôi dám chắc chị ấy là trở lực cho tác dụng trực tiếp của Chúa Giêsu nơi linh hồn các em đang sửa soạn rước lễ lần đầu. Chắc bà lấy điều tôi yêu cầu làm phiền lòng. Vậy được! Tôi dàn xếp thế này... Tôi biết chị N... là một linh hồn có đời nội tâm khá, nhưng kém tài. Bà hãy xin Bề Trên Cả sai chị đó đến đây ít lâu. Rồi mỗi giờ dạy giáo lý, cho chị X... đến dạy 15 phút để cho bà khỏi lo các em bỏ học, sau đó, chị X... sẽ rút lui hoàn toàn. Lúc đó, bà sẽ thấy các em biết cầu nguyện, ca hát cách sốt sắng hơn nhiều. Sự cầm trí và vâng lời của chúng sẽ phản chiếu tính cách siêu nhiên hơn. Đó là hàn thử biểu để đo lường."
Nửa tháng sau, bà bề trên cũng nghiệm thấy chị N... dạy giáo lý một mình và số trẻ em lại đông hơn. Lúc này, chính Chúa Giêsu dạy giáo lý qua lời chị. Từ cặp mắt, cử chỉ, tính hiền lành, dịu dàng, cho tới cách làm Dấu Thánh Giá, điệu giọng, tất cả đều phản chiếu Chúa Giêsu.
Chị X... có tài tô điểm, làm những gì buồn tẻ nhất thành ra vui vẻ. Nhưng Chị N... còn đi xa hơn. Đành rằng chị vẫn cố gắng sửa soạn bài, cắt nghĩa và giảng hết sức rõ rệt, nhưng bí quyết trổi vượt trong lời chị giảng bảo, là nhiệm cảm. Chính nhờ nhiệm cảm này, các linh hồn thấy mình được tiếp xúc với Chúa Giêsu.
Trong lớp giáo lý của chị N..., có kém phần vui vẻ nhộn nhịp, ít có những cái nhìn sửng sốt, ít sự say mê thường được gây nên do những bài diễn thuyết vô cùng hấp dẫn của những nhà hùng biện hay là câu truyện rất cảm kích về một cuộc chiến đấu gay go.
Trái lại, với một thái độ chăm chỉ, trầm tĩnh, thiếu nhi ngồi trong lớp như trong thánh đường. Không cần áp dụng phương thế nhân loại nào để giúp chúng khỏi chia trí, chán nản nữa. Vậy ở giữa các em, phải chăng có một sức hấp dẫn huyền nhiệm nào? Chúng tôi dám quả quyết đó là ảnh hưởng do Chúa Giêsu trực tiếp gây ra. Vì một linh hồn nội tâm cắt nghĩa giáo lý, chính là cái đàn huyền cầm vang âm thanh dưới ngón tay nhạc sĩ thần linh. Và không một nghệ thuật gia nào, dầu xuất sắc đến đâu, có thể so sánh với tác dụng của Chúa Giêsu được. (Hồn Tông Đồ)

108. Chết thình lình, không kịp ăn năn tội
Thánh Tôma More có một người bạn sang trọng, nhưng đạo đức lơ là. Thánh khuyên ông này ăn năn trở về với Chúa, nhưng ông cứ nói: "Khi sắp chết, tôi sẽ nói: "Lạy Chúa, xin tha cho con'" và tôi sẽ được tha thứ."
Ngày kia, khi hai người cưỡi hai con ngựa đi ngang qua cầu Luân Đôn, thánh Tôma More thấy con ngựa của ông bạn hất ông vào thành cầu, làm cho đầu ông bị dập. Lúc đó, thánh Tôma More nghe ông bạn thốt ra lời: "Đồ quỷ!", và chết tươi ngay.
Cái chết thường xảy đến rất thình lình. Ta không kịp sửa soạn gì đâu. Và nếu ai đã được sửa soạn, thì đó là một ơn Chúa ban rất quý!

109. Quyết đôi đá cha bể đầu, nhưng sau đó đổi ý
Ngày kia, một vị linh mục đứng giữa công trường của thành phố Philadelphia bên Mỹ. Ngài cổ động cho người ta giúp một công việc từ thiện.
Nghe giảng xong, dân chúng liền cảm động. Nhiều người đem tiền đến dâng cúng.
Một người trac độ ba mươi tuổi, tiến đến gần vị linh mục, vừa quỳ xuống dưới chân ngài, vừa đặt trên mặt đất 12 hòn đá và một vài đồng bạc:
-"Thưa cha - ông đau đớn nói - xin cha hãy nhận lấy của lễ con dâng và xin cha tha tội cho con. Con đến đây với ý định dùng mấy hòn đá này để đôi bể đầu cha. Nhưng Lời Chúa mà cha giảng, đã đánh động lòng con."

110. Chỉ một mình Chúa Giêsu là Đấng đã thắng cái chết.
Khi còn sống, Chúa Giêsu nói rõ: "Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình." (Ga 10,18)
Và Chúa Giêsu còn đưa ra một lời tiên tri táo bạo về sự sống lại của Ngài: "Thầy bị giết, nhưng ngày thứ ba, Thầy sẽ sống lại." (Mt 16,21)
Trên núi Canvariô, quân nghịch nhạo cười Chúa Giêsu đang hấp hối trên thập giá: "Ông Kitô vua Israen ấy, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng ta thấy và tin." (Mc 15,32) Chúa Giêsu im lặng, không trả lời.
Đối với Chúa Giêsu lúc đó, xuống khỏi thập giá cũng dễ dàng như khi Ngài ra lệnh cho bão táp lặng im, cho người bất toại bước đi, cho Ladarô sống lại sau khi đã chôn nhiều ngày trong mồ. Nhưng Chúa Giêsu muốn dành cho loài người chúng ta một sự lạ lùng vĩ đại hơn nhiều: Ngài muốn chết như mọi người trong chúng ta, bị đem chôn chặt trong mồ, để rồi từ trong ngôi mộ - ngôi mộ mà từ xưa đến nay, và từ nay cho đến tận thế, đè bẹp tất cả những ai nằm trong đó, không cho ai ngóc đầu chổi dậy - Ngài tung mồ sống lại sau khi chết chôn ba ngày trong đó.
Vì Chúa Giêsu là Con Đức Chúa Trời!

111. Phương thế linh diệu để thắng các cơn cám dỗ
Một thanh niên truỵ lạc đến gặp cha Philiphê Nêri và thú thật:
- "Lạy cha, con muốn sửa mình mà không thể được. Các cơn cám dỗ mạnh quá, mạnh hơn con nhiều."
Cha Philiphê khuyên:
- "Con hãy can đảm. Mỗi ngày, con đọc một kinh "Lạy Nữ Vương", và suy đến cái chết. Con tưởng tượng khi con chết, thân xác con nằm dưới đất, đôi mắt con lúc đó thối tha, xác thịt con lúc đó hôi hám, lỗ miệng con lúc đó đầy sâu bọ, và con nói: "Vì những cái như thế nầy mà tôi mà tôi mất thiên đàng à!"
Chàng thanh niên vâng lời, thực hiện lời khuyên của cha Philiphê.
Chàng giữ lời hứa.
Chàng thắng được các cơn cám dỗ một lần, ... hai lần, ... nhiều lần, và ... suốt đời.

112. Thời giờ ở trong tay Chúa.
Một ông chủ nhà băng người Anh rất giàu. Ông đau bệnh màng óc.
Bác sĩ danh tiếng được mời đến khám bệnh, lạnh lùng nói:
- "Ngài không sống được ba giờ nữa!"
Người bệnh yêu cầu:
- "Xin bác sĩ làm thế nào cho tôi sống được tới mai để tôi thanh toán các công việc. Tôi sẽ thưỏng bác sĩ mười vạn đồng."
Bác sĩ danh tiếng, lắc đầu, bất lực:
- "Thưa ngài, bác sĩ chúng tôi có thể cho toa để ngài đi mua thuốc, nhưng bác sĩ chúng tôi không bán thời giờ được. Thời giờ ở trong tay Chúa."

113. Người đời thật độc ác với nhau là dường nào!
Lẽ sống của người đời là ăn uống no say.
Hạnh phúc của người đời là giàu sang phú quý.
Đối xử với nhau thì người đời lấy sự hận thù ghen ghét: "Ngoài miệng thì nói hoà bình ngon ngọt với người lân cận, nhưng trong lòng thì lại gài bẫy để hạ bệ nhau". (Giêrêmia 9,8)
Nếu có yêu nhau thì người đời yêu một cách mù quáng: yêu ai thì nói quá ư, ghét ai nói thiếu nói thừa như không.
Nếu có phán đoán thì người đời ăn nói hồ đồ, xuyên tạc: có ít xít ra nhiều, việc bé xé ra to.
Người đời lại xoi tì, nói xấu nhau không gớm miệng: vạch là tìm sâu, bới lông tìm vết.
Sống đã ghét nhau rồi nhưng đôi khi đã chết, người đời vẫn còn ghét nhau thậm tệ. Báo Osservatore della Domenica ra ngày 10.12.1961, có đăng một câu chuyện được tóm như sau: Bên Mỹ, cách đây 15 năm, một bà kia sắp chết, tỏ ý không muốn được chôn trong nghĩa địa vì ở đó có xác những kẻ bà ta đã từng cải lộn. Khi bà chết, người con gái liền thi hành ý muốn đó: dấu mẹ trong một tủ sắt. Bây giờ người ta mới biết được chuyện nầy và cảnh sát liền bắt đem đi chôn.
Người đời thật độc ác với nhau là dường nào!

114. Chúa Giêsu ôm cứng tên trộm!
Trong một ngôi đền thờ ở miền Bayern, Đức, có một tượng Thánh Giá rất lạ: đôi tay Chúa Giêsu không giăng ra để bị đóng đinh, nhưng lại xoè ra như muốn ôm lấy một cái gì.
Người ta truyền tụng câu truyện sau đây.
Số là vào một đêm âm u tối tăm, trong khi nhà thờ đã đóng hết cửa và chỉ có chút ánh sáng leo lét của cây đèn Nhà Tạm, thì một tên trộm đào ngạch chun vào nhà thờ.
Khi vào được Nhà Thờ, tên trộm chăm chăm nhìn lên Chúa Giêsu đang bị treo trên Cây Thánh Giá, không phải vì nó tỏ lòng ăn năn tội lỗi nó đã phạm, nhưng vì nó thấy trên đầu Chúa Giêsu, người ta có đặt một mũ triều thiên bằng vàng chạm ngọc.
- "Ta sẽ lấy chiếc mũ triều thiên nầy - tên trộm nói - ta sẽ được giàu sang sung sướng."
Tên trộm trèo lên bàn thờ, vói tay định lấy mũ triều thiên, thì hãi hùng làm sao, trong khi tên trộm đưa tay ra định lấy, thì hai tay của Chúa Giêsu cũng rời khỏi hai lỗ đinh và ôm choàng lấy nó.
Bị ôm cứng thình lình, tên trộm không kịp phản ứng, và dầu rất mạnh, nó vẫn không thể nào vùng vẫy được vì hai tay của Chúa Giêsu ôm nó quá chặt.
Tên trộm nhìn vào cặp mắt của Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu cũng nhìn vào cặp mắt của tên trộm.
Ba giờ trôi qua: ba giờ Chúa Giêsu và tên trộm nói chuyện thì thào với nhau trên Cây Thánh Giá.
Sau cùng, tên trộm khóc. Nó đau buồn vì đã phạm tội làm mất lòng Chúa. Nó hứa chừa tội. Nó xưng tội với Chúa Giêsu. Nó ôm chặt Chúa Giêsu để tỏ lòng ăn năn thống hối. Chúa Giêsu ôm chặt lấy nó để tỏ lòng yêu thương tha thứ...

115. Vì sao khi sắp chết, người tông đồ run sợ?
Nếu người tông đồ biết sống đời nội tâm, họ chắn chắn sẽ tránh được những sai phạm đáng tiếc. Chỉ khi nào phế bỏ đời sống nội tâm, họ mới sa xuống hố trụy lạc mà thôi.
Linh mục Lallement đã tìm hiểu lý do phát sinh những tấn thảm kịch của người tông đồ khi nói:
- "Có một số tông đồ hình như không biết hoạt động vì Chúa, họ chỉ biết tìm mình, hễ làm việc chi là họ tìm tư lợi hơn là vinh danh Thiên Chúa, vì vậy, hoạt động của họ đã diễn ra trong sự pha trộn hai đời sống thiên nhiên và siêu nhiên. Nhưng khi tử thần xuất hiện, họ mới mở mắt ra, biết mình đã lạc đường sai hướng và bắt đầu run sợ vì thấy mình sắp sửa phải điệu đến trước Toà án chí công của Thiên Chúa."X. Hồn Tông Đồ)

116. Trong Thánh Kinh, chúng ta thấy tội lỗi có mặt khắp nơi
Trong thời ông Noê, tội lỗi của loài người quá làm mất lòng Chúa. Chúa cho lụt hồng thủy tiêu diệt. Lúc đó, chỉ có tám người được cứu thoát vì không rơi vào sa đọa chung.
Trong thời ông Abraham, cả hai thành Xôđôma và Gômôra đông đúc nhưng không tìm ra được mười người lành thánh, vì thế, cơn thịnh nộ của Chúa nổi lên, và hai thành nầy phải bị tiêu diệt.
Trong sa mạc, mặc dầu được Thiên Chúa đặc biệt nâng đỡ bảo vệ, mặc dầu được Ngài ban cho muôn vàn ân huệ, Dân Riêng của Chúa vẫn phạm nhiều tội lỗi, đến đổi Chúa phải than rằng: "Trong bốn mươi năm trường, Ta đã chán dòng giống ấy."

117. Thà mắc bệnh phung hủi hơn là phạm một tội trọng
Ở đời nầy, một trong những điều đáng ghê tởm nhất, là bệnh phung hủi.
Người mắc bệnh phung hủi là kẻ sống cũng như chết. Mình mẩy họ đầy máu mủ hôi thối. Họ dần dần mất tay mất chân. Lỗ mũi của họ cũng bị đục khoét thành một lỗ sâu. Lỗ miệng của họ dần dần biến thành một lỗ hổng to lớn. Đôi mắt của họ dần dần biến thành hai lỗ to sâu hoắm. Hai lỗ tai của họ cũng dần dần biến mất.
Ôi thật là gớm ghiếc, ghê tởm!
Thế mà, một ngày kia, khi đi dạo chơi với một quan cận thần thân tín, tình cờ gặp một người phung hủi giữa đường, vua thánh Lu-y cất tiếng hỏi:
- "Nầy khanh, khanh ưng gì? Ưng phạm tội trọng làm mất lòng Chúa hay là ưng mắc bệnh phung hủi?"
Quan cận thần nầy không suy nghĩ gì, đáp lại ngay:
- "Tâu bệ hạ, hạ thần thà phạm ba mươi tội trọng còn hơn là phải mắc bệnh phung hủi gớm ghiếc đó."
Vua thánh Lu-y liền quở trách ông quan nầy rằng:
- "Khanh nói gì như một người điên vậy. Đối với trẩm, trẩm thà mắc bệnh phung hủi ba mươi lần, còn hơn là phạm một tội trọng làm mất lòng Chúa. Khanh nên nhớ rằng đối với linh hồn chúng ta, tội lỗi là bệnh nặng nề và ghê tởm hơn bệnh phung hủi đối với phần xác muôn ngàn lần."

118. Tôi không sợ bệnh phung hủi, tôi chỉ sợ tội.
Trong vòng bốn tháng, thánh nữ Françoise de Chantal tự tay săn sóc một bệnh nhân phung hủi nghèo.
Người ta can ngăn thánh nữ vì sợ thánh nữ lây bệnh phung. Thánh nữ xác tín trả lời:
- "Tôi không sợ bệnh phung, tôi chỉ sợ tội."

119. Thật tình ăn năn trở về với Chúa
Sau khi phạm tội, nếu ta thật tình ăn năn trở về với Chúa, ta sẽ được Chúa thứ tha.
Thật tình ăn năn tội mình đã phạm, là có lòng chê ghét tội lỗi và cương quyết chừa bỏ tội lỗi.
Kẻ ăn năn tội mình đã phạm, rồi sau đó phạm lại một cách dễ dàng, không chịu cố gắng sửa mình cho tốt hơn, không cương quyết xa lánh tội lỗi, kẻ đó chưa có lòng ăn năn tội thật.
Thánh Ixiđôrô dạy: "Ta giả hình, ta không ăn năn tội cho thật, nếu ta tiếp tục làm điều xấu mà ta đã hối tiếc."
Thánh Bênađô dạy: "Kẻ thật tình trở về với Chúa, là kẻ biết dứt bỏ lòng mình khỏi những điều trần gian tội lỗi chóng qua nầy."
Gương của kẻ đã phạm tội rất nặng, làm mất lòng Chúa rất nhiều, nhưng đã có lòng ăn năn tội thật, là vua Đavít.
Vua Đavít không tìm cách bàu chữa tội mình đã phạm: "Con nhận biết tội mình, và lỗi lầm con hiện ra luôn trước mắt. Con đã phạm tội đến Chúa, con đã làm điều ác trước thiên nhan Ngài."
Vua Đavít hết lòng trông cậy vào lượng từ bi hải hà của Chúa: "Lạy Chúa, xin thương xót con theo lượng từ bi của Chúa, xin xóa sạch tội con theo lòng nhân từ bao la của Chúa."
Vua Đavít thành thật ăn năn thống hối bên trong: "Chúa không thích gì lễ vật con dâng lên Chúa, lễ vật toàn thiêu, Chúa cũng chẳng màng; lễ dâng lên Chúa, phải là tâm hồn thống hối ăn năn, chính tâm hồn thống hối ăn năn nầy là điều Chúa muốn".
Vua Đavít không những cầu xin Chúa tha tội cho mình, mà còn cầu xin Chúa cho mình được nên trong sạch, được nên thánh hơn, được nên mạnh mẽ hơn: "Lạy Chúa, xin tạo cho con một tấm lòng trong sạch, xin ban cho con một thần trí vững vàng."

120. Đấng quyền năng đang ngủ trong thuyền đời của chúng ta
Chúa Giêsu đang ngủ trong thuyền đời của chúng ta.
Khi thuyền đời chúng ta chòng chành nguy hiểm, sắp bị gió bão đánh chìm, chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện để đánh thức Chúa Giêsu dậy.
Chúa Giêsu sẽ ngăm đe gió bão và ra lệnh cho sóng biển - sóng buồn phiền, sóng đau khổ, sóng bất công, sóng thất vọng - phải im, để chúng ta, gia đình chúng ta, cộng đoàn chúng ta, giáo xứ chúng ta, giáo phận chúng ta và Giáo Hội chúng ta được bằng an.

121. Tôi thắng trận là nhờ sự can đảm của các binh sĩ công giáo
Công tước Wellington là người thắng trậnWaterloo danh tiếng: đánh bại Nã Phá Luân.
Một ngày kia, trong Hạ Viện Anh, vị tướng nầy đứng lên, phát biểu những lời mạnh mẽ như sau:
- "Kính thưa quý ngài, quý ngài đã đặt lên đầu tôi những vòng nguyệt quế vinh hiển, nhưng các ngài đừng quên rằng chính nhờ vào sự can đảm của các binh sĩ công giáo mà tôi có được những cuộc thắng trận mà vì đó, tôi được các ngài thưởng rất bội hậu."
Lời phát biểu của một vị tướng hết sức dang tiếng và đầy công nghiệp nghiệp nầy làm cho các nghị viên Tin Lành cảm động. Và từ đó, Hạ Viện Anh không còn đưa ra những gì làm thiệt hại cho đời sống các binh sĩ công giáo nữa.

122. Sống theo nguyên tắc nhưng vẫn tỏ lòng nhân từ
Một trong những Giám mục nước Pháp, vốn có tính cương quyết trên phương diện bảo toàn các nguyên tắc, mới đây, đã đích thân thăm viếng các gia đình có tang vì chiến cuộc trong thị xã.
Tự đồng hoá với mọi người, ngài an ủi một tín đồ Thệ Phản đang khóc sướt mướt vì đứa con tử trận. Ngài nói với ông những lời cảm khích, phân ưu.
Xúc động tâm lý sâu xa vì cử chỉ bác ái khiêm nhượng đó, người Thệ Phản nầy thú nhận: "Sao một vị Giám Mục, dòng dõi sang trọng, học thức uyên thâm như thế, lại chiếu cố tới ngôi nhà hèn hạ chúng tôi, không kể chi tôn giáo bất đồng. Cử chỉ ngôn ngữ của ngài khiến tôi rất cảm động."
Trong khi thuật lại câu truyện nầy, một kỹ nghệ gia còn nói thêm: "Đối với tôi, người Thệ Phản đó đã trở lại được một nửa rồi. Dầu sao, nhờ đức nhân từ, vị Giám Mục đã chinh phục được nhân tâm mau chóng hơn những lời tranh luận sôi nổi nhiều phần." (x. Hồn Tông Đồ)

123. Đó là một tai hại lớn lao!
Người ta thường khen giáo dân xứ nọ họ kia là tốt, khi thấy con chiên có thói quen kính chào vị linh mục, thưa gởi câu truyện cách lễ phép, có thiện cảm, sẵn sàng giúp đỡ ngài, nhưng trên thực tế, phần đông giáo dân lại bỏ dự lễ Chúa Nhựt để đi làm việc xác, không mấy khi chịu các Phép Bí Tích, không chịu khó tìm hiểu giáo lý, đàng khác, lại thích ăn uống chơi bời, nói phạm thượng và ăn ở bê tha.
Thật là đáng tiếc! Những người như thế, không đáng gọi là giáo hữu nữa mới phải! Thế mà người ta lại ca tụng rùm beng!
Hỡi các vị tông đồ, chúng ta phàn nàn than trách vì những kết quả đó, nhưng đáng lẽ chúng ta phải tự trách vì đã không lui tới Trường Cao Đẳng Chúa Cứu Thế đã tổ chức để huấn luyện các nhà truyền giáo. Chúng ta đã không biết đến múc nước bởi chính nguồn sinh lực, là Phép Thánh Thể, để học biết Lời Hằng Sống. Vì thế, Thiên Chúa đã không muốn dùng miệng lưỡi chúng ta để nói lên những Lời Hằng Sống. Đó là một tai hại lớn lao! (Hồn Tông Đồ)

124. Nếu chúng ta sống trong ơn nghĩa của Chúa, chúng ta không có gì để sợ.
Vua Henri IV thường đi ra khỏi cung một mình, không có cận vệ.
Nhiều quan trong triều khuyên vua đừng đi như vậy. Nhà vua trả lời: "Sự sợ hải không được đi vào trong tâm hồn của một vì vua. Khi thức dậy cũng như lúc đi ngủ, trẫm phó thác cho Chúa. Trẫm ở trong tay của Chúa."
Ý vua Henri IV muốn dạy chúng ta bài học tín thác vào Chúa là Cha: nếu chúng ta sống trong ơn nghĩa của Chúa, chúng ta không có gì để sợ.

125. "Hoặc là chịu đau khổ hoặc là chết"
Đó là khẩu hiệu của nữ thánh Têrêxa thành Avila (1515-1582).
Têrêxa sống cuộc đời rất hy sinh. Têrêxa muốn dạy mọi người chúng ta bài học: sống không hy sinh thì không đáng sống. Vì thế, vị nữ thánh này đưa ra khẩu hiệu sống cho mình: "Hoặc là chịu đau khổ, hoặc là chết!"

126. Thánh Xyprianô run sợ ngày Chúa phán xét.
Thánh Xyprianô, giám mục thành Carthage, bị quan thủ trấn Galêriô bắt xử tử vì Đạo: chặt đầu. Nghe vậy, thánh nhân sung sướng cất lời tạ ơn Chúa.
Nhưng khi ra pháp trường và sắp bị chặt đầu, thánh Xyprianô lại run sợ quá chừng, hai tay ôm mặt lại và than lên: "Khốn cho tôi vì tôi sắp phải ra trước Toà Chúa phán xét!"
Thánh nhân sốt sắng cầu nguyện. Sau đó, ngài mới cảm thấy đủ sức mạnh mà chịu tử đạo.

127. Thánh Hiêrônimô luôn nghĩ đến Ngày Phán Xét Chung.
Thánh Hiêrônimôtin rằng Thánh Địa là nơi sẽ xảy ra cuộc Phán Xét Chung, vì thế, ngài hy sinh qua ở ngay tại Thánh Địa, đêm ngày ăn chay, cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, nhớ đến Ngày Tận Thế, nhớ Ngày Chúa phán xét chung, để nhắc nhở mình phải luôn luôn sống trong sự ăn năn thống hối và đền tội.

128. Tất cả chúng ta hãy cùng nhau hát kinh Sáng Danh!
Thánh Phanxicô Salêsiô, khi còn nhỏ, thường dừng lại cuộc chơi với các bạn và đưa các bạn vào nhà thờ, đến nơi giếng rửa tội.
Khi cùng các bạn đứng vây quanh Giếng Rửa Tội, Phanxicô Salêsiô nói những lời như sau:
- "Các bạn, đây là nơi thân yêu nhất của chúng ta vì tại nơi đây mà chúng ta được trở thành con Chúa. Tất cả chúng ta hãy cùng nhau hát kinh Sáng Danh!"
129. Tâm sự của người con gái của Karl Marx
Người con gái của Karl Marx có lần tâm sự với một người bạn như sau:
"Tôi lớn lên mà không hề biết đến bất cứ tôn giáo nào. Tôi cũng không tin tưởng Thiên Chúa. Thế rồi tình cờ, tôi đọc được một quyển sách trong đó, có lời kinh khác lạ. Tôi đọc hết lời kinh ấy và tự nhủ: nếu quả thật Thiên Chúa của lời kinh đó hiện hữu, tôi nghĩ rằng tôi có thể tin Ngài được."
Người bạn hỏi cho biết đó là lời kinh nào.
Người con gái của Karl mới từ từ đọc Kinh Lạy Cha. (Hạt Giống Nẩy Mầm - tập 6)

130. Những cách hiện diện của Chúa Giêsu sau khi Ngài về trời:
Chúa Giêsu ngự về trời trong biến cố Thăng Thiên, không có nghĩa là Ngài chấm dứt sự hiện diện với chúng ta, hay là vĩnh viễn xa lìa chúng ta.
Chúa Giêsu không bao giờ để chúng mình mồ côi đâu!
Khi Chúa Giêsu lên trời, Ngài chỉ thay đổi cách hiện diện của Ngài mà thôi: Ngài không còn ở lại với chúng ta bằng chính thân xác Phục Sinh vinh hiển của Ngài, nhưng qua các cách thế hiện diện mới, Ngài vẫn ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.
- hiện diện trong Bí tích Thánh Thể: "Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy" (Ga 6,56).
- hiện diện trong Giáo Hội: "Ai nghe các con, là nghe Ta" (Lc 10,16).
- hiện diện trong Cộng đoàn: "Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đó, giữa họ" (Mt 18,20).
- hiện diện trong những hành vi bác ái: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy" (Mt 25,40).
- hiện diện trong những người đói, khát, khách lạ, trần truồng, đau yếu, ngồi tù, ... (x. Mt 25,42-43)
Linh mục Nguyễn Hài Đồng
(Sưu Tập tại trang thanhcavietnam.mobi/DDTNCG)

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang