Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Hai chữ cám ơn


Người đăng: DangTrinh | 07.07.2012
 
Trên con đường đèo, vì trời mưa nên mặt đường bị sụp lở, bác tài xế không nhìn rõ bảng cắm báo nguy hiểm. Khi xe lao tới, muốn phanh gấp cũng không kịp. Cả bánh trước bên phải bắt đầu lún, mà bên dưới lại là vực sâu mấy trăm mét. Một công nhân bảo vệ đang sửa đường ở bên cạnh đã vội vã chạy tới, cầm xà beng trong tay, ghì chặt bánh xe. Hơn hai mươi hành khách trên xe thoát nạn, nhưng người công nhân bảo vệ thì ngất xỉu, bị dập nát một chân và phải cắt bỏ. Chỉ tiếc rằng hơn hai chục hành khách được cứu sống hôm đó, không một ai đã tìm đến anh để nói lời cám ơn.
Có một em nhỏ đã viết cho mẹ như sau: “Mỗi ngày con quét nhà cho mẹ, mẹ thiếu con năm ngàn. Con đi chợ mua hàng cho mẹ, mẹ thiếu con năm ngàn. Ký tên: Người con luôn vâng lời mẹ. Đọc xong mẩu giấy ấy, người mẹ đã trả lời như sau: Mẹ đã cưu mang con trong cực khổ suốt chín tháng mười ngày, không tính tiền. Mẹ đã chăm sóc con mỗi khi con đau yếu, không tính tiền. Mẹ đã nuôi dưỡng con cho đến ngày hôm nay, không tính tiền. Tổng cộng: Không một đồng nào. Ký tên: Người mẹ luôn yêu thương con.

Người Việt Nam chúng ta vốn có truyền thống biết ơn: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/Ăn gạo nhớ kẻ đâm, xay, giần, sàng.
Lòng biết ơn cũng thường được biểu lộ bằng những hành động cụ thể. Chẳng hạn như trong dịp đầu năm: Mồng một tết cha, mồng hai tết chú, mồng ba tết thầy. Ngoài ra, cha ông chúng ta còn từng dạy: Làm ơn đừng nhớ làm chi/Chịu ơn nên chớ quên đi mới là.
Một khi đã nhận ơn của ai, chúng ta có bổn phận phải biết ơn và cám ơn người ấy. Nếu không biết ơn và cám ơn, thì có lẽ còn thua xa con vật. Đúng thế, nhiều người vốn thích chó, vì chó là một con vật biết ơn. Mỗi khi ném cho một mẩu xương, nó liền tỏ vẻ biết ơn bằng cách vẫy đuôi. Mỗi khi đi đâu về, nó liền mừng rỡ và quấn quít bên chân chúng ta.
Chính vì thế, người ta thường bảo: Hoa trái tốt đẹp nhất trên trái đất này, chính là lòng biết ơn. Kinh nghiệm cho thấy: Thái quá thì bất cập. Thế nhưng, La Bruyère lại cho rằng: Ở trên đời này, không có sự thái quá nào tốt đẹp cho bằng sự thái quá của lòng biết ơn. Tuy nhiên, sự biết ơn không phải chỉ được ấp ủ trong lòng, mà còn phải được nói ra ngoài miệng và phải được chứng thực bằng những việc làm cụ thể, như người Tây Ban Nha vốn thường bảo: Làm ơn thì nín, thọ ơn thì nói.
Gã xin đưa ra một thí dụ, chẳng hạn người con nào mà chẳng xác tín về ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, nhưng niềm xác tín này cần phải được biểu lộ ra bên ngoài bằng những lời nói trọng kính “trình thưa vâng dạ”, cũng như bằng việc vâng lời và giúp đỡ. Trong khuôn khổ bài viết hôm nay, gã chỉ xin đề cập tới hai chữ “cám ơn”.
Mặc dù mang nặng truyền thống biết ơn, nhưng người Việt ta xem ra hay quên, hoặc ngại nói lên hai tiếng “cám ơn” trong sinh hoạt thường ngày. Một tác giả nào đó đã viết: Một sự kiện làm chúng ta phải ngạc nhiên không ít, đó là một số người Việt Nam từ nước ngoài trở về thăm quê hương, dầu cố gắng che giấu đến đâu cái tông tích Việt kiều của mình, họ vẫn cứ bị lộ ra. Và oái oăm thay, cái tông tích ấy được thể hiện không phải qua cách mua sắm tiêu xài, hay qua phục sức áo quần, mà gắn liền với một chi tiết rất tầm thường. Người ta nhận ra họ bởi vì họ là những người luôn miệng nói lên hai tiếng “cám ơn”. Nếu quả thực hai tiếng cám ơn đã trở thành quí hiếm trên môi miệng người Việt Nam hiện nay, thì phải chăng đó là một lời báo động đáng lo ngại. Đó có thể là dấu chỉ của sự khô cạn tình người trong xã hội chúng ta. Khi ơn nghĩa đã bị chối bỏ, thì dĩ nhiên sự ràng buộc về tình người cũng trở thành mong manh. Và khi tình người bị chối bỏ, thì nhiều lãnh vực khác cũng sẽ bị lung lay và sụp đổ. Sở dĩ như vậy là vì những người Việt Nam sống ở nước ngoài tiếp xúc thường xuyên với người phương Tây, nên cũng lây nhiễm phần nào nét đẹp văn hóa của họ.
Đúng thế, những tiếng vốn được người phương Tây sử dụng nhiều nhất là “xin lỗi” và “cám ơn”. Dân Pháp thì luôn miệng nói “pardon” và “merci”. Còn dân Ăng lê thì động một tí là “sorry” và “thank you”. Thói quen tốt đẹp này có được là do sự giáo dục từ trong gia đình. Có người đã tổng kết được mười mấy chữ quan trọng trong việc giáo dục trẻ em ở phương Tây, đó là cám ơn, chào ông bà, xin lỗi, phiền ông bà, tạm biệt, xin mời. Trong đó đứng đầu là hai tiếng “cám ơn”. Như vậy, họ đã dạy cho con em biết cảm động, không được thờ ơ nhìn sự giúp đỡ và làm ơn của người khác.
Từ đó, gã suy ra rằng lòng biết ơn và tình yêu mến luôn đi song song và tỷ lệ thuận với nhau. Lòng biết ơn sẽ sinh ra tình yêu mến và tình yêu mến lại sinh ra lòng biết ơn.
Một vị tổng thống hỏi bà cụ sống 104 tuổi về bí quyết sống lâu. Bà cụ trả lời: Một là dí dỏm, hai là biết cám ơn.
Lấy chồng từ năm 25 tuổi, ngày nào bà cũng nói nhiều hai chữ “cám ơn”. Bà cám ơn chồng, cám ơn bố mẹ, cám ơn con cái, cám ơn hàng xóm láng giềng, cám ơn mọi sự quan tâm săn sóc của thiên nhiên đã dành cho bà. Cám ơn từng ngày sống yên lành, ấm cúng và vui vẻ. Mỗi lời nói thân thiết của người khác đối với bà, mỗi việc làm nhỏ nhoi bình thường dành cho bà, mỗi nét mặt tươi cười hỏi thăm, bà đều không quên nói hai tiếng “cám ơn”. Mọi người không những không ngán ngẩm đối với vô số lần cám ơn hàng ngày của bà, trái lại càng gần gũi yêu thương bà và nếu không yêu thương bà thì cảm thấy có lỗi với từng lời “cám ơn” của bà. Hai tiếng “cám ơn” khiến bà vui vẻ, hạnh phúc và sống lâu. Cám ơn có bao nhiêu thì tình yêu có bấy nhiêu. Tình yêu có ngần nào, thì cám ơn có ngần ấy.
Ngoài ra còn có những trường hợp phải cúi đầu ân hận vì đã không kịp thời nói lên được lời cám ơn của mình:
Ở phía bắc tỉnh Hà Nam, có một cậu bé mười bốn mười lăm tuổi, đã lấy cắp một quyển sách và bị anh bảo vệ bắt quả tang. Anh bảo vệ quát mắng khiến cậu vô cùng xấu hổ. Những người khác nhìn cậu với ánh mắt khinh bỉ. Anh bảo vệ đòi cậu phải gọi bố mẹ, hoặc thầy giáo đến nhận thì mới cho về. Cậu bé lo sợ co dúm người, nét mặt xám ngoét. Thế nhưng, một người phụ nữ đứng tuổi đã rẽ đám đông vây xem, xông vào bênh vực cậu bé: Đừng đối xử với trẻ em như thế. Tôi là mẹ của cháu!
Nói xong, người phụ nữ nộp tiền phạt và dắt cậu ra khỏi tiệm sách, rồi khẽ giục: Mau về nhà đi và từ nay trở đi đừng bao giờ lấy trộm sách nữa!
Mấy năm đã trôi qua. Cậu bé luôn nhớ ơn người phụ nữ đứng tuổi không quen biết, đồng thời hối hận vì đã không nói trước mặt bà hai tiếng cám ơn. Nếu không có bà, đường đời cậu bé có thể đã rẽ sang một lối khác. Sau khi thi đậu đại học, cậu sinh viên đã thề nhất định phải tìm ra bà. Nhưng biển người mênh mông biết tìm bà ở đâu? Thế là hàng năm, lợi dụng những kỳ nghỉ, ngày nào cậu cũng đến gần hiệu sách chờ nửa tiếng đồng hồ với hy vọng tìm được người phụ nữ đứng tuổi. Việc làm này hết sức mong manh, nhưng mưa gió cũng không cản trở được cậu, hay làm cho cậu nao núng, bởi vì cậu không bao giờ quên khuôn mặt hiền từ của bà. Cứ thế, cậu sinh viên đứng chờ trong hai năm, cuối cùng đã tìm được bà và nói lên hai tiếng “cám ơn”, mà cậu đã từng ôm ấp trong lòng bấy lâu nay.
Nếu muốn nói “cám ơn”, thì hãy nói ngay đi. Nếu mang nặng lòng cám ơn, thì hãy mau bày tỏ ! Tình cảm biết ơn phải trở nên như cánh chim bồ câu trắng tung bay suốt dọc cuộc đời, chứ đừng để nó biến thành hòn đá đè nén trái tim một cách lâu dài. Như vậy, đủ thấy hai tiếng “cám ơn” có sức nặng biết chừng nào. Nếu đặt “cám ơn” lên bàn cân, thì cả trái núi cũng không nặng bằng. Nếu cho “cám ơn” một tiểm tựa, thì cả trái đất này sẽ được bẩy lên!
Gã xin kết thúc tâm tình cám ơn bằng mẩu chuyện sau đây: Có hai người cùng đi gặp Thượng đế, để xin vào thiên đàng. Thấy họ đói lả, Thượng đế cho mỗi người một suất cơm. Một người nhận suất cơm, cảm động lắm, cứ cám ơn rối rít. Còn người kia nhận phần ăn mà không hề động lòng, cứ làm như Thượng đế có bổn phận phải cho anh ta. Sau đó, Thượng đế chỉ cho người nói “cám ơn” lên thiên đàng. Còn người kia bị từ chối. Kẻ bị từ chối đứng ngoài cổng tỏ vẻ bực tức: Chẳng lẽ chỉ vì tôi quên nói hai chữ “cám ơn”?
Thượng đế trả lời: Không phải ngươi quên đâu, mà chỉ vì ngươi không có lòng biết ơn, nên chẳng nói ra được hai chữ cám ơn. Kẻ không biết cám ơn, thì chẳng biết yêu thương người khác, và cũng chẳng được người khác yêu thương.
Anh ta vẫn một mực cãi lại: Chỉ vì hai chữ “cám ơn”, mà số phận chênh lệch đến thế?
Thượng đế lại đáp: Biết làm sao được. Bởi vì đường lên thiên đàng được trải bằng lòng biết ơn và cửa vào thiên đàng chỉ chìa khóa cám ơn mới mở được mà thôi. Còn xuống địa ngục thì khỏi cần.
Nhân gian cần cám ơn. Thiên đàng cũng cần cám ơn. Khi nghèo túng cần cám ơn. Giàu có rồi cũng cần cám ơn. Trong cảnh khó khăn cần cám ơn. Và ngay cả Thượng đế cũng cần cám ơn. Mất nước, đất đai sẽ biến thành sa mạc. Trần gian nếu không có tâm tình và hai tiếng “cám ơn”, sẽ trở nên khô cằn sỏi đá, còn đáng sợ hơn cả sa mạc cát nóng nữa (Báo Kiến Thức Ngày Nay).

Gã Siêu

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang