Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

TỰ ÐIỂN PHỤNG VỤ


A

A-men

(= Amen)
Lời tung hô của người Do Thái nói lên sự ưng thuận. Bắt nguồn từ động từ âman, diễn tả tính chất của những gì có cơ sở vững chắc, những gì bền bỉ. Theo nghĩa ẩn dụ, động từ này vừa ám chỉ phẩm chất của một người trung tín, vừa nói lên hành vi qua đó người ta tín thác nơi một người khác.
Tiếng A-men đôi khi được lặp lại để kết thúc bốn trong năm tập thánh vịnh (Tv 40,14; 71,19; 88,53; 105,48).
Thưa Amen có nghĩa là bằng lòng với điều vừa mới nói hay vừa được thực hiện. Tiếng Amen biểu lộ hành vi đồng lòng của dân đối với Công Trình Thiên Chúa như được các thừa tác viên thể hiện. Tiếng A-men cũng là hành vi tán đồng của cộng đoàn đối với những lời nguyện do vị chủ tế dâng lên nhân danh cộng đoàn. Lời A-men long trọng nhất chính là lời A-men ở cuối kinh Tạ Ơn, khi các tín hữu tung hô A-men bày tỏ sự tán đồng với Hiến Tế Thánh Thể, được kết thúc bằng Vinh Tụng Ca "Chính nhờ Ðức Kitô..." (Per Ipsum). Sự tán đồng này cũng chính là sự ưng thuận của dân Ít-ra-en đối với Giao Ước trong Phụng Vụ Xi-nai (xc. Xh 24,7).
Cũng cần đặc biệt nhấn mạnh đến lời thưa A-men của tín hữu khi hiệp lễ, được coi như một sự tin tưởng trọn vẹn vào lời Mình Thánh Chúa Kitô được linh mục hay thừa tác viên có thẩm quyền công bố.


A-na-pho-ra

(= Anaphore)
Từ ana trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là trên cao, và phora nghĩa là đem theo. Như thế, a-na-pho-ra là một hành động biểu thị cử chỉ hiến tế. Cũng vậy, trong tiếng Híp-ri, hiến lễ là lễ vật dâng lên Thiên Chúa (Ơlâh: hy lễ toàn thiêu, bởi động từ âlah: đưa lên). Ðiểm cốt yếu của hy lễ là việc tiến dâng lễ vật lên giới thần linh, là thế giới thánh thiêng, viên mãn.
Trong phụng vụ Ðông Phương, kinh a-na-pho-ra biểu thị phần trung tâm của thánh lễ, tương đương với phần kinh Tạ Ơn của phụng vụ La Tinh, không chỉ do cấu trúc của kinh Tạ Ơn, nhưng còn do chính bản văn. Nói khác đi, kinh A-na-pho-ra chính là phần hiến tế đúng nghĩa nhất trong thánh lễ.
Các kinh a-na-pho-ra nổi tiếng nhất là kinh trong phụng vụ do thánh Gioan Kim Khẩu và thánh Ba-xi-li-ô soạn. Nhưng cũng phải kể đến các kinh của Addai và Mari, Der Balizeh, Sérapion, thánh Mác-cô và thánh Gia-cô-bê...

Á Phụng Vụ
(= Paraliturgie)
Á phụng vụ là tất cả những hành vi đạo đức mang tính cộng đoàn, không thuộc về phụng vụ theo nghĩa chặt (việc cử hành thánh lễ, các bí tích, các phụ tích hay các Giờ kinh Phụng vụ) chẳng hạn như Chầu Thánh Thể (xc. Chầu Thánh Thể), việc chuẩn bị sám hối mà không cử hành bí tích Sám hối, Chặng đàng Thánh giá và lần chuỗi Mân Côi cộng đoàn và tất cả những hình thức đạo đức tập thể khác như tháng kính Ðức Mẹ, các Kinh Cầu...
Cần ghi nhận rằng việc phát triển một số hình thức đạo đức bình dân có thể làm sai lạc tinh thần Kitô giáo đích thực, là tinh thần cần được nuôi dưỡng bằng phụng vụ đúng nghĩa hơn là những việc sùng kính ít nhiều có tính cách chủ quan, gắn liền với những tình cảm mau qua. Khi phê chuẩn những việc đạo đức hoặc việc thánh thiện ấy, Công đồng Va-ti-ca-nô II thêm: "Phải chiếu theo các mùa phụng vụ mà xếp đặt các việc ấy cho hòa hợp với phụng vụ, để có thể được coi là phát xuất từ phụng vụ và để tiến dẫn Dân Chúa đến với phụng vụ, vì tự bản chất, phụng vụ vượt xa các việc ấy" (PV số 13).

Am-Rô-Xi-Ô (Nghi thức)
(= Ambrosien)
(Xc. Phụng vụ)

An-Pha
(= Alpha)
Chữ hoa đầu tiên trong mẫu tự Hy-Lạp. Vào lúc bắt đầu nghi thức Phục Sinh, trọng tâm của năm phụng vụ, vị linh mục vừa vẽ chữ An-pha phía trên đầu cây thánh giá và chữ Ô-mê-ga (chữ cuối của bảng mẫu tự) phía dưới thánh giá, vừa đọc:
"Chúa Kitô, hôm qua và hôm nay, nguyên thủy và cùng đích, An-pha, Ô-mê-ga, thời gian là của Chúa và mọi thế hệ là của Chúa, vinh quang và vương quyền là của Chúa, qua mọi thế hệ cho đến muôn đời. A-men" (xc. Kh 1,8; Ô-mê-ga).
Ngay đầu cuốn Tự điển phụng vụ này, cần nhấn mạnh rằng mọi Công trình Thiên Chúa đều có Ðức Kitô là trung tâm, Người là lời mở đầu và kết thúc cho tất cả các buổi cử hành phụng vụ. Vừa là Con Thiên Chúa, vừa là Con loài người, nên duy chỉ mình Người, qua vai trò trung gian và hy tế của mình, mới có thể đóng ấn trên Giao ước mới và vĩnh cửu, một Giao ước trong đó chúng ta được tháp nhập vào nhờ việc tham dự thánh lễ, các bí tích, các phụ tích và các Giờ kinh phụng vụ.

An Táng

(= Sépulture) Ðó là việc chôn cất người quá cố tại nghĩa trang, có làm phép huyệt, rảy nước thánh và xông hương. Khi hạ huyệt, vị chủ sự nói vài lời, có thể triển khai thành lời nguyện giáo dân, kết thúc bằng kinh Lạy Cha và lời nguyện (xc. Quá cố, Chết, Tang lễ).

Áo Các Phép

(= Surplis)
Áo các phép có màu trắng, nhẹ, hơi rộng và dài quá đầu gối. Các giáo sĩ mặc áo này bên ngoài áo chức khi tham dự các buổi cử hành trọng thể. Ngày nay áo này ít được dùng, và được thay thế bằng áo trắng dài. Vị chưởng nghi, kể cả các tu sĩ, đôi khi mặc một áo các phép dài và thẳng gọi là áo Ghê-gô-ri-ô (xc. Áo ren).

Áo Choàng

(= Chape)
Ðó là áo khoác dài phủ hết thân người, dùng trong các cuộc lễ, may bằng một tấm vải hình bán nguyệt. Hai vạt áo khoác được giữ thẳng trước các khuy cài.
Áo choàng được dùng trong các buổi cử hành phụng vụ long trọng ngoài thánh lễ. Thông thường, đó là y phục của vị chủ sự, nhưng đôi khi cả người tham dự cũng mặc, gọi là những người mặc áo choàng. Trong những dịp trọng thể, các ca viên cũng mặc áo choàng đó.

Áo Choàng Vai
(= Camail)
Nguyên thuỷ là một chiếc mũ trùm đầu đan theo kiểu mắt lưới. Sau biến thành loại phẩm phục của giám mục, các kinh sĩ và một số phẩm chức khác trong Hội thánh. Loại áo này phủ kín vai, ngực và tay, được mặc bên ngoài áo ren khi tham dự các giờ kinh thần vụ long trọng (xc. Khăn phủ ngực).

Áo Dài Có Mũ

(= Coule)
Lúc đầu, đây là một loại áo khoác của các dân quê để che mưa nắng. Sau đó, nó trở thành áo riêng của các đan sĩ: một loại áo dài rộng, tay áo cũng rộng, có mũ trùm đầu, giống như áo dài mặc khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, dựa theo lời thánh Phaolô: "Khi được dìm vào nước Thánh tẩy để nên một với Ðức Ki-tô, thì tất cả anh em được mặc lấy Ðức Ki-tô" (Gl 3,27). Ðan sĩ lãnh nhận áo dài này khi khấn trọng, và sẽ mặc áo này ít là trong các giờ kinh chính. Áo này mặc bằng cách trùm qua đầu. Các linh mục triều cũng có thể sử dụng áo này thay cho áo dài trắng.

Áo Lễ

(= Chasuble)
Vào những thế kỷ đầu, đây là loại áo choàng được dùng như thường phục. Còn trong các nghi lễ phụng vụ, người ta sử dụng một loại áo choàng đặc biệt, dần dần trở thành một loại áo dành riêng cho các giáo sĩ, thuộc mọi cấp bậc, kể cả các thày giúp lễ. Chỉ mãi sau này, áo choàng mới trở thành lễ phục dành riêng cho giám mục và linh mục.
Áo lễ ngày nay lấy lại hình thức và kích thước như ban đầu. Trong vài thế kỷ gần đây, nó từng được thu gọn lại như cái hộp đựng đàn violon. Hình thức hộp đựng đàn này đã là cơ hội cho nghệ thuật thêu làm nên nhiều kiệt tác. Ngày nay, nhiều nước, trong đó có Ý, vẫn còn sử dụng kiểu áo đó.
Trong nghi lễ truyền chức, linh mục nhận áo lễ sau khi được xức dầu trên tay. Áo lễ mặc ngoài áo trắng dài và dây các phép. Ðó là áo của vị chủ sự thánh lễ. Khi đồng tế, ít nhất vị chủ sự phải mặc áo lễ.
Khi mặc áo lễ, vị linh mục mang lấy Ðức Ki-tô, và hành động trong tư cách của Người.

Áo Nhà Tạm - Áo Phủ Bình Ðựng Thánh Thể
(= Pavillon)
Áo nhà tạm là tấm vải phủ trên nhà tạm (xc. Khăn phủ nhà tạm). Áo phủ bình đựng Thánh Thể là tấm vải hình tròn phủ trên bình đựng Thánh Thể.

Áo Phó Tế

(= Dalmatique)
Ðó là loại áo khoác ngoài, có nguồn gốc từ vùng Dalmatia (ngày nay là một phần của Nam Tư) được sử dụng khá phổ biến trong đế quốc La Mã ở những thế kỷ đầu. Ðó là một áo lễ tay ngắn, nhưng được xẻ ra ở phía dưới cánh tay.
Khoảng thế kỷ IV hay V, áo này trở thành y phục riêng của các phó tế mặc bên ngoài áo dài trắng và dây các phép. Trong những buổi lễ đại triều, các giám mục có thể mặc áo này bên trong áo lễ: y phục này ám chỉ giám mục là phó tế đích thực, nghĩa là dấu chỉ bí tích của Ðức Ki-tô. Người Tôi tớ (xc. Phục vụ). Chức phó tế là sự tham dự vào sứ vụ của giám mục và những cộng tác viên của người, trong mối dây phục vụ.

Áo Ren

(= Rochet)
Áo ren là loại áo các phép có ren, các giám mục, các kinh sĩ và một số phẩm chức mặc ngoài áo chùng, khi tham dự những buổi lễ long trọng các vị không đích thân cử hành. (xc. Áo các phép).

Áo Trắng Dài

(= Aube)
Trong các tôn giáo, việc cử hành nghi lễ được hiểu như một sự mô phỏng hoạt động của thần linh. Người hành lễ, đặc biệt là vị tư tế hay vị chủ sự, phải giữ mình tinh sạch theo nghi tiết đòi buộc, được biểu trưng bằng y phục trắng. Vì vậy, các thợ dệt của Ít-ra-en đã làm cho tư tế A-a-ron và các con ông "những áo dài bằng vải gai mịn, một khăn chít bằng vải gai mịn, mũ tế bằng vải gai mịn, quần bằng vải gai mịn se, đai lưng bằng sợi gai mịn se..." (Xh 9,27-29).
Trong Tân ước, y phục trắng là dấu chỉ đặc biệt của sự phục sinh, của đời sống mới do mầu nhiệm Phục sinh đem lại cho chúng ta. Theo bốn tác giả Tin mừng, các thiên thần xuất hiện trong biến cố Phục sinh mặc áo dài trắng: "Thiên thần Chúa từ trời xuống và đến lăn tảng đá rồi ngồi trên đó. Người có diện mạo rực rỡ và áo người trắng như tuyết" (Mt 28,3; Xc. Mc 16,5; Lc 24,4; Ga 20,12).
Khi Ðức Ki-tô vinh quang hiện ra với thánh Gio-an trong phần mở đầu sách Khải huyền, Người mặc một chiếc áo dài (podèrès trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là áo dài phủ tới chân). Ðó là y phục của vị thượng tế (1,13; Hc 50,11). Người hứa ban cho những tín hữu thông phần chiến thắng của Người được mặc áo trắng: "Họ sẽ mặc áo trắng cùng đi với Ta, vì họ xứng đáng. Như thế, ai thắng sẽ được mặc áo trắng; Ta sẽ không xóa tên người ấy khỏi sổ trường sinh" (3,4-5; xc. c.18). Thực vậy, đoàn lũ đông đảo những người được chọn xuất hiện trong y phục hoàn toàn trắng: "Ðứng trước ngai và trước Con Chiên, tay cầm nhành lá thiên tuế, họ lớn tiếng tung hô: Chính Thiên Chúa chúng ta, Ðấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta" (7,9-10).
Thánh Gio-an được nghe giải thích rằng những người mặc áo trắng này là "những người đã đến sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên. Vì thế, họ được chầu trước ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong Ðền thờ của Người; Ðấng ngự trên ngai sẽ căng lều của Người cho họ trú ẩn" (14,15). Khi vị Hôn thê xuất hiện, sẵn sàng vào dự tiệc cưới Con Chiên, vẻ xinh đẹp của nàng được điểm tô bằng mầu trắng: "Nàng đã được mặc áo vải gai sáng chói và tinh tuyền; vải gai đây chỉ những việc lành của các Thánh" (19,8).
Như vậy, áo trắng là y phục của những người được tái sinh, những người đã giặt áo mình trong máu Con Chiên: những người đã chịu Thánh tẩy coi như đang sống phụng vụ Nước trời và đã bước vào đời sống thần linh. Chính vì thế, khi lãnh bí tích Thánh tẩy, các trẻ nhỏ và người lớn đều mặc áo trắng trừ ngày Thứ bảy và Chúa nhật in albis. (xc. Bài ca Quasimodo). Trong ngày lễ bao đồng, các thiếu niên cũng mặc áo trắng.
Trong những cuộc cử hành phụng vụ, các linh mục, các vị chủ sự, cũng như các người tham dự, mặc áo trắng như dấu chỉ sự tháp nhập của họ vào đời sống Thiên Chúa, được phụng vụ thể hiện nhờ những nghi thức thánh. Màu trắng là màu của phụng vụ vĩnh cửu, là lời kêu gọi ta sống thánh thiện tinh tuyền để bước vào ánh vinh quang.
Cần ghi nhận rằng, đối với Hội thánh Ðông phương, màu trắng là màu của tang chế.

Âm Nhạc

(= Musique)
Âm nhạc được coi là ngành nghệ thuật cao nhất. Phụng vụ nhằm qui tụ và hiến dâng toàn thể nhân loại lên Thiên Chúa, nên không thể không dành cho âm nhạc một vị trí quan trọng, vì âm nhạc có khả năng rất lớn trong việc giúp cho những lời thánh thiêng cũng như những tâm tình cầu nguyện đạt tới hết tầm mức của mình; đồng thời âm nhạc cũng là một yếu tố hiệp nhất cộng đoàn đang ca hát và lắng nghe.
Công đồng Va-ti-ca-nô II nhấn mạnh đến vị trí ưu tiên của âm nhạc trong phụng vụ: "Truyền thống âm nhạc của Hội thánh toàn cầu đã làm nên một kho tàng vô giá, vượt hẳn mọi ngành ghệ thuật khác, nhất là vì điệu nhạc thánh đi liền với lời ca làm nên thành phần cốt yếu và trọn vẹn của Phụng vụ long trọng" (PV số 112 và những số tiếp theo) (xc. Tiếng hát, Bình ca, Nghệ thuật).

Ân Xá

(= Indulgence)
Ân xá là ơn Hội thánh ban để tha hình phạt do tội lỗi gây ra, qua việc thực thi một vài hành vi cụ thể. Ban đầu, ân xá được gắn liền với các cuộc hành hương Ðất Thánh, sau đó được phát triển nhân cơ hội thánh Phan-xi-cô xin Tòa thánh ban ơn toàn xá cho những người viếng đền Portiuncula. Ðến cuối thời Trung cổ, việc gia tăng ân xá một cách thái quá, cùng với việc lãnh nhận dường như máy móc, là một trong những nguyên nhân đưa đến cuộc Cải cách của ông Luther.
Sau Công đồng Va-ti-ca-nô II, đức Giáo hoàng Phaolô VI đã ban hành tông hiến Giáo lý về Ân xá (01/01/1967). Cần ghi nhận rằng: việc ban ân xá không phải là lỗi thời, nhưng được gắn liền với tín điều Hiệp thông các thánh. Thực vậy, ân xá là việc tha thứ trọn vẹn hay một phần những hình phạt tạm thời do các tội đã phạm, dù các tội này đã được tha về phương diện lỗi phạm. Người tín hữu nhận được ân xá khi có lòng chân thành thực hiện một số điều kiện được quy định, qua sự can thiệp của Hội thánh. Là Thừa tác viên ban phát ơn cứu độ, Hội thánh có quyền ban phát kho tàng đền bồi của Ðức Ki-tô và của các thánh. Các ân xá, đại xá hay tiểu xá, được ban cho các tín hữu. Có thể giữ lại cho mình hay nhường cho người đã qua đời, nhưng không thể nhường cho người còn sống.
Trong phụng vụ, cần lưu ý rằng: linh mục có quyền ban ơn toàn xá cho người hấp hối (in articulo mortis), đặc biệt khi ban bí tích Xức dầu hoặc ban Của Ăn đàng. Ai tham dự nghi thức Suy tôn Thánh giá ngày thứ sáu tuần Thánh cũng được lãnh nhận ơn toàn xá, nếu có ý muốn lãnh nhận.
Theo truyền thống, việc tham dự thánh lễ và các bí tích không đem lại ân xá, vì thánh lễ và bí tích đã có hiệu quả trổi vượt là thánh hóa và tẩy luyện. Trong những trường hợp đặc biệt (rước lễ lần đầu, lễ mở tay, các cuộc lễ mừng kỷ niệm) nếu có ban ân xá thì không phải vì do tham dự thánh lễ hay bí tích, nhưng là vì những trường hợp đặc biệt đi kèm với việc cử hành thánh lễ hoặc bí tích. Mọi việc lành, nếu được hưởng ân xá, chỉ vì có liên hệ với đời sống phụng vụ, nguồn mạch và đỉnh cao của toàn bộ đời sống Ki-tô giáo (xc. Sống).

Ấn Tích
(= Caraetère)
Ấn tích là hiệu quả đầu tiên và bền bỉ của các bí tích chỉ lãnh nhận một lần: Thánh tẩy, Thêm sức và Truyền chức. Có thể làm mất ân sủng là hiệu quả cuối cùng của mọi bí tích, nhưng không thể mất dấu tích thiêng liêng in vào tâm hồn qua ba bí tích vừa nói trên. Ấn tích là một một năng quyền thánh được ban cho để cử hành phụng vụ. Chỉ có con cái Thiên Chúa được ghi dấu Thánh Thần để trở thành nghĩa tử (2 Cr 1,12; EP 1,13) mới được cử hành Giao ước chung cục trong Bửu huyết Ðức Ki-tô, được tiến vào công cuộc ngợi khen Vinh quang (Ep 1,14) nhờ tham dự vào địa vị của Con Thiên Chúa. Chỉ những người được đóng ấn của Thiên Chúa trên trán (Kh 7,3tt; 9,4) mới được tham dự phụng vụ thiên quốc. Khi tham dự phụng vụ dưới thế, đó cũng là tham dự trước phụng vụ trên trời.
Nhờ ấn tích Thánh tẩy và Thêm sức, mọi Ki-tô hữu được tham dự phụng vụ một cách sung mãn, liên kết với Ðức Ki-tô như Hôn thê với Hôn phu, và như thế, được tham dự vào đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa, trong địa vị là người con, Ấn tích Truyền chức đồng hóa Ki-tô hữu sâu xa hơn với sứ vụ của Con Thiên Chúa nhập thể, để phục vụ ơn cứu độ (phó tế) và để tế tự (giám mục và linh mục), vì lợi ích của toàn Dân Chúa. Linh mục không phải chỉ là người hành động hiệp nhất với Ðức Kitô để dâng lên Chúa Cha mọi danh dự và vinh quang, nhưng còn là người hành động như chính Ðức Ki-tô (in persona Christi). Khi đứng trước cộng đoàn, linh mục là hiện thân sống động của Ðức Ki-tô trong Hội thánh, dấu tích của chính Hôn phu. Nếu không có ấn tích Truyền chức ghi trên một số phần tử của Dân Chúa, thì ấn tích của Thánh tẩy và Thêm sức sẽ mất đi năng quyền quan yếu nhất: tức là việc liên kết có tính khách quan và bí tích với Ðức Ki-tô, và việc tham dự sung mãn vào Hy tế của Người (xc. Cộng đoàn Phụng vụ, Tư Tế

B

Ba Lần Thánh

(= Trisagion)
Tiếng Hy Lạp trisagion có nghĩa là ba lần thánh. Trong phụng vụ Hy Lạp, từ này chỉ kinh Thánh, Thánh, Thánh. Ðây cũng là điệp khúc ba lần Hagios trong những lời Than vãn ngày thứ sáu Tuần Thánh (xc. Hagios o theos).

Ba Ngôi

(= Trinité)
Chúa nhật sau ngày lễ Ngũ tuần là lễ trọng kính Chúa Ba Ngôi. Vào cuối chu kỳ phụng vụ kính mầu nhiệm Nhập thể và Cứu độ (Giáng sinh, Phục sinh), kết thúc bằng việc ban Thánh Thần, Hội thánh có ý dừng lại ở mầu nhiệm Ba Ngôi. Dù lễ này nhắm đến ý nghĩa tín lý, có lẽ xa lạ với cung giọng quen thuộc của những ngày lễ trọng cổ truyền (đó cũng là trường hợp của lễ Mình Máu Thánh), việc mừng kính mầu nhiệm Ba Ngôi là một lời nhắc nhở thích hợp về nguồn mạch và đích điểm của toàn bộ đời sống Ki-tô giáo.
Mọi cử hành phụng vụ đều bắt đầu bằng công thức "Nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần", hòa nhịp với kinh chúc tụng "Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa", hay những vinh tụng ca khác về Chúa Ba Ngôi (xc. Per Ipsum). Chính vì đã được thánh tẩy "nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần", nên người Ki-tô hữu có thể cử hành Giao ước, nhờ chức tư tế cộng đồng: không chỉ sẵn sàng đón nhận tác động cứu độ của Chúa Ba Ngôi. Các tín hữu nên nhớ: phụng vụ Giê-ru-sa-lem trên trời chính là việc cử hành chúng ta được tham dự thực sự thông qua phụng vụ trần thế và là việc tháp ghép hoàn hảo của Hội thánh, Hiền thê và Thân mình Ðức Ki-tô, vào trong đời sống Chúa Con, Ðấng sinh ra bởi Chúa Cha và trong Chúa Thánh Thần và lại trở về với Chúa Cha trong cùng một Thánh Thần (xc. Vinh quang, Chúa Thánh Thần, Giao ước, Cộng đoàn).

Bài Công Bố Các Lễ Di Ðộng

(= Annonce des fêtes mobile)
Theo phong tục cổ xưa của phụng vụ Rô-ma, vào ngày lễ Hiển linh, người ta có thể hát bài công bố các lễ di động sau bài Tin mừng. Âm điệu của bài này rất gần với âm điệu của phần dẫn nhập trong bài ca Exultet, tức là bài công bố Tin mừng Phục sinh. Những bài ca với nhạc điệu rất đơn giản này có nguồn gốc rất xa xưa từ bình ca ghê-gô-ri-a-nô.

Bài Công Bố Tin Mừng Phục Sinh
(= Exultet)
Còn gọi là bài Exultet, do động từ La-tinh exultare, nghĩa là nhảy mừng, hân hoan vui sướng. Exultet là bài công bố long trọng lễ Phục sinh do một phó tế hát lúc khởi đầu đêm canh thức trọng thể, sau nghi thức làm phép lửa mới, chuẩn bị nến Phục sinh và cuộc rước vào thánh đường dưới ánh nến Phục sinh. Bài ca Exultet kết thúc phần đầu của đêm canh thức mừng ánh sáng Ðức Ki-tô phục sinh.
Mừng vui lên hỡi các cơ binh Thiên thần trên trời! Ðó là lời mở đầu bài ca trọng thể này, một tổng hợp đầy thi vị, cô đọng toàn thể mầu nhiệm Phục sinh và tất cả niềm vui xuất phát từ mầu nhiệm đó. Bài ca xuất hiện ít là từ thế kỷ IV. Sau khi hân hoan hát lời mở đầu, thầy phó tế hát tiếp phần xướng đáp của kinh Tiền tụng như trong thánh lễ, rồi đến phần chính của bài Exultet, bằng giọng trang trọng của kinh Tiền tụng Rô-ma,, điểm thêm những biến tấu khác thường.
Trong suốt thời gian hát bài Exultet, các tín hữu cầm nến sáng trong tay và hiệp thông với niềm hân hoan của thầy phó tế bằng lời thưa A-men, kết thúc. Thầy phó tế xin và nhận phép lành của chủ tế trước khi hát, giống như khi hát hoặc đọc Tin mừng trong thánh lễ. Linh mục hoặc giáo dân cũng có thể đảm nhận trách nhiệm này khi không có thầy phó tế, nhưng bỏ phần xin chúc lành.

Bài Ðọc (Giờ Kinh)
(= Lecon)
Là bài đọc khi cử hành phụng vụ, gồm bài dài trong giờ kinh Sách, bài ngắn trong các giờ kinh khác (xc. Bài đọc).

Bài Ðọc (Sách)
(= Lectionnaire)
Ðây là sách phụng vụ gồm các bài đọc đã được soạn sẵn cho các buổi cử hành lễ. Người ta phân biệt Sách bài đọc Chúa nhật và ngày trong tuần, Sách bài đọc cho các nghi lễ Rửa tội, Hôn phối, An táng... Ngoài ra, còn có Sách bài đọc sử dụng trong giờ kinh Sách.

Bài Ðọc (Văn Bản)
(= Lectures)
Trong thánh lễ, cũng như trong các buổi cử hành khác, các bài đọc không chỉ có mục đích loan báo hay giáo huấn cho các tín hữu, nhưng còn thực sự là bản công bố chương trình của Thiên Chúa trong Lịch sử Cứu độ, một sự hiện thực hóa Mặc khải cho cộng đoàn phụng vụ. Chính trong phụng vụ, Thánh kinh cho thấy những chiều kích đích thực của "Lời Thiên Chúa sống động và hữu hiệu" (Dt 4,12). (xc. Thánh kinh, Tin mừng).
Trong các Giờ kinh Phụng vụ, giờ kinh Sách được dành để suy niệm Thánh kinh và những trang tuyệt tác của các văn nhân chuyên về đời sống thiêng liêng, đặc biệt là các giáo phụ. Giờ kinh Sách gồm có: lời dẫn, thánh thi, ba thánh vịnh hoặc các phần thánh vịnh, bài đọc Thánh kinh với phần xướng đáp, bài đọc giáo phụ hay hạnh tích các thánh kèm phần xướng đáp, và phần kết thúc. Ðể giờ kinh giữ được tính cách riêng của việc đọc sách thiêng liêng, tức là lời cầu nguyện nội tâm kín múc từ Thánh kinh và Thánh truyền, có thể cử hành giờ kinh này vào thời điểm thuận tiện nhất trong ngày. Nếu giờ kinh sách được cử hành trước tiên trong ngày, nó được khởi sự với lời giáo đầu. Các Giờ kinh Phụng vụ khác có một bài đọc ngắn sau các thánh vịnh (xc. bài đọc).

Bài Ðọc Ngắn

(= Capitule)
Ðây là một trích đoạn từ một chương trong Thánh kinh, dùng làm bài đọc ngắn sau phần thánh vịnh của một Giờ kinh Phụng vụ.

Bài Ðọc Tin Mừng (Sách)
(= Evangéliaire)
Sách có những đoạn Tin mừng được dùng để công bố hay hát Tin mừng trong thánh lễ.

Bài Giảng
(= Homélie)
Ðây là bài huấn từ của chính vị chủ tế (hoặc một linh mục khác hay một phó tế). Bài giảng tiếp ngay sau bài Tin mừng, có mục đích hiện tại hóa các bài đọc mỗi ngày cho cộng đoàn; và như vậy giúp các tín hữu cử hành Thánh Thể một cách đích thực hơn. Bài giảng được coi như thành phần thiết yếu của phụng vụ, nên buộc phải giảng trong các lễ Chúa nhật và lễ buộc, kể cả trong các lễ tu viện có giáo dân tham dự. Trong các thánh lễ khác cũng nên có bài giảng.

Bái Gối

(= Génuflexion)
Bái gối là một hành vi thờ phượng, tỏ bày sự tôn kính bằng cả thân xác. Khác với việc quì gối là một tư thế ổn định, bái gối là một cử chỉ nhất thời. Trong thánh lễ, linh mục bái gối sau mỗi lần thánh hiến và trước khi hiệp lễ. Qua việc bái gối hoặc bằng một cử chỉ thờ phượng khác lúc sắp hiệp lễ. Các tín hữu biểu lộ lòng kính trọng đối với Thánh Thể. Trước Thánh Thể, dù được trưng ra hay cất giữ trong nhà tạm, người ta đều bái một gối.

Bàn Chuẩn Bị Lễ Vật

(= Crédence)
Lúc đầu đó là cái bàn trên đó người ta đặt những đồ ăn đồ uống cần phải thử trước khi dọn cho các bậc vị vọng. Người ta nếm trước để có thể an tâm dọn cho các thực khách.
Trong phụng vụ, đó là cái bàn để đặt chén thánh, dĩa, bình thánh, bánh rượu và nước cần dùng cho bữa tiệc hiến tế Thánh Thể. Các sách, nến và những thứ khác cần dùng trong nghi lễ cũng thường được đặt trên đó. Tất cả những thứ này sẽ được mang lên bàn thờ vào những lúc qui định.

Bàn Thờ

(= Autel)
Trong La ngữ, từ altare, bắt nguồn từ chữ altus nghĩa là cao. Thoạt đầu, bàn thờ là một nơi cao dùng làm điểm giao kết giữa Thiên Chúa và thế giới. Bởi vậy, các ngọn núi hay các quả đồi là những nơi dành riêng để xây dựng các tế đàn nơi Thiên Chúa ngự xuống, và là nơi con người đi lên "Chạm núi cao cho khói tỏa mịt mù" (Tv 143,5). Cũng có khi một tảng đá từ trời rơi xuống - thiên thạch - làm cho nơi ấy thành một nơi phụng tự (chẳng hạn thánh địa La Mecque). Mặc dù bàn thờ cũng có thể ám chỉ toàn bộ một nơi thờ phượng (Ðông phương vẫn giữ thói quen này), nhưng dần dần được dùng để chỉ nơi trung tâm, tức là cái bàn, trên đó người ta dâng lên Thiên Chúa hoa màu lợi tức của mình. Việc đặt các thực phẩm ấy trên bàn thờ bằng đá như vậy là đặt chúng trong tay Thiên Chúa, hỏa thiêu chúng tức là dâng chúng lên trời để Thiên Chúa thưởng thức linh hương ngạt ngào của chúng (xc. St 8,21). Là cái bàn trên đó các lễ vật chuyển sang lãnh vực linh thánh, đương nhiên bàn thờ tham dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa. Chính vì thế, bàn thờ không phải là nơi ai cũng được đụng chạm đến, thông thường chỉ có các tư tế mới được tới gần (xc. Xh 29), với những cử chỉ cung kính, như việc hôn kính bàn thờ trong thánh lễ.
Là bàn dâng lễ toàn thiêu, trên đó tế vật hoàn toàn trở thành khói hương bay lên Thiên Chúa, nên bàn thờ cũng là nơi Thiên Chúa và cộng đoàn cùng chia sẻ lương thực, dấu chỉ hiệp thông. Lương thực do Chúa ban được dâng lại cho Người, phần còn lại thuộc về con người và được nhìn nhận như là vật thánh thực sự (xc. Bữa tiệc). Thiên Chúa và con người hiệp thông trong cùng một sự sống: cả hai đều là thực khách. Khi kết thúc giao ước Xi-nai, một phần máu của các vật hy lễ được rưới trên bàn thờ, tượng trưng cho Ðức Gia-vê, còn lại phần kia rẩy trên dân. Nhờ hy lễ, Thiên Chúa và con người trở thành đồng huyết thống (xc. Xh 24).
Trong Tân ước, xét như Thiên Chúa, Ðức Ki-tô là Bàn thờ: với tư cách nhân loại, Người là Lễ vật và Tư tế. Lời tiền tụng thứ 5 của mùa Phục sinh tung hô: "Khi Người hiến mình trên thánh giá, Người đã làm cho hết thảy các hy lễ của Giao ước cũ đạt đến thành toàn; và khi hiến thân để cứu độ chúng con, chỉ một mình Người là bàn thờ, tư tế và tế vật".
Khi thánh hiến bàn thờ, việc dùng dầu thánh xức trên năm dấu thánh giá (ở giữa và bốn góc) và trên khắp mặt bàn thờ, biến tảng đá ấy biến thành biểu tượng của Ðức Ki-tô, Ðấng đã được xức dầu Thánh Thần. Việc xông hương bàn thờ biểu trưng cho hy lễ Ðức Ki-tô. Ðấng hiến mình cho Chúa Cha tựa hương thơm ngào ngạt (Ep 5,2), đồng thời biểu tượng cho lời cầu nguyện nhờ Thánh Thần tác động trong tâm hồn. Khăn trải bàn thờ cho thấy đó là bàn tiệc Thánh Thể, nơi đây Thiên Chúa và con người cùng hiệp thông, không phải bằng máu của súc vật hy tế, nhưng trong Bửu huyết của Ngôi Lời nhập thể, Ðấng đã chết và phục sinh. Những ngọn nến bao quanh bàn thờ gợi lên Ðức Ki-tô là "Ánh sáng muôn dân" (Lc 2,32). Bên dưới mặt bàn thờ có đặt hài cốt các thánh: đó là biểu hiện sự hiệp nhất giữa hy lễ của Ðầu và các chi thể trong Nhiệm Thể.
Trong các thánh đường, bàn thờ, nơi tái diễn hy lễ độc nhất của Tân ước, là trọng tâm qui tụ của toàn bộ toàn kiến trúc. Nhằm làm nổi bật hơn nữa giá trị đích thực của bàn thờ, không nên đặt nhà tạm ở đó. Ngoài những cử chỉ tôn kính dành cho bí tích Thánh Thể (xc. Bái gối), bàn thờ cũng xứng đáng được các tín hữu biểu lộ sự cung kính hơn cả thánh giá nữa (xc. Cúi). Việc các linh mục hôn bàn thờ khi cử hành thánh lễ là biểu hiệu của lòng tôn kính và sự hiệp thông. Bàn thờ, Tư tế và Hiến tế Tạ ơn là những biểu tượng của Ðức Ki-tô theo những cấp độ khác biệt, nhưng bổ túc cho nhau.
Chỉ có bàn thờ cố định mới được thánh hiến. Một bàn thờ di động được làm phép do đức giám mục hay vị linh mục phụ trách nhà thờ nơi đặt bàn thờ đó và không đặt hài cốt các thánh bên dưới.

Bánh

(= Pain)
Bánh là thức ăn chính yêu của con người, nhất là ở Tây phương. Bánh còn là biểu tượng của thực phẩm. Với ý nghĩa này, bánh được dâng lên Thiên Chúa như lễ vật. Trong Giao ước cũ, Ðức Gia-vê truyền dâng cho Người bánh tiến - theo nghĩa đen, là bánh của Nhan Người - Bánh này được đặt trước Nhan Thiên Chúa suốt cả tuần, trong nơi thánh Lều Tạm hay Ðền thờ, trước khi được vị tư tế lãnh nhận (Xh 25,30; Lv 24,5-9; 1 Sm 21,5). Thiên Chúa muốn con người luôn nhớ rằng: "Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra" (Ðnl 8,3; Mt 4,4).
Ngôi Lời Thiên Chúa là Lời đến từ Thiên Chúa và lại về với Thiên Chúa (Is 55,11). Chỉ Lời Chúa mới có khả năng "làm cho tâm hồn con người được vững mạnh" (Tv 103,15). Trong diễn từ về Bánh Hằng sống (Ga 6), Ðức Giê-su tuyên bố Người là "Bánh Thiên Chúa ban, là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian" (6,33). Chính Chúa Cha là Ðấng ban cho chúng ta Bánh Hằng sống, và chính Ngôi Lời Nhập thể đã tự hiến mình khi ban tặng Thân thể Người để thế gian được sống (6,51).
Trong bí tích Thánh Thể, Thân thể Ðức Ki-tô là của ăn và Bửu huyết Người thật là của uống (6,55). Khi lãnh nhận Thân và Huyết Ðức Ki-tô, Ki-tô hữu tham dự vào hy tế của Người, hiệp thông với chính Chúa Con, Ðấng sống nhờ Chúa "lương thực cần dùng" (Mt 6,11, theo ý nghĩa nguyên thủy của từ Hy Lạp épousios). Do đó, chúng ta không ngừng dâng lên Chúa Cha lời kinh Lạy Cha. Bánh Chúa Cha ban cho chúng ta là chính Con của Người đã tự hiến vì chúng ta, và bánh chúng ta dâng lên Chúa Cha cũng chính là Người Con ấy. Trong phụng vụ, đó là hai chiều kích không thể tách rời được (xc. Bánh không men; Tế phẩm).
Trong một vài trường hợp, chẳng hạn lễ Hiển linh, trước khi chuẩn bị lễ vật, người ta có thói quen chúc lành trên bánh và các thứ bánh không thánh hiến. Các nghi thức làm phép bánh rất cổ xưa. Việc lãnh nhận bánh này đôi khi thay thế việc hiệp lễ, khi không thể hiệp lễ theo đúng nghĩa được.

Bánh Không Men

(= Azyme)
Hội thánh Tây phương có thói quen dùng bánh không men trong phụng vụ Thánh Thể, căn cứ vào tính chất lễ Vượt qua của bữa Tiệc ly đầu tiên. Trong bữa tiệc này, Ðức Giêsu chắc hẳn đã dùng bánh không men theo nghi thức mừng lễ Vượt qua của người Do Thái. Ngược lại, Hội thánh Ðông phương quen cử hành Thánh Thể với bánh thông thường. Những cách thực hành khác biệt này giữa Hội thánh Hy Lạp và Hội thánh La-tinh đã là nguyên nhân phát sinh những cuộc tranh luận. Nhưng rất may là những tranh luận ấy ngày nay đã bớt phần gay gắt.
Từ khởi thủy, việc dâng bánh không men là một nghi lễ hiến tế của các nông dân định cư, gắn liền với việc cử hành lễ Vượt qua: việc cử hành này mô phỏng theo một hiến lễ của các người chăn chiên du mục qua việc sát tế chiên vượt qua (xc. Xh 12 và 13). Ðức Ki-tô, lễ Vượt qua của chúng ta, vừa là Con Chiên vô tì tích, vừa là bánh chân thực, không vương một chút men cũ là lòng gian tà và độc ác (1 Cr 5,5-8).
Ðúng ra, Tin mừng nói về men theo một nghĩa tích cực và một nghĩa tiêu cực. Ðức Giêsu nói tới lời giảng dạy của các người Pha-ri-sêu như một thứ men xấu, có thể làm hư cả khối bột (Mt 16,5-12; Xc. 1 Cr 5,6; Gl 9). Nhưng chỗ khác, Người lại nói: "Nước Trời giống như men được một người đàn bà lấy trộn vào ba đấu bột cho đến khi tất cả dậy men" (Mt 13,33). Câu trích dẫn này cùng với những câu khác nữa có thể biện minh cho tập tục của Hội thánh Ðông phương.

Bao Ðựng Khăn Thánh

(= Bourse)
Là một tấm bìa hình vuông, có thể mở và gấp được, dùng để đựng khăn thánh. Bao này thường cùng màu với áo lễ và được đặt trên tấm khăn phủ chén thánh. Ngày nay, người ta có khuynh hướng đặt khăn thánh bên dưới tấm khăn phủ chén thánh, và vì thế, không cần bao này nữa. Tuy nhiên, người ta vẫn còn dùng bao này khi chầu phép lành Thánh Thể.

Bẻ Bánh

(= Fraction du pain)
Bẻ bánh là một trong những danh xưng cổ nhất để chỉ Thánh Thể (Lc 24,35; Cv 2,42). Theo nghi thức bữa ăn của người Do Thái, sau khi đọc lời chúc tụng, vị chủ tọa bẻ bánh chia cho các thực khách. Ðức Giê-su đã thi hành những cử chỉ này trong hai lần Người làm cho bánh hóa nhiều (Mt 14,19; 15,36; Ga 6,11) và lúc Người thiết lập bí tích Thánh Thể (Lc 22,19). Từ lúc đó, nghi lễ bẻ bánh trở thành biểu tượng để chỉ Ðức Ki-tô - Người Tôi Trung dâng hiến mạng sống mình để chúng ta được sống dồi dào: Người tự trao nộp để được bẻ ra (qua đau khổ) và phân phát cho mọi người. Như vậy bẻ bánh trở thành động tác cốt lõi của phụng vụ Ki-tô giáo (Cv 2,46; 20,7.11; 27,35; 1 Cr 10,16).
Trong lúc cử hành thánh lễ, sau lời chúc bình an, đang khi đọc kinh Lạy Chiên Thiên Chúa, chủ tế bẻ bánh Thánh Thể. Khi đưa lời cầu khẩn đó vào trong thánh lễ, đức Giáo hoàng Xéc-gi-ô (687-701) qui định phải hát kinh này trong lúc cùng nhau chia sẻ Mình Chúa. Bẻ bánh là một cử chỉ chuẩn bị hiệp lễ, cần thực thi với lòng sùng kính đặc biệt, vì đó là lặp lại cử chỉ của Chúa. Tính cách biểu tượng của cử chỉ này được nhấn mạnh qua ba lần kêu cầu Chiên Thiên Chúa, Ðấng đã nộp mình vì chúng ta, Ðấng chúng ta hưởng dùng như là Chiên Vượt qua mới. Bẻ bánh trong thánh lễ đồng tế càng cần thiết và ý nghĩa hơn: một tấm bánh Thánh Thể duy nhất, phân phát cho các vị đồng tế và ít là vài tín hữu, sẽ diễn tả biểu tượng hiệp nhất rõ ràng hơn (xc. 1 Cr 10,16-17).

Bể Nước

(= Piscine)
Bể nước thanh tẩy là một cái hồ lớn, nơi người ta làm Thanh tẩy bằng cách dìm. Cũng có thể là một cái chậu để rửa tội bằng cách đổ nước (xc. Giếng, Thánh tẩy). Trong ngôn ngữ phụng vụ, bể nước còn chỉ một cái bồn ở gần bàn thờ, hoặc trong giếng rửa tội, hoặc trong phòng thánh, dùng để xả nước đã dùng trong bí tích Thánh tẩy và trong việc tẩy rửa các đồ thánh khác.

Bí Tích (Bảy)
(= Sacrement)
Bí tích là một hành vi hay một thực tại liên hệ tới sự linh thánh. Ý nghĩa đầu tiên của từ sacramentum trong tiếng La-tinh là lời thề: người ta thề dựa trên điều linh thánh. Bí tích bao gồm sự linh thánh giống như thuốc men (medicamentum), sự chữa trị, hoặc giống như đài tưởng niệm (monumentum), gồm chứa điều người ta phải ghi nhớ (monere).
Nhân tính của Ðức Ki-tô, kết hợp với ngôi vị Con Thiên Chúa, có thể gọi được là bí tích của Thiên Chúa: "Nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể" (Cl 2,9). Chính từ nhân tính của Ðức Ki-tô đã phát sinh ra đời sống thần linh làm sống động tất cả mọi chi thể của Nhiệm thể Người. Như vậy, bí tích trọn vẹn của Thiên Chúa - hoặc bí-tích-nguồn-mạch - là toàn Thân mình Ðức Ki-tô, gồm Ðầu và các chi thể, chứa đựng sự sống của Thiên Chúa. Trong viễn tượng đó, Công đồng Va-ti-ca-nô II đã muốn định nghĩa Hội thánh. "Trong Chúa Ki-tô, như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại" (GH 1). Thực vậy, trong khi chờ đợi Hội thánh được sáp nhập trọn vẹn vào đời sống của Thiên Chúa, Ðức Ki-tô, Ðấng đang ngự trị trong vinh quang Thiên Chúa, đã thánh hóa Thân mình của Người, không phải trực tiếp qua nhân tính thánh thiện, nhưng nhờ Hội thánh là Hiền thê và là Người Cộng tác trong công trình cứu độ của Người. Chính trong bí tích nguồn mạch, tức là Hội thánh, Thánh truyền đã giữ lại bảy bí tích, là những hành vi chính yếu của Chúa Ki-tô và của Hội thánh để thánh hóa con người.
Là những dấu hiệu bên ngoài mang ân sủng bên trong, hoặc là những dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng, nên các bí tích phù hợp với bản tính con người, vừa tinh thần vừa thể chất. Khi người ta nói bí tích tác động do sự (ex opere operato), thì không nên hiểu rằng các bí tích có hiệu quả một cách máy móc, nhưng đúng hơn, đó là những tác động của Thiên Chúa được Ðức Ki-tô trực tiếp thiết lập, mang lại hiệu quả theo sự chuẩn bị của người lãnh nhận. Chính qua các bí tích, phụng vụ biểu lộ rõ ràng nhất cách thức gặp gỡ giữa Thiên Chúa và Dân Người, sự gặp gỡ do sáng kiến của Thiên Chúa và sự đồng ý của con người (xc. Phụng vụ).
Vì đời sống ân sủng gắn liền với đời sống tự nhiên của con người, nên các bí tích thánh hóa những giai đoạn chính yếu của đời sống cũng như những tình huống quan trọng của nhân loại. Bí tích Thánh tẩy là sự sinh ra trong đời sống thần linh; bí tích Thêm sức là đánh dấu việc đạt đến tầm mức trưởng thành trong đức tin; bí tích Thánh Thể là nền tảng của toàn bộ các bí tích vì đó là sự hiện tại hóa một cách mỹ mãn Giao ước và sự hiệp thông hoàn toàn với Ðức Ki-tô. Ba bí tích đầu tiên này là các bí tích khai tâm. Bí tích Hôn nhân thánh hóa sự kết hợp vợ chồng nhằm sinh sản và giáo dục con cái; bí tích Truyền chức đem lại cho Hội thánh những thừa tác viên: giám mục, linh mục, phó tế; bí tích Sám hối giúp tìm lại đời sống ân sủng hay thực thi đời sống đó một cách sâu xa hơn. Bí tích Xức dầu bệnh nhân vừa là sự nâng đỡ vừa là sự tẩy luyện trong viễn tượng một cuộc hành trình tiến đến đời sống đích thực cùng với Ðức Ki-tô.
Về hiệu quả của bí-tích, thánh Âu Tinh phân biệt sacramentum tantum là dấu hiệu thuần túy ngoại tại, như việc đổ nước, sử dụng bánh, rượu; res tantum là hiệu quả tối hậu của các bí tích tức là ân sủng của Thánh Thần ban trong mỗi lãnh vực bí tích; và cuối cùng là res et sacramentum là thực tại trung gian, vừa là hiệu quả trước tiên, vừa là dấu chỉ hiệu quả tối hậu: đây là ấn tích trong các bí tích Thánh tẩy. Thêm sức, Truyền chức và là sự hiện diện thực sự của Chúa trong bí tích Thánh Thể. (Xin tham khảo thêm những khảo luận thần học. Xc. Chất liệu, Mô thức, Thánh Thần).

Bí Tích (Sách)
(= Sacramentaire)
Trong phụng vụ Ki-tô giáo thời sơ khai, sách bí tích là sách linh mục dùng khi cử hành thánh lễ, gồm các lời cầu, các kinh tiền tụng, kinh Tạ ơn. Các sách bí tích của đức Lê-ô Cả (thế kỷ IV-V), đức Ghê-la-xi-ô (VI-VII) và đức Ghê-gô-ri-ô (VII) là những nguồn tài liệu chính của sách lễ Rô-ma.

Bìa Xếp

(= Diptyques)
Thời đầu, bìa xếp chỉ đồ vật có thể gấp làm đôi: bìa xếp là những tấm bìa có thể gấp lại với nhau; bìa gấp ba là tấm bìa gấp lại thành 3 phần bằng nhau, hai phần mép bìa đặt lên nhau.
Trong phụng vụ, bìa xếp là những tấm bìa gấp đôi, trên đó ghi tên người sống và người chết được đến trong Lễ qui. Trong số những người còn sống, phải đặc biệt nhắc đến các vị lãnh đạo Hội thánh để bày tỏ mối hiệp thông với các vị ấy. Vì thế, việc rút danh tính một người ra khỏi tấm bìa xếp có nghĩa là khai trừ người đó khỏi cộng đoàn. Trong số những người chết, các thánh thuộc diện ưu tiên: xét về nguồn gốc, phong thánh lại chẳng phải là ghi danh vào kinh Tạ ơn sao?
Trong kinh Tạ ơn Rô-ma, những tấm bìa xếp tồn tại dưới hình thức kinh cùng hiệp thông (Communicantes) và kinh xin cũng cho chúng con (Nobis quoque), gồm một danh sách các thánh khá dài, và hai kinh xin nhớ đến (Memento), một cầu cho người sống và một cầu cho người chết (xc. Kinh Tạ ơn).

Biến Hình - Hiển Dung

(= Transfiguration)
Là lễ kính Chúa mừng vào ngày 6 tháng 8. Lễ Biến hình mừng biến cố các tông đồ Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê được chiêm ngắm vinh quang của Ðức Ki-tô, tám ngày sau khi ông Phê-rô tuyên tín tại Xê-da-rê và Ðức Ki-tô loan báo cuộc tử nạn lần thứ nhất. Ðức Giê-su muốn củng cố tâm hồn các tông đồ trước các đau khổ đang chờ đợi Người. Người đã nói với các ông những lời sau này Người sẽ nói với các môn đệ trên đường Em-mau: "Nào Ðức Ki-tô lại chẳng phải chịu đau khổ như thế, rồi mới được hưởng vinh quang dành cho Người hay sao?" (Lc 24,26). Như vậy, lễ Biến hình là một ngày lễ của vinh quang, là sự tiến đến đích điểm Lịch sử Cứu độ, tức là tham dự hoàn toàn vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nếu như các ông Mô-sê và Ê-li-a rạng ngời vinh hiển, đó chính là vì các ông đã tham dự một phần vào vinh quang tại núi Xi-nai (xc. Xh 33,18-23; 1 V 19,9-14). Khi ông Phêrô nêu lên việc dựng lều - mặc dù chính ông không biết mình nói gì (Lc 9,33) -đó là một ám chỉ lều Hội ngô, tại đó Ðức Chúa đã đàm đạo với ông Mô-sê, diện đối diện (Xh 33,7-11). Ðám mây cũng gợi đến sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người trong cuộc Xuất hành (13,21-22; 19,9; 33,9-10). Tiếng nói của Chúa Cha, cũng là những lời trong đó Chúa Con được sinh ra, cho thấy chúng ta chỉ có thể tham dự vào vinh quang của Chúa Con (xc. Ga 7,22-24) bằng việc lắng nghe Ðức Giê-su và bước theo Người. Lễ Biến hình là một lời mời gọi hướng tới vinh quang, và cũng là một nhắc nhở về hành trình đau khổ dẫn tới vinh quang.

 

Biến Thể

(= Transsubstantiation)
Vào thế kỷ XVI, từ Biến thể được Công đồng Tren-tô thừa nhận, tuy nhiên nó đã được ông Tê-tu-li-a-nô (thế kỷ II-III) và cả thời Trung cổ sử dụng để nói về sự biến đổi kỳ diệu vào lúc truyền phép trong thánh lễ. Bản thể - cốt lõi của hữu thể - của bánh đã được biến đổi thành bản thể của Mình Ðức Ki-tô, và bản thể của rượu được biến đổi thành bản thể của Máu Ðức Ki-tô. Như vậy, từ biến thể là một cố gắng giải thích các lời Ðức Ki-tô nói trong bữa tiệc ly: "Ðây là Mình Thầy... Ðây là Máu Thầy" (xc. Thánh Thể).

Biển Ðức (Ðan sĩ)
(= Bénédictins)
Là các tu sĩ thuộc dòng thánh Biển Ðức (từ La-tinh là Benedictus). Qua tu luật, các tu sĩ này hiến thân tìm kiếm Thiên Chúa, nên họ "không được ưa thích điều gì hơn là Công trình Thiên Chúa" (Tu luật ch. 43), nghĩa là việc phụng vụ. Truyền thống Biển Ðức luôn đề cao việc cử hành trọng thể kinh Thần vụ. Về điểm này, thánh Biển Ðức Aniane (thế kỷ VIII-IX) và các đan viện phụ Cluny (thế kỷ X-XII) đã củng cố những chỉ thị của Tu luật thánh Biển Ðức. Các đan viện Biển Ðức vẫn luôn là những trung tâm của sinh hoạt phụng vụ.

Biểu Tượng - Kinh Tin Kính

(= Symbole)
Trong Hy ngữ Symbolon chỉ một dấu để nhận ra nhau, hoặc một miếng thẻ làm tin, được sử dụng thời Trung cổ: hai vật lồng khít vào nhau, ăn khớp với nhau, chứng tỏ sự hiệp thông giữa những người sở hữu các vật đó.
Từ Symbolon không những có nghĩa là biểu tượng mà còn là kinh Tin kính. Ðó là toàn bộ những điều khoản diễn tả các chân lý cốt yếu của đức tin. Ðó là một cách để các tín hữu nhận ra nhau, một cách thiêng liêng chứ không phải cách vật chất. Kinh Tin kính là dấu chỉ chính yếu để nhận ra sự thông hiệp giữa các tín hữu. Khi sắp chịu phép Rửa tội, người ta trao kinh Tin kính như là môt điều bí truyền; đối với người lớn, đây mới chỉ là giai đoạn dự tòng. Trong thánh lễ ngày chúa nhật và lễ trọng, tín hữu cùng nhau tuyên xưng niềm tin của mình bằng kinh Tin kính các Tông đồ hoặc kinh Tin kính của các Công đồng Ni-xê và Công-tăng-ti-nô-pô-li.
Theo nghĩa tổng quát hơn, biểu tượng là một thực tại gợi lên, hoặc mang theo một thực tại khác. Biểu tượng tuy phong phú hơn, nhưng lại không chính xác bằng dấu chỉ. Vai trò chủ yếu của biểu tượng là vừa bày tỏ nhiều mức độ khác nhau của thực tại, vừa nối kết chúng lại: nơi con người toàn diện, biểu tượng diễn tả rõ nét sự hòa hợp của các sự vật. Phụng vụ là một tác động toàn diện, qua đó con người sống tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân và với thế giới, nên không thể vượt ra ngoài sự nối kết có tính cách biểu tượng. Thiên Chúa là Ðấng không ngừng tập họp Dân Người bằng cách sử dụng toàn bộ những biểu tượng của cuộc sáng tạo; trái lại ma quỉ lại phân tán, chia lìa, cắt đứt. Ý nghĩa các dấu chỉ bí tích tác dụng bên trong tính chất biểu tượng của các thành tố được sử dụng trong bí tích Thánh Thể; đối với dầu và nước cũng vậy. Lửa, hương, nến... không phải là một dấu chỉ bí tích, nhưng là một biểu tượng.

Bình

(= Vase)
Trong phụng vụ, tiếng bình thánh để chỉ chung các chứa đựng: chén thánh, dĩa thánh, bình thánh, mặt nhật, hộp đựng Thánh Thể, bình đựng dầu thánh.

Bình An

(= Paix)
Trong thánh lễ, nghi thức chúc bình an được thực hiện ở giữa vinh tụng ca cuối lời nguyện tiếp theo kinh Lạy Cha và lời nguyện thầm của linh mục trước khi hiệp lễ. Nghi thức này gồm có lời nguyện xin ơn bình an, lời nguyện công khai duy nhất dâng lên Ðức Ki-tô trong phần thường lễ, tiếp đó linh mục và các tín hữu chúc bình an cho nhau, cuối cùng là kinh "Lạy Chiên Thiên Chúa", kết thúc bằng lời cầu: "Xin ban bình an cho chúng con".
Một khi đã được hòa giải với Thiên Chúa và với nhau, nhờ tái diễn hy lễ của Ðức Ki-tô, và một khi đã cùng nhau hát kinh Lạy Cha, các tín hữu có thể trao cho nhau bình an trước khi đóng ấn lên mối quan hệ giữa họ với nhau qua việc hiệp lễ. Bình an là hoa trái tuyệt hảo của mầu nhiệm Vượt qua (Ga 14,27; 20,19.20.26; xc Ga 5,22).
Theo truyền thống, cử chỉ hoặc dấu hiệu bình an là cái hôn chúc bình an. Tự nó, cái hôn đã rất có ý nghĩa. Nhưng vì không phải ở đâu cũng quen cử chỉ ấy, nên có thể sử dụng nhiều cách chúc bình an khác. Trong vấn đề này, thái độ tinh tế và kính trọng những tập quán của người khác chính là dấu hiệu chúc bình an tốt nhất.

Bình Ca

(= Plain-chant)
Từ này không hoàn toàn đồng nghĩa với từ "nhạc Ghê-gô-ri-ô" (xc. Ghê-gô-ri-ô).

Bình Thánh

(= Ciboire)
Bình thánh là bình dành riêng đựng và lưu trữ Thánh Thể, để phân phát cho tín hữu trong hoặc ngoài thánh lễ. Thông thường, bình thánh có dạng bán cầu; khác với chén thánh, bình thánh thường có nắp đậy với cây thánh giá ở trên (xc. Áo nhà tạm; Hộp đựng Thánh Thể).

Bộ Lễ
(= Kyriale)
Trong sách Ca tiến cấp hoặc trong các Sách kinh giáo dân, bộ lễ là một phần của cuốn sách gồm các bài hát phần thường lễ, viết theo những giai điệu khác nhau, và còn tồn tại đến nay là: kinh Thương xót, kinh Vinh danh, kinh Thánh, Thánh, Thánh, và kinh Chiên Thiên Chúa, được đánh số từ I-XVIII; tiếp theo đó là các kinh tự do, nghĩa là tùy ý lựa chọn, gồm: kinh Tin kính, kinh Thương xót, kinh Vinh danh, Thánh Thánh Thánh và các câu Chiên Thiên Chúa để riêng. Toàn thể bộ lễ chỉ xuất hiện sau thế kỷ X và không dùng dấu neuma. Một vài kinh Thương xót có nguồn gốc tương đối muộn hơn, như kinh thứ VIII De Angelis, chịu ảnh hưởng nhạc Bình ca nhiều hơn là nhạc Ghê-gô-ri-ô.

Bổn Mạng
(= Patron)
Bổn mạng là vị thánh được chọn hoặc chấp nhận như là vị bảo trợ đặc biệt cho một cộng đoàn Ki-tô giáo nào đó: một quốc gia, tỉnh, giáo phận, giáo xứ, dòng tu. Vị thánh được người ta dâng kính một thánh đường hay một công trình kiến trúc thì gọi là thánh bảo trợ. Còn thánh bổn mạng là vị thánh che chở cho cả một nơi nào đó, một vùng đất hoặc một người: thị trấn hoặc thành phố, tỉnh , quốc gia, đại lục hoặc một dòng tu, một cộng đoàn tu trì.
Ngày lễ kính thánh bảo trợ của một thành, hoặc một cộng đồng, là lễ được mừng trọng thể trong tất cả các nhà thờ thuộc khu vực đó. Lễ thánh bảo trợ chính của một dòng tu cũng được cử hành trọng thể trong tất cả mọi nhà thuộc về dòng tu đó. Lễ thánh bảo trợ chính của một giáo phận, một tỉnh hay một quốc gia là lễ kính. Ngày lễ các thánh bảo trợ thứ hai là lễ nhớ buộc (xc. Lịch phụng vụ; Lễ riêng). Không thể chọn Ba Ngôi Thiên Chúa là Ðấng Bảo trợ, vì chính Thiên Chúa không tự giới hạn quyền bảo trợ của mình vào một nơi nào, và cũng không phải là Ðấng Bảo trợ ngang hàng với bất cứ ai khác.

Bữa Tiệc

(= Repas)
Là một hành vi của cộng đoàn để bồi bổ sức khỏe, từ ngữ bữa tiệc, trong tất cả mọi miền, đã được thánh hóa thành như một hành vi thánh thiêng, hoặc hy tế tuyệt hảo. Thật vậy, Bữa tiệc thánh là một hành vi, nhờ đó con người chính thức sống mối dây nối kết mình với vũ trụ, với người khác và với Thiên Chúa. Ðó là khoảng thời gian đặc biệt để khi dùng các của ăn, người ta nhìn nhận mình là người cùng sống và đồng bàn, nghĩa là nhận mình lệ thuộc vào sự sống của Thiên Chúa và người khác (xc. Hy tế

C
Ca Ðoàn
(= Chorale)
Trong phụng vụ giáo xứ, ca đoàn có nhiệm vụ làm chỗ dựa cho cộng đoàn hát theo và họ chỉ hát riêng những phần khó hơn. Việc điều phối những phần vụ của chủ tế, của cộng đoàn và của ca đoàn không phải là chuyện đơn giản: phải tránh đừng để những buổi cử hành phụng vụ trở thành dịp trình diễn nhạc đạo. Nhưng hiển nhiên là trong toàn bộ hòa điệu của phụng vụ, vì lợi ích tinh thần của cộng đoàn, một vài phần ca hát phải được dành cho những giọng ca điêu luyện.

Ca Tiến Cấp
(= Graduel)
Xuất phát từ tiếng La-tinh gradus nghĩa là cấp, bậc. Thánh vịnh tiến cấp là những thánh vịnh dân Ít-ra-en hát trong khi bước lên các bậc Ðền thờ, trong dịp hành hương về Giê-ru-sa-lem (Tv 119-133). Trong phụng vụ Rô-ma, các thánh vịnh tiến cấp hay các thánh vịnh khác được hát giữa bài thánh thư và bài Tin mừng. Người ta có thói quen hát thánh vịnh này ở giảng đài, vị trí hơi cao, có nhiều bậc bước lên, trong khi cung nghinh Tin mừng.
Ca tiến cấp Ghê-gô-ri-ô là bài hát xen giữa bài đọc đầu tiên và Tin mừng. Ðó là một bài xướng đáp: phần thứ nhất mọi người đều hát và một câu do các ca viên hát. Ðể tôn trọng bản chất hát đối đáp trong thánh lễ, có thể lặp lại phần thứ nhất sau câu do ca viên hát. Phần lớn các bản văn trong sách hát Ghê-gô-ri-ô đều được trích từ tập thánh vịnh.
Vào ngày chúa nhật, ca tiến cấp được cất lên giữa các bài đọc một và hai, trừ mùa Phục sinh người ta hát Ha-lê-lui-a ở đầu. Ngày thường trong tuần và ngoài mùa Phục sinh, có thể hát ca tiến cấp hoặc Ha-lê-lui-a giữa bài đọc đầu tiên và bài Tin mừng. Mùa chay chỉ được hát ca tiến cấp. Vì ca tiến cấp là bài hát hoa mỹ nhất của nhạc Ghê-gô-ri-ô trong thánh lễ, nên trở thành tên gọi chung cho một tập gồm những bài hát khi cử hành thánh lễ: ca Nhập lễ, ca Tiến cấp, ca Tiếp liên, Ha-lê-lui-a, ca Tiến lễ, ca Hiệp lễ, kinh Thương xót. Do đó, ca tiến cấp là sách hát Ghê-gô-ri-ô được sử dụng trong thánh lễ. Theo như công đồng Va-ti-ca-nô II mong ước (PV 117), ca tiến cấp phổ thông đã được xuất bản gồm những giai điệu đơn giản hơn dùng cho những nhà thờ nhỏ, nơi không thuận tiện để hát những bài công phu.

Ca Tiếp Liên
(= Séquence)
Tiếng La-tinh sequentia nghĩa là tiếp theo, liên tiếp. Ca tiếp liên là bài ca có nhịp điệu tiếp nối và kéo dài câu Ha-lê-lui-a. (xc. Câu tung hô).

Ca Tiếp Liên Mùa Chay
(= Trait)
Tiếng La-tinh tractus, hay đầy đủ hơn là psalmus tractus nghĩa là thánh vịnh hát một mạch. Trong phụng vụ Ki-tô giáo sơ khai, ca tiếp liên khác ca tiến cấp ở chỗ chỉ có một người đơn ca chứ cộng đoàn không hát. Hiện nay, loại ca tiếp liên này được hát vào ngày chúa nhật và các ngày lễ trong mùa chay, giữa bài đọc hai và bài Tin mừng, thay thế cho Ha-lê-lui-a. Bản văn ca tiếp liên này hầu như bao giờ cũng trích từ thánh vịnh, thậm chí lấy nguyên cả một thánh vịnh (như Chúa nhật I mùa Chay và Chúa nhật Thương khó).

Ca Tụng
(= Louange)
Tiếng La-tinh, laus có nghĩa là ca tụng, vinh quang, kính trọng. Tán tụng là một trong những chiều kích chính yếu của kinh nguyện phụng vụ, đến nỗi sách thánh vịnh, tập sách diễn tả rõ rệt nhất hình thức cầu nguyện này còn được gọi là Tohillim, tiếng Híp-ri nghĩa là ca tụng. Ca tụng là vui thích vì vẻ đẹp và lòng nhân từ của Thiên Chúa, Ðấng đã nối kết chúng ta vào cuộc sống của Người, trong khi chờ đợi Người dẫn đưa chúng ta vào vinh quang của Người (xc. Vinh tụng ca).

Ca Viên
(=Choriste)
Ngay từ thế kỷ IV đã xuất hiện những ca đoàn thiếu nhi góp tiếng trong trẻo vào giọng ca của các bậc đàn anh. Các em có nhiệm vụ đọc sách, xướng ca hay xướng thánh vịnh, được qui tụ thành từng nhóm hát thánh ca thánh vịnh cạnh nhà thờ chính tòa hay đan viện. Tại đây, các em được đào tạo về âm nhạc, huấn luyện về nhân bản và tôn giáo.
Từ ngữ này thường được dùng để chỉ một cậu bé trong ban thánh ca thi hành nhiều nhiệm vụ khác nhau để giúp vị chủ tế. Ngày xưa gọi là cậu bé hát thánh ca.

Ca Viên Tu Viện
(= Schola)
Từ La-tinh schola phát xuất từ tiếng Hy-Lạp scholè có nghĩa là niềm vui chuyên chú vào việc học. Về sau có nghĩa là trường lớp nơi người ta theo học. Schola cantorum hoặc trường ca viên là một trường âm nhạc do thánh Ghê-gô-ri-ô Cả thiết lập ở Rô-ma để dạy các thiếu niên hát trong phụng vụ. Khi cử hành phụng vụ, các thiếu niên này đứng ở một vị trí đã chỉ định trong nhà thờ. Ngày nay, ca viên tu viện chỉ một nhóm các ca xướng viên. Trong các đan viện, các ca xướng viên đứng ở giữa cung nguyện để hát một vài phần trong thánh lễ hoặc trong kinh thần vụ (xc. Ca xướng viên, Ca đoàn).

Ca Xướng Viên
(=Chantre)
Tiếng La-tinh cantor có nghĩa là ca sĩ, người có giọng tốt, giữ nhiệm vụ xướng cung hoặc hát những bài ca phụng vụ. Các ca xướng viên họp thành ca đoàn hay ca hội. Người đứng đầu nhóm gọi là ca trưởng, có trách nhiệm lĩnh xướng những phần quan trọng và lo cho việc ca hát khi cử hành phụng vụ được tốt đẹp.
Trừ những lúc họ hợp thành ca đoàn, tùy theo tầm quan trọng của các cộng đoàn, chỗ của các ca xướng viên thường được bố trí giữa các hàng ghế dành cho ca đoàn, để họ dễ thi hành phận vụ của mình. Trong các lễ trọng, hai hoặc bốn ca xướng viên mặc trang phục riêng, tức là áo choàng, đứng ở một vị trí đặc biệt. Lúc đó, sẽ có việc hát đối đáp giữa các ca xướng viên với thành phần còn lại của ca đoàn.

Cải Táng
(= Translation)
Cải táng là chuyển cốt một vị thánh sang một nơi khác. Thường ngày cải táng được giữ làm ngày lễ kính vị thánh đó. Chẳng hạn ở Pháp, lễ thánh Biển Ðức, ngày 11 tháng 7, bắt nguồn từ cuộc lễ cải táng người sang đan viện Fleury (Saint-Benoit-sur-Loire).

Canh Thức - Vọng Lễ
(= Vigile)
Tiếng La-tinh vigilia có nghĩa là buổi canh thức, giờ canh thức. Ðối với người Do Thái, bữa ăn Vượt qua vào chiều ngày 14 tháng Nisan không chỉ là kỷ niệm ngày được giải phóng khỏi Ai cập, nhưng còn là buổi canh thức mong chờ Ðấng Cứu thế (xc. Phục sinh, Vượt qua). Tương tự như vậy, canh thức lễ Vượt qua (xc. Nến Phục sinh), vào đêm thứ bảy Tuần Thánh rạng Chúa nhật Phục sinh, là để cầu nguyện trong tâm tình chờ mong Ðức Ki-tô Phục sinh. Ðỉnh cao của buổi canh thức này là việc cử hành lễ Tạ ơn, gặp gỡ Ðấng đã chiến thắng sự chết. Mọi thánh lễ đều mang chiều kích này, tức là chờ mong Chúa quang lâm, hoặc ngày Chúa Ki-tô trở lại vĩnh viễn.
Một vài lễ trọng cũng có thánh lễ vọng (canh thức), cử hành vào buổi chiều hôm trước cùng với kinh Chiều I.

Canh Thức Cầu Cho Người Quá Cố
(= Veillée)
Phụng vụ cầu hồn quy định có một buổi cầu nguyện bên cạnh người vừa được gọi về nhà Cha. Buổi canh thức này gồm việc đọc kinh Lạy Cha, thánh vịnh, và Lời Chúa, trong bầu khí thanh bình lặng lẽ (xc. Người quá cố).

Câu Chuyển Nghĩa
(= Trope)
Trong tiếng Hy Lạp, tropos có nghĩa là vòng xoay. Câu chuyển nghĩa là một câu ngắn, xen kẽ, dùng để lấp đầy những chỗ có dấu ngân dài (neuma) trong một số bài nhạc bình ca Ghê-gô-ri-ô. Kiểu khai triển này - rất thịnh hành thời Trung cổ - do người ta không hiểu giá trị diễn cảm của những âm ngân dài theo cung nhạc. Ðến thế kỷ VI, công cuộc canh tân phụng vụ của đức Thánh Cha Pi-ô V đã loại bỏ kiểu câu chuyển nghĩa này, chỉ còn lại dưới hình thức một số câu tung hô hay ca tiếp liên. Một số kinh Thương xót vẫn còn được gọi là những câu chuyển nghĩa cổ (xc. Câu tung hô; Bình ca, Ghê-gô-ri-ô).

Câu Tung Hô
(= Prose)
Trong tiếng La-tinh prosus hay prorsus có nghĩa là hướng về phía trước (pro: phía trước; versus: quay). Prosa oratio là một bài diễn từ đều đều, là lối phối hợp các từ ngữ một cách đơn giản. Trong số các bản văn phụng vụ, Câu Tung hô hoặc Ca Tiếp liên là một bài sáng tác theo thể thơ tự do, nhằm giúp kéo dài các dấu neuma trong bài Ha-lê-lui-a. Âm cuối bài Ha-lê-lui-a được ngân dài giúp cho thầy phó tế có đủ thời gian tiến lên giảng đài. Vì các đan sĩ Pháp không quen điệu hát Jubilus có âm vực rộng này, nên các ông hát nuốt chữ. Ðó là nguồn gốc của kiểu sắp xếp từ ngữ prosa theo sau (sequentia) bài Ha-lê-lui-a. Chính vì thế, nếu trước đó đã hát bài Ha-lê-lui-a, thì mới hát tiếp một trong bốn Ca Tiếp liên của sách lễ Rô-ma: Ca Tiếp liên tuần Phục sinh, lễ Ngũ tuần, lễ Mình Máu Thánh Chúa và lễ Ðức Mẹ Bảy sự. Các câu tung hô hoặc Ca Tiếp liên khác đôi khi được hát lúc chầu Thánh Thể hay trong những buổi cử hành á phụng vụ, như việc lần chuỗi, tôn kính trong tháng Ðức Mẹ (xc. Á phụng vụ). Sách nghi thức La-tinh, trừ sách nghi thức Ghê-gô-ri-ô, vẫn đặc biệt duy trì các câu tung hô của đan sĩ Notker thuộc đan viện Saint Gall (thế kỷ IX-X) và Adam St Victor (thế kỷ XII).

Câu Xướng Ðáp
(= Verset)
Tiếng La-tinh versus có nghĩa là luống, hàng chữ, câu thơ. Ðể sắp xếp các bản văn, Kinh thánh không những được chia thành quyển, chương, nhưng còn thành câu, tức là những phần nhỏ gồm một hay vài hàng. Trong các bài thơ, chẳng hạn như thánh vịnh hay thánh ca dùng trong Phụng vụ, câu thường gồm một hay hai câu thơ. Trong khi đọc hay hát thánh vịnh kiểu đối đáp, mỗi bên hát một câu xen kẽ nhau. Việc hát đáp ca, Ca tiến cấp và Ha-lê-lui-a gồm có phần chung dành cho cộng đoàn, sau đó là câu do một người hay một nhóm xướng lên. Cuối thánh vịnh kinh Sách hay kinh Trưa, ca xướng viên sẽ đọc câu xướng, tức là một câu ngắn, thường rút ra từ thánh vịnh, rồi cả cộng đoàn đáp lại, như một hình thức tung hô nối tiếp vào câu xướng.

Cầu Mùa
(= Rogations)
Tiếng La-tinh rogatio có nghĩa là cầu xin, khẩn cầu, cầu nguyện. Các lễ cầu mùa xuất hiện từ thế kỷ thứ V. Trong những thời kỳ đói kém, thánh Mamert, giám mục Vienne, đã ấn định một hình thức chay tịnh và những buổi rước kiệu có hát thánh ca suốt ba ngày trước lễ Thăng thiên. Khi qua cơn nguy biến, tục lệ đó vẫn tồn tại và được phổ biến sang các giáo phận khác. Những lời khẩn cầu long trọng này đặc biệt xin Chúa chúc lành cho công việc đồng áng để mùa thu hoạch sắp tới được tốt đẹp.
Thánh lễ và cuộc rước cầu mùa không nhất thiết phải cử hành vào ngày thứ hai, thứ ba và thứ tư trước lễ Thăng thiên. Các hội đồng giám mục có quyền xác định một hoặc nhiều ngày cầu mùa và cho phép các cộng đoàn giáo xứ được tự do chọn lựa những ngày thuận tiện. Hát Kinh Cầu là phần chính yếu của các lời kinh được hát trong buổi rước cầu mùa.

Công Trình Thiên Chúa
(= Oeuvre de Dieu)
Trong tiếng La-tinh Opus Dei nghĩa là công trình Thiên Chúa hay các kỳ công của Thiên Chúa, những điều kỳ diệu Thiên Chúa thực hiện với dân củaNgười để cứu độ họ (xc. St 2,2-3; Is 55,15; 26,12; 28,21; 2,23; Gr 48,1; Gv 11,5). Trong Tin mừng, người Do Thái đặt vấn đề: "Chúng tôi phải làm gì để phục vụ công trình của Thiên Chúa?". Ðức Giê-su trả lời: "Công trình của Thiên Chúa là anh em hãy tin vào Ðấng Người đã sai đến" (Ga 6,28-29). Ðối với thánh Phao-lô, sứ vụ của vị tông đồ là cộng tác vào công trình của Thiên Chúa (1 Cr 3,9; 15,58; 16,10) và tiếp tục công trình của Ðức Ki-tô (Pl 2,3) đã được hoàn tất trong mầu nhiệm Vượt qua, tuyệt phẩm của công trình yêu thương. Toàn bộ đời sống Ki-tô hữu có đặc tính là một công trình cộng tác giữa Thiên Chúa và Dân Người; nó hệ tại ở việc sống những hồng ân của Thiên Chúa cho tới khi chúng được viên thành trong vinh quang bất diệt. Tuy nhiên, nếu Ki-tô hữu được kết hợp với công việc của Thiên Chúa bằng đời sống đức Tin, thì còn có một hoạt động mang giá trị chủ yếu trong số những hoạt động khác: đó là đời sống phụng vụ. Thực vậy, phụng vụ là toàn bộ những hành vi nối kết hoạt động của Thiên Chúa với hoạt động của con người, đó là thời khắc trọn vẹn và sâu sắc nhất của sự kết hợp này. Chính vì thế, suốt thế kỷ V và VI, nhất là trong qui luật của thánh Biển Ðức, từ ngữ la-tinh Opus Dei đồng nghĩa với phụng vụ. Nhờ có hai nghĩa - khách quan và chủ quan - của thuộc từ Dei. Opus Dei có thể chỉ đồng thời và duy nhất, công việc của Dân Thiên Chúa thực hiện dâng lên Thiên Chúa. Kiểu nói cổ điển: công trình Thiên Chúa rất thích hợp để giải thích phụng vụ như là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa với dân Người, để cử hành Giao ước (xc. Phụng vụ, Giao ước).
Trong cuộc hội họp Thánh Thể, nhiều lời nguyện trong thánh lễ gợi lên toàn bộ thực tại của Opus Dei: "Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ơn tham dự thực sự vào mầu nhiệm Thánh Thể này, vì mỗi lần hy tế tưởng niệm được cử hành, là công trình cứu độ chúng con được hoàn tất" (lời nguyện tiến lễ, Chúa nhật Thường niên). "Lạy Chúa, sau khi đã được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể, chúng con nài xin Chúa cho mỗi lần chúng con cử hành mầu nhiệm này là mỗi lần làm lớn lên trong chúng con công trình cứu độ của Ngài" (lời nguyện hiệp lễ, Chúa nhật XV Thường niên).

Cộng Ðoàn
(= Synaxe)
Tiếng Hy Lạp sumaxis có nghĩa là tụ họp để cử hành phụng vụ (xc. Cộng đoàn phụng vụ).

Cộng Ðoàn Phụng Vụ
(= Assemblée)
Là một thực tại cốt yếu của phụng vụ, Cộng đoàn phụng vụ là một cuộc họp mặt Dân Chúa do Thiên Chúa quy tụ đối diện với Người để cử hành Giao ước.
Ở chung cuộc, Công trình Thiên Chúa luôn là việc quy tụ đoàn Dân thuộc về Người. Người không ngừng giải thoát những kẻ thuộc về Người "để họ thờ phượng Người" (xc. Xh 7,16.26; 8,16; 9,1.13; 10,3.7.11.26). Tức là để họ cùng với Người đi vào phụng vụ. Khi thất bại không thể giải thoát và hợp nhất người Híp-ri, ông Mô-sê đã cảm nghiệm thấy sự bất lực của những cố gắng thuần túy nhân loại (Xh 2,1-15). Chỉ mình Thiên Chúa mới có thể giải thoát con người khỏi ách nô lệ mọi thứ ngẫu tượng để dẫn vào sự cao cả của việc phụng vụ. Việc ký kết Giao ước tại Xi-nai làm cho dân Ít-ra-en trở thành Dân của Thiên Chúa, được qui tụ do Người và vì Người: qehal Yahvé (Ðại hội của Ðức Chúa). "Chính các ngươi thấy Ta đã xử với người Ai Cập như thế nào, và đã mang các người như trên cánh chim bằng mà đem đến với Ta" (Xh 19,4). Ðối với dân Ít-ra-en, cuộc cử hành phụng vụ vĩ đại, Giao ước Xi-nai, vẫn là "Ngày Ðại hội tuyệt hảo" (Ðnl 9,10; 10,4; 18,1-16). Mọi cộng đoàn phụng vụ chỉ là nhắc lại, hiện tại hóa Ngày đầu tiên, ngày Thiên Chúa làm cho Ít-ra-en thành Dân Hiền thê.
Nhưng dân Ít-ra-en không trung tín với Ðức Chúa được lâu. Giao ước chẳng mấy chốc đã bị phá vỡ vì họ đã phản bội Chúa, tức là thờ lạy con bò vàng. Dù Giao ước đã được phục hồi và không ngừng được mừng kính suốt thời gian Cựu ước, Lời Thiên Chúa phán qua các ngôn sứ luôn cố gắng gợi cho tâm hồn con người nỗi khao khát có một Giao ước mới, Giao ước duy nhất có khả năng qui tụ Dân một cách bền vững quanh Thiên Chúa và đối diện với Người. Ðức Ki-tô là Thiên Chúa và là con người; mọi con cái Thiên Chúa đã tản mác được "qui tụ thành một" (Ga 11,52). Hy lễ trên núi Can-vê là một hành vi tuyệt mức của tình yêu; qua hy lễ đó, Ðức Giê-su, Lời của Chúa Cha, mời gọi Hội Thánh đã được Người đổ máu ra cứu chuộc đến tham dự vào trong chính sự duy nhất của Chúa Ba Ngôi (xc. Cv 20,28; Ga 17,11.21.22).
Trước khi trở về với Chúa Cha, Ðức Ki-tô đã để lại cho Hội thánh một cách thế để tưởng niệm Hy lễ của Người; Hy lễ đó là nguồn mạch và là cách diễn tả sự hiệp nhất một cách đầu đủ. Thánh Thể - và toàn thể phụng vụ xuất phát từ đó - là hành vi chủ yếu liên kết Tân nương với Tân lang trong việc cử hành Giao ước. Khi cộng đoàn phụng vụ nghe Lời Thiên Chúa và nghe linh mục, phó tế giải thích, khi cộng đoàn tung hô, xướng đáp để nói lên lòng mình gắn bó với Công trình cứu độ được hiện tại hóa trong việc cử hành, khi cộng đoàn hát kinh Lạy Cha và rước Mình Máu Chúa, tất cả những lúc đó, cộng đoàn đã xử sự với tư cách là Hiền thê, đồng thời thể hiện phẩm giá của mình một cách sâu xa nhất.
Nhờ chức tư tế, linh mục vừa là bí tích của Ðức Ki-tô, vừa là phát ngôn viên của cộng đoàn. Không thể có sự qui tụ các Ki-tô hữu đúng nghĩa mà lại thiếu vắng giám mục và các cộng tác viên của người. Thánh Xíp-ri-a-nô đã chẳng định nghĩa Hội thánh như là đoàn Dân được liên kết với vị tư tế và là đoàn chiên gắn bó với vị chủ chăn của mình (Plebs sacerdoti adunata et pastori suo grex adhaerens) (69,8)? Vì được kết hợp với Ðức Ki-tô như Tân nương với Tân lang, cộng đoàn các tín hữu chỉ là một với Người. Do đó, cộng đoàn có thể bày tỏ thái độ hiếu thảo một cách tự phát và hướng về Chúa Cha một cách trọn vẹn. Tóm lại, cộng đoàn phụng vụ là một cuộc tham dự vào sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, theo một công thức khác của thánh Xíp-ri-a-nô về Hội thánh: "Dân đã được hiệp nhất do chính sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (De unitate Patris et Filii et Spiritus Sancti plebs adunata - De oratione dominica, 23; so với lời Tiền tụng số 8 các Chúa nhật Thường niên).
Nếu cộng đoàn phụng vụ mang tính chất sinh động và chung cuộc đối với các Ki-tô hữu như thế, thì ta có thể hiểu tại sao thánh I-nha-xi-ô thành An-ti-ô-ki-a đã nhắn nhủ các tín hữu Ê-phê-xô: "Anh em hãy siêng năng họp mặt nhau nhiều hơn nữa để cử hành Thánh Thể và dâng lời ca tụng Thiên Chúa" (13,1).

Cộng Tác
(= Synergie)
Tiếng Hy Lạp sunergia hoặc sunergeia có nghĩa là hợp tác hoặc cộng tác: (Sun: với và ergon công việc). Phụng vụ là một công việc chung giữa Thiên Chúa với Dân của Người (xc. Phụng vụ, Công trình Thiên Chúa). Cộng tác là một kiểu nói đặc biệt để chỉ hành vi trọng yếu, tức là việc cử hành Giao ước. Thiên Chúa hành động vì Hội thánh của Người và Hội thánh hành động vì Thiên Chúa của mình: cả hai cùng hành động.
Cốp (Nghi Thức)
(= Copte)
Xc. Phụng vụ (các nghi thức).

Của Ăn Ðàng
(= Viatique)
Trong tiếng La-tinh, viaticum có nghĩa là lương thực cho cuộc hành trình (via: con đường). Của ăn đàng là Thánh Thể được trao cho một bệnh nhân sắp qua đời, nhằm nâng đỡ người ấy để họ vượt qua đời này về thiên quốc. Ðức Ki-tô đã nói Người là Ðường (Ga 14,6), vì thế, việc lãnh nhận Thánh Thể đây là một sự nâng đỡ tuyệt hảo trong hành trình tiến về nơi chính Người đã chuẩn bị cho chúng ta. Nghi thức rước lễ như của ăn đàng được trình bày chi tiết trong nghi thức hiệp lễ và việc tôn thờ Thánh Thể ngoài thánh lễ, hay trong nghi thức bí tích Xức dầu bệnh nhân. Sau lời chào mở đầu và nghi thức sám hối - có khi là bí tích Sám hối - là một bài đọc Lời Chúa ngắn, nhắc lại lời tuyên xưng đức tin của bí tích Rửa Tội theo công thức ngắn, lời nguyện cộng đồng cầu cho bệnh nhân đang bị cái chết rình rập, kinh Lạy Cha, hiệp lễ, lời nguyện kết thúc và phép lành. Sau phần sám hối hay bí tích Sám hối, linh mục có thể ban ơn toàn xá trong trường hợp nguy tử. Nếu bệnh nhân không thể dùng thức ăn, có thể cho hiệp lễ dưới hình rượu.

Cúi
(= Inclination)
Cúi đầu hay cúi mình là một dấu chỉ tự nhiên để tỏ lòng kính trọng và lịch sự. Trong phụng vụ, cử chỉ đó nói lên phẩm tính của những mối quan hệ: giữa chúng ta với Thiên Chúa, với các thánh và với những người đang cùng chúng ta cử hành công trình của Thiên Chúa (xc. Phụng vụ). Có ba hình thức: cúi đầu, cúi mình và cúi sâu. Cử điệu của thân thể cũng là một thành tố cốt yếu của phụng vụ; nó đóng góp một cách rõ rệt vào vẻ đẹp của phụng vụ (xc. Cử điệu).

Cung Hiến
(= Dédicace)
Có lẽ việc cung hiến thánh đường là một trong những nghi lễ phụng vụ đầy đủ nhất và có ý nghĩa nhất. Khi dâng kính một công trình kiến trúc để làm địa điểm hội họp cử hành Giao ước, nghi thức cung hiến này hân hoan ca mừng toàn thể mầu nhiệm hôn lễ, liên kết chúng ta với Chúa Ki-tô, trong Chúa Thánh Thần, cho phép chúng ta cùng với Chúa Con thưa lời "Lạy Cha!"
Một nghi lễ như vậy đòi buộc toàn thể cộng đoàn hội thánh liên quan phải qui tụ quanh vị giám mục, các linh mục và phó tế. Người ta đi rước tới tòa nhà sắp được thánh hiến; các cửa được mở ra một cách trịnh trọng. Vị giám mục làm phép nước dùng để rảy trên dân chúng, trên những bức tường bên trong và bàn thờ của thánh đường. Ðây là nghi thức giống như nghi lễ Rửa tội. Sau kinh Vinh danh và lời tổng nguyện, đức giám mục cầm sách bài đọc, nâng lên cho dân chúng nhìn và nói: "Ước chi Lời Chúa luôn vang dội ở chốn này; ước chi đây là nơi mặc khải Mầu nhiệm Ðức Ki-tô và ban ơn cứu độ cho anh chị em trong Hội thánh". Cần ghi nhận là cách diễn tả trên nhằm nhấn mạnh ơn cứu độ là Công trình Thiên Chúa và Lời của Người.
Sau kinh Tin kính; đọc kinh cầu Các Thánh thay cho lời nguyện chung: Hội thánh dưới thế liên kết với Hội thánh trên trời. Hài cốt các thánh tử đạo và các thánh khác được đính vào bàn thờ, biểu tượng sự hiệp nhất của Nhiệm thể trong Chúa Ki-tô. Tiếp theo là lời nguyện thánh hiến trọng thể, gồm tóm toàn bộ mầu nhiệm Hội thánh hiến trọng thể, gồm tóm toàn bộ mầu nhiệm Hội thánh và phụng vụ. Như muốn nói lên tính kiên vững của việc thánh hiến, đức giám mục xức dầu bàn thờ bằng năm hình thánh giá, đồng thời xức dầu toàn thể bàn thờ, rồi 12 dấu thánh giá (hoặc ít là bốn) để cung hiến thánh đường. Dầu dùng để xức là Dầu Thánh. Sau đó, đốt hương trên bàn thờ, biểu tượng cho lời cầu nguyện không ngừng dâng lên Thiên Chúa làm cho thánh đường nức hương thơm Chúa Ki-tô (2 Cr 2,14-16). Việc xông hương cộng đoàn cho thấy chính cộng đoàn là đền thờ sống động, còn đền thờ vật chất chỉ là hình ảnh. Tiếp theo, trải khăn lên bàn thờ, ý nói đây là bàn dâng hy lễ Thánh Thể; nến được thắp lên, gần bàn thờ hay trên bàn thờ, và trước mỗi dấu thánh giá ghi dấu thánh hiến, cùng với tất cả các đèn nến khác, biểu tượng cho Ðức Ki-tô là Ánh sáng soi thế gian (Ga 8,12; 9,5). Sau cùng là cuộc cử hành hiến tế Thánh Thể, phần chính yếu của lễ cung hiến. Sau hiệp lễ, đức giám mục long trọng khánh thành nhà chầu: qua hiến tế thánh lễ từ nay Ðức Ki-tô mãi mãi hiện diện giữa các tín hữu của Người.
Cần phân tích đôi chút về những nghi tiết của lễ cung hiến, vì đó là cả một khối biểu tượng và cử chỉ chính yếu của phụng vụ. Những gì các bí tích Khai tâm thực hiện nhằm vào một con người, thì nghi lễ cung hiến thực hiện hướng đến ngôi thánh đường, dấu chỉ hữu hình của việc qui tụ con cái Thiên Chúa trong Nhà Cha.
Ngày được chọn làm kỷ niệm giáp năm cung hiến thánh đường là ngày lễ trọng đối với thánh đường đó. Ngày kỷ niệm cung hiến nhà thờ chính tòa được mừng như ngày lễ kính trong toàn thể giáo phận (xc. Lễ riêng). Ngày 9 tháng 11, toàn thể Hội thánh liên kết với niềm vui của các tín hữu Rô-ma, chung quanh đức thánh cha, cũng là giám mục của họ, để tạ ơn dịp cung hiến đền thờ La-tê-ra-nô, Mẹ và Bà Chúa của mọi thánh đường, vì đó là vương cung thánh đường của giám mục Rô-ma. Ngoài thành Rô-ma chỉ mừng lễ này như lễ kính.

Cung Nguyện
(= Choeur)
Tiếng Hy Lạp choros ban đầu có nghĩa là một vũ điệu theo vòng tròn, từ đó được sử dụng để chỉ vòng tròn các vũ công, rồi vòng tròn các ca sĩ, vì một vũ điệu luôn kèm theo các bài hát. Trong phụng vụ, từ ngữ cung nguyện chỉ vòng tròn những ca xướng viên, ca đoàn và theo nghĩa rộng hơn, chỉ tất cả đan sĩ hay các kinh sĩ của nhà thờ, là những người có nhiệm vụ hát khen Thiên Chúa.
Theo sự tiến triển thông thường của nghĩa ngữ, danh xưng cung nguyện từ chỗ chỉ nhóm các ca viên, được dùng để chỉ nơi họ đứng hát. Do đó, cung nguyện trong một nhà thờ chính tòa hay một đan viện là khu vực phía trước cung thánh, và bàn thờ. Ðây là cách sắp xếp của phần lớn các nhà thờ Tây phương. Nhưng trong những vương cung thánh đường cổ xưa, cung nguyện được xếp thành vòng tròn, trong lòng nhà thờ, bao quanh hai bên ngai giám mục. Các linh mục ngồi tại vị trí này, quây quần bên vị giám mục (xc. Hc 50, 12).
Vì được đặt trước bàn thờ, nên cung nguyện không thể có hình tròn, vì vậy, các hàng ghế cung nguyện tại các nhà thờ chính tòa hay các đan viện thường được xếp song song với nhau: hai bên cung nguyện đối diện nhau; khi các xướng viên đứng thành ca đoàn để hát, vị trí vòng cung thuận tiện cho họ hơn.

Cung Thánh
(= Sanctuaire)
Tiếng La-tinh sanctuarium có nghĩa là nơi thánh, phát xuất từ chữ sanctus. Trong các thánh đường, cung thánh là nơi linh thánh nhất, có đặt bàn thờ dâng lễ. Trong Cựu ước, Lều Hội ngộ hay Ðền thờ Giê-ru-sa-lem, cũng như mọi đền đài thánh trong các tôn giáo khác, có một nơi cực thánh (xc. Nơi thánh và Nơi cực thánh 1V 6,16; Ed 41,4). Cung thánh trong các nhà thờ là biểu tượng cho nơi cao vời thánh thiện, tức là cung thánh không do tay người phàm làm ra: đó là chính thiên đàng nơi Ðức Ki-tô đã vào (Dt 9,11-12.24), là Nhà Cha (Ga 14,2), là cung lòng Chúa Cha (Ga 1,18), nơi Chúa Con đang ngự trị và đợi chờ chúng ta.

Cùng Hiệp Thông (Kinh)
(= Communicantes)
Lời cầu nguyện trong phần đầu của lễ qui Rô-ma - kinh Tạ Ơn thứ nhất - bắt đầu bằng từ ngữ La-tinh communicantes nghĩa là hiệp cùng toàn thể Hội thánh. Ðây là lời van xin sự chuyển cầu của các thánh, theo danh sách: Ðức Trinh nữ Ma-ri-a, thánh Giu-se, các thánh Tông đồ, một số vị thánh thuộc Hội thánh Rô-ma. Trong giây phút trang trọng của hy tế Thánh Thể. Hội thánh trần thế hiệp nhất với Hội thánh trên trời và thể hiện mầu nhiệm các thánh thông công (đây là một tín điều trong kinh Tin kính các Tông đồ) (xc. Bìa xếp).
Trong một số lễ trọng, phần đầu của lời cầu nguyện này được soạn riêng (lễ Giáng sinh và tuần bát nhật, Hiển linh, Phục sinh và tuần bát nhật, Thăng thiên, Ngũ tuần). Một danh sách khác nêu danh tánh các vị thánh, được đọc trong kinh Nobis quoque pecatoribus (cả chúng con nữa, những người tội lỗi) ở cuối phần hai của lễ qui Rô-ma.

Cử Chỉ
(= Geste)
Phụng vụ đưa toàn thể con người vào cuộc gặp gỡ Thiên Chúa. Vì thế phụng vụ gồm chứa toàn bộ những cử chỉ, của cá nhân cũng như của cộng đoàn, diễn tả thái độ đón nhận ân sủng của Thiên Chúa và dâng hiến bản thân cho Thiên Chúa. Một số cử chỉ dành riêng cho linh mục trong vai trò làm trung gian cho hai bên. Cần phân biệt những cử chỉ có tính tạm thời vơiùi những thái độ hoặc tư thế phụng vụ có tính bền vững hơn (xc. Tư thế).
Về cử chỉ của các tín hữu, xin xem: Tôn thờ, Hôn chúc bình an, Bái gối, Cúi, Rước kiệu, Phủ phục, Ðền tội, Thánh giá. Những cử chỉ của linh mục chủ yếu là ở hai bàn tay, xin xem: Xá giải, Rảy nước, Pép lành, Trừ tà, Dìm xuống nước, Ðặt tay, Tẩy rửa, Xức dầu, Thánh tẩy vắn tắt. Về những điều liên quan đến thánh lễ, xin xem: Xông hương, Lễ vật, tế phẩm, Rửa tay, Nâng lên, Chính nhờ Ðức Ki-tô..., Bẻ bánh, Hòa chung, Chấm, Hiệp lễ.

Cử Hành
(= Célébration)
Cử hành một nghi lễ, một lễ kính hay một lễ kỷ niệm tức là sống cách sung mãn một biến cố, làm cho biến cố ấy nổi bật và hoàn tất nó cách trang trọng. Thực vậy, một cử hành bao gồm tính chất toàn vẹn nào đó: tính công khai, tưng bừng biểu lộ rõ ràng bằng những nghi thức, của dịp kỷ niệm trong gia đình hay ngày lễ của một quốc gia hoặc mừng một chức vụ trong dòng. Ðặc tính toàn diện ấy là thành phần của phụng vụ và của điều linh thánh được phụng vụ thể hiện: cử hành tức là thực hiện tất cả một công cuộc, nhằm mang lại mọi chiều kích cho một hành vi trang trọng.
Thiết tưởng cần khảo sát một chút về từ nguyên của một khái niệm khá quan trọng song đã bị phai nhạt một khi trở nên thông dụng. Tiếng La-tinh celeber nghĩa là nhiều, một số đông: một nơi nổi tiếng là nơi có rất nhiều người lui tới; một cuộc lễ nổi tiếng bởi vì có cả một khối đông người tham dự: các nhân vật hay các sự việc được coi la nổi tiếng vì được một số đông người biết đến.
Bởi đó, celebrare hay cử hành trước tiên có nghĩa là nhiều người thường xuyên lui tới một nơi, hoặc vây quanh một người nào; rồi có nghĩa là nhiều người tham dự một cuộc lễ, hành lễ long trọng với một số đông người tham dự; kế đến còn có nghĩa là lan tỏa giữa một số đông, công bố cho đám đông biết; và sau cùng có nghĩa là sử dụng thường xuyên hay thực hành.
Trong ý nghĩa đó, celebratio hay việc cử hành có thể hiểu là đổ xô về, sự hội họp đông người, sự qui tụ; rồi sau đó được hiểu cách rộng rãi là lễ trọng, lễ mừng.
Những nhận xét về phương diện tầm nguyên này có lợi điểm là qui chiếu về thực tại nền tảng của Dân Thiên Chúa trong Thánh kinh, Dân được Thiên Chúa triệu tập, nhằm thực thi một cách sung mãn đời sống theo Giao ước. Một cuộc cử hành là một tác động toàn diện, nối kết Dân Giao ước với Thiên Chúa của họ, và làm cho dân ấy bước vào đời sống của Thiên Chúa. Bất kể có bao nhiêu người tham dự, mỗi cuộc cử hành đều liên quan đến toàn thể Hội thánh, tập thể anh em đông đúc (Rm 8,20) đã được Ðức Ki-tô cứu chuộc bằng Bửu huyết (Mt 26,28) và đưa vào cuộc hiệp nhất vơiùi Thiên Chúa Ba Ngôi.
Khi linh mục hành lễ, người luôn thực thi vai trò qui tụ - như Ðức Ki-tô và trong Ðức Ki-tô - mọi người trong mối dây hiệp nhất của Thánh Thần (xc. Chủ sự); sau cùng, với linh mục và trước mặt linh mục, cộng đoàn càng ngày càng trở nên đúng với bản chất của mình: Dân Thiên Chúa, Thân Mình Ðức Ki-tô, Ðền thờ Chúa Thánh Thần (xc. Kinh Tiền tụng số 8 các Chúa nhật Thường niên).
Các bậc lễ cử hành phụng vụ theo thứ tự sau đây: lễ trọng, lễ kính, lễ nhớ (buộc hoặc tự do).

Cửa
(= Portes)
Trong các nhà thờ Ðông phương, bức bình phong đặt ảnh thánh có ba cửa khi cử hành phụng vụ, các cửa này dành cho các giới. Ở giữa là cửa ngọ môn hay cửa thánh, có hai cánh, dành riêng cho giám mục hay linh mục. Nếu nhìn lên bàn thờ, thì phía bên phải là cửa phó tế, dành cho các thầy phó tế; còn bên trái, là cửa chung, dành cho các giáo sĩ khác.

Ch

Chay Tịnh
(= Jeuen)
Tiếng La-tinh ieinium có nghĩa là tự nguyện tiết giảm ăn uống. Trong lịch sử nhân loại, khắp nơi đều thấy có việc thực hành chay tịnh tuyệt đối hay tương đối vì lý do tôn giáo hay vì các lý do khác. Qua việc chay tịnh, con người nhìn nhận mình lệ thuộc Thiên Chúa, vì lúc không sử dụng lương thực Thiên Chúa ban, con người cảm nghiệm được tính cách bấp bênh của sức lực mình: chay tịnh để tự hạ trước Thiên Chúa (xc. Tv 34,13; 68,11; Ðnl 8,3). Ăn chay là muốn bày tỏ cùng Thiên Chúa rằng: nếu không có Người, chúng ta không thể làm được gì; trong giây phút ta muốn cầu khấn Người một việc quan trọng (xc. Tl 20,26; 2Sm 12,16-22; Edr 8,21; Et 4,16), nhất là để nhìn nhận mình là tội nhân và qua việc nhìn nhận thực lòng tính cách hư vô của mình, con người khẩn cầu Chúa thứ tha (1V 21,27; Ðn 9,3). Chay tịnh thân xác chỉ có ý nghĩa khi đi đôi với một sự kiêng giữ hay xa tránh tội (xc. Is 58,1-12), nói khác đi, chay tịnh chỉ là hình thức bên ngoài (Mt 5,16-18).
Trong Tin mừng, Chúa Giê-su đã từng chay tịnh để chuẩn bị gặp gỡ Thiên Chúa hoặc chuẩn bị thực hiện công trình cao cả với Thiên Chúa. Như ông Mô-sê và ông Ê-li-a, Ðức Ki-tô đã chay tịnh 40 đêm ngày trong sa mạc (Mc 4,1; Xc. Xh 24,18; 34,28; 1V 19,8), trước khi công bố Luật mới trong bài giảng trên núi. Tuy nhiên Người cho thấy rằng chay tịnh tự nó chỉ có giá trị tương đối với các môn đệ, những người được mời tham dự bữa tiệc của Ðấng Thiên sai, thì chay tịnh nói lên thái độ sốt sắng đợi chờ Tân lang, tức là Ðức Ki-tô (Mt 9,14-15).
Chay tịnh của Hội thánh vào ngày thứ Tư lễ Tro và ngày thứ Sáu Tuần Thánh nói lên ý muốn đền tội và từ bỏ tội lỗi, đó cũng là một sự chuẩn bọ đón mừng lễ Phục sinh. Chay tịnh Thánh Thể được giới hạn một giờ trước khi rước lễ - 15 phút đối với các bệnh nhân - chủ yếu đây là một cử chỉ tôn kính, là sự chuẩn bị đón nhận chính Ðức Ki-tô trong bí tích, làm hiện thực công trình yêu thương tuyệt diệu của Người.

Chặng Dừng
(= Station)
Trong tiếng La-tinh, statio có nghĩa là đứng hoặc dừng lại. Ở Rô-ma, ngay từ thời cổ xưa của Ki-tô giáo, chặng dừng là nhà thờ nơi vị giám mục gặp gỡ con chiên của mình vào một ngày lễ phụng vụ khá quan trọng nào đó. Các sách bí tích của Hội thánh Rô-ma chỉ rõ trước chặng dừng cho nhiều ngày chúa nhật và ngày lễ (nhất là trong mùa Vọng và mùa Chay). Cũng có khi người ta tụ họp ở một nơi rồi từ đó kéo nhau đi sang một nơi khác, như nay vẫn còn thấy qua việc Rước Nến vào ngày 2 tháng 2 hoặc Rước Lá (xc. Lá, Nến). Một số cộng đoàn tu sĩ, nhất là đan sĩ, có thói quen đi chặng trong hành lang đan viện trước khi cử hành một số việc phụng vụ: các tu sĩ đứng yên lặng vài phút tại chỗ trước khi đi vào cung nguyện, mục đích là chuẩn bị con người mình trước việc cử hành phụng vụ sắp tới.
Trong các nhà thờ, chặng đàng Thánh giá là 14 nơi tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa Kitô, mỗi nơi có một dấu thánh giá và hình ảnh nghệ thuật gợi lại nội dung chặng đó. Thứ tự truyền thống như hiện nay không phải là hình thức duy nhất. Mỗi người cũng có thể đi đàng thánh giá bằng cách theo các chặng, ví dụ như bắt đầu từ bữa Tiệc ly và kết thúc bằng biến cố Phục sinh. Ði đàng thánh giá không phải là một việc phụng vụ, nhưng là một việc đạo đức (xc. Á Phụng vụ).

Chấm
(= Ininction)
Chấm là một trong những cách hiệp lễ dưới hai hình: linh mục nhúng Bánh thánh vào chén Máu thánh cho thụ nhân rước lấy. Khi sử dụng hình thức này đương nhiên không thể cho hiệp lễ trên tay (xc. Hòa chung).

Chân Ðèn Nhiều Ngọn
(= Candélabre)
(Xc. Nến)
Chất Liệu
(= Matière)
Nói theo thần học bí tích, cùng với mô thức chất liệu, là một trong hai yếu tố của bí tích: chất liệu là dấu hiệu khả giác của bí tích, ý nghĩa của nó được mô thức xác định.
- Trong bí tích Thánh tẩy: chất liệu gồm việc đổ nước trên trán của thụ nhân, hoặc dìm xuống bể nước.
- Trong bí tích Xức dầu bệnh nhân: chất liệu là việc xức dầu bệnh nhân trên tay và trên trán người bệnh.
- Trong bí tích truyền chức: chất liệu là việc đặt tay.
- Trong bí tích Thánh Thể: chất liệu là bánh và rượu.
- Trong bí tích Hôn phối: chất liệu được diễn tả qua việc chính hai người ký kết sự ràng buộc hôn nhân cách hợp pháp (khi đó mô thức là lời nói diễn tả sự ưng thuận).
- Trong bí tích Sám hội: chất liệu là hành động sám hối (ăn năn tội, xưng tội). Việc thống hối giả thiết phải có tội lỗi hối nhân đã phạm trước.

Chính Nhờ Ðức Ki-Tô
(= Per Ipsum)
"Chính nhờ Ðức Ki-tô, cùng với Ðức Ki-tô và trong Ðức Ki-tô, mọi vinh quang và danh dự đều thuộc về Cha là Thiên Chúa toàn năng, cùng với Chúa Thánh Thần muôn đời". Ðó là lời kết thúc mỗi kinh Tạ ơn. Ðó là vinh tụng ca chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi, chỉ có linh mục đọc, trong khi cầm đĩa đựng Mình Thánh và chén đựng Máu Thánh đưa lên với một cử chỉ tiến dâng (xc. Dâng Chúa vào Ðền Thánh). Có thể nói: đây là giây phút quan trọng nhất trong thánh lễ; các lời nói và cử chỉ đều diễn tả rõ rệt Ðức Ki-tô chịu hiến tế là Ðấng được Chúa Cha ban tặng đồng thời được dâng lại cho Chúa Cha, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, để mưu ích cho toàn thể Hội Thánh.
Trong Cựu ước, một người trở thành tư tế khi nhận trong tay những lễ phẩm để "đưa lên đưa xuống" trước nhan Ðức Chúa (xc. Xh 29,24.26; Lv 14, 12.24; Ds 5,25...). Vì thế, việc hát hoặc đọc toàn thể kinh Tạ ơn - và câu kết kinh Tạ ơn - thuộc quyền của linh mục, làm nhân danh Ðức Ki-tô. Còn cộng đoàn phụng vụ thì hô lớn A-men khi kết thúc Kinh Tạ ơn, để tỏ ý chấp nhận Giao ước (xc. Xh 24,7).

Chiêm Niệm
(= Contemplation)
Nếu từ La-tinh contemplare (chiêm niệm), có thể được hiểu là sống trong đền thờ, thì tự nó, chiêm niệm là một hành vi phụng vụ tuyệt hảo. Trên Giê-ru-sa-lem thiên quốc, nơi mà Ðền Thờ là chính Thiên Chúa (Kh 21,22), sự chiêm niệm và hưởng kiến đều hoàn hảo. Tuy nhiên, ở dưới đất này, cái nhìn trong sáng cần có trong sự chiêm niệm phải kéo dài ra khỏi phụng vụ, không phải vì phụng vụ bị giới hạn cách này hay cách khác, nhưng vì giới hạn của chính chúng ta, là những con người chưa thể đón nhận được toàn bộ nội dung của những cử hành Giao ước (xc. Kinh nguyện, Sống).

Chu Kỳ Kính Thánh
(= Sanctoral)
Ðây là toàn bộ các ngày phụng vụ được dành cho việc cử hành kính các thánh vào những ngày ấn định trong lịch. Mừng kính các thánh còn là tôn vinh Thiên Chúa, vì khi tưởng thưởng công nghiệp của các thánh, Thiên Chúa tưởng thưởng chính các hồng ân của Người (xc. Kinh Tiền tụng các Thánh I). Tuy nhiên, không nên để cho việc mừng kính các thánh lấn lướt các ngày phụng vụ được dành để cử hành các mầu nhiệm chính của Ơn Cứu độ chúng ta trong Ðức Giê-su Ki-tô: mùa Giáng sinh với mùa Vọng, mùa Phục sinh với mùa Chay (xc. Phần phụng vụ theo mùa). Nên tham khảo các chỉ dẫn về qui luật thứ bậc các ngày phụng vụ trong phần nhập đề sách Lễ hay Các Giờ kinh Phụng vụ.

Chu Kỳ Phụng Vụ
(= Cycle)
Tiếng Hy Lạp kuklos nghĩa là vòng tròn. Trong các tôn giáo và các nền triết lý lớn, ý niệm chủ yếu là ý niệm tuần hoàn của sự trở về với thời đại hoàng kim nguyên thủy mà một chuỗi những suy thoái đã tách rời chúng ta ra khỏi thời đại đó. Chu kỳ phụng vụ, được lồng vào những chu kỳ của vũ trụ, cho phép thoát khỏi những chu kỳ của định mệnh và nhờ những nghi thức thích hợp, làm cho thời kỳ nguyên thủy trở thành thời hiện tại. Trong ý niệm này, thăng và trầm kế tục nhau.
Tuy nhiên, trong Ki-tô giáo thì không thể hiểu về chu kỳ như thế: chắc chắn rằng, mọi sự đều đến từ Thiên Chúa và trở về với Thiên Chúa. Sự kiện Thiên Chúa đến với chúng ta không hề ngụ ý nơi Người có một sự suy thoái nào. Một cách tự do và cá vị, Người đã ban mình cho chúng ta nhờ các hành động cứu độ Người đã thực hiện trong lịch sử. Lịch sử không phải là một mớ bòng bong vô ngã và tất yếu của một sức mạnh mù quáng, nhưng là sự nối tiếp những hành vi tự do được một cá nhân thực hiện trong thời gian. Ðể tác động đến chúng ta, Thiên Chúa hành động trong lịch sử, và chính chúng ta, khi đáp lại sáng kiến của Người, cũng hành động trong thời gian. Lịch sử cứu độ không theo chu kỳ, nhưng theo đường thẳng: việc Thiên Chúa hạ cố đến với chúng ta và việc chúng ta tiến lên với Người không phải là những hành vi kế tiếp nhau, nhưng xảy ra đồng thời và gắn bó với nhau; đó là một sự gặp gỡ, một Giao ước.
Dù vậy, trong Ki-tô giáo, vẫn có chu kỳ phụng vụ. Chu kỳ này đi theo những chu kỳ vũ trụ: chu kỳ thường nhật gồm những giờ kinh phụng vụ kế tiếp nhau, có trọng tâm là thánh lễ; chu kỳ hằng tuần bắt đầu từ chúa nhật và trở lại chúa nhật; chu kỳ hằng năm triển khai toàn bộ lịch sử cứu độ từ mùa Vọng này đến mùa Vọng khác một cách khá chi tiết.
Qủa thực, các chu kỳ khác nhau này cử hành chính mầu nhiệm Phục sinh: Ðâu là những vòng tròn đồng tâm, có bán kính lớn nhỏ hơn kém, đáp ứng nhu cầu của con người theo một tiết điệu giảm dần. Hội thánh không đi quanh vòng tròn. Theo hình trôn ốc, Hội thánh tiến bước về đích điểm định mệnh của mình, là sự hoàn tất Giao ước nơi Giê-ru-sa-lem trên trời. Thiên Chúa, Ðấng tạo dựng chúng ta, đã khơi dậy và nâng đỡ trong chúng ta tính năng động dẫn đưa chúng ta đến với Người. Bao lâu chúng ta chưa vĩnh viễn bước vào vòng tròn tương quan Ba Ngôi (xc. Ba Ngôi, Vinh quang), thì phụng vụ của thời đại Lịch sử Cứu độ này vẫn đặt chúng ta ở giữa đồi Can-vê với Giê-ru-sa-lem thiên quốc và, một cách mầu nhiệm, làm cho chúng ta trở thành những người cùng thời đại với nhau.

Chủ Sự
(= Célébrant)
Vị giám mục, linh mục hoặc phó tế, trong một cộng đoàn phụng vụ, đại diện chính thức của Ðức Ki-tô và vì thế thực thi trách vụ chủ tọa, được gọi là vị chủ sự. Tự bản chất, vị chủ sự cao nhất là đức giám mục, rồi đến các linh mục cùng hành lễ với người, và các phó tế thi hành tác vụ của mình (xc. Cử hành, Ðồng tế).

Chủ Tuần
(= Hebdomadier)
Tiếng Hy Lạp hebdomos, tiếng La-tinh hebdomas hay hebdomada nghĩa là thứ bảy, là một chu kỳ bảy ngày. Chủ tuần là người của tuần lễ, người trực tuần. Trong lãnh vực phụng vụ, chủ tuần là vị linh mục chủ sự thánh lễ và kinh thần vụ suốt một tuần lễ trong cộng đoàn tu sĩ hay linh mục. Trong các cộng đoàn không phải là tư giáo, vị chủ tuần chủ sự các nhiệm vụ chính trong giờ kinh thần vụ suốt một tuần: xướng và kết thúc kinh nguyện. Các vị trực tuần khác phải đọc các bài đọc ngắn, xướng các bài hát,v.v...

Chúa Nhật
(= Dimanche)
Trong tiếng La-tinh, dies dominicus nghĩa là ngày của Chúa. Mọi người đều biết đến việc ngày Chúa nhật. Ðối với các tác giả sách Tin mừng, Chúa nhật là ngày thứ nhất trong tuần, trong khi đối với người Do Thái, ngày sa-bát là ngày thứ bảy và là ngày cuối cùng (Mt 28,1; Mc 16,2.9; Lc 24,1; Ga 20,1.19; 1Cr 16,2), cho nên ngày Chúa nhật được gọi là Ngày của Chúa (Kh 1,10), vì đó là ngày Chúa sống lại: "Ðây là ngày Chúa đã dựng nên, ta hãy vui mừng và hoan hỉ trong ngày đó!" (Tv 117, 24). Nối kết với những lần Chúa Ki-tô hiện ra vào chiều ngày Phục sinh (Ga 20,26), và cũng nối kết với những bữa ăn mà Chúa Phục sinh dùng với các môn đệ (Lc 24,30.41-43), các Ki-tô hữu đầu tiên đã họp nhau để cử hành lễ Tạ ơn vào buổi chiều Chúa nhật (Cv 20,7tt).
Ðể cử hành biến cố Phục sinh cho tốt hơn, người ta đi đến chỗ tập họp vào sáng Chúa nhật, và chuẩn bị buổi cử hành này bằng một đêm canh thức. Như vậy, người ta đã đem lại ý nghĩa cho ngày người ngoại giáo gọi là ngày Mặt trời (tiếng Ðức: sontag; tiếng Anh: Sunday) và là ngày thứ hai trong tuần lễ vũ trụ (ngày Thổ tinh, Mặt trời, Mặt trăng, Hỏa tinh, Thủy tinh, Mộc tinh và Kim tinh). Ngày Chúa nhật là ngày mặt trời, vì đó là ngày Chúa Ki-tô, Mặt trời công chính đích thực (Ml 3,20) đã chỗi dậy sau giấc ngủ của sự chết cứu độ.
Trong nhãn quan Ki-tô giáo, vì là ngày thứ nhất trong tuần, tức là ngày nguồn gốc của mọi sinh hoạt Ki-tô giáo, nên ngày Chúa nhật cũng là ngày thứ 8, một chủ đề quan trọng trong biểu tượng các con số: nó gợi lên cái ở bên kia thời gian, gợi lên cái vĩnh cửu mà Chúa Ki-tô phục sinh đã bước vào, cái bến bờ nơi Người đang chờ đợi chúng ta (xc. Ga 21,4tt). Vừa là khởi điểm vừa là đích điểm, ngày Chúa nhật là trung tâm của chu kỳ phụng vụ hàng tuần, cũng như thánh lễ là trung tâm của chu kỳ hằng ngày, và lễ Phục sinh là trung tâm của chu kỳ hằng năm. Vì là ngày gốc và ngày cao điểm, ngày Chúa nhật là ngày hoàn hảo nhất cho tập họp Ki-tô hữu để cử hành lễ Tạ ơn: cử hành ngày này bằng việc tham dự thánh lễ Chúa nhật, đó là nhu cầu thiết yếu của mọi Ki-tô hữu. Ðể tỏ lòng tri ân vì cuộc sống mới do Chúa Ki-tô phục sinh đem lại, trong suốt ngày này, người ta tham gia những hoạt động mang dấu ấn của sự dữ tặng và dấu ấn của niềm vui.

Chúa Thánh Thần
(= Esprit Saint)
Trong tiếng La-tinh, Spiritus có nghĩa là hơi thở. Thần Khí Thiên Chúa, sức mạnh của Thiên Chúa, nguồn mạch sự sống (St 1,2) được Cựu ước gọi bằng các từ: Gió, Hơi thở, Là nguyên lý làm sinh động, Thần Khí thổi vào mũi con người một Nguồn Sống, nghĩa là một hơi thở đem lại sự sống hoàn toàn tùy thuộc vào Thiên Chúa. Như vậy, mọi sinh vật được sống động nhờ Thần Khí Thiên Chúa (xc. Tv 103,29-30). Tuy nhiên, những người Thiên Chúa trao cho sứ vụ đặc biệt còn được Thần Khí chiếm hữu cách sâu xa hơn nữa: các thủ lãnh, vua, tư tế và ngôn sứ (St 41,38; Ds 24,30; Tl 3,10; 1Sm 10,10-12; 16,13-14). Nhất là Thần Khí chiếm hữu Ðấng Mê-si-a (Is 11,2), nhằm làm cho toàn thể Dân Giao ước được nên sinh động. Vì bất trung, dân ấy không còn khả năng dâng lên Thiên Chúa việc thờ phượng trong Thần Khí nữa (xc. Ed 37; Tv 49 và 50).
Ðức Giê-su chính là Ðấng Mê-si-a, được thụ thai trong cung lòng Ðức Trinh nữ Ma-ri-a nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, Người được đầy bảy hồng ân của Thần Khí, Ðấng đã ngự xuống và ở lại với Người (Ga 1,33), Người ban phát thần khí vô ngần vô hạn (Ga 3,34), và hoàn trả thần khí vào giờ Người được tôn vinh trên thập giá (7,39; 19,30). Thần Khí xuất khỏi Ðức Giêsu khi Người tắt hơi, thổi trên cac Tông đồ vào chiều ngày Phục sinh, đổ tràn như cơn gió mãnh liệt, dưới hình lưỡi lửa, vào ngày lễ Ngũ tuần. Thần Khí khai sinh ra Hội thánh, sau khi đã làm cho Ðức Giê-su đầu thai và đã tác động Người trong suốt đời hoạt động (Lc 4,1-18; 10,21). Thần Khí còn tiếp tục công trình của Người trong thế giới và hoàn thành việc thánh hóa (kinh Tạ ơn IV): Thần Khí liên kết với nước và máu (Thánh tẩy và Thánh Thể) để làm chứng cho Ðức Ki-tô, đưa các tín hữu vào đời sống của Chúa Con khi kêu lên: "Áp-ba, Cha ơi!" (Ga 19, 34; 1Ga 5,6-8; Ga 4,6; Rm 8,15).
Kể từ khi Ðức Giê-su lên trời, Thần Khí không ngừng được gởi đến cho Hội thánh, qua Chúa Cha và Chúa Con: Thần Khí nhiệm xuất bởi Chúa Con (các tín hữu Ðông phương không nói Thần Khí nhiệm xuất bởi Chúa Con; họ bỏ chữ filioque của các tín hữu Tây phương trong kinh Tin Kính Công đồng Ni-xê-a Công-tăng-ti-nốp, thế kỷ X).
Các tín hữu được dìm vào trong Thần Khí khi chịu Thánh tẩy (Ga 3,4-8); chính Người đóng dấu ấn lên họ khi họ chịu Thêm Sức. Là Ðấng bàu chữa, Người ở bên các tín hữu (Ga 14,16-26; 16,7); Người được kêu cầu ngự xuống trên tế phẩm trong thánh lễ, khi đọc kinh cầu xin Thánh Thần. Qua trung gian tác vụ của linh mục, những người đã được Người thánh hiến (xc. Truyền chức), Người hoàn tất lễ tưởng niệm việc cứu chuộc, tức lễ Tạ ơn (Ga 14,26). Trong mọi bí tích, chính Người hành động, chính Người lại là Ðấng được ban tặng: Người vừa là tác nhân đệ nhất lại vừa là hiệu quả tối hậu (res tantum; xc. Bí tích).
Là mối dây liên kết Chúa Cha và Chúa Con, Thần Khí ở trong chính mầu nhiệm đời sống Ba Ngôi: Người là con sông tuôn chảy nước trường sinh, từ ngai Thiên Chúa và Con Chiên (Kh 22,1); vì xuất phát từ thiên đường đích thực là sự sống của Chúa Ba Ngôi, người tưới đẫm Cây ban sự sống (Thánh giá) và trở thành nguyên lý bản chất phong phú riêng của Thiên Chúa; với những dòng kênh là các động tác phụng vụ (xc. St 2,10; Kh 22,2). Chúa Cha và Chúa Con đến với chúng ta nhờ hiệu quả của Tình Yêu giữa Cha và Con, của Hơi thở do lòng yêu mến giữa Cha và Con. Thần Khí là Hồng ân tuyệt hảo, là Ðấng hoàn thành Công trình Thiên Chúa. Khi đón nhận Thần Khí nghĩa tử, chúng ta được sinh ra bởi Chúa Cha giống như Chúa Con, và có thể kêu lên "Cha ơi" cùng với Chúa Con. Là hình thức cô đọng toàn thể đời sống Ki-tô hữu, phụng vụ giúp chúng ta đón nhận và hoàn trả Thần Khí. Phụng vụ hôm nay là bảo chứng cho vĩnh cửu, là sự trao đổi yêu thương giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Thánh Thần. Như vậy, Thần Khí, một cách nào đó, là Trung gian tối hậu củ phụng vụ trong vinh quang (xc. Tư tế).

Chúc Tụng (Thánh ca)
(= Benedictus)
Ðây là những chữ đầu trong bài ca của ông Da-ca-ri-a (Lc 1,67-68) trong lễ nghi cắt bì cho người con của ông là Gioan Tẩy Giả (1,59tt): "Chúc tụng Ðức Chúa là Thiên Chúa Israel..." Là một hành vi tạ ơn trước sự xuất hiện của Ðấng Messia, kinh Chúc Tụng tán dương lòng nhân từ của Thiên Chúa, Ðấng vẫn "nhớ lại Giao Ước của Người" (c. 72: xc. Tưởng nhớ). Mỗi ngày, Hội Thánh lặp lại bài ca này vào giờ Kinh Sáng, lúc vầng hồng xuất hiện ở phía Ðông (c. 78). Như vậy, Hội Thánh sẵn sàng để nhận biết thời giờ được Chúa viếng thăm (Lc 19,44: xc. 1,68.70) và hưởng dùng quyền năng cứu độ mà Thiên Chúa ngừng sắm sẵn (c. 69) hết mọi ngày trong suốt cuộc đời (c. 73). Kinh Chúc Tụng là giây phút long trọng nhất của giờ kinh Ca Ngợi.

Chuyển Cầu
(= Intercession)
Tiếng Latinh Intercedere nghĩa là can thiệp vào, đặt mình vào giữa. Phụng vụ làm cho toàn thể Hội Thánh tham dự vào chức tư tế của Ðức Kitô, Ðấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Như vậy, phụng vụ là thời điểm đặc biệt thuận tiện để chuyển cầu, nghĩa là cầu nguyện cho tất cả mọi người. Trong kinh Tạ Ơn, chuyển cầu là các công thức để dâng lên Thiên Chúa tất cả các tín hữu và hết mọi người, còn sống hay đã qua đời, nhờ sự chuyển cầu của các thánh. Cuối giờ Kinh Sáng và Kinh Chiều cũng có những lời cầu (xc. Lời Nguyện cộng đồng).

Chuông
(= Cloche)
Ngày nay chúng ta không biết được nguồn gốc việc sử dụng các chuông nhỏ làm hiệu báo, trong lãnh vực đời cũng như đạo. Trong các nghi thức thánh, chuông nhỏ có hai chức năng: xua đuổi tà thần, và gợi cho cộng đoàn đang cử hành phụng vụ nhớ lại những kỷ niệm đẹp đẽ về Thiên Chúa của mình (xc. Xh 28,33-35; Hc 45,9). Nhờ những tiếng lục lạc gắn ở phẩm phục vị thượng tế, Ðức Giavê và Dân Người nhớ lại Giao Ước: cả hai cùng nhớ lại mối liên hệ đã được ký kết.
Vào thời đầu của Kitô giáo, chiêng, phách, chuông, kèn, mõ được sử dụng để làm hiệu triệu tập cử hành phụng vụ. Vào thời bình an triều Công-tăng--ti-nô, các cộng đoàn phát triển đông đảo, các sinh hoạt trong các đan viện trở nên phong phú, thì cần có những hiệu báo lớn hơn. Do đó, bắt đầu có chuông lớn, ít là vào đầu thế kỷ VI. Tên gọi chung là signum (dấu hiệu, hiệu báo), còn từ clocca có lẽ do từ clog trong tiếng Ai-len, là một quả chuông nặng các nhà truyền giáo thường sử dụng và từ klochôn trong tiếng Ðức cổ có nghĩa là vỗ, gõ (thế kỷ VIII).
Từ thế kỷ VIII, bắt đầu có nghi thức rửa tội chuông. Tiếng chuông là tiếng các thiên thần xua đuổi tà thần, và kêu gọi các tín hữu đến cử hành phụng vụ; chuông có địa vị cao quý, và cần được chúc lành một cách long trọng. Ðức Giám Mục định một ngày thanh tẩy các chuông, mỗi chuông được xức bốn lần, xông hương một lần. Cuối buổi lễ, người kéo chuông ngân nga vang trời.
Theo truyền thống, người ta ngưng kéo chuông từ thánh lễ ngày thứ Năm Tuần Thánh đến lễ Phục Sinh: đó là dấu hiệu Hội Thánh chịu tang. Dân gian cho rằng những ngày đó các chuông đều trở về Rôma.

Chư Thánh
(= Toussaint)
Theo lịch sử, lễ trọng kính các thánh có lẽ gắn liền với việc cung hiến đền Panthéon cổ xưa tại Rôma, do Ðức Bônifaciô IV cử hành vào đầu thế kỷ VII. Lúc đầu, đền Panthéon được dâng hiến cho chư thần, giờ được dâng hiến cho Ðức Maria và các vị tử đạo; sau này thêm các vị hiển tu. Ngày kỷ niệm giáp năm cung hiến đền Panthéon, cũng là lễ Các Thánh, ban đầu được ấn định vào 13 tháng 5. Ðến năm 835, dời vào 1 tháng 11.
Lễ Các Thánh liên kết Hội Thánh lữ hành với niềm hạnh phúc của Hội Thánh trên trời: việc mừng lễ này không chỉ nhắm đến tất cả các vị thánh đã được tôn phong (xc. Thánh nhân) tức là những vị đã được Hội Thánh dùng thẩm quyền của mình mà quả quyết là đang sống trong vinh quang của Chúa, nhưng cũng còn hưởng đến tất cả những vị thực sự đang sống trong hạnh phúc với Chúa. Cũng như lễ cung hiến, lễ Các Thánh cho ta thưởng nếm trước phụng vụ vĩnh cửu đang khởi đầu nơi phụng vụ trần gian (PV số 8).

Chử Ðỏ
(= Rubrique)
Do tính từ ruber trong tiếng latinh có nghĩa là màu đỏ. Chữ đỏ là phần in bằng mực đỏ trong các sách phụng vụ. Ðó không phải là bản văn phụng vụ, nhưng là những qui định cách thức cử hành phụng vụ. Những người bám sát chử đỏ là những người chỉ chú trọng đến lề luật trong việc cử hành hơn là quan tâm đến ý nghĩa sâu xa của các chức năng phụng vụ.

Chương
(= Chapitre)
Tiếng Latinh Capitudum do từ gốc Caput có nghĩa là đầu, Capitulum là một phần của một chương trong sách lề luật đọc mỗi ngày tại các đan viện hay kinh sĩ hội. Do đó capitulum được dùng để chỉ các kinh sĩ hay các đan sĩ nghe các bài đọc nói trên, về sau dùng để chỉ căn phòng họ ngồi nghe đọc sách.
Hội đồng vương cung thánh đường là đoàn kinh sĩ chính thức, có nhiệm vụ thay mặt giáo phận để cử hành phụng vụ của Hội Thánh, gồm thánh lễ và các giờ kinh phụng vụ. Một tổ chức như thế nói lên niềm xác tín rằng kinh nguyện phụng vụ có vai trò ưu tiên trong đời sống mục vụ của giáo phận.

Chưởng Nghi
(= Cérémonaire)
Là người phụ trách tổ chức và trông coi việc thi hành các nghi lễ phụng vụ. Vị chưởng nghi mặc áo trắng dài hoặc áo các phép.

D

Dây Các Phép
(= Etole)
Tiếng Latinh stola hay tiếng Hy Lạp stolè có nghĩa là áo ngoài. Dây các phép là một loại phẩm phục dành riêng cho những người đã lãnh nhận chức thánh. Ðó là một dải vải dài có hai vạt bằng nhau, màu sắc thay đổi tùy theo phụng vụ, cùng với các phẩm phục tế tự khác. Giám mục và linh mục quàng dây các phép lên cổ, thả song song hai vạt phía trước ngực; còn phó tế mang dây các phép từ vai trái chéo xuống bên phải: ở gần phía cuối, được may dính lại với nhau hay có một sợi dây nối hai vạt, để dây các phép quàng chéo một dải phía trước, một dải phía sau thân mình.
Ban đầu, dây các phép chỉ là một miếng vải dùng để lau miệng, lau mồ hôi hay nước mắt: một loại khăn tay mà người La tinh gọi là orarium, bởi chữ os có nghĩa là miệng. Người Hy Lạp gọi là ôrarion, còn người La tinh không hiểu vì lý do gì mà họ thích dùng chữ stola. Dây các phép được mang ngoài áo trắng dài.

Dây Thắt Lưng
(= Cordon)
Một loại dây lưng được bện bằng sợi trắng (hay bằng một chất liệu khác), dùng để giữ ly áo trắng dài. Ðể cử hành hy lễ của Giao Ước mới, các linh mục lấy lại một nghi tiết nào đó đã được quy định cho Dân Israel khi cử hành lễ Vượt Qua đầu tiên: "Các ngươi ăn lễ Vượt Qua, lưng thắt dây" (Xh 12,11). Phụng vụ trần thế là điểm tới tạm thời của Hội Thánh trên hành trình tiến về Ðất Hứa; những giai đoạn ấy, vừa là khởi điểm vừa là đích điểm, vì thế nên thắt lưng nghĩa là giữ tư thế sẵn sàng để nhận ra Chúa như hai lữ khách Emmau khi Người bẻ bánh. Một số áo trắng dài có nhiều đường may không cần dây thắt lưng.

Dân Chúa
(= Peuple)
Dân là phía ký kết Giao Ước với Thiên Chúa và cử hành Giao Ước đó, tức là phụng vụ. Trong mọi cuộc cử hành phụng vụ ở địa phương, vị linh mục đại diện Thiên Chúa, còn cộng đoàn tín hữu đại diện cho toàn thể Dân Chúa (xc. Cộng đoàn Phụng vụ, Hội Thánh).

Dâng Chúa Vào Ðền Thờ
(= Présentation)
Ngày 2 tháng 2, ngày sau lễ Giáng Sinh, Hội thánh cử hành lễ Dâng Chúa vào Ðền Thờ. Kỷ niệm cuộc gặp gỡ Sứ Giả của Giao Ước (xc. Mk 3,1) và nỗi trông đợi của Israel, được kết tinh nơi Cụ Già Ximêon (Lc 2,22-35), lễ Dâng Chúa vào Ðền Thờ cũng là lễ Ánh sáng, vì cụ già Ximêon chào Ðức Giêsu là Ánh Sáng soi đường cho chư quốc (Lc 2,32). Lễ Nến gồm: phần làm phép nến và rước nến trước thánh lễ, nghi thức này tái diễn cuộc gặp gỡ giao ước giữa Chúa Giêsu và Cụ Già Ximêon, do sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần (xc. Nến; Muôn lạy Chúa).
Việc kỷ niệm Ðức Trinh Nữ Maria dâng mình, được ấn định ngày 21 tháng 11, không dựa vào đoạn văn nào trong các Tin Mừng chính lục, nhưng dựa theo tục truyền Ðức Maria dâng mình vào Ðền Thờ, như được kể trong phần tiền Tin Mừng của Thánh Giacôbê (bản văn bằng tiếng Hy Lạp xuất hiện vào khoảng hậu bán thế kỷ II). Ngoài tục truyền ấy, ngày 21 tháng 11 Hội Thánh cử hành việc Ðức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội không ngừng hiến mình cho Thiên Chúa. Sự hiến dâng này là khuôn mẫu của mọi việc thánh hiến tu sĩ hay linh mục.
Trong thánh lễ, khi chuẩn bị lễ vật, linh mục thi hành hai cử chỉ dâng hiến bánh và rượu, kèm theo lời chúc lành bắt nguồn từ truyền thống Do thái (xc. Lễ vật, tế phẩm). Tuy nhiên, cử chỉ hiến dâng đích thực chính là lúc kết thúc Kinh Nguyện Thánh Thể (xc. Chính nhờ Ðức Kitô).
Tiếng Hy Lạp gọi lễ Dâng Chúa vào Ðền Thờ là hypapante. Ðộng từ hupantam hay hupapantan có nghĩa là tiến lên, gặp gỡ. Trong ngày lễ này, người Ðông Phương nhấn mạnh đến cuộc gặp gỡ giữa cụ già Ximêon và Chúa Giêsu. Hai vị cùng tiến lại với nhau, và như thế biểu lộ một cốt cách của Phụng Vụ, tức là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và Dân Người, để cử hành Giao Ước. Chúng ta không thể gặp gỡ Thiên Chúa nếu Người không đến với chúng ta trước và, qua Thánh Thần, thúc đẩy chúng ta đến với Người (xc. Nến).

Dầu
(= Huile)
Trong tiếng La tinh oleum, và élaion trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là dầu được trích từ cây ô-liu (élaia). Dầu luôn làm sáng tươi khuôn mặt (Tv 103,15), là biểu tượng của niềm vui (Tv 44,8). Do tính chất thẩm thấu của dầu, việc xức dầu nhằm chỉ việc Thiên Chúa thánh hiến một người để làm vua, tư tế, ngôn sứ (Xh 29,7; Is 10,1; 16,12-13). Ngay cả đồ vật và nhà cửa cũng được thánh hiến bằng việc xức dầu (St 28,18). Người được xức dầu tuyệt hảo là Ðấng Messia, là Chúa Kitô, là Vua, Thượng tế, và Ngôn sứ. Ngoài việc biểu tượng của niềm vui và vẻ đẹp, dấu chỉ của sự thánh hiến, dầu còn là loại thuốc làm dịu bớt những cơn đau và tăng cường sức mạnh cho các đấu sĩ, làm cho họ dẻo dai và ít chấn thương.
Phụng vụ của Hội thánh đã ưu tiên dùng ba loại dầu, được gọi là dầu thánh: dầu xức cho bệnh nhân, dầu xức cho người dự tòng và dầu thánh. Hai loại đầu được làm phép, còn loại thứ ba được thánh hiến trong lễ Truyền Dầu thứ Năm Tuần Thánh (xc. Các lời nguyện làm phép dầu).

- Dầu Bệnh Nhân trong trường hợp khẩn cấp có thể được linh mục làm phép lúc cử hành, là dấu chỉ khả giác được sử dụng trong bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân để ban ơn trợ lực của Chúa Thánh Thần.

- Dầu Dự Tòng ban sức mạnh Thánh Linh cho những người sắp lãnh bí tích Thánh Tẩy và trở thành những chiến sĩ của Thiên Chúa, bước theo Chúa Kitô và chống lại thần dữ. Dầu này có thể do linh mục làm phép trước khi sử dụng. Khi có lý do quan trọng, có thể bỏ việc xức dầu những người dự tòng trong Bí Tích Thánh Tẩy.

- Dầu Thánh là loại dầu thơm được sử dụng để xức dầu thánh hiến. Trong bí tích Thánh Tẩy, linh mục xức dầu trên đầu thụ nhân sau khi dìm hoặc dội nước. Trong Bí Tích Thêm Sức, xức dầu trên trán lúc ban phép bí tích Thêm Sức. Trong bí tích Truyền Chức, sau khi tấn phong giám mục thì xức dầu trên đỉnh đầu của tân giám mục; hoặc sau khi truyền chức linh mục, thì xức dầu trên lòng bàn tay của tân linh mục; khi thánh hiến nhà thờ và bàn thờ, thì đổ dầu thánh trên mặt bàn thờ và trên những dấu thánh giá được thánh hiến. Trong mỗi trường hợp, việc xức dầu thánh ám chỉ Chúa Thánh Thần ngự xuống. Như dầu xức vào đâu thì thẩm vào đó, Người thấm dần vào trong các hữu thể bằng nhiều cách khác nhau. Dầu thánh cũng giúp Kitô hữu tham dự vào việc xức dầu để làm vua, tư tế và ngôn sứ của Ðức Kitô.
Người ta cũng dùng dầu để đốt đèn, nói lên sự hiện diện của Ðức Kitô trong Thánh Thể đặt trong nhà tạm.

Dầu Thánh
(= Chrême)
Tiếng Hy Lạp chrima hay chrisma có nghĩa là thuốc, dầu. Danh từ này bởi động từ Chriô: xức, xoa bóp, bôi. Dầu thánh là loại dầu chính trong các loại dầu được giám mục thánh hiến khi cử hành lễ Dầu vào sáng thứ Năm Tuần Thánh. Dầu này là hợp chất gồm dầu ôliu, thuốc thơm và một số hương liệu khác.
Như những loại thuốc xoa bóp khác nhằm chữa lành bệnh, làm giảm đau và thẩm thấu vào cơ thể làm cho khỏe mạnh, dầu thánh tượng trưng cho sự thấm nhập của Chúa Thánh Thần và các ơn của Người trong tâm hồn tín hữu. Dầu thánh được dùng trong nghi thức của bí tích và phụ tích. Trong bí tích Thánh Tẩy, Dầu được xức trên đầu; trong bí tích Thêm Sức, dầu ghi trên trán dấu ấn của Ðức Kitô. Trong bí tích Truyền chức, vị tân giám mục được xức dầu trên đầu, còn vị tân linh mục được xức dầu trên bàn tay. Dầu thánh này cũng được dùng để xức trong nghi lễ cung hiến thánh đường và bàn thờ (xc. nghi Thức lễ Truyền dầu).

Dầu Thánh (Bình Ðựng)
(= Ampoule)
Trong phụng vụ, đó là một cái bình nhỏ dành riêng để đựng dầu thánh (xc. Dầu).

Dấu Chỉ
(= Signe)
Trong tiếng La tinh, signum có nghĩa là dấu, ấn dấu. Dấu chỉ là một thực tại hữu hình nào đó, tự nhiên hay qui ước, hướng tới một thực tại khác, hữu hình hay vô hình. Con người chỉ có thể biết và yêu mến tùy theo mức độ lãnh hội qua giác quan những yếu tố cần thiết cho đời sống nội tâm của họ và theo mức độ họ diễn tả đời sống nội tâm đó qua giác quan. Dấu chỉ là trung gian giữa điều thuộc khả giác và điều thuộc tinh thần: mọi "sự in dấu" - đó là ý nghĩa nguyên thủy của "dấu chỉ" - và mọi "sự biểu lộ" đều giả thiết phải có dấu chỉ làm trung gian.
Trong phụng vụ, một thế giới đầy dấu chỉ, việc in dấu tương ứng với tác động của Thiên Chúa tác động đến chúng ta qua Lời của Người, cũng như qua những dấu chỉ hữu hình và có hiệu quả, tức là các bí tích, và trong một mức độ nào đó, cả các phụ tích. Sự biểu lộ tương ứng với thái độ đáp trả của chúng ta hay sự đáp ứng trước tác động của Thiên Chúa, qua lời kinh tiếng hát cử chỉ, là cách biểu lộ khả giác giúp cho mọi phần tử trong cộng đoàn có thể cùng nhau bày tỏ sự ưng thuận của mình trước tác động của Thiên Chúa, Ðấng phù trợ họ (xc. PV, Phần định nghĩa phụng vụ).
Dấu chỉ là trung gian giữa tinh thần và khả giác, vì là yếu tố liên kết con người với nhau, vì con người chỉ có thể thông tin cho nhau qua những yếu tố bên ngoài. Ngoài ra, dấu chỉ còn là trung gian đặc biệt giữa Thiên Chúa và con người, nhất là kể từ biến cố Nhập Thể. Việc canh tân Phụng Vụ sau Công Ðồng Vaticanô II đã nhấn mạnh: "Phải tu chỉnh các bản văn và các nghi lễ, làm sao cho chúng diễn tả rõ ràng hơn những thực tại thánh mà chúng biểu thị, và để Dân Kitô giáo có thể dễ dàng thấu triệt các thực tại ấy càng nhiều càng tốt, cũng như có thể tham dự bằng việc cử hành những nghi lễ ấy một cách trọn vẹn, linh động và cộng đồng" (PV 21). Một trong những mục đích của cuốn Tự Ðiển này là giúp hiểu biết rõ hơn những dấu chỉ thánh để có được một cuộc cử hành trọn vẹn (xc. Biểu Tượng).

Di Chúc
(= Testament)
Tiếng La tinh testamentum có nghĩa là: tài liệu xác định dứt khoát những ý định sau hết của một người. Tiếng Hy Lạp "diathèkè" cũng có nghĩa đó. Cả hai dịch từ Hipri "berith", có nghĩa đen là giao kết. Từ giao kết phổ biến hơn, vì nó diễn tả chính xác tính cách song phương trong chương trình của Thiên Chúa: vì thế nó thích hợp hơn với ý nghĩa sâu xa của phụng vụ, tức là cuộc cử hành Giao Ước. Tuy nhiên, cần ghi nhận rằng từ di chúc vừa nói lên sáng kiến của Thiên Chúa trong Giao Ước, vừa nói lên tính cách dứt khoát của Giao Ước đó. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa chưa từng nói lời chung quyết, cũng chưa tỏ lộ ý định cuối cùng của Ngài. Trong Tân Ước, vào thời sau hết, Thiên Chúa phán dạy ta qua Thánh Tử, Người đã đặt làm Ðấng thừa hưởng muôn vật muôn loài (Dt 1,2).

Dìm Xuống Nước
(= Immersion)
Tiếng La tinh immergere, ghép chữ in (trong) và mergere (nhận chìm), có nghĩa là dìm một vật gì xuống nước. Khi cử hành bí tích Thánh Tẩy, việc dìm toàn thân hay một phần là dấu chỉ đầu tiên và rõ ràng nhất của việc dìm vào cái chết và phục sinh của Ðức Kitô. Ðể diễn tả rõ hơn ý nghĩa bí tích Thánh Tẩy hoàn toàn đưa ta vào đời sống Thiên Chúa Ba Ngôi, nghi thức dìm xuống nước được thực hiện ba lần, kèm theo lời cầu khẩn Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần (xc. Thánh tẩy).

Dự Tòng
(= Catéchumène)
Tiếng hy Lạp katèkhoumenos có nghĩa là người được nghe vang động một lời bên tai, bởi động từ katèkhein: làm vang động.người dự tòng là người được truyền thụ đức tin Kitô giáo, nhằm chuẩn bị lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy. Nghi thức khai tâm Kitô giáo cho người lớn gồm ba giai đoạn:
(1) Tiếp nhận vào số những thỉnh nguyện viên của bí tích Thánh Tẩy: tuyển chọn lần đầu, trừ tà và từ bỏ ma quỉ lần đầu;
(2) Quyết định của người dự tòng và việc ghi danh; khảo hạch, "trao" Kinh Tin Kính và Kinh Lạy Cha; nghi thức mở tai, trừ tà, chọn tên thánh, xức dầu dự tòng;
(3) Cử hành bí tích Thánh Tẩy, Thêm Sức, Rước Lễ lần đầu...

Ð

Ðan Sĩ
(= Moine)
Tiếng Hy Lạp monochos có nghĩa là duy nhất, đơn độc. Các đan sĩ sống thành cộng đoàn trong các đan viện không phải là những người cô độc, đúng hơn, đây là những người hiến mình để tìm kiếm một sự duy nhất cần thiết. Theo sắc lệnh "Canh tân và thích nghi đời tu" của Công đồng Vaticanô II: "Nhiệm vụ chính yếu của các đan sĩ là phục vụ Thiên Chúa uy quyền trong nội vi đan viện, với sự khiêm tốn, nhưng cao quí, hoặc hoàn toàn hiến thân phụng thờ Thiên Chúa trọn đời sống ẩn dật, hoặc phụ trách cách hợp pháp một vài công việc tông đồ hay bác ái Kitô giáo" (s. 9). Theo quy định thánh Biển Ðức, nếu suốt cuộc đời đan sĩ nơi "Trường phục vụ Thiên Chúa" diễn ra trong vâng phục và khiêm tốn, thì việc phục vụ đó là công trình Thiên Chúa, Opus Dei, ở mức độ tuyệt hảo nhất, và phải được đặt lên trên tất cả (chương 43). Việc cử hành phụng vụ, xét trong toàn bộ, nhất là Các Giờ Kinh Phụng Vụ, không phải là đặc ân của các đan sĩ, nhưng đời sống cộng đoàn của họ, có trọng tâm là kinh Thần Vụ, sẽ làm cho kinh thần vụ của họ có tính chất gương mẫu.

Ðan Viện
(= Abbaye)
Tiếng La tinh abbatia có nghĩa là một tu viện do một đan viện phụ hay một đan viện mẫu quản trị. Ðể thiết lập một đan viện, cần phải hội đủ số đan sĩ. Trước kia, đó là một tu viện có một tu viện trưởng điều hành.

Ðan Viện Phụ / Ðan Viện Mẫu
(= Abbé / Abbesse)
Tiếng Hipri nghĩa là người cha; còn trong tiếng Aram nghĩa là bố, ba (tiếng trẻ con gọi). Như thế, đan viện phụ là người cha của một cộng đoàn đan tu. Bình thường, đan viện phụ được bầu giữ chức vụ này suốt đời, vì trong một gia đình, người ta không thay đổi người cha theo hạn kỳ. Ðan viện phụ được quyền ban phép lành, một trong những phụ tích cao quý của Hội thánh (xc. Phép lành, Bí tích). Vào những dịp đại lễ, đan viện phụ có thể sử dụng những phẩm hiệu dành riêng cho giám mục (gậy, mũ), là biểu tượng quyền tài phân như một người cha đối với đan viện. Mặc dù không là giám mục, nhưng trách vụ của đan viện phụ cũng tương tự như sứ mệnh chủ chăn của đấng kế vị các tông đồ.
Vì sự nghèo túng của đan viện, vào thời Trung Cổ có tập tục ban tặng tước hiệu viện phụ cho các giám chức địa phận, hoặc ngay cả cho người giáo dân để bảo trợ cho đan viện. Các viện phụ giám hộ này không phải là đan sĩ, và vẫn dành cho vị bề trên quyền cai trị đan viện.

Ðáp Ca
(Répons)
Tiếng Latinh reponsum nghĩa là đáp trả, responsorium nghĩa là hát đối đáp. Ðáp ca là một bài hát phụng vụ hát luân phiên giữa một người hoặc một nhóm lĩnh xướng (xc. Ca viên tu viện), với ca đoàn. Ðáp ca dài gồm một bài dài có cung điệu phong phú; đó chính là một bài hát suy niệm sau các bài đọc, hoặc trong phụng vụ các giờ kinh hoặc trong thánh lễ (xc. Ca tiến cấp). Ðáp ca ngắn là một bài hát suy niệm ngắn sau một bài đọc ngắn; thành phần của kinh Sáng, kinh Chiều và kinh Tối. Bản văn đáp ca chủ yếu rút từ Thánh Kinh, nhất là Thánh Vịnh (xc. Câu xướng đáp, Cau tung hô, Cộng đoàn phụng vụ).

Ðặt Tay
(= Imposition)
Trong tất cả các tôn giáo, cử chỉ đặt tay, nhất là tay phải, là thành phần của các nghi thức có ý nghĩa nhất. Cử chỉ này chuyển ban phép lành của Thiên Chúa (St 48,14-19) và, cách này hay cách khác, diễn tả việc Thiên Chúa giải phóng một vật và thông ban Thánh Thần của Người (Tv 138,5). Trong các bí tích, đặt tay tiếp nối cử chỉ của Ðức Chúa và các Tông Ðồ.
Trong nghi lễ phong chức phó tế, linh mục và giám mục, cử chỉ đặt tay trong thinh lặng trước lời nguyện phong chức, làm thành chất liệu của bí tích Truyền Chức; nghĩa là một dấu chỉ cốt yếu khả giác. Cử chỉ này có nghĩa là chuyển thông Thánh Thần và các quyền Người ban cho để làm việc tông đồ (Cv 6,6; 13,2-3; 1Tm 4,14; 2Tm 1,6). Ðức Giám Mục đặt tay trên đầu mỗi tiến chức để phong chức linh mục. Tất cả các linh mục hiện diện cũng đặt tay như đức giám mục. Trước nghi thức cốt yếu trong bí tích Thêm Sức, Ðức Giám Mục và các linh mục sẽ cùng xức dầu với người đặt tay trên toàn thể những người sắp lãnh nhận bí tích (Cv 8,17; 19,6). Trong nghi thức chuẩn bị Thánh Tẩy, việc đặt tay gắn liền với nghi thức trừ tà. Nghi thức này có thể thay thế việc xức dầu dự tòng. Trong bí tích Sám Hối, lúc tha tội, linh mục giơ tay về phía hối nhân: cử chỉ này diễn tả quyền tháo cởi và hòa giải. Trong lúc cử hành bí tích Xức Dầu bệnh nhân, việc đặt tay tong thinh lặng đi liền trước việc xức dầu (Mt 8,3.15; Mc 5,23; 16,18). Trong lễ truyền dầu khi thánh hiến dầu thánh, các linh mục hiện diện cùng với giám mục giơ tay phải hướng về dầu lúc đọc phần cuối lời nguyện thánh hiến.
Trong thánh lễ, chủ tế và các vị đồng tế giơ hai tay trên lễ phẩm khi đọc kinh cầu Chúa Thánh Thần: cử chỉ này là để kêu cầu tác động thánh hiến của Chúa Thánh Thần. Khi so sánh với những cử chỉ tương tự trong Cựu Ước (Lv 1,4), người ta cũng thấy đó là một cách thức nói lên rằng tất cả các tín hữu, qua trung gian vị linh mục, liên kết với việc dâng hiến này để vươn tới Thiên Chúa cùng với hy lễ (xc. Linh thánh); Dâng lên, nghĩa thứ hai của cử chỉ này, phải gắn liền với ban xuống là nghĩa thứ nhất (xc. Phụng vụ). nghi lễ Xá tội trong dân Israel qui định việc đặt tay trên con dê thục tội có nghĩa là trút tất cả tội lỗi của dân lên nó (Lv 16,21): ý nghĩa này khác với việc tưởng nhớ hy tế Con Chiên gánh tội trần gian (Ga 1,29). Ðể thánh hiến bánh và rượu, các vị đồng tế giơ tay phải hướng về bánh lễ, rồi về phía chén rượu. Cuối thánh lễ, chủ tế giơ tay trên toàn thể cộng đoàn khi đọc ba lời cầu trước phép lành trọng thể trong một vài trường hợp. Cũng nên ghi nhận rằng: cử chỉ ban phép lành bình thường, tức là dấu thánh giá, là một cách đặt tay.
Trong lãnh vực phụng vụ, người ta cũng nói đặt áo trắng sau khi đổ nước, đặt áo phó tế trong lễ phong chức phó tế, đặt giây các phép và áo lễ trong nghi thức phong chức linh mục, đặt lúp trong nghi thức thánh hiến trinh nữ, đặt áo dài và có mũ trong nghi thức chúc lành đan sĩ, v.v... Ðặt (xức) tro mở đầu mùa Chay. Ðặt (xướng) điệp ca trong kinh Thần Vụ, có nghĩa là lấy cung, đặt hướng có nghĩa là rắc hương trên than trong bình hương.

Ðấng Bản Quyền
(= Ordinaire)
Tiếng La tinh ordinarius nghĩa là theo trật tự. Ðấng bản quyền cao nhất là đức giám mục, nguyên ủy của bí tích truyền chức trong giáo phận của người, và là thừa tác viên chính của mọi cử hành phụng vụ.
Phần thường lễ (ordinarium missae) gồm những phần kế tiếp nhau cố định trong cử hành thánh lễ, đối lại với lễ riêng (prorium). Mùa Thường Niên (tempus ordinarium) gồm 34 tuần kế tiếp trong khoảng giữa chu lỳ mùa Giáng Sinh và mùa Phục Sinh (xc. Năm Phụng Vụ).

Ðạo Thiên Binh
(= Sabaoth)
Sabaoth là số nhiều của từ Hipri Sâbâ, có nghĩa là đạo binh. Tước hiệu Yahvé Sabaoth Thánh Kinh dành cho Thiên Chúa có nghĩa là Thiên Chúa Các Ðạo Binh. Ðó là các đạo binh thiên quốc, tức là các thiên thần và các tinh tú. Tước hiệu ấy cũng được phụng vụ sử dụng trong kinh Thánh Thánh Thánh, Chúa là Thiên Chúa các đạo binh.

Ðen (màu)
(Noir)
Màu đen là màu tang chế ở Tây Phương, có thể được dùng cho các phẩm phục thánh lễ và các kinh nguyện mai táng. Thường mầu tím được sử dụng nhiều hơn.

Ðèn
(= Lampe)
Khi lưu trữ bánh thánh đã truyền phép, phải thường xuyên đặt một cái đèn sáng bên cạnh nhà tạm. Ðó là biểu tượng sự hiện diện thực sự và sự tôn thờ luôn tỉnh thức của các tín hữu. Ý nghĩa này được tiếp nhận một cách rõ ràng hơn nếu đó là đèn thắp bằng dầu, cho một ngọn lửa thực. Do đó, người ta sử dụng những cái đèn tương tự để tôn kính hài cốt hoặc ảnh tượng các thánh.

Ðèn (Thắp)
(= Lucernaire)
Trong tiếng La tinh, lucerna có nghĩa là đèn. Lên đèn là một trong những danh từ dùng cho phụng vụ kinh Chiều, trong giờ kinh đó người ta phải thắp đèn. Ðối với người Do Thái, ngày sabát và những ngày đại lễ bắt đầu canh thức vào buổi tối bằng một nghi thức thắp sáng; phụng vụ công giáo mở đầu đêm vọng phục sinh bằng nghi thức làm phép nến phục sinh.

Ðền Tội (Việc)
(= Satisfaction)
Tiếng La tinh satisfactio nghĩa là hành động sửa lại một sự xúc phạm (satis: đủ; facere: làm). Trong bí tích Hòa Giải, việc đền tội là một việc tượng trưng (cầu nguyện, việc lành), do linh mục đề nghị và hối nhân chấp nhận, để biểu lộ một cách nào đó ý muốn sửa lại sự xúc phạm Thiên Chúa do tội lỗi đã phạm.

Ðĩa Hứng
(= Plateau)
Ðĩa hứng là một cái đĩa bằng kim loại quí, thường là hình bầu dục, dùng để hứng các mẩu vụn bánh thánh hoặc các giọt máu thánh có thể rơi rớt khi cho rước lễ.
Người ta cũng dùng một đĩa hình bầu dục để đựng các lọ rượu, nước và dùng như một cái chậu nhỏ khi rửa tay.

Ðĩa Thánh
(= Platène)
Ðĩa Thánh có hình tròn và lõm, dùng để đựng bánh thánh. Ðĩa thánh làm bằng chất liệu cứng, thường là bằng kim loại quý, tương xứng với chén thánh. Trong mức độ có thể, chỉ dùng một đĩa thánh lớn, đựng bánh của linh mục, các thừa tác viên cũng như các tín hữu.

Ðiệp Ca
(= Antienne)
Tiếng Hy lạp antiphonos nghĩa là người đối đáp. Lúc đầu, bài ca đối đáp được thực hiện luân phiên do hai ca đoàn đối đáp lẫn nhau, có lúc hòa chung. Ðó là cách thức các ban hát thực hiện trong các vở kịch Hy Lạp. Trong phụng vụ Do Thái và phụng vụ Kitô Giáo, các Thánh Vịnh là chất liệu cho việc luân phiên xướng đáp của ca đoàn.
Dần dần, sự luân phiên giữa hai ca đoàn - vẫn còn vết tích trong các bài ca tiếp liên mùa Chay - được thay thế bằng việc tất cả cùng lặp lại một điệp khúc sau những câu hoặc đoạn Thánh Vịnh do một người lĩnh xướng. Ðiệp ca không còn được thực hiện luân phiên nữa, nhưng được hát trước, giữa hoặc sau mỗi Thánh Vịnh. Thánh Vịnh này chỉ còn là một thoại khúc đơn giản, trong khi điệp ca rất giàu âm điệu.
Hiện nay, các điệp ca trong thánh lễ (Ca nhập lễ, Alleluia, Ca dâng lễ, Ca hiệp lễ) chỉ giữ lại một phần tiêu biểu của Thánh Vịnh, bình thường chỉ cần điệp khúc là đủ. Cũng cần ghi nhận rằng Thánh Vịnh xen giữa các bài đọc sách Thánh được đọc kèm với điệp khúc. Trong kinh Thần Vụ, các điệp ca thường được hát trước và sau mỗi thánh vịnh. Việc xướng thánh vịnh Hiệu Triệu khởi đầu kinh Thần Vụ của một ngày được nhấn mạnh bằng việc lặp lại nhiều lần một điệp khúc rút từ thánh vịnh. Các thức đối đáp trong khi đọc thánh vịnh như thế còn áp dụng cho các thánh vịnh khác trong nhiều trường hợp (xc. Ðáp Ca).

Ðỏ (Màu)
(= Rouge)
Màu phụng vụ gợi lên máu và lửa. Màu này được dùng trong Chúa Nhật Thương Khó (hay Chúa Nhật Lễ Lá), thứ Sáu Tuần Thánh, lễ Hiện Xuống và các lễ Kính Chúa Thánh Thần, lễ Suy Tôn Thánh Giá ngày 14 tháng 9, lễ các Tông Ðồ và các Thánh Tác Giả Tin Mừng, và lễ các Thánh Tử Ðạo.

Ðọc Sách (Tác Viên)
(= Lecteur)
Thầy đọc sách được cắt cử qua việc chúc lành đặc biệt và công khai, diễn ra trong thánh lễ hay trong buổi cử hành Phụng Vụ Lời Chúa. Thầy đọc sách có nhiệm vụ đọc hay hát những đoạn Thánh Kinh trong Phụng Vụ đã được chỉ định, và hướng dẫn cộng đoàn hiểu Lời Chúa. Việc đọc Tin Mừng trong Thánh Lễ được dành riêng cho phó tế hay linh mục. Việc cắt cử thầy đọc sách là thuộc quyền đức giám mục; còn đối với các tu sĩ, quyền này thuộc về bề trên cao cấp của họ. Những ai chuẩn bị lãnh chức phó tế hay linh mục thì trước đó phải lãnh tác vụ đọc sách cũng như tác vụ giúp lễ (xc. Giúp lễ). Nhưng người ta có thể lãnh chức vụ này mà không nhằm đến các chức thánh. Khi thiếu thầy đọc sách chính thức, thì một người giáo dân (kể cả nữ giới) có khả năng đọc rõ ràng và dễ hiểu, có thể đảm trách việc đọc sách. Thực vậy, chủ tế không nên đọc hết tất cả các bài đọc.

Ðổ Nước
(= Infusion)
Tiếng La tinh infusio nghĩa là rót, tưới, đổ nước. Thánh tẩy có thể thực hiện bằng cách đổ nước hoặc rảy (xc. Thánh tẩy vắn tắt, nghĩa hơi khác một chút). Cử hành Thánh Tẩy bằng cách đổ hoặc rảy nước là thông dụng nhất, mặc dù cử hành Thánh Tẩy bằng cách dìm vẫn là ý nghĩa nhất.

Ðồng Tế
(= Concélébration)
Từ ngữ cử hành (celebratio) tự nó bao hàm việc có số đông người cử hành, nghĩa là họp nhau để chào mừng một việc gì hay một người nào. Như vậy tiếp đầu ngữ "con" (cùng nhau) có vẻ thừa. Vì phụng vụ không bao giờ là hành động của một người, nhưng là hành động của cả cộng đoàn hội nhập vào tác động của Thiên Chúa, nên mỗi cuộc cử hành đều giả thiết rằng mỗi người tham dự đều đồng cử hành với những người khác. Mỗi tác động trong phụng vụ đều là của toàn thể Hội Thánh, Hội Thánh tại thế cũng như Hội Thánh trên trời, cho nên các bài kinh Tiền Tụng thường nhắc đến các sứ thần cùng đồng thanh tung hô (socia exultatione concelebrant) trong phụng vụ thiên quốc, tức là trong niềm hân hoan chung, các vị cùng tôn vinh Thiên Chúa. Thánh lễ là một tác động thánh tuyệt hảo nhất trong đó mỗi thành phần Dân Chúa tham dự tích cực theo phần vụ dành cho mình. Trong Thánh Lễ, cũng như trong các cuộc cử hành khác, không phải mọi người cùng có cách thức cử hành như nhau. Mỗi người tùy theo là thừa tác viên hay giáo dân, trong khi chu toàn nhiệm vụ của mình, chỉ thực hiện và thực hiện trọn vẹn phần vụ thuộc về mình, tùy theo bản chất của sự việc và qui luật Phụng Vụ (PV 28). Ýnghĩa tổng quát của từ ngữ đồng tế tương đương với từ ngữ Hy Lạp sulleitourgein, có nghĩa là cử hành phụng vụ với.
Chỉ vào khoảng thế kỷ XII hay XIII, từ ngữ đồng tế mới có ý nghĩa chuyên môn là nhiều linh mục cùng cử hành một thánh lễ. Ngược lại, việc đồng tế thì đã có từ rất xa xưa. Trong thời Thượng Cổ Kitô Giáo, việc đồng tế dối với các linh mục là cách thức có ý nghĩa nhất để cử hành Lễ Tế Tạ Ơn. Nếu công tác mục vụ không đòi hỏi các linh mục phải cử hành mầu nhiệm Vượt Qua duy nhất ở những nơi khác nhau, thì điều rất tự nhiên là các vị nên đồng tế lễ Tạ Ơn quanh vị giám mục. Thói quen đồng tế chưa hề bị bỏ quên, cả ở bên Tây cũng như bên Ðông (PV 57), nhưng vì nhu cầu mục vụ, và não trạng tư riêng hóa phụng vụ, đàng khác vào thời Trung Cổ, thánh lễ mất ý nghĩa trọn vẹn của nó, nên việc đồng tế bị giản lược thành cử hành riêng tư. May thay Công Ðồng Vaticanô II đã phục hồi việc đồng tế.
Bởi vì việc đồng tế lễ Tạ Ơn diễn tả rõ nét hơn tính duy nhất của Hy Tế Thánh Thể, và của chức linh mục (xc. Bẻ Bánh), huấn quyền không ngừng khuyến khích việc đồng tế, miễn là không gây phương hại cho nhu cầu dâng lễ của giáo dân. Kiểu mẫu tiêu biểu nhất cho việc cử hành Thánh Lễ - như được mô tả trong các sách lễ Rôma cổ xưa nhất là việc cử hành có qui tụ đông đảo giáo dân xung quanh giám mục và các linh mục đồng tế với người. Trong cuộc cử hành duy nhất này, mỗi người theo cương vị của mình, thể hiện ở mức độ cao nhất ấn tích đã nhận qua bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức (đối với giáo dân), hoặc ấn tích Truyền Chức (đối với giám mục, linh mục và phó tế).
Nếu phụng vụ đặt nền tảng trên dấu chỉ và trên mức độ biểu hiệu dấu chỉ đó, thì việc đồng tế phải chiếm chỗ ưu tiên, vì tính cách trọn vẹn của việc cử hành được thực hiện cụ thể trong việc đồng tế, mỗi người thi hành theo cương vị của mình. Dĩ nhiên mỗi linh mục vẫn còn quyền cử hành thánh lễ một mình, với điều kiện phải tránh cử hành nhiều thánh lễ trong cùng một nơi nào cùng một giờ (PV 57). Ngược lại nếu vì nhu cầu của giáo dân mà các linh mục đã cử hành lễ riêng trong cùng ngày hôm đó, hoặc đối với các linh mục dòng, thì vẫn được đồng tế trong thánh lễ cộng đoàn.

Ðỡ Ðầu (Cha, Mẹ)
(= Parrain)
Tiếng La tinh patrinus có nghĩa là người thi hành bổn phận làm cha. Cha đỡ đầu hoặc mẹ đỡ đầu là những người gần gũi với người sắp được Thánh Tẩy hoặc Thêm Sức, những người này có vai trò chăm sóc những người con tinh thần để giúp phát triển hợp với đời sống Kitô hữu.
Chính trong bí tích Thánh Tẩy người lớn, người cha (hoặc mẹ) đỡ đầu thi hành vai trò này một cách đầy đủ: người cha (hoặc mẹ) ấy do người dự tòng chọn, được vị linh mục và cộng đoàn chấp nhận. Vào ngày tuyển chọn, tức là lúc người ta quyết định cho người dự tòng được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, người cha (hoặc mẹ) đỡ đầu lãnh nhận trách nhiệm theo những nghi thức đã được soạn. Sau cùng khi đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, người đỡ đầu vẫn còn là nơi nương tựa thân thiết cho người con của mình.

Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời / Mông Triệu
(= Assomption)
Tiếng La tinh assumptio, do động từ ad-sumere, nghĩa là lấy cho mình, kéo về mình. Lễ trọng Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời là lễ mừng việc Ðức Mẹ được Thiên Chúa tôn vinh. Thánh kinh chính lục không nói đến mầu nhiệm này, nhưng lòng tin của Hội Thánh đã làm chứng điều đó rất sớm: ngay từ cuối thế kỷ V, người ta thấy những ám chỉ mầu nhiệm này qua lễ Ðức Mẹ Ngủ hoặc Ðức Mẹ Băng. Ngày 1 tháng 11 năm 1950, Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã long trọng xác định tín điều Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời bằng những lời như sau: "Ðức Maria Vô Nhiễm, Ðức Mẹ Thiên Chúa, Trọn Ðời Ðồng Trinh, khi kết thúc cuộc đời dương thế, đã được đưa cả hồn lẫn xác vào trong vinh quang thiên quốc".
Mầu nhiệm hồn xác lên trời là đặc ân Ðức Maria được thừa hưởng, tương ứng với đặc ân thụ thai vô nhiễm nguyên tội. Nếu Ðức Maria hoàn toàn tinh tuyền, được trở thành Thánh Mẫu Thiên Chúa, được liên kết với công trình cứu độ do Con yêu dấu của Người thực hiện, thì quả Ðức Mẹ đáng được Thiên Chúa cất nhắc vào trong vinh quang của Ðức Giêsu Phục Sinh và Thăng Thiên. Sau việc thăng thiên của Chúa, việc Ðức Maria được đưa về trời là một bảo đảm việc chúng ta cũng được mời gọi tham dự vào vinh quang, bởi lẽ bên cạnh nhân tính của Ðức Kitô, còn có một con người đã được tiến vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi và không ngừng, cùng với Ðức Giêsu, chuyển cầu cho chúng ta để chúng ta cũng được đi tới nơi hiện Người đang hưởng vinh quang.

Ðức Thánh Cha
(= Pape)
Tiếng La tinh papa có nghĩa là cha nuôi, người điều hành, người cha. Ðây là tước hiệu danh dự ban đầu dành cho các giám mục, rồi sau được dành cho giám mục Rôma. Ðức Thánh Cha, với tư cách là người kế vị thánh Phêrô, là đại diện Chúa Kitô và là thủ lãnh hữu hình của Hội Thánh. Với danh nghĩa này, Ðức Thánh Cha, hoặc một mình, hoặc với công đồng chung, có quyền quyết định những thích nghi phụng vụ phù hợp, liên quan đến thánh lễ, các bí tích, các phụ tích, và các Giờ kinh Phụng Vụ: những thích nghi này không ảnh hưởng đến điều Chúa đã thiết lập trong phụng vụ.
Công Ðồng Vaticanô II diễn tả vấn đề này như sau: "Việc điều hành phụng vụ thánh lễ thuộc thẩm quyền duy nhất của Hội Thánh: nghĩa là thuộc quyền Tông Tòa, và chiếu theo qui tắc luật pháp, cũng thuộc quyền giám mục. Chiếu theo quyền hạn do luật ban, việc điều hành phụng vụ trong các giới hạn đã định, cũng tùy thuộc các Hội Ðồng Giám Mục, được thiết định hợp pháp, có thẩm quyền trong từng địa phương. Vì vậy, tuyệt đối không một ai khác, dầu là linh mục, được tự quyền thêm bớt hay thay đổi bất cứ điều gì trong phụng vụ" (PV 22; xc. Nghi thức Thánh Lễ, Rôma).

Ðứng (Tư Thế)
(= Debout)
Ðứng là tư thế chỉ riêng con người mới có (homo erectus); đó là dấu chứng tỏ con người là một thụ tạo cao quí trong toàn thể công trình sáng tạo: con người có cái nhìn bao trùm trái đất và có thể hướng lên trời. Người ta đứng khi cầu nguyện: "Hai người lên Ðền Thờ cầu nguyện: một người Pharisêu và một người thu thuế. Người Pharisêu đứng và cầu nguyện rằng: "Lạy Thiên Chúa...". Còn người thu thuế đứng đàng xa, không dám ngước mắt lên trời" (Lc 18,10.11.13). Cả hai người đều đứng, nhưng đang khi người Pharisêu có thái độ tự mãn, thì người thứ hai lại tỏ ra thái độ khiêm tốn ở chỗ người ấy không dám ngước mắt lên trời: người ấy tự nhận mình bất xứng vì tội lỗi của mình không đáng đối diện với Thiên Chúa. Như vậy, ngay cả khi đứng, con người vẫn biết mình không xứng đáng đối với Thiên Chúa. Nhưng con người cũng biết rằng mình được sáng tạo để ngắm nhìn Thiên Chúa; bởi vì tư thế đứng muốn cho thấy việc hướng tâm hồn lên, được diễn tả bằng thái độ ngắm nhìn và giơ tay lên. Tư thế của người cầu nguyện lại chẳng phải là tư thế do truyền thống Kitô giáo thời xa xưa đã truyền lại sao? Vị linh mục lặp lại tư thế đó trong những giây phút trọng đại nhất của kinh nghuyện phụng vụ. Như vậy, đứng là tư thế chính yếu trong các cung cách phụng vụ: nó cho thấy con người sẵn sàng gặp gỡ Thiên Chúa của mình, cho thấy thái độ chăm chú một cách khiêm tốn, thái độ ao ước được liên kết với Thiên Chúa. Trong thánh lễ, cộng đoàn đứng khi chủ tế đọc ba lời nguyện, kinh Tạ Ơn, khi công bố Tin Mừng, khi đọc kinh Tin Kính và Lời Nguyện giáo dân trong các Giờ Kinh Phụng Vụ, mọi người đứng khi mở đầu và kết thúc giờ kinh.

G

Gậy Giám Mục
(= Crosse)
Ðây là cây gậy chỉ quyền chăn dắt của giám mục và viện phụ. Cây gậy này uốn cong lại phía đầu. Thời đầu, gậy của những người chăn chiên uốn cong lại phía đầu gậy, xẻ rãnh nhỏ để có thể hất tung đất đá tới những con cừu xa đàn. Gậy trở thành biểu tượng sự tỉnh thức của mục tử lo lắng canh giữ đàn chiên và dẫn chúng tới đồng cỏ màu mỡ. Từ đó người ta dễ dàng chuyển ý nghĩa chiếc gậy sang lãnh vực con người và lãnh vực thiêng liêng, nhất là như đã được sử dụng trong Thánh Kinh (xc. Tv 22,4; Ga 10; Lc 15,3-7) và được triển khai trong lối vẽ ảnh thánh.

Ghê-Gô-Ri-Ô (Nhạc)
(= Grégorien)
Bình ca Ghê-gô-ri-ô, là lối ca hát riêng của Hội Thánh Rôma (PV 116) đã được gán cho thánh Giáo Hoàng Ghê-gô-ri-ô Cả (năm 590-604). Trong thực tế, thánh Ghê-gô-ri-ô là người đã ấn định bản kinh cầu nguyện theo nghi lễ Rôma trong cuốn "Sách các bí tích Ghê-gô-ri-ô" của người, cũng như quyển quy cách những bài ca được hát trong thánh lễ. Mặt khác, chắc chắn phụng vụ Ghê-gô-ri-ô đã thừa kế từ phụng vụ Rôma những lối ngâm vịnh của vị chủ tế (lời nguyện, kinh Tiền Tụng) và cấu trúc giai điệu cơ bản. Tuy mới xuất hiện từ thế kỷ VIII, hình thức cổ điển của bình ca Ghê-gô-ri-ô giúp cho nền tảng của phụng vụ Rôma thêm phong phú nhờ những nét hoa mỹ của phụng vụ Pháp cổ xưa. Như vậy, lối hát Ghê-gô-ri-ô là kết quả của các truyền thống Rôma và Pháp. Nhờ công cuộc thống nhất của đại đế Charlemagne, lối hát này lan truyền và ít lâu sau được ghi thành nốt nhạc theo hình thức cổ xưa. Các dấu nhạc này rất giá trị vì chúng giúp ta hiểu tiết tấu và giải thích nhạc Ghê-gô-ri-ô (thế kỷ IX-X).
Những bài hát trong thánh lễ và ngay cả trong kinh Thần Vụ đều được truyền lại rất trung thực cho các thế kỷ sau, trong bất cứ loại ký âm nào. Ðối với bộ lễ thì có phần tự do hơn.
Những thể loại bình ca được phát triển đồng thời là: Ca tiếp liên, câu chuyển nghĩa, câu tung hô, các loại Thánh Thi, có liên hệ ít nhiều với âm nhạc dân gian.
Vào cuối thời Trung Cổ, người ta đã đánh mất ý nghĩa của từ La tinh trong câu nhạc, ý nghĩa của tiết tấu và thể nhạc. Do bị pha tạp bởi nhạc đa âm và đối âm, giai điệu của nhạc Ghê-gô-ri-ô cổ điển, vốn nổi bật nhờ tính uyển chuyển và thanh thoát bình ca, loại ca nhạc trang nghiêm và gò bó được soạn một bè để hát tập thể: cuốn Les Messes của Henry Dumont (1610-1684) là một thí dụ điển hình. Ðiều đang tiếc là người ta đã cắt xén những bài hát cổ điển để thích nghi chúng vào những qui điển mới.
Ðan viện Solesmes đã là nơi phát xuất việc phục hồi nhạc Ghê-gô-ri-ô vào hậu bán thế kỷ XIX, nhờ ảnh hưởng của cha Dom Guéranger. Sự tái khám phá này bắt nguồn từ việc nghiên cứu tỉ mỉ các thủ bản của nhạc Ghê-gô-ri-ô. Việc nghiên cứu đó được thành hình cụ thể trong việc xuất bản tập Paléographie musicale. Tiếng La tinh và dấu nhấn, nốt nhạc, giai điệu và tiết tấu, thể thức: tất cả là chìa khóa chính yếu cho việc giải thích trung thực bình ca Ghê-gô-ri-ô.
Những sách hát chính của bình ca Ghê-gô-ri-ô là sách Ðiệp Ca và Ca tiến cấp.

Ghế
(= Stalle)
Chỉ toàn bộ những ghế bằng gỗ trong cung nguyện nhà thờ, dành chỗ cố định thuận tiện cho các giáo sĩ và tu sĩ cử hành phụng vụ. Thường chỗ ghế ngồi có thể nâng cao lên được. Trong vị trí cao đó, chỗ ngồi trở thành như là một điểm tựa, gọi là lòng xót thương (misericordia), vì, khi ngồi, người ta vẫn ở tư thế như là đứng thẳng. Các hàng ghế xếp đối diện nhau hai bên cung nguyện (xc. Cung nguyện).

Ghế Giám Mục
(= Faldistoire)
Trong ngôn ngữ phụng vụ, ghế của giám mục không phải là ngai tòa, nhưng là ghế di động để có thể di chuyển tùy theo nhu cầu lễ nghi. Thường ghế này được đặt trước bàn thờ.

Gia-Vê
(= Yahvé)
Ðây là Thánh Danh của Thiên Chúa được mạc khải cho ông Môisê ở bụi gai bốc cháy (Xh 3,14-16; 6,2-3). Danh hiệu này thường gặp thấy trong các bản văn phụng vụ Cựu Ước. Ðó là danh hiệu gồm bốn mẫu tự thánh người Do Thái kiêng không đọc lên, nhưng thay thế bằng từ Adonai, có nghĩa là Ðức Chúa của tôi.
Gia vê là một danh hiệu cổ xưa để chỉ thần tính trong thế giới của người Sê-mít. Danh hiệu này hàm chứa tất cả lịch sử về mối tương quan giữa Thiên Chúa và Dân Người, nên có một lối phát âm không chắc chắn. Nói chung, danh hiệu ấy có nghĩa là Ðấng hiện hữu, Ðấng tác thành, hay đúng hơn, Ðấng thường tồn. Thực vậy, không nên hiểu ý nghĩa danh hiệu này theo phương diện triết học mà nên hiểu theo phương diện hiện sinh phù hợp với não trạng người Hipri.
Tầm mức ý nghĩa của danh hiệu ấy được xác định trong Xh 3,14, khi Thiên Chúa tự mạc khải Người là Ðấng hiện hữu. Công thức ấy phải được diễn dịch là: Ta là Ðấng Thường Tồn. Dường như Thiên Chúa muốn nói rằng Người tự mạc khải trong hành vi cứu độ Người sẽ thực hiện cho Dân Người qua trung gian ông Môsê: "Ðiều Ta sẽ làm cho các ngươi sẽ nói cho các ngươi biết Ta là ai, sẽ cho biết Ta muốn là Ðấng nào đối với các ngươi, đồng thời cũng mạc khải cho các ngươi biết các ngươi là ai đối với Ta". Như vậy danh hiệu Gia vê gắn liền với sáng kiến Giao Ước của Thiên Chúa và quá trình thể hiện ơn Cứu Ðộ: chính khi Thiên Chúa bày tỏ vẻ đẹp và vinh quang của Người là khi Người thực sự công bố Danh Thánh của Người.
Mạc khải do Ðức Kitô mang lại đạt tới tuyệt đỉnh của Tình Yêu là Hy Tế Núi Sọ, cho thấy Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4,8) ngay trong thẳm sâu của những mối tương quan ngôi vị giữa Ba Ngôi, nguồn mạch vinh quang, và trong ơn cứu độ được ban cho chúng ta. Nếu hòa nhập vào trong Phụng Vụ thì Phụng Vụ sẽ đem lại cho chúng ta những bảo đảm cho việc cử hành hoàn hảo Giao Ước trong Giêrusalem thiên quốc, là thành đô được vị ngôn sứ Êdêkien xưng tụng là nơi "Ðức Gia vê hiện diện" (48,35; xc. Kh 21 và 22).

Giá Ðọc Sách
(= Légile)
Ðó là một dụng cụ có chiều cao, trên đó đặt các sách dùng trong lễ nghi phụng vụ. Giá sách được đặt cố định (xc. giá sách hát), khác với giảng đài có tính lưu động.

Giá Sách
(= Pupitre)
Tiếng La tinh Pulpitum có nghĩa là "cái bục". Trong các đồ dùng phụng vụ, giá sách là một bàn nhỏ có mặt nghiêng, có chân đế hoặc không, dùng để đặt sách Phụng Vụ trong các buổi cử hành. Các giá sách có chân đế thường được gọi là bục sách hoặc giảng đài. Còn từ giá sách được dành để chỉ giá kê sách lễ bằng gỗ hay bằng kim khí, đặt trên bàn thờ. Người ta cũng dùng chiếc gối để kê sách.

Giá Sách Hát
(= Lutrin)
Ðó là một dụng cụ, trên đó người ta đặt một cuốn sách. Trong khi giá sách dùng để đọc sách phụng vụ, giá sách hát thường được dùng cho các sách hát (xc. Giá đọc sách).

Giải Tán
(= Renvoi)
Nghi thức giải tán là phần kết của một buổi cử hành phụng vụ thánh lễ. Nghi thức giải tán gồm lời chào của linh mục và phép lành như là công thức chào từ biệt gửi đến cộng đoàn (xc. Thánh Lễ). Trong trường hợp đó công thức diễn tả một hành động tạ ơn. Trong một số trường hợp, trước khi ban phép lành, còn có lời cầu nguyện trên dân chúng hay ba công thức long trọng (xc. Phép lành). Khi có một cử hành phụng vụ nào khác tiếp liền sau thánh lễ, như trưng bày Thánh Thể, hay rước kiệu, người ta bỏ công thức giải tán. Trong các Giờ Kinh Phụng Vụ, việc giải tán được thực hiện trong lời cầu nguyện kết thúc, vào giờ Kinh Sáng và Kinh Chiều, kèm theo phép lành của linh mục.

Giám Mục
(= Evêque)
Từ Hy Lạp episcopos có nghĩa là vị giám sư, trông coi những người mình có trách nhiệm. Trong thời Hội Thánh sơ khai, giám sự là những trưởng lão (presbuteroi), được các Tông Ðồ ủy thác việc trông coi các cộng đoàn Kitô hữu. Lúc ban đầu hình như trách nhiệm này được thực hiện cách tập thể do các trưởng lão: Thánh Phaolô đã nhắc nhở các vị trưởng lão ở Êphêsô: "Anh em hãy cẩn thận giữ mình và giữ toàn thể đoàn chiên do Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc, hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Người đã mua bằng máu của chính Con Mình" (Cv 20,20). Ít lần sau, một vị giám sự duy nhất được trao trách nhiệm trông coi toàn thể giáo đoàn (1Tm 3,1-7; Tt 1,7-9), được các trưởng lão phụ giúp (Tt 1,5; 1Tm 5,17) và được các phó tế phụ tá (1Tm 3,8-13). Như vậy, giám mục trở thành dấu chỉ và bảo chứng sự hiệp nhất của một giáo đoàn, đồng thời là người kế nghiệp vị Tông Ðồ đã đặt tay tấn phong (Tm 1,6).
Thế kỷ II, thánh I-nha-xi-ô thành Antiôkia đã nhiều lần nhấn mạnh đến vai trò trung tâm của giám mục, như là phản ảnh trong sáng của Chúa Cha, của Ðức Kitô và của các tông đồ. Với sự trợ giúp của hàng linh mục và phó tế, tác vụ giám mục được diễn tả trọn vẹn nhất trong việc cử hành Thánh Thể: "Bởi vậy, anh em hãy lo sao để chỉ tham dự vào một Hy Tế Tạ Ơn duy nhất, vì chỉ có một Thân Mình của Chúa chúng ta là Ðức Giêsu Kitô và chỉ một chén thánh duy nhất liên kết chúng ta trong Bửu Huyết của Người, chỉ có một bàn thờ duy nhất, cũng như một giám mục duy nhất cùng với hàng linh mục và phó tế, là những người bạn đồng sự với tôi" (Thư gửi giáo đoàn Philadelphia 4).
Như vậy, truyền thống đã sớm nhận ra sự hiện diện đặc biệt của Ðức Giêsu Kitô nơi Hội Thánh trong con người của vị giám mục. Liên đới với tất cả những người kế vị các Tông Ðồ và đặc biệt với người kế vị thánh Phêrô ở Rôma, giám mục có trọn vẹn quyền thánh chức. Cũng như Ngôi Lời nhập thể đã được Chúa Cha sai đến "không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ" (Mt 20,28), giám mục cũng lãnh nhận sứ vụ tiếp nối ơn cứu độ nhằm phục vụ một giáo đoàn mà mình có trách nhiệm. Với tư cách là thầy dạy, là mục tử và thượng tế, vị giám mục là dấu chỉ hữu hiệu, là bí tích sống động, là chuẩn mực sự hiệp nhất của giáo đoàn với Ðức Giêsu Kitô. Việc phục vụ của giám mục được nổi bật trong việc cử hành long trọng bí tích Thánh Thể, vì quyền giáo huấn và quản trị của người kế vị các Tông Ðồ nhằm qui tụ Dân Chúa trong bí tích Hiệp Nhất. Thánh lễ do giám mục chủ tọa, có các linh mục đồng tế và các phó tế phụ giúp, với sự hiện diện đông đảo của giáo dân là đỉnh cao của phụng vụ Hội Thánh, vì thánh lễ qui tụ mọi thành phần khác nhau trong sự hiệp nhất của Chúa Ba Ngôi nhờ hy tế của Ðức Kitô và nhờ hồng ân của Chúa Thánh Thần. Không phải chỉ một mình giám mục có trách nhiệm qui tụ toàn thể cộng đoàn giáo phận, nên cần phải có sự cộng tác của các linh mục đã được tham dự vào chức tư tế của giám mục, và sự phụ giúp của các phó tế là những người làm nổi bật khía cạnh phục vụ của sứ vụ giám mục (xc. Phó tế, phục vụ). Sẽ không xác thực, nếu có một cái nhìn đi lên đối với bí tích Truyền Chức, và thêm một cái gì đó vào chức linh mục để thành giám mục. Cần phải có cái nhìn đi xuống hơn: chỉ giám mục mới có trọn quyền thánh chức; linh mục được tham dự vào đó xét theo hàng tư tế và phó tế cũng thế, xét theo hàng phục vụ.
Ðể tấn phong giám mục, đòi buộc phải có ít nhất ba giám mục hiện diện. Sự việc ấy có nghĩa là kết nạp vị được tuyển chọn vào giám mục đoàn, kế tục tông đồ đoàn. Nghi thức cốt yếu là việc đặt tay do vị giám mục chủ phong và do tất cả những giám mục hiện diện rồi đến lời cầu nguyện thánh hiến với công thức chính do tất cả các giám mục đọc như sau: "Và giờ đây, lạy Chúa, xin ban quyền lực Chúa là Thánh Thần Tối Cao xuống linh mục này, người được tuyển chọn của Ngài. Chúa đã ban Thánh Thần cho Ðức Giêsu Kitô, Con rất yêu dấu của Chúa và chính Con Chúa đã ban Thánh Thần cho các tông đồ là những người đã xây dựng Hội Thánh khắp nơi, như Thánh Ðiện để tôn vinh Ngài và không ngừng suy tôn Danh Ngài". Cũng cần lưu ý đến cách thức mà phụng vụ của tác vụ giám mục nhắm tới: qui tụ Hội Thánh để trở thành Ðền Thờ vinh quang, luôn vang dội lời chúc tụng Thiên Chúa (Kh 21). Các nghi thức bổ túc là xức dầu thánh trên đầu, trao sách Tin Mừng, trao nhẫn và trao gậy mục tử (xc. Gậy giám mục), nói lên rõ ràng vai trò của vị giám mục là vị thủ lãnh, vị hương dẫn, là hôn phu và là thầy dạy của Hội Thánh, là hình ảnh của D(ức Kitô (xc. Giáo sĩ).

Giáng Sinh
(= Noel)
Một biến thể của từ ngữ La tinh natalis có nghĩa là ngày sinh. Sinh nhật đúng nghĩa nhất là sinh nhật của Chúa Giêsu, cử hành vào ngày 25 tháng 12. Trước hết, đó không phải là việc sinh ra đời như Ngôi Lời nơi cung lòng Chúa Cha, nhưng là ngày sinh của Người về phương diện nhân loại từ cung lòng Ðức Maria, trong chuồng bò ở Bêlem. Ðại lễ Giáng Sinh là trung tâm của chu kỳ Giáng Sinh, được chuẩn bị với Mùa Vọng, rồi đến mùa Giáng Sinh, đại lễ Hiển Linh, lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa, kết thúc chu kỳ mùa Giáng Sinh. Cũng như các Tin Mừng thời thơ ấu đã được soạn thảo sau lời công bố cốt lõi về Phục Sinh - trừ Tin Mừng Máccô và Gioan không nói đến thời thơ ấu của Ðức Giêsu - thì việc cử hành chu kỳ Giáng Sinh cũng đến sau việc cử hành mầu nhiệm Vượt Qua. Ðược ấn định vào khoảng thế kỷ IV và hình như có sau cả lễ Hiển Linh, một lễ phát xuất từ Phương Ðông, Lễ Giáng Sinh được định chế tại Rôma trước năm 336 và được ấn định vào ngày 25 tháng 12, với mục đích Kitô hóa những lễ bái ngoại giáo về ngày sinh nhật của thần Chiến Thắng (Natalis Invicti), tức là thần Mặt Trời, vào tiết đông chí là tiết mặt trời lớn mạnh và sáng chói nhất. Theo lối diễn tả của sách ngôn sứ Malaki, Ðức Kitô là "Mặt Trời Công Chính" (3,20). Từ lễ Giáng Sinh, Chúa Giêsu lớn lên, đang khi thánh Gioan Tẩy Giả nhỏ đi từ ngày 24 tháng 6 là ngày hạ chí. Như thế lời của vị Tiền Hô đã được khoa thiên văn và phụng vụ minh họa:"Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi" (Ga 3,30).

Giảng Ðài
(= Ambon)
Tiếng Hy Lạp anabainein có nghĩa là bước lên. Giảng đài là chỗ cao để những người lên đọc sách hay điều khiển hát trong phụng vụ, đặc biệt là trong thánh lễ. Ðó cũng là nơi để giảng Lời Chúa hoặc ngỏ lời với cộng đoàn.
Thời Thượng Cổ, giảng đài là nơi công bố Lời Chúa dành cho những thầy đọc sách và ca xướng viên. Giám Mục và linh mục cũng tự do ngỏ lời với dân chúng nơi giảng đài cao đó, hoặc từ những bậc bàn thờ, hoặc từ ngai cao của mình. Tất cả các di tích này vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Ngoài ra, hình thức giảng đài còn được đề cập đến sau cuộc lưu đày ở Babylon trở về, vào ngày phát sinh Do thái giáo và nền phụng vụ Ðền Thờ: "Ông Ê-dơ-ra, viên ký lục, đứng trên cái bục bằng gỗ người ta đã dựng nhân dịp này. Ông Ê-dơ-ra chúc tụng Giavê Thiên Chúa tối cao, và toàn dân giang tay lên đáp lại: Amen, Amen, Amen. Ðoạn khấu đầu thờ lạy, mặt sát đất" (Nkm 8,4-6).
Ðể loan báo Tin Mừng, Ðức Giêsu cũng quan tâm sao cho tất cả mọi người nhìn thấy và nghe Người dễ dàng hơn, khi Người giảng tám mối phúc trên núi, hay khi giảng bên bờ hồ. Ðức Giêsu cũng giảng Phúc Âm ngay trên một mô đất hay trên một chiếc thuyền. Cũng thế, vào thời sơ khai Kitô giáo, vị giám mục cũng ngồi trên tòa của người để giảng (xc. Tòa). Trong Do thái giáo, các tiến sĩ luật hay những bậc thầy trong dân Israel cũng ngồi mà giảng dạy. Phải chăng đó là lý do mà trong một thời gian dài người ta gọi chiếc ghế là vị trí được nâng cao, giữa nhà thờ, nơi các vị chủ chăn thường đứng mà giảng dạy? Ðây là một sự lẫn lộn giữa giảng đài và chỗ ngồi của vị chủ tế.

Giao Ước
(= Alliance)
Giao ước là chính trọng tâm của ý định tình yêu Thiên Chúa ấp ủ từ ngàn đời (xc. Di chúc). Mặc dù không cần có chúng ta, Thiên Chúa vẫn tự mình ràng buộc cách tự do với một dân tộc trong mối tình thân mật chỉ thấy có nơi dây liên kết vợ chồng. Ðược coi là một công trình của Thiên Chúa và Dân Người, phụng vụ trở nên một hành vi trọn vẹn, - nghĩa là hoàn tất - nơi đóng ấn của giao ước, một giao ước Thiên Chúa không ngừng đề xướng cho con người. Vì thế, ta có thể định nghĩa phụng vụ như là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và Dân Người để cử hành Giao Ước.
Theo dòng lịch sử cứu độ, các nền phụng vụ được phân biệt qua cách cử hành giao ước. Kinh Tạ Ơn IV đã nói: "Nhiều lần Cha đã giao ước với loài người". Một cách chắc chắn, có thể nói các nền phụng vụ ngoại giáo đã dựa trên nền tảng của giao ước đã được Thiên Chúa đóng ấn với ông Nô-ê (St 9,8-17). Còn giao ước Thiên Chúa lập với ông Ápraham, trở nên thành toàn trong hiến tế Isaac (St 22) chính là giao ước phát sinh phúc lành cho toàn dân. Israel được sinh ra như một Dân của Ðức Giavê, lúc diễn ra cử hành phụng vụ trọng thể Giáo Ước Xinai; đó chính là ngày của cộng đoàn (Ðnl 9,10; 10,4; 18,16). Tại đây ông Môsê đã lấy máu hy tế, đổ một nửa lên bàn thờ tượng trưng sự hiện diện của Thiên Chúa, còn phần kia rẩy trên Dân và nói: "Này là máu của giáo ước đã ký kết với các ngươi, thể theo mọi lời ấy" (Xh 24,8).
Cho dầu sự bất trung rành rành của Dân, một Dân trong quá khứ từng được coi là đồng minh của Ðức Giavê - qua sự kiện con bê vàng (Xh 32) - cũng không ngăn cản giao ước Xinai, được đổi mới, trở nên hiện thực trong các buổi cử hành phụng vụ hằng ngày, hằng tuần và hằng năm của dân Israel. Nhưng việc tưởng niệm phụng vụ của giao ước càng ngày càng hướng về tương lai hơn, trong sự chờ đón một giao ước mới các tiên tri đã đan hứa (Gr 31,31-34) và chờ đón "Thần sứ giao ước phải đến nơi Ðền Thờ của Người, làm người khởi xướng cho một lễ vật tinh sạch được dâng tiến trước nhan Giavê từ bình minh tới lúc chiều tà" (Ml 3,1.3.4; x 1,11). Chính Ðức Giêsu trong tư cách vừa là Thiên Chúa vừa là con người, là Giáo Ước đó. Người sẽ khai mào nền phụng tự của Dân Thiên Chúa mới, tức Hội Thánh, bằng Một lễ dâng duy nhất (Dt 10,14). trong bữa tối cuối cùng này, trên đồi Canvê, Người Tôi Tớ đích thực của Ðức Giavê (xc. Is 52,13-53,1-12), Ðấng là Chiên Thiên Chúa sẽ xóa tội nhân loại (xc. Ga 1,29), trối lại cho các Tông Ðồ bí tích hiến tế của Người, sự tưởng niệm Giao Ước mới. Một cách hiển nhiên, những lời truyền phép đã biến rượu thành Máu Người, được đối chiếu với Giao Ước Xinai: "Này là Máu Ta, máu giao ước vĩnh cửu, sẽ đổ ra để nhiều người được tha tội" (Mt 26,28; xc. 24,8).
Phát xuất từ đồi Canvê, một nền phụng tự, với trung tâm là lễ Tạ Ơn, đã thấm nhập vào từng chi thể của Giao Ước mới và vĩnh cửu, cho tới khi nên thành toàn ở Giêrusalem trên trời. Lúc đó, công thức giao ước sẽ được thực hiện cách trọn vẹn: "Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi và các ngươi sẽ là Dân của Ta" (Kh 21,3; xc. Xh 6,7; Lv 26,12; Ðnl 26,17-18; Gr 7,23; 11,4; 30,22; 31,1-33; 32,38; Ed 11,20; 14,11; 37,27; 2Cr 6,16).

Giáo Dân
(= Laic)
Tiếng Hy Lạp laikos có nghĩa là thuộc về dân, thành phần của dân, do từ Laos nghĩa là dân. Giáo dân là thành phần của Dân Chúa (từ này chỉ có trong tự điển Kitô giáo). Nhờ bí tích Thánh Tẩy và phép Thêm Sức, giáo dân có thể và phải tham dự vào phụng vụ là công trình Thiên Chúa (xc. Phụng Vụ).

Giáo Ðầu
(= Invitatoire)
Phát xuất từ tĩnh từ invitatorius của tiếng La tinh, có nghĩa là người mời. Thánh Vịnh giáo đầu là thánh vịnh khởi đầu của Giờ Kinh Phụng Vụ đầu tiên trong ngày, nhằm mời gọi ca tụng Chúa. Giáo đầu có tính truyền thống là Tv 94, nhưng cũng có thể chọn Tv 66, 99 và 23. Nếu Giờ Kinh Phụng Vụ đầu tiên trong ngày là giờ Kinh Sáng, thì phải đọc giáo đầu.

Giáo Sĩ
(= Clerc)
Tiếng La tinh clerus, bắt nguồn từ tiếng Hy lạp klèos có nghĩa là phần nhận được do rút số. Trong Giao Ước cũ, chi tộc Lê vi thuộc 12 chi tộc Israel, cũng là một phần của Ðức Giavê. thiên Chúa phán cùng ông Môsê: "Này, chính Ta, Ta lấy các Lêvít giữa hàng con cái Israel, thay cho các con đầu lòng, để các Lêvít thuộc về Ta, vì là của Ta hết thảy các con trai đầu lòng" (Ds 3,6-9). Ho chịu trách nhiệm về việc phụng vụ. Là một phần của Ðức Giavê, các Lêvít không có phần khi chia Ðất Hứa, phần của họ cao hơn, vì phần của họ chính là Ðức Giavê: "Chỉ trừ có chi tộc Lêvít là không được ban phần cơ nghiệp: Ðức Giavê Thiên Chúa Israel là cơ nghiệp của họ" (Gs 13,14). Trong Giao Ước mới, thành phần giáo sĩ là những người đã lãnh nhận bí tích Truyền Chức (giám mục, linh mục và phó tế) với một tước hiệu đặc biệt, làm thành một phần của Thiên Chúa: họ được dành riêng để lo công việc Thiên Chúa đã kêu gọi họ (Cv 13,3). Công việc cao cả nhất của họ là việc phụng vụ. Ðối lại, chính Thiên Chúa đã là phần thưởng của họ, qua cảm nghiệm về những tài sản của Vương quốc họ có sứ mạng phải loan truyền, và qua tình thân hữu với Ðức Giêsu (xc. Mt 19,27-29; Ga 15,13-16). Như các Tông Ðồ, họ là những người từ bỏ tất cả để theo Ðức Kitô, họ cũng hát khúc ca của các Lêvít: "Lạy Chúa, Chúa là phần con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con, số mạng con chính Ngài nắm giữ; phần tuyệt hảo may mắn đã về con, vâng gia nghiệp ấy làm con thỏa mãn" (Tv 15,5-6) (xc. Truyền chức, Phẩm trật).

Giấc Ngủ
(= Dormition)
Tiếng La tinh dormitio do động từ dormire (ngủ). Giấc ngủ thiu thiu của Ðức Maria Trinh Nữ là khúc dạo đầu việc Ðức Mẹ Lên Trời. Ðối với lễ nghi Ðông Phương, Giấc Ngủ là tên gọi của lễ Ðức Mẹ Lên Trời.

Giếng Thánh Tẩy
(= Fonts)
Trong tiếng La tinh, fons có nghĩa là nguồn, mạch nước, nước. Giếng Thánh Tẩy là cái hồ nơi đó nước Thánh Tẩy được làm phép và trên đó cử hành Thánh Tẩy bằng cách đổ nước ba lần (trong mùa Phục Sinh đây là nơi cất giữ nước đã làm phép trong lễ Vọng Phục Sinh). Nếu giếng Thánh Tẩy không đặt trong gian Thánh Tẩy biệt lập với nhà thờ, thì đặt cạnh lối vào nhà thờ để người tân tòng được hướng dẫn vào Nhà Chúa (xc. Bể Nước).

Giờ Ba
(= Tierce)
Kinh Giờ Ba là một kinh giờ nhỏ được cử hành vào giữa buổi sáng. Ðối với người Rôma, dù trong bất cứ mùa nào, giờ thứ nhất cũng là khởi đầu của một ngày, và giờ thứ sáu là giờ trưa. Theo truyền thống, Giờ Ba là giờ Chúa Thánh Thần hiện xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần. Thật vậy, vào ngày đó, thánh Phêrô đã nói với những người đang sững sờ về sự hứng khởi lạ lùng của các môn đệ: "Không, những người này không say rượu như anh em nghĩ, vì bây giờ mới là giờ thứ ba" (Cv 2,15).
Bài thánh thi Giờ Ba bắt đầu bằng câu: Giờ đây, Lạy Thánh Thần... (Nunc Sancte, nobis, Spiritus).

Giờ Chín
(= None)
Tiếng La tinh Nona nghĩa là giờ thứ chín. Kinh phụng vụ Giờ Chín là một giờ nhỏ, cử hành vào giờ thứ chín trong ngày. Người Rôma chia ngày cũng như đêm thành 12 giờ bằng nhau, theo đó có thể xác định giờ thứ chín là khoảng 15 giờ, tức 3 giờ chiều. Theo truyền thống, giờ thứ chín là giờ tưởng niệm Chúa Giêsu chết trên Thập Giá (xc. Lc 2,44; Giờ Kinh PhụngVụ).

Giờ Kinh Phụng Vụ
(= Heures)
Các Giờ Kinh Phụn Vụ hay thần vụ nhằm thánh hóa ngày và đêm. Chu kỳ phụng vụ hằng ngày là nhịp điệu căn bản của đời sống con người: nó tạo nên một cái khung tự nhiên của những cuộc gặp gỡ giữa chúng ta với Chúa. Trong vườn địa đàng, Ðức Giavê đã chẳng có thói quen đến tìm gặp các bạn loài người của Người trong cơn gió hiu hiu thổi chiều hôm đó sao (Kn 3,8)? Các thánh vịnh là những lời kinh buổi sáng (Tv 5,16.56), buổi trưa (Tv 54,18), buổi chiều (Tv 4,133.140) và giữa đêm (Tv 62,7; 118,6). "Mỗi ngày ba lần, ông Ða-ni-en vẫn quì gối cầu nguyện và ngợi khen trước Thiên Chúa của ông, y như ông đã từng làm từ trước đến nay" (Ðn 6,11; Tv 54,18). Sau khi Ðức Giêsu lên trời, các Tông Ðồ hằng ở trong Ðền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa (Lc 24,53; Cv 2,46) và người ta thấy ông Phêrô và Gioan lên Ðền Thờ vào giờ cầu nguyện thứ chín (Cv 3,1).
Hiến lễ Tạ Ơn (bí tích Thánh Thể) chắc chắn là trung tâm quan trọng của chu kỳ phụng vụ hằng ngày, chẳng những không làm cạn nguồn ngợi ca của Hội Thánh mà còn khơi dậy nguồn ngợi ca ấy. Dâng nhiều lễ trong cùng một ngày là chuyện không bình thường, trừ khi vì nhu cầu mục vụ (xc. Hai lễ). Trái lại, thánh hóa các thời khắc chính trong ngày lại là điều tự nhiên vì nó chuẩn bị hoặc nối dài việc cử hành Hiến Lễ Tạ Ơn. Hy tế ngợi khen (Tv 49,14.23) trình bày cùng một cấu trúc như toàn bộ Phụng Vụ được nhận thấy rõ ràng trong Hiến Lễ Tạ Ơn: đó là vị trí trổi vượt dành cho Công Trình Thiên Chúa, liên kết với công trình của cộng đoàn do Thiên Chúa qui tụ. Các thánh vịnh tạo nên bản chất của Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Liệu chúng ta có nhấn mạnh cho đủ rằng các thánh vịnh ấy chính là Lời Chúa và lời của nhân loại bất khả phân ly, một lời cầu nguyện chúng ta nhận được từ Thiên Chúa trước khi chúng cầu nguyện với Người? Lời cầu nguyện hôm nay, lời cầu nguyện của các giờ kinh, chính là tiếng nói của chính Hôn Thê ngỏ với Hôn Phu của mình, và hơn nữa, đó là lời cầu nguyện của Ðức Kitô cùng với Thân Mình Người ngỏ với Chúa Cha (PV 84). Chính Thánh Thần là Ðấng khiến chúng ta kêu lên: "Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến" (Kh 22,20) dạy chúng ta cùng Ðức Giêsu thân thưa với Chúa Cha (Rm 8,15). Việc cử hành các Giờ Kinh Phụng Vụ xoay quanh Hiến Lễ Tạ Ơn và các bí tích chính là lối dẫn nhập vào đời sống Ba Ngôi. Chẳng phải tất cả các thánh vịnh và thánh ca đều không kết thúc bằng kinh "Sáng danh Ðức Chúa Cha, và Ðức Chúa Con, và Ðức Chúa Thánh Thần" đó sao? (xc. Vinh danh). Trong mỗi giờ kinh phụng vụ, chúng ta sống lời đối thoại của Chúa Con với Chúa Cha, theo như Tin Mừng thuật lại (Lc 3,21; 5,16; 6,12...) Các giờ chính là giờ Kinh Sáng và giờ Kinh Chiều. Một giờ thần vụ cũng được tiên liệu cho buổi trưa, trừ khi ai muốn cử hành ba giờ kinh truyền thống là kinh Giờ Ba, Giờ Sáu và Giờ Chín. Giờ Ðộc Vụ hay Kinh Sách có thể đọc vào lúc thuận tiện nhất. Còn giờ Kinh Tối dùng để kết thúc một ngày phụng tự.
Trong thần vụ đan viện, giờ kinh đầu tiên được đặt vào cuối đêm (xc. Kinh Ðêm) tương ứng với giờ Ðộc Vụ của sách nguyện Rôma. Một số đan sĩ cử hành giờ Kinh Ðêm vào giữa đêm. Vì thế, thứ tự các Giờ Kinh Phụng Vụ như sau: Kinh Ðêm, Kinh Sáng, Kinh Giờ Ba, Giờ Sáu, Giờ Chín, Kinh Chiều và Kinh Tối.
Nguyên tắc để đặt đúng chỗ cho các giờ kinh thật quan trọng: ai cũng nhìn nhận rằng chẳng có nghĩa lý gì nếu đọc Kinh Tối vào buổi sáng. Khi cử hành thánh lễ trùng với một giờ kinh phụng vụ, thì nên lồng giờ kinh này vào thánh lễ. Khi ấy, hát thánh vịnh sau lời chào của chủ tế rồi mới cử hành thánh lễ (hay ngược lại) làm như thế để tránh sự lặp đi lặp lại thường xảy ra do việc cử hành liên tục một giờ thần vụ, và nhất là bảo đảm sự thống nhất của hai hành vi phụng vụ này.
Cấu trúc thông thường của giờ kinh thần vụ như sau: sau câu xướng dẫn nhập, đến thánh thi (thánh thi làm thành sắc thái của giờ kinh phụng vụ), rồi thánh vịnh được đóng khung bằng điệp ca (trước, sau), (thánh vịnh làm thành bản chất của thần vụ), đọc Lời Chúa (Lời Chúa dài trong giờ Kinh Sách, Lời Chúa ngắn trong các giờ kinh khác), sau cùng là lời nguyện kết thúc (lời nguyện thay đổi mỗi ngày theo sau lời cầu và kinh Lạy Cha vào giờ Kinh Sáng và Kinh Chiều). Lưu ý là trong thần vụ đan viện theo luật thánh Biển Ðức, thánh thi giờ Kinh Sáng, Kinh Chiều và Kinh Tối đặt sau thánh vịnh.

Giờ Sáu
(= Sexte)
Tiếng La tinh sexta (hora) nghĩa là giờ thứ sáu. Phụng Vụ Giờ Sáu là một giờ kinh nhỏ, cử hành vào khoảng giữa ngày. Ðối với người Rôma, ngày cũng như đêm được chia làm 12 giờ bằng nhau, bất kể là mùa nào. Theo truyền thống, giờ kinh này, ngoài việc ca ngợi ánh sáng rực rỡ của buổi trưa, còn là để tưởng niệm việc Ðức Giêsu chịu đóng đinh (xc. Ga 19,28) (xc. Giờ kinh Phụng Vụ).

Giờ Trung
(= Milieu du jour)
Giờ kinh phụng vụ giữa ngày, lúc Hội Thánh tìm gặp Chúa trong khoảng cách giờ Kinh Sáng và giờ Kinh Chiều. Sau phần giáo đầu và thánh thi, giờ kinh này gồm ba thánh vịnh hoặc ba đoạn thánh vịnh, một bài đọc ngắn và lời nguyện theo ngày. Có thể cử hành những Giờ Ba, Giờ Sáu và Giờ Chín, nhưng một trong những giờ này phải dùng thánh vịnh giờ Kinh Trưa. Còn đối với những giờ khác, sử dụng những thánh vịnh tiến cấp, những thánh vịnh được thánh Biển Ðức qui định trong luật của người.

Giúp Lễ (Tác Viên)
(= Acolyte)
Từ Hy Lạp akolouthein nghĩa là theo sau. Nhiệm vụ của thầy Giúp Lễ là tháp tùng vị linh mục và phó tế để giúp các vị ấy. Vai trò giúp lễ được thiết lập để phục vụ bàn thánh. Thầy giúp lễ là tác viên ngoại lệ trong việc cho rước lễ khi thiếu linh mục và phó tế, hoặc khi các vị đó bận việc. Chỉ đức giám mục - hoặc bề trên cao cấp của tu sĩ - mới có quyền trao tác vụ này. Những người đang chuẩn bị lãnh bí tích Truyền Chức phải lãnh tác vụ giúp lễ và đọc sách, nhưng có thể lãnh các tác vụ này mà không tiến tới chức phó tế hay linh mục. Cách gọi chức nhỏ nay được bãi bỏ. Ðể hiểu được trọn vẹn tính chất cao quí của chức giúp lễ, cần nhớ rằng: lý tưởng Phúc Âm có thể được tóm lược bằng việc chấp thuận theo Chúa Kitô. Bằng việc bước theo và trợ giúp các vị đại diện Chúa Kitô, các thầy giúp lễ nhắc lại thái độ của các tông đồ trong Phúc Âm.

H

Hai Lễ (Dâng)
(= Biner)
Ðây là việc cử hành thánh lễ hai lần hay nhiều lần trong một ngày vì những nhu cầu của các cộng đoàn khác nhau. Việc làm này hợp pháp nếu vì thiếu linh mục, mặc dù tự nó là việc không bình thường.
Dù đã cử hành thánh lễ vì lý do mục vụ, linh mục vẫn có thể đồng tế với giám mục của mình trong cùng một ngày: việc bày biểu lộ một cách bí tích sự duy nhất của Hy Lễ Tạ Ơn và sự duy nhất của chức tư tế. Các linh mục dòng cũng thế, vẫn có thể đồng tế trong thánh lễ tu viện, cho dù đã cử hành thánh lễ cho giáo dân.

Hầm
(= Crypt)
Trong tiếng Hy Lạp kruptès nghĩa là che giấu. Ðối với người Rôma, crypta là một hành lang được che kín, nhưng cũng có khi là một hầm nhỏ hay một căn phòng đào dưới đất. Trong ngôn ngữ nhà đạo, crypta dùng để chỉ nhà thờ hầm, tức là một nhà nguyện nằm dưới nền nhà thờ chính. Tầng hầm của các nhà thờ cổ thường là nơi an táng những người quá cố.

Hân Hoan Lên
(= Laetare)
Ðây là chữ đầu của bài ca nhập lễ bằng tiếng La tinh của Chúa Nhật thứ IV mùa Chay, có nghĩa là Hãy Hân Hoan. Cũng như Chúa Nhật Gaudete (Chúa Nhật thứ III mùa Vọng), Hội Thánh tạm dừng lại trong thời gian 40 ngày chay tịnh và hướng đến niềm vui phục sinh. Ðể làm rõ thêm ý nghĩa, trong lễ này có thể mặc phẩm phục màu hồng, chưng hoa trên bàn thờ, đánh đàn.

Hiển Thánh
(= Confesseur)
Theo ngôn ngữ Kitô giáo, confessor trong tiếng La tinh dùng để chỉ một vị thánh đã tuyên xưng, tức là đã công bố niềm tin của mình. Những vị tuyên xưng tuyệt vời nhất là các vị thánh tử đạo, những chứng nhân hào hùng của đức tin (martyr trong tiếng Hy lạp có nghĩa là chứng nhân). Theo nghĩa này, nơi tuyên xưng (confessio) là nơi đáng tôn kính, nơi vị tử đạo đã tuyên xưng niềm tin của mình (xc. Màn che bàn thờ; Thú nhận).
Trong ngôn ngữ chuyên môn của phụng vụ, thánh hiển tu (confessor) là tên gọi để chỉ một vị thánh nam, không tử đạo. Giám mục thì được gọi là hiển tu giám mục (confessor pontifex). Ngày nay, trong phần chung các thánh, người ta thích gọi là các thánh mục tử, giáo hoàng, giám mục, linh mục, các thánh tu sĩ, các thánh lo việc giáo dục, các thánh lo việc bác ái.
Thông dụng hơn, từ confessor dùng để chỉ vị linh mục giải tội cho tín hữu trong bí tích Sám Hối (xc. Sám hối).

Hiệp Lễ / Hiệp Thông
(= Communion)
Từ La tinh communio và từ Hy Lạp tương đương koinônia trước hết có nghĩa là một sự hiệp nhất bền bỉ giữa nhiều người thành một cộng đoàn thông hiệp (communicat) với nhau, nghĩa là được thừa hưởng việc chung góp (communis), chia sẻ và trao đổi tài sản, phúc lợi với nhau.
Việc hiệp thông Kitô giáo chính là việc nối kết các Kitô hữu với nhau, đặt căn bản trên sự hiệp nhất giữa họ với Thiên Chúa. Cội nguồn và đích điểm của một cuộc hiệp thông như vậy chính là sự hiệp nhất của Ba Ngôi vị Thiên Chúa. Thánh Gioan Tông Ðồ mở đầu bức thư thứ nhất của người bằng câu: "Ðiều chúng tôi đã được thấy, được nghe, chúng tôi xin loan báo cho anh em để anh em được hiệp thông với chúng tôi. Việc hiệp thông của chúng ta chính là nhờ nơi Thiên Chúa Cha và cùng với Thánh Tử của Người, Ðức Giêsu Kitô" (1,3).
Nhờ hy tế của Người, Ðức Giêsu đến nối kết con cái Thiên Chúa đã bị tản lạc (Ga 11,52), bằng cách đưa họ vào trong chính đời sống hiệp nhất của Chúa Cha với Chúa Con (Ga 17,11.21.22.23).
Thánh Thể do Người truyền lại cho các tín hữu làm chứng cho một tình yêu siêu vời, lập nên thần lương có khả năng tác tạo và tái tạo sự hiệp nhất của các môn đồ Chúa Kitô. Là sự hiện tại hóa mang tính bí tích của hiến lễ lưu huyết duy nhất, Thánh Thể cũng là phương tiện độc đáo đem lại cho các tín hữu khả năng được tháp nhập vào chính sức sống của Thiên Chúa. Hiệp thông Thánh Thể theo nghĩa vừa nói là nhận lãnh Thân và Huyết Ðức Kitô như lương thực trường sinh.
Hiệp thông Mình và Máu Ðức Kitô chính là đi vào huyền nhiệm Phục Sinh của Người và chia sẻ thân phận của Người. Việc hiệp thông Thánh Thể xây dựng Hội Thánh và thực hiện cuộc hiệp thông các thánh (xc. Tin Kính). Lãnh nhận Thân Thể Chúa kitô là chiếm lấy một vị trí trong Nhiệm Thể của Người và sống việc hiệp nhất hôn lễ giữa Hôn Phu và hôn Thê. Hấp thụ Ðức Kitô hệ tại việc trở nên giống như Người, tức là Ðấng Thiên Tử, để triển khai đầy đủ cuộc sống làm con: "Cũng như Chúa Cha, Ðấng hằng sống đã sai Tôi và Tôi sống nhờ Chúa Cha thì người nào ăn Tôi cũng sẽ sống nhờ Tôi" (Ga 6,57). Vậy tận điểm của hiệp thông Thánh Thể là đời sống Ba Ngôi, có thể nói, cô đọng trong Ơn ban của Thánh Thần, mối liên kết sống động giữa Chúa Cha và Chúa Con. Trong khi chờ đợi giây phút chúng ta được biểu lộ tỏ tường chân chính của mình trong vinh quang (1Ga 3,2), hiệp thông Thánh Thể ngày ngày giúp chúng ta tiến vào sâu xa hơn trong Huyền Nhiệm của Ðức Kitô (xc. Ep 3,2), tùy theo mức độ hưởng ứng và nỗi khao khát của chúng ta (xc. Ga 6,11).
Tự thân việc hiệp thông dưới hai hình là đầy đủ ý nghĩa nhất. Nhưng vì lý do thực tiễn, lại không phải lúc nào cũng dễ thực hiện. Do đó, Hội Thánh xác định những trường hợp nào mới được phép chịu lễ hai hình. Giáo luật 1983 cho phép hiệp lễ lần thứ hai trong cùng một ngày khi tham dự một cuộc cử hành Thánh Thể khác (Gl 917). Thiết tưởng nên lưu ý Thánh Thể là lương thực của người sống. Ðể được hiệp lễ, cần phải ý thức mình không mắc một lỗi lầm nào có thể gây đổ vỡ thảm hại mối thân tình với Thiên Chúa. Trước khi lãnh nhận Thánh Thể, cần có một cử chỉ tôn kính thích hợp (xc. Chay Tịnh).

Hòa Chung
(= Commixtion)
Trong tiếng La tinh, commixtio có nghĩa là việc pha trộn (động từ La tinh commisceo: pha với, trộn với). Ðây là một nghi thức trong thánh lễ, sau nghi thức bẻ bánh, linh mục bỏ một miếng nhỏ Mình Thánh vào trong Chén Thánh. Khi đang làm nghi thức ấy, linh mục đọc: "Xin Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô hòa lẫn với nhau mà chúng con sắp lãnh nhận, cho chúng con được sống muôn đời". Mình và máu, hai hình thái tách rời, tượng trưng và hiện tại hóa, một cách không đổ máu, hiến tế độc nhất trên núi Canvê: Ðức Giêsu vinh hiển đang hiện diện trên bàn thờ, và một cách bí tích, Người cũng đang ở trong trạng thái một của lễ. Cử chỉ pha trộn nhắc đến việc Người Phục Sinh, linh hồn và thân xác Ðức Kitô được liên kết với nhau mãi mãi.
Nghi thức này rất cổ kính: ở đâu người ta cũng giữ. Có lẽ nghi thức này có liên hệ với thói quen ban đầu, là đưa Mình và Máu đã được truyền phép đến các nhà thờ khác để tỏ dấu chỉ hiệp thông. Trong các thánh lễ có Mình Thánh đã truyền phép sẵn (Nghi thức phụng vụ thứ Sáu Tuần Thánh) (xc. Thánh Thể), người ta cũng có thói quen chấm Bánh Thánh vào Chén Thánh để cho Bánh Thánh đã được truyền phép trước mềm ra (xc. Chấm).

Hoan Hô
(= Hosanna)
Hosanna là tiếng tung hô của người Do thái, được ghép bởi mệnh cách của động từ hoshi'ah nghĩa là cứu vớt và từ tố chỉ nghĩa van xin na'. Hoshi'ah na' nên hiểu sát nghĩa là xin cứu vớt. Từ này xuất hiện thành văn trong câu 25 của thánh vịnh 117, thánh vịnh vượt qua tiêu biểu nhất, mô tả quang cảnh đón rước Ðấng Messia dịp lễ đăng quang của Người (câu 19-27).
Chẳng có việc gì phải kinh ngạc khi thấy dân Israel hát bài ca này để chào mừng Ðức Giêsu lúc Người tiến vào thành Giêrusalem (Mt 21,9). Sau này, hosanna mất đi ý nghĩa nguyên thủy để chỉ còn là tiếng hô vui mừng và chiến thắng. Hosanna được phụng vụ Hội Thánh nhắc lại hai lần trong kinh Thánh Thánh Thánh, như lời tung hô của các tín hữu vào cuối kinh Tiền Tụng để dâng lên Thánh Ðức Thiên Chúa. Vào giây phút hy lễ Thánh Thể sắp được tái diễn, ý nghĩa căn gốc của từ hosanna lột tả trọn vẹn nội dung của mầu nhiệm: Xin cứu vớt. Ðây là công trình của Ðức Giêsu, Thánh Danh có nghĩa là Ðức Giavê cứu vớt hoặc Thiên Chúa đã cứu vớt: Yehoshu'a.

Hội Thánh / Nhà Thờ
(= Eglise)
Trong tiếng Hy Lạp, eklesia có nghĩa là cộng đoàn các công dân tự do được triệu tập. Giáo Hội là cộng đoàn Dân Thiên Chúa, được Thiên Chúa triệu tập cho Người để cử hành Giáo Ước.
Trong Cựu Ước, Israel đã được sinh ra làm Dân Thiên Chúa vào Ngày Ðại Hội (Ðnl 9,10; 10,4; 18,16) khi chấp thuận Giao Ước với Ðức Chúa (xh 24). Quehal-Yahvé là tiền thân xác thực của Giáo Hội. Trong bản LXX (bản 70), từ Hípri qâhal thường được dịch là eklesia. Ta có thể ghi nhận sự thông vận giữa động từ Hípri qâhal (triệu tập) và động từ Hy lạp káléô (kêu gọi) cùng có những phụ âm căn bản q hay k và l. Trước hết, cần phải lưu ý rằng: Dân của Ðức Chúa sinh ra làm Dân trong phụng vụ Giao Ước. Bởi thế, căn tính của Dân có tính cách phụng vụ.
Giáo hội trong Tân Ước là cộng đoàn con cái Thiên Chúa đang tản mác (Ga 11,52) được đưa về trong sự duy nhất của Ba Ngôi (17,11.21.22) nhờ Máu Ðức Kitô (Cv 20,28). Giáo Hội được thai ngén nơi Thập Giá, nhờ Thánh Thần, Nước và Máu (Ga 19,30-34; 1Ga 5,6-8), tức là ở trung tâm Hy Lễ duy nhất của Tân Ước. Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, khi Thánh Thần tuôn đổ xuống, Giáo Hội sinh ra như một cộng đoàn cử hành những kỳ công của Thiên Chúa (Cv 2,11). Thánh Phêrô đã chẳng nhắc lại những tước hiệu mang tính phụng vụ của đại hội Xinai, khi nói với các tín hữu: "Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hoàng tộc chuyên lo tế tự, là Dân Thánh, Dân riêng của Thiên Chúa để loan truyền những công trình vĩ đại của Người" (1Pr 2,9-10; xc. Xh 19,5-6) đó sao?
Như vậy, bản chất của Giáo Hội có tính cách phụng vụ, và chính trong khi cử hành phụng vụ Giáo Hội bày tỏ cách hoàn hảo nhất cho thấy hiện mình đang là gì và càng ngày càng phải trở nên như thế nào: đó là Dân - Hiền Thê, nhờ hiệp nhất với Hôn Phu của mình, và được sinh ra nhờ Thánh Thần, tiến vào trong sự trao đổi của Ba Ngôi, thực tại cuối cùng của phụng vụ. Những cuộc gặp gỡ phụng vụ ở dưới thế, tập trung vào bí tích Thánh Thể, không ngừng qui tụ Giáo Hội, do từ sáng kiến của Thiên Chúa, sẽ được diễn tả một cách hiệu quả nhờ tác vụ thánh, để Giáo Hội chấp thuận Giao Ước, và để Giáo Hội ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa.
Các nhà thờ, nơi qui tụ Giáo Hội, được trở nên cao quí là nhờ có cuộc gặp gỡ Giáo Ước giữa Thiên Chúa và Dân Người, là địa điểm cho cuộc gặp gỡ diễn ra. Những nghi lễ cung hiến long trọng làm cho nhà thở trở thành những Lều Hội Ngộ của Giao Ước mới.

Hôn
(= Baiser)
Hôn là cử chỉ tôn trọng, hiệp thông và kính mến (xc. Thờ lạy). Khi linh mục và phó tế hôn bàn thờ trong lúc cử hành thánh lễ, các vị bày tỏ sự hiệp thông với Thiên Chúa, với Ðức Kitô và với toàn thể Hội Thánh trên trời, được biểu tượng nơi hài cốt của các thánh. Sự kiện vị linh mục - chứ không phải phó tế - thường đặt hai tay lên bàn thờ khi hôn kính, chứng tỏ rằng nhờ chức tư tế, linh mục có thẩm quyền hành xử theo tính bí tích đối với bàn thờ (xc. Bàn thờ).
Sau khi đã đọc Tin Mừng trong thánh lễ, phó tế và linh mục hôn sách Phúc Âm, bày tỏ dấu hiệu liên kết một cách kính cẩn với Lời Ðức Kitô.
Các tín hữu thực thi việc hôn kính khi tôn thờ Thánh Giá trong nghi thức thứ Sáu Tuần Thánh. Tín hữu cũng hôn Thánh Tích Thánh Giá được trưng bày trong ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá (14/9). Hài cốt các thánh cũng được tôn kính như vậy, hoặc theo tính cách tư riêng, hoặc công khai và trọng thể trong các dịp hành hương, các dịp lễ... (xc. Bình an).

Hộp Ðựng Thánh Thể
(= Custode)
Là hộp bằng kim loại, dùng đựng mặt nguyệt. Khi mặt nguyệt có chứa Thánh Thể, sẽ được đặt vào hộp này và cất giữ trong nhà chầu.
Cũng có thể đó là một chiếc hộp nhỏ đựng Thánh Thể như của ăn đàng hoặc để cho bệnh nhân chịu lễ.

Hương (Bình)
(= Encensoir)
Là bình hương hoặc lư hương cầm tay, treo bằng ba sợi dây nhỏ. Nắp bình hương có đục lỗ và có thể kéo lên được nhờ một sợi dây khác. Cũng có loại bình hương một dây. Khi đốt hương, vị chủ tế đổ hương vào cục than cháy đỏ trong bình. Người ta xông hương bằng cách lắc bình hương.

Hương (Người Cầm Bình)
(= Thuriférage)
Tiếng La tinh thus, thuris: hương; ferre: mang, cầm. Người cầm bình hương là thừa tác viên có nhiệm vụ cầm tàu hương và bình hương trong các nghi thức phụng vụ; tiếng La tinh thus hay tus xuất xứ từ tiếng hy lạp thuos vừa có nghĩa là hương thơm, vừa có nghĩa là lễ vật: việc đốt hương dâng lên Chúa cũng là một hiến lễ (xc. Tv 140,2).

Hương (Tàu)
(= Navette)
Tàu hương là một bình nhỏ hình chiếc thuyền dùng để đựng hương. Tàu hương thường đi chung với bình hương, và người cầm bình hương cầm cả hai thứ đó.

Hương (Xông)
(= Encensement)
Xông hương là dâng khói hương thơm lên Thiên Chúa, Ðấng được biểu tượng qua Thánh Giá, bàn thờ, các tế phẩm, cũng như chính bản thân vị chủ tế. Các tín hữu cũng được xông hương vì lẽ họ mang địa vị làm nghĩa tử Thiên Chúa, thi hành ấn tích Thánh Tẩy qua việc tham dự phụng vụ.

K

Khai Tâm
(= Initiation)
Các bí tích khai tâm là ba bí tích mà những người dự tòng trưởng thành đón nhận trong một nghi lễ duy nhất, nhằm mục đích dẫn đưa họ vào đời sống Kitô giáo, bao gồm Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể. Các ấn tích được lãnh nhận trong bí tích Thánh Tẩy, Thêm Sức sẽ được thể hiện trọn vẹn nhất trong việc tham dự bí tích Thánh Thể. Người Kitô hữu được sinh ra trong phụng vụ phép rửa để cử hành phụng vụ cao cả nhất của tình yêu (đó là Thánh Thể). Ðêm Vọng Phục Sinh là thời điểm đặc biệt để cử hành các bí tích khai tâm (xc. Khai tâm các mầu nhiệm).

Khai Tâm Các Mầu Nhiệm
(= Mystagogie)
Khai tâm các mầu nhiệm phát xuất từ gốc tiếng Hy Lạp agéin có nghĩa là hành động hướng dẫn một người đang tập sự. Như vậy, khai tâm các mầu nhiệm tức là dẫn đưa vào mầu nhiệm. Ðây thường là công việc của các linh mục. Việc khai tâm Kitô giáo hoàn tất bằng việc lãnh nhận các bí tích Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể. Các bài giảng của các giáo phụ dành cho những người mới được Thánh Tẩy gọi là "huấn giáo khai tâm vào các mầu nhiệm". Các giáo phụ biết rằng các tân tòng được chính các mầu nhiệm hướng dẫn hơn là được hướng dẫn vào các mầu nhiệm. Vì thế, các ngài chỉ nhằm rút tỉa những kinh nghiệm sống bí tích cho các tân tòng. Những bài huấn giáo vào mầu nhiệm thời danh nhất là những bài của thánh Cyrillo thành Giêrusalem, Théodore de Mopusuette và thánh Maxime hiển tu.

Khăn Bàn Thờ
(= Nappe)
Tiếng La tinh nappa có nghĩa là khăn bàn. Theo qui luật phụng vụ, bàn thờ phải được phủ khăn. Ðiều đó nói lên tính cách biểu tượng của bàn thờ là một bàn tiệc Thánh Thể, còn khăn thánh gợi lại tấm khăn liệm của Ðấng chịu đóng đinh.

Khăn Lau Chén
(= Purificatoire)
Tấm khăn thánh dùng để lau chén và lau tay linh mục vào những lúc tráng chén.

Khăn Lau Tay
(= Manuterge)
Tiếng La tinh munus có nghĩa là tay, và tergere có nghĩa là lau chùi. Khăn lau tay được linh mục dùng vào lúc rửa tay trong thánh lễ và trong những nghi thức khác cần phải rửa tay, chẳng hạn sau khi xức tro vào dịp mùa Chay.

Khăn Phủ
(= Voile)
Tiếng La tinh velum có nghĩa là vải, trướng, màn che. Trong thánh lễ, khăn phủ là một tấm vải, có gắn những đồ trang trí thông dụng, dùng để các thứ bình thánh (chén thánh, đĩa thánh, bình đựng Mình Thánh), cho tới khi dâng lễ vật.
Khăn phủ vai là một tấm khăn dài màu trắng khoác trên vai người cầm Mình Thánh Chúa. Linh mục mang khăn phủ vai (có khi là phó tế) khi nâng Mặt Nhật để ban phép lành Thánh Thể, hay khi kiệu Mình Thánh hoặc rước Bình Thánh, hộp đựng Mình Thánh. Việc dùng khăn vai là dấu hiệu bày tỏ lòng tôn kính đối với Mình Thánh.
Trong lễ khấn, các nữ tu nhận lúp (khăn phủ) là dấu chỉ sự tận hiến cho Thiên Chúa (xc. Trinh nữ).

Khăn Phủ Ðầu Gối Giám Mục
(= Grémial)
Tiếng La tinh gremium nghĩa là ngực, lòng. Khăn phủ đầu gối là tấm vải đặt trên đầu gối giám mục khi người ngồi trong những cử hành nghi lễ đại triều. Ngày nay chỉ còn là tấm khăn mà giám mục mang khi thi hành một số việc như: xức dầu, xức tro, rửa chân trong ngày thứ Năm Tuần Thánh.

Khăn Phủ Nhà Tạm
(= Conopée)
Tiếng Hy Lạp kônôpéion là cái mùng. Thực vậy, kônôs là con muỗi. Trong các thánh đường, khăn phủ nhà tạm là tấm vải phủ trên Nhà Tạm, làm cho Nhà Tạm có hình dáng cái lều (Tabernaculum: cái lều). Khăn này có thể có nhiều màu sắc khác nhau theo phẩm phục phụng vụ. Khăn phủ Nhà Tạm và đèn chầu là dấu chỉ sự hiện diện bí tích của Chúa Kitô trong Nhà Tạm (xc. Áo Nhà Tạm).

Khăn Quàng
(= Mosette)
Tiếng Ý almozetta nghĩa là khăn vai nhỏ. Khăn quàng (tiếng La tinh trung cổ là almutia) là khăn mà các kinh sĩ mang trên vai và trên cánh tay khi cử hành phụng vụ trong kinh hội. Hiện nay, khăn quàng cũng là áo choàng vai (xc. Áo choàng vai).

Khăn Thánh
(= Corporal)
Tiếng La tinh corporal, bởi tiếng corpus, nghĩa là thân mình. Khăn thánh là một tấm vải trắng đặt trên khăn phủ bàn thờ, trên đó đặt chén thánh, dĩa thánh, đôi khi đặt cả bình thánh, hộp đựng Mình Thánh. Khăn này thường có hình vuông. Và sở dĩ được gọi là khăn thánh bởi vì ngày xưa người ta đặt Mình Thánh (Thân mình Ðức Kitô: Corpus Christi) ngay trên khăn này. Khăn thánh có thể phủ luôn cả bàn thờ, vì trong thánh lễ đồng tế có nhiều bình thánh và dĩa thánh.

Khăn Vai
(= Amict)
Tiếng La tinh am có nghĩ là từ bên này sang bên kia, và jactus là quàng. Khăn vai là một tấm vải trắng hình chữ nhật, linh mục quàng qua cổ trước khi mặc áo trắng dài. Ngày xưa, khăn này phủ cả đầu, cổ và vai. Ngày nay, người ta thích dùng khăn phủ thường dính liền với áo trắng dài, nên khăn vai có khuynh hướng không còn nữa.

Khấn Hứa
(= Voeu)
Tiếng La tinh votum nghĩa là hứa với Thiên Chúa, do động từ vovere: hiến dâng, tuyên khấn. Theo đúng nghĩa, khấn hứa là dâng mình cho Thiên Chúa bằng cách này hay cách khác, để xin ơn hoặc để tạ ơn. Trong ngôn ngữ hiến tế, người ta dâng cho Thiên Chúa một tế vật: vì tế vật này chỉ thay thế cho lễ phẩm, cho nên, tuyên khấn là tận hiến chính mình cho Thiên Chúa, cho nên, tuyên khấn là tận hiến chính mình cho Thiên Chúa, là dâng hiến (devouer) chính mình, do đó mới có ý nghĩa nguyên thủy của từ devotion. Mặc dù lời khấn có nhiều hình thức khác nhau, nhưng xét cho cùng, chúng ta xin Thiên Chúa ban chính Người cho chúng ta, và chúng ta tận hiến toàn thân cho Người. Ðiều này được thể hiện dần dần trong phụng vụ.
Một cách hiển nhiên và tuyệt đối, lời khấn dòng, tức là lời cam kết của các tu sĩ trong ngày tuyên khấn, là dâng hiến một con người cho Thiên Chúa, mà họ tận hiến toàn thân cho Thiên Chúa trong Hội Thánh của Người dưới sự thúc đẩy của ơn thánh (xc. Mt 19,11-12). Qua các lời khấn, các tu sĩ cam kết tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm: khó nghèo, khiết tịnh và tuân phục, được tuyên khấn rõ ràng nhiều hay ít tùy mỗi hội dòng. Ðôi khi có hội dòng thêm một lời khấn khác nữa, nói lên đặc điểm trong mô hình đời sống của họ.

Khổ Nạn
(= Passion)
Tiếng La tinh passio nghĩa là hành vi chịu đựng, chịu đau khổ. Cuộc khổ nạn của Ðức Kitô, đem lại ơn cứu độ cho chúng ta, diễn ra từ chiều ngày thứ Năm Tuần Thánh cho đến khi Người chết trên Thánh Giá. Toàn bộ phụng vụ đều cử hành mầu nhiệm Phục Sinh, vừa là khổ nạn, vừa là sự chết và sống lại của Ðức Chúa: mỗi thánh lễ đều nhắc lại mầu nhiệm này trong bí tích. Tuy nhiên, Hội Thánh đặc biệt cử hành các đau khổ của Ðức Kitô trong thánh lễ gọi là "Khổ Nạn", vào Chúa Nhật Lễ Lá, thứ Sáu và thứ Bảy Tuần Thánh. Trình thuật Khổ Nạn được công bố vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá (qua một trong các bài Nhất Lãm), và vào lúc cử hành phụng vụ chiều thứ Sáu Tuần Thánh (theo Tin Mừng thánh Gioan) (xc. Phủ phục, Lễ Lá, thứ Sáu Tuần Thánh, Thánh Giá).

Ki-Tô (Chúa)
(= Christ)
Trong tiếng Hy Lạp, christos có nghĩa chính xác là người được xức dầu (xc. Dầu: Chrisma). Danh từ này gần như từ Mâshiah (Mê-si-a) trong tiếng Hipri.
Vì là Vua, là Tư Tế và là Ngôn Sứ tuyệt hảo, nên Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa và Con loài người, chính là Ðấng được xức dầu: nhờ biến cố Nhập Thể, Người đã nhận được nơi nhân tính của Người trọn vẹn năng lực, sự dịu dàng và niềm vui, được biểu thị bằng dầu thánh hiến trong các nghi thức cổ. "Ngài ưa điều chính trực, ghét điều gian ác. Chính vì vậy, Thiên Chúa là Thiên Chúa của Ngài, đã tôn phong Ngài trổi vượt các đồng liêu" (Tv 44,8). Khi áp dụng cho mình bản văn Isaia, Ðức Giêsu diễn tả rõ ràng biểu tượng: "Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi" (Lc 4,18; Is 61,1); Thánh Thần ban bảy ơn (xc. Is 11,2) là nguyên ủy việc Ðức Maria thụ thai Chúa Giêsu (Lc 1,35).
Toàn bộ phụng vụ thông chuyển dấu tích Ðức Giêsu cho các tín hữu: phụng vụ thực hiện dần dần sự thấm nhập toàn thể nhân sinh nhờ Thần Linh Thiên Chúa.

Ki-Tô Vua (Lễ)
(= Christ-Roi)
Ðại lễ kính Chúa kết thúc các Chúa Nhật mùa thường niên: như vậy, lễ này trùng vào Chúa Nhật 34 và là Chúa Nhật cuối cùng mùa Thường Niên. Lễ này được đặt vào cuối năm phụng vụ, chính là lời mời gọi của Con Chiên bị sát tế từ vương quốc vĩnh cửu: "Lúc muôn loài đã qui phục Ðức Kitô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ qui phục Ðấng bắt muôn loài phải qui phục Người, và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài" (1Cr 15,28). Lễ này mãi về sau mới được Ðức Giáo Hoàng Piô XI thiết lập năm 1925: tất cả năm phụng vụ tôn vinh vương quyền Ðức Kitô, nhưng đặc biệt là vào dịp lễ Hiển Linh, thứ Sáu Tuần Thánh, và lễ Thăng Thiên.

Kinh Cầu
(= Litanie)
Tiếng Hy Lạp litanéa do danh từ litè có nghĩa là lời cầu, và động từ litaneuéin nghĩa là cầu nguyện liên tục. Kinh cầu là những lời nguyện phụng vụ diễn tả sự khẩn nài bằng nhiều lời kêu xin, cộng đoàn đáp lại bằng những câu lặp đi lặp lại. Lời nguyện cộng đồng trong thánh lễ, hoặc trong giờ Kinh Sáng và Kinh Chiều là những hình thức Kinh Cầu cổ xưa nhất.
Ngày nay, Kinh Cầu là những lời nguyện long trọng và là thành phần của những buổi cử hành phụng vụ trọng thể: những lời khẩn cầu lặp đi lặp lại dâng lên Chúa Ba Ngôi, Ðức Mẹ và các Thánh, để xin ơn Chúa vào dịp cử hành bí tích Thánh Tẩy trong lễ Vọng Phục Sinh, lễ Truyền Chức, lễ Cung Hiến Thánh Ðường, lễ Thánh Hiến Trinh Nữ, lễ Chúc Phong Viện Phụ hoặc Chúc Lành Ðan Sĩ, v.v... Trong nghi lễ thánh hiến hoặc chúc phong trọng thể, đương sự nằm phủ phục suốt thời gian đọc Kinh Cầu. người ta hát Kinh Cầu khi rước kiệu Cầu Mùa. Kinh Cầu Thánh Danh Chúa Giêsu, Kinh Cầu Trái Tim, Kinh Cầu Ðức Bà, Kinh Cầu thánh Giuse... không thuộc về phụng vụ đúng nghĩa, mà chỉ là việc đạo đức cá nhân hoặc cộng đoàn.

Kinh Cầu Xin Chúa Thánh Thần
(= Epiclèse)
Épiclèsis trong tiếng Hy Lạp gồm klèsis (lời kêu gọi) và épi (trên). Ðây là một lời cầu xin Chúa Thánh Thần để Ngài đến và, bằng hoạt động của Thiên Chúa, thánh hóa lễ vật Hội Thánh dâng lên trong thánh lễ. Trong cách sắp xếp của Kinh Tạ Ơn hay Lễ Quy, kinh này là lời nguyện liền ngay trước Truyền Phép. Trong Kinh Tạ Ơn thứ hai, kinh này có công thức như sau: "Chúng con nài xin Chúa dùng ơn Thánh Thần Chúa, thánh hóa lễ vật này".
Trong các Hội Thánh Ðông Phương, lời xin Chúa Thánh Thần không phải chỉ là lời nguyện cầu xin Chúa Thánh Thần thánh hóa lễ vật do thừa tác viên dâng lên khi sắp truyền phép; mà còn được coi là lời truyền phép. Trong Hội Thánh La tinh, lời thánh hóa đúng nghĩa là chính lời truyền phép. Hai quan điểm này không trái ngược nhau. theo thói quen, tinh thần Ðông Phương nhấn mạnh tính cách tổng hợp của Kinh Tạ Ơn, vì toàn bộ Kinh Tạ Ơn là lời thánh hóa, nhưng đặc biệt khi kêu xin rõ ràng hoạt động của Chúa Thánh Thần. Tính cách chặt chẽ và chính xác của Hội Thánh La tinh có khi nhấn mạnh trên lời đọc và cử điệu diễn tả lời và cử điệu của Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly.

Kinh Chiều
(= Vêpres)
Tiếng La tinh vesper, tiếng Hy lạp espéros nghĩa là buổi chiều. Phụng vụ giờ Kinh Chiều làm thành giờ kinh trọng thể buổi chiều, đối xứng với giờ Kinh Sáng. từ giờ Kinh Sáng, Hội Thánh vẫn không ngừng giao tiếp với Thiên Chúa nhờ các giờ Kinh Trưa. Vào lúc cuối ngày, Hội Thánh tìm lại sự thân thiết đó một cách lâu dài hơn. Hội Thánh cảm tạ Chúa vì những kỳ công sáng tạo, vì những việc mình đã làm, và hân hoan vì sự hiện diện của Ðức Chúa, như các tông đồ trong buổi chiều ngày Phục Sinh (xc. Ga 20,19), trong khi mong chờ Người trở lại. Giờ Kinh Chiều gồm có phần dẫn nhập, thánh thi, hai thánh vịnh, một thánh ca Tân Ước (xc. Thánh Ca), một bài đọc ngắn, một đáp ca ngắn, thánh ca Magnificat, các lời cầu khẩn và phần kết thúc. Ðỉnh cao của Kinh Chiều là bài thánh ca Tin Mừng của Ðức Maria. Ít là trong một số ngày, khi hát bài Thánh Ca này, nên xông hương bàn thờ như hy lễ ban chiều (xc. Tv 140,2; Ðèn).
Các đại lễ và các ngày Chúa Nhật bắt đầu từ chiều hôm trước bằng việc cử hành Kinh Chiều I. Thói quen này đã có nơi người Do Thái, họ tính ngày từ chiều hôm trước đến chiều hôm sau. Một vài đại lễ đặc biệt có thánh lễ Vọng, cử hành vào buổi chiều, có hoặc không có Kinh Chiều I.

Kinh Ðêm
(= Matines)
Các giờ canh thức đêm, (vigiliae matutinae) trở thành giờ đêm. Về nguồn gốc, tiếng La tinh Matutini hay matutinae hoặc matutina chỉ giờ Kinh Ngợi Khen (Laudes) cử hành vào lúc mặt trời mọc. Những giờ canh thức đêm được hát sớm hơn, lúc trời còn tối. Những giờ kinh này trở thành Kinh Ðêm khi danh từ Laudes (Kinh Ngợi Khen) được ấn định cho giờ Kinh Sáng. Việc canh thức cầu nguyện ban đêm chẳng phải là thái độ tha thiết mong đợi ngày đến sau khi đêm tàn? (xc. Kinh Sách, Vọng Lễ và Canh Thức).

Kinh Khấn Xin
(= Embolisme)
Tiếng Hy Lạp embolismos có gốc bởi em-ballein: đặt vào trong, xen vào giữa. từ này chỉ tháng nhuận, thêm vào năm âm lịch theo những khoảng thời gian tương đối đều đặn, để bù vào sự chênh lệch giữa năm âm lịch với năm dương lịch.
Trong phụng vụ, lời nguyện phụ là lời nguyện xen giữa hai lời nguyện khác. Trong thực tế, từ ngữ này chỉ lời nguyện sau Kinh Lạy Cha trong thánh lễ, nhằm triển khai ý nguyện cuối: "Xin cứu chúng con khỏi sự dữ..." Cuối lời nguyện phụ này, cộng đoàn cùng tung hô: "Vì Chúa là vua uy quyền...", lời tung hô này ban đầu tiếp liền với Kinh Lạy Cha.
Các lời nguyện sau đây cũng được gọi là "lời nguyện phụ": các lời nguyện đặc biệt cầu cho người qua đời, được xen vào trong Kinh Tạ Ơn II và III. Cũng vậy, các lời nguyện khai triển kinh Communicantes và Hanc igitur mà trong một vài dịp nào đó, được thêm vào trong Lễ Qui Rôma (Kinh Tạ Ơn I).

Kinh Nguyện
(= Prière)
Tiếng La tinh prex hay precatio có nghĩa là van xin, khẩn cầu. Về nghĩa, "công thức cầu nguyện", xin coi mục Lời Nguyện. Phụng vụ chỉ qui định những lời nguyện được đọc khi lời đọc và tinh thần hòa hợp với nhau; tất cả phụng vụ chỉ là một lời cầu nguyện, nghĩa là Hội Thánh hướng về vị Hôn Phu của mình.
Người ta thường có khuynh hướng đối nghịch phụng vụ với việc chiêm niệm, kinh nghuyện cộng đồng và với kinh nguyện cá nhân của người Kitô hữu. Trong tình trạng hiện nay của cuộc sống chúng ta, vì việc cử hành Giao Ước mang tính cách cộng đoàn nên dù có những thời gian thinh lặng, những giới hạn của chúng ta và của người khác không thể là nơi chốn hoặc thời gian gặp gỡ thân mật với Chúa. Trong phụng vụ thiên quốc, hai chiều kích cá nhân và cộng đoàn của việc cầu nguyện đạt đến một sự hòa hợp hoàn hảo. Trong khi chờ đợi, vì chúng ta không đủ sức để đón nhận tất cả sự phong phú của phụng vụ nên việc cử hành phải được chuẩn bị và diễn tiến theo thời gian cầu nguyện cá nhân, nhờ đó những diễn tả và nội dung phong phú của phụng vụ có thể được tiếp nhận hợp với nhịp sống và nhu cầu của mỗi người. Vì tất cả được ban tặng trong phụng vụ nên tất cả đời sống thiêng liêng đều được sắp sẵn ở đó. Tuy nhiên, vì chúng ta chưa đủ khả năng sống hành vi trọn vẹn của phụng vụ, nên điều quan trọng là phải có những cuộc gặp gỡ cá nhân và thân mật của chúng ta với Thiên Chúa để chuẩn bị và hướng về những cuộc gặp gỡ có tính cách sộng đoàn của Giao Ước (xc. Chiêm niệm, sống).

Kinh Sách
(= Nocturne)
Tiếng La tinh nocturnus ám chỉ những gì xảy ra ban đêm. Trong ngôn ngữ phụng vụ, giờ Kinh Ðêm là một phần kinh phụng vụ ban đêm (xc. Kinh Sáng, Vọng lễ) được soạn ra cốt yếu dựa vào một số thánh vịnh, bài đọc và xướng đáp. Kinh Thần Vụ của đan sĩ về ban đêm thường gồm hai giờ kinh đêm vào những ngày thường và ba giờ kinh đêm vào những ngày lễ kính và lễ trọng.

Kinh Sáng
(= Laudes)
Tiếng La tinh Laudes có nghĩa là ngợi khen. Giờ Kinh Laudes là giờ kinh ban mai, giờ kinh buổi sáng. Gọi là Laudes, vì giờ kinh này mang tính chất ca ngợi, mỗi một ngày mới là một ngày ca ngợi những kỳ công sáng tạo. Thánh vịnh đầu tiên là thánh vịnh ban mai, còn thánh vịnh cuối cùng là thánh vịnh ngợi khen. Về kinh Thần Vụ, luật thánh Biển Ðức đã qui định: yếu tố sau cùng trong việc hát thánh vịnh mỗi ngày là ở ba thánh vịnh cuối của sách thánh vịnh, tức là ba thánh vịnh hoàn toàn có tính cách ca ngợi: đó là Tv 148, 149, 150.Những thánh vịnh này đã góp phần làm cho giờ kinh ban mai được gọi là Kinh Ngợi Khen. Trước một hay nhiều thánh vịnh ca ngợi, người ta hát một bài thánh ca trích từ Cựu Ước. Ðỉnh cao của giờ Kinh Laudes là bài thánh ca Tin Mừng của ông Da-ca-ri-a, tức thánh ca Beneditus (Chúc Tụng). Khi hát thánh ca này, cộng đoàn đứng. Kế tiếp là lời nguyện chuyển cầu mang ý nghĩa hiến dâng và ca ngợi vì một ngày mới bắt đầu. Nếu giờ kinh sáng là giờ kinh đầu tiên trong ngày, thì phải đọc thánh vịnh giáo đầu trước.

Kinh Sĩ
(= Chanoine)
Từ ngữ La tinh canonicus xuất phát từ tiếng kânon của Hy Lạp, có nghĩa là lề luật (xc. Lễ Qui). Kinh sĩ là chức sắc trong Hộ Thánh, theo bậc sống được qui luật pháp chế bảo đảm. Ngoài vai trò cố vấn cho giám mục và nhóm các kinh sĩ hội, còn có nhiệm vụ chính yếu là cử hành trọng thể thánh lễ và kinh thần vụ: đây là công việc thiết yếu của Hội Thánh và cần được chu toàn một cách trọn vẹn hơn ở giữa lòng giáo phận.

Kinh Tạ Ơn
(= Prière eucharistique)
Ðây là toàn bộ những công thức giữa phần tiến lễ và Kinh Lạy Cha, đây cũng là phần chính của thánh lễ: phần "tạ ơn" hoặc hy tế đúng nghĩa.
Cấu trúc Kinh Tạ Ơn của Kitô giáo có liên hệ với những Kinh Tạ Ơn quan trọng của người Do Thái, chẳng hạn Kinh "Mười Tám Lời Chúc Tụng" (Shemônes-Esré berakoth) và Kinh "Chúc Tụng Ðấng Tạo Hóa" (Birkat Yotser) đều gồm có một lời ngợi khen mở đầu, một lời Sanctus, nhưng lời khẩn cầu gần giống như kinh cầu xin Chúa Thánh Thần (Epiclèse), một lời cầu xin Thiên Chúa nhớ đến (anammèse), những lời chuyển cầu, một hay nhiều vinh tụng ca. Những Kinh Tạ Ơn đầu tiên chúng ta biết được (xc. Didakhê, cuối thế kỷ 1, chứng từ của thánh Giút-ti-nô, quãng năm 150, Tông Truyền của thánh Hy-pô-li-tô quê ở Rôma quãng năm 215, Anaphore của Addai và Nari thế kỷ IV, Sách kinh (Eucologe) của Serapion Thmuis quãng năm 350, và Ðịnh chế các Tông Ðồ quãng năm 380) cho thấy rõ các Kinh Tạ Ơn đó có liên hệ với các kinh nguyện của Do Thái.
Các Kinh Tạ Ơn 2, 3 và 4 trong sách lễ Rôma cho thấy rõ cấu trúc cổ của các Kinh Tạ Ơn xuất phát từ các kinh nguyện Do Thái: lời tiền tụng cũng có các câu đối đáp: kinh Thánh Thánh chí Thánh là một lời ngợi khen ít nhiều nói về sự thánh thiện của Thiên Chúa biểu lộ nơi các công trình Người thực hiện, Epiclèse hoặc lời cầu xin Chúa Thánh Thần thánh hóa các lễ phẩm, Anamèses hoặc cầu xin Thiên Chúa nhớ đến, tiếp theo sau lời "Anh em hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy", Epiclèse sau truyền phép hoặc cầu xin Chúa Thánh Thần thánh hóa Nhiệm Thể, các lời chuyển cầu, vinh tụng ca kết thúc Per Ipsum, cuối cùng là lời thưa Amen của các tín hữu.
Lễ Qui Rôma hay Kinh Tạ Ơn 1 có cấu trúc riêng và đã được định hình rõ nét từ cuối thế kỷ thứ IV. Trình thuật thành lập Thánh Thể và Anammèse thuộc về trọng tâm của Kinh Tạ Ơn, nhưng một cách chính yếu cũng được điểm bằng những lời chuyển cầu. Cần chú ý đến ba điểm đặc biệt trong Lễ Qui này:
1. Song đối: nhớ đến người còn sống, trước truyền phép, và nhớ đến người đã qua đời sau khi truyền phép, mỗi phần đều có kèm theo một lời cầu nguyện có kể tên các thánh (Kinh Hiệp Thông và Cả Chúng Con Nữa: xem các từ này và bìa xếp),
2. Trái với Ðông Phương có những công thức cố định, Lễ Qui Rôma có nhiều công thức khác nhau: lời tiền tụng, Kinh Hiệp Thông, và Kinh Hanc Igitur tùy theo các mùa phụng vụ,
3. Cuối cùng nói một cách tiêu cực, Kinh Tạ Ơn 1 của sách lễ Rôma không có công thức Epiclèse rõ rệt, cả trước lẫn sau truyền phép: kinh Quam oblationem trước trình thuật thành lập Thánh Thể không đề cập đến Chúa Thánh Thần, nhưng cũng có thể được coi là một lời xin biến đổi các lễ vật, người ta cũng đề nghị nên coi kinh Supplices te rogamus là một epiclèse, một lời cầu xin Chúa Thánh Thần, sau truyền phép, dù không tìm rõ cơ sở để quả quyết như thế. Nhất là cần nhìn nhận rằng khung cảnh của Lễ Qui Rôma khác hẳn khung cảnh của những Kinh Tạ Ơn khác.
Ngoài bốn Kinh Tạ Ơn chính thức trong sách lễ Rôma, ngày nay người ta còn đề nghị một số Kinh Tạ Ơn khác và đã được thẩm quyền trong Hội Thánh cho phép: hai Kinh Tạ Ơn dùng trong dịp hòa giải, ba Kinh Tạ Ơn dùng trong các thánh lễ dùng cho trẻ em, gồm có nhiều lời tung hô, một Kinh Tạ Ơn dùng trong dịp hội họp. Những Kinh Tạ Ơn này có cấu trúc giống như các Kinh Anaphore của Ðông Phương, tức là cấu trúc củ các Kinh Tạ Ơn II, III và IV.

Kinh Thương Xót
(= Kyrie)
Lời tung hô bằng tiếng Hy Lạp kyrie eleison (Lạy Chúa, xin dủ thương) có trong bản dịch LXX (bản dịch 70, thế kỷ III trước Công Nguyên); người ta thấy lời tung hô này trong hầu hết các thánh vịnh (4,2; 6,3; 9,14; 25,11. v.v...). Trong Tân Ước, đó là lời thưa với Ðức Giêsu (Mt 15,22; 20,30). Kinh Kyrie eleison xuất hiện trong phụng vụ vào thế kỷ IV, ở Xyria và Palestin: đó là câu đáp của các tín hữu sau các ý nguyện trong kinh nguyện cộng đồng do phó tế xướng lên. Ở Tây Phương, thánh Biển Ðức (đầu thế kỷ VI), trong sách Qui Luật, nói rằng Kyrie là lời khẩn cầu đầu tiên trong kinh cầu đọc ở cuối giờ kinh phụng vụ. Thánh Ghê-gô-ri-ô Cả (590-604) làm chứng rằng ở Rôma, bắt đầu thánh lễ, các giáo sĩ hay ca đoàn hát kinh Kyrie, sau đó các tín hữu lặp lại, người ta còn thêm lời khẩn cầu song song "Christe eleison" - Ðiều này không có ở Ðông Phương.
Trong thực hành, phụng vụ Rôma hiện nay, sau phần chuẩn bị bằng việc sám hối mở đầu thánh lễ, người ta hát hoặc đọc luân phiên hai lần Kyrie, hai lần Christe, và hai lần Kyrie. Cũng có thể đọc mỗi lời khẩn cầu ba lần, như được qui định trong một số bài Kyrie nhạc Gregorio. Trong cả hai trường hợp, lời khẩn cầu rõ ràng hàm ý kêu cầu Ba Ngôi. Trong các kinh cầu hát nhân dịp lễ cầu mùa, hay trong các nghi thức long trọng (Thánh Tẩy, Truyền Chức, Cung Hiến, Thánh Hiến trinh nữ...) Ba lời khẩn cầu làm thành phần mở đầu kinh nguyện. Cuối giờ Kinh Phụng Vụ, ba lời khẩn cầu được hát một lần, dẫn vào Kinh Lạy Cha và lời nguyện. Kinh Kyrie eleison cũng được dùng làm câu đáp của tín hữu trong kinh nguyện cộng đồng.

Kinh Tối
(= Complies)
Giờ Kinh Phụng Vụ cuối cùng, "hoàn tất" một ngày làm việc. Giờ kinh này mang nặng tính cách an bình thư thái và kết thúc bằng một bài ca kính Ðức Trinh Nữ Maria - thường là Kinh Lạy Nữ Vương (Salve Regina) - có kèm theo việc rảy nước thánh.

L

La Tinh (Ngôn Ngữ)
(= Latin)
Tiếng La Tinh là một ngôn ngữ được sử dụng tại Latium (một phần đất thuộc miền Trung nước Ý). Phụng vụ của Hội Thánh Rôma đã sử dụng tiếng Hy Lạp trong hai thế kỷ đầu của kỷ nguyên Kitô giáo. tại Rôma, người ta đã chuyển từ tiếng Hy Lạp sang tiếng La tinh vào hậu bán thế kỷ thứ III. Phi châu tiến hành công việc đó sớm hơn một chút. Mặc dù tại Tây Phương, tiếng La tinh vẫn là thứ ngôn ngữ viết được sử dụng rộng rãi cho đến thời cận đại, nhưng tại xứ Gallia (Pháp) thì vào cuối thế kỷ thứ VI, người ta không còn nói tiếng La tinh nữa.
Cho dù việc sử dụng tiếng bản xứ trong các cuộc cử hành phụng vụ đã lan rộng và hợp pháp, nhưng tiếng La tinh vẫn còn là một ngôn ngữ riêng của phụng vụ Rôma và cần được bảo tồn (xc. Ngôn ngữ). Ðặc biệt, phải cố dự liệu để cho các tín hữu có thể cùng đọc hoặc cùng hát bằng tiếng La tinh các phần thường dành cho họ trong thánh lễ (Hiến chế Phụng vụ thánh, số 54). Vì thế, nhạc Ghê-gô-ri-ô, loại nhạc riêng của phụng vụ Rôma, sử dụng tiếng La tinh (xc. Ghê-gô-ri-ô).

Lá (Lễ)
(= Rameaux)
Trong tiếng La tinh, ramus có nghĩa là cành, nhánh và ramellus là nhánh nhỏ, cành nhỏ. Chúa nhật trước lễ Phục Sinh gọi là Chúa Nhật Lễ Lá hay Chúa Nhật Thương Khó. Trong phần nghi thức trước thánh lễ, Hội Thánh long trọng cử hành việc Ðấng Mê-si-a tiến vào thành Giêrusalem, như bốn sách Tin Mừng tường thuật lại: "Dân chúng lũ lượt tuôn đến mừng lễ, thoạt nghe tin Ðức Giêsu tới Giêrusalem, họ cầm nhành lá thiên tuế đi đón Người và reo hò: Hoan hô! Vạn phúc Ðấng ngự đến nhân danh Chúa" (Ga 12,12-13). Những lời này được hát lên như điệp ca mở đầu nghi thức tại một địa điểm ngoài nhà thờ, nơi các tín hữu tụ tập lại (tại Tây Phương, người ta không dùng lá thốt nốt mà là cành hoàng dương hay nguyệt quế). Thầy phó tế, hoặc nếu không có phó tế thì vị linh mục chủ tế đọc một đoạn Tin Mừng nói về việc Ðấng Mê-si-a tức là Ðức Kitô iến vào thành; sau đó đoàn rước tiến vào nhà thờ. Thánh lễ mở đầu bằng lời nguyện đầu lễ. Theo truyền thống Kitô giáo, sau thánh lễ các tín hữu đem lá đã làm phép về, trang hoàng thành hình thánh giá tại tư gia: đó là một cử chỉ tôn kính và tin cậy phó thác đối với Ðức Chúa chịu đóng đinh.

Lạy Cha (Kinh)
(= Notre Père)
Kinh Lạy Cha (Mt 6,9-13; xc. Lc 11,2-4) có một ví dụ ưu tiên trong phụng vụ. Trong thánh lễ, chúng ta hát Kinh Lạy Cha sau khi kết thúc Kinh Tạ Ơn. Sau khi đã giao hòa với Chúa Cha nhờ lễ phẩm mới là Mình và Máu Chúa Kitô, cộng đoàn đã dám ngỏ lời với Chúa Cha trong cùng một tâm tình như Ðức Giêsu (xc. Ga 20,17) và theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần (xc. Rm 8,15). Trong phụng vụ các Giờ Kinh, vào cuối giờ Kinh Sáng và Kinh Chiều, mọi người cùng đọc Kinh Lạy Cha - riêng đối với các dòng theo luật thánh Biển Ðức, chỉ có viện phụ đọc kinh này. Thường thường người ta cũng đọc kinh này khi cử hành các bí tích và á bí tích.

Lạy Chiên Thiên Chúa (Kinh)
(= Agnus Dei)
Ðây là lời tung hô Ðức Kitô, hát ba lần liên tiếp vào lúc bẻ bánh trong thánh lễ. Thực ra, đây chỉ là một cách lặp lại lời cầu khẩn trong Kinh Vinh Danh: "Lạy Chiên Thiên Chúa, Ðấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con" (lần thứ ba: "Xin ban bình an cho chúng con").
Công thức này lấy lại những lời ông Gioan Tẩy Giả giới thiệu Ðức Giêsu, khi Người đến chịu phép rửa tại sông Giođan: "Ðây Chiên Thiên Chúa, Ðấng xóa tội trần gian" (Ga 1,29). Ngoài ra, lời kinh này còn nói lên hy lễ của Người Tôi Tớ Ðau Khổ, như ngôn sứ Isaia đã loan báo: "Chính các bệnh tật của chúng tôi, Người đã mang lấy; chính các đau khổ của chúng tôi, Người đã gánh lấy. Ðức Chúa lại để Người phải lụy vì tội vạ của tất cả chúng tôi. Bị tra tấn, Người đã chịu đựng và không mở miệng, như cừu bị dẫn tới lò sát sinh, như chiên mẹ ngậm câm, không hề mở miệng" (Is 53,4.6.7).
Trong nhạc Ghê-gô-ri-ô, cũng như trong truyền thống nhạc đa âm cổ điển và trong "lễ Missa" ngày xưa, Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa là một đoản khúc đầy cảm kích và diễn tả lòng khiêm tốn chứa chan tình yêu mến. Các nhà sáng tác nhạc luôn quan tâm đến khía cạnh đó. Kinh này được đưa vào thánh lễ theo nghi thức Rôma hồi đầu thế kỷ thứ VII.
Có khi người ta trưng bày hình tượng Chiên Thiên Chúa trên bàn thờ hay nơi nào khác ở nhà thờ vào thứ Bảy trong tuần lễ áo trắng (thứ Bảy trong tuần mừng lễ Phục Sinh). Ðó là những tượng nổi bằng sáp đắp hình con chiên đang nằm, một chân tựa vào cây thánh giá dựng đứng. Ðó là một tục lệ của Phụng Vụ Rôma, gắn liền với Nến Phục Sinh: Các tín hữu vẫn có thói quen thu lượm những mẩu sáp vào ngày thứ Bảy Tuần Thánh để dùng chống lại quỉ ma. Về sau, cứ bảy năm một lần, Ðức Giáo Hoàng làm phép trọng thể những tượng Chiên Thiên Chúa. Thói quen này là một hình thức tôn kính Ðức Kitô chịu chết và phục sinh; đó cũng là một dấu chỉ gắn bó với Rôma.

Lạy Chúa Xin Thánh Hóa (Kinh)
(= Quam oblationem)
Ðây là những chữ La tinh mở đầu phần xin Chúa thánh hóa lễ vật trước khi truyền phép trong Kinh Tạ Ơn I (lễ quy Rôma). Phần này tương đương với phần cầu xin ơn thánh hóa của Chúa Thánh Thần trong 3 Kinh Tạ Ơn còn lại: "Lạy Chúa, xin thánh hóa, chấp nhận và chuẩn y những lễ vật này..." (xc. Kinh Tạ Ơn).

Lạy Thiên Chúa (Kinh)
(= Te Deum)
Te Deum là những từ ngữ đầu tiên của Thanh Thi Tạ Ơn long trọng bằng tiếng La tinh: "Lạy Thiên Chúa, chúng con xin ca ngợi hát mừng". Thánh thi này được sáng tác vào cuối thế kỷ thứ IV hay đầu thế kỷ thứ V do đức cha Nicetas, giám mục thành Remesiana, một thành phố ở Dacia thuộc Ðịa Trung Hải (hiện nay là bờ Ðịa Trung Hải về phía Rumani). Truyền thống cổ xưa gọi bản kinh đáng trân trọng này là "Thánh thi của thánh Amrôxiô", bởi vì có truyền thuyết cho rằng bản kinh do thánh Amrôxiô, được Thánh Thần linh hứng, đã sáng tác vào chính lúc thánh Âu Tinh bước ra khỏi giếng Rửa Tội.
Vinh tụng ca long trọng này triển khai lời ca ngợi theo cung cách những bài Kinh Tiền Tụng (vì cũng bao gồm cả Kinh Thánh Thánh Thánh): các Tông Ðồ, các ngôn sứ, và các vị tử đạo đều được mời gọi hợp tiếng với Hội Thánh trên trần gian để cùng với các thiên thần ca ngợi vinh quang Ba Ngôi Thiên Chúa. Bản kinh này tóm tắt (Công trình cứu độ của Ðức Kitô, và kết thúc bằng một chuỗi những lời kêu cầu lấy từ các thánh vịnh.
Kinh Te Deum được hát vào cuối giờ Kinh Sáng mỗi Chúa Nhật và các ngày lễ kính cũng như lễ trọng. Bản kinh này là bài ca Tạ Ơn trang trọng đặc biệt.

Lễ Kính

(= Fête)
Lễ kính là lễ bậc hai trong phụng vụ, dưới lễ trọng và trên lễ nhớ. Trong thánh lễ và trong Phụng Vụ Các Giờ Kinh, bậc lễ này có các bài đọc riêng. Ở đầu sách lễ, sách bài đọc và sách các Giờ Kinh Phụng Vụ, đều có lịch phụng vụ chỉ rõ những lễ kính. Chẳng hạn lễ Chúa Biến Hình, lễ Ðức Mẹ Thăm Viếng, lễ kính Các Thánh Tông Ðồ và các Thánh Tác Giả Sách Tin Mừng (trừ lễ hai thánh Phêrô và Phaolô là lễ trọng), lễ các Thiên Thần, lễ kính một số thánh Tử Ðạo.
Thánh lễ bậc lễ kính có Kinh Vinh Danh.

Lễ Nhớ

(=Mémoire)
Lễ nhớ là bậc lễ dưới lễ trọng và lễ kính. Trong chu kỳ phụng vụ chư thánh, không những thánh lễ mà cả các Giờ Kinh Phụng Vụ phải cử hành để kính nhớ vị thánh. Trường hợp đó gọi là lễ nhớ buộc, khác với lễ nhớ tự do, là lễ người ta có thể tùy nghi cử hành để kính vị thánh đó, cả trong kinh nguyện phụng vụ cũng vậy.

Lễ Nhớ Tự Do

(= Votif)
Tính từ La tinh votivus phát xuất từ danh từ votum có nghĩa là sự khấn hứa (xem từ ngữ này). Lễ nhớ tự do là một thánh lễ được cử hành theo lòng sốt sắng của linh mục hay của cộng đoàn, vào những ngày phụng vụ tự do, tức là những ngày không phải là lễ trọng, Chúa Nhật, lễ kính hay lễ nhớ buộc (xc. Cử hành). Các lễ nhớ tự do đều được cử hành để kính nhớ các mầu nhiệm của Chúa Kitô, kính Chúa Thánh Thần, Ðức Trinh Nữ Maria và các Thánh. Lễ nhớ tự do cũng bao gồm các thánh lễ theo những ý nguyện khác nhau: trong sách lễ Rôma, có soạn sẵn những bản văn, công thức đầy đủ hoặc từng phần dành cho những dịp đó.

Lễ Qui

(= Canon)
Trong tiếng Hy Lạp, kanôn có nghĩa là qui tắc. Những khoản luật của một cộng đồng là những qui luật về đạo lý hay kỷ luật được cộng đồng ban bố. Trong phụng vụ Rôma, Lễ Qui là tiếng thường được dùng nhất để chỉ Kinh Tạ Ơn, tức là phần trọng tâm của thánh lễ, bắt đầu từ lời tiền tụng cho đến hết câu Per Ipsum (Chính nhờ Người). Lễ Qui là qui tắc phải giữ khi cử hành thánh lễ: đây không phải chỉ là một qui luật về cấu trúc, nhưng là một công thức bắt buộc. Trong phụng vụ Ðông Phương, các công thức Thánh Thể này còn được gọi là kinh Anaphora. Cũng từ đó mà những tấm bìa cứng đặt thẳng đứng giữa bàn thờ, trên đó ghi những công thức truyền phép cũng như những kinh nguyện chính và cố định của thánh lễ, được gọi là những Qui Tắc bàn thờ.
Về việc ghi tên vào sổ bộ các thánh hoặc phong thánh, xin coi Thánh Nhân, Bìa Xếp.

Lễ Riêng

(= Propre)
Lễ riêng gồm toàn bộ các cử hành phụng vụ riêng của cộng đoàn này hay cộng đoàn kia: nhất là các lễ kính thánh. Tập sách bao gồm các bản văn tương ứng với lịch mừng các lễ riêng cũng được gọi là phần lễ riêng. Có nhiều lễ riêng với những cấp độ khác nhau: lễ riêng của một nước, một tỉnh, một giáo phận, một thành phố, một nhà thờ hoặc một nhà nguyện; lễ riêng của một dòng tu, một hội dòng hoặc một cộng đoàn tu sĩ.
Các lễ riêng mừng theo bậc đại lễ những lễ sau đây: lễ thánh bổn mạng riêng của một vùng, một thành phố; lễ cung hiến và kỷ niệm cung hiến một thánh đường; lễ mừng thánh hiệu của một nhà thờ; lễ mừng thánh hiệu, thánh sáng lập hoặc thánh bổn mạng chính của một dòng hay của một hội dòng.
Các lễ riêng mừng theo bậc lễ kính là những lễ sau: lễ thánh bổn mạng chính của giáo phận; lễ kỷ niệm cung hiến vương cung thánh đường; lễ thánh bổn mạng chính của một miền hoặc một tỉnh, một nước, một miền đất khá rộng; lễ thánh hiệu, thánh sáng lập, thánh bổn mạng chính của một dòng hay một hội dòng, một tỉnh dòng (nếu những lễ này không phải là lễ trọng như vừa nói trên kia). Có thể kể thêm những lễ kính riêng khác của một nhà thờ, những lễ kính khác đã được ghi trong lịch riêng của một giáo phận, một dòng hoặc một hội dòng.
Các lễ riêng mừng theo bậc nhớ buộc là những lễ sau: lễ thánh bổn mạng được chọn thêm của một nơi, một giáo phận, một miền hay một tỉnh, một nước, một miền đất khá rộng, một dòng, một hội dòng hoặc một tỉnh dòng; các lễ nhớ buộc khác đã được ghi trong lịch riêng của một giáo phận, một dòng hoặc một hội dòng.
Các lễ riêng mừng theo bậc nhớ tự do là lễ các thánh được một địa phương nào đó tôn kính đặc biệt hơn. Tất cả những ai theo lịch ghi các lễ kể trên, đều được mừng các lễ này.

Lễ Trọng

(= Solemnité)
Trong tiếng La tinh, solemnitas có nghĩa là lễ trọng, ghép bởi sollus (tất cả) và annus (năm); vì thế lễ trọng là một ngày trọng đại liên quan đến cả năm. Trong phụng vụ, từ ngữ lễ trọng chỉ bậc cao nhất trong việc cử hành các ngày lễ: lễ này bắt đầu từ chiều hôm trước với Kinh Chiều 1 và đôi khi có thánh lễ vọng riêng. Lễ Phục Sinh là lễ trọng nhất trong các lễ trọng (xc. Cử hành).

Lễ Vật

(= Offrandes)
Trong tiếng La tinh, offeranda có nghĩa là điều phải dâng. Lễ vật trong thánh lễ chủ yếu là những tế phẩm dành để dâng hy lễ Thánh Thể: bánh và rượu. Trong một vài trường hợp, đến phần có tiến lễ, có thể đem các lễ vật khác lên bàn thờ: sản phẩm của thiên nhiên, ít nhiều mang tính cách biểu tượng, hay đôi khi một thành quả tìm kiếm được. Lời nguyện trên lễ vật hoàn tất việc chuẩn bị lễ phẩm và đi liền trước phần đối đáp dẫn vào lời Tiền Tụng của Kinh Tạ Ơn.

Lịch Cử Hành

(= Ordo)
Trong tiếng La tinh, ordo có nghĩa là sắp xếp, trật tự. Ordo là lịch phụng vụ hằng năm, dành cho một giáo phận hay một tu hội, trong đó các chỉ dẫn để cử hành thánh lễ và các Giờ Kinh Phụng Vụ cho mỗi ngày trong năm. Cuốn lịch này cũng gồm có những giáo huấn hữu ích cho đời sống phụng vụ, sinh hoạt của giáo phận hay của tu hội.

Lịch Phụng Vụ

(= Calendrier)
Ngày sóc (calendes) theo người Rôma là ngày đầu tiên trong một tháng, ngày triệu tập, ngày của những kỳ hạn. Calo trong tiếng La tinh và Kalès trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là kêu gọi hay triệu tập. Như vậy, lịch là cuốn sách ghi những kỳ hạn, là cuốn sổ ghi các khoản việc, nhưng nó còn là danh mục các ngày mà người ta được triệu về để thanh toán sổ sách; nó là phép tính lịch trong năm.
Lịch phụng vụ là danh sách các lần khác nhau triệu tập cộng đồng Kitô hữu trong một năm. Thiết tưởng cần nhớ lại rằng chữ Ecclesia (Hội Thánh) có gốc từ kalêô của tiếng Hy Lạp. Vào những ngày ấn định, Hội Thánh được qui tụ bởi Thiên Chúa và cho Thiên Chúa, để cử hành giao ước một cách trọn vẹn hơn.
Phần phụng vụ theo mùa được áp dụng chung cho Hội Thánh toàn cầu: gồm có chu kỳ giáng sinh và phục sinh, xen giữa hai chu kỳ này là các Chúa Nhật thường niên. Phụng Vụ Chư Thánh, một phần lớn được áp dụng chung cho toàn Hội Thánh.
Lịch phụng vụ riêng của một Hội Thánh địa phương hay một dòng tu (xc. Lễ Riêng) thêm vào lịch chung ngày lễ kỷ niệm cung hiến thánh đường, lễ các thánh bổn mạng, các thánh hiệu và các thánh sáng lập dòng, các thánh địa phương hoặc các thánh dòng (xc. năm Phụng Vụ; Cử Hành).

Lịch Sử Cứu Ðộ

(= Histoire de salut)
Lịch sử cứu độ là ý định nhân lành của Chúa Cha (Ep 1,9-14) diễn ra trong thời gian, trước khi hoàn tất trong vinh quang. Xét cho cùng, đó là lịch sử của những giao ước (xc. Kinh Tạ Ơn IV).
Việc sáng tạo là khởi điểm, chẳng bao lâu bị phá hủy bởi tội nguyên tổ, và đó là sự từ chối giao ước đầu tiên. Có thể nói giao ước với ông Nôe đặt nền trên những giá trị tích cực của các tôn giáo tự nhiên và cả nền phụng tự của các tôn giáo này nữa, bất chấp những sự thoái hóa hầu như trầm trọng của những tôn giáo đó. Về mặt lịch sử, giao ước với ông Ápraham là điểm xuất phát đích thực của những tương quan thân hữu giữa Thiên Chúa và loài người. Từ đó đưa đến giao ước Xinai, làm phát sinh Dân Thiên Chúa, trong khung cảnh một nền phụng vụ kỳ vĩ giữa sa mạc. Những sự bất tín của dân Israel, từ chuyện con bò vàng và trải dài suốt lịch sử cuộc xuất hành cũng như trong lịch sử các quan án và các vua, đã khiến các ngôn sứ phải loan báo một giao ước mới mà Con Thiên Chúa nhập thể sẽ đóng ấn trong máu của Người.
Sau biến cố Canvê, Lịch Sử Cứu Ðộ không ngừng kết nạp các nghĩa tử được Hội Thánh sinh ra, nhờ Chúa Thánh Thần, và đưa họ vào trong đời sống của Thiên Chúa, cho tới khi Giêrusalem thiên quốc được thành toàn: "Lúc muôn loài đã qui phục Ðức Kitô thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ qui phục Ðấng bắt muôn loài phải qui phục Người; và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên mọi loài" (1Cr 15,28).
Xinai, Canvê và Giêrusalem thiên quốc là những mốc chính yếu của lịch sử cứu độ. Trong mỗi giai đoạn lịch sử cứu độ mà ta đang sống, phụng vụ hiện tại hóa giao ước trước đồng thời chuẩn bị giao ước tiếp theo. Như vậy, phụng vụ tạo ra một mối giây đan kết thời gian. Ðó là ý nghĩa của lễ tưởng niệm trong dân Israel, đó là ý nghĩa của việc tưởng niệm hiến lễ Tạ Ơn mà Chúa Kitô đã để lại cho chúng ta trước khi Người chịu chết trên thập giá (xc. Tạ Ơn). Mỗi giai đoạn mới của lịch sử cứu độ "thực hiện" và hoàn tất những giai đoạn trước. Do đó trong phụng vụ, Hội Thánh còn lắng nghe Thánh Kinh Cựu Ước, đang khi chờ đợi sự hoàn tất của Tân Ước nơi Giêrusalem thiên quốc, chờ đợi sự "hưởng kiến trong bình an", nơi đó không còn đền thờ, vì đền thờ của thành là Ðức Chúa, Thiên Chúa toàn năng và Con Chiên (kh 21,22). Trong vinh quang, lịch sử không bị tiêu tan, nhưng đạt được sự hoàn tất của mình; còn phụng vụ thì trở thành đích điểm hoàn hảo: đó là sự tham dự vào đời sống Thiên Chúa Ba Ngôi của một dân tộc "được cứu chuộc để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa" (xc. Ep 1,14) (xc. Giao Ước; Cộng đoàn phụng vụ; Chu kỳ; Tưởng nhớ).

Linh Hồn Tôi (Thánh Ca)
(= Magnificat)
Từ La tinh đầu tiên của bài thánh ca tạ ơn trong dịp Ðức Maria thăm viếng bà Elisabét: "Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa" (Lc 1,46-55). Bài ca này gồm tóm điểm cô đọng tuyệt vời trong linh đạo thánh vịnh về "những người nghèo của Giavê", đó là những người ý thức được giới hạn của mình để Thiên Chúa thực hiện những công trình của Người nơi họ và với họ. Người Tôi Tớ khiêm hạ của Thiên Chúa cũng biết rằng mình là Mẹ của Người Con. Như toàn thể phụng vụ là tác động của cộng đoàn Kitô hữu để Thiên Chúa "tác động" nơi mình, thì người ta cũng hiểu rằng bài ca Magnificat chiếm vị trí ưu tiên trong các Giờ Kinh Phụng Vụ: hằng ngày, bài ca này là trọng tâm của giờ Kinh Chiều; sau khi làm dấu thánh giá, cộng đoàn hát Kinh Magnificat, trong lúc vị chủ sự xông hương bàn thờ khi có thể.

Linh Mục

(= Prêtre)
Trong tiếng Hy Lạp, presbuteros, cũng giống từ presbus hay presbutos, có nghĩa là niên trưởng, sứ giả. Như vậy, từ ngữ linh mục bao hàm một tư cách đáng kính trọng lẫn một tác vụ trung gian. Trong Tân Ước, khó mà phân biệt giữa chức linh mục (presbuteroi) và chức giám mục (episkopoi). Tuy nhiên, một vài chỉ dẫn dần dần cho thấy giám mục (episcope) là người có nhiệm vụ coi sóc giáo đoàn với sự trợ giúp của linh mục đoàn (presbutres) (1Tm 5,17; Tt 1,5). Vào đầu thế kỷ II, sự phân biệt về phẩm trật giữa giám mục và linh mục được ấn định rõ ràng hơn. Linh mục là một vị niên trưởng, nghĩa là một người khôn ngoan được Giám Mục chọn làm cộng tác viên trong việc thi hành chức tư tế. Ðể hiểu vai trò và sứ vụ của linh mục, phải khởi đi từ trách vụ của giám mục mà linh mục tham gia vào đó nhờ chức vụ tư tế (xc. Giám mục; Chức thánh).
Vì ông Môsê đã chọn các vị niên trưởng làm những người phụ tá để họ có thể trợ giúp ông trong trách vụ lãnh đạo dân, và trách vụ trung gian (Xh 18,21), thế nên các niên trưởng cũng tham dự vào đặc ân của ông Môsê là được sống thân mật với Thiên Chúa (Xh 24,1.9), và nhận được một "phần" Thần Khí của ông (Ds 11,24-25); tương tự như vậy, các giám mục cũng chia sẻ chức tư tế của mình cho "những người đầy khôn ngoan" mà các ngài đã chọn và đặt tay trên họ (xc. Lời nguyện thánh hiến trong lễ nghi truyền chức linh mục).
Như vậy, linh mục là người trợ giúp hay là cộng tác viên của vị Trưởng Tế tức là giám mục. Linh mục là đại diện (sứ giả) của giám mục tại bất cứ nơi nào ông được giám mục sai đến, và vì thế, linh mục cũng có đủ quyền hành để có thể thực sự trợ giúp đấng kế vị các Tông Ðồ.
Dưới quyền các giám mục, các linh mục cũng thực thi ba vai trò của chức vụ tư tế như các giám mục, đó là chăn dắt, giáo huấn và thánh hóa. Vì được tham gia vào trách vụ của Ðấng Trung Gian duy nhất là Ðức Kitô (1Tm 2,5), nên theo cấp độ tác vụ riêng, các linh mục công bố Lời Chúa cho mọi người. Nhưng các ngài thực thi thánh vụ của mình cách hoàn hảo nhất trong việc phụng tự hay trong cộng đoàn cử hành Thánh Thể: trong đó, các ngài hành động với tư cách của Ðức Kitô và công bố mầu nhiệm của Người, các ngài kết hợp lễ vật của các tín hữu với hy tế của vị Thủ Lãnh; và trong hy tế thánh lễ, các ngài hiện thực hóa và chuyển thông hiệu lực của hy lễ duy nhất trong Tân Ước, là hy tế của Ðức Kitô đã một lần dứt khoát thánh hiến mình cho Chúa Cha làm lễ vật hy sinh tinh tuyền (Dt 9,11-18) (Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Hội Thánh, số 28).
Thánh lễ, được cử hành nhân danh giám mục và trong sự hiệp thông với giám mục - sự hiệp thông được biểu lộ một cách đặc biệt qua việc đồng tế với giám mục, cũng như trong thánh lễ đầu tiên tức là lễ truyền chức - là trung tâm của đời sống và sứ vụ linh mục.
Khi ban các bí tích Thánh Tẩy, Thêm Sức, chúc lành cho các đôi hôn phối, Giải Tội, Xức Dầu bệnh Nhân, các ngài nhằm hướng họ đến bí tích Thánh Thể. Chỉ có bí tích Truyền Chức là linh mục không được cử hành, vì duy có các giám mục là những vị đã đạt đến sự viên mãn của chức thánh mới được quyền trao ban các chức thánh. Tuy nhiên, để làm nổi bật ý nghĩa của sự hiệp thông trong chức tư tế, tất cả các linh mục hiện diện trong lễ truyền chức, tiếp theo sau giám mục, đều lần lượt đặt tay trên các tiến chức, trước lời nguyện phong chức. Người ta biết rằng cử chỉ đặt tay của giám mục và lời nguyện phong chức làm nên thành phần cốt yếu của nghi thức truyền chức linh mục. Trao phẩm phục (dây các phép, áo lễ); xức dầu hai bàn tay, trao dĩa thánh đựng bánh, và chén thánh đựng rượu là những nghi thức phụ thuộc (xc. Tư tế; Giáo sĩ).

Linh Mục Ðoàn

(= Presbyterium)
Tiếng La tinh presbyterium có gốc từ tiếng Hy Lạp pres buterion, nghĩa là hội đồng các linh mục tụ họp quanh vị giám mục. Linh mục đoàn là cộng đoàn các linh mục cộng tác với vị giám mục trong sứ vụ tông đồ và trong việc cử hành các bí tích. Mối liên hệ có tính cách bí tích trên đây giữa giám mục và các linh mục thuộc quyền, được diễn tả chủ yếu và rõ nét nhất trong thánh lễ đồng tế. Ngoài ra, từ này còn được dùng để chỉ nơi các linh mục cử hành thánh lễ đồng tế hoặc các nghi thức phụng vụ khác.

Linh Thánh

(= Sacré)
Trong tiếng La tinh, sacrum vừa có nghĩa là đối tượng được tôn kính vừa có nghĩa là một hành vi tôn giáo. Sacrum xuất phát từ động từ sancire, có nghĩa là làm cho một vật nào đó trở thành bất khả xâm phạm nhờ vào một hành vi tôn giáo. Cũng như sanctum, sacrum là cái bất khả xâm phạm bởi vì có mối liên lạc với giới thần thiêng. Gốc của từ sacrite là sac hoặc sak được dùng để chỉ những gì gần gũi hoặc phát xuất từ thần linh. Do đó tiếng Việt Nam gọi là linh thánh.
Nếu như linh thánh là đặc tính của một cái gì đã trở nên bất khả xâm phạm vì có liên hệ với Thiên Chúa, ta có thể hiểu linh thánh theo hai cách bổ túc lẫn nhau: một đàng, tất cả những gì tự nó xuất phát từ Thiên Chúa và lý do hiện hữu của nó chỉ là vì đã được Thiên Chúa đụng đến; đàng khác, tất cả những gì đã xuất phát từ Thiên Chúa và đang hướng về Người. Cách nhìn thứ nhất, theo hướng từ trên xuống dưới, cho thấy một quan niệm nội tại về linh thánh: mọi thụ tạo, sở dĩ là linh thánh, vì được hiện hữu trong tương quan với Ðấng tạo Hóa. Cách nhìn thứ hai, theo hướng từ dưới lên trên, lại đặt linh thánh - siêu vượt trên những hữu thể giới hạn vốn đã được chia sẻ phần nào tính cách linh thánh - lên đến lãnh vực thần linh đúng nghĩa; và muốn nối kết lại với lãnh vực đó đòi phải có một chuỗi những sự thoát li, những cuộc "vượt qua". Ở đây, cần đặc biệt chú ý đến ý niệm siêu việt.
Mỗi dấu vết của Thiên Chúa lưu lại trên các hữu thể làm cho chúng thành linh thánh, nhưng tùy thuộc mức độ được nhận thức và được sống tính cách linh thánh của các vật hay các hành vi (xc. Bí tích; Hy tế) hướng đến điều linh thánh tuyệt hảo, tức là sự sống của Thiên Chúa, thuộc lãnh vực siêu việt. Hai chiều kích của linh thánh như trên - từ Thiên Chúa đến các thụ tạo của Người và từ các thụ tạo lên Thiên Chúa - chính là cấu trúc của phụng vụ, hướng đến chỗ hoàn hảo nhờ mầu nhiệm Nhập Thể cứu chuộc: Ðức Giêsu, là Thiên Chúa và là người, là hữu thể linh thánh (xc. Lc 1,35), tràn đầy sự sống Thiên Chúa đến mức tuyệt hảo; Ngươờ có thể đưa chúng ta đi theo Người vào cung lòng Chúa Cha. Phụng vụ là cách Hội Thánh thể hiện điều linh thánh, nhờ chức tư tế của Chúa Kitô.

Lọ Ðựng Rượu, Nước

(= Burettes)
Cách gọi này chỉ về lọ đựng rượu hoặc nước dùng trong việc cử hành thánh lễ. Các lọ này được làm bằng thủy tinh để dễ phân biệt bên trong là rượu hay nước. Người ta đặt trên một khay nhỏ bằng thủy tinh, khay này cũng được dùng trong lúc chủ tế rửa tay.

Lòng Thánh Ðường
(= Nef)
Trong tiếng La tinh, navis có nghĩa là tàu, thuyền. Ðây là phần lòng nhà thờ, tính từ cửa chính tới cung thánh, thường dành cho các tín hữu họp thành cộng đoàn khi cử hành phụng vụ. Trong các nhà thờ cổ, phần này thường có hình vòm, gợi lên hình dáng chiếc vỏ tàu, do đó có từ navis. Khoa nghiên cứu biểu tượng của Hội Thánh cũng cắt nghĩa đó là chiếc tàu của thánh Phêrộ và các đấng kế vị đang lênh đênh giữa biển đời sóng gió.

Lọng

(= Ombrelle)
Tiếng La tinh umbrella hay umbella: Vật dụng tạo bóng râm. Lọng là cái dùng để che trên Mình Thánh Chúa trong các cuộc rước. Lọng là một dạng phương du đơn giản.

Lời

(= Parole)
Lời tức là Lời Chúa, Lời mà trong cử hành phụng vụ, chúng ta dùng lời của mình để đáp lại. (xc. Linh thánh).

Lời Dẫn
(= Monition)
Trong tiếng La tinh, monitio có nghĩa là cảnh tỉnh, ý kiến khuyên nhủ (động từ monere nghĩa là cảnh tỉnh). Lời dẫn là lời do người chủ sự hay một thành viên của cộng đoàn nói lên để giải thích vắn tắt ý nghĩa các bài đọc hoặc nghi thức sắp diễn ra, và cũng để tạo ra bầu khí thích hợp cho việc tham dự tích cực của các tín hữu. Trong một đại lễ, thừa tác viên giữ nhiệm vụ giải thích cho cộng đoàn ý nghĩa của nghi thức và các bài đọc bằng những lời dẫn giải thích hợp, được gọi là người dẫn lễ.

Lời Nguyện
(= Oraison)
Tiếng La tinh oratio: lời, lời nói, kinh nguyện (do động từ orare: nói, cầu xin). Lời nguyện là lời thân thưa với Chúa, lời cầu nguyện dâng lên trước nhan Chúa. Nếu lời cầu nguyện là một cuộc đối thoại của tâm hồn chìm đắm trong Chúa, một kinh nguyện nội tâm (xc. Chiêm niệm; Kinh nguyện), thì lời nguyện phụng vụ là sự diễn tả chung và công khai của cộng đoàn đang cầu nguyện; lời nguyện do vị chủ sự với tư cách là người thu thập và "tóm kết" ý nguyện của cả cộng đoàn, đọc theo công thức đã được soạn sẵn.
Cấu trúc của một lời nguyện thường gồm có:
1. lời kêu cầu Thiên Chúa;
2. một hay nhiều lý do;
3. một ý nguyện đúng nghĩa;
4. mục đích;
5. câu kết.
Theo mẫu đó, chúng ta có thể phân tích lời nguyện nhập lễ Chúa Nhật 11 thường niên: "Lạy Thiên Chúa toàn năng, là sức mạnh của nhũng kẻ trông cậy Chúa, xin đoái thương nhận lời chúng con cầu khẩn (1). Vì không có Chúa, loài phàm hèn yếu đuối không làm được việc gì (2). Xin hằng ban ơn thánh phù trợ (3); để khi tuân giữ các giới răn Chúa, chúng con có thể dùng ý chí và hành động làm đẹp lòng Chúa (4). Nhờ Ðức Giêsu Kitô..." (5).
Ba lời nguyện trong thánh lễ là lời tổng nguyện, lời nguyện trên lễ vật (xc. Tế phẩm), lời nguyện hiệp lễ. Cũng có thể nói đến lời nguyện kết thúc phần lời nguyện cộng đồng (lời nguyện giáo dân), các lời nguyện thầm của linh mục trước khi hiệp lễ... Ngoài ra, cũng phải kể đến Kinh Lạy Cha, lời cầu nguyện của Chúa; và Kinh Tạ Ơn, một lời cầu nguyện dài và đầy ý nghĩa. Trong các Giờ Kinh Phụng Vụ, lời nguyện kết thúc thường lấy theo lời nguyện đầu lễ (Tổng nguyện). Sách các nghi thức (sách các phép) có qui định nhiều lời nguyện để cử hành các bí tích và các phụ tích.

Lời Nguyện Cộng Ðồng

(= Prière universelle)
Lời nguyện cộng đồng hay lời nguyện giáo dân là lời nguyện mà cộng đoàn phụng vụ dâng lên để xin Thiên Chúa đáp ứng những nhu cầu của thế giới và của mọi thành phần trong cộng đoàn, còn sống hay đã qua đời. Truyền thống phụng vụ cổ xưa đã có lời nguyện này (Sách lễ - Eucologe - của Serapion, giám mục thành Thmuis, thế kỷ IV; Qui chế các tông đồ - Constitutions Apostoliques, khoảng năm 380). Lời nguyện cộng đồng có lẽ phát sinh do ảnh hưởng của phụng vụ Do Thái và chiếu theo lệnh truyền của thánh Phaolô gửi cho ông Timôthêu: "Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh. Ðó là điều tốt đẹp lòng Thiên Chúa, Ðấng cứu độ chúng ta, Ðấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý" (1Tm 2,1-4).
Lời nguyện cộng đồng gồm có lời kêu gọi của linh mục, tiếp đến là những ý cầu nguyện được thầy phó tế xướng lên, hoặc nếu không có phó tế, thì do một hay nhiều người tiêu biểu cho các thành phần của cộng đoàn. Tất cả cộng đoàn bày tỏ ước nguyện của mình bằng một lời tung hô hay một câu đáp sau mỗi ý cầu nguyện. Cuối cùng, linh mục kết thúc bằng một lời nguyện. Diễn tiến thông thường của các ý cầu nguyện hơn kém như nhau: cầu cho Hội Thánh, các chủ chăn và các tín hữu; cầu cho các nhà cầm quyền trên thế giới, để họ đem lại cho thế giới sự bình an đích thực trong công lý; cầu cho những người đau khổ, cho những người quá cố, cho các nhu cầu riêng của các thành phần trong cộng đoàn và cho toàn thể cộng đoàn.
Trong thánh lễ, lời nguyện cộng đồng là phần chuyển tiếp giữa phần phụng vụ Lời Chúa, vốn gợi lên những ý nguyện cầu, và phần phụng vụ Thánh Thể. Ðúng hơn, lời nguyện ấy tiếp liền sau bài Tin Mừng, thường thì sau bài giảng hoặc Kinh Tin Kính. Trong kinh nguyện phụng vụ, Kinh Sáng và Kinh Chiều, có lời nguyện cộng đồng hay lời cầu, được xếp vào phần kết thúc, trước Kinh Lạy Cha và lời nguyện. Phần lớn các nghi lễ cử hành bí tích đều có lời nguyện cộng đồng.

Lời Nguyện Trên Dân Chúa
(= Prière sur le peuple)
Trong nghi thức giải tán cộng đoàn, trước khi ban phép lành, linh mục có thể đọc một lời nguyện trên dân chúng. Sau khi kêu gọi cộng đoàn cúi đầu, linh mục đọc lời nguyện, giơ tay lên hướng về phía cộng đoàn. Sách lễ Rôma có đề nghị một số công thức về lời nguyện này.


Lời Than Trách
(= Impropères)
Trong tiếng La tinh, improperium có nghĩa là lời than trách. Bài thán ca là lời than trách thống thiết của Ðức Kitô đối với dân đã phụ bạc Người. Trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh, cộng đoàn hát bài ca này đang khi tôn thờ Thánh Giá. Cứ mỗi ân huệ Thiên Chúa ban cho dân trong cuộc Xuất Hành xưa, lại được đối chiếu với một cảnh tượng của cuộc khổ nạn. Ðể đền tạ, cộng đoàn lặp lại nhiều lần câu điệp khúc tung hô bằng tiếng Hy Lạp là Hagios o Theos (Ôi Thiên Chúa chí thánh).

Lửa
(= Feu)
Ðêm canh thức Phục Sinh bắt đầu bằng nghi thức làm phép lửa, lửa đó sẽ dùng để thắp sáng cây nến Phục Sinh. Trong Tin Mừng, Ðức Giêsu tuyên bố Người đến đốt lên một ngọn lửa trên trần gian (Lc 12,49). Chỉ mình Người mới có thể làm phép rửa trong Thánh Thần và trong lửa (Mt 3,11). Dầu sao, người ta không nhấn mạnh ý nghĩa biểu tượng của lửa vì chính nó, nhưng vì ánh sáng mà lửa làm phát sinh một cách sống động. Thực vậy, lời nguyện làm phép lửa mở đầu như sau: "Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, nhờ Con Chúa là ánh sáng thế gian, Chúa đã ban cho nhân loại ánh sáng từ ánh sáng của Ngài. Xin thương chúc lành cho ngọn lửa này đang chiếu sáng trong đêm tối". Ngọn lửa mới tượng trưng Chúa Kitô phục sinh, là ánh sáng bừng lên từ đêm tối, nhưng cây nến phục sinh sẽ là biểu tượng của Chúa Kitô phục sinh một cách lâu bền hơn.
Trong phần lớn những cử hành phụng vụ của Hội Thánh, người ta thắp những cây nến, ngầm nói lên sự lan truyền của ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần và của sự sống Chúa Kitô phục sinh, ánh sáng thế gian.

Lưu Trữ

(= Réserve)
Trong tiếng La tinh, servare có nghĩa là giữ lại và tiếp đầu ngữ re có tác dụng nhấn mạnh. Của lưu trữ thánh là Thánh Thể được cất giữ trong nhà tạm.

M

Ma-Ri-A
(= Marie)
Do hoàn toàn chấp nhận công trình của Thiên Chúa nơi mình và nơi Người Con, Ðức Maria là khuôn mẫu trọn hảo về việc chúng ta tham dự vào phụng vụ. Người đã bước vào vinh quang kể từ khi được đưa lên trời và các cử hành của chúng ta nối kết chúng ta với Người, vì phụng vụ ở dưới đất đã tham dự vào phụng vụ trên trời (xc. Phụng vụ).
Trong một năm phụng vụ, có các lễ kính Ðức Mẹ như sau:
- 08/12 : Ðức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, lễ trọng.
- 01/01 : Ðức Maria Thánh Mẫu Thiên Chúa, lễ trọng.
- 11/02 : Ðức Mẹ Lộ Ðức, lễ nhớ tự do.
- 25/03 : Ðức Mẹ được Truyền Tin, lễ trọng.
- 31/05 : Ðức Mẹ thăm viếng, lễ kính.
- Thứ Bảy, tuần thứ ba sau lễ Hiện Xuống : Trái Tim Vẹn Sạch Ðức Mẹ, lễ nhớ tự do.
- 16/07 : Ðức Mẹ núi Carmelo, lễ nhớ tự do.
- 05/08 : Cung Hiến Vương Cung Thánh Ðường Ðức Bà Cả ở Rôma, lễ nhớ tự do.
- 15/08 : Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, lễ trọng.
- 22/08 : Ðức Trinh Nữ Maria Nữ Vương, lễ nhớ.
- 08/09 : Sinh Nhật Ðức Mẹ, lễ kính.
- 15/09 : Ðức Mẹ Sầu Bi, lễ nhớ.
- 07/10 : Ðức Mẹ Mân Côi, lễ nhớ.
- 21/11 : Ðức Mẹ Dâng Mình Trong Ðền Thờ, lễ nhớ.
Theo truyền thống, ngày thứ Bảy được dâng kính Ðức Mẹ; khi ngày này không phải là lễ trọng, lễ kính hoặc lễ nhớ bắt buộc thì có thể cử hành lễ nhớ về Ðức Mẹ (xc. Tôn kính).

Ma-Rô-Nít (Nghi Thức)
(= Maronite)
xc. Các Nhóm Phụng Vụ

Màn Che Bàn Thờ
(= Cibonium)
Trong tiếng La tinh, từ cibonium có cùng nguyên ngữ với tiếng bình thánh (ciboire). Trong các vương cung thánh đường cổ, bàn thờ được che phủ bằng một tấm màn đồ sộ. Tại vương cung thánh đường thánh Phêrô ở Rôma và vương cung thánh đường thánh Phaolô ngoại thành, tấm màn che là để tôn kính ngôi mộ của hai vị Tông Ðồ diễm phúc, đặt bên dưới bàn thờ, là nơi người ta gọi là nơi tuyên xưng, tức là nơi tử đạo, nơi các ngài tuyên xưng đức tin.

Màn Che Phía Trước Bàn Thờ
(= Antependium)
Ðây là một tấm màn hay một tấm thảm quí treo trước bàn thờ thường xuyên hoặc vào các dịp lễ. Ðây là một thói quen cổ xưa (ít là từ thế kỷ VII). Ðối với một số bàn thờ tạm thời, khăn che phía trước bàn thờ không chỉ có tính cách trang trí mà còn là yếu tố cần thiết: đó là một tấm vải thô quí giá trải trên một giàn bằng gỗ.

Màu Sắc
(= Couleurs)
Phụng vụ là việc tôn thờ hoàn hảo dâng lên Thiên Chúa của mọi thụ tạo, vì thế, sử dụng màu sắc trong các cuộc lễ là thành phần trọn vẹn của việc phục vụ Thiên Chúa. Việc lựa chọn và thay đổi màu sắc tùy thuộc rất nhiều vào thời đại và địa phương. Ngày nay vẫn như vậy.
Ở Tây Phương, các màu trong phụng vụ là: trắng, đỏ, xanh, tím, đen và hồng, như được kể trong Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (số 308). Qui chế này cũng dành cho các hội đồng giám mục chuẩn y các phong tục địa phương hay thích nghi những Qui Chế Tổng Quát. Ðôi khi, một số địa phương sử dụng màu vàng trong các lễ trọng, và màu xanh cho Ðức Trinh Nữ Maria.
Trong các cuộc cử hành trọng thể, cũng có thể trang hoàng những màu sắc đẹp đẽ, dù nó không phải là màu của ngày hôm đó.

Mặt Nguyệt
(= Lunule / Lunette)
Là một cái gọng hình tròn, có nắp, bằng kim loại vàng hoặc bạc, có hai mặt bằng thủy tinh, trong đó đặt Mình Thánh để trưng bày trong mặt nhật. Mặt nguyệt có Mình Thánh được lưu giữ tại nhà tạm, trong một cái hộp.

Mặt Nhật
(= Ostensoire)
Tiếng La tinh ostensor có nghĩa là người chỉ cho thấy; bởi động từ ostendere (chỉ, trỏ). Mặt nhật dùng đựng mặt nguyệt có Mình Thánh để trưng bày cho tín hữu thờ kính. Mặt nhật gồm có một chân đế và phía bên trên được trang trí bằng vàng hay bạc, ở giữa đựng Mình Thánh. Thường thường, kiểu trang trí này diễn tả các tia sáng mặt trời.

Mầu Nhiệm Và Các Mầu Nhiệm
(= Mystère)
Tiếng Hy Lạp musterion có nghĩa là phương tiện và đối tượng của sự khai tâm. Hạn từ Hy Lạp nguyên thủy chỉ các nghi thức ít nhiều bí mật và nhờ đó người ta được dẫn tới một tôn giáo, và đi vào tương quan với thần linh. Khi các tôn giáo thần bí Ðông Phương dần dần mang dấu vết văn hóa Hy Lạp, thì hạn từ này nhằm diễn tả đối tượng của một nhận thức đòi phải được khai tâm. Ðó là vấn đề tri thức hóa việc khai tâm, chủ yếu là thực hành các nghi thức; nói cách khác, các huyền thoại đã thay chỗ cho các nghi thức.
Ý niệm của Kinh Thánh về "Mầu Nhiệm" dường như độc lập với ý niệm của Hy Lạp mà chúng ta vừa xác định. "Mầu nhiệm" là bí mật trong ý định cứu độ của Thiên Chúa (xc. Ðn 2,18.19.27-30), được cưu mang bởi sự khôn ngoan của Thiên Chúa từ đời đời (Lc 2,1.7; Rm 16,25) diễn ra trong lịch sử cứu độ và thực hiện cách chính yếu trong hy tế của Ðức Kitô. "Mầu nhiệm Vượt Qua" tập trung toàn bộ "mầu nhiệm". Các Tông Ðồ đã lãnh nhận sứ vụ bày tỏ trọn vẹn mầu nhiệm Ðức Kitô; đặc biệt đối với vấn đề này thánh Phaolô đã ý thức đón nhận được một ân sủng riêng, người viết cho tín hữu Êphêsô: "Nếu quả thật anh em đã được nghe biết về kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa ủy thác cho tôi, liên quan đến anh em. Người đã mặc khải để tôi được biết mầu nhiệm Ðức Kitô" (52,2.3 và cả chương; xc. 1,9; Cl 1,26-27).
Tiếp theo ông Philon thành Alexandrie (khoảng năm 13 trước Chúa Giáng Sinh và năm 54 sau Chúa Giáng Sinh), các giáo phụ đã đem quan niệm Hy Lạp về mầu nhiệm - đối tượng tri thức có được do sự khai tâm - đến gần với quan niệm của thánh Phaolô về "Mầu Nhiệm": thánh nhân tỏ bày toàn bộ kế hoạch cứu độ cho các tín hữu, như Kinh Thánh đã mạc khải.
Khoảng cuối thế kỷ thứ IV, các giáo phụ đem thuật ngữ học nguyên thủy về Mầu Nhiệm nơi dân ngoại, áp dụng vào các nghi thức bí tích của Hội Thánh: các tín hữu được tháp nhập vào "mầu nhiệm" nhờ việc cử hành các Mầu Nhiệm. Nên lưu ý rằng tiếng La tinh sacramentum được dịch từ tiếng Hy Lạp musterion. Giáo lý dự tòng cũng góp phần vào việc chấp nhận toàn bộ từ ngữ này và đã được sử dụng rộng rãi trong các sách bí tích và trong toàn bộ ngôn ngữ phụng vụ. Ðiển hình là lời nguyện hiệp lễ của Chúa Nhật 25 thường niên:
"Lạy Chúa, Ngài luôn luôn trợ giúp những kẻ Ngài đã nuôi dưỡng bằng các bí tích của Ngài, để trong các mầu nhiệm này và qua tất cả đời sống của họ, họ có thể thâu lượm được các hoa trái của ơn cứu độ".
Như vậy, các "mầu nhiệm" thuộc bí tích là những tác động của Thiên Chúa và con người đảm nhận lấy toàn bộ cuộc sống chúng ta trong kế hoạch yêu thương đã được Chúa Cha cưu mang từ đời đời, được thực hiện một lần cho mãi mãi trong mầu nhiệm Vượt Qua của Ðức Kitô và diễn ra trong không gian và thời gian nhờ hành động của Chúa Thánh Thần.
Các "mầu nhiệm" phụng vụ luôn luôn cử hành mầu nhiệm Vượt Qua duy nhất và hiện thực hóa mầu nhiệm này bằng nhiều cách thức khác nhau (xc. Hy tế, Bí tích, Phụ tích). Người ta đã tranh luận dài dòng vấn đề thần học về dạng thức hiện diện của mầu nhiệm Vượt Qua trong các "mầu nhiệm", hay là sự "hiện diện mầu nhiệm". Nếu trước hết người ta nhận thấy trong phụng vụ, hành động của Thiên Chúa gồm tóm trong đời sống dân Giáo Ước, thì vấn đề đã sáng tỏ nhiều rồi: người ta không còn tự hỏi các hành vi của con người làm sao lại có thể "chứa đựng" điều linh thánh, vì đó chính là hành động của Thiên Chúa, Ðấng kêu gọi và hoàn tất những tác động của con người được thực hành trong phụng vụ. Thật vậy, chính trong phụng vụ, một cách chính thức và chủ yếu, để cho Chúa Cha và nhờ Thánh Thần hứa ban, Ðức Kitô đã thâu tóm Hội Thánh này để ca ngợi vinh quang Thiên Chúa (xc. 1,9-14) (xc. Lịch sử cứu độ; Giao ước; Phụng vụ).

Mê-Si-a
(= Messie)
(xc. Ki-Tô)

Mình Máu Thánh Chúa (Lễ)
(= Fête - Dieu)
Là lễ trọng mừng kính bí tích Thánh Thể - Mình Máu Chúa Kitô. Lễ này được cử hành vào thứ Năm hay Chúa Nhật tiếp sau lễ trọng mừng Chúa Ba Ngôi.

(= Crécelle)
Theo gốc tiếng La tinh crépitacillum là một loại phách tạo nên một âm thanh khô khan và lặp đi lặp lại (do động từ crépitare: tạo nên một loạt tiếng động khô khan). Trong thực tế, mõ là một dấu hiệu kêu vang, gây ra những tiếng động ngắn ngủi, mõ được sử dụng thay chuông từ thánh lễ chiều thứ Năm Tuần Thánh đến đêm vọng Phục Sinh.

Mô Thức
(= Forme)
Trong ngôn ngữ thần học bí tích, mô thức là một trong hai yếu tố chính làm nên một bí tích: công thức mang lại cho dấu chỉ khả giác một ý nghĩa nhất định. Chẳng hạn, bí tích Thánh Tẩy là việc "dìm xuống nước kèm theo lời đọc" (Ep 5,26), một sự nhận chìm hay rảy nước có thể có nhiều ý nghĩa; công thức Thánh Tẩy cất đi mọi hàm hồ cho nghi thức, nhưng nếu tách rời ra, nó chỉ là một lời không có nền tảng. Mô thức và chất thể đều cần thiết trong các bí tích, công thức và nghi lễ bổ túc cho nhau. Trong bí tích Thánh Thể, mô thức là những lời truyền phép (thánh hiến), chất thể là bánh và rượu; trong bí tích Truyền Chức, mô thức là lời nguyện thánh hiến, chất thể là việc đặt tay. Các bí tích khác cũng theo cách tương tự (xc. Chất thể).

Mở Ra (Nghi Thức)
(= Ephpheta)
Từ araméen có nghĩa là hãy mở ra. Từ ngữ này được lấy từ việc Chúa chữa lành người câm điếc trong Tin Mừng (Mc 7,34) đưa vào nghi thức cử hành bí tích Thánh Tẩy. Sau khi rửa tội một trẻ nhỏ, vị chủ sự chạm vào tai và miệng đứa bé và đọc: "Nguyện xin Chúa Giêsu, Ðấng làm cho kẻ điếc được nghe, kẻ câm được nói, ban cho con sớm có thể đón nghe Lời Người và tuyên xưng đức tin để con ca tụng vinh quang Chúa Cha".
Nghi thức mở ra là một trong những nghi thức cuối cùng trong toàn bộ nghi thức đưa dẫn một người trưởng thành tiến dần tới bí tích Thánh Tẩy. Nghi thức này có thể được thực hiện trong chính ngày được Thánh Tẩy, ngay trước khi rửa tội. Vị chủ sự lấy ngón tay cái chạm vào tai và miệng người dự tòng và nói: "Ephpheta! Hãy mở ra! Hãy dùng miệng mà tuyên xưng đức tin đã lãnh nhận nhờ nghe loan báo".

Mũ Giám Mục
(= Mitre)
Tiếng Hy Lạp Mitra có nghĩa là dây lưng, dải băng, mũ. Theo các lễ nghi Cựu Ước, vị thượng tế và các tư tế mang một dải khăn, phía trước có kết một bông hoa bằng vàng, là dấu chỉ thánh hiến (xc. Xh 39,28.30-31; Lv 8,8). Phong tục Kitô giáo cũng chấp nhận việc các tư tế đội mũ, nhưng chỉ dành riêng cho các giám mục, ngoại trừ ở Ác-mê-ni thì dành cho cả linh mục. Khó mà vẽ lại hình ảnh mũ giám mục thời đầu Kitô giáo bao gồm: dải băng quấn đầu, hay mũ trùm đầu, kèm thêm một khăn mỏng (giống như mũ các chức sắc ở Ðông Phương), một tấm kim khí là dấu hiệu của tư tế, một vòng cuốn quanh đầu có đính một viên ngọc quí, v.v... Từ thời trung cổ, dần dần hình thành kiểu mũ giám mục như hiện nay: Tấm kim khí nặng nề và lạnh lẽo được thay thế bằng một dải khăn vấn đều có trang trí, thắt lại phía đằng sau đầu bằng một sợi dây dài, sau đó sợi dây này trở thành hai dải rủ xuống đằng sau mũ; còn tấm khăn mỏng, lúc đầu rất rộng, về sau thâu bớt lại rồi vén lên trên vòng cuốn, phân ra hai phía; sau cùng, dải khăn vấn đầu nhô lên phía trước và sau, thành nơi chính để trang hoàng, trong khi đó tấm khăn mỏng thu gọn lại chỉ còn đủ che đỉnh đầu.
Loại mũ này dành riêng cho giám mục và viện phụ, thường đi liền với gậy (xc. Phù hiệu giám mục). Một số giám chức, dù không phải là giám mục hay viện phụ, đôi khi cũng được đặc ân đội mũ này.

Mũ Sọ
(= Calotte)
Tiếng La tinh calva có nghĩa là sọ, hộp sọ. Một loại mũ hình tròn đội trên đỉnh đầu. Mũ sọ là dấu chỉ chức vị trong Hội Thánh, cùng màu với áo chức: giám mục đội mũ tím, hồng y đội mũ đỏ, giáo hoàng đội mũ trắng.

Mùa Chay
(= Carême)
Danh từ thu gọn của từ quadragessima (dies): là khoảng thời gian "tứ tuần" hay 40 ngày trước lễ Phục Sinh. Mùa Chay là mùa chuẩn bị cho việc cử hành mầu nhiệm Vượt Qua hằng năm, được ghi dấu bằng việc sám hối và kêu gọi hối cải. Mùa Chay kéo dài 40 ngày: ông Môsê và ông Êlia đã chuẩn bị trong vòng 40 ngày trước khi diện kiến Giavê (Xh 24,18; 1V 11,8); chính Chúa Giêsu đã phải chiến đấu 40 ngày với satan (Mt 4,2). Hội thánh không thực hành việc sám hối trong ngày Chúa nhật, vì là ngày cử hành mầu nhiệm Phục Sinh hằng tuần, kể cả trong Mùa Chay; chính vì thế, để bù lại những Chúa Nhật đó, Hội Thánh khởi đầu việc chay tịnh của Mùa Chay kể từ thứ Tư Lễ Tro, tức là thứ Tư liền trước Chúa Nhật I Mùa Chay.
Thứ Tư Lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh là hai ngày chay tịnh buộc theo giáo luật: các tín hữu trưởng thành và khỏe mạnh đều phải giữ luật ăn chay. Ngoài hai ngày chay buộc nói trên, tùy theo sự thúc đẩy của Thánh Thần, các tín hữu dâng lên Thiên Chúa những sự khổ chế tự nguyện.
Trong Mùa Chay, dùng phẩm phục màu tím, trừ Chúa Nhật Leatare (Chúa Nhật thứ IV Mùa Chay, Chúa Nhật Mừng Vui Lên) (xc. Laetare), có thể dùng phẩm phục màu hồng. Không nên chưng hoa trên bàn thờ hoặc trong nhà thờ và cũng không đệm đàn khi hát. Ðể kêu gọi hoán cải, có thể đề xuất những dấu chỉ khác để bổ túc hoặc thay thế cho những cách thực hành sám hối truyền thống của phụng vụ.

Mùa Phụng Vụ
(= Temps)
Là thời khoảng dài ngắn hơn kém trong năm phụng vụ làm nổi bật tính cách đặc biệt mỗi mùa. Theo thứ tự, ta có thể kể: Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh, Mùa Hiển Linh, vài tuần lễ Mùa Thương Niên, Mùa Chay, Mùa Phục Sinh, và thời gian dài nhất của Mùa Thường Niên (xc. Phần các mùa).

Mùa Vọng
(= Avent)
Tiếng La tinh adventus có nghĩa là đến. Mùa Vọng là mùa phụng vụ để chuẩn bị ráo riết cho việc Chúa đến, bắt đầu từ Chúa Nhật thứ tư trước lễ Giáng Sinh. Mùa Vọng sử dụng phẩm phục màu tím, nổi bật nhờ sự sám hối mang tính cách vui tươi. Thông thường người ta không đệm đàn khi hát phụng vụ và không chưng hoa.
Mùa Vọng cử hành ba lần Chúa đến: Giáng Sinh tại Bêlem trong quá khứ, đang ngự đến tâm hồn bằng ân sủng và sẽ trở lại trong vinh quang vào thời cánh chung. Ngay từ khởi đầu năm phụng vụ, việc đối chiếu với quá khứ, hiện tại, tương lai, vốn thuộc cơ cấu của phụng vụ tại thế, đã được biểu lộ rõ rệt (xc. Tưởng niệm).
Năm phụng vụ này chuyển sang năm phụng vụ khác một cách tự nhiên. Những Chúa Nhật cuối cùng của mùa Thường Niên chuẩn bị cho việc Chúa quang lâm và cuộc chung thẩm, cao điểm là lễ Chúa Kitô Vua. Giai đoạn đầu Mùa Vọng chủ yếu đề cập đến sự xuất hiện sau cùng của Chúa Kitô (tương lai). Kể từ ngày 17/12, bắt đầu tuần lễ chuẩn bị đặc biệt cho lễ Giáng Sinh, chú trọng nhiều hơn đến việc tưởng niệm mầu nhiệm Nhập Thể và Giáng Sinh của Ðấng Cứu Thế (quá khứ), nhờ đó, chúng ta có thể tiếp nhận ân sủng cứu độ dồi dào hơn (hiện tại). Như vậy, phụng vụ hiện thực hóa quá khứ trong hiện tại, nhằm đặt nền cho tương lai: phụng vụ thực hiện điều đó với một nghệ thuật toàn hảo, biểu hiện sự sung mãn mà phụng vụ vốn có.

Mục Tử
(= Pasteur)
Tiếng La tinh pasteur có nghĩa là người chăn cừu. Trong các sách phụng vụ, phần chung các thánh lãnh đạo được dùng cho các thánh giám mục, linh mục, là những vị hướng dẫn tín hữu đến quê trời, qua việc nuôi dưỡng họ bằng bánh Lời Chúa và Mình Chúa.

Muối
(= Sel)
Muối là chất liệu dùng để chế biến và bảo quản thức ăn, muối cũng là thành phần trong các của lễ thuộc phụng vụ Cựu Ước. Sách Lêvi truyền dạy: "Ngươi phải bỏ muối vào mọi lễ phẩm người dâng tiến, ngươi không được để lễ phẩm các ngươi thiếu muối của Giao Ước Thiên Chúa ngươi, ngươi phải dâng muối cùng với mọi lễ tiến của ngươi" (2,13; Xh 16,4; 2V 2,20; Ds 18,19). Muối làm cho việc thiêu các của lễ hiến tế được mau hơn. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu so sánh các môn đệ với muối: vai trò của môn đệ là làm cho thế giới trở nên hợp "khẩu vị" của Thiên Chúa, điều đó giả thiết họ không thể nhạt đi được (Mt 5,13). Trong phụng vụ, muối chỉ được dùng trong nghi thức làm phép nước thánh, nhưng chỉ là tùy ý. Ðể làm phép muối, trước khi bỏ muối vào trong nước, linh mục đọc công thức gợi lại một giai đoạn trong những lần ngôn sứ Êlisêô đã đổ muối vào nước (2V 2,19-22). Muối hòa với nước là biểu tượng sự hiện diện sống động của Thánh Thần khôn ngoan.

Muôn Lạy Chúa (Thánh Ca)
(= Nunc dimittis)
Những từ đầu tiên trong bài ca của cụ Ximêon, được đọc mỗi ngày trong giờ Kinh Tối. Bài ca tạ ơn vắn tắt này, do thánh Luca thuật lại (Lc 2,29-32), là một lối diễn tả đặc biệt để bày tỏ lòng tri ân, sự bình an và niềm hy vọng. "Muôn lạy Chúa, giờ đây...", bài ca đó được long trọng hát lên trong cuộc rước kiệu ngày 2 tháng 3, lễ dâng Chúa Giêsu vào Ðền Thờ.

N

Nào Vui Lên
(= Gaudete)
Ðó là từ La tinh đầu tiên trong bài ca nhập lễ của Chúa Nhật III Mùa Vọng. Chúa Nhật này được coi như một bước tạm dừng giữa Mùa Vọng và như một sự tham dự trước hạn vào niềm vui của lễ Giáng Sinh. Ðể làm nổi bật ý nghĩa của ngày đó, người ta có thể dùng lễ phục màu hồng, chơi đàn đại phong cầm, và có thể trang hoàng bông hoa trong thánh đường. Chúa Nhật IV Mùa Chay cũng mang ý nghĩa trên.

Năm Phụng Vụ
(= Année liturgique)
Là chu kỳ các cử hành phụng vụ hằng năm của Hội Thánh. Phân chia thành các mùa phụng vụ và phần phụng vụ chư thánh. Phần phụng vụ chư thánh bao gồm tất cả lễ các thánh có ghi trong lịch của Hội Thánh toàn cầu, không qui định các lễ riêng của các Hội Thánh địa phương. Nhưng các thánh chỉ phụ thuộc vào công trình trung tâm phụng vụ, tức là diễn tiến trải dài suốt năm của mầu nhiệm cứu độ do Chúa Kitô thực hiện. Phần phụng vụ theo mùa gồm hai chu kỳ Giáng Sinh và Phục Sinh, xen giữa hai chu kỳ này là 34 tuần của mùa Thường Niên.
Chu kỳ Giáng Sinh gồm thời gian chuẩn bị gọi là mùa Vọng; lễ Giáng Sinh và liền sau đó là mùa Giáng Sinh; lễ Hiển Linh và "thời gian" của lễ này kéo dài đến lễ Chúa Chịu Phép Rửa. Lễ Chúa Chịu Phép Rửa luôn được cử hành vào Chúa Nhật và kết thúc chu kỳ Giáng Sinh; kể từ thứ hai liền sau đó, bắt đầu tuần thứ 1 mùa Thường Niên, mùa này tạm gián đoạn từ thứ Tư lễ Tro để bước vào chu kỳ Phục Sinh.
Chu kỳ Phục Sinh gồm thời gian chuẩn bị gọi là Mùa Chay; Tuần Thánh với cao điểm là Tam Nhật Vượt Qua (từ chiều thứ Năm Tuần Thánh đến Chúa Nhật Phục Sinh). Sau đó là mùa Phục Sinh, trong đó có lễ Thăng Thiên, 40 ngày sau lễ Phục Sinh, và 10 ngày sau lễ Thăng Thiên là lễ Hiện Xuống, kết thúc chu kỳ Phục Sinh. Ngay hôm sau lại tiếp tục mùa Thường Niên.
Chúa Nhật liền sau lễ Hiện Xuống là lễ Chúa Ba Ngôi, lễ trọng; thứ Năm hay Chúa Nhật sau lễ Ba ngôi, Hội Thánh cử hành lễ trọng kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu được ấn định vào thứ Sáu tiếp sau Chúa Nhật thứ II, kể từ lễ Ngũ Tuần. Sau cùng, Chúa Nhật 34 mùa Thường Niên và cũng là Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ dành để cử hành lễ Chúa Kitô Vua, lễ trọng.

Nâng Lên
(= Elécation)
Cử chỉ của linh mục khi nâng Bánh và Chén thánh sau khi đọc lời truyền phép: đây chỉ là việc nâng Mình và Máu Thánh lên cho giáo hữu thờ lạy. Cử chỉ khi đọc Per Ipsum cũng được nâng lên. Thực vậy, khi đó linh mục nâng một lần cả đĩa và chén thánh, trong một cử chỉ hiến dâng của lễ, và đọc lời kết thúc lễ Tạ Ơn.
Theo ý nghĩa phụng vụ, cử chỉ nâng lên khi đọc Per Ipsum thì tầm quan trọng hơn cử chỉ nâng lên sau khi Truyền Phép.

Nến (Sáp)
(= Cierge)
Tiếng La tinh cira có nghĩa là sáp. Careus hoặc trong tiếng La tinh bình dân cergium là một ngọn lửa đốt từ một cái bấc được nhúng nhiều lần vào sáp, hoặc trong một chất liệu nào khác có thể đốt cháy được. Ban đầu, các cây nến được sử dụng để soi sáng cho những công việc trần tục, hoặc những hành vi trong nghi thức. Về sau, người ta vẫn giữ lại các ngọn nến ngay cả khi không cần đến ánh sáng - chẳng hạn khi cử hành các nghi lễ vào ban ngày - nhằm mục đích biểu tượng: gợi lại Ánh Sáng là chính Ngôi Lời Nhập Thể (xc. Ga 1,4-9; 8,12; 9,5). Trong thời kỳ người ta ưa thích các bữa ăn tối có đốt nến, vì ánh sáng của các ngọn nến mang lại một bầu khí thân mật ấm áp, thì thật là đáng tiếc nếu các cuộc cử hành phụng vụ không sử dụng tới tính cách biểu tượng của ngọn nến.
Bên cạnh bàn thờ, hay ngay trên bàn thờ, người ta đặt từ hai đến sáu ngọn nến có chân. Người cầm nến cao là những người mang nến sáng, đi đầu trong các cuộc rước và khi đọc bài Tin Mừng. Khi cung hiến nhà thờ, người ta đốt một ngọn nến trước mỗi lần trong 12 lần ghi dấu thánh giá để thánh hiến, sau khi xức dầu thánh. Trong các giờ kinh thần vụ, trong ngày giáp năm cung hiến, nhà thờ đó đốt lại 12 ngọn nến cháy sáng.
Sau các nghi thức Thánh Tẩy, người mới lãnh bí tích nhận một cây nến lấy lửa từ nến Phục Sinh; vị chủ tế nói với người đó: "Hãy nhận lấy ánh sáng của Chúa Kitô". Ðược trở nên "con của ánh sáng", họ phải bước đi trong ánh sáng và phải cầm đèn cháy sáng đón Chúa Kitô trở lại. Khi thanh tẩy một trẻ nhỏ, vị chủ tế tuyên bố với người cha, người đỡ đầu hoặc với một trong các phần tử của gia đình cầm một cây nến đến châm lửa từ nến Phục Sinh: "Ánh sáng này được trao phó cho quí vị, là cha mẹ, những người đỡ đầu, hãy cố gắng giữ lấy nó..." Như vậy, đối với các người chịu Thánh Tẩy, nến là biểu tượng cho chính sự sống của họ trong Ðức Kitô Phục Sinh.

Nến (Chân)
(= Chandelier)
Giá đỡ dùng để cắm các cây nến. Người ta dùng hai chân nến, mỗi chân có sáu ngọn để trên bàn thờ hoặc xung quanh bàn thờ; khi để xung quanh, các chân nến phải cao ít là một mét. Trong ngày giáp năm cung hiến, người ta đặt các chân nến trước các thập giá thánh hiến nhà thờ.
Trong giờ Kinh Ðêm và Kinh Sáng, vào các ngày thứ Sáu và thứ Bảy Tuần Thánh, có thể dùng một chân nến lớn hình tam giác mang ba ngọn nến. Sau mỗi thánh vịnh lại tắt một ngọn: cuối giờ Kinh Sáng, chỉ còn lại một ngọn nến cháy. Ðây là biểu tượng việc Ðức Kitô trở nên trần trụi, sự "hóa ra không" của Người; ngọn nến cuối cùng là dấu chỉ niềm hy vọng ở tận đáy sâu sự hạ mình mà người Tôi Tớ đau khổ cảm nhận được.
Chân nến phục sinh được dùng để cắm nến Phục Sinh, biểu tượng cho Ðức Kitô Phục Sinh; chân nến phục sinh thường có dáng cao, được trang trí và đặt trong cung thánh từ đêm Vọng Phục Sinh cho đến chiều lễ Ngũ Tuần.

Nến (Lễ)
(= Chandeleur)
Ðây là tên gọi bình dân của ngày lễ 2 tháng 2: lễ Dâng Chúa vào Ðền Thờ. Trong lễ này, người ta làm phép nến - từ đó có tên gọi lễ Nến - để gợi lại lời cụ già Ximêon đã nói trong bài Nunc Dimittis:
"Muôn lạy Chúa
giờ đây theo lời Ngài đã hứa,
Xin để tôi tớ này
Ðược an bình ra đi
Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
Chúa đã dành sẵn cho muôn dân
Ðó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Israel dân Ngài (Lc 2,29-32).
Sau khi làm phép là cuộc rước dưới ánh sáng những cây nến, dẫn đưa cộng đoàn đến nhà thờ hoặc kêu gọi cộng đoàn trở lại nhà thờ: cuộc rước này tượng trưng cho cuộc gặp gỡ của các "con cái ánh sáng" (Lc 16,8) với Chúa là "Ánh sáng muôn dân".
Các tín hữu có thói quen mang về nhà những cây nến đã được làm phép. Theo phong tục, người ta sẽ đốt những cây nến đó bên cạnh những người chết để tỏ dấu hy vọng ánh sáng vĩnh cửu.

Nến Cao (Người Cầm)
(= Cénoféraire)
Gốc tiếng Hy Lạp keros: sáp và động từ Phéréin: mang. Thường là hai thầy giúp lễ mang nến cao, họ dẫn đầu đoàn rước, có thầy mang bình hương đi trước hoặc đi sau, tượng trưng cho ánh sáng Ðức Kitô mang đến và được lan tỏa nhờ các cuộc lễ. Các người giúp lễ cũng mang nến cao theo thầy phó tế hoặc linh mục khi đọc Tin Mừng. Tin Mừng là ánh sáng cho lòng trí.

Nến Phục Sinh
(= Cierge pascale)
Nghi thức về nến phục sinh, khai mạc cho đêm canh thức Vượt Qua trọng thể, là do biến chuyển từ nghi thức Do Thái. Nghi thức này gồm phần chính yếu là việc đốt các ngọn đèn vào lúc đêm xuống, khởi đầu ngày sabát; nghi thức này đã trở thành Kinh Lên Ðèn trong Kitô giáo: người ta thực hiện nghi thức này vào giờ Kinh Chiều, khi hát bài Phôs Ilaron ("Hỡi ánh sáng ngàn đời rực rỡ"), một bài thánh thi được tôn trọng trong những thế kỷ đầu.
Khởi đầu đêm thánh nhất trong mọi đêm, đêm canh thức dài nhất của năm phụng vụ, Hội thánh đã cử hành nghi thức "lên đèn": gốc tích nến Phục Sinh và là ca tụng, tức bài công bố Tin Mừng Phục Sinh, đã có ít là từ thế kỷ thứ IV.
Sau khi làm phép lửa mới, vị chủ sự vẽ dọc theo cây nến những biểu tượng như sau: một hình thánh giá, chữ Alpha và Ômêga (xc. Alpha), sau cùng là bốn con số của năm, vừa đọc những công thức có ghi sẵn trong sách lễ. Chủ sự cắm năm hạt hương cháy đỏ vào cây nến, làm nổi bật hình thánh giá đã vẽ, biểu tượng cho năm dấu thương tích vinh quang của Chúa Kitô trong cuộc khổ nạn. Người ta lấy lửa mới châm vào nến Phục Sinh và thầy phó tế cầm nến dẫn đầu đoàn rước tiến vào trong thánh đường còn tối; thầy sẽ dừng lại ba lần để tung hô: "Ánh sáng Chúa Kitô". Sau khi xin vị chủ sự ban phép lành - giống như khi đọc Tin Mừng - và xông hương nến Phục Sinh, thầy phó tế sẽ hát bài công bố Tin Mừng Phục Sinh, đây là một bài thi ca cổ xưa tóm tắt niềm vui Phục Sinh.

Nước
(= Eau)
Nước là một yếu tố gần gũi và cần thiết đối với đời sống con người; nước luôn luôn có nhiều ý nghĩa biểu tượng. Theo các học thuyết cổ xưa nhất về sự khai sáng vũ trụ, thì nước là yếu tố phát sinh vũ trụ, nước không thể phục vụ đời sống nếu không được Hơi Thở (Thần Khí) của Thiên Chúa ban sinh lực (St 1,2). Tự nó, nước sẽ đưa mọi vật đến cái chết và chìm vào trong sự hỗn mang nguyên sơ (hồng thủy và biển). Là một biểu tượng lưỡng diện, nước vừa nói lên sự chết lẫn sự sống, vừa thanh tẩy lẫn thánh hóa.
Trong các lễ nghi tôn giáo, nhiều nghi thức tẩy rửa và rảy nước trước hết mang một ý nghĩ tiêu cực, tức là giải thoát khỏi những lỗi lầm hoặc những nhơ uế làm cho ta không được thanh sạch để cử hành phụng vụ (xc. Ed 36,25): nước trong các nghi lễ là để tẩy trừ khỏi nhơ uế. Là nguyên lý sự sống, nước cũng là biểu tượng sự sinh sản hay tái sinh. Như vậy, nước mang lại sự sống (Ed 47,1-12; xc. Kh 22,1-2).
Các nghi thức phụng vụ chỉ sinh hiệu quả nếu chúng chuyển tải được tác động của chính Thiên Chúa. Phép Rửa bằng nước chỉ đóng vai trò chuẩn bị đối với phép rửa bằng Nước và Thánh Thần (xc. Ga 3,5; 1,33). Một khi đã được chất chứa nguồn sinh lực của Thánh Thần (St 1,2), nước gắn liền với Thánh Thần và trở thành biểu tượng đặc biệt của Thánh Thần. Nước chính thức được thánh hóa khi Ðức Giêsu chịu phép rửa trong sông Giođan, như vậy, nước trở thành "nước trường sinh", là "Ân huệ của Thiên Chúa", tức là Thánh Thần (Ga 4,10). Chỉ có Thánh Thần Ðấng ở trung tâm sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa (Ga 4,14), mới có thể làm trào vọt lên đến sự sống đời đời. "Những dòng nước hằng sống" sẽ chỉ tuôn trào vào lúc Ðức Kitô được "tôn vinh" trên Thập Giá (7,37-39): chính vào giờ của Người, sau khi đã trao phó Thánh Thần, Ðức Giêsu mới làm tuôn trào nước và máu từ trái tim bị đâm thủng của Người, đó là những biểu tượng sống động của các bí tích được quyền năng Chúa Thánh Thần tác động (19,34; xc. Ga 5,6-8).
Ðược dìm vào trong sự chết và sự sống của Ðức Kitô nhờ bí tích Thánh Tẩy, con cái Thiên Chúa lãnh nhận những bảo chứng của Thánh Thần làm cho họ được no thỏa (1Cr 12,13) trong khi chờ đợi đến ngày được dìm vào trong dòng nước trường sinh là chính Thiên Chúa (Kh 22,1).
Ðể có một cái nhìn cô đọng về ý nghĩa biểu tượng nước, ta có thể suy niệm về các công thức làm phép nước rửa tội, nước thánh (đêm canh thức Phục Sinh) trong sách lễ Rôma. Ta có thể ghi nhận rằng nước xét nguyên nó, không phải là bí tích: phép Thánh Tẩy hệ tại việc "dìm vào trong nước kèm theo lời đọc" (Ep 5,26).
Nước thánh là một phụ tích: trong bí tích Thánh Tẩy, người ta rảy hoặc đổ nước; khi được rảy nước thánh trong đêm canh thức vọng Phục Sinh, sau phần lập lại lời hứa rửa tội, hay trong thánh lễ Chúa Nhật, các tín hữu nhớ bí tích Thánh Tẩy mình đã lãnh nhận. Cũng vậy, khi sử dụng nước thánh, các tín hữu làm sống lại nơi mình những hiệu quả của bí tích Thánh Tẩy, cho tương xứng với đức tin của mình.
Việc rảy nước thánh trên thi hài của một tín hữu còn là một sự nhắc nhở bí tích Thánh Tẩy người đó đã lãnh nhận. Linh mục sử dụng nước thánh trong nhiều nghi thức làm phép: nước thánh thanh tẩy và mang lại sức sống cho những vật được làm phép. Trong Thánh Lễ, việc linh mục pha nước vào rượu khi chuẩn bị lễ vật, phù hợp với phong tục rót rượu của người Do Thái xưa trong những bữa tiệc mà chính trong khung cảnh này, Ðức Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể. Hành vi này có nhiều ý nghĩa biểu tượng: nhắc nhở việc kết hiệp giữa hai bản tính Thiên Chúa và nhân loại trong Ngôi Lời Nhập Thể; nhắc nhở nước và máu chảy ra từ cạnh sườn Chúa Kitô khi Người chịu chết trên thập giá; sau cùng, việc đó diễn tả việc các tín hữu liên kết với hy lễ và sự sống của Ðức Kitô, Ðấng cứu độ.

Nước Thánh (Bình)
(= Bénitier)
Là bình đựng nước đã làm phép. Có loại cố định, gắn ở cửa nhà thờ để tín hữu dùng, cũng có loại khác nhỏ hơn và xách tay được: loại này có quai xách và một cây rảy nước, dùng trong các nghi thức rảy nước thánh do phụng vụ qui định.

Nước Thánh (Cây Rảy)
(= Goupillon)
Cây rảy nước thánh là một cán nhỏ bằng kim loại, một đầu phình ra giống như một cái cầu nhỏ, rỗng và có đục nhiều lỗ, dùng để rảy nước thánh. Loại cây rảy này đi cùng một bộ với bình nước thánh xách tay, và được cắm trong bình.

Nước Thánh (Rảy)
Trong tiếng La tinh aspersio gốc bởi động từ adspagere: đổ tràn trên, chảy về phía; như vậy, từ này có nghĩa là việc đổ một chất lỏng hoặc rắc tro bụi trên một người hay một vật. Trong phụng vụ, từ này thường chỉ việc rảy nước trên một người hay trên vật để thanh tẩy.
Việc rảy nước chủ yếu trong phép Thánh Tẩy: chủ sự dội nước ba lần trên đầu người được rửa tội; đó là cách thức rửa tội thông thường, còn gọi là "đổ nước", mặc dù việc rửa tội bằng cách dìm xuống vốn cổ xưa và mang nhiều ý nghĩa hơn. Cử chỉ này vừa hàm ý thụ nhân đã được tẩy rửa, vừa mang ý nghĩa tiếp nhận một nguyên lý sống, nguồn sống của Thiên Chúa. Bất kỳ việc rảy nước nào cũng mang hai công hiệu: tích cực và tiêu cực.
Trong đêm Vọng Phục Sinh, sau khi cộng đoàn tuyên xưng lại lời hứa Thánh Tẩy, chủ tế long trọng rảy nước thánh trên cộng đoàn, "để nhớ lại Phép Rửa". Nghi thức này cũng được cử hành vào mỗi Chúa Nhật, lúc bắt đầu thánh lễ.
Khi chấm nước thánh để làm dấu Thánh Giá, người tín hữu cầu xin Chúa giải thoát mình khỏi sự dữ và đổ đầy ân sủng của Người xuống. Các nghi thức rảy nước trong việc cử hành các phụ tích cũng mang cùng một ý nghĩa đó: nghi thức này nhằm tẩy sạch tình trạng lây nhiễm sự dữ ra khỏi vật được rảy nước thánh, đồng thời làm cho những vật ấy trở nên thích hợp với công việc thánh.
Ðôi khi việc rảy nước đi kèm với việc xông hương: sau khi được thanh tẩy và thấm nhuần ân sủng, các vật ấy có thể được tôn kính như là có liên hệ với Thiên Chúa. Trong các đan viện, nghi thức rảy nước thánh cuối giờ Kinh Tối vừa là một cử chỉ thanh tẩy sau một ngày làm việc, vừa có ý diễn tả sự chở che, gìn giữ lúc đêm về (xc. Tẩy rửa; Ðổ nước; Phép Rửa vắn tắt).

Ng

Ngai
(= Cathèdre / Trône)
Gốc tiếng Hy Lạp kathèdra: tòa, ghế. Trong ngôn ngữ phụng vụ, từ này chỉ ngai của giám mục, tức là chiếc ghế giám mục ngồi để chủ tọa một cuộc cử hành phụng vụ. Trong các nhà thờ cổ, ngai được đặt ở giữa tòa nhà, phía trong cùng của hậu cung nhà thờ.
Ngai đức giám mục là biểu tượng quyền giáo huấn. Thông thường, chính từ ngai của mình mà đức giám mục ngỏ lời với dân chúng. Ðức Kitô cũng như các kinh sư Do Thái, có thói quen ngồi giảng dạy (xc. Mt 55,12; 13,1.2). Chẳng phải là trong tư thế "ngồi bên hữu Chúa Cha" mà Ðức Giêsu chủ tọa phụng vụ vĩnh cửu diễn ra trước nhan Người dó sao? (Tv 109,1; Mt 26,64; Cv 2,34; 7,55-56; Kh 4,3tt; 5,6tt; 22,1).
Ngai chính thức của đức giám mục được đặt trong nhà thờ chính tòa, nhưng mỗi nhà thờ trong địa phận đều thường xuyên dành sẵn một ngai cho giám mục, điều này nhắc ta nhớ rằng không thể có một cuộc cử hành phụng vụ nào, không có một lời giáo huấn nào mà không hiệp thông với vị giám mục, mà linh mục là các cộng sự viên của người: "Chỉ được coi là chính đáng bí tích Thánh Thể nào được cử hành dưới sự chủ tọa của đức giám mục hay của vị được người ủy thác trách nhiệm. Ở đâu có giám mục, ở đấy có cộng đoàn, cũng như ở đâu có Chúa Giêsu Kitô, ở đấy có Hội Thánh Công Giáo" (thánh Inhaxiô thành Antiôkia, thư gửi người Miếc-na 8,1-2).

Ngày Trong Tuần
(= Férie)
Tiếng La tinh feriae có nghĩa là những ngày dành để nghỉ ngơi và mừng lễ. Trong ngôn ngữ phụng vụ của Hội Thánh, người ta gọi feriae là ngày trong tuần: Chúa Nhật là ngày thứ nhất, thứ Hai là ngày thứ hai, và cứ như vậy cho tới ngày thứ Sáu; thứ Bảy gọi là ngày sabát". Cách gọi tên như thế hàm ý mỗi ngày phụng vụ đều là ngày lễ: như vậy, phải chăng chúng lại không là khung cho chu kỳ thường nhật đó sao?
Mặt khác, người ta còn gọi ngày trong tuần là ngày không có lễ trọng, lễ kính hay lễ nhớ buộc.

Nghệ Thuật
(= Art)
Tiếng La tinh ars có nghĩa là sự khéo léo, tài nghệ, sự thành thạo. Nguyên thủy, nghệ thuật là một tài khéo thuộc phạm vi thực hành; đó là đặc điểm của người thợ giỏi, làm việc có phương pháp và chính xác nhằm đạt được một tác phẩm hoàn mỹ. Sự mô tả này phù hợp với người thợ thủ công, còn người nghệ sĩ nhắm đến sự hoàn thiện, hay một vẻ thẩm mỹ trong lãnh vực mỹ thuật: kiến trúc, hội họa, chạm trổ, điêu khắc, âm nhạc. Với cả hai ý nghĩa trên, nghệ thuật chiếm một vị trí trong phụng vụ, là hành động dâng lên Thiên Chúa phần tinh hoa nhất của con người và tài năng của họ. Phần cuối của Phụng Vụ là hai chương bàn về thánh nhạc và nghệ thuật thánh (chương 6-7). Hơn bất cứ một công việc nào khác, công trình của Thiên Chúa đòi hỏi những ai có khả năng hoàn thiện phải làm hết sức mình.

Nghi Lễ

(= Cérémonie)
Tiếng La tinh caeremonia hay caerimonia có nghĩa là nghi thức thánh, sự biểu lộ có tính cách thờ phượng. Từ ngữ này bắt nguồn từ tiếng Phạn Kar (làm) với tiếp vĩ ngữ môn: có nghĩa là một việc đã hoàn thành tức là một việc linh thánh. Ðàng khác, về mặt từ nguyên, các tác giả La tinh còn cho biết xưa có thành Caere thuộc xứ Etrurie, là nơi người Rôma cất giữ các vật thánh thuộc các đền thờ của họ, khi thành Rôma thất thủ vào tay người Gaulois. Người ta còn cho rằng thành ngữ cereris munia như là nguyên gốc, có nghĩa là những vật dâng cúng cho nữ thần Cérès (thần nông nghiệp), vì những bó lúa được dâng cúng cho vị thần này chính là những vật dâng cúng theo một nghi lễ rất long trọng.
Trong ngôn ngữ phụng vụ thông thường, từ ngữ nghi lễ biểu thị một cử hành có tính cách trang trọng đặc biệt. Những từ ngữ cử hành, nghi lễ nhấn mạnh đến khía cạnh bên ngoài của các chức năng trong việc phượng tự, nổi bật tính cách trang trọng oai nghiêm. Nếu chỉ chú ý hoặc quá đề cao khía cạnh này tức là không hiểu đúng bản chất đích thực của phụng vụ, ngược lại, khi thi hành việc linh thánh mà loại bỏ khía cạnh tôn nghiêm và trang trọng tức là làm biến dạng những tác động đưa con người vào hiệp thông với Thiên Chúa, và khiến những tác động đó trở thành tầm thường, trái ngược với những gì là linh thánh.

Nghi Lễ (Sách)
(= Cérémonial)
Sách chỉ dẫn hay sách ghi các tập tục qui định các nghi thức phụng vụ. Chữ đỏ trong sách lễ và các sách nghi thức khác chỉ dẫn cách thức cử hành chung cho toàn thể Hội Thánh, nên dĩ nhiên các qui luật ấy rất tổng quát. Bởi vậy, các hội đồng giám mục hay các tu hội và các cộng đoàn địa phương đối với cộng đoàn riêng của mình, cần phải xác định những qui định thực hành cần thiết, để các cuộc cử hành được có trật tự và xứng đáng. Sách nghi thức có thể được viết thành bản văn, hoặc được truyền tụng và được ghi nhớ qua chính việc cử hành các nghi lễ phụng vụ.

Nghi Thức
(= Rit / Rite)
Tiếng Phạn Riti có nghĩa là cử điệu, sự sắp xếp, cách sử dụng. Từ ngữ đó phát xuất bởi động từ ri, có nghĩa là đi. Tiếng Việt gọi là nghi thức. Theo quan niệm thông thường, nghi thức là một hành vi có tính cách văn hóa, hơn kém đã được cố định, cũng là một hành vi có tính cách tôn giáo, hơn kém đã thành thói quen. ban đầu, từ ngữ này có nghĩa là "những thói quen đã được chấp nhận để duy trì trật tự thế giới" (xc. Tôn giáo). Nghi thức không phải là một hành vi máy móc, nhưng là một hành vi nhân linh có tính cách cộng đoàn, mang dấu ấn thần linh, vì thế gọi là "chấp nhận" để diễn tả tác động của thần linh. Trong hầu hết các tôn giáo, việc thực hành một nghi thức chính là hành động như Thiên Chúa và với Thiên Chúa. Vì được sống trong nghi thức trước khi được thể hiện thành suy tư trong huyền thoại (xc. Huyền thoại) đời sống tôn giáo thiết yếu là sự tháp nhập của cộng đồng nhân loại vào trong tác động của thần linh. Như vậy, chiều kích thần linh của phụng tự phải được xếp hàng đầu. Trong phụng vụ, toàn thể vũ trụ được liên kết trong cùng một hành động - ít là một cách tượng trưng - và qui hướng về tác động của thần linh. Thiên Chúa tự trao ban và con người trong mọi chiều kích - cá nhân, cộng đoàn, ngoại giới, nội tại, vũ trụ - tự hiến cho Thiên Chúa và ký thác mình cho hành động cứu độ của Thiên Chúa.
Trong Kitô giáo, các nghi thức cốt yếu (như Hy Lễ Tạ Ơn, các Bí Tích) chính là những hành động của Thiên Chúa mà Hội Thánh được sát nhập vào. Vượt lên trên các nghi thức cốt yếu đó, toàn bộ phụng vụ là một hành vi chung của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh, cũng như của Hội Thánh là dân của Giao Ước (xc. Phụng Vụ, Hy Lễ, Cộng Tác). Người ta cũng gọi nghi thức là toàn bộ những nét đặc trưng của riêng một nền phụng vụ nào đó, chẳng hạn nghi thức bizantin, nghi thức cope hay nghi thức malabar (xc. Phung vụ).

Nghi Thức (Sách)
(= Rituel)
Tiếng La tinh rituales libri có nghĩa là sách nghi thức. Sách nghi thức là một cuốn sách phụng vụ ghi chép các nghi thức cử hành phụng vụ. Từ Công Ðồng Vaticanô II, phần lớn các bí tích và các phụ tích quan trọng đều đã có sách nghi thức canh tân. Sách nghi thức Rôma, tuyển tập hầu hết các nghi thức mà linh mục cần dùng khi cử hành phụng vụ, cũng đã được xuất bản. Sách Nghi Thức Giám Mục cũng đã có những nghi thức mới.

Nghi Thức Thánh Lễ (Sách)
(= Ordo missae)
Từ ngữ La tinh có nghĩa là trật tự thánh lễ. Sách Nghi Thức Thánh Lễ chỉ dẫn cách thức dâng lễ được công bố bằng một tài liệu chính của Tòa Thánh. Sách này xác định cách thức thích hợp để đem lại cho mỗi nghi thức một vị trí đích thực. Sách nghi thức thánh lễ hiện hành trong Hội Thánh La tinh được Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI công bố tháng Tư năm 1969. Lịch sử thánh lễ cho thấy có nhiều sách nghi thức thánh lễ qua các thời đại; hiện nay, nếu kể cả những cách thức cử hành thánh lễ, chẳng hạn trong các nghi lễ Ðông Phương, thì những sách ấy còn nhiều nữa (xc. Phụng vụ; Thánh lễ; Phần thường lễ; Ðức Thánh Cha).

Nghĩa Trang
(= Cimetière)
Tiếng Hy Lạp koimeterion là nơi người ta ngủ, do động từ koiman ở dạng trung gian và thể thụ động, có nghĩa là nghỉ ngơi, ngủ. Nghĩa trang là nơi người quá cố an nghỉ. Nghi thức an táng tại nghĩa trang có các lời nguyện riêng.

Ngồi
(= Assis)
Ngồi và đứng là những tư thế chính của người tín hữu trong khi cử hành phụng vụ. Ngồi là tư thế để lắng nghe, tiếp thu và chiêm niệm, tư thế mà cô Maria, em cô Mátta và ông Ladarô, đã ưa thích, để lãnh nhận trọn vẹn giáo huấn của Chúa Giêsu: "Cô Mátta có người em tên là Maria, cô này ngồi dưới chân Chúa để nghe Lời Người" (Lc 10,39).
Trong thánh lễ, người ta ngồi để nghe các bài đọc, để hát thánh vịnh hay một bài hát suy niệm xen giữa các bài đọc; khi đọc Tin Mừng thì cộng đoàn đứng; còn khi nghe giảng cũng như khi chuẩn bị lễ phẩm thì ngồi. Sau phần hiệp lễ, người ta có thói quen ngồi giây lát trong tình thân mật thầm lặng với Ðấng mà ta vừa đón nhận.
Những nguyên tắc này cũng được áp dụng cho các cuộc cử hành khác.

Ngôn Ngữ
(= Langue)
Tiếng La tinh lingua có nghĩa là lời nói, ngôn ngữ, tiếng địa phương, tiếng bản quốc. Ðây là những chỉ dẫn của Công Ðồng Vaticanô II liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ trong phụng vụ.
1. Việc dùng tiếng La tinh, trừ luật riêng, phải được duy trì trong các nghi lễ la tinh.
2. Tuy nhiên, có thể sinh lợi rất nhiều cho dân chúng nếu dùng tiếng bản quốc hoặc trong thánh lễ, hoặc trong việc cử hành các bí tích, hay trong những phần khác của phụng vụ, cho nên tiếng bản quốc dễ được chấp thuận, được sử dụng nhiều hơn, nhất là trong các bài đọc và các bài giáo huấn, một số lời nguyện và bài hát (PV số 36) (xc. La tinh).
Các bản dịch đã được hội đồng giám mục quyết định và thực hiện phải được Rôma phê chuẩn.

Ngũ Tuần (Lễ)
(= Pentecôte)
Tiếng Hy Lạp pentecoste (hêmêra) nghĩa là ngày thứ 50.trong Cựu Ước, lễ Mùa Gặt (Xh 23,16; 34,22) hoặc lễ các Tuần (Lv 23,15-22) là lễ tiến dâng những sản phẩm đầu tiên của mùa gặt, cử hành vào tuần thứ bảy sau lễ Vượt Qua. Do đó, gọi là ngày thứ 50 sau lễ hội Mùa Xuân (xc. Tb 2,1). Con số 50, con số kết thúc tuần lễ cao điểm trong bảy tuần, gợi lên sự sung mãn hay sự tốt lành, tương tự như trong thể chế năm toàn xá của Israel. Cứ bảy tuần năm thì có một năm Toàn Xá (năm thứ 50) (xc. Xh 21,2; 23,10tt; Lv 15,3tt), con số đó cũng gợi lên sự đổi mới hoàn toàn. Dân Israel ra khỏi Ai Cập - cuộc Vượt Qua - chỉ là để hướng về Giao Ước Xinai. Và vì thế, lễ ngũ tuần đã trở thành lễ kỷ niệm của "Ngày Ðại Hội" (Ðnl 9,10; 10,4; 18,16), diễn ra khoảng 50 ngày sau khi ra khỏi Ai Cập (xc. Xh 19,1): "Tháng thứ ba"). Dù đã được sinh ra trong cuộc Vượt Qua, Dân - Hiền Thê chỉ đạt tới ý nghĩa trọn vẹn của mình và sự giải phóng hoàn toàn khi kết hiệp với Chúa Chúa, trong Giao Ước.
Trong Tân Ước, Ðức Giêsu thanh tẩy và cứu chuộc Hội Thánh của Người nhờ hiến tế trên núi Canvê; ở đó, Người đã trao ban trọn vẹn Thánh Thần của Người cho Hội Thánh (Ga 19,30); vào ngày Phục Sinh, Ðức Giêsu thông ban Thánh Thần cho các Tông Ðồ, để các ông tiếp nối sứ vụ của chính Người (Ga 20,22-23). Nhưng chỉ 50 ngày sau cái chết của Ðức Giêsu - Ngày lễ Ngũ Tuần (Cv 2) - Thánh Thần mới đến canh tân toàn thể Hội Thánh khi tẩy rửa Hội Thánh trong "Dòng sông có nước trường sinh" (Kh 22,1) là chính Người. Mầu nhiệm vượt qua chỉ đạt được chiều kích trọn vẹn trong sự viên mãn của lễ Ngũ Tuần, là ngày Hội Thánh nhận được những hoa trái đầu tiên làm bảo chứng do phần gia nghiệp (Ep 1,13-14) là thực thi chức năng tư tế của mình khi ca tụng "những kỳ công của Thiên Chúa" (Cv 2,11), nhờ ơn Thánh Thần tác động.
Lễ Ngũ Tuần là lễ trọng, kết thúc mùa Phục Sinh, chiều hôm đó người ta tắt nến phục sinh. Trước đây còn có Tuần Bát Nhật của Lễ Ngũ Tuần, nhưng nay được bãi bỏ để ngày thứ 50 đóng trọn vai trò hoàn tất của mình. Thay vào đó thời gian 10 ngày giữa lễ thăng thiên và lễ Ngũ Tuần được cử hành như một sự chuẩn bị long trọng để đón Chúa Thánh Thần đến, trong chuyên chăm cầu nguyện với Ðức Maria, Thân Mẫu Chúa Giêsu (Cv 1,14). (xc. Chúa Thánh Thần).

Nguyện Ðường
(= Chapelle)
Tiếng La tinh capella có nghĩa là áo choàng nhỏ. Nguyên thủy, từ này chỉ nơi lưu giữ áo choàng của thánh Martin. Sau đó được dùng để chỉ bất kỳ ngôi nhà nào dành cho việc phượng tự: các nguyện đường đứng độc lập như một thánh đường nhỏ, hay là một công trình phụ thuộc của một ngôi thánh đường trong kiến trúc tổng thể, bởi đó người ta cũng dùng từ này để gọi các nơi đặt bàn thờ ở hậu đường, hay nhà chầu Thánh Thể.
Trong nghi lễ đại trào, từ này chỉ đoàn giúp lễ, nghĩa là những người hầu cận gần nhất quanh vị chủ tế: phó tế hoặc thầy giúp lễ, chưởng nghi, những người cầm gậy, mũ, sách.

Nh

Nhà Tạm
(= Tabernacle)
Trong tiếng La tinh, tabernaculum nghĩa là lều. Chúng ta biết rằng sau khi ký kết giao ước Sinai, Lều Hội Ngộ hay Trướng Tao Phùng (kiểu nói thường thấy trong sách Xuất Hành, Lêvi và Dân Số) là nơi linh thánh mà Giavê và Dân Người gặp nhau qua trung gian là ông Môsê. Trong Tân Ước, Lều đích thực, không do tay người phàm làm ra (xc. Dt 9,11.24), là nhân tính mà Con Thiên Chúa đã mặc lấy; bản văn Ga 1,14 bằng tiếng Hy lạp đã chẳng viết: "Và Ngôi Lời đã làm người, và cắm lều ở giữa chúng ta" đó sao?
Trong các nhà thờ, nhà tạm là một cái hộp được trang trí, hoặc những tủ nhỏ có khóa, dùng để lưu giữ Mình Thánh Chúa. Ðó là nơi "cắm lều" của Chúa Kitô Thánh Thể giữa chúng ta; khăn phủ nhà tạm hay áo nhà tạm cũng làm nổi bật ý nghĩa của cái lều.
Trong các nhà thờ tương đối rộng, không nên đặt nhà tạm ở giữa cung thánh, nhưng đặt trong một nhà nguyện riêng để tôn kính Chúa hiện diện trong Thánh Thể. Ðối với các nhà thờ nhỏ, nhà tạm có thể được đặt trên bàn thờ hoặc gắn vào tường. Phải có một ngọn đèn chầu để nói lên sự hiện diện của Chúa. Các tín hữu được mời gọi đến viếng Thánh Thể, để cảm nhận được niềm hân hoan của ông Môsê trong "Lều Hội Ngộ", nơi đây "Ðức Giavê đã trò chuyện với ông Môsê diện đối diện, như bạn với bạn" (Xh 33,11).

Nhà Thờ Chánh Tòa
(= Cathédrale)
Cathédrale là tính từ dùng như danh từ để chỉ nhà thờ chánh tòa. Nhà thờ chánh tòa là nhà thờ có đặt ngai của đức giám mục, nghĩa là ngai tòa để thực hiện quyền bính và quyền giáo huấn của giám mục, và tượng trưng quyền chủ tọa của giám mục trong các cử hành phụng vụ. Nhà thờ chánh tòa thường tọa lạc ở khu vực tỉnh lỵ.

Nhẫn
(= Anneau)
Từ rất xa xưa đã có tục lệ đeo nhẫn để tượng trưng một giao kết tự nguyện. Phụng vụ Kitô giáo đã thánh hóa tục lệ này trong nhiều trường hợp. Có lẽ ý nghĩa nền tảng của việc đeo nhẫn là sự trung tín đối với mối dây hiệp nhất hôn nhân: những "chiếc nhẫn cưới" là biểu tượng của giao ước hôn nhân; trong bí tích hôn phối, giao ước này đạt đến ý nghĩa trọn vẹn trong tương quan với mầu nhiệm giao ước giữa Thiên Chúa và Dân Người trong Ðức Kitô. Linh mục làm phép nhẫn cưới theo công thức sau đây: "Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, chính Ngài đã giao ước với chúng con qua Ðức Giêsu Kitô, giờ đây xin Chúa chúc phúc cho những chiếc nhẫn này và ban cho những ai đeo nhẫn này luôn giữ được lòng trung tín toàn vẹn".
Trong nghi lễ tấn phong giám mục, vị tân giám mục nhận một chiếc nhẫn tượng trưng cho dây ràng buộc mà Người ký kết với Hội Thánh; đối với Hội Thánh, vị giám mục là dấu chỉ sung mãn và có tính bí tích nói lên sự hiện diện của Ðức Kitô, hôn phu của Hội Thánh. Khi đeo nhẫn cho tân giám mục, vị chủ phong đọc: "Hiền huynh hãy lãnh nhận chiếc nhẫn, ấn tín đức tin. Với đức tin nguyên tuyền làm trang sức, hiền huynh hãy giữ Hiền Thê của Chúa, là Hội Thánh, được vẹn toàn". Ý nghĩa tượng trưng đó cũng được áp dụng cho các đan viện phụ, là những vị, theo luật thánh Biển Ðức, "giữ địa vị của Ðức Kitô trong đan viện của các ngài" (chương 2).
Theo lời thánh Âu Tinh, các trinh nữ được thánh hiến không phải không có hôn lễ; trái lại, họ được đưa vào trung tâm của mầu nhiệm giao ước. Bởi vậy, khi thánh hiến các trinh nữ, đức giám mục trao nhẫn cho họ và nói: "Con hãy lãnh nhận chiếc nhẫn của hôn lễ thánh với Chúa Kitô; và hãy giữ lòng trung tín với vị Hôn Phu của con, để xứng đáng được đón vào dự tiệc cưới hoan lạc vĩnh cửu".

Nhập Lễ
(= Introit)
Trong tiếng La tinh, introitus nghĩa là việc tiến vào. Nhập lễ trước hết gợi lên một cuộc rước tiến vào thánh lễ. Trong hệ từ vựng của bình ca Ghê-gô-ri-ô, từ này dùng để chỉ một bài hát ngắn dùng trong cuộc rước đó. Bài hát này chủ yếu gồm một điệp ca, và một câu thánh vịnh; khi hát câu thánh vịnh, người ta lập lại điệp ca. Ðôi khi có nhiều câu thánh vịnh, và dù trong trường hợp nào, vẫn luôn luôn có thể thêm Vinh Tụng Ca (Gloria Patri).

Như Trẻ Sơ Sinh (Bài Ca)
(= Quasimodo)
Từ la tinh bắt đầu bài ca nhập lễ Chúa Nhật II Phục Sinh: Quasimodo getini infantes..., nghĩa là Như trẻ sơ sinh... Trong ngày Chúa Nhật kết thúc tuần bát nhật Phục Sinh, những người mới lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy trong đêm Vọng Phục Sinh không còn mặc những áo dài trắng mà họ đã mặc suốt tuần trước đó. Vì vậy, Chúa Nhật này được gọi là Chúa Nhật đã bỏ áo trắng (in albis: hiểu ngầm depositis: Chúa nhật bỏ áo trắng). Các người tân tòng này đã tham dự nghi thức cởi bỏ áo trắng từ chiều hôm trước, tức thứ Bảy in albis (hiểu ngầm deponendis: thứ bảy cởi bỏ áo trắng) (xc. Áo trắng dài).

O

Ô-Mê-Ga
(= Oméga)
Tiếng Hy Lạp Ômêga. Ðây là mẫu tự thứ 24 và cũng là mẫu tự cuối cùng trong bản mẫu tự Hy Lạp. Chữ Ô này là Ô âm dài và mở, phân biệt với ô nhỏ (omicron), mẫu tự thứ 15 trong bản mẫu tự. Về ý nghĩa của chữ này trong phụng vụ, xem Alpha.

Ơn Ban
(= Don)
Trong tiếng La tinh donum có nghĩa là quà tặng, việc thiện. Những quà tặng hay lễ vật chúng ta dâng lên Thiên Chúa chỉ là cách bày tỏ lòng biết ơn vì Người đã tự hiến mình và ban Giao Ước cho chúng ta. Chúa Thánh Thần, nguồn Tình Yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, được gọi là ơn ban (xc. 2,38; 8,20; 10,45; 11,17 và Lc 11,9-13), vì tình yêu luôn là ơn ban đầu tiên trong các ơn ban. Mọi ơn ban là biểu lộ của tình yêu, nguồn mạch phát sinh chúng. Chúa Cha và Chúa Con chuyển thông Chúa Thánh Thần cho nhau, và Thánh Thần chính là giây liên kết sâu giữa hai Ngôi đó, Chúa Cha và Chúa Con lai ban Thánh Thần cho chúng ta. Chúa Thánh Thần là Ðấng ta lãnh nhận qua các bí tích và là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta (Ep 1,14). Thánh Thi Lạy Thánh Thần Sáng Tạo, xin hãy đến của Kinh Chiều lễ Ngũ Tuần, ca tụng Thánh Thần như Ơn Ban của Thiên Chúa tối cao (Donum Dei Altissimi). trong cuộc trao đổi kỳ diệu, tức là phụng vụ, Chúa Thánh Thần chính là Ðấng chúng ta đón nhận và dâng tiến (xc. Chúa Thánh Thần, Bí Tích).

P

Pháp Thuật
(= Magie)
Trong tiếng Hy Lạp magueia có nghĩa là tôn giáo của các thầy phù thủy. Pháp thuật là một hình thức tế tự đã biến chất. Sở dĩ ta nói được như vậy là vì pháp thuật đã không đón nhận từ Thiên Chúa hồng ân Giao Ước, lại còn ra sức để tranh thủ, để đoạt các ân huệ hay các đặc quyền của Người. Pháp thuật tự hào là mình tạo ra được các ân thiêng, bằng cách thiết lập tương quan sống động và thân thiết với Thiên Chúa. Các nghi thức phụng vụ phải thường xuyên được nuôi dưỡng trong đức tin hầu khỏi bị lây nhiễm óc bùa chú hoặc thuần túy có tính cách máy móc.

Phát Hiện
(= Invention)
Trong tiếng La tinh, inventio có nghĩa là việc tìm ra, khám phá ra. Trong một số niên lịch, người ta mừng lễ Phát Hiện, tức là việc tìm thấy di hài hoặc di tích của một vị thánh. Xưa vào ngày 3 tháng 5, người ta mừng lễ tìm thấy Thánh Giá, kỷ niệm việc thánh nữ Hélene, thân mẫu vua Constantin, đã tìm ra Thánh Giá của Ðức Kitô chịu chết trên núi Canvê.

Phẩm Phục / Trang Phục
(= Ornement / Vêtement)
1. Trong tiếng La tinh, ornamentum có nghĩa là sự trang hoàng, do động từ ornare: trang hoàng, trang sức. Những đồ trang hoàng trong phụng vụ tức là phẩm phục các vị hành lễ mặc khi cử hành nghi lễ: dây các phép và áo phó tế dành cho thầy phó tế; dây các phép và áo lễ - hoặc áo choàng - dành cho linh mục; còn giám mục thì thêm mũ giám mục, nếu là tổng giám mục thì thêm phù hiệu Tổng Giám Mục (dây Pallium).
2. Trong tiếng La tinh vestimentum có nghĩa là cái đang mặc (vestire). Trang phục chính trong phụng vụ là khăn vai, áo trắng dài, dây các phép, áo lễ hoặc áo phó tế, áo choàng.

Phẩm Trật
(= Hiérarchie)
Trong tiếng Hy Lạp héros có nghĩa là thánh, thiêng và archè có nghĩa là khởi đầu, nguyên ủy, ông hoàng. Phẩm trật là cái khởi phát hoặc có căn nguyên từ lãnh vực thiêng thánh. Phẩm trật chỉ những người, khi thi hành các chức năng phụng vụ, là những trung gian của thế giới thiêng thánh. Phẩm trật trong Hội Thánh gồm có các giám mục, linh mục và phó tế, những người phân phát các mầu nhiệm: các vị này lãnh nhận thừa tác vụ thánh trong bí tích truyền chức. Trái với cách hiểu thông thường, theo đó thì từ ngữ "phẩm trật" gợi lên thứ bậc trên dưới, cần nhấn mạnh điều này, mọi chức thánh trong phẩm trật Hội Thánh là "một công việc phục vụ" trổi vượt, nối dài việc phục vụ của Ðức Kitô, "Ðấng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ" (Mt 20,28). Ðể chu toàn sứ vụ riêng đã được ủy thác, phâm trật nhận được quyền thiêng thánh. Quyền này cần được mọi người tôn trọng trong tinh thần đức tin (xc. Truyền Chức).

Phần Chung
(= Commun)
Ðể cử hành thánh lễ cũng như kinh nguyện phụng vụ kính các thánh mà không có một công thức riêng hoặc không đầy đủ, người ta sử dụng toàn bộ hoặc một phần các bản văn đã được soạn thành những phần chung khác nhau: phần chung về Ðức Maria, các thánh Tông Ðồ, các thánh Tử Ðạo, các thánh Chủ Chăn, các thánh Tiến Sĩ Hội Thánh, các thánh Trinh Nữ, các thánh Nam và các thánh Nữ. thêm vào phần chung các thánh này, còn có phần chung về lễ Cung HIến Thánh Ðường: đây là phần được đặt lên hàng đầu, bởi vì việc mừng lễ cung hiến là mừng việc Ðức Kitô kết hợp với Hội Thánh. Bất kỳ sự thành thiện nào khác đều thông dự vào sự kết hợp đó.

Phần Phụng Vụ Theo Mùa
(= Temporal)
Là một phần chính yếu của năm phụng vụ, phần phụng vụ theo mùa là tiến trình của Mầu Nhiệm Ðức Kitô trải dài trong suốt một năm, đưa Hội Thánh đi vào các chiều sâu của Mầu Nhiệm Ba Ngôi. Phần này chỉ gồm có các chu kỳ Giáng Sinh và Phục Sinh, không kể đến 34 tuần của Mùa Thường Niên. Cần phân biệt phần phụng vụ theo mùa với phần phụng vụ chư thánh: Phần phụng vụ theo mùa gồm các giai đoạn đặc biệt của năm phụng vụ; phần phụng vụ chư thánh gồm các lễ mừng các thánh, được cử hành vào những ngày cố định. Trừ một vài trường hợp đặc biệt, phần phụng vụ theo mùa phải được cử hành ưu tiên hơn phần phụng vụ chư thánh (xc. Mùa Phụng Vụ, Chu Kỳ).

Phép Lành
(= Bénédiction)
Từ ngữ benediction trong La ngữ hợp bởi bene (tốt lành) và dicereldictio (nói) có nghĩa là nói lời lành, hay nói về sự tốt lành, thường được dịch sang tiếng Việt là chúc lành, phép lành hay chúc tụng. Trong Thánh Kinh, phép lành trước hết là hành động của Thiên Chúa, Ðấng nói, muốn và làm điều tốt lành cho chúng ta. Ðối với Thiên Chúa, lời nói và việc làm đồng nhất với nhau (cùng một động từ dâbâr trong tiếng Hípri). Phép lành của Thiên Chúa khởi đầu bằng công cuộc sáng tạo nhờ Ngôi Lời (xc. Ga 1,1-3; St 1,3.6.9tt); phép lành đó đạt tới mức thành toàn trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, chịu chết và sống lại vì chúng ta: "Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Ðức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần" (Ep 1,3).
Ðáp lại phúc lành của Thiên Chúa không ngừng ban cho chúng ta qua Ðức Kitô và trong Chúa Thánh Thần, chúng ta cũng phải dùng chính những lời hay ý đẹp của mình để chúc tụng Thiên Chúa, tức là tạ ơn Thiên Chúa về tất cả những "ơn lành" của Người. Mầu nhiệm phụng vụ được kết cấu bởi sự trao đổi giữa phúc lành của Thiên Chúa và lời chúc tụng của chúng ta trong Ðức Kitô. Những lời chúc tụng của người Do Thái (berakôth) đặc biệt là trong bữa ăn vượt qua, chính là nguồn gốc các kinh Tạ Ơn của chúng ta ngày nay. Cùng với các thánh vịnh là những lời chúc tụng được linh hứng, các lời chúc tụng của người Do Thái tạo nên cốt lõi của phụng vụ Do Thái giáo, là tác động nối kết công trình của Thiên Chúa và lời cảm tạ của Dân Người.
Trong ngôn ngữ thông thường, "phép lành" đã mất đi ý nghĩa phong phú vừa được gợi ra, và thường chỉ còn được hiểu về việc làm phép hay thánh hóa các loại đồ vật khác nhau. Tuy nhiên, Phụng Vụ Công Giáo nhấn mạnh đến các loại phụ tích khác nhau: đó không phải chỉ là những lời chúc tụng hiểu theo nghĩa tạ ơn trong Do Thái giáo, nhưng còn là những nghi lễ, qua đó con người kêu cầu Thiên Chúa chúc phúc. Như vậy, Hội thánh chứng tỏ rằng mọi hiện hữu đều chỉ có thể và phải đón nhận ý nghĩa sung mãn của mình từ nơi Thiên Chúa. Phép lành mà linh mục ban cho cộng đoàn trong nghi thức giải tán kết thúc thánh lễ hoặc kết thúc giờ kinh sáng và kinh chiều, biểu lộ sự ban ơn phù trợ của Thiên Chúa Ba Ngôi. Dấu thánh giá cho thấy rằng những hồng ân bởi trời luôn đến từ thập giá của Ðức Kitô. Trong một số hoàn cảnh đặc biệt, Sách lễ có dự liệu sẵn những công thức ban phép lành trọng thể với hai hoặc ba lời cầu phúc đi trước công thức ban phép lành thông thường. Khi đọc những lời cầu phúc này, chủ tế giơ tay, còn cộng đồng cúi đầu và thưa Amen. Linh mục cũng có thể đọc một lời nguyện trên dân chúng trước khi ban phép lành. Sau khi mời gọi cộng đoàn cúi đầu, linh mục giơ tay trên cộng đoàn và đọc lời nguyện đó (xc. Thánh Thể, Phép Lành).

Phép Rửa (Lễ Chúa Chịu Phép Rửa)
(= Baptême du Seigneur)
Lễ này kết thúc mùa Giáng Sinh, và được cử hành vào Chúa Nhật sau ngày 6 tháng Giêng. Lễ Hiển Linh bao hàm ba mầu nhiệm: các đạo sĩ đến thờ lạy Chúa; Chúa Chịu Phép Rửa; và tiệc cưới Cana. Như vậy, lễ Chúa Chịu Phép Rửa là sự "thu hẹp" lại của Lễ Hiển Linh.
Ðối với bốn tác giả Tin Mừng, việc Ðức Giêsu chịu phép rửa trong sông Giođan, chính là sự tỏ hiện - "cuộc thần hiện" - quan trọng nhất vào lúc khởi đầu cuộc đời công khai của Ðức Kitô (Mt 1,13-17; Mc 1,9-11; Lc 3,21-22; Ga 1,29-34). Ngoài ra, xét như một khởi điểm cốt yếu (xc. Cv 1,22), biến cố này trong cuộc đời Ðức Giêsu hàm chứa một sự sung mãn lớn lao; không những biến cố ấy gợi lên cái chết của Chiên Thiên Chúa (xc. Lc 12,50) và sự "dìm mình" của chúng ta trong cái chết của Người, nhờ bí tích Thánh Tẩy, nhưng biến cố ấy còn đặc biệt nhấn mạnh đến nguồn mạch và "chiều kích Ba Ngôi" của sứ vụ Người Tôi Tớ đau khổ, các tầng trời mở ra, Chúa Cha bày tỏ lòng ưu ái của Người đối với Chúa Con, và Chúa Thánh Thần, nguồn mạch tình yêu, bày tỏ sự hài lòng đó một cách cụ thể. Có thể nói, lễ Chúa chịu Thánh Tẩy là lễ Ngũ Tuần của Mùa Giáng Sinh.

Phó Tế
(= Diacre)
Tiếng Hy Lạp diakonos có nghĩa là người phục vụ, chuyển dịch sang tiếng Việt là Phó Tế. Phó Tế là một Kitô hữu đã được rửa tội cũng như thêm sức, và qua việc phong chức phó tế, được tham dự một cách bí tích vào sứ vụ của giám mục về phương diện phục vụ (diakonia). Mọi Kitô hữu đều được mời gọi bước theo Ðức Kitô để trở nên con Thiên Chúa nhờ ơn thánh, như Ðức Kitô là Con Thiên Chúa theo bản tính. Ðể làm cho chúng ta có thể trở nên con Thiên Chúa, chính Chúa Con đã trở thành người tôi tớ, thực hiện việc cưu độ chúng ta bằng cách chu toàn sứ vụ cứu thế của Người. Như vậy Người đã làm ứng nghiệm những bài ca về Người Tôi Tớ trong sách ngôn sứ Isaia (42,1-9; 49,1-6; 50,4-11; 52,13-53,12), đặc biệt là bài ca cuối cùng về Người Tôi Tớ đau khổ. Thực vậy, "Con Người đến không phải để được kẻ hầu người hạ, nhưng là để hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mt 20,28). Mọi Kitô hữu, với tư cách là Kitô hữu, phải có khả năng "hiến dâng mạng sống để phục vụ mọi người".
Tuy nhiên, để việc phục vụ sinh ơn cứu độ của Ðức Kitô được bảo đảm mưu ích cho hết mọi người, chính Ðức Giêsu đã lo liệu để Hội Thánh có được những thừa tác viên thích hợp cho công cuộc tiếp nối sứ vụ của Người, như Tông Ðồ Phêrô, các vị Tông Ðồ khác, các vị kế nghiệp và các cộng sự viên của các ngài. Khi Ðức Giáo Hoàng xưng là "Tôi tớ của các tôi tớ Thiên Chúa", đó không chỉ đơn thuần là một kiểu nói, mà là người tôi tớ đích thực - một phó tế đích thực - trong Hội Thánh, tức là vị giám mục, với sự trợ giúp của các linh mục, trong công tác phục vụ cao cả đối với những người đã được rửa tội.
Tuy nhiên, trong việc thực thi sứ vụ tư tế, mục tử và thầy dạy, bản thân vị giám mục và những người tham dự vào chức vụ tư tế của giám mục chưa hẳn là những dấu chỉ đầy đủ để trình bày một Ðức Kitô - Người Tôi Tớ: quyền bính của các vị có nguy cơ làm lu mờ khía cạnh phục vụ trong nhiệm vụ của các ngài. Như vậy, phó tế được đặc cách để trở thành dấu chỉ bí tích của Ðức Kitô - Người Tôi Tớ, trở thành sự tỏ hiện của mọi thừa tác vụ thánh xét như là một công tác phục vụ. Không chỉ dừng lại ở trình thuật về việc cắt cử 7 phó tế nhằm phục vụ bàn ăn (Cv 6,1-6), nền tảng Thánh Kinh của chức phó tế cần phải được tìm kiếm trong chính lời giảng và hành động của Chúa Kitô, Ðấng đã trình bày quyền bính trong Hội Thánh như là một công tác phục vụ (Mt 10,24-28 và việc rửa chân trong Ga 13,8-17).
Là những người tham dự vào sứ mạng phục vụ của các giám mục, những người kế vị các Tông Ðồ, nên các phó tế được tấn phong do giám mục. Việc truyền chức này hệ tại việc một mình đức giám mục đặt tay, trong thinh lặng, và kế đó là lời nguyện phong chức: "Lạy Chúa, xin ban Thánh Thần Chúa trên tôi tớ Chúa đây, để người này được củng cố nhờ mọi hồng ân của Chúa, và để người này có thể chu toàn sứ vụ của mình". Sau đó, tân chức lãnh dây các phép và áo phó tế, rồi đức giám mục long trọng trao sách Tin Mừng cho thầy để thầy trở nên người công bố Tin Mừng.
Từ đây, phó tế trợ giúp giám mục và các linh mục trong việc phục vụ Lời, phục vụ bàn thờ và việc bác ái. Trách vụ của các phó tế bao gồm việc huấn giáo, giảng thuyết, hướng dẫn việc cầu nguyện của cộng đoàn, cử hành bí tích rửa tội và nghi lễ an táng, chứng hôn, trao của ăn đàng, nói chung là mọi hình thức phục vụ người nghèo, bệnh nhân, giới trẻ.
Ðối với các linh mục tương lai, việc "phục vụ" trong tư cách phó tế được coi như một khởi đầu cần thiết cho việc "phục vụ" trong chức linh mục. Qua việc tái lập chức phó tế vĩnh viễn, đội ngũ các phó tế hiện diện trong Hội Thánh như một lời nhắc nhở sống động và có đầy năng lực bí tích đối với các giám mục, linh mục và tín hữu - một lời nhắc nhở về việc "phục vụ" sáng ngời, vốn là và vẫn mãi phải là một "tác vụ" được truyền ban.

Phòng Thánh
(= Sacristre)
Gốc La tinh sacristra có nghĩa một nơi trong nhà thờ, gần cung thánh, tại đó cất giữ tất cả những gì cần thiết cho việc cử hành phụng vụ: phẩm phục, bình thánh, sách, v.v...

Phù Hiệu Giám Mục
(= Insignes pontificaux)
Phù hiệu giám mục là những biểu hiệu bên ngoài và đặc trưng của chức vị giám mục: thông thường là nhẫn và Thánh Giá trên ngực; trong các nghi lễ đại triều, phù hiệu chính là mũ và gậy. Ngoài các đức giám mục, các giám chức sau đây có thể sử dụng phù hiệu giám mục: các đại sứ của đức giáo hoàng, các viện phụ hay các giám chức có quyền tài phán trên một vùng riêng biệt trong giáo phận, các giám quản tông tòa, các đan viện phụ, sau khi được chúc phong.

Phù Hiệu Tổng Giám Mục
(= Pallium)
Pallium trong tiếng La tinh có nghĩa là áo khoác, áo dài, áo mặc ngoài. Ban đầu, Pallium là loại hàng dệt bằng dạ mô phỏng loại áo dài của người Rôma, mà các quan chức dân sự cao cấp thường mặc, nhất là các quan chấp chính. Khoảng thế kỷ IV, sau thời Công-tăng-ti-nô, loại trang phục này trở thành huy hiệu danh dự của một số giám mục, và do đức giáo hoàng ban phép sử dụng. Hiện nay, loại trang phục này là huy hiệu của đức giáo hoàng, giáo trưởng hay tổng giám mục. Phù hiệu hiện nay có hình dáng như sau: một dải len trắng choàng quanh vai, một đầu phía trước ngực, một đầu phía sau lưng, trên phần vòng quanh cổ có bốn hình Thánh Giá màu đen và hai hình Thánh Giá khác ở hai đầu dải len. Ðể gắn phù hiệu vào áo lễ, người ta dùng ba cây kim bằng vàng, đầu có nạm đá quí.

Phụ Tích
(= Sacramental)
Các phụ tích là những tác động hay những thực tại thánh thuộc về lãnh vực bí tích hiểu theo nghĩa rộng, nhưng không phải là bí tích đúng nghĩa. Trong thực tế, cho đến thế kỷ XII, con số bảy bí tích chưa được ấn định, và từ ngữ "bí tích" dùng để chỉ mọi tác vụ thánh. Các phụ tích chủ yếu bao gồm việc thánh hiến người, các phép lành trên đồ vật, hoặc các nghi thức kèm theo bí tích. Một số phụ tích có thể được coi là gần với các bí tích, như việc thánh hiến các trinh nữ, việc khấn dòng, nghi lễ chúc phong viện phụ, cung hiến thánh đường và bàn thờ.
Các bí tích hoạt động "do sự" (ex opere operato: việc sinh công hiệu cốt ở việc hoàn thành nghi thức), trong khi các phụ tích hoạt động nhờ tác động của Hội Thánh (ex opere operantis Ecclesiae): tức là các phụ tích sinh công hiệu nhờ vào hoạt động và lời cầu nguyện của Hội Thánh. Nhưng không nên hiểu rằng Thiên Chúa chỉ hoạt động trong các bí tích, và nhường cho Hội Thánh quyền can thiệp trong các phụ tích. Thực vậy, toàn thể phụng vụ là công trình chung của Thiên Chúa và Hội Thánh, và dù một phụ tích nhỏ nhất cũng cần đến hành động thánh hóa của Thiên Chúa (xc. Phụng vụ). Tốt hơn, nên lưu ý rằng các bí tích là do Thiên Chúa lập, trong khi các phụ tích là do Hội Thánh lập, với ơn phù trợ của Chúa Thánh Thần.
Phủ Phục (Tư Thế)
(= Prostration)
Tiếng La tinh prostratio có nghĩa hành vi nằm sấp phía trước (pro: phía trước, sternere: nằm xuống đất). Hành vi phủ phục ít khi sử dụng trong phụng vụ, nhưng có ý nghĩa đặc biệt: trong khi cộng đoàn hát Kinh Cầu Các Thánh, thì những người sắp được truyền chức (giám mục, linh mục, phó tế), các tu sĩ sắp tuyên khấn trọn đời, nằm phủ phục trên đất: hành vi này không chủ ý nói lên việc tự xóa mình trước Thiên Chúa, nhưng đúng hơn nhằm diễn tả thái độ hoàn toàn sẵn sàng trước lời mời gọi của Thiên Chúa.
Khởi đầu nghi thức cử hành chiều ngày thứ Sáu Tuần Thánh, vị chủ tế cùng các thừa tác viên phủ phục trước bàn thờ để bày tỏ tâm tình khiêm tốn thờ lạy trước mầu nhiệm Cứu Chuộc nhờ Thập Giá, như phụng vụ chiều hôm đó sắp cử hành; các ngài cũng có thể phủ phục khi ngừng đọc hay hát Trình Thuật Thương Khó trong giây lát (sau câu "Chúa Giêsu gục đầu xuống tắt thở" - Chúa nhật lễ Lá cũng có hát bài Thương Khó). Cũng có thể phủ phục bằng cách quì gối rồi cúi gập mình sát đất.

Phục Sinh (Lễ)
(= Résurrection)
Lễ Phục Sinh là đích điểm của Tam Nhật Vượt Qua. Lễ Phục Sinh được mừng đặc biệt trong đêm Vọng Phục Sinh và ngày Chúa Nhật Phục Sinh, cũng như trong suốt cả mùa Phục Sinh, và trong mọi nghi lễ phụng vụ Kitô giáo. Tất cả mọi Chúa Nhật hàng tuần đều được dành để mừng Lễ Phục Sinh, lễ mừng đầu tiên trong lịch sử Kitô giáo.

Phục Vụ
(= Service)
Việc "phục vụ Thiên Chúa" là nghĩa vụ chính của cộng đoàn nhân loại; nhân loại chu toàn nghĩa vụ này, chủ yếu là trong công việc phụng tự. Phải nhớ rằng dân Israel đã trở thành Dân của Thiên Chúa trên núi Xinai, khi họ đồng ý chấp nhận Giáo Ước và vượt qua từ tình trạng nô lệ bên Ai Cập để đạt đến việc phục vụ cao cả đối với Giavê (trong tiếng Hípri, hai từ nô lệ và phục vụ là một: abôdâh); Dân Chúa được giải phóng khỏi Ai Cập chỉ là để phục vụ (xc. Xh 3,12; 7,16.26; 8,16; 9,1.13; 10,3.7.11.26). Sự phục vụ của Dân chỉ là lời tạ ơn đáp lại công cuộc "phục vụ" sinh ơn cứu độ của Giavê.
Cũng vậy, trong Giao Ước mới, Ðức Giêsu giải thoát Hội Thánh khỏi ách nô lệ Satan, để trong Chúa Thánh Thần. Hội Thánh trở thành lời chúc tụng vinh quang Thiên Chúa Cha (xc. Ep 1,13-14; 1P 2,9); Ðức Giêsu đã lớn tiếng tuyên bố rằng Người tự nhận mình là Tôi Tớ của Giavê, Người đã lấy máu mình để chuộc lấy nhiều người (Mt 20,28; Is 53,10-12). (xc. Giám mục; Phó tế).
Vì thế, phụng vụ hay "thần vụ" là một sự phục vụ qua lại giữa Thiên Chúa và Dân Người cho đến đời đời, khi mà Ðức Kitô hứa chính Người sẽ phục vụ các tôi tớ của Người (Lc 12,37). Ðể khỏi rơi vào các cạm bẫy của thứ biện chứng "chủ tớ", điều quan trọng là phải luôn ghi nhớ rằng việc "phục vụ Thiên Chúa" không chỉ nâng chúng ta lên tầm mức Thiên Chúa, nhưng trước hết đó còn là việc "phục vụ" sinh ơn cứu độ mà Thiên Chúa không ngừng tặng ban cho chúng ta. Trong viễn tượng này, người ta hiểu được tất cả sự phong phú liên quan đến Thiên Chúa, gồm chứa trong từ ngữ "phục vụ", khi từ ngữ này chỉ một lễ nghi phụng vụ, hoặc một "thần vụ" (xc. Phụng vụ; Tôn kính; Phận vụ; Thừa tác vụ; Thừa tác viên).

Phụng Tự
(= Culte)
Tiếng La tinh cultus, do động từ colere, có nghĩa là trồng cấy, săn sóc, rồi mang thêm ý nghĩa tôn kính, gặp gỡ. Phụng tự là toàn bộ những tác động mà một cộng đồng nhân loại dùng để tôn thờ các thần linh của mình, và tiếp xúc với các ngài. Người ta vun đắp mối liên hệ với Thiên Chúa như nâng niu một tình bạn: họ "săn đón" thần linh vì chính thần linh, và để mong nhận được các ơn lành của thần linh.
Hành vi phụng tự là phần việc của con người trong phụng vụ, giúp xã hội con người duy trì mối liên hệ với Thiên Chúa. Nếu hành vi phụng tự quá vụ lợi, hoặc rơi vào não trạng phù phép, khi đó nó nhấn mạnh quá đáng về phía con người. Nhưng khi phụng tự thực sự trở thành lời "xin vâng" của những người sẵn sáng gặp gỡ Thiên Chúa, thì phụng tự khi đó mới có được tính cách đích thực và chính đáng.
Phụng vụ thành hình do việc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và Dân Người để cử hành Giáo Ước. Phần tiên quyết và sự khởi xướng là do Thiên Chúa, Ðấng không ngừng thi thố tác động cứu độ nơi chúng ta, với chúng ta và vì chúng ta, đặc biệt qua các bí tích là những thực tại nối dài ơn cứu độ do Ðức Kitô mang lại. Phần còn lại là của chúng ta, tuy là thứ yếu, nhưng thật cần thiết để có được cuộc gặp gỡ, và để Giao Ước được ký kết, được thực thi cũng như được kiện toàn.
Vì thế, trong mối tương quan hai chiều, phụng vụ bao gồm cả tác động của Thiên Chúa lẫn tác động của Dân Người: việc thánh hóa và việc phụng tự, theo đúng trật tự đó. Cần hiểu định nghĩa của Công Ðồng Vaticanô II theo chiều hướng đó: "Phụng vụ đáng được xem là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hóa con người (chiều đi xuống) được biểu tượng nhờ những dấu khả giác, và được thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ (bí tích và phụ tích), và trong đó việc phụng tự công cộng vẹn toàn (chiều đi lên) được thực thi nhờ Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là Ðầu cùng các chi thể của Người" (HCPV số 7).
Thật là một sự việc đầy ý nghĩa khi Thánh Bộ đặc trách phụng tự tại Giáo Triều Rôma không còn được gọi là Thánh Bộ Lễ Nghi, mà gọi là Thánh Bộ các Bí Tích và Phụng Tự; người ta thường hay quên các bí tích, mà chỉ còn nhớ đến phụng tự: rõ ràng điều đó cho thấy một nhận thức sai lạc về chính bản chất toàn vẹn của phụng vụ.

Phụng Vụ
(= Liturgie)
Gốc tính từ Hy Lạp lèitos nghĩa là công cộng, bởi từ léos (trong thổ ngữ ionie là laos) và danh từ ergon nghĩa là phục vụ, công trình, công việc. Vậy theo từ nguyên, phụng vụ là việc phục vụ công cộng, một công trình đem lại ích lợi cho dân chúng. Trong các nền dân chủ Hy Lạp, liturgia ám chỉ mọi việc phục vụ do các công dân thực hiện nhằm lợi ích chung, nhưng nhất là các trách vụ công cộng mà người ta phải kham nổi các khoản chi phí thì mới đủ tư cách nhận; và các trách vụ này là tổ chức các ban ca nhạc, các trận thi đấu thể thao, và trang bị các chiến thuyền, v.v...
Khi sử dụng từ liturge - người phục vụ - (Rm 13,6; 15,16; Pl 2,25), hay từ liturgie - việc phục vụ (2Cr 9,12; xc. Rm 15,27), thánh Phaolô thường hiểu theo nghĩa là một việc được thực hiện vì lích lợi của cộng đoàn.
Vào thế kỷ thứ III trước Công Nguyên, bản LXX dùng Leitourgia thay cho từ Hípri Abodah, từ ngữ này không còn được hiểu là một công việc mà dân chúng được hưởng lợi, nhưng là một công việc mà chính dân chúng phải thi hành. Liturgie trở thành việc phục vụ có tính tôn giáo và theo nghi thức dâng lên Thiên Chúa, do cộng đoàn được qui tụ nhân danh Người.
Không được bỏ qua một trong hai ý nghĩa này: "Công trình Thiên Chúa" vừa là công trình mà Thiên Chúa thực hiện nơi Dân Người, đồng thời gắn liền với công trình mà Dân thực hiện vì Thiên Chúa của mình. Như thế, "thần vụ", vừa có nghĩa là ơn cứu độ do Thiên Chúa thực hiện nơi Hội Thánh, đồng thời cũng là việc thờ phượng do Hội Thánh dâng lên Thiên Chúa. Do đó, một quan niệm đầy đủ về phụng vụ phải bao hàm cả hành động của Thiên Chúa vì con người lẫn hành động của cộng đoàn chính thức hướng lên Thiên Chúa.
Phụng vụ là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và Dân Người để cử hành Giao Ước. Trong cuộc gặp gỡ này, tác động của Thiên Chúa là tác động khởi đầu (chiều đi xuống), bởi vì chính Thiên Chúa có sáng kiến lập Giao Ước và khơi dậy sự đáp ứng của Dân (chiều đi lên). Nhờ sự trung gian của Ðức Kitô, đặc biệt là nhờ cuộc hiến tế cứu độ của Người, các tác động phụng vụ của chúng ta, những tác động làm nên việc phụng thờ Thiên Chúa, sẽ nối kết với công trình thánh hóa của Thiên Chúa, là công trình đưa chúng ta vào Giao Ước của Người.
Như vậy, ta có thể hiểu được định nghĩa về phụng vụ của Công Ðồng Vaticanô II: "Phụng vụ đáng được xem là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hóa con người (chiều đi xuống) được biểu tượng nhờ những dấu chỉ khả giác, và được thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ (bí tích và phụ tích), và trong đó việc phụng tự công cộng vẹn toàn (chiều đi lên) được thực thi nhờ Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là Ðầu cùng các chi thể của Người" (HCPV số 7).
Hai "chiều hướng" này hội nhập vào phụng vụ, và nhờ Ðức Kitô, tạo nên cộng đoàn của Thiên Chúa và Dân Người, và biến thành dòng chảy giao lưu hai chiều với đời sống Ba Ngôi: sự trao hiến của Chúa Cha cho Chúa Con, sự qui hướng của Chúa Con về Chúa Cha, trong nguồn sinh lực của Chúa Thánh Thần. Phụng vụ thiên quốc đưa nhưữg người được tuyển chọn vào "dòng sông có nước sự sống trào vọt lên từ ngai Thiên Chúa và Con Chiên" (Kh 22,1).
Phụng vụ thiên quốc là sự sống vĩnh cửu trong cung lòng Ba Ngôi: như thế sẽ không có kết thúc. Thật vậy, sách Khải Huyền cho chúng ta thấy cuộc sống mai sau là một cuộc phụng vụ vĩ đại và uy hùng. Nói cho đúng, trong cuộc sống tại thế, phụng vụ không phải là một đích điểm; hiện nay, người ta không thể ngày đêm chỉ lo việc phụng vụ vì một sự dầy khít quá mức như thế sẽ là một gánh nặng đối với sự yếu đuối của chúng ta - điều này hoàn toàn đi ngược với những người chủ trương duy phụng vụ. Phụng vụ không phải là tất cả hoạt động của Hội Thánh (PV số 9), nhưng là tuyệt đỉnh và nguồn mạch cho các hoạt động đó (PV số 10). Tất cả cuộc sống của Kitô hữu đều có chiều kích phụng vụ: được sinh ra trong phụng vụ, cuộc sống đó không ngừng tiến từ phụng vụ này sang phụng vụ khác, nhưng cuộc sống đó vẫn còn nhiều bất toàn đến nỗi chưa thể là một phụng vụ thuần túy.
Xc. Chiêm niệm; Kinh nguyện; Sự sống; Công trình Thiên Chúa; Thần vụ; Trung gian; Chúa Thánh Thần; Bí tích; Á phụng vụ; Các giờ kinh Phụng Vụ; Tôn giáo; Dấu chỉ; Biểu tượng; Phụ tích; Giáo dân; Phụng tự.

Phụng Vụ (Các Nghi Thức)
(= Liturgies)
Chỉ có một phụng vụ duy nhất, hiểu theo nghĩa mọi việc cử hành giúp chúng ta hội nhập vào kế hoạch cứu độ duy nhất, vào công trình duy nhất của Giáo Ước, đến nỗi Hội thánh, khi hiệp nhất với Ðức Kitô, được tham dự vào đời sống Ba Ngôi với tư cách Người Con (xc. Phụng vụ).
Tuy nhiên, có những phương thức khác nhau, qua đó những cộng đoàn Hội Thánh khác nhau để cho Chúa Con và Chúa Thánh Thần đưa vào trong cung lòng của Chúa Cha để cử hành Giao Ước; sự đa dạng này tùy thuộc vào những cách diễn tả và năng khiếu riêng của từng cộng đoàn. Cơ cấu phụng vụ, tức là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và Dân Ngài, vốn mang tính cách phổ quát; những hành vi nền tảng để cử hành Giao Ước cũng có tính cách phổ quát (xc. Tạ ơn; Bí tích; Phụ tích; Phụng vụ các Giờ Kinh), nhưng các bản văn, cử chỉ và nghi thức lại mang dấu vết văn hóa cũng như lịch sử của những gia đình phụng vụ lớn.
Tại Ðông phương, chiếc nôi của Kitô giáo, các nhóm phụng vụ chia thành hai ngành chính, gắn liền với hai tòa thượng phụ cổ xưa: Antiôkia và Alêxandria.
1. Ngành Antiôkia:

a) Khối Xyria Tây Phương:
- Nghi lễ Xyria tại Antiôkia (gồm các nhóm Giacôbít, Xyria liên hiệp, Malankares). Nghi thức này chủ yếu sử dụng kinh Anaphora (Kinh Tạ Ơn) của thánh Giacôbê, ngôn ngữ chính thức là ngôn ngữ Xyria.
- Nghi lễ Marônít: nghi lễ riêng của các cộng đoàn ở Libăng còn liên hệ với Rôma. Ðây là một biến thể của nghi lễ Xyria tại Antiôkia cộng thêm những yếu tố riêng.
- Nghi lễ Lidăngtin: nền phụng vụ tại Công-tăng-ti-nốp, thành phố trung tâm của đế quốc. Phụng vụ này chính yếu sử dụng kinh Anaphora của thánh Gioan Kim Khẩu và sử dụng kinh của thánh Baxiliô trong một số ngày.
Nghệ thuật sáng tác thánh thi đạt đến trình độ cao, việc tôn kính ảnh tượng thánh và nền thần học phong phú, đó là những nét tiêu biểu của nền phụng vụ khá phổ biến này. Ngôn ngữ nguyên thủy của nền phụng vụ này là tiếng Hy Lạp, tuy nhiên, phụng vụ này cũng còn được cử hành bằng tiếng Xơ-la-vơ, tiếng Goóc-gi, tiếng Ả rập, v.v...
- Nghi lễ Ác-mê-mi-a: nét nổi bật của nghi lễ này là ảnh hưởng của các nghi lễ Pa-lét-tin, Bi-dăng-tin và Rôma: đây là một trong những nghi lễ Ðông Phương đã bị La tinh hóa rõ nét nhất. Ngôn ngữ sủ dụng là tiếng Ác-mê-mi-a cổ.
b) Khối Xyria Ðông Phương:
Gồm các giáo đoàn nằm trong vùng Lưỡng Hà Ðịa, các giáo đoàn này không chấp nhận các quyết nghị của công đồng Êphêxô và Kan-xê-đô-ni-a.
- Nghi lễ Nét-tô-ri-ô: ngôn ngữ là tiếng Xyria, nghi lễ này sử dụng kinh Anaphora của các Tông Ðồ (các kinh Addai và Mari), kinh của Thê-ô-đô-rê thành Mopsueste và của Nét-tô-ri-ô.
- Nghi lễ Kanđê: hợp nhất với Rôma, nhưng vẫn giữ các kinh Anaphore của người Nestôriô, với một vài sửa đổi.
- Nghi lễ Malabar: phần còn rơi rớt lại của nghi lễ Nestôriô được phổ biến sang Ấn Ðộ và Viễn Ðông, nhưng đã được La tinh hóa.
2. Ngành Alêxandria:
- Nghi lễ Cốp được cử hành bằng tiếng Hy Lạp tại Alêxandria và Ai Cập Hạ, bằng tiếng địa phương sahidique và bohairique tại Ai Cập Thượng. Các nghi lễ Cốp sử dụng kinh Anaphora của thánh Xyrilô, tức là bản dịch kinh Anaphora bằng tiếng Hy Lạp của thánh Máccô, và có sửa đổi cho phù hợp. Họ còn sử dụng một hình thức kinh Anaphora cổ của thánh Ba-xi-li-ô và một kinh khác được cho là của thánh Ghê-gô-ri-ô.Nghi lễ Xyria có ảnh hưởng đáng kể tại Ai Cập.
- Nghi lễ Êthiôpia: nghi lễ của một giáo đoàn theo chủ thuyết một bản tính (cho rằng Ðức Giêsu có một bản tính duy nhất, không chấp nhận công đồng Kan-xê-đô-ni-a), giống như phần lớn các giáo đoàn tại Ai Cập; nền phụng vụ này được chuyển dịch từ nền phụng vụ Cốp, nhưng vẫn giữ được tính thi ca độc đáo và một tập khoảng 18 kinh Anaphora, trong đó có kinh Anaphora của thánh Híppôlitô, nguồn gốc của kinh Tạ Ơn II hiện nay, nền phụng vụ này được gọi là "phụng vụ các Tông Ðồ". Ngôn ngữ được sử dụng trong nghi lễ Êthiôpia là tiếng géez, ngày nay đã trở thành tử ngữ.

- Nghi lễ Rôma: Tây phương chủ yếu sử dụng phụng vụ của Rôma, một thành phố trung tâm của đế quốc và còn hơn thế, đó là tòa của Ðức Giáo Hoàng, đấng kế vị Thánh Phêrô.
Nghi lễ Rôma được phổ biến rất nhanh tại Ý và đã thống lĩnh khắp vùng Bắc Âu do ảnh hưởng của các cuộc truyền giáo, và nhờ nỗ lực thống nhất của vua Sác-lơ-mai, nghi lễ này đã trở thành gần như bó buộc. Phụng vụ Rôma có tính cách ngắn gọn và hòa điệu, sử dụng tiếng La tinh, ít là từ cuối thế kỷ IV. Các thánh vịnh và các thánh ca lấy từ Thánh Kinh là những bài hát chính yếu trong thánh lễ và kinh phụng vụ. Lễ qui Rôma là Kinh Tạ Ơn duy nhất của nghi lễ này; phần chính yếu của lễ quy đã được thành hình vào giữa thế kỷ III-V. Việc in ấn các sách phụng vụ, cuộc canh tân do công đồng Trentô, phong trào do Dom Guéranger khởi xướng (thế kỷ XIX), đã lần lượt góp phần vào việc thống nhất nghi lễ Rôma. Các giáo đoàn Lyon và Baga vẫn giữ những tập tục địa phương, và dòng Ða Minh, dòng Prémontré, dòng Chartreux được phép dùng phần thường lễ riêng. Ngày nay, phần thường lễ do Ðức Phaolô VI ban hành và nền phụng vụ canh tân theo tinh thần Công Ðồng Vaticanô II đã được áp dụng cho toàn thể Hội Thánh Công Giáo Rôma, trừ một vài trường hợp đặc biệt.

- Nghi lễ Amrôxiô: chính là nghi lễ Rôma, nhưng được thánh Am-rô-xi-ô sửa chữa và cho sử dụng tại Milan. Cũng cần ghi nhận là có phần ảnh hưởng của phụng vụ Galican.

- Nghi lễ Mozarabe hay Wysigothique: Tây Ban Nha trong một thời gian dài, vẫn ở ngoài tầmảnh hưởng của Rôma: phần chính yếu của nghi lễ này đã thành hình rồi khi quân man di Wysigoth bắt đầu xâm chiếm lãnh thổ, tức là trước cuộc chiếm đóng của người Ả Rập. Phụng vụ này không có lễ qui cố định, nhưng có phần thay đổi xoay quanh trình thuật về việc thiết lập Thánh Thể.

- Nghi lễ Galican và Xentô: các nghi lễ này không còn tồn tại sau khi Sác-lơ-mai tiến hành việc thống nhất, chịu ảnh hưởng Rôma, nhất là Tây Ban Nha, đặc điểm của các nghi lễ này là hơi rườm rà.

Phương Du
(= Dais)
Trong tiếng La tinh discus nghĩa là cái đĩa. Phương du là cái khung vải được trương ra để che phía bên trên vị chủ sự đang cầm Mình Thánh, trong những cuộc rước trọng thể. Người ta dùng nhiều cây cọc để đỡ phương du, còn lọng thì chỉ có một cây đỡ giống như cái dù. Việc dùng phương du và lọng nhằm nói lên phẩm vị của Ðức Kitô đang hiện diện trong Thánh Thể.

Q

Quá Cố
(= Défunt)
De-functus là người đã rời khỏi nhiệm vụ, người đã chấm dứt và đã rút lui. Trong nhiều tôn giáo, người ta quan niệm người chết tuy đã rời khỏi vị trí trong cuộc sống này, nhưng họ cần có sự "trự giúp" của người sống, để đạt tới lãnh vực của thần linh một cách chắc chắn hơn.
Ngay khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, người tín hữu đã được kết hiệp với Mầu Nhiệm Vượt Qua của Ðức Kitô Tử Nạn và Phục Sinh, nên các tín hữu quá cố vẫn hiện diện trong phụng vụ tại thế. Ðể giúp cho người quá cố được mau tham dự vào phụng vụ thiên quốc, Hội Thánh không ngừng phó thác họ cho lòng nhân từ của Thiên Chúa, trong niềm hy vọng về cuộc phục sinh của hết mọi người, khơi mào cho phụng vụ vĩnh cửu. Người quá cố được nhắc đến trong kinh Tạ Ơn, trong lời nguyện cộng đồng của thánh lễ, giờ Kinh Sáng và Kinh Chiều.
Phụng vụ đã qui định các nghi thức an táng người tín hữu: canh thức, thánh lễ, nghi thức từ biệt, đưa tiễn ra nghĩa trang, và cầu nguyện trước khi hạ huyệt. Trong nhà thờ, ngươì ta đặt cây nến Phục Sinh bên cạnh linh cữu, tượng trưng Ðức Kitô Phục Sinh, Ðấng mà người Kitô hữu quá cố được kêu mời kết hiệp. Ngày 2 tháng 11, Hội Thánh nhớ đến mọi người quá cố trong các cử hành phụng vụ. Trong các cử hành khác liên quan đến người quá cố, có thể tùy nghi lựa chọn trong số những công thức thánh lễ và các Giờ Kinh Phụng Vụ cầu cho tín hữu quá cố.

Quì (Tư Thế)
(= Agenouillement)
Ðây là thái độ tự phát của con người khi muốn biểu lộ sự thờ lạy, van xin hay thống hối. Tin Mừng và Công Vụ Sứ Ðồ đã mô tả nhiều lần người ta quì gối để cầu nguyện (Mt 17,14; Mc 1,40; 10,17; Cv 7,60; 9,40; 20,36; 21,5). Chính Chúa Giêsu, trong lúc hấp hối ở vườn Cây Dầu, cũng quì gối cầu nguyện cùng Chúa Cha (Lc 22,4). Trong truyền thống Kinh Thánh, nơi mà ta có thể gặp thấy âm vang của những cử chỉ nhân loại hết sức tự nhiên, người ta thường đứng để cầu nguyện (xc. 1V 8,22; Mt 6,5; Lc 18,11), nhưng cũng quì gối khi lời cầu nguyện trở nên khẩn thiết, hoặc cung kính hơn (Tv 94,6; Is 45,23; Ðn 6,11).
Phụng vụ đôi khi cũng mời gọi các tín hữu quì gối: lời kêu mời "Chúng ta hãy quì gối" (Flestamus genna) có thể được cất lên đều đặn tương ứng với từng lời cầu của lời nguyện cộng đồng ngày thứ Sáu Tuần Thánh; trong các dịp lễ lớn như lễ phong chức, thầy phó tế cũng đọc lời kêu mời tương tự trước những lời nguyện. Ngoài ra, trong lễ Giáng Sinh và lễ Truyền Tin, để tỏ lòng tôn kính sâu xa trước mầu nhiệm Nhập Thể, các bản văn phụng vụ lưu ý mọi người phải quì gối khi đọc Kinh Tin Kính từ chỗ: "Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần..." tới chỗ "và đã làm người". Còn trong thánh lễ, chúng ta cũng phải quì gối khi linh mục truyền phép Thánh Thể; cũng phải quì gối khi chầu Thánh Thể và khi lãnh nhận bí tích sám hối (ít là trong phần xá giải).

R

Rôma (Ngai Tòa)
(= Rome)
(Về quyền của Giám Mục Rôma đối với vấn đề phụng vụ, xc. Ðức Thánh Cha). Trong lãnh vực phụng vụ, Ðức Thánh Cha có "Thánh Bộ các Bí Tích và Phụng Tự" trợ giúp. Cần để ý tên gọi chính xác này: ngày xưa người ta gọi là "Thánh Bộ các Nghi Lễ", ngày nay, tên gọi "Thánh Bộ các Bí Tích và Phụng Tự" phù hợp với định nghĩa về phụng vụ của Công Ðồng Vaticanô II (xc. Phụng vụ), trước tiên phải kể đến công trình của phụng vụ (các bí tích) rồi đến công trình đáp ứng của Hội Thánh (phụng tự). Ngoài quyền tối cao của giám mục Rôma và Thánh Bộ trợ giúp người trong vấn đề phụng vụ, các Hội Ðồng Giám Mục có quyền đưa ra những cách áp dụng thích nghi với lãnh thổ của mình, phù hợp với những quyết định hoặc những chỉ dẫn của Rôma.

Rôma (Nghi Thức)
(= Romain)
xc. Phụng vụ (Các nghi thức)

Rửa Chân (Nghi Thức)
(= Lavement des pieds)
Ðây là nghi thức không có tính cách bó buộc, được cử hành sau bài giảng thánh lễ chiều thứ Năm Tuần Thánh. Chủ tế làm lại cử chỉ của Chúa Giêsu: rửa chân cho các Tông Ðồ. Nghĩa cử tượng trưng này có nghĩa rõ rệt là Chúa muốn làm người Tôi Tớ phục vụ các môn đệ để cứu độ họ. Ðến lượt các ông, các ông cũng phải phục vụ để đem lại ơn cứu độ đến cho mọi người (Ga 13,12-16). Trong khi chủ tế rửa chân cho 12 người (hoặc ít hơn), tượng trưng cho 12 Tông Ðồ, cộng đoàn hát những điệp ca đề cao tình huynh đệ (xc. Phụng vụ; Giám mục; Phó tế).

Rửa Tay
(= Lavabo)
Lavabo trong tiếng La tinh có nghĩa là tôi sẽ rửa. Từ này chỉ nghi thức rửa tay trong Thánh Lễ, sau phần chuẩn bị lễ phẩm, trước lời nguyện tiến lễ. Từ Lavabo mượn trong Thánh Vịnh 25, từ câu 6. Trong khi rửa tay, linh mục đọc: "Lạy Chúa, con rửa tay nói lên lòng vô tội, và con đi vòng quanh bàn thờ Chúa..." (Sách lễ Ðức Giáo Hoàng Piô V). Ý nghĩa của cử chỉ này là: lúc sắp dâng lễ hy tế Thánh Thể, linh mục xin Thiên Chúa thanh tẩy mình: "Lạy Chúa, xin rửa con sạch mọi lỗi lầm và thanh tẩy con sạch mọi tội lỗi". Sau khi chuẩn bị lễ vật và nhất là sau khi xông hương, việc rửa tay hẳn cũng là một việc cần thiết.

Rước Kiệu
(= Procession)
Trong tiếng La tinh processio có nghĩa là việc tiến bước (procedere), đi ra một cách long trọng. Phụng vụ huy động tất cả con người để tôn vinh Thiên Chúa. Vì vậy, những hoạt động của thân xác cũng là một phần không thể thiếu trong việc tôn vinh này. Việc xếp hàng đi rước không chỉ là hoạt động thuần túy con người, nhưng còn là biểu tượng cho việc con người đang tiến về Thiên Chúa. Ðối với các Tổ Phụ, việc "Cùng đi với Thiên Chúa" (St 5,24; 6,9; xc. Lc 24,15-32) hay "Bước đi trước nhan Người" (St 17,1), đó không phải là cách nói để chỉ tình trạng hoàn hảo đó sao? Cuộc xuất hành lại không phải là một kinh nghiệm tiêu biểu của Israel sao? Trong Tin Mừng, đối với Ðức Kitô, "đi theo Người" là thái độ của người môn đệ hoàn hảo. Trong các cuộc rước phụng vụ, tất cả cộng đoàn, hoặc ít nữa là một số người rước phụng vụ, tất cả cộng đoàn, hoặc ít nữa là một số người trong cộng đoàn, cùng nhau lên đường gặp gỡ Thiên Chúa: có thể rước ở đầu thánh lễ, khi dâng lễ phẩm (xc. Lễ vật; Tế phẩm) và nhất là khi rước lễ. Việc rước nến ngày 2 tháng 2 (xc. Dâng Chúa vào Ðền Thánh) rõ ràng gợi lại việc lên đường gặp Ðức Kitô.
Trong đa số các tôn giáo, các cuộc rước nhằm qui định một không gian linh thánh, khử trừ việc chiếm hữu của các thế lực sự dữ và xin Thiên Chúa che chở (xc. Gs 6). Cuộc rước cầu mùa, rước trong nghi thức rước rảy nước thánh những nơi luật định tại các đan viện (đặc biệt là vào Chúa Nhật 1 Mùa Vọng), và cả những cuộc cung nghinh Thánh Thể (xc. Lễ Mình Thánh Chúa; Than1h Thể) cũng phải được hiểu theo chiều hướng đã được trình bày trên.

Rượu Nho
(= Vin)
Trong tiếng La tinh, vinum có nghĩa là thành quả của cây nho và lao công của con người, theo những lời nguyện chuẩn bị lễ vật trong phần Thường lễ. Ðể được dùng trong cử hành Thánh Thể, rượu phải được làm từ nước cốt lên men một cách tự nhiên và phải tinh chất (xc. Hình, Thánh Thể).

S

Sách Lễ
(= Missel)
Tiếng La tinh missale chuyển dịch sang tiếng Việt là Sách lễ, tức là cuốn sách để cử hành hay tham dự thánh lễ. Sách lễ của chủ tế không có các bài đọc trong thánh lễ.
Có lẽ giáo dân chưa được khích lệ đủ để sử dụng sách lễ theo tinh thần canh tân phụng vụ của Công Ðồng Vaticanô II. Sách lễ gồm phần lớn là Kinh Thánh. Ngoài ra, Sách lễ còn có lời cầu nguyện và thánh ca của Hội Thánh, nên sách lễ là một thứ lương thực đặc biệt cho đời sống Kitô hữu.
Khi không thể tham dự thánh lễ mỗi ngày, tín hữu có thể đọc và suy niệm "phần lương thực" mỗi ngày mà Hội Thánh đã dọn sẵn: mỗi tín hữu tìm thấy trong sách lễ của ăn phù hợp với đời sống đức tin của mình và thấy mình được hướng dẫn trong việc cầu nguyện nhờ Hội Thánh là Mẹ các tín hữu. Người ta cảm thấy đơn độc khi đặt mình trước bộ Kinh Thánh. Nhưng với sách lễ, người ta nhận được từ Hội Thánh lương thực hàng ngày cho đời sống kitô hữu, vì sách lễ từng bước giúp ta hiểu Kinh Thánh và biết cầu nguyện.

Sách Nguyện
(= Bréviaire)
Tiếng La tinh bréviarium nghĩa là tóm tắt, rút gọn. Việc hát kinh thần vụ trong cung nguyện đòi hỏi phải dùng nhiều sách: sách điệp ca, sách thánh vịnh, sách xướng đáp, sách hát khi rước kiệu, sách các lời nguyện, sách bài đọc, sách thánh thi, sách bài giảng... Từ thế kỷ thứ IX, xuất hiện các "Sách nguyện rút gọn" hoặc sách tóm tắt các giờ kinh Phụng Vụ của các kinh sĩ, để cho giáo dân sử dụng. Có lẽ người ta cũng soạn một vài tập sách gồm các phần chính của kinh thần vụ để tiện dùng cho các đan sĩ không thể đến cung nguyện được.
Chương 50 trong tu luật Biển Ðức có ghi: "Các anh em bận rộn làm việc trong một thời gian khá dài không thể đến nguyện đường theo giờ ấn định, và khi viện phụ xác nhận đúng như vậy, thì những anh em đó sẽ chu toàn "Công trình Thiên Chúa" (Thần vụ) ngay tại nơi làm việc, với lòng tôn kính Thiên Chúa và trong tư thế quì gối. Cũng vậy, những người lữ hành cũng không bỏ các giờ kinh phụng vụ đã qui định, nhưng phải chu toàn theo mức độ có thể trong hoàn cảnh đặc biệt của mình, đừng chểnh mảng trách vụ này".
Sách nguyện, theo như cách gọi hiện nay, chỉ xuất hiện khi có luật buộc các giáo sĩ phải đọc kinh Thần Vụ (thế kỷ XI-XII), loại sách nguyện này trở nên phổ biến đồng thời với sự phát triển của các dòng hành khất ở thế kỷ XIII. Là những người sống nay đây mai đó, các tu sĩ Ða Minh và Phan Sinh phải mang theo các bản văn kinh Thần Vụ để đọc. Khi đó, các sách nguyện trở thành một cuốn sách thu tóm tất cả các yếu tố của giờ kinh phụng vụ, không cần ghi nốt nhạc. Qua các thế kỷ, kinh Thần Vụ dần dần mất đi ý nghĩa toàn vẹn, vốn được soạn ra để hát trong các cộng đoàn tu trì và các thánh đường. Phần lớn các linh mục và tu sĩ quen dần với việc thi hành nghĩa vụ ca tụng Thiên Chúa bằng cách đọc sách nguyện một mình. Ngay từ đầu, có lẽ anh em Dòng Tên đã được chuẩn miễn khỏi mọi cử hành thần vụ trong cung nguyện. Chỉ còn các nhà thờ chính tòa và nhà thờ có Kinh Sĩ Hội cũng như các tu viện tiếp tụ cử hành các giờ kinh công cộng và có những phần được hát.
Công đồng Vaticanô II cải tổ phụng vụ và kêu gọi tôn trọng việc đọc kinh nguyện đúng theo giờ giấc - nghĩa là không đọc tất cả các giờ kinh liền một lúc - và phải cố trù liệu để cử hành trong bầu khí cộng đoàn, bằng cách cho các tín hữu tham dự. Ngày nay người ta hay dùng cách gọi "các giờ kinh phụng vụ", thay vì "sách nguyện", đó là một dấu hiệu đáng mừng.

Sám Hối (Bí Tích)
(= Pénitence)
Con người luôn ý thức một cách tương đối rõ rệt về sự dữ trong thế giới và nơi bản thân mình: các nghi thức sám hối hay hòa giải đóng một vai trò khá quan trọng trong các tôn giáo, điều này được chứng tỏ qua các bản văn cầu xin ơn tha thứ. Mặc khải Cựu Ước nói đến nhiều khuôn mặt nổi bật đã thực hành sám hối - đặc biệt là vua Ða vít (2V 12,13; Tv 50; xc. 2S 24,10) - và cũng có nhiều công thức tự thú nổi tiếng (Nkn 9; Ðn 9,4-19; và rải rác trong các thánh vịnh). Duy Ðức Giavê mới có thể tha thứ. Người biểu lộ việc tha thứ tội lỗi qua lời các tiên tri, nhưng cũng qua hành động của Người nơi mỗi tâm hồn và qua các việc kỳ diệu Người thực hiện cho Dân tỏ lòng sám hối.
Tội lỗi của Dân cứ kéo dài, bất chấp cả Giao Ước, khiến cho niềm trông đợi Ðấng Cứu Thế ngày càng trở nên mãnh liệt, vì chỉ có Ðấng ấy mới thực sự có thể ban cho dân một quả tim mới (xc. Ez 36,26). Khi Ðức Giêsu, Ðấng Cứu Thế, xuất hiện, Người đã nhận mình là chính Ðấng tha thứ tội lỗi, và Ngài đến để trao ban quyền tha thứ cho những kẻ Người tuyển chọn (Mt 9,1-8). Quả thế, thánh Phêrô và các Tông Ðồ đã được quyền cầm buộc và tha tội (Mt 16,19; 18,18; Ga 20,23).
Lịch sử việc thực hành bí tích Sám Hối hay Hòa Giải trong Hội Thánh thật phức tạp. Ban đầu, bí tích này chỉ dành cho những tội nặng và công khai, bao gồm việc thú tội và hòa giải được thực hiện trước cộng đoàn, bí tích này chỉ được lãnh nhận một lần. Dần dần, việc sám hối lại áp dụng cho những tội hoàn toàn kín, và được nhận thường xuyên. Năm 1215, công đồng Latran IV ấn định phải xưng tội hằng năm. Nếu bí tích Sám Hối cần thiết để phục hồi ân sủng sau khi người tín hữu cắt đứt tình thân với Thiên Chúa do việc phạm tội nặng, thì cũng rất nên lãnh bí tích Sám Hối ngay cả khi không phạm tội "chết" (tội trọng) chống lại Tình Yêu; việc thực hành Sám Hối trong trường hợp này cốt để nuôi dưỡng sự tinh tế trong tình bằng hữu. Trong tinh thần đó, các tu sĩ phải lo xưng tội thường xuyên theo như Hội Thánh nhắc nhở.
Là sự nối lại tình thân, việc sám hối phục hồi mối dây liên kết hối nhân với Thiên Chúa và Hội Thánh. Nhưng hành vi của hối nhân là: ăn năn tội cách trọn, tức là những tâm tình đau đớn vì đã xúc phạm đến Thiên Chúa và anh chị em, việc xưng tội, việc đền tội do linh mục đề nghị. Hiển nhiên việc ăn năn tội cách trọn là quan trọng nhất và giúp thông hiệp vào ân sủng của Thiên Chúa. Tha tội là hành vi của linh mục, đại diện Thiên Chúa và Hội Thánh. Vì thế, phụng vụ sám hối hàm chứa sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và một phần tử của Dân Người (xc. Phụng vụ) nhằm phục hồi và củng cố Giao Ước vì lợi ích của hối nhân, và như thế cũng là lợi ích của cả Hội Thánh.
Qui luật hiện hành về việc sám hối đã dự liệu 3 hình thức để cử hành bí tích sám hối: cử hành sám hối cá nhân được thực hiện giữa hối nhân và linh mục; cử hành sám hối cộng đồng với việc xưng tội và tha tội cho từng cá nhân; và việc cử hành sám hối cộng đồng với việc xưng tội và tha tội tập thể trong những trường hợp do luật định. Khi áp dụng hình thức thứ ba, các hối nhân nên nhớ rằng sau đó, họ phải xưng tội nặng với một linh mục. Các tín hữu nên thực hành bí tích Sám Hối cá nhân xen kẽ với sám hối cộng đồng theo một nhịp độ thích hợp, vì cả hai hình thức này bổ túc lẫn nhau.

Sáng Lập (Vị)
(= Fondateur)
Tiếng La tinh fundator nghĩa là người đặt nền tảng. Lễ mừng vị thánh sáng lập Hội Thánh địa phương (thường là giáo phận) hay một gia đình tu trì được cử hành như lễ trọng. Ngoài khu vực chính tòa của giáo phận, lễ này mừng theo bậc lễ kính (xc. Lịch phụng vụ; Lễ riêng).

Sát Hạch
(= Serutin)
Tiếng La tinh scrutinium, nghĩa là việc lục lọi, truy tìm, tra xét (scrutari). Trong Kitô giáo cổ thời, vào Mùa Chay, việc chuẩn bị lãnh bí tích Thánh Tẩy có một vài lễ nghi chuẩn bị, được gọi là sát hạch nghĩa là thẩm xét ý hướng của những người dự tòng để xem tâm hồn đã sẵn sàng chưa và cử hành các nghi thức trừ tà cho họ. Luật hiện hành về việc ban bí tích Thánh Tẩy cho người lớn còn giữ lại ba lần sát hạch, thường được ấn định vào các Chúa Nhật 3, 4 và 5 Mùa Chay. Các lần sát hạch được tiến hành trong thánh lễ Chúa Nhật, sau bài giảng và gồm một lời nguyện thầm, một lời nguyện cộng đồng cho các người dự tòng và nghi thức trừ tà.

Sinh Nhật (Lễ)
(= Nativité)
Trong năm phụng vụ, Hội Thánh cử hành ba lễ sinh nhật: sinh nhật Ðức Giêsu (25/12), sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả (24/06), và sinh nhật Ðức Mẹ (8/09). Hai lễ sinh nhật sau qui chiếu về lễ sinh nhật thứ nhất (xc. Giáng sinh).

Sống (Sự)
(= Vie)
Theo giáo huấn của thánh Phaolô (Rm 1,9; 12,1; Pl 3,3), toàn bộ cuộc sống Kitô hữu là một cuộc cử hành phụng vụ, hiểu theo nghĩa đó là một cuộc dâng tiến lên Thiên Chúa tất cả cuộc đời của mình trong sự kết hợp với Ðức Kitô. Một cuộc sống mang chiều kích phụng vụ như thế không thể thực hiện được nếu không có những tác động phụng vụ đúng nghĩa, tức là những hành động cô đọng đời sống của Hội Thánh trong mọi chiều kích: người Kitô hữu được sinh ra trong bí tích Thánh Tẩy, trưởng thành trong bí tích Thêm Sức, được nuôi dưỡng trong bí tích Thánh Thể, được tẩy luyện trong bí tích Sám Hối; bí tích Truyền Chức đem lại cho Hội Thánh những vị đại diện xứng đáng của Ðức Kitô, còn bí tích Hôn Phối thánh hóa đời sống gia đình, bí tích Xức Dầu chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ chung cuộc với Chúa. Như vậy, cách này khay cách khác, đời sống Kitô hữu không ngừng đi từ việc cử hành phụng vụ này đến việc cử hành phụng vụ khác. Theo giáo huấn của công đồng Vaticanô II: "Phụng vụ là tột đỉnh qui hướng mọi hoạt động của Hội Thánh, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Hội Thánh" (PV số 10).
Chính sự phong phú của các tác động phụng vụ đã khiến các tác động này không thể làm nên toàn bộ cuộc sống Kitô hữu trên trần gian. Mọi nỗ lực để cất lời ca tụng vĩnh cửu (laus perennis) đều đã thất bại, vì như thế là rơi vào cơn cám dỗ muốn tạo lập phụng vụ thiên quốc ngay tại trần gian này mà thực ra bây giờ mới chỉ là bước khai mào. Cá nhân và cộng đoàn cùng hoạt động một lúc, ở mức độ cao nhất, trong mối tương quan sống động với Thiên Chúa, là một điều hầu như không tưởng đối với tâm lý hữu hạn của chúng ta. Vì vậy, thật là xứng hợp khi việc cầu nguyện cá nhân và việc chiêm niệm chuẩn bị hay tiếp nối việc cử hành phụng vụ dưới mọi hình thức. Chỉ trong Giêrusalem thiên quốc thì phụng vụ mới là tất cả cuộc sống của những người được chọn, là những người nhờ sự kết hiệp với Ðức Kitô và ân huệ của Thánh Thần, được tham dự vào dòng chảy đối lưu hai chiều của tình yêu Ba Ngôi.

Suy Tôn Thánh Giá
(= Exaltation De La Sainte Croix)
Ðây là việc tôn kính Thánh Giá, khí cụ đem lại ơn cứu độ, và tôn vinh Ðức Kitô: "Phần Tôi, một khi được giương cao lên khỏi đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi" (Ga 12,32). Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày cử hành cuộc thương khó và cái chết của Ðức Kitô trên Thập Giá, còn ngày 14 tháng 9 là lễ Suy Tôn cây Thánh Giá, trên đó Ðức Kitô đã chịu khổ hình và chịu chết vì chúng ta.
Theo lịch sử, lễ này có liên hệ với việc cung hiến vương cung thánh đường Ngôi Mộ Thánh mà hoàng đế Constantin cho xây cất ở Giêrusalem năm 335. Thánh dường này xây trên đồi Canvê, trên Mộ Ðức Kitô để tôn kính cái chết và sự phục sinh của Chúa. Lễ này cũng nhắc lại biến cố năm 630 hoàng đế Héraclius, chiếm lại được Thánh Giá trước đó đã bị người Ba Tư giữ làm chiến lợi phẩm ở Giêrusalem: Thánh Giá đó được chính hoàng đế Héraclius long trọng rước về mộ thánh.
Cuối giờ Kinh Chiều của ngày lễ này, người ta có thói quen tôn thờ Thánh Giá và ban phép lành bằng di tích Thánh Giá đó.

T


Tạ Ơn

(= Eucharistic)

Từ Hy Lạp eucharistie có nghĩa là lòng tri ân. Từ này bao gồm tiếp đầu ngữ eu, diễn tả điều thiện, và danh từ charis nghĩa là ơn sủng. Trước hết, tạ ơn là lời cám ơn Thiên Chúa vì biết bao ân huệ của Người, nhất là trong các bữa ăn. Người Do Thái coi những lời chúc tụng này có một tầm quan trọng đặc biệt vì đó là những "lời hay ý đẹp" để đáp lại những "việc tốt lành" của Thiên Chúa. Như thế, đây là nơi gặp gỡ giữa hai chiều kích bổ túc nhau trong phụng vụ: công trình của Thiên Chúa được đáp ứng bằng công trình của cộng đoàn nhân loại; sáng kiến của Thiên Chúa được đáp lại bằng lời tạ ơn của con người.

Từ ngữ tạ ơn của Kitô giáo phát xuất từ lời chúc tụng của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly: "Rồi Người cầm tấm bánh, dâng lời tạ ơn (eucharistèsas)" (Lc 22,19; 1Cr 11,24; xc. Mt 26,27; Mc 14,23). Trong khung cảnh bữa ăn Vượt Qua là bữa ăn hiến tế gắn liền với việc sát tế chiên và tưởng nhớ cuộc giải phóng khỏi Ai Cập, Chúa Kitô thực hiện trước việc dâng hiến trọn vẹn thân mình Người làm hy tế cứu độ, và thiết lập lễ tưởng niệm của Giáo Ước mới.

Trong cất cả các tôn giáo, bữa ăn được linh thiêng hóa: đó là một tác động trung tâm, trong đó cộng đoàn nhân loại chính thức nhìn nhận sự tồn tại của mình là nhờ thần linh; và ngược lại, trong bữa ăn đó, cộng đoàn cũng góp phần vào "lương thực" thần linh bằng cách dâng lại cho thần thánh một phần các ân huệ nhận được từ các ngài. Trong lễ hy tế, Thiên Chúa và con người là những "thực khách", nghĩa là hai bên thông hiệp vào cùng một sự sống. Hy lễ toàn thiêu mà khi cử hành người ta thiêu đốt toàn bộ lễ vật làm thành làn hương thơm dâng lên Thiên Chúa (St 8,21), diễn tả một sự chuyển dời - một cuộc vượt qua - của tế vật và qua đó, cả người tế lễ nữa, từ thế giới phàm tục bước vào thế giới thần linh.

Ðó là ý nghĩa các nghi thức hiến tế bánh không men (của những người định canh, như ông Cain) và hiến tế chiên của những bộ lạc du mục, như ông Abel), khi những nghi thức đó trở thành "Cuộc tưởng niệm biến cố giải phóng khỏi Ai Cập, tưởng niệm lễ Vượt Qua. Israel ra khỏi nhà tôi mọi bên Ai Cập chỉ là để cử hành "sự phục vụ" cao cả của Giavê: dân Israel trở thành dân Hiền Thê của Thiên Chúa trong nghi lễ phụng vụ trang trọng của Giao ước, vào ngày "được triệu tập". Hiến tế của Giao ước Xinai (Xh 24), xét về nhiều điểm, là "hình ảnh tiên trưng" của hy tế Giao Ước mới trên đồi Canvê. Khi Môsê rẩy máu hiến tế trên dân, sau khi đã đổ một phần trên bàn thờ, tượng trưng cho Thiên Chúa, Ông đã chẳng nói "Ðây là máu Giáo Ước Ðức Chúa đã lập với anh em" (Xh 24,8) đó sao? Ta hãy so sánh với Mt 26,28: "Người trao cho các môn đệ và nói: "Ðây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội". Ðức Kitô là người Tôi Tớ Ðau Khổ, Ðấng công chính hóa nhiều người nhờ việc rảy máu của Người" (Is 52,15 trong bản văn Hípri 52,11.12; xc. Phục vụ).

Sau khi ký kết Giao Ước, ông Môsê và các kỳ mục trong dân Israel lên núi Xinai và một cách nào đó, họ được đến chiêm ngắm Thiên Chúa của dân Israel: "Dưới chân Người như có nền lát bằng lam ngọc, trong vắt như chính bầu trời. Người không ra tay hại những bậc vị vọng của Israel. Họ được chiêm ngưỡng Thiên Chúa, và sau đó họ ăn uống" (Xh 24,10-11). Nhờ hy lễ của Giao Ước mới, Giáo Ước không chỉ cho phép chúng ta ăn uống trước mặt Thiên Chúa nhưng còn ăn và uống thịt, máu của Con Người (Ga 6,52), chúng ta được tham dự vào đời sống vĩnh cửu, đời sống của Chúa Con trong tương quan mật thiết với Chúa Cha (6,54-57). Khi thiết lập lễ Tạ Ơn trong bữa Tiệc Ly, Ðức Giêsu đã thực hiện trước hy tế Canvê và chứng tỏ rằng "mọi hy tế trong Giao Ước cũ đã được thành toàn" (kinh Tiền Tụng V mùa Phục Sinh). Lúc bắt đầu bữa ăn Vượt Qua, lời chúc tụng khi nâng chén thứ nhất (chưa phải chén tạ ơn) qui hướng tất cả việc cử hành nghi lễ về bữa tiệc cánh chung trong nước Thiên Chúa (Lc 22,16). Ðang khi dùng bữa và khi người ta rót chén thứ hai, vị chủ tọa nói mấy lời giáo huấn hoặc đọc bài Haggadah (bài giáo huấn trong nghi thức Vượt Qua của người Do Thái) để nhấn mạnh rằng bữa ăn Vượt Qua hiện thực hóa cuộc giải phóng khỏi nước Ai Cập mà lúc này đây họ đang làm lễ tưởng niệm. Chính vào lúc này Ðức Giêsu phải giải thích cho các tông đồ biết rằng Người là Con Chiên Vượt Qua đích thực, là bánh không men đích thực, là Người Tôi Tớ tự hiến mình làm lễ tế để thiết lập giao ước mới; trong Tin Mừng Gioan, các diễn từ tiệc ly nói lên điểm chính yếu trong các chủ đề của ông. Vào lúc người ta sắp sửa bắt đầu phần chính trong bữa ăn, vị chủ tọa đọc lời chúc tụng - một lời tạ ơn - trên bánh không men. Chính vào lúc này. Ðức Giêsu thêm: Ðây là mình Thầy, hy sinh vì anh em" (Lc 22,19). Cuối bữa ăn, người ta chúc tụng khi nâng chén thứ ba, Ðức Giêsu thêm: "Chén này là Giao Ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em" (Lc 22,20). Lời chúc tụng khi nâng chén thứ tư mở đầu cho phần hát các thánh vịnh Hallel (Nhóm thánh vịnh ca tụng. Tv 112-117), được hát sau khi kết thúc bài Haggadah (xc. Mc 14,26).

Vì được đặt trong khung cảnh những lời chúc tụng bằng thánh vịnh và trong khung cảnh một bữa ăn hiến tế, nên lễ tạ ơn bao hàm ý nghĩa của hy tế Canvê, hành vi của tình yêu tột cùng của Ðức Kitô đối với Chúa Cha và đối với các kẻ thuộc về Người (Ga 14,31 và 13,1). Sau khi lễ tế độc nhất trên thập giá đã được thực hiện (Dt 9,26.28; 10,10), lễ Tạ Ơn vẫn luôn là bí tích của hiến tế Canvê, là lễ tưởng niệm hy tế đó. Khi Ðức Giêsu nói: "Hãy làm như Thầy vừa làm mà tưởng nhớ đến Thầy" (Lc 22,19; 1Cr 11,24-25). Ngài qui chiếu vào cơ cấu lễ tưởng niệm của Israel; "tưởng niệm", đó là thiết lập được một mối dây xuyên suốt quá khứ, hiện tại và tương lai, bằng cách hiện thực hóa quá khứ trong hiện tại để hướng đến tương lai (xc. Chu kỳ Phụng vụ; Lịch sử Cứu độ). Chứng kiến Mình và Máu Ðức Giêsu tách rời nhau trên bàn thờ, chúng ta trở nên những người đồng thời với hiến tế của Người, được mời gọi dâng hiến thân mình như Người: đồng thời chúng ta cũng tham dự vào bàn tiệc Nước Trời, bởi vì chính Ðức Kitô quang vinh đang tự hiến mình làm lương thực cho chúng ta. Lễ Tạ Ơn hiện thực hóa hy tế Canvê, và cũng là một lời mời gọi nhớ đến Chúa Cha để Người hoàn tất Công Trình của Người, bằng cách thực hiện cuộc đăng quang cuối cùng của Chúa Con, cuộc đăng quang đó sẽ dẫn đưa chúng ta vào cõi phúc vinh quang. "Hãy làm việc này để Thiên Chúa nhớ đến tôi", đó quả thực là một ám chỉ về một lời nguyện trong nghi thức Haggadah, lời nguyện này, trong mỗi lần cử hành lễ Vượt Qua, là lời cầu xin Thiên Chúa để "Ngài nhờ đến Ðấng Cứu Thế", nghĩa là xin cho ngày quang lâm của Ðấng Cứu Thế mau đến, thánh vịnh cuối cùng của nhóm thánh vịnh Hallel (Tv 117,25-29) đã chẳng gợi lên một cuộc rước đón chào Ðấng Cứu Thế như một lời dự báo đó sao? Quả thực, Ðức Giêsu, Ðấng Cứu Thế và cũng chính là hiện thân của Giao Ước, đã đến trong tư thế của một vị Thiên Chúa làm người. Người đã đóng ấn trong máu của Người một Giao Ước mới và vĩnh cửu. Tuy nhiên, công trình cứu độ của Người sẽ chỉ hoàn tất trong cuộc đăng quang cuối cùng.

Về phía Thiên Chúa, tất cả đã hoàn tất. Nhưng với chúng ta thì không như thế. Khi hiến mình làm ân ban trong lễ Tạ Ơn, Ðức Kitô mang lại cho Hội Thánh khả năng tiến bước ngày một sâu hơn vào kỳ công của tình yêu: đón nhận Chúa Con nơi Cha, đón nhân từ Chúa Cha và Chúa Con một Thánh Thần duy nhất, cũng chính là Thánh Thần được phó dâng trên Thánh Giá; và như thế Hội Thánh trở thành Hiền Thê của Chúa Con, Hội Thánh hướng về Chúa Cha trong vận hành của Thánh Thần, Ðấng làm cho Hội Thánh đi cho đến cùng con đường của tình yêu. Như thế, Thánh Thần hiện diện ở trung tâm cuộc trao đổi Thánh Thể - Admirabile commercium, cuộc trao đổi kỳ diệu - và đó không phải là điều đáng ngạc nhiên, vì Thánh Thần đã được ban tặng cho chúng ta như Hòm Bia của cuộc sống vĩnh cửu, của cõi phúc vinh quang, nơi đó Người là mối tương quan ngôi vị giữa Chúa Cha và Chúa Con.

Lễ Tạ Ơn là bí tích của một hy tế, là chóp đỉnh của toàn thể phụng vụ, nên lễ Tạ Ơn bao gồm tất cả Mầu Nhiệm mà Hội Thánh cử hành trong sự hiệp nhất với thiên quốc. Tất cả mọi bí tích, tất cả các phụ tích, tất cả mọi Giờ Kinh Phụng Vụ đều qui hướng về lễ Tạ Ơn, đây là nguồn mạch và là tuyệt đỉnh của tất cả đời sống Hội Thánh, của tất cả Công Trình Thiên Chúa. Trong việc cử hành trung tâm này, Hội Thánh thực sự gặp gỡ Thiên Chúa của mình, và mỗi người con của Hội Thánh thể hiện trọn vẹn bản chất của mình. Trong tư cách chứng nhân của Công Trình Thiên Chúa, các tín hữu đã được thanh tẩy - thêm sức thể hiện năng lực của mình trong việc lặp lại lời Amen (xin vâng) đối với Giao Ước và với Vinh Quang Thiên Chúa; trong khi đó, các thừa tác viên có chức thánh lại bày tỏ chính Chúa Kitô theo những cách thức khác nhau, như là vị Thượng Tế (các vị giám mục và cả các linh mục là những người tham dự vào chức tư tế của giám mục) và như người phục vụ (các phó tế) và như vậy bảo đảm được tính cách khách quan trong việc thực hiện kiệt tác của tình yêu là bí tích Thánh Thể. Hiệp nhất với vị tư tế, cộng đoàn phụng vụ là Hiền Thê gắn bó với Lang Quân, tức là Người Con luôn qui hướng về Cha: Thánh Thần là nguồn sinh lực của toàn bộ sự duy nhất hữu cơ này.



Tam Nhật

(= Triduum)

Tiếng La tinh triduum có nghĩa là khoảng thời gian ba ngày (tres: 3, dies: ngày). Tam Nhật Vượt Qua là trọng tâm của năm phụng vụ, bắt đầu từ thánh lễ chiều thứ Năm Tuần Thánh cho đến hết ngày Chúa Nhật Phục Sinh. Ba ngày này diễn ra từ bữa Tiệc Ly cho đến ngày Phục Sinh, đó là ba ngày mà Chúa vẫn thường nhắc tới trong Tin Mừng (xc. Mt 12,40; 26,61; Ga 2,19), và làm thành Mầu Nhiệm Vượt Qua (xc. Thứ Năm Tuần Thánh; Thứ Sáu Tuần Thánh; Thứ Bảy Tuần Thánh; Lễ Phục Sinh).

Tam Nhật cũng dùng để chỉ ba ngày cầu nguyện khẩn thiết hơn để tạ ơn Thiên Chúa, nhằm một ý hướng riêng biệt nào đó... Nhưng những thực hành này do lòng sốt sắng cá nhân hoặc của quần chúng hơn là do phụng vụ.



Tang Lễ

Trong tiếng La tinh, obsequiae bắt nguồn từ động từ obsequere, nghĩa là biểu lộ lòng tôn kính hoặc cảm tình đối với một người nào đó. Tang lễ là toàn bộ các nghi thức dùng để tôn kính những người đã qua đời, đặc biệt là phần rước thi hài (xc. Chết; An táng; Nghi thức an táng).



Tấm Ðậy Chén Thánh

(= Pale)

Trong tiếng La tinh, palla nghĩa là áo choàng, khăn quàng. Ðây là một tấm bìa cứng bọc vải trắng, hình vuông, dùng đậy chén thánh trên bàn thờ để ngăn bụi hoặc côn trùng đậu vào.



Tân Tòng

(= Néophyte)

Tiếng Hy Lạp, neophytos nghĩa là vừa mới trồng (neo: mới; phutos: cây). tân tòng là những người vừa mới được Thánh Tẩy, được sinh ra trong đời sống của Thiên Chúa, và được khai tâm vào các mầu nhiệm (xc. Khai tâm; Mầu nhiệm).



Tẩy Rửa (Nghi Thức)

(= Lustration / Ablution)

Trong tiếng La tinh, lustratio nghĩa là sự thanh tẩy nhờ hy lễ xá tội, hy lễ này được gọi là lustrum. Ðộng từ luere, từ đó phát xuất từ ngữ lustrum, nghĩa là tháo cởi, tha bổng, đền tội. nghi thức tẩy rửa là một sự thanh tẩy theo nghi thức, thông thường bằng nước (xc. Tẩy rửa).



Tế Phẩm

(= Oblats)

Trong tiếng La tinh, Oblatus là quá khứ phân từ của động từ offere (dâng hiến, tiến dâng). Trong phụng vụ, tế phẩm chỉ bánh và rượu, dùng để dâng trong Hy Lễ Tạ Ơn. Khi có thể, ta dâng các tế phẩm ấy cách trọng thể cho vị chủ tế, bằng một nghi thức đi rước trong phần tiến lễ. Sau khi đọc các công thức chúc tụng trên bánh và rượu, và trong một số trường hợp, sau khi đã xông hương tế phẩm, linh mục hát (hay đọc) lời nguyện trên lễ vật (xc. Lễ vật).

Tiền Tụng (Kinh)
(= Préface)
Tiếng La tinh praefacio có nghĩa là bước mở đầu, lời nói đầu, khai mào (prae: trước; fair: nói). Kinh Tiền Tụng là mở đầu Kinh Tạ Ơn, là phần mở đầu long trọng của việc tạ ơn Chúa Cha. Dẫn vào Kinh Tiền Tụng là lời đối thoại cổ kính Susum corda (Hãy nâng tâm hồn lên) và tiếp theo Kinh Tiền Tụng là bài hát "Thánh Thánh Thánh". Tất ả các Kinh Tiền Tụng đều theo cùng một mẫu:
1. Một lời chúc tụng, tạ ơn đã thành công thức, dâng lên Chúa Cha nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng ta;
2. Lý do tạ ơn được việc cử hành này nhấn mạnh;
3. Dẫn vào kinh "Thánh Thánh Thánh". Ðây cũng là một kinh đã thành khuôn mẫu cố định. Phần có thay đổi trong Kinh Tiền Tụng - phần trung tâm - là một bản tóm tắt đặc biệt về mầu nhiệm được cử hành. Khi thu thập các công thức riêng của khoảng 80 Kinh Tiền Tụng có trong sách lễ Rôma, người ta có được một bản tóm tắt phong phú về mầu nhiệm của Giao Ước mà Hội Thánh vẫn luôn cử hành.

 Tiến Chức
(= Ordinand)
Tiếng La tinh ordiandus có nghĩa người sắp được truyền chức. Trong nghi lễ truyền chức, vị tiến chức là người sắp được truyền chức giám mục, linh mục, phó tế.

Tiến Lễ
(= Offertoire)
Tiếng La tinh offertorium nghĩa là lúc dâng bánh và rượu để trở thành Mình và Máu Thánh Ðức Kitô. Ðúng hơn phải gọi là phần chuẩn bị lễ vật, có ý nhấn mạnh rằng việc dâng hy tế Thánh Thể cốt yếu là lúc đọc Lễ Qui hay Kinh Tạ Ơn. Trong sách Ca Tiến Cấp, bài ca tiến lễ là một bài ca hát theo nhạc Ghê-gô-ri-ô để hát trong cuộc rước, lúc các tín hữu dâng cho vị chủ tế và các thừa tác viên những lễ vật để thánh hiến hoặc những lễ vật khác. Bài hát này, thường là một trong những bài hát hay nhất của mục lục sách hát, có thể được lặp đi lặp lại khi rước lễ vật, xen kẽ với những câu xướng cần thiết trích từ thánh vịnh, giống như trong trường hợp đi rước lúc nhập lễ hay hiệp lễ.

Tiến Sĩ (Thánh)
(= Docteur)
Trong tiếng La tinh, doctor nghĩa là người dạy học (docere). Hội thánh tặng tước hiệu "tiến sĩ" cho một số vị thánh đã đặc biệt bảo vệ, làm rạng rỡ, và đào sâu giáo thuyết Kitô giáo. Mới đây có hai vị thánh nữ được phong tước hiệu này, đó là thánh Catarina Xiêna và thánh Têrêsa Avila. trong thánh lễ cũng như trong các Giờ Kinh Phụng Vụ, có phần chung kính các thánh tiến sĩ.

 Tiếng Hát
(= Chant)
Trong các kiểu diễn tả của nhân loại, tiếng nói là một loại cấp độ cao, giá trị cao. Phát xuất từ lời nói, nhưng tiếng hát mang lại cho lời nói sự diễn cảm phong phú: hợp với lời nói, tiếng hát có thể tiếp sức và mang lại chiều kích đích thực cho tất cả tình cảm nhân loại. Việc cầu nguyện, nhất là cầu nguyện chung, luôn cần đến tiếng hát. Thánh Âu Tinh nói: "Hát hay tức là cầu nguyện hai lần". Hát chung, đồng giọng hay dị giọng, biểu lộ và cổ võ sự duy nhất tâm hồn. Nếu phụng vụ là tác động toàn diện, chính thức nối kết hoạt động cộng đồng của con người với sự sống của Thiên Chúa, thì một cuộc cử hành trọn vẹn phải có tiếng hát, là lối diễn tả đặc biệt của tâm hồn con người. Kinh thần Vụ long trọng là một cử hành kiểu mẫu, trong đó các cử điệu và tiếng hát có thể đạt đến cao điểm: phần tinh túy nhất của con người được dâng hiến để làm vinh danh Chúa.
Thánh Âu Tinh còn nói: "Ai yêu thì hát". Trong phụng vụ, Dân Thiên Chúa được tháp nhập vào sự sống thần linh, rung động và nhảy mừng bằng tất cả con người. Hiền thê của Ðức Kitô nói lên niềm hoan lạc, nỗi khát khao hay sự đau khổ trong tình yêu của mình bằng cách sử dụng thánh vịnh, là các bài ca được linh ứng. Bắt nguồn từ lời cầu nguyện của thánh vịnh, âm nhạc Ghê-gô-ri-ô là lối hát riêng của phụng vụ Rôma (PV 116), là loại ca nhạc có cùng bản chất với nền văn minh Tây Phương. Bài hát đa âm của Ðông Phươg được đặc biệt ưa chuộng, vì dễ hát. Tất cả các bài ca phụng vụ đều có thể sử dụng được, miễn là chúng giúp cầu nguyện nhờ nét đẹp của chúng, như thánh giáo hoàng Piô X đã nói, và miễn là mọi tín hữu có thể tham dự vào cách này hay cách khác.

Tím (Màu)
(= Violet)
Trong phụng vụ, màu tím là màu của thời gian sám hối (mùa Vọng, mùa Chay). Người ta cũng sử dụng màu tím trong lễ cầu Mùa, nghi thức sám hối, cũng như trong nghi thức an táng.

Tin (Nhân Ðức)
(= Foi)
Trong tiếng La tinh, fides nghĩa là sự tin tưởng. Là việc gắn bó trọn vẹn con người nơi Thiên Chúa, Ðấng ban tặng chính mình. Ðức tin bao gồm nhưng lại vượt qua sự tán thành các biểu thức đức tin. trong tình bằng hữu, hai người bạn cùng tự ký thác cho nhau. Ðiều hai người có thể nói với nhau một cách khách quan phát xuất từ tình bằng hữu và củng cố tình bạn đó. Phụng vụ là cách thực hành đức tin trọn vẹn nhất, hoàn hảo nhất, vì phụng vụ là hành vi của cộng đoàn gắn bó với Thiên Chúa của Giao Ước (xc. Tin kính; Tín điều; Phụng vụ; Giao ước; Công đoàn Phụng vụ).

Tin Kính (Kinh)
(= Credo)
Trong tiếng La tinh, credo có nghĩa là tôi tin, đây là từ đầu tiên của Kinh Tin Kính (xc. Biểu tượng; Kinh Tin Kính). Kinh Tin Kính là tổng hợp các biểu thức của đức tin, một hình thức cô đọng niềm tin Kitô giáo. Kinh Tin Kính đầu tiên chính là lời của người mù từ lúc mới sinh trả lời câu hỏi của Chúa "Anh có tin Con Người không?"; Sau khi được chữa lành, anh ta nói: "Thưa Ngài, tôi tin" (Ga 9,26-38). Cũng vậy, khi cử hành nghi thức soi sáng trong bí tích Thánh Tẩy, gồm có ba lần dìm vào bể nước (theo nghi thức cổ xưa), người cử hành bí tích hỏi trước mỗi lần dìm rằng: "Anh có tin Thiên Chúa là Cha toàn năng không? Anh có tin Ðức Giêsu Kitô không? Anh có tin Ðức Chúa Thánh Thần không?" Mỗi lần như vậy, người dự tòng trả lời: "Tôi tin". Trong nghi thức Vọng Phục Sinh, khi nhắc lại lời tuyên tín thánh tẩy, vị chủ tế cũng đặt những câu hỏi như vậy.
Như thế, Kinh Tin Kính có nguồn gốc từ phụng vụ và nghi thức Thánh Tẩy; Kinh Tin Kính chỉ là sự triển khai những câu hỏi trong nghi thức Thánh Tẩy. Ban đầu, Kinh Tin Kính là dấu hiệu để các Kitô hữu nhận ra nhau, là đá thử vàng để bảo vệ sự duy nhất của đức tin, rồi Kinh Tin Kính trở thành cao điểm của những xác quyết tín lý, nhất là tại công đồng Nicea (325) và công đồng Côn-tăng-ti-nốp (381).
Nếu như Kinh Tin Kính mang lại đời sống thần linh cho người chịu Thánh Tẩy, xét như là lời vâng đáp lại công trình của Chúa Thánh Thần, thì người ta hiểu rằng, trong thánh lễ, sự lặp lại lời kinh đó của cộng đoàn cũng mang lại một đời sống thiêng liêng mới. Vì vậy, trong các lễ Chúa Nhật và lễ trọng, phải đọc Kinh Tin Kính. Người ta có thể dùng bản kinh của các Tông Ðồ (bản vắn) hoặc Kinh Tin Kính của công đồng Nicea và Côn-tăng-ti-nốp (bản dài, dùng trong thánh lễ).

Tin Mừng
(= Evangile)
Tiếng hy Lạp eu-aggélion có nghĩa là Tin Mừng. Từ ngữ này được viết ngay câu đầu tiên của Tin Mừng theo thánh Marcô, tóm tắt Tin Mừng cứu độ được Ðức Giêsu loan báo và thực hiện. Tiếp đến, từ ngữ Tin Mừng còn để chỉ 4 cuốn sách tường thuật về đời sống, sự chết và sự phục sinh của Ðức Giêsu, làm nên chóp đỉnh của toàn bộ Thánh Kinh. Hội Thánh luôn tỏ lòng tôn trọng đặc biệt đối với các sách Tin Mừng.
Trong thánh lễ, cao điểm của phần phụng vụ Lời Chúa là bài Tin Mừng được long trọng công bố. Lúc đó, mọi người phải lắng nghe như nghe chính Ðức Giêsu loan báo Tin Mừng cứu độ. Người công bố Tin Mừng là phó tế, hoặc nếu không có phó tế, thì là chính linh mục. Chính vì tính cách cao trọng, nên trong phụng vụ, Tin Mừng chỉ được công bố bởi một thừa tác viên có chức thánh. Thêm vào đó, để nói lên lòng tôn kính tương xứng đối với Lời của Ðức Kitô, sách Tin Mừng được đặt ngay trên bàn thờ. Chính tại đó, phó tế đến nhận sách Tin Mừng để long trọng cung nghinh tới giảng đài với người cầm nến cao và bình hương đi trước. Trước khi đọc bài Tin Mừng theo ngày lễ, phó tế chào cộng đoàn, và công bố bài đọc. Phó tế vẽ dấu thánh giá trên sách Tin Mừng, trên trán, trên miệng, và trên ngực. Lúc đó, giáo dân đứng lên và cũng làm dấu thánh giá. Phó tế xông hương sách Tin Mừng và bắt đầu hát hay đọc bài Tin Mừng, với ánh sáng đèn nến kèm theo, tượng trưng Ðức Kitô là ánh sáng trần gian. Kết thúc bài Tin Mừng là lời tung hô của cộng đoàn đáp lại lời mời gọi của phó tế. Và, để trân trọng một lần nữa, phó tế hôn kính sách Tin Mừng.
Trong nghi lễ Truyền Chức, sau nghi thức đặt tay và lời nguyện thánh hiến, phó tế cung kính đến nhận sách Tin Mừng. Lúc đó, đức Giám Mục nói: "Thầy hãy nhận lấy Tin Mừng Ðức Kitô mà thầy có nhiệm vụ công bố".
Trong nghi lễ tấn phong giám mục, trước nghi thức đặt tay và lời nguyện thánh hiến, vị giám mục chủ phong đặt sách Tin Mừng mở sẵn trên đầu vị thụ phong đang quì gối, để ám chỉ rằng Chúa Thánh Thần ngự trên vị thụ phong, vì Người đã xức dầu tấn phong, sai đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó (Mc 4,18; Is 61,1).Giám mục là người có đủ thẩm quyền loan báo Tin Mừng, noi theo cung cách Ðức Kitô. Chính giám mục ban cho phó tế được tham dự vào sứ vụ này.

Tín Ðiều
(= Dogme)
Tiếng Hy Lạp dogma nghĩa là ý kiến, quyết định, do động từ dokein có nghĩa là đánh giá, xét đoán. Trong Hội Thánh Công Giáo, tín điều là một đề mục, hay là một yếu tố cốt thiết của Ðức Tin Kitô Giáo. Mỗi định tín mới đều chỉ là diễn tả cách chính thức một chân lý đã hàm chứa trong đức tin. Có nhiều tín điều, như tín điều Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, đã được cử hành trong phụng vụ trước khi được các công đồng định tín, theo như một ngạn ngữ thần học: Lex orandi, les credendi, nghĩa là luật cầu nguyện của phụng vụ là qui luật cho đuứ tin (xc. Ðức tin; Kinh Tin Kính).

Tín Hữu
(= Fidèle)
Tín hữu là những người có niềm tin (fides), những người tín thác vào Thiên Chúa của Giao Ước. Khi gắn bó với Chúa Kitô như hiền thê gắn bó với hôn phu, các tín hữu tạo thành Dân của Giao Ước mới. Nhờ dấu ấn của Chúa Kitô họ lãnh nhận khi chịu Thánh Tẩy và Thêm Sức, các tín hữu có đủ tư cách để cử hành phụng vụ. Họ đặc biệt diễn tả và nuôi dưỡng đức tin khi qui tụ thành cộng đoàn để "chúc tụng Ðấng đã kêu gọi họ từ bóng tối bước vào ánh sáng tuyệt diệu của Người" (1Pr 2,9). Như vậy, họ có thể cảm nghiệm Thiên Chúa thành tín như thế nào (1Cr 1,9; 10,13; 2Cr 1,18; 1Tx 3,3) (xc. Ðức tin; Cộng đoàn; Linh mục; Tư tế).

Tòa
(= Chaire)
Ban đầu, đó là ngai của giám mục trong những dịp cử hành phụng vụ long trọng: đây là tòa chủ tọa, tòa giảng dạy, biểu tượng của quyền giám mục. Ngày 22 tháng 2 hằng năm, có lễ kính Tòa Thánh Phêrô tại Rôma. Giáo chủ Rôma là Ðức Giáo Hoàng, vì người kế vị thánh Phêrô, thủ lãnh Tông Ðồ đoàn, trên ngai tòa Rôma tức là Tòa Thánh (xc. Ðức thánh cha; Rôma; Ngai).
Sau này, người ta cũng gọi là tòa một ghế ngồi được nâng cao và trang hoàng đặt ở giữa lòng nhà thờ, phía bên trái giảng đài. Ðó là nơi để giảng giải.
Ngày nay người ta lấy lại thói quen cổ xưa là giảng ở giảng đài hay ghế chủ tọa.

Tòa Ðặt Tranh Thánh
(= Icônostase)
Trong các nhà thờ Ðông Phương, tòa đặt tranh thánh là một cái vách ngăn cao, ngăn cách lòng nhà thờ với cung thánh và là nơi để treo những ảnh thánh hướng về phía lòng nhà thờ. Tranh thánh quí trọng nhất thường là Ðấng Cứu Thế (đôi khi là tranh Chúa Ba Ngôi) được đặt ở phía phải của Cửa Thánh. Cửa thánh được mở ra giữa tòa đặt tranh thánh. Ở phía trái thường đặt tranh của Ðức Mẹ Thiên Chúa (xc. Tranh thánh).

Tòa Thánh
(= Saint - Siège)
(xc. Tòa; Ðức thánh cha; Rôma)

Toàn Xá
(= Jubilé)
Tiếng Do Thái yôbél nghĩa là sừng cừu đực, và từ đó chuyển sang tiếng La tinh là Iubilaeus. Tại Israel, năm toàn xá được cử hành mỗi 50 năm, khởi đầu bằng một tiếng tù và - làm bằng sừng cừu. Do đó, từ iubilaeus có nghĩa là dịp vui, mùa mở hội. trong năm toàn xá, mọi nợ nần đều được ân xá, mỗi người được trở về phần đất hương hỏa của mình, trong khi đất được nghỉ ngơi để phục hồi, đến nỗi người ta không gieo trồng gì trong năm đó.
Sách Lêvi viết: "Các ngươi phải tính bảy tuần năm, nghĩa là bảy lần bảy năm, thời gian của bảy tuần năm đó là 49 năm. Tháng thứ bảy, ngày mồng mười trong tháng, các ngươi sẽ thổi tù và trong toàn xứ của các ngươi. Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm thánh, và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Ðối với các ngươi, đó là thời kỳ toàn xá: mỗi người sẽ trở về dòng họ của mình" (Lv 255,8-10).
Với sự xuất hiện của Ðấng Thiên Sai, năm hồng ân đích thực của Thiên Chúa được công bố (xc. Is 61,2; Lc 4,19) theo nghĩa chính Người là sự phóng thích toàn diện, là ơn cứu chuộc (xc. 1Cr 1,30) nhờ Thánh Thần người ban cho Hội Thánh (xc. Ngũ tuần). Do ý định của Ðức Kitô, Hội Thánh trở thành người quản lý kho tàng ơn cứu độ (xc. Ân xá). Ðể đáp ứng kịp thời hơn với tình trạng đặc trưng của con người là càng ngày càng giảm đi lòng hăng say (xc. Chu kỳ phụng vụ), các đức giáo hoàng đã thiết lập việc cử hành năm toàn xá trong Hội Thánh. Năm thánh đầu tiên được cử hành vào năm 1300, với đặc điểm là việc ban phát rộng rãi ơn tha thứ tội lỗi và các hệ lụy theo sau. Khoảng cách ban đầu giữa các năm thánh là 100 năm, nhưng dần dần giảm bớt chỉ còn 25 năm. Năm toàn xá được cử hành với nhiều nghi lễ đặc biệt tại Rôma và trong toàn Hội Thánh. Nhưng ý nghĩa của năm thánh chỉ được thể hiện đầu đủ trong các bí tích Sám Hối và Thánh Thể.
Ngày kỷ niệm 50 năm tuyên khấn lần đầu - hay kim khánh - được đánh dấu bằng việc long trọng lặp lại lời khấn này trong nghi lễ phụng vụ, và nếu có thể, nên cử hành trong thánh lễ (xc. Tuyên khấn).

Tôn Giáo
(= Religion)
Trong tiếng La tinh religio có nghĩa là chú ý tỉ mỉ, tôn thánh. Nguyên thủy, tôn giáo hệ tại việc đón nhận những phong tục tập quán của một cộng đoàn nhân loại trong đó mình là phần tử. Những nghi thức cho thấy đối tượng chính yếu của lòng tôn kính đối với những phong tục của cộng đoàn, bởi vì các nghi thức đó có liên quan tới điều thánh thiêng. Từ tôn giáo thường được sử dụng để chỉ toàn bộ các hành vi và phong cách giữ cho con người có được mối tương quan với điều thiêng thánh. Trái lại, theo nghĩa thứ nhất, từ này đi liền với những nghi thức. Hiện nay người ta có khuynh hướng cá biệt hóa hoặc tri thức hóa tôn giáo.
Thực ra, hoạt động có tính cách nghi thức là cách diễn tả cốt yếu ưu tiên của sinh hoạt tôn giáo. Quả vậy, nếu tôn giáo bao gồm tín ngưỡng và luân lý, thì chỉ trong môi trường phụng vụ, tôn giáo mới được thể hiện trọn vẹn, không phải chỉ có tính cách cá nhân và nội tâm, nhưng còn có tính cách cộng đoàn và ngoại tại. Giáo lý và qui luật sống hoàn toàn có liên hệ với các nghi thức thánh thiêng (xc. Vaticanô II: về những tương quan của Hội Thánh với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, số 2). Phụng vụ là lời tuyên xưng đức tin trọn vẹn nhất. Tuy nhiên, những đòi hỏi luân lý Kitô giáo phải được hiểu vừa như là chuẩn bị, vừa như là kéo dài đời sống phụng vụ.

Tôn Kính
(= Dulie)
Trong tiếng Hy lạp douleia có nghĩa là sự làm tôi, nô lệ. Muốn hiểu từ ngữ này, cần trở về với quan niệm phục vụ theo nghĩa kép trong tiếng Hípri: Thiên Chúa đã giải phóng Dân Người khỏi ách nô lệ Ai Cập để đưa về địa vị phục vụ Ðức Chúa. trong ngôn ngữ thần học, tôn kính là việc phụng tự dành cho các thánh: đó là thái độ kính trọng, phó thác, gắn bó, được diễn tả bằng nhiều cách phục vụ, kinh nguyện và cử chỉ đạo đức. Các ngày lễ và các hành vi phụng vụ khác nhằm biểu dương các thánh cho thấy toàn bộ việc tôn kính này. Riêng đối với đức Maria, có việc biệt kính để tôn vinh Người. Việc tôn kính ở đây khác hẳn với việc tôn thờ, thờ lạy, chỉ dành cho một mình Thiên Chúa. Thực tế, trong phụng vụ, giữ được sự phân biệt này quả là một vấn đề tế nhị về mục vụ, bởi vì đôi khi việc tôn kính vẫn có những kiểu cách thái quá.

Tôn Thờ
(= Latrie)
Trong tiếng Hy Lạp latreia có nghĩa là phục vụ. Từ này chỉ công việc phục vụ có tính cách phụng vụ dành cho một mình Thiên Chúa, tức là việc thờ lạy. Còn tôn kính là việc phục vụ có tính cách phụng vụ dành cho các thánh. Biệt kính là thái độ tôn kính đối với Ðức trinh Nữ Maria.

Tông Ðồ
(= Apôtre)
Trong tiếng Hy Lạp apostolos có nghĩa là được sai đi. Ðể tiếp nối sứ mạng của mình. Ðức Kitô đã chọn mười hai Tông Ðồ (xc. Mt 10; Ga 17,18.20.21). Sau khi Chúa thăng thiên, ông Matthia được chọn để thay thế ông Giuđa, kẻ phản bội (Cv 1,15-26). Lễ kính các Tông Ðồ trải dài suốt năm phụng vụ. Ngoài các phần riêng của mỗi vị, người ta còn dùng phần chung các Tông Ðồ. Mùa Phục Sinh, có phần chung đặc biệt. Thánh Phaolô (xc. 1Cr 15,1) là người được Truyền Thống của Hội Thánh gọi là Tông Ðồ, và được mừng kính chung với thánh Phêrô vào ngày 29 tháng 6, thánh Máccô và thánh Luca, tác giả sách Tin Mừng, cũng như thánh Bácnaba, đều được phụng vụ mừng như những thánh Tông Ðồ.

 Tổng Nguyện (Kinh)
(= Collecta)

Tổng Nguyện là lời nguyện đầu tiên trong ba lời nguyện của thánh lễ. Ðây cũng là lời nguyện độc nhất được Giờ Kinh Phụng Vụ sử dụng lại. Sở dĩ gọi là tổng nguyện bởi vì lời nguyện này thu góp và hợp nhất những lời cầu xin khác nhau của các tin hữu thành một lời nguyện duy nhất. Linh mục nhân danh cộng đoàn đang qui tụ dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện của mọi người đã được cô đọng lại.
Ðể cộng đoàn chú ý đến phần vụ của lời tổng nguyện, nên đọc lời nguyện này sau khi đã thinh lặng trong chốc lát. Trong thời gian thinh lặng này, mỗi người có thể âm thầm thành hình những lời xin riêng, trước khi vị chủ tế gom lại thành một bó duy nhất. kết thúc lời tổng nguyện, mọi người thưa Amen tỏ ý chấp thuận những lời linh mục vừa đọc.

Tu Viện
(= Convent)
Tiếng La tinh conventus nghĩa là cộng đoàn. Ban đầu, trong các đan viện, conventus là việc các tu sĩ tụ họp để cử hành phụng vụ. Dần dần từ ngữ này không còn có nghĩa là việc các tu sĩ họp để cử hành công trình của Thiên Chúa, nhưng có nghĩa là nơi các tu sĩ cư ngụ (xc. Cộng đoàn phụng vụ; Cộng đoàn).

Tủ Ðựng Áo Lễ
(= Chapier)
Tủ hình bán nguyệt, có nhiều ngăn kéo để xếp các áo choàng. Từ này còn dùng để chỉ những người mặc áo choàng, họ có nhiệm vụ giúp chủ tế, và không buộc phải có chức thánh. Ngày nay không còn những người như thế này nữa.

Tuần Bát Nhật
(= Octave)
Tiếng La tinh octavus có nghĩa là thứ tám. Các đại lễ của dân Israel thường được cử hành suốt một tuần và ngày thứ tám kết thúc những ngày lễ ấy một cách trọng thể. Trong sách Lêvi có ghi những chỉ dẫn như sau: "Ngày 15 tháng thứ Bảy là lễ Lều, kính Ðức Chúa trong vòng bảy ngày. Ngày đầu tiên, phải họp nhau để thờ phượng Ta, các người không được làm một công việc nặng nhọc nào. Trong vòng 7 ngày, các ngươi phải tiến dâng lễ hỏa tế lên Ðức Chúa. Ngày thứ 8 các ngươi phải họp nhau để thờ phượng Ta, các ngươi không được làm một công việc nặng nhọc nào" (Lv 23,34-36; xc. 2Sbn 7,9).
Trong phụng vụ của Hội Thánh, ngày thứ 8 vẫn là ngày thánh kết thúc một đại lễ, nhưng tiếng octavus cũng chỉ cả tám ngày mừng lễ. Ngày nay chỉ có Tuần Bát Nhật lễ Giáng Sinh và lễ Phục Sinh. Ngày thứ tám của lễ Giáng Sinh là ngày 1 tháng 1, lễ trọng Kính Ðức Maria Mẹ Thiên Chúa; ngày thứ tám của lễ Phục Sinh là ngày Chúa Nhật Áo Trắng (xc. Áo trắng dài; hay Chúa nhật Quasimodo hoặc Chúa nhật II Phục sinh).

Tuần Thánh
(= Semaine sainte)
Tuần lễ chủ yếu của năm phụng vụ, bắt đầu từ Chúa nhật lễ Lá đến Chúa nhật Phục sinh, để cử hành đặc biệt hơn các biến cố trong những ngày cuối cùng của Chúa Giêsu, tức là cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người. Trong tuần lễ trọng đại này, tam Nhật Vượt Qua là những ngày quan trọng nhất.

Tung Hô
(= Acclamation)
Tác động ngắn và đồng thanh của cộng đoàn để bày tỏ bằng miệng lòng nhiệt thành ưng thuận đối với các công việc đang được thực hiện. Ngoài các câu đáp lại lời chào của chủ tế, tiếng Amen ở cuối các lời nguyện, các câu tung hô chính được xếp sau các bài đọc, trước và sau bài Tin Mừng, sau mỗi ý nguyện trong lời nguyện cộng đồng, trước lời Tiền Tụng, sau Truyền Phép, cuối vinh tụng ca của Lễ qui, sau kinh Khấn xin tiếp theo sau Kinh Lạy Cha, sau phép lành của linh mục và lời giải tán cộng đoàn. Ðó là với thánh lễ. Còn trong các Giờ Kinh Phụng Vụ, cũng có những tác động tương tự (xc. Ðáp ca; câu xướng đáp).
Không nên quá đề cao - cần dè dặt và lưu ý xứng hợp - tầm quan trọng của cách tham dự bằng ngôn từ được lặp đi lặp lại này, vốn là phần dành riêng cho giáo dân. Mỗi lần như vậy, họ bày tỏ sự ưng thuận đối với Công trình Thiên Chúa đang được hoàn tất trong phụng vụ, và về phần mình, họ đáp lại sáng kiến của Thiên Chúa được các thừa tác viên giới thiệu cho họ.

Tuyên Khấn
(= Profession)
Tiếng La tinh professio có nghĩa là hành vi tuyên bố một cách công khai (profiteri kép bởi: pro: trước, và fateri: xưng, thú). Toàn bộ phụng vụ là một lời tuyên xưng, một lời tuyên bố công khai niềm tin Kitô giáo của mình. Ðối với mỗi người Kitô hữu, việc tuyên xưng đức tin tuyệt hảo nhất là lời tuyên xưng khi chịu Thánh Tẩy, hay lời công nhận cá nhân và long trọng các lời hứa của bí tích Thánh Tẩy, vào tuổi thích hợp. Mỗi năm, vào đêm Vọng Phục Sinh, mọi tín hữu đều được mời gọi lặp lại lời tuyên xưng đức tin khi chịu Thánh Tẩy. Vào các ngày Chúa Nhật và lễ trọng, việc hát hoặc đọc Kinh Tin Kính thực sự là một lời "tuyên xưng đức tin".

Nhưng từ professio áp dụng vào đời tu còn là công bố những lời khấn hứa chính yếu của đời tu, đó là thanh bần, thanh khiết và tuân phục. Hình thức tuyên khấn khác nhau tùy theo mỗi hội dòng qui định. Việc tuyên khấn không phải là một bí tích, bởi vì việc tuyên khấn nhằm khai triển trọn vẹn ý nghĩa của bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức (do đó, có truyền thống gọi việc tuyên khấn là lần Thánh Tẩy thứ hai), nhưng đó là một trong những nghi lễ phụng vụ quan trọng của Hội Thánh. Thông thường, các tu sĩ tuyên khấn trong thánh lễ sau bài diễn giảng Tin Mừng. Sau những câu hỏi vẫn quen dùng để khấn sinh bày tỏ quyết định tự do, khấn sinh sẽ phủ phục, trong khi đó cộng đoàn hát kinh Cầu các Thánh để cầu nguyện cho người ấy. Việc tuyên khấn đúng nghĩa là lúc khấn sinh đọc lời tuyên khấn đã được công nhận đúng theo luật. Sau đó bề trên nhận lời khấn đọc một công thức chúc lành (hoặc thánh hiến) trọng thể, và người vừa tuyên khấn lãnh nhận tu phục hoặc một dấu hiệu của đời tu, nếu trước đó chưa có nghi thức này. Trên đây là nghi lễ tuyên khấn vĩnh viễn. trong trường hợp khấn tạm, cũng vẫn có bấy nhiêu nghi thức chính yếu, nhưng được đơn giản hóa và bỏ kinh cầu Các Thánh. Người ta cũng dự liệu một nghi lễ thật đơn giản cho việc khấn lại hằng năm.Nghi thức Ngân Khánh, Kim Khánh khấn dòng (xc. Toàn xá) lấy lại điểm chính yếu của việc khấn dòng.

Tuyên Úy
(= Chapelaine)
Tuyên úy là vị linh mục phụ trách một nguyện đường - còn gọi là cha tuyên úy. trong các nghi lễ đại trào, từ này dùng để chỉ những người giúp nguyện đường của giám mục, giáo hoàng: người cầm gậy, cầm mũ và người mang sách.

Tư Tế (Chức)
(= Sacerdoce)
Tiếng La tinh sacerdotium nói lên tình trạng của vị tư tế, bắt nguồn từ tiếng la tinh sacerdos nghĩa là tư tế. Tư tế là người được ban tặng điều hành linh thánh, nên cũng là người có thể ban phát của thánh. Cũng như sự linh thánh là đặc tính của những gì liên quan đến Thiên Chúa, thì chức tư tế nói lên sự gần gũi thần linh.
Trong các tôn giáo, chức tư tế hay chức năng tư tế hệ tại trọng trách và đặc tính tiếp xúc với những gì thần thiêng. Tư tế là người phụ trách việc thánh. Trong giao ước cũ, các tư tế cũng là những người được tới gần Thiên Chúa (Xh 3,5; Lv 9,7tt; 21,17.21; Xh 44,15...) để đón nhận lời Người và chuyển lại cho dân chúng, đồng thời để dâng lên Thiên Chúa lễ tế của dân Israel (Ml 2,7; Xh 29,24.26). Tuy nhiên, từ giao ước Xinai, Thiên Chúa muốn làm cho dân Người thành một vương quốc tư tế (Xh 19,6; xc. 1Pr 2,9), nhờ thế mà toàn Dân Hôn Thê đó được nối kết với đời sống của Thiên Chúa và như vậy đón nhận được điều thánh thiêng làm sản nghiệp. Tuy nhiên, vì một mặt dân riêng là dân tội lỗi, mặt khác vì cần những dấu chỉ sống động về sự hiện diện sinh động của Thiên Chúa, nên đối với họ, nên sự có mặt của các tư tế rất cần thiết.
Cộng đồng sự sống giữa Thiên Chúa và Dân Người đã được nói lên ở Xinai qua việc dùng cùng một thứ máu của các con vật được hiến tế để đổ trên bàn thờ và rẩy trên dân chúng (Xh 24,5-8). Giao ước mới được niêm ấn trong chính máu của Ðức Giêsu, Ðấng là Thiên Chúa thật và là người thật, vì vậy, Giao ước đó bảo đảm cho chúng ta một sự tiếp cận hoàn hảo với điều thánh thiêng là chính sự sống của Thiên Chúa.
Chức tư tế của Ðức Giêsu, vị Thượng tế theo phẩm hàm Menkisêđê, bắt nguồn từ sự hạ sinh vĩnh cửu của Người, với tư cách là Con từ trong cung lòng Chúa Cha, đúng như lời thư gửi tín hữu Do Thái (6,5-6), một nơi duy nhất trong Tân Ước nói tới Ðức Kitô như vị tư tế.
Nhờ Người, Ðấng chính là Lời Thiên Chúa (1,3) và là Ðấng, qua hiến tế của mình, làm cho việc cứu độ nên hoàn hảo, những người đã chịu Thánh tẩy có thể tiến về với Thiên Chúa (7,25) và vào trong cung thánh (10,19). Việc tới gần Thiên Chúa là đặc ân riêng của các tư tế, nay cũng là đặc ân của họ (xc. 12,22).
Chức tư tế của cộng đồng Dân Chúa là khả năng tới gần Thiên Chúa và thông hiệp vào đời sống của Người nhờ sự kết hiệp của họ với Ðức Kitô với tư cách là Hiền Thê và là Thân Mình. Ðược đồng hình đồng dạng với Ðức Kitô qua các dấu ấn Thánh Tẩy và Thêm Sức, họ sống đời đời sống thần linh, chủ yếu nơi phụng vụ, trong khi chờ đợi sự hoàn tất Giáo Ước nơi Giêrusalem thiên quốc.
Tại trần thế, để Hội Thánh được bảo đảm tiến gần tới Thiên Chúa và kết hiệp với Ðầu, Ðức Kitô đã trối lại cho Hội Thánh những dấu chỉ sống động về tình yêu của Người. Ðức Giám Mục - mà ngay từ những thế kỷ đầu đã được gọi là linh mục (sacerdos) - trong Hội Thánh, là sự hiện diện hữu hình của Ðức Kitô, Ðấng đã ban quyền cho Người. Tham dự vào chức tư tế của Giám Mục, các linh mục cũng có thể hành sự nhân danh Ðức Kitô, để thay thế vị giám mục đã sai phái mình. Trước cộng đồng Dân Chúa, linh mục là Ðức Kitô, nhất là khi cử hành bí tích Thánh Thể, hành động trung tâm trong đó Người cử hành điều linh thánh.
Như thế ta hiểu được chức tư tế thừa tác của giám mục và các cộng sự viên là để phục vụ cho chức tư tế cộng đồng: các vị là những dấu chỉ sống động của Hôn Phu, đồng thời làm cho Hôn Thê được kết hiệp với Ðức Kitô, và như vậy, tiến bước vào đời sống thần linh.
Phụng vụ, như định nghĩa của Công Ðồng Vaticanô II, là thực thi chức vụ tư tế của Ðức Giêsu Kitô, một chức vụ qua đó Ðức Kitô luôn liên kết với Hội Thánh là Hiền Thê rất quí yêu của Người (PV số 7). Vậy phụng vụ là đỉnh cao và là nguồn mạch (xc. số 10) của đời sống Hội Thánh, từ đó xuất phát tất cả năng lực của sự sống thần linh trong Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần, rồi lại trở về đó, khởi từ Chúa Cha và tiến về Chúa Cha.

Tư Thế
(= Position)
Phụng Vụ dẫn đưa toàn thể con người đến gặp gỡ Thiên Chúa. Vì thế, phụng vụ cũng bao gồm những tư thế thích hợp của thân xác. Các tư thế chính được đưa vào phụng vụ là: đứng, ngồi, quì (xc. Quì gối), đôi khi cũng có cả tư thế phủ phục. Ðó là những tư thế cố định, ngoài ra còn các tư thế kah1c của toàn thể thân xác (xc. Cử điệu).

Từ Biệt (Nghi Thức)
(= Absolute)
Tiếng La tinh absolvere, nghĩa là tháo cởi, xá giải. Ðây là phần kết thúc nghi thức phụng vụ thánh lễ an táng ở thánh đường. Nghi thức này gồm một bài ca khẩn nài Thiên Chúa xá giải tất cả tội lỗi cho người qua đời (kinh Libera). Sau đó, rẩy nước thánh và xông hương thi hài. Ở nghĩa trang cũng có thể làm nghi thức tương tự. Trong sách nghi thức an táng mới, thường gọi là "Lời Từ Biệt cuối cùng hoặc Lời Nhắn Nhủ sau hết" (xc. Từ Biệt lần cuối).

 Từ Biệt Lần Cuối
(= Adieu dernier)
Ðây là nghi thức phụng vụ kết thúc nghi lễ an táng tại thánh đường. Ðây là giây phút long trọng, gia đình và cộng đoàn chào thi hài người quá cố một lần cuối, trước khi đem chôn. Nghi thức này gồm có một bài hát từ biệt, rảy nước thánh và xông hương thi hài, cuối cùng là lời nguyện. Nghi lễ này không nhằm cầu cho người quá cố được giải thoát khỏi tội lỗi và các phần phạt do tội lỗi gây nên (xc. Cầu hồn) - dĩ nhiên không loại trừ ý hướng cầu xin đó - cho bằng để tỏ thái độ kính trọng thi hài người quá cố, một thi hài trước đây đã được thánh hóa nhờ các bí tích và dù có những yếu đuối, thi hài đó cũng là Ðền Thờ của Chúa Thánh Thần (1Cr 6,19) (xc. Quá cố).

Tử Ðạo
(= Martyre)
Tiếng Hy Lạp martus có nghĩa là chứng nhân. Vị tử đạo là chứng nhân tuyệt hảo, vì đã tuyên xưng niềm tin đến độ hy sinh mạng sống mình. Ðó là người noi gương một cách tuyệt hảo Ðức Kitô Giêsu, Ðấng đã làm chứng trước tòa tổng trấn Phông-xi-ô Phi-la-tô bằng một lời tuyên xưng cao đẹp (1Tm 6,13), Ðấng đã được sách khải huyền gọi là vị chứng nhân trung thành (1,5). Các vị tử đạo là những vị thánh được phụng vụ của Hội Thánh mừng đầu tiên, hoặc như người ta quen nói, được đưa lên bàn thờ (xc. Tôn kính). Các đồ trang hoàng trong phụng vụ mang màu đỏ để tưởng nhớ việc các vị vì Thiên Chúa mà chịu đổ máu. Các sách phụng vụ đều có phần chung các thánh tử đạo và một mẫu riêng dùng trong mùa phục sinh.

Tưởng Nhớ (Việc)
(= Mémorial)
Tiếng La tinh memoriale tương ứng với zikharon trong tiếng Hípri và anamnesis trong tiếng Hy Lạp (hoặc mnemosunon). Mỗi từ trên đều có ý diễn tả hành vi phụng vụ, nhắc cho cộng đoàn họp nhau để cử hành giao ước nhớ lại kỷ niệm của Thiên Chúa (St 8,1; 9,15; 19,29; Xh 2,24; 6,5; 28,12.29; 39,7; Lv 2,2.9.16; Ds 5,15; 10,9tt; 1V 17,18; 18,26.29; Lc 1,54.55.72). Kỷ niệm của Dân được nối kết với kỷ niệm của Thiên Chúa: việc tưởng nhờ thực sự hiện tại hóa những kỳ công làm nên Giao Ước.
Ðối với ngoại giáo, không có vấn đề Lịch Sử Cứu Ðộ. Dòng thời gian trôi qua làm sống động lại ký ức về thời khai nguyên, về thời hoàng kim ban đầu, lúc các thần hoạt động. Thế giới xuất phát từ thời huyền thoại đó do một quá trình suy thoái. Ðể giữ cho mọi vật không bị hư hại, các hành vi phụng tự tái lập quãng thời gian của con người và vũ trụ trong sự sung mãn của thời khai nguyên. Ðó là huyền thoại về chu kỳ vòng tròn vĩnh cửu, được tác động nhờ các chu kỳ phụng tự, căn cứ vào chu kỳ của trời đất. Có những dòng triết lý lớn, từ Platon tới Spinoza, Leibniz và Hegel, đã lấy lại lược đồ phân tán - hội tụ này. Mặc khải Do Thái - Kitô giáo không thể chấp nhận những quan niệm lưu xuất này, ít nhiều mang tính chất phiếm thần; những quan niệm ấy du nhập vào thần tính cái chu kỳ tất yếu của sự thoái hóa và phục hồi.
Trong Kitô giáo, Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch và tận cùng của muôn vật muôn loài. Nhưng việc Người sáng tạo nên muôn vật hoàn toàn do ý Người muốn. Việc sáng tạo đó không có tính cách tất yếu đòi buộc Người và cũng không làm tiêu hao Người bất cứ cách nào. Như vậy, khởi nguyên cũng như cùng tận của việc sáng tạo nằm ở ngoài thời gian, ngoài lịch sử. Nhưng thời gian của các thụ tạo lại đi theo một hướng thẳng chứ không theo vòng tròn. Con người sống trên trần gian phải lệ thuộc dòng thời gian kế tiếp: cái hiện tại của con người giả thiết có một quá khứ và chuẩn bị tương lai. Khi Thiên Chúa tự do quyết định thiết lập những mối quan hệ đặc biệt với cộng đoàn nhân loại, Người phải thực hiện những hành vi như thể những hành vi đó nằm trong thời gian, đồng thời lại vượt quá phạm vi hoàn toàn có tính cách thời gian. Kế hoạch Giao Ước của Người không chỉ nhắm đến những con người, nhưng là cả một Dân Tộc: nó hàm chứa một lịch sử, nghĩa là một dòng thời gian kế tiếp nhau, được triển khai qua nhiều thế hệ.
Khi Ðức Chúa thiết lập quan hệ với Israel trên núi Xinai, thì hành vi lịch sử này rõ ràng được thực hiện trong thời gian, nhưng lại vượt quá phạm vi của thời gian. Kế hoạch của Thiên Chúa là duy nhất, cũng như hành vi và hữu thể của Người không phan biệt nhau: chính vì thế, trọn vẹn hành vi giao ước của Thiên Chúa luôn đón nhận và hoàn tất những giao ước trước đó, và hàm chứa những giao ước sẽ được thực hiện trong tương lai (xc. Giao ước; Lịch sử Cứu độ). Là sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa với Dân Người để cử hành Giao Ước (xc. Phụng vụ), phụng vụ nối kết cộng đoàn con người, trong chính hành vì gặp gỡ, với kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa; và có thể nói thấm nhập vào diễn tiến của lịch sử.
Mọi hành vi phụng tự đều hiện tại hóa trong Giao Ước hiện tại, Giao Ước trước kia và tham dự trước vào giao ước hoàn hảo hơn sẽ đến. Giao Ước trên núi Xinai kiện toàn không những các giao ước với các tổ phụ, nhưng cả giao ước với ông No-e là nền tảng được tỏ bày trong tôn giáo ngoại giáo, xét trong những gì các tôn giáo đó gìn giữ được đúng đắn trong mối liên hệ với Thiên Chúa. Ngược lại, nhờ hoạt động của các ngôn sứ, giaoước Xinai được phụng vụ hiện tại hóa sẽ mỗi ngày mỗi dẫn đưa giao ước ấy tới một giao ước mới vĩnh cửu. Những người Israel đạo hạnh nhất, những người đã thực sự gặp gỡ Thiên Chúa trong phụng tự của họ một cách nào đó mà họ không biết, đã được tham dự trước vào giao ước mới này.
Khi Ðức Giêsu, là Thiên Chúa thật và là con người thật, hiến dâng Giao Ước mới bằng chính Máu mình trên đồi Canvê, thì thời cuối cùng đã điểm (Cv 2,17). Hy lễ tạ ơn sẽ hiện tại hóa cho các tín hữu Giờ trọng tâm của Lịch Sử Cứu Ðộ, khi cho họ tham dự trước cái thời điểm cuối cùng này được hoàn tất trên Giêrusalem thiên quốc, khi Thiên Chúa nhớ đến Ðấng Mê-si-a hầu cho Người xuất hiện trong Ngày Quang Lâm. Ðó chính là nội dung của bài điệp ca Kinh Chiều II lễ Thánh Thể: Ôi yến tiệc rất thánh, Chúa Kitô thành lương thực nuôi ta: đó chính là việc tưởng nhớ Người đã chịu thương khó, tâm hồn ta được tràn đầy ân sủng của Người, và vinh quang mai hậu đã được ban xuống cho Ta; Hallêluia. Ðó là ý nghĩa trọn vẹn của lệnh Ðức Giêsu truyền trong bữa Tiệc Ly: "Anh em hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy" (Lc 22,19; 1Cr 11,24.25).
Nếu việc tưởng niệm theo phụng vụ chỉ có trong ký ức của con người, có lẽ nó cũng không vượt qua được thực tại của một cuộc tưởng niệm có tính cách lễ lạc mà thôi. Nhưng vì trước hết việc tưởng niệm này gắn liền với kỷ niệm chủ động của Thiên Chúa, vì Người mà Con Thiên Chúa bị sát tế từ khi vũ trụ khởi đầu (Kh 1,38 theo một cách hiểu bản Vulgata, được toàn thể truyền thống bảo đảm) nên việc tưởng niệm theo phụng vụ làm cho toàn bộ Mầu Nhiệm này (xc. Ep 1,9; 3,1-13) trở nên hiện tại, Mầu nhiệm bao gồm, đồng thời cũng vượt qua những phạm trù quá khứ, hiện tại và tương lai như chúng ta vẫn quan niệm Như vậy, mỗi hành vi phụng vụ liên kết kỷ niệm của chúng ta với kỷ niệm của Thiên Chúa. Ðối với chúng ta, hành vi phụng vụ là một hình thức tham dự vào sự vĩnh cửu của Thiên Chúa. (xc. Thánh Thể; Mầu Nhiệm; Tưởng niệm; Mùa Vọng).

Tưởng Niệm (Kinh)
(= Anamnèse)
Gốc tiếng Hy Lạp anaphora gồm có ana: lên cao và phora: hành động đưa đến. Kinh Anaphora là lời nguyện trong phần Lễ Qui và là lời cầu nguyện kế tiếp việc truyền phép. Sau lời tung hô của tín hữu, lời kinh này được ghép vào lệnh truyền phải lặp lại tác động này, tức là câu kết của trình thuật thiết lập Thánh Thể: "Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy" (trong tiếg Hy Lạp: eis tèn émèn anamnèsin, Lc 22,19; 1Cr 11,24.15).
Nên để ý nhiều đến các công thức của Kinh Tưởng Niệm. Kinh Unde et memores của Lễ Qui Rôma bắt đầu như sau: Vì vậy, lạy Chúa, chúng con là tôi tớ Chúa và toàn thể dân thánh Chúa, kính nhớ... Cách diễn tả trong Kinh Tạ Ơn III cũng tương tự như thế: Vì vậy, lạy Chúa, khi kính nhớ cuộc khổ hình của Con Chúa...
Vì là kỷ niệm Thánh Thể, tức kỷ vật tri ân của Hội Thánh, Kinh Tưởng Niệm cũng là một lời gợi nhớ kỷ niệm của Thiên Chúa. Do đó, việc hiện thực hóa bằng phụng vụ hy tế của Giao Ước mới cũng có thể hiểu là cuộc gặp gỡ với kỷ niệm phát xuất từ Thiên Chúa - vì thế không thể không tưởng nhớ biến cố đó - và kỷ niệm hướng thượng của Hội Thánh tuân theo lời kêu mời của Chúa mình (xc. Tưởng nhớ).

 

Th

Tham Dự
(= Participation)
Tiếng La tinh participatio nghĩa là tham dự, bởi partem capere nghĩa là chia sẻ, tham gia. Vì toàn bộ phụng vụ nhằm liên kết Hội Thánh với Thiên Chúa để cử hành Giao Ước được đóng ấn trong máu Ðức Giêsu (xc. Phụng vụ; Công trình Thiên Chúa), nên phụng vụ đòi hỏi sự tham dự tích cực của các tín hữu qua việc thực thi chức tư tế hoàng vương trong mối liên kết với chức tư tế thừa tác. Công đồng Vaticanô II đã nhấn mạnh đến đòi hỏi này: "Mẹ Hội Thánh tha thiết ước mong toàn thể tín hữu được hướng dẫn tham dự các việc cử hành phụng vụ cách trọn vẹn, ý thức và linh động. Do chính bản tính phụng vụ đòi hỏi việc tham dự như thế; lại nữa, nhờ phép rửa tội, việc tham dự vào các cử hành phụng vụ trở thành quyền lợi và bổn phận của dân Kitô giáo, là dòng giống được lựa chọn, là tư tế hoàng vương, là chủng tộc thánh thiện, là dân được tuyển chọn" (1Pr 2,9; xc, 2,4-5) (PV số 14).

 Thánh Ca
(= Cantique)
Trong các Giờ Kinh Phụng Vụ, các bài ca trích từ Kinh Thánh ngoài các thánh vịnh, được gọi là thánh ca. Các bài thánh ca Cựu Ước được đọc mỗi ngày trong giờ Kinh Sáng, chẳng hạn như thánh ca của ông Môsê (Ðnl 2,1-10), thánh ca Tôbia (Tb 13), và các bài thánh ca rút từ sách Isaia, Êzêkiel, Khôn ngoan.

Trong Kinh Sách phần thứ III của kinh Thần Vụ được các đan viện cử hành giờ canh thức hay kinh đêm, thì các bài thánh ca Cựu Ước được chỉ sẵn. Ngoài các bài ca Beneditus, Magnificat và Nunc dimittis, là những thánh ca Tin Mừng được hát mỗi ngày vào những lúc nhất định của các giờ Kinh Sáng, Kinh Chiều và Kinh Tối, còn có các bài thánh ca Tân Ước lấy từ sách Khải Huyền, thư Êphêsô, thư Philipphê, thư Côlôsê, thư 1 Timôthêu và thư 1 thánh Phêrô, được hát hằng ngày ở cuối phần thánh vịnh Kinh Chiều.

 Thánh Giá
(= Croix)
Thập tự là dụng cụ hành hình Ðức Giêsu, sau trở thành biểu tượng của ơn Cứu Ðộ, một dấu chỉ hoàn hảo của Tình Yêu Thiên Chúa đối với chúng ta và Tình Yêu của Chúa Con Nhập Thể đối với Chúa Cha. Nghi thức tôn thờ thánh giá, trọng tâm của phụng vụ chiều thứ Sáu Tuần Thánh, cũng cho thấy ý nghĩa chiến thắng như được kể trong trình thuật Thương Khó của thánh Gioan: Ðức Kitô được nâng cao khỏi đất để lôi kéo mọi sự lên với Người. Toàn bộ phụng vụ dựa trên Mầu Nhiệm Thập Giá và Phục Sinh: vì thế, không lạ gì khi người ta thấy đâu đâu cũng có tượng Thánh Giá và dấu Thánh Giá trong các cử hành phụng vụ. Ðấy không phải là chủ trương của Hội Thánh nhằm đề cao đau khổ, nhưng là một cái nhìn có tính cách "vượt qua" một cái nhìn ngây ngất trước tính hiện thực của một tình yêu không ngừng cứu thoát chúng ta.
Thánh giá xuất hiện trên các tháp nhà thờ cũng như ở bên trên gian cung thánh. Dấu chứng tỏ rõ ràng các nhà thờ được thánh hiến là 12 hình Thánh Giá thánh hiến (xc. Thánh hiến); đối với bàn thờ được thánh hiến cũng vậy, trên đó cũng phải in rõ năm hình thánh giá. Trong các cuộc rước, Thánh Giá bao giờ cũng dẫn đầu. Y phục phụng vụ của linh mục cũng thường có hình thánh giá, đặc biệt là áo lễ. Các giám mục và đan viện phụ cũng mang Thánh Giá trên ngực.
Các cử điệu phụng vụ cũng ưu tiên cho dấu Thánh Giá. Dấu Thánh Giá dùng để mở đầu các cuộc cử hành. Khi đọc Tin Mừng, linh mục ghi dấu Thánh Giá trên sách Tin Mừng, rồi giáo dân cũng làm dấu Thánh Giá trên trán, trên miệng và trên ngực, có ý nói rằng Tin Mừng mà trung tâm là Thánh Giá và Phục Sinh, phải ảnh hưởng trên tư tưởng, lời nói và ý muốn của chúng ta. Trước khi truyền phép, linh mục làm dấu Thánh Giá trên bánh rồi trên rượu, ám chỉ rằng việc tưởng niệm mầu nhiệm Vượt Qua một cách bí tích, gắn liên với mầu nhiệm Cứu Chuộc được thực hiện qua Thánh Giá. Tất cả những dấu thánh giá linh mục làm để thánh hiến hay chúc lành có cùng một ý nghĩa như vậy: phúc lành của Thiên Chúa gắn liền với việc Cứu Chuộc mà Thánh Giá là dấu chỉ thường hằng.
Vì thế, việc cử hành mầu nhiệm Thập Giá hòa nhập vào toàn thể phụng vụ. Tuy nhiên, việc cử hành ấy còn rõ ràng hơn vào Chúa Nhật Thương Khó, thứ Sáu Tuần Thánh, cũng như trong lễ Suy Tôn Thánh Giá ngày 14 tháng 9.

 Thánh Kinh
(= Bible)
Giữa Thánh Kinh và phụng vụ có mối liên kết rất sâu xa: không phải ngẫu nhiên mà các bản văn phụng vụ chủ yếu được trích từ Kinh Thánh.
Trước hết, Thánh Kinh được khai sinh trong khung cảnh phụng vụ. Các truyền khẩu được phát triển và nhân các cuộc phụng tự nhằm phục vụ các cộng đoàn phượng tự. Thiên Chúa qui tụ dân Người để họ nghe Lời Người. Phụng vụ là đỉnh cao của lời ấy: trước khi thành văn, Lời ấy đã được loan báo, và một khi đã thành văn, Lời ấy chỉ gặp lại được trọn vẹn chiều kích của mình trong khung cảnh phụng vụ. Vì tất cả những lý do đó, phụng vụ vẫn là khung cảnh trọn vẹn để Kinh Thánh có thể được hiện thực.
Ngoài ra, cuốn Thánh Kinh mà chúng ta đang có trong tay là kết quả của sự hợp tác giữa Thiên Chúa, tác giả chân chính, và các tác giả được linh hứng. Vì thế, Kinh Thánh cho thấy một loại hình cộng tác hay hợp tác giữa Thiên Chúa và con người. Kinh Thánh cấu thành toàn bộ sinh hoạt của đức tin và đặc biệt là phụng vụ. Chẳng phải phụng vụ đã được định nghĩa như Công Trình Thiên Chúa, tức là tác động của Thiên Chúa đối với Dân Người, phối hợp với sự đáp ứng sống động của Dân được Thiên Chúa qui tụ lại đó sao?
Sau cùng, phụng vụ được soạn thảo chủ yếu từ các bản văn Kinh Thánh, đừng kể các bài đọc đúng nghĩa. Trong thánh lễ, mỗi người có thể nhận ra những gì mượn từ Kinh Thánh hay trực tiếp khởi hứng từ Kinh Thánh: ghi nhận ấy không có gì đáng ngạc nhiên. Sách lễ dường như được hình thành để chứa đựng Kinh Thánh, cùng với những lời đáp trả sống động của Hội Thánh. Sách lễ còn hơn cả Kinh Thánh, vì chính Thánh Kinh được đón nhận một cách sống động, là Thánh Kinh được cử hành, vừa bao gồm Lời của vị Hôn Phu, vừa bao gồm lời than thở đáp trả của vị Hôn Thê. Bởi đó, nếu phải chọn lựa giữa Kinh Thánh và Sách Lễ thì dứt khoát phải chọn Sách Lễ, vì Sách Lễ không chỉ chứa đựng những trang cốt yếu của Kinh Thánh, mà còn bao gồm cả cách thức đón nhận và hiểu Kinh Thánh. Ngay cả khi không tham dự thánh lễ được. sách Lễ cũng sẽ không để chúng ta phải một mình đối diện với Kinh Thánh: vì nhờ Sách Lễ, cùng với tất cả Hội Thánh, với tất cả truyền thống ngàn đời của Hội Thánh, ta sẽ khám phá ra ý định của Thiên Chúa để dấn bước theo thánh ý của Người.
Trong các Giờ Kinh Phụng Vụ, phần Kinh Thánh còn quan trọng hơn so với trong thánh lễ. Cốt lõi của Kinh Thần Vụ được cấu tạo do các thánh vịnh: thật là ý nghĩa khi chúng ta đáp lại lời Chúa bằng chính những lời của nhân loại được Thiên Chúa linh hứng. Một cách nào đó, phần sáng tác của Hội Thánh là một sự kéo dài một lời đáp trả được linh hứng qua Lời Thiên Chúa.

Thánh Lễ
(= Messe)
Tiếng La tinh missa nghĩa là hành động giải tán, gửi đi (động từ mittere: sai đi, gửi đi), cho nghỉ. Missa là hành động giải tán tín hữu khi kết thúc cử hành Thánh Thể. Công thức "ite, missa est" nghĩa là hãy đi, anh em được phép giải tán. Xưa kia, cuối phần cử hành Lời Chúa, những người dự tòng được cho về bằng một công thức giải tán (missa): vì chưa được thánh tẩy, nên họ không được tham dự vào Hiến Lễ Thánh Thể, và họ phải ra về sau bài giảng. Từ thế kỷ thứ VI, missa không những có nghĩa là giải tán, mà còn ám chỉ toàn bộ nghi lễ cử hành trước việc giải tán đó: vì vậy mà phụng vụ Lời Chúa trở thành một thứ "missa" (thánh lễ) đối với dự tòng. Tại Tây Phương, từ thế kỷ thứ VI, từ missa được dùng để chỉ phụng vụ Thánh Thể. Danh xưng nguyên thủy của cử hành thánh lễ là: "Bữa ăn của Chúa" (1Cr 11, 20.33); "Lễ Bẻ Bánh" (Cv 2,42-46; 20,7), "Lễ Tạ Ơn". Trong khi Tây Phương gọi là thánh lễ thì Ðông Phương lại dùng lại dùng danh từ "Phụng Vụ" (liturgia) để chỉ về cũng mặt thực tại.
Trong khi danh từ Tạ Ơn chủ yếu chỉ về mầu nhiệm được cử hành, với tất cả ý nghĩa sâu xa của nó, thì danh từ thánh lễ (missa) lại có nghĩa là toàn bộ các nghi thức mà người ta cử hành. Chỉ có một lễ Tạ Ơn, nhưng có nhiều cách cử hành thánh lễ, tùy theo hoàn cảnh không gian và thời gian, theo các nhóm phụng vụ: thánh lễ theo nghi thức Rôma, theo nghi thức Galliecan, theo nghi thức Amrôxiô theo nghi thức Ða Minh (xc. Các nhóm phụng vụ). Lễ Tạ Ơn không thể nào thay đổi được, vì mầu nhiệm đó do Thiên Chúa thiết lập, nhưng nghi thức thánh lễ hay cách thức cử hành thì có thể canh tân.
Các nghi thức chính yếu của thánh lễ Rôma hiện hành (nghi thức thánh lễ do Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI công bố) diễn tiến như sau: ca nhập lễ (xc. Ca nhập lễ), lời chào của chủ tế, sám hối, kinh thương xót, kinh Vinh Danh, lời nguyện, bài đọc 1 (Cựu Ước), đáp ca hay ca tiến cấp, bài đọc 2 (thường trích từ thư thánh Phaolô), Hallêluia, bài Tin Mừng, bài giảng, kinh Tin Kính, lời nguyện cộng đồng, chuẩn bị lễ vật, lời nguyện trên lễ vật, kinh Tạ Ơn, kinh Lạy Cha đi kèm với lời nguyện và nghi thức chúc bình an, bẻ bánh, hiệp lễ, lời nguyện sau hiệp lễ, phép lành và giải tán cộng đoàn. Thứ tự này thích hợp cho các thánh lễ Chúa Nhật, lễ trọng, lễ kính; trong các lễ nhớ và ngày thường, không có kinh Vinh Danh, kinh Tin Kính, và chỉ có một bài đọc (Cựu Ước hay Tân Ước) trước bài Tin Mừng (xc. Sách lễ; Lễ nhớ tự do).

 Thánh Nhân
(= Saints)
Các ngày lễ kính các thánh trong năm phụng vụ làm thành chu kỳ kính các thánh. Các thánh được "tôn phong" là những vĩ đã được Hội Thánh dùng quyền và dựa trên những thủ tục pháp định, công bố rằng các vị ấy đã tham dự vào vinh quang Thiên Chúa; tuy vậy, không có nghĩa là số đông các vị khác không tham dự vào vinh quang đó (xc. Sổ bộ các thánh; Lễ Chư Thánh; Bìa xếp).

Thánh Tâm
(= Sacré - Coeur)
Lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu cử hành vào thứ Sáu sau Chúa Nhật thứ hai tính từ lễ Ngũ Tuần. Lễ này chú trọng đến biểu tượng tình yêu nhân loại của Ðức Kitô, dựa trên trình thuật của thánh Gioan về cạnh sườn bị đâm thâu: "Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Ðức Giêsu. Khi đến gần Ðức Giêsu và thấy Người đã tắt thở, họ không đánh giập ông chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người, tức  thì máu cùng nước chảy ra" (Ga 19,32-34). Ðối với các giáo phụ, nước và máu chảy từ Trái Tim rộng mở của Ðức Kitô. Thánh Gioan đã nói lên tầm quan trọng của sự việc này khi thêm: "Người xem thấy việc này đã làm chứng và lời chứng của người ấy xác thực, người đó biết mình nói sự thật để cho cả anh em cùng tin" (Ga 19,35). Lễ Thánh Tâm là một sự chiêm ngưỡng đầy tình yêu mến và có tính cách đền tạ Tình Yêu (xc. Dcr 12,10: "Họ sẽ ngước nhìn lên Ðấng họ đã đâm thâu", được trích lại trong Ga 19,37; xem thêm Ga 3,16; 13,1).

 Thánh Tẩy (Bí Tích)
(= Baptême)
Tiếng Hy Lạp baptisma là việc được nhận xuống, hay dìm xuống. Trước hết, thánh tẩy có liên hệ với nhu cầu tự nhiên là tắm rửa: súc vật - thậm chí chim chóc - cũng có nhu cầu đó. Tôn giáo nào cũng luôn luôn có một nghi thức thanh tẩy hoặc tẩy rửa. Với phép rửa của ông Gioan Tẩy Giả, nghi thức này mang một ý nghĩa nặng về luân lý hơn là về nghi tiết: "Người Do Thái được ông làm phép rửa trong dòng sông Giođan, khi họ xưng thú tội lỗi của mình" (Mt 6). Ðể đạt hiệu quả đầy đủ, thánh tẩy phải là một việc của Thiên Chúa, của Ðức Kitô và của Chúa Thánh Thần (xc. Mt 3,11).
Thật vậy, Ðức Giêsu, Chiên đích thực của Thiên Chúa, đã đến để hoàn tất thánh ý Chúa Cha khi Người mang lấy các tội lỗi của thế gian (Ga 1,29). Với trọng trách đó, Người để cho mình bị nhận chìm trong vực sâu của sự dữ và đau khổ. Về việc này, Người thổ lộ với các môn đệ: "Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc ấy hoàn tất!" (Lc 12,50). Qua cái chết cứu chuộc, Ðức Giêsu đã đi xuống tận âm phủ, để rồi đưa lên khỏi mặt nước tất cả những người chấp nhận để mình được cứu và đưa họ đến tận bến bờ của đời sống vĩnh cửu. Người hy sinh mạng sống chính là để lấy lại, hầu cho cái chết bị nhận chìm trong chiến thắng và để tất cả các bạn hữu của người được hưởng sự sống viên mãn (xc. Ga 10,17; 1Cr 15,54).
Muốn được tham dự vào sự sống của Ðức Kitô phục sinh, các tín hữu phải đi vào mầu nhiệm Vượt Qua nhờ thánh tẩy: "Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới" (Rm 6,4). Tất cả những cái chết nho nhỏ hoặc những thử thánh hằng ngày, chuẩn bị cho giờ chết của chúng ta, đều phải được liên kết với hiến tế của Ðức Kitô để có thể góp phần mang lại ơn cứu chuộc: như thế chúng ta đã được dìm trong cái chết của Người. Nhưng sự sống của Người đã hoạt động trong chúng ta: khi đã chịu Thánh Tẩy nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần (Mt 28,19), chúng ta đã được "dìm" trong đời sống của Chúa Ba Ngôi, đã được uống Thánh Thần (1Cr 12,13), trong khi chờ đợi được dìm vào trong Vinh Quang.
Bí tích Thánh Tẩy làm cho chúng ta nên những người "đã được tái sinh" vào trong sự sống của Thiên Chúa: đối với những người có thể được cứu độ (Ga 3,5; Mc 16,16); đối với những người khác, đời sống ngay chính, xả kỷ hy sinh, và ngay cả việc dâng hiến sự sống vào giây phút lìa đời - hoặc chỉ nguyên sự kiện chết như Ðức Kitô đã chết", trong trường hợp các em nhỏ chết mà chưa được thánh tẩy (xc. Rm 6,5) - đều là những danh nghĩa để đáng được hưởng một sự bổ khuyết nào đó, bởi vì theo một ngạn ngữ thần học. Thiên Chúa không bị ràng buộc với các bí tích. Như vậy, bình thường Thánh Tẩy cần thiết để được ơn cứu độ; Thánh Tẩy là "cửa ngõ dẫn vào các bí tích khác", tức là diều kiện để được chịu các bí tích khác; người ta không thể chịu phép Thêm Sức hoặc rước lễ nếu người ta chưa chịu Thánh Tẩy; để được nuôi dưỡng hoặc để đạt tới tầm vóc của người trưởng thành, cần phải sinh ra đời trước đã. Thánh Tẩy tái sinh khi ban mầm sự sống của Thiên Chúa; sau đó, phải để cho mầm sống ấy lớn lên bằng cách thực hành đời sống Kitô giáo, nhất là bằng việc thực hành đời sống phụng vụ và bí tích. Theo thánh Tôma, chức năng của "ấn tích" chúng ta được khi chịu Thánh Tẩy là làm cho chúng ta có đủ tư cách để thi hành việc thờ phượng. Sinh ra từ phụng vụ Thánh Tẩy, người Kitô hữu không muốn thành một thai nhi chết yểu, sẽ tìm được niềm vui và sức mạnh trong những việc cử hành phụng vụ.
Trong trường hợp cần thiết khẩn cấp (xc. Thánh Tẩy vắn tắt), ai cũng có thể cử hành Thánh Tẩy cho người khác, thậm chí người đó không cần phải là người đã được rửa tội; chỉ cần người đó muốn làm điều Hội Thánh làm. Khi đổ nước trên trán hoặc trên một phần thân thể của người xin Thánh Tẩy, người cử hành phải đọc: "Tôi rửa anh (chị, em), nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần". Thánh Tẩy bằng cách dìm tự nó có ý nghĩa nhất và cũng có tính cách nguyên thủy nhất; nhưng vì những lý do thực hành, nghi thức đổ nước là thông dụng nhất, và cũng thích hợp hơn đối với các trẻ nhỏ (xc. Mở ra; Trừ tà; Dầu; Ðặt tay).

 Thánh Tẩy (Gian Nhà)
(= Baptistère)
Nơi dành để cử hành bí tích Thánh Tẩy, hoặc ở bên trong thánh đường hoặc trong một nhà bên cạnh, được dự liệu để cử hành nghi thức này (xc. Giếng Thánh Tẩy).

 Thánh Tẩy Vắn Tắt
(= Ondoiement)
Phép rửa vắn tắt là nghi thức rửa tội đơn giản trong trường hợp nguy tử, cốt yếu là đổ nước trên đầu người muốn chịu thánh tẩy, đang khi đó thì đọc công thức rửa tội: "Tôi rửa anh (chị, em), nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (xc. Tẩy rửa; Rảy nước; Thánh Tẩy; Ðổ nước).

 Thánh! Thánh! Thánh! (Kinh)
(= Sanctus)
Tiếng La tinh santus nghĩa là thánh. Kinh Thánh! Thánh! Thánh! là ba lần kêu cầu Thiên Chúa chí thánh, trở thành bài ca truyền thống liền sau bài Tiền Tụng của Kinh Tạ Ơn. Lời tung hô Thiên Chúa ba lần thánh lấy lại thị kiến khai mào của ngôn sứ Isaia, vị ngôn sứ đã nghe các thiên thần Xêraphim xướng đáp: "Thánh! Thánh! Thánh! Ðức Chúa các đạo binh, khắp cõi đất đầy tràn vinh quang Người" (Is 6,3). Tiếp theo là: "Hoan hô Chúa trên các tầng trời. Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Hoan hô Chúa trên các tầng trời". Ðấy là lời tung hô của người Do thái ở Giêrusalem, khi Ðức Giêsu, Ðấng Mêsia, tiến vào Thành thánh vào ngày Lễ Lá (xc. Mt 21,9 và những chỗ song song). Về căn bản, công thức này mượn trong các câu 25 và 26 thánh vịnh 117, một thánh vịnh tiên báo việc Ðấng Mêsia sẽ đến trong vinh quang (xc. Ðạo thiên binh).

 Thánh Thể (Bí Tích)
(= Saint Sacrement)
Thánh Thể được gọi là Bí Tích Thánh vì đó là bí tích tuyệt vời, trong đó chính tác giả của ân sủng hiện diện thực sự (xc. Thánh Thể; Bí tích). Khung cảnh tự nhiên và nguyên thủy của việc tôn thờ Thánh Thể là việc cử hành thánh lễ, bí tích hy tế trên đồi Canvê; các tín hữu tham dự vào đó bằng việc hiệp lòng hiệp ý và rước lễ. Thánh lễ chiều thứ Năm Tuần Thánh và lễ trọng kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô (xc. Mình Máu Thánh Chúa), đặc biệt dành để kính Thánh Thể.
Mặc dầu thánh lễ là hành vi qui chiếu của phụng vụ Thánh Thể, việc tôn thờ Thánh Thể ngoài thánh lễ đặc biệt hướng về sự hiện diện thực sự của Chúa dưới hình bánh, được thực hiện nhờ mầu nhiệm biến thể. Ðịa vị ưu việt của thánh lễ vẫn phải được duy trì, nhưng việc tôn thờ Thánh Thể ngoài thánh lễ vẫn là điều chính đáng, được thể hiện bằng nhiều cách.
Thánh Thể được cất giữ trong nhà tạm, với thái độ tôn kính Chúa đang hiện diện thực sự, để lúc nào cũng có thể cho rước lễ ngoài thánh lễ, nhất là cho những người bệnh và hấp hối (xc. Của ăn đàng); đã có những nghi thức dự liệu cho việc đó. Các tín hữu cũng có thể đến cầu nguyện một cách riêng tư hơn trước sự hiện diện của Chúa Kitô, như Hội Thánh vẫn hằng khuyến khích.
Ngoài ra, Thánh Thể còn là đối tượng được tôn thờ cách riêng khi chầu Thánh Thể: gồm việc trưng bày, thờ lạy và ban phép lành (xc. Thánh Thể). Trong Chúa hay nhân dịp các cuộc hành hương quan trọng, có thể sắp xếp một cuộc rước kiệu Mình Thánh. Ðại hội Thánh Thể là một cuộc biểu dương Ðức Tin một cách đặc biệt đối với Bí Tích Thánh.

 Thánh Thể (Chầu)
(= Salut)
Chầu Thánh Thể là một nghi thức á phụng vụ (xc. Á phụng vụ) trong việc tôn thờ Thánh Thể. Thánh Thể đặt trong Mặt Nhật hoặc trong bình thánh được trưng bày cho mọi người thờ lạy. Kế đó là một thời gian dài hoặc ngắn dành cho các bài hát, bài đọc hay một khoảng thời gian thinh lặng thích hợp... Cũng có thể cử hành một giờ kinh trước Thánh Thể được trưng bày. Cuối phần thờ lạy, vị linh mục hay nếu không có linh mục thì phó tế sẽ xông hương trước Thánh Thể nếu như Thánh Thể được đặt trong Mặt Nhật, đang khi đó hát một bài kính Thánh Thể. Tiếp theo, vị chủ sự đọc một lời nguyện, rồi khoác khăn choàng và ban phép lành Thánh Thể, tức là cầm Mặt Nhật hay bình thánh vẽ hình thánh giá trên tín hữu. Sau đó, chủ sự cất Mình Thánh vào nhà tạm (xc. Hộp đựng Mình Thánh; Mặt Nhật).

 Thánh Thể (Mình Thánh)
(= Présanctifiés)
Ðôi khi người ta gọi việc cử hành phụng vụ vào chiều thứ Sáu Tuần Thánh là "thánh lễ với Thánh Thể đã truyền phép sẵn". Thực vậy, buổi cử hành này vẫn giữ nguyên cơ cấu của thánh lễ, nhưng vào ngày Ðức Kitô chịu chết, Hội Thánh không cử hành hy lễ Thánh Thể; trong phần hiệp lễ ở cuối nghi thức phụng vụ này, người ta dùng Mình Máu Thánh đã truyền phép từ ngày hôm trước, tức chiều thứ Năm Tuần Thánh.

 Thánh Thể (Thiết Lập)
(= Institution)
Trình thuật việc thiết lập bí tích Thánh Thể làm nên khung cảnh thiết yếu cho những lời hiến thánh (truyền phép). Có lẽ, về phương diện thời gian, bản văn đầu tiên tường thuật về việc thiết lập bí tích Thánh Thể là thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Côrintô (1Cr 11,23-26). Thánh Tông Ðồ đã chuyển đạt một truyền thống mà chính người tiếp nhận từ môi trường Antiôkia vào khoảng năm 40-45, đó là truyền thống cử hành phụng vụ tưởng niệm bí tích Thánh Thể. Ba Tin Mừng Nhất Lãm không thể không liên hệ tới những tập tục của Hội Thánh tại những cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi (Mt 26,26-28; Mc 14,22-24; Lc 19-20). Các Kinh Tạ Ơn (Kinh Nguyện Thánh Thể) không nhất thiết lấy nguyên văn một trong bốn bản văn Tin Mừng tường thuật việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Ngay cả những lời hiến thánh cũng vậy. Tuy nhiên, sách lễ Rôma dưới triều đức Phaolô VI đã qui định rằng dù sử dụng Lễ Qui nào đi nữa, công thức hiến thánh vẫn không thay đổi. Còn bản văn tường thuật việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể có những khác biệt nho nhỏ tùy theo mỗi kinh Tạ Ơn.
Từ institutio cũng được dùng để chỉ nghi thức phụng vụ trao ban các tác vụ đọc sách và giúp lễ. Việc trao ban này được thực hiện trong thánh lễ, sau bài Tin Mừng và đó không phải là việc truyền chức.

 Thánh Thi
(= Humne)
Ðộng từ Hy Lạp humnéin nghĩa là hát, tán dương, công bố. Như vậy, humnos là một bài ca tán dương các thần linh, các anh hùng hay thiên nhiên. Trong phụng vụ Kitô giáo, thánh thi là những bài ca do Hội Thánh biên soạn, theo thể thơ hoặc có âm vận, dùng để hát. Các thánh thi đều tán tụng Thiên Chúa, Ðức Kitô, Ðức Mẹ hay các thánh. Các thánh thi khác với thánh vịnh và thánh ca Kinh Thánh. Vì là một thể loại in đậm dấu ấn của nguồn cảm hứng và khuynh hướng thuộc nhiều thời đại khác nhau, các thánh thi thường vay mượn tiết tấu bình dân, hay ngược lại, được chuyển hóa sang lãnh vực đời thường. Các thánh thi thường được xếp vào đầu các Giờ Kinh Phụng Vụ, nên chúng mang lại cho mỗi giờ kinh một âm sắc đặc biệt, cả trong chu kỳ hằng ngày cũng như trong chu kỳ cả năm.

 Thánh Thư
(= Epitre)
Từ epistolè trong tiếng Hy Lạp gợi lên việc gởi một sứ điệp do một người phu trạm chuyển đi. Thánh thư là thư gửi cho một hay nhiều người. Trong các bản văn Tân Ước, có rất nhiều thư: nhiều nhất là thư của thánh Phaolô - kể luôn cả thư gửi tín hữu Do Thái, thư của thánh Giacôbê, các thư của thánh Phêrô, thánh Gioan và thánh Giuđa. Vì thời xưa, bài đọc 1 trong thánh lễ thường trích từ các thư này, nên người ta đã dùng cụm từ "bài thánh thư"để chỉ bài đọc này. Ngày nay thì không còn đúng lắm, vì bài đọc 1 thường trích từ các sách Cựu Ước hơn là từ các thư.

 Thánh Vịnh / Ca Vịnh
(= Psaume)
Từ ngữ Hy Lạp psalmos (do động từ psalléin) là hành động chạm vào một sợi dây để làm cho nó rung lên. Thoạt tiên, từ ngữ này có nghĩa là việc sử dụng các nhạc khí bằng dây, rồi đến các điệu nhạc được diễn tấu, sau cùng là các bản nhạc được hát có đệm nhạc khí. Trong Kinh Thánh, vua Ðavít là một tay đàn xita (cithare) điêu luyện (1S 16,16-23), ông có khả năng sáng tác những bài thơ đúng nghĩa (2S 1,17-27). Vì thế, ông trở thành người khai sáng loại thơ tôn giáo được hát có đệm đàn, tức là các bài thánh vịnh (xc. 1Sk 16,4-36). Cuốn sách 150 thánh vịnh được coi là của Ðavít, mặc dù chỉ có phân nửa là mang tên ông trong tựa đề. Ðúng ra, đây là vinh dự được qui tặng cho một nghệ sĩ thiên tài trong lãnh vực tôn giáo hơn là khẳng định tư cách tác giả thực sự của ông.
Dù đã được sáng tác ở Israel khoảng giữa thế kỷ X đến thế kỷ V trước Công Nguyên, tại sao 150 thánh vịnh vẫn là những kinh nguyện và những lời "chúc tụng" tuyệt vời nhất? Bởi vì những bài ca này chất chứa sự rung cảm của trọn vẹn con người để rồi trở thành những bài ca dâng lên Thiên Chúa tâm tình thờ lạy, sự mãn nguyện và sự bình an, kể cả thói ghen ghét mà nó muốn loại trừ, nỗi xao xuyến và sự sợ hãi, cả tâm trạng rã rời lẫn niềm hy vọng, những ước muốn và chờ mong trong niềm tín thác mới hồi sinh. Tất cả các tác giả thánh vịnh quả thực đã lặp lại dưới nhiều hình thức khác nhau lời nhắn nhủ này: "Hãy trút nhẹ gánh nặng ngươi vào tay Chúa, Người sẽ đỡ đần cho, chẳng bao giờ để chính nhân nghiêng ngửa" (Tv 54,23).
Không có cái gì của con người lại xa lạ đối với Thiên Chúa. Ðức Giêsu, Thiên Chúa làm người, đã nhận lấy cho đủ phần mình lại còn gánh thay chúng ta, mọi nỗi niềm trào lên từ một trái tim tan vỡ (Tv 50, 19), và theo gương Người, Hội Thánh cũng không ngừng nhận lấy tất cả những nỗi niềm đó làm của mình. Việc đọc thánh vịnh hay hát thánh vịnh làm nên phần chính yếu của các Giờ Kinh Phụng Vụ và hầu như trọn vẹn bộ thánh vịnh được đọc hết trong một chu kỳ bốn tuần lễ (các dòng tu chiêm niệm đọc hết bộ thánh vịnh trong khoảng thời gian một hay hai tuần).
Ða số các bài hát trong thánh lễ thường lấy từ thánh vịnh (xc. Ca tiến cấp), giữa bài đọc 1 và bài đọc 2 có một thánh vịnh (ngày thường thì giữa bài đọc và Tin Mừng). Khi cử hành các bí tích hay các phụ tích, hầu như luôn có cả bài hay một vài câu thánh vịnh. Thực sự, Hội Thánh rất cần những bài ca này để giúp Hội Thánh tiến bước trên hành trình gặp gỡ Thiên Chúa, và được thêm sức mạnh trong cuộc chiến chống các mãnh lực của sự dữ.

 Thánh Vịnh (Hát hoặc Ðọc)
(= Psalmodie)
Từ ngữ Hy Lạp psalmôdia nghĩa là việc hát thánh vịnh (Psalmos: thánh vịnh; và ôdè: hát). Việc hát hay đọc thánh vịnh là phần chính yếu của các Giờ Kinh Phụng Vụ, trong phần lớn các cử hành phụng vụ đều có hát hoặc đọc thánh vịnh.
Có nhiều cách hát hay đọc thánh vịnh. Tất cả cộng đoàn hát chung thánh vịnh hay lắng nghe một người hát, hoặc hai bên cung nguyện đối đáp nhau từng câu hay một số câu trong thánh vịnh, hoặc sau khi một ca viên hát, cộng đoàn kết thúc bằng một điệp ca (xc. Thánh vịnh; Sách; Ðiệp ca).

 Thánh Vịnh (Sách)
(= Psautier)
Từ ngữ Hy lạp Psaltèrion và từ ngữ La tinh Psalterion, lúc đầu chỉ một nhạc khí có dây để gẩy. Về sau từ này được dùng để chỉ bộ sưu tập các bài thơ tôn giáo được hát có đệm đàn dây. Nguyên thủy các thánh vịnh chia thành năm cuốn tượng trưng cho bộ Ngũ Kinh (Sáng thế, Xuất hành, Lêvi, Dân số, Ðệ nhị luật), sau được gom chung lại thành một toàn tập gồm 150 thánh vịnh; chắc hẳn sự kiện đó đã ảnh hưởng đến việc chọn con số 150 kinh Kính Mừng trong chuỗi Mân Côi, được gọi là Sách Thánh Vịnh của người nghèo.
Sách thánh vịnh là cuốn sách dùng phụng vụ gồm những bài thánh vịnh. Cần ghi nhận việc đánh số các thánh vịnh theo truyền thống phụng vụ - như được sử dụng trong Tự Ðiển này - là kiểu đánh số của Bản Phổ Thông, khác với bản Hípri.

 Thăm Viếng (Lễ)
(= Visitation)
Là lễ kính Ðức Mẹ, được ấn định vào ngày 31 tháng 5 để kết thúc "tháng kính Ðức Mẹ". Lễ này kỷ niệm việc Ðức Maria đến thăm viếng bà chị họ Êlizabét ít lâu sau biến cố Truyền Tin, như thánh Luca kể lại (1,39-56). Ðược Thánh Thần soi sáng, bà Êlizabét nhận ra rằng Ðức Maria là "Mẹ Thiên Chúa"; còn thánh Gioan Tẩy Giả thì nhảy mừng trong lòng mẹ, khi được Ðấng mà Ðức Mẹ mang trong lòng, đến viếng thăm. Trong dịp này Ðức Maria đã xướng lên bài Magnificat.

 Thăng Thiên (Lễ)
(= Ascension)
Ascensio trong tiếng La tinh có nghĩa là việc đi lên do động từ ascendre (ad-scandere) đi lên. Lễ Chúa Thăng Thiên là lễ trọng, cử hành 40 ngày sau lễ Phục Sinh.

Kể từ biến cố Phục Sinh, nhân tính của Ðức Giêsu hoàn toàn được mặc lấy vinh quang của Chúa Cha. Nhưng Ðức Kitô vinh hiển còn "lưu lại" với các môn đệ để củng cố niềm tin của họ qua những lần hiện ra với họ. Thời gian 40 ngày (Cv 1,3) trong đó Ðức Giêsu còn lưu lại ở trần gian, gắn liền với ý nghĩa biểu tượng của con số 40, đó là khoảng thời gian thích hợp để có được những kinh nghiệm lớn lao về Thiên Chúa (xc. Xh 24,18; 1V 19,8; Mt 4,2). Cuối thời gian đó, Ðức Giêsu "lên trời" để ở với Chúa Cha luôn mãi, lên ngự bên hữu Thiên Chúa. Ðây không là một sự kiện thứ yếu trong niềm tin Kitô giáo, nhưng là một tín điều trong Kinh Tin Kính, nói lên thần tính của Ðức Kitô, như các lời tuyên tín tiên khởi đã khẳng định (Cv 2,33; 7,55-56; Tv 109,1; Mt 22,44; 26,64; Mc 16,19; Rm 8,34; 1Cr 15,25; Ep 1,20; Cl 3,1; Dt 1,3.13; 8,1; 10,12; 12,2; 1Pr 3,22).
Mầu nhiệm Thăng Thiên chính là bước khai mào của việc tất cả các Kitô hữu được tiến vào trong vinh quang. Còn về nhân tính của Ðức Kitô, việc hội nhập của nhân tính đó vào đời sống Ba Ngôi, từ nay đã trọn vẹn, điều này đem lại niềm hân hoan sâu đậm cho các bạn hữu của Người, đồng thời bảo đảm rằng mai này họ cũng sẽ được tôn vinh. Thật vậy, chúng ta là những chi thể trong Thân Mình Người, thế nên sự sống của Ðầu cũng là của chúng ta. Qua Thánh Thần, phụng vụ không ngừng chuyển thông cho chúng ta sức sống của Thủ lãnh. Chúng ta hiện vẫn còn lưu ngụ bên dưới các tầng mây, còn phải chịu nhiều phong ba bão tố, nhưng "quê hương chúng ta đã được thiết lập ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Ðức Giêsu Kitô sẽ đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người" (Pl 3,20-21). Vì cho chúng ta được tiếp nhận Ðức Kitô vinh quang và làm cho chúng ta nên một với Người, nên việc hiệp lễ là một sự hưởng nếm trước "nơi cư ngụ" của chúng ta trong lòng Thiên Chúa, bên Chúa Con.

 Thần Bí
(= Mystique)
Từ ngữ Hy lạp musticos có nghĩa là liên hệ tới các mầu nhiệm. Khoa thần bí chân chính, tức là việc dẫn vào đời sống Thiên Chúa một cách đích thực, phải ăn rễ nơi việc cử hành các mầu nhiệm Phụng Vụ (xc. Mầu nhiệm), Phụng Vụ cũng là bảo đảm tuyệt hảo để tránh được các ảo tưởng chủ quan.

 Thần Vụ
(= Office)
Tiếng La tinh officium nghĩa là việc phục vụ, tác vụ hoặc bổn phận phải thi hành. Từ này xuất phát từ opificium chỉ công việc người ta thực hiện (opus-facio). Tác vụ là công trình hoặc công việc phục vụ mà Hội Thánh dâng lên Thiên Chúa một cách công khai và theo những cấu trúc đã được qui định. Do vậy mà ta có từ: "Thần Vụ". Mọi nghi lễ phụng vụ đều được gọi là Thần Vụ (Office), kể cả thánh lễ; nhưng đôi khi người ta dùng từ này để chỉ riêng về việc cử hành các Giờ Kinh Phụng Vụ mà trước đây vẫn gọi là Kinh Thần Vụ.

 Thêm Sức (Bí Tích)
(= Confirmation)
Cũng như lễ Ngũ Tuần hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua được Ðức Kitô gọi là "phép rửa" của Người (Lc 12,50), bí tích Thêm Sức hoàn thiện và cũng cố hiệu quả của bí tích Thánh Tẩy, bằng cách làm cho người đã lãnh bí tích Thánh Tẩy nên đồng hình đồng dạng hơn với Ðức Kitô (xc. Ấn Tích).
Toàn bộ công trình thánh hóa được đặc biệt liên kết với Chúa Thánh Thần. Như thế, Người là nguyên ủy của việc tái sinh trong bí tích Thánh Tẩy (xc. Ga 1,33), nhưng lúc đó thụ nhân Thánh Tẩy mới chỉ nhận lãnh mầm sống thiêng liêng, và cùng với ơn thánh họ phải làm triển nở mầm sống đó. Bởi vậy, cần có một bí tích làm cho ơn Chúa Thánh Thần được phát huy đầy đủ, bí tích này được sách Tông Ðồ công vụ tách biệt khỏi bí tích Thánh Tẩy: thánh Phêrô và Gioan đến với dân Xamari và hai ông cầu nguyện cho họ, để họ nhận được Thánh Thần. Thánh Thần chưa ngự xuống người nào trong họ, họ chỉ mới chịu Thánh Tẩy nhân danh Chúa Giêsu. Bấy giờ hai ông đặt tay trên họ và họ nhận được Thánh Thần (8,15-17; xc. 19,4-6).
Nghi lễ Thêm Sức gồm trước tiên là việc đặt tay trên tất cả các thụ nhân trong khi đọc lời khẩn cầu Chúa Cha ban Thánh Thần với bảy ơn, rồi xức dầu thánh trên trán từng người. Công thức xác định ý nghĩa của việc xức dầu này: Con hãy lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần. Thụ nhân thưa: Amen.
Thông thường, tác viên bí tích Thêm Sức là đức giám mục, vì người đã được lãnh nhận đầy đủ Chúa Thánh Thần khi thụ phong giám mục, nhưng người có thể cử một hay nhiều linh mục để cử hành bí tích Thêm Sức thay. Cũng thế, khi ban bí tích Thêm Sức cho một số đông người, đức giám mục có thể cho các linh mục cùng ban bí tích Thêm Sức; cùng với giám mục, các vị này đặt tay đọc lời khẩn cầu Chúa và tham gia xức dầu cho từng thụ nhân.
Khi cử hành Thánh Tẩy cho người trưởng thành, nên ban bí tích Thêm Sức ngay sau bí tích Thánh Tẩy. Trong trường hợp này, bỏ phần xức dầu thánh sau khi đổ nước, để làm nổi bật việc xức dầu trong bí tích Thêm Sức. Các linh mục Thánh Tẩy cho người trưởng thành cũng được ban bí tích Thêm Sức ngay sau khi cử hành Thánh Tẩy. Nhờ đó, tái lập những nghi thức cổ xưa trong việc khai tâm Kitô giáo. Vào đêm phục sinh, các tân tòng được lãnh nhận các ơn bổ túc nhau của các bí tích Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể.

 Thiên Thần
(= Ange)
Tiếng Hy Lạp aggelos có nghĩa là người được sai đi, sứ giả; phát xuất từ động từ aggelein có nghĩa là loan báo.
Các thiên thần là những hữu thể thiêng liêng được gọi tham dự đời sống của Thiên Chúa, sống vây quanh Người và cũng được gọi là con cái Thiên Chúa (Tv 28,1; 88,7; Gc 6; 2,1). Do cuộc sống của các thiên thần chủ yếu là để chúc tụng sự thánh thiện của Thiên Chúa (Is 6,3), các vị cũng lãnh nhận nhiệm vụ làm người phát ngôn về ý định của Chúa và là những đấng bảo vệ con người, có trách nhiệm chuyển lời cầu nguyện của con người lên trước nhan Chúa hiển vinh (xc. Tv 102,20; Tb 3,16; 12,6-15; Kh 8,3-4). Như vậy, các thiên thần cũng thực hiện một vai trò trung gian nào đó, như thị kiến chiếc thang ông Giacóp (St 28,12) đã gợi lên.
Tuy nhiên, vai trò trung gian của các thiên thần lệ thuộc hoàn toàn vào vai trò trung gian của Chúa Kitô (xc. Dt 1,4.5.14; 2,5-10; Gl 33,19; Ga 1,51). Những khoảnh khắc trong cuộc đời Chúa Giêsu dẫn đến việc tham dự của các thiên thần: từ việc Truyền Tin (Lc 1,26-38) rồi sinh ra (Lc 2,9-15), lúc chịu cám dỗ trong sa mạc (Mc 1,13) cũng như lúc hấp hối ở vườn Cây Dầu (Lc 22,43), cho tới khi phục sinh (Ga 20,12) và lên trời (Cv 1,10).
Việc cử hành phụng vụ đưa chúng ta vào trong sự sống của cộng đồng Chúa Cha và Chúa Con (xc. 1Ga 1,3) cùng cho chúng ta tham dự vào đời sống của các thiên thần và đấy sẽ hoàn toàn là đời sống của chúng ta trong thế giới mai sau (Lc 1,35-36); các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời (Mt 18,10). Phụng vụ ở đời này, theo sách Khải Huyền, là tham dự vào phụng vụ trên trời, ở đấy, các người được chọn, cùng với các thiên thần, hát bài ca mới, bài ca về Con Chiên (Kh 5,9-14; 15,2-4). Khi dẫn nhập vào kinh Thánh, Thánh, Thánh (xc. Kh 4,8), các bài Tiền Tụng của Kinh Tạ Ơn mời gọi chúng ta đồng thanh với các thiên thần: "Cùng với các thiên thần, chúng con đồng thanh chúc tụng rằng: Thánh, Thánh, Thánh..." Như vậy, chúng ta tiến tới gần "núi Xion, tới Thành Ðô Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời, với con số muôn ngàn thiên sứ. Anh em đã tới tham dự hội vui, dự đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa, là những kẻ được ghi tên trên trời. Anh em đã tới gần Thiên Chúa, Ðấng xét xử mọi người, đến với linh hồn những người công chính đã được nên hoàn thiện" (Dt 12,22-23).
Ngày lễ 29 tháng 9, ngoài các tổng lãnh thiên thần Micae, Gabriel và Raphael, còn mục đích tôn vinh được dành để mừng kính tất cả các thiên thần. Ngày 2 tháng 10 là lễ nhớ buộc, tôn kính các thiên thần bản mệnh.

 Thinh Lặng
(= Silence)
Thinh lặng làm nên thành phần toàn diện của phụng vụ, vì đó là giây phút hồi tâm suy niệm; thinh lặng tạo nên mối liên hệ sâu sắc giữa lời cầu nguyện chung của Hội Thánh và lời cầu nguyện riêng của mỗi phần tử trong cộng đoàn. Trong thánh lễ, thinh lặng được chỉ định rõ sau bài giảng và sau hiệp lễ. Trong các Giờ Kinh Phụng Vụ, tùy nghi giữ thinh lặng sau các bài đọc dài hoặc ngắn và trước những lời nguyện kết thúc. Tuy nhiên, phải tránh giữ thinh lặng quá lâu  làm mất sự cân xứng trong các cuộc cử hành.

 Thờ Lạy
(= Adoration)
Nguyên thủy từ adoratio là thờ lạy, lời xin (oratio), ngỏ với (ad) một người đối thoại. Cử chỉ tôn thờ như thế nhấn mạnh chiều kích tương quan. Ngay cả trước khi diễn tả thái độ kính tôn hay cầu xin, thờ lạy là cử chỉ đặt bàn tay lên miệng (ad os) để gửi một cái hôn tới một người nào đó, hoặc nâng tà áo của người mình tôn kính lên miệng để hôn, hoặc hơn nữa, hôn đất để tỏ dấu kính phục. Trong các thế kỷ đầu của Kitô giáo, người ta làm những cử chỉ này để tôn kính hoàng đế và tượng hoàng đế. Các Kitô hữu thì dành những dấu hiệu này để tôn vinh Thiên Chúa và Ðức Kitô; Một tấm biểu Palatin cho thấy có một ông Alexamenos nào đó dâng kính một cái hôn lên Ðức Kitô được vẽ như đầu con lừa buộc vào thập giá. Câu chú thích ở dưới có nghĩa "Alexamenos thờ lạy Thiên Chúa của mình".
Không kể việc linh mục hôn bàn thờ và thầy phó tế hôn sách Tin Mừng sau khi công bố - dấu chỉ lòng kính tôn đối với Thiên Chúa và đối với Lời Người - phụng vụ Rôma còn đề cao viêc tôn thờ thánh giá, trung tâm của buổi cử hành phụng vụ chiều thứ Sáu Tuần Thánh. Trong buổi phụng vụ long trọng của ngày này, người ta tiến đến hôn thánh giá sau khi đã bái gối ba lần: đó là thái độ tôn kính đối với một vị vua, hướng theo tư tưởng của thánh Gioan trong trình thuật Thương Khó. Ngày 14 tháng 9 cũng có thể tôn thờ Thánh Giá bằng việc hôn kính.
Hiểu theo nghĩa rộng hơn, tôn thờ là hành vi nhắm đến việc phụng tự dành cho một mình Thiên Chúa (xc. Tôn Thờ). Thông thường hơn cả, phải kể Thánh Thể là đối tượng được tôn thờ bằng việc bái gối hay quỳ gối.

 Thú Nhận
(= Confession)
Trong tiếng La tinh confessio nghĩa là thú nhận, xưng thú. Ðây là một trong những hành vi của hối nhân khi lãnh bí tích Giải Tội. Ðộng từ La tinh confiteor còn có nghĩa là làm cho biết, công bố, biểu lộ. Công bố hoặc tuyên xưng đức tin, tức làm chứng một cách công khai. Các thánh tử đạo là những người tuyên xưng một cách hoàn hảo nhất và người ta tôn kính các vị một cách đặc biệt nơi các vị đã tuyên xưng tức là chịu tử đạo (xc. Màn che bàn thờ).

 Thứ Bảy Tuần Thánh
(= Samedi Saint)
Trong Tam Nhật Vượt Qua, suốt ngày thứ Bảy Tuần Thánh, không có cử hành phụng vụ đặc biệt nào, người ta chỉ cử hành các Giờ Kinh Phụng Vụ. Ðây không chỉ là một ngày dành cho việc chuẩn bị lễ Phục Sinh, nhưng còn dành riêng cho sự thinh lặng và trầm tư. Hội Thánh sống ngày Sabát trọng thể này bên cạnh Ðức Maria, cùng Người suy ngắm các đau khổ, cái chết và việc mai táng của Chúa Kitô, trong niềm hy vọng và tin tưởng.
Hội Thánh cũng dừng lại chiêm ngắm mầu nhiệm Ðức Kitô xuống âm phủ, đây là một điều khoản trong Kinh Tin Kính: linh hồn Ðức Giêsu tạm thời lìa thân xác và đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm (1Pr 3,19), nghĩa là linh hồn Người muốn biết hoàn cảnh của các linh hồn còn bị cầm giữ trong nơi âm phủ, và nhất là Người muốn mang cho họ Tin Mừng giải thoát, nhờ hy tế Canvê và sự Phục Sinh sắp diễn ra của Người. Sự tự hủy hoặc hạ mình tự nguyện của Ðức Kitô thể hiện sâu xa như vậy, đến tận các vực thẳm, để bất cứ ai chấp nhận điều đó thì được giải thoát.

Thứ Năm Tuần Thánh
(= Jeudi Saint)
Trong ngày thứ Năm trước Chúa Nhật Phục Sinh, có hai nghi thức cử hành long trọng:
- Thánh lễ Truyền Dầu, qui tụ tối đa các linh mục trong giáo phận xung quanh vị giám mục để làm phép Dầu Bệnh Nhân, Dầu Dự Tòng và để thánh hiến Dầu Thánh. Giữa bài giảng của giám mục và các nghi thức Truyền Dầu, có việc nhắc lại các lời hứa linh mục.
- Thánh lễ tưởng niệm bữa Tiệc Ly của Chúa được cử hành ban chiều để nhắc nhở việc thiết lập bí tích Thánh Thể. Thánh lễ này khai mạc Tam Nhật Phục Sinh. Sau bài giảng, vị chủ tế thực hiện nghi thức rửa chân, làm lại cử chỉ của Chúa (xc. Ga 13,3-17). Cuối thánh lễ, Thánh Thể được rước tới tòa đặt Thánh Thể. Các tín hữu nên thay phiên nhau, cho tới nửa đêm, đến tôn thờ, suy niệm về Lời từ biệt của Chúa, là Di Chúc của Chúa, Ðấng đã tự hiến mình để mọi người được cứu độ.

 Thứ Sáu Tuần Thánh
(= Vendredi Saint)
Ngày lễ long trọng Hội Thánh mừng kính công trình tình yêu của Chúa Kitô đối với Chúa cha và với chúng ta; Ðây là ngày Chúa chịu khổ nạn và chịu chết. Người trao phó hơi thở cho Chúa Cha và ban Thánh Thần cho Hội Thánh. Ngày này cũng phải là Giờ mà Hội Thánh chiêm ngắm vinh quang của Con Người, Ðấng được nâng cao trong chính hiến tế của Người (xc. Ga 12,23.28.32; 17,1). Trong khi các giờ kinh phụng vụ vào ngày này mang tính cách đơn giản thì việc cử hành nghi lễ long trọng vào buổi chiều lại có cơ cấu như một thánh lễ: ba bài đọc (bài thứ ba là trình thuật khổ nạn theo thánh Gioan); lời cầu nguyện cộng đồng dài; rồi thay vì phần hy tế Thánh Thể là phần thờ lạy và tôn vinh thánh giá; sau cùng là phần rước lễ. Ðể làm nổi bật hiến tế Canvê, hiến tế Ðức Kitô đã dâng một lần là đủ (Dt 7,27). Hội Thánh không cử hành bí tích Thánh Thể trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh. Ðể rước lễ, người ta dùng Mình Thánh đã được truyền phép trong thánh lễ chiều hôm trước. Vì vậy, theo truyền thống, người ta gọi phụng vụ long trọng của ngày này là thánh lễ với Thánh Thể đã truyền phép sẵn.

 Thừa Tác Viên
(= Ministre)
Trong tiếng La tinh minister nghĩa là người phục vụ, người giúp việc trong các chức năng phụng vụ.Thừa tác viên là người có khả năng thi hành một trong các chức vụ đó để phục vụ Thiên Chúa và cộng đoàn. Các thừa tác viên được truyền chức là giám mục, linh mục và phó tế. Các thừa tác viên được trao ban là thầy giúp lễ và thầy đọc sách. Có nhiều thừa tác viên không được truyền chức hay trao ban: đó là các thừa tác viên ngoại lệ trao Mình Thánh Chúa, các thừa tác viên cầm thánh giá, nến cao, sách lễ, bánh rượu, bình hương, dẫn lễ... Trong trường hợp nguy tử, mọi người đều có thể là thừa tác viên bí tích Thánh Tẩy: chỉ cần làm theo ý Hội Thánh (xc. Thừa tác vụ).

Thừa Tác Vụ
(= Ministère)
Tiếng La tinh ministerium nghĩa là việc phục vụ. Noi gương Ðức Kitô, "Ðấng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ" (Mt 20,28), trong việc cử hành phụng vụ, Hội Thánh thi hành một số thừa tác vụ vì lợi ích Dân Chúa đang qui tụ lại. Các thừa tác vụ không có tầm quan trọng như nhau, nhưng mỗi thừa tác vụ góp phần vào toàn bộ việc phục vụ Thiên Chúa (xc. Phục vụ).
Thừa tác vụ được truyền chức giám mục, linh mục và phó tế, những người đại diện Ðức Kitô, thường cần thiết cho việc cử hành phụng vụ. Thừa tác vụ được trao ban: giúp lễ và đọc sách, liên kết với việc phục vụ Bàn Thánh, và phục vụ Lời Chúa, dưới quyền các thừa tác vụ được truyền chức (xc. Thừa tác viên).

 Tr
Tranh Thánh
(= Icône)
Trong tiếng Hy Lạp eikôn có nghĩa là hình ảnh. Phụng vụ Ðông Phương dành cho các tranh thánh một vị trí quan trọng, xem đó như là dấu chỉ rõ ràng về điều các tranh này mô tả, hoặc hơn nữa, về các biểu hiện của tranh: Chúa Ba ngôi, Ðức Kitô, Thánh Mẫu, các Thiên Thần và các Thánh, tất cả các mầu nhiệm của nhiệm cục cứu độ, tức là Lịch Sử Cứu Ðộ. Việc tôn kính các tranh thánh bắt nguồn từ mầu nhiệm Nhập Thể, dựa theo các định tín của công đồng Nixêa II (787). Vì Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh và giống như Người (St 1,26), và vì Con Thiên Chúa nhập thể là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha (Cl 1,15), nên khoa vẽ tranh thánh trước hết là một việc thánh thiêng. Bởi thế, các họa sĩ vẽ tranh thánh ý thức rằng mình đem tài năng của mình để phục vụ Công Trình Thiên Chúa: họ ăn chay và cầu nguyện trước khi vẽ. Sau khi được làm phép và xức dầu, tranh thánh được đưa vào trong phụng vụ, mà phụng vụ là toàn bộ hình ảnh về Nhiệm Cục Cứu Ðộ. Vì là việc diễn đạt các hữu hình các mầu nhiệm không phải để nhìn ngắm, nhưng để lãnh nhận. Tại Ðông Phương, người ta không trưng bày Thánh Thể: Thánh Thể được ban làm lương thực. Trong các Hội Thánh Ðông Phương, nhờ có số lượng lớn tranh thánh, các tín hữu được sống trước khung cảnh Giêrusalem trên trời và phụng vụ thiên quốc. Nhờ các tranh thánh đó, tín hữu làm quen với cộng đoàn các thánh, các thiên thần, Thánh Mẫu Thiên Chúa, Ðức Kitô và Chúa Ba Ngôi.

Trắng (Màu)
(= Blanc)
Màu phẩm phục phụng vụ dùng trong mùa Giáng Sinh và mùa Phục Sinh. Phụng vụ còn dùng màu trắng trong các lễ cung hiến, lễ Ðức Trinh Nữ Maria, lễ các thiên thần, các thánh mục tử, các thánh tiến sĩ và các thánh nam nữ không tử đạo.
Màu trắng diễn tả sự tinh sạch, và hơn thế, còn biểu lộ vinh quang Thiên Chúa và sự chói ngời của tất cả những gì liên hệ đến Thiên Chúa. Ðó là màu của sự Phục Sinh (xc. Áo trắng dài).
Ðối với Hội Thánh Ðông Phương, mầu trắng là mầu tang chế.

Trinh Nữ
(= Vierge)
Tiếng La tinh vigro nghĩa là thiếu nữ tinh tuyền. Trinh nữ tuyệt hảo nhất là Ðức Maria, đấng đã thưa với sứ thần Gabriel trong biến cố truyền tin rằng: "Tôi không biết đến việc vợ chồng" (Lc 1,34). Nối gót Ðức Maria và đáp lời mời gọi của Ðức Kitô (xc. Mt 25,1.13), ngay từ những thế kỷ đầu, đã có những thiếu nữ tuyên khấn sống khiết tịnh, bắt đầu là cách tư riêng, sau đó là công khai, nhất là từ thế kỷ thứ IV.
Các sách bí tích thời xưa còn lưu giữ những lời nguyện cổ kính trong nghi lễ thánh hiến trinh nữ, đặc biệt là sách nghi thức đức giáo hoàng Lêô, và được sử dụng lại trong sách nghi thức canh tân. Cũng như trong mọi nghi thức cung hiến trọng thể (truyền chức, tuyên khấn), nghi thức thánh hiến trinh nữ cũng gồm có lời dẫn nhập của vị chủ sự (thường là giám mục), các câu hỏi thẩm vấn ý định của ứng viên, hát kinh cầu, và lời nguyện thánh hiến; sau đó là nghi thức trao nhẫn, và tùy nghi trao khăn lúp và sách các Giờ Kinh Phụng Vụ. Ðối với các nữ đan sĩ, nghi thức thánh hiến thường đi liền với việc tuyên khấn trọng thể trong cùng một nghi lễ.
Trong lễ kính các thánh, sách lễ và sách các Giờ Kinh Phụng Vụ có phần chung các thánh Trinh Nữ.
Ðối với Ðức Maria và các thánh Trinh Nữ, những vị đã tuyên khấn sống đời trinh khiết, thì không phải là không có hôn lễ, như thánh Âu Tinh giải thích: các vị ấy nhắc nhở cho tín hữu rằng, vào thời chung cuộc, toàn thể Hội Thánh chính là Hiền Thê của Ðức Kitô (xc. Mt 9,15; Ga 3,29), là Giêrusalem thiên quốc được sách Khải Huyền trình bày "như là tân nương trang điểm để đón Tân Lang" (21,2; xc. Ep 5,25-32).

Tro
(= Cendres)
Trong truyền thống Thánh Kinh cũng như trong phần lớn các tôn giáo cổ xưa, tro tượng trưng cho sự vô nghĩa của con người. Hiện hữu của con người thật bấp bênh: mặc dù có sự cao cả vắn vỏi - thực sự hào nhoáng - hiện hữu con người sẽ mau chóng tiêu tan thành kiếp bụi tro. Khi kỳ kèo với Ðức Giavê nhân việc Người định hủy diệt thành Xôđom và Gômôra, ông Ábraham đã thận trọng nhìn nhận tính cách hão huyền của mình trước nhan Thiên Chúa: "Mặc dù con chỉ là thân tro bụi, con cũng xin mạn phép thưa với Chúa" (St 18,27). Trước nhan Thiên Chúa, con người không những mỏng manh và bấp bênh, nhưng còn là và chủ yếu là tội nhân, nghĩa là phản nghịch lại ý muốn yêu thương của Ðấng Tạo Hóa. Ngọn lửa bừng bừng khí nộ của Thiên Chúa sẽ vùi dập sự kiêu ngạo của con người thành tro bụi (Ed 28,18).
Phụng vụ thứ Tư Lễ Tro cụ thể gợi lên cho người tín hữu ý thức về thân phận thụ tạo tội lỗi của mình: Khi nhận tro rắc trên đầu, người tín hữu được nhắc nhở: Hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro. Hội Thánh không buộc phải lăn mình trong tro (Gr 6,26), hay phải ngồi trên đống tro (G 42,6; Gn 3,6; Mt 11,21), nhưng chỉ cần rắc tro trên đầu cách tượng trưng, trong tinh thần sám hối và tỏ dấu hoán cải (Gd 4,11-1,55; 9,1; Ed 27,30). Thường tro được xức trên trán (xc. Chay tịnh).
Theo truyền thống, người ta đốt các tàu lá đã làm phép để lấy tro.

Trung Gian (Ðấng)
(= Médiateur)
Người trung gian là người đứng giữa nhiều người hoặc nhóm người để giúp họ hòa giải với nhau. Theo cách nói của thánh Phaolô trong 1Tm: "Chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Ðấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người; đó là một con người, Ðức Giêsu Kitô, Ðấng tự hiến làm giá chuộc mọi người" (2,5-6). Ông Môsê là người trung gian của Giao Ước Xinai, nhưng ông chỉ là một con người, cho dù ông có được sống thân mật với Ðức Chúa và có được đưa vào vinh quang Thiên Chúa. "Hiện nay Ðức Giêsu được một tác vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là trung gian của một Giao Ước tốt đẹp hơn" (Dt 8,6; xc 9,15; 12,24). Là Thiên Chúa thật và cũng là người thật, Ðức Kitô Giêsu liên kết con người với Thiên Chúa một cách hoàn hảo: không phải Người chỉ sống giữa loài người, nhưng Người còn vừa là Thiên Chúa vừa là người. Ngôi Lời Nhập Thể là Giao Ước mới, vĩnh cửu, không gì có thể phá vỡ được. Tuy nhiên ta không thể nói rằng Ðức Kitô là người trung gian cho chính Người: là con người và là Thiên Chúa, Người là Ðấng hòa giải loài người với Thiên Chúa, Người là Ðấng hòa giải loài người với Thiên Chúa, Người là Ðấng dẫn đưa nhân loại về với Chúa Cha.
Nếu Ðức Kitô là Giao Ước, là "Thần sứ giao ước" (xc. Mt 3,1) và nếu phụng vụ là sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và Dân của Người để cử hành Giao Ước (xc. Giao Ước; Phụng vụ), thì ta hiểu rằng vai trò trung gian của Ðức Kitô nằm ở trung tâm của Phụng Vụ. Không phải là vô lý khi tài liệu đầu tiên của Huấn Quyền liên quan đến Phụng Vụ bắt đầu bằng những chữ Ðấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và con người (mediator Dei et hominum: Tông huấn của Ðức Giáo Hoàng Piô XII, ngày 20/12/1947). Chức vụ tư tế của Ðức Kitô đặt căn bản trên vai trò làm Ðấng Trung Gian của Người, hành vi chính yếu Người thực hiện, đó là hy lễ trên núi Canvê, không ngừng được hiện tại hóa trong bí tích Thánh Thể. Theo PV của Công Ðồng Vaticanô II, toàn thể Phụng Vụ là cách thực hiện chức vụ tư tế của Ðức Giêsu Kitô (số 7), đó là cách liên kết Hội Thánh với sự sống của Chúa Con.
Sự sống của Chúa Con hệ tại việc Người được đón nhận từ Chúa Cha, Ðấng sinh ra Người trong Hơi Thở tình yêu của Thánh Thần, và rồi lại trở về với Chúa Cha nhờ sự thúc đẩy của cùng một Thánh Thần. Vai trò trung gian của Chúa Con Nhập Thể, cũng như Ngôi vị của Người, được liên kết với Chúa Thánh Thần. Sứ mạng của Chúa Con và sứ mạng của Thánh Thần, Ðấng Bầu Chữa, liên kết với nhau: Ngôi Lời Nhập Thể, được Chúa Cha phái đến, là chính Ngôi Lời làm phát sinh Tình Yêu, được sinh ra trong Tình Yêu, trao ban Tình Yêu tức là Chúa Thánh Thần. Công trình trung gian của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, trong Lịch Sử Cứu Ðộ và trong đời sống vĩnh cửu của những người được tuyển chọn, mang lại cho các con cái Thiên Chúa, trong tư cách là con, khả năng sống sự sống của Chúa Ba Ngôi. Giữa đời sống của Ba Ngôi, có thể nói Chúa Thánh Thần là Ðấng Trung Gian, hiểu theo nghĩa Người là mối dây liên lạc có ngôi vị, là cái hôn và là sự duy nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con. Những sứ mạng và vai trò trung gian của Ngôi Lời Nhập Thể và của Thánh Thần - Ðấng Bầu Chữa, để mưu ích cho các thụ tạo thiêng liêng đã được cứu chuộc và thánh hóa, giúp cho các thụ tạo này đi vào dòng chảy của phụng vụ vĩnh cửu, tức là sự trao đổi giữa Chúa Cha và Chúa Con trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần (xc. Chúa Thánh Thần; Kinh cầu xin Chúa Thánh Thần; Tư tế).

Trung Gian (Người)
(= Pontife)
Trong tiếng La tinh pontifex có nghĩa là người bắc cầu. Trong lãnh vực tôn giáo, người trung gian là một linh mục, thi hành vai trò nối kết giữa cộng đoàn nhân loại với Thiên Chúa, Phụng Vụ là môi trường chính yếu để thi hành vai trò trung gian này (xc. Tư Tế). Ðức Giáo Hoàng, vị đại diện Chúa Kitô và thủ lãnh của toàn thể Phẩm Trật Hội Thánh, cũng được gọi bằng danh hiệu này (xc. Ðức Thánh Cha). Ðức Giám Mục là người trung gian của phụng vụ Kitô giáo (xc. Giám Mục).

Trung Gian (Vai Trò)
(= Médiation)
Trong tiếng La tinh medius có nghĩa là người ở giữa, người trung gian. Ðây là hành vi hay tình trạng của người đứng ở giữa nhiều người, nhiều bên để làm cho họ hòa giải với nhau. Phụng vụ là cách thực thi hoàn hảo nhất vai trò trung gian tư tế của Ðức Kitô giữa Thiên Chúa. Thân Phụ của Người, và nhân loại do Người đã dựng nên, là anh em của Người, qua hiến lễ Người đã dâng (xc. Tư Tế). Vai trò trung gian của Ðức Maria, hoàn toàn tùy thuộc sự trung gian nơi Con của Người, được liên kết với việc Mẹ luôn gắn bó với công trình của Thiên Chúa và công trình của Con Mẹ, và với việc Mẹ được đưa lên hưởng phúc vinh quang bên cạnh Ðức Giêsu, Ðấng hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta (Dt 7,25). Ðức Maria là Omnipotentia supplex nghĩa là Ðấng khẩn cầu toàn năng (xc. Vô nhiễm nguyên tội).

Truyền Chức (Bí Tích)
(= Ordre)
Từ La tinh Ordo có nghĩa là hàng, sự kế tục. Mọi cộng đoàn hân vị, mọi xã hội, đều gồm có một cấu trúc nội tại, ngay cả cộng đoàn Ba Ngôi Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần cũng vậy (xc. 1Ga 1,3: Societas trong bản Phổ Thông). Cũng như Chúa Cha sai Chúa Con - chứ không phải ngược lại, Ðức Kitô cũng sai các Tông Ðồ để tiếp nối sứ vụ của Người qua trung gian và thời gian, bằng cách ban cho các vị những thẩm quyền cần thiết để thi hành chức vụ: các Tông Ðồ cũng tiếp nhận Thánh Thần trong Ðức Kitô (Ga 20,21-22; xc. Mt 3,16). Bí tích Truyền Chức làm cho Hội Thánh có một cấu trúc và một trật tự nội tại, với những dấu chỉ sống động và hữu hiệu về sự hiện diện của Ðức Kitô. Giám Mục có chức tư tế trọn hảo.trong giáo đoàn của mình, giám mục là nguyên ủy của mọi chức thánh. Tùy theo cách thức khác nhau, linh mục và phó tế tham dự vào sứ vụ thẩm quyền viên mãn của giám mục: linh mục trong chức năng tư tế còn phó tế trong chức năng phục vụ. Như vậy, để hiểu được bí tích Truyền Chức, không phải là tìm xem chức linh mục thêm gì vào chức phó tế hoặc chức giám mục thêm gì vào chức linh mục, nhưng phải bắt đầu từ chức giám mục mà tìm xem các linh mục và phó tế, tùy theo cách thức khác nhau, đã tham dự vào sứ vụ và thẩm quyền của giám mục như thế nào. Bí tích Truyền Chức tác động nhờ ân huệ của Chúa Thánh Thần để mưu ích cho tín hữu. Nghi thức cốt yếu của Bí Tích Truyền Chức là việc đặt tay, cùng với lời cầu nguyện thánh hiến (xc. Giám Mục; Linh Mục; Phó Tế; Phẩm Trật; Giáo Sĩ).

Truyền Chức (Nghi Thức)
(= Ordination)
Tiếng La tinh ordinatio nghĩa là sắp xếp theo trật tự, tổ chức phân phối nhiệm vụ. Ðây là nghi lễ long trọng ban bí tích Truyền Chức. Hành vi chính yếu trong nghi lễ truyền chức giám mục, linh mục và phó tế là việc đặt tay khi đọc lời nguyện thánh hiến. Phải là giám mục mới ban các bí tích Truyền Chức thành sự (xc. Giám mục; Linh mục; Phó tế).

Truyền Tin (Lễ)
(= Annonciation)
Vào ngày 25 tháng 3 cử hành lễ trọng mừng kính biến cố loan báo cho Ðức Maria việc Chúa Nhập Thể. Các sách phụng vụ đều ghi là lễ Báo Tin Chúa, hiểu ngầm cho Ðức Maria. Ai cũng biết là trình thuật về biến cố đầ tiên này đã được thánh Luca trình bày trong phần đầu sách Tin Mừng của người (1,26-38). Lễ này được công nhận vào khoảng thế kỷ thứ IV, mặc dù Mầu Nhiệm Nhập Thể đã được đề cập đến ngay từ đầu kỷ nguyên Kitô giáo trong các tác phẩm của các giáo phụ và các tác phẩm nghệ thuật thánh.
Ðối tượng cốt yếu của lễ này là việc Nhập Thể làm người của Ngôi Lời trong cung lòng Ðức Maria, trong đó có lời loan báo cho Ðức Trinh Nữ và sự ưng thuận của Người. Thiên Chúa là Ðấng khởi xướng, nhưng muốn có sự ưng thuận chính thức của Ðức Trinh Nữ để Người thụ thai do tác động của Chúa Thánh Thần. Nhờ tiếng Xin Vâng - Fiat - của Ðức Maria, thái độ biểu lộ sự cộng tác hoàn hảo nhất của con người vào công trình Thiên Chúa, Ngôi Lời đã thành xác phàm (Ga 1,14). Giao Ước chung cuộc giữa Thiên Chúa và nhân loại đã được thiết lập. Ỏ đây, Ðức Maria là khuôn mẫu của Hội Thánh, một Hội Thánh, trong mọi sinh hoạt của mình, nhất là trong phụng vụ, vẫn ưng thuận một cách tích cực và năng động trước công trình Thiên Chúa, qua trung gian Ðức Kitô, Ðấng vừa là Thiên Chúa vừa là người, và nhờ tác động của Chúa Thánh Thần.
Cần bết rằng Lễ Truyền Tin được cử hành đúng chín tháng trước lễ Giáng Sinh, điều này tương ứng với thời gian thai nghén của con người.

Trừ Tà (Nghi Thức)
(= Exorcisme)
Tiếng Hy Lạp exorkidzéin nghĩa là xua đuổi. Trừ tà là cầu xin (orkidzéin) để trục xuất (ex). Nghi lễ trừ tà là xua đuổi ma quỉ để giải thoát cho con người hay các đồ vật. nghi lễ này gồm các lời nguyện, cử chỉ như hà hơi, đặt tay, làm dấu thánh giá, rảy nước thánh. Trừ tà nằm trong các nghi thức thời dự tòng là các nghi thức chuẩn bị lãnh bí tích Thánh Tẩy. Một số nghi thức chúc lành cũng được bắt đầu bằng việc trừ tà.
Việc thực hành trừ quỉ đã có từ xa xưa trong Hội Thánh, mặc dù thường bị pha trộn một số yếu tố dị đoan. Nghi thức trừ tà có cơ sở là gương Ðức Kitô: các Tin Mừng kể lại cách thức Người trừ quỉ (Mt 8,28tt; 15,21-28; Mc 1,23-28; Lc 8,12; xc. Ga 12,31).

Trừ Tà (Tác Viên)
(= Exorciste)
Thầy trừ tà là thừa tác viên để thi hành việc trừ tà. Các lần trừ tà trong thời gian dự tòng có thể được thực hiện do linh mục, phó tế hay ngay cả giáo lý viên. Những lần trừ tà khi cử hành bí tích Thánh Tẩy được dành cho linh mục hoặc phó tế. Việc trừ tà trong một số nghi thức chúc lành được dành cho linh mục. Ðể thực hiện việc trừ quỉ trong những trường hợp tà ma ám ảnh, bùa ếm... Ðức Giám Mục chỉ định một hay nhiều linh mục trong giáo phận của người để thi hành việc này.

Trưng Bày Thánh Thể
(= Exposition)
Ðó là việc trưng bày Thánh Thể cho tín hữu tôn thờ. Thông thường, Mình Thánh được đặt trong mặt nguyệt, rồi đặt trong mặt nhật và đặt trên bàn thờ, có nến xung quanh. Không được phép trưng bày Thánh Thể trong thánh lễ. Cũng có thể trưng bày di tích các thánh để giáo dân tôn kính tại một nơi xứng hợp (xc. Tranh thánh).

V
Việc Ðạo Ðức
(= Exercices)
Từ exercitium tiếng La tinh xuất phát bởi động từ Exercere nghĩa là không để cho ngơi nghỉ, động từ này có lẽ ghép bởi Ex: ngoài, và Arcere: gồm chứa, nhốt trong một đô thị (Arx). Như vậy, Exercitium là làm cho sinh lực hoạt động. Người ta dùng từ này để gọi các việc đạo đức, tức là những cách thực hành không phải là hành vi phụng vụ của cộng đoàn Kitô hữu (xc. Á Phụng Vụ).

Vinh Danh (Kinh)
(= Gloria)
Vinh tụng ca trong tiếng Hy Lạp, doxologia được dịch sang tiếng La tinh, bắt đầu bằng chữ Gloria (Vinh danh). Nguyên nó là một bài thánh thi buổi sáng. Kinh này là tổng hợp nhiều bản văn Kinh Thánh, đặc biệt từ lời ca ngợi do các thiên thần hát lên trong đêm Chúa Giáng Sinh (Lc 2,13-14). Vì vậy, nó có tên gọi là thánh ca thiên thần (xc. Ga 1,29; Tv 109,1; Cv 2,34-36). Bài ca này xuất hiện sớm nhất cũng là vào thế kỷ thứ IV, nhưng chỉ được đưa vào thánh lễ Rôma vào đầu thế kỷ thứ VI, sau đó trong tất cả các Chúa Nhật và các ngày lễ kính thánh tử đạo. Sau cùng, được dành cho lễ các thánh giáo hoàng, rồi đến lễ các thánh giám mục.
Ngày nay, người ta đọc đối đáp hay hát kinh Vinh Danh trong mọi Chúa Nhật, trừ Mùa Vọng và Mùa Chay. Tất cả lễ trọng và lễ kính đều hát Kinh Vinh Danh.
Một Kinh Vinh Danh khác ca tụng Chúa Ba Ngôi cũng bắt đầu bằng chữ gloria, thì ngắn gọn hơn: Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa. Trong các giờ kinh phụng vụ và đôi khi trong thánh lễ, câu vinh danh này là câu kết thông thường cuối một thánh vịnh hoặc một phần thánh vịnh, cũng như của phần lớn những bài thánh ca. Trong phụng vụ, cộng đoàn hiệp thông với và quanh Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần. Cũng như Chúa Con và nhờ Thánh Thần của các nghĩa tử, cộng đoàn tôn vinh Thiên Chúa, khi lặp lại: Vinh Danh.

Vinh Quang
(= Gloire)
Doxa trong tiếng Hy Lạp là ý kiến về một người nào đó (dokéin nghĩa là đánh giá, thẩm định), là sự thẩm định về một người có danh tiếng. Trong tiếng Hy Lạp, vinh quanh được kể như ánh sáng, vẻ rạng rỡ. Trước hết, vinh quang hàm chứa một sự chiếu tỏa ra điều danh tiếng khởi từ nguồn của nó, và khi trở về, lại hàm chứa sự phản ánh vinh quang. Ðiểm phát phải chiếu tỏa và điểm phản chiếu phải tái tạo một thứ ánh sáng không phải là ảo ảnh.
Duy chỉ Cha của ánh sáng (Gc 1,17) là nguồn mạch hoàn hảo của Vinh Quang (chữ viết hoa muốn nói đó chính là sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi); người chiếu tỏa toàn thể vinh quang của Người nơi Chúa Con, sự rực rỡ vinh quang của Người, ấn dấu của bản thể Người, chính Ngôi Lời tôn vinh Cha trong tất cả sự thật. Thần Khí vinh hiển (1Pr 4,14) là trung gian sự phát tỏa và phản hồi của Vinh Quang trong đời sống Ba Ngôi. Nhờ mầu nhiệm nhập thể, chúng ta đã nhìn thấy Vinh Quang nầy, Vinh Quang đến từ Chúa Cha, làm vinh hiển Chúa Con (Ga 1,14), và rạng ngời trên dung mạo Chúa Kitô (2Cr 4,6). Nhờ Người, tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một tấm gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí" (2Cr 3,18). Sự trao đổi Vinh Quang này ngay trong Ba Ngôi đã tạo nên cơ cấu phụng vụ: trước khi tôn vinh, phải đón nhận Vinh Quang; Vinh Quang đến với chúng ta từ Chúa Cha, nhờ đó Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần, và tùy mức độ chiếm hữu Thánh Thần của Chúa Con, chúng ta có thể trả lại Vinh Quang cho Chúa Cha. Khi cầu xin trong lời nguyện tư tế: Lạy Cha, xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha (Ga 17,1), Chúa Giêsu đã xác định tất cả hữu thể và cuộc sống làm Con của Người, như cuộc hiến mình để thông ban Vinh Quang của Chúa Cha như Người không ngừng đón nhận và phản chiếu (7,19-22). Bí tích Thánh Thể đặt chúng ta vào trung tâm của Vinh Quang này, cũng như tất cả mọi cử hành phụng vụ có Thánh Thể là trung tâm, trong khi chờ ngày dẫn đưa chúng ta tới phụng vụ trên trời, nơi chúng ta hy vọng sẽ được tháp nhập hoàn toàn vào việc ngợi khen Vinh Quang (xc. Ep 1,6.12.14). Ðối với người Do Thái, vinh quang không cất đi sự rạng rỡ, nhưng cất đi sức nặng. Cũng chính ở đó, độ dày hay sức nặng của hữu thể thuộc về một mình Thiên Chúa, đến nỗi những sự tỏ hiện của Thiên Chúa, theo nghĩa đen, là một sự đè bẹp. Mặc khải dần dần cho thấy độ dày của sự sống Thiên Chúa được kết thành bởi sức nặng tình yêu; Tân Ước mặc khải rằng nơi Thiên Chúa có Ba Ngôi để trao hiến và đón nhận tình yêu, và sức ép của tình yêu Ba Ngôi không nhằm đè bẹp nhưng là để thắt chặt. Trong phụng vụ, tất cả những bất ổn hoặc hời hợt phải biến đi, các tín hữu được đặt ở trung tâm trọng lực của sự sống Ba Ngôi, Ðấng là Tình Yêu được thông ban và tái tạo trong Thánh Linh (xc. Biến hình; Ba Ngôi; Ca tụng; Vinh tụng ca).

Vinh Tụng Ca
(= Doxologie)
Theo tiếng Hy Lạp, doxa có nghĩa là vinh quang, và logos nghĩa là lời. Như vậy, doxologia là lời về vinh quang, tức là một công thức cử hành vinh quang Thiên Chúa. Những công thức loại này có nhiều trong Kinh Thánh. Trong phụng vụ, các vinh tụng ca chính là:
- "Chính nhờ Ðức Kitô, cùng với Ðức Kitô và trong Ðức Kitô..." kết thúc kinh Tạ ơn của Thánh lễ,
- "Vì Chúa là vua uy quyền và vinh hiển muôn đời" sau kinh Khấn xin của Kinh Lạy Cha,
- "Vinh danh Chúa Cha..." kết thúc các thánh vịnh trong các Giờ Kinh Phụng Vụ,
- Ðoạn cuối cùng trong các thánh thi.
Ngoài ra, người ta cũng gọi kinh Vinh Danh trong Thánh Lễ và Kinh Te Deum là những vinh tụng ca (xc. Ca tụng).

Vô Nhiễm Nguyên Tội
(= Immaculation)
Lễ trọng vào ngày 8 tháng 12, kính Ðức Mẹ Maria thụ thai mà không vương tội, nhờ hồng ân độc nhất, tức là ân sủng phát xuất từ cuộc tử nạn của Chúa Con trên thập giá. Ðức Maria được hoài thai trong cung lòng bà thánh Anna, mà không vướng mắc tội nguyên tổ. Thực vậy, việc Con Thiên Chúa chuẩn bị cho mình một người mẹ xứng đáng thật hợp lý. Ðược ơn vô nhiễm nguyên tội, Ðức Mẹ cũng được tràn đầy ơn sủng (Lc 1,18) phù hợp với thiên chức làm Thiên Chúa Thánh Mẫu. Tuy nhiên, không như Chúa Con, Ðấng vừa là Thiên Chúa vừa là người, Ðấng không hề phạm tội, Ðức Maria không phải là không thể mắc tội: Mẹ có thể phạm tội, nhưng Mẹ đã hoàn toàn tuân theo ân sủng của Thiên Chúa không ngừng đổ tràn nơi mình. Trong chương trình của Thiên Chúa, chính vì con người chúng ta và vì ơn cứu độ chúng ta mà Ðức Maria được ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội, theo như tín điều được Ðức Giáo Hoàng Piô IX công bố năm 1854 và như chính lời Mẹ nói với chị Bernadette tại Lộ Ðức năm 1858. Ðược tuyển chọn riêng để trở thành Ðức Mẹ Thiên Chúa, thì chính Mẹ, do sự trung thành hoàn toàn với Thánh Ý Thiên Chúa, thi hành một chức năng trung gian với tư cách làm mẹ, để nối dài sự trung gian của Chúa Con, vì lợi ích của tất cả mọi người. Tất cả những ai trung tín và gắn bó với Chúa Con, sẽ đến với Mẹ, trong vinh quang Thiên Chúa, cùng với Mẹ, trở thành Hiền Thê của Ðức Kitô, xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn, hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền (Ep 5,27).

Vương Cung Thánh Ðường
(= Basilique)
Trong tiếng Hy Lạp, basilikè có nghĩa là (cổng) hoàng cung. Ðối với dân Rôma, basilica là một kiến trúc dân sự, chia thành nhiều dãy song song, làm nên một thứ quảng trường (forum) có mái che, tại đây người ta bàn bạc công việc hoặc gặp gỡ nhau. Khi được bình an dưới thời hoàng đế Con-tăng-ti-nô, những kiến trúc đầu tiên của Kitô giáo là các đền thờ Rôma được cải tạo, hoặc các thánh đường được xây dựng dựa theo họa đồ các đền thờ Rôma. Ðền thờ thánh Phêrô, đền thờ Ðức Bà Cả, đền thờ thánh Phaolô ngoại thành là những vương cung thánh đường. Nhà thờ Chúa Giáng Sinh ở Bêlem là một vương cung thánh đường rất cổ xưa.
Trong ngôn ngữ thông thường, vương cung thánh đường là tước hiệu do đức giáo hoàng đặt cho một số đền thờ, đặc biệt tại các nơi hành hương (Lộ Ðức, Lisieux, Montmatre, v.v...)

Vượt Qua (Lễ)
(= Pâque)
Cách gọi Chúa Nhật mừng trọng thể Chúa Phúc Sinh. Không rõ từ nguyên thế nào. Thường người ta ghép nó với Pâsah trong tiếng Hípri có nghĩa là nhảy, đi qua, miễn xá (xc. Xh 12,11.23.27): Ðức Chúa miễn xá không sát hại các con đầu lòng của người Israel, nhờ máu của con chiên Vượt Qua. Thực tế, có lẽ phải đưa từ vượt qua trở về với một từ gốc Sêmít cổ: pashahu, có nghĩa là làm nguôi.
Nghi thức giết chiên Vượt Qua nguyên thủy là một hy tế của các người chăn chiên du mục, nhằm xin cho bầy súc vật sinh sôi nẩy nở vào mùa xuân. Ngược lại, việc dâng tiến lúa mì đầu vụ lại là nghi lễ của các nông gia đã sống nếp sống định cư. Những nghi lễ này, khi liên kết với việc giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập, đã trở thành lễ vượt qua của người Hípri, tưởng niệm việc Ðức Chúa ra tay hành động để cứu thoát Dân Người.
Bằng toàn thể Mầu Nhiệm Vượt Qua - Thương Khó, Tử Nạn, Phục Sinh - Ðức Kitô, Con Chiên đích thực (Ga 1,29.36; 18,28; Lc 22,7-16) và Bánh hằng sống (Ga 6,35) đã hòa giải con người tội lỗi với Chúa Cha và niêm ấn Giao Ước. Như vậy, lễ Vượt Qua do Ðức Giêsu thiết lập đón nhận và kiện toàn vừa việc cử hành sự đổi mới của mùa xuân - một thứ phục sinh trong thiên nhiên cây cỏ và sinh vật, được nhiều tôn giáo coi là linh thánh, vừa việc cử hành tưởng niệm việc giải phóng có tính cách lịch sử Ðức Chúa đã thực hiện để cứu thoát Dân Người.
Lễ Vượt Qua, theo nghĩa chặt, là lễ trọng bậc nhất, mừng Chúa Phục Sinh, là trọng tâm của toàn thể năm phụng vụ; lễ ấy bắt đầu với đêm canh thức Vượt Qua, chiều thứ Bảy Tuần Thánh, và kéo dài hết ngày Chúa Nhật. Năm mươi ngày trong mùa Phục Sinh chỉ là một cách mở rộng "Ngày Chúa đã làm ra" (Tv 117,23).
Người Do Thái giết chiên Vượt Qua và ăn mừng lễ Vượt Qua vào chiều ngày 14 tháng Ni-san, ngày trăng đầy vào mùa xuân. Chúa Kitô, khi chịu chết trên thánh giá vào ngày thứ Sáu 14 tháng Ni-san và phục sinh "Ngày thứ nhất trong tuần" (Ga 20,1), nghĩa là ngày áp ngày sabát. Ðối với người Kitô hữu, có ba cách giải quyết để định ngày mừng lễ Phục Sinh: hoặc xác định ngày đó vào ngày Chúa Nhật tiếp sau ngày trăng tròn mùa xuân; hoặc sau cùng, như "Nhóm 14" (vào thế kỷ thứ II, ở Tiểu Á), giữ ngày lễ đúng ngày 14 tháng Ni-san. Tại công đồng Ni-xê-a (325), ngày lễ này được xác định vào ngày Chúa nhật sau ngày trăng tròn lúc xuân phân. Tuy nhiên, vì những cách tính khác nhau, các Hội Thánh Ðông Phương và Tây Phương không mừng lễ cùng một ngày. Bình thường đó là vấn đề xác định ngày lễ vào một ngày Chúa Nhật cố định (Chúa Nhật thứ nhất hoặc thứ hai của tháng Tư) và phải ghi nhận rằng công đồng Vaticanô II không chống đối cách tính này (xc. Phụ trương Hiến Chế Phụng Vụ Thánh). Nhưng anh em Chính Thống chống đối mạnh mẽ.

X
Xá Giải
(= Absolution)
Hành vi linh mục nhân danh Thiên Chúa thứ tha (absolvere: tẩy xóa, tháo gỡ) các tội lỗi của hối nhân. Ðây chính là sự áp dụng quyền Chúa Giêsu đã trao cho thánh Phêrô: "Ðiều gì anh cầm buộc ở dưới đất, trên trời cũng cầm buộc và điều gì anh tháo cởi dưới đất, trên trời cũng tháo cởi" (Mt 16,19) và cho các Tông đồ vào ngày Phục Sinh: "Hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai, thì tội họ được tha; anh em cầm buộc tội ai, thì tội họ bị cầm buộc" (Ga 20,22-23).
Ðây là công thức xá giải: "Thiên Chúa là Cha thương xót, đã dùng sự sống, sự chết, và sống lại của Con Chúa mà giao hòa thế gian với Chúa và ban Thánh Thần để tha tội. Xin Người dùng tác vụ của Hội Thánh mà ban cho anh ơn tha thứ và bình an. Vậy tôi tha tội cho anh nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần".
Khi đọc công thức trên, linh mục giang tay về phía hối nhân, đến đoạn cuối, tức là phần quan trọng nhất, linh mục vẽ hình thánh giá trên hối nhân. (xc. Sám hối).
Cũng cần lưu ý là cuối phần sám hối ở đầu thánh lễ, linh mục cũng đọc một công thức xá giải, tuy nhiên không có tính cách bí tích: "in Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến cuộc sống muôn đời."
Khi cử hành sám hối tập thể, cần nhắc cho các tín hữu nhớ rằng họ buộc phải xưng những tội trọng mà họ đã xét thấy.

Xanh (Màu)
(= Vert)
Màu xanh là màu dùng trong mùa Thường Niên, nhắc đến việc Hội Thánh lớn lên nhờ nhựa sống Thiên Chúa ban.

Xin Cũng Cho Chúng Con (Kinh)
(= Nobis quoque)
Ðây là những chữ La tinh đầu tiên của lời nguyện cuối kinh Tạ Ơn I (lễ qui Rôma): "Cả chúng con nữa, là những người tội lỗi..." Lời nguyện này xin Chúa cho cộng đoàn phụng vụ được tham dự vào cộng đoàn các thánh Tông Ðồ và tử đạo; trong lời nguyện có nêu tên một vài vị (xc. Bìa xếp, Kinh "Cùng hiệp thông...").

Xin Nhớ Ðến (Kinh)
(= Memento)
Từ La tinh memento có nghĩa là kinh Xin hãy nhớ đến. Ðây là những tiếng đầu tiên của lời nguyện trong kinh Tạ Ơn Rôma, đọc trước lời thánh hiến, với mục đích trao phó mọi người sống cho Thiên Chúa. Cuối kinh Tạ Ơn này, cũng có một lời nguyện khác, bắt đầu bằng tiếng Memento, để trao phó cho Thiên Chúa những người đã qua đời. Việc nài xin Chúa tưởng nhớ là một yếu tố chính của phụng vụ (xc. Tưởng nhớ).
Xức Dầu
(= Onction)
Tiếng La tinh là unctio, ungere. Việc xức dầu thánh là một trong những dấu chỉ chính yếu của các hành vi phụng vụ. Chủ yếu trong các cuộc cử hành bí tích Thêm Sức và bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân; còn trong nghi thức Thánh Tẩy, Truyền Chức cũng như Cung Hiến Ðền Thờ và Bàn Thờ, xức dầu có tính cách phụ tích.

Xức Dầu Bệnh Nhân (Bí Tích)
(= Sacrement des malades)
Bí tích Xức Dần Bệnh Nhân nhằm tiếp tục trong Hội Thánh công việc từ bi bác ái Chúa đã thực hiện. Người đã đặt tay trên những bệnh nhân để chữa họ (Mt 8,3.15; Mc 6,5; xc. Cv 4,30). Ngay khi còn sống trên trần gian, Ðức Giêsu đã phái các môn đệ đi truyền giáo: Các ông trừ được nhiều quỉ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh (Mc 6,13). Ðến lúc xa các môn đệ. Ðức Giêsu cho thấy những dấu lạ sẽ đi kèm theo những người tin (Mc 16,17), trong số đó họ đặt tay trên những người bệnh hoạn yếu đau thì những người này sẽ được an lành mạnh khỏe (c. 18). Thế nên, ta không ngạc nhiên khi đọc thấy trong thư Giacôbê: "Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Cúa nâng dậy, và nếu đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha" (5,14-16).
Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân chủ yếu gồm: phần sám hối và kinh cầu (xc. Kinh cầu). Tiếp theo, linh mục thinh lặng đặt tay trên đầu bệnh nhân, rồi xức dầu bệnh nhân (dầu đã được đức giám mục làm phép trong ngày thứ Năm Tuần Thánh) trên trán và trên hai tay bệnh nhân. rong khi xức dầu, linh mục đọc: "T..., nhờ việc xức dầu thánh này, xin Chúa tỏ lòng nhân từ vô biên đối với con và xin Người tha mọi sự dữ con đã phạm". Sau đó là lời nguyện,kinh Lạy Cha và phép lành kết thúc nghi thức.
Cũng tương tự như đối với một số bệnh, người ta xức một thứ dầu nào đó để cho dịu cơn bệnh, thì việc xức dầu này cũng làm cho dịu cơn bệnh một cách siêu nhiên, nhưng nhất là làm cho linh hồn được bình an, cũng như tha thứ tội lỗi và hậu quả của tội. Việc xức dầu không chuẩn miễn bí tích Sám Hối, nhưng đó là một cách hoàn tất bí tích Sám Hối. Bí tích Xức Dầu bệnh nhân không phải là bí tích Xức Dầu sau hết, dành cho những người sắp chết. Bất cứ ai bệnh nặng đều có đủ lý do để đón nhận ân sủng riêng, thuộc hoàn cảnh riêng trong đời của người Kitô hữu, hoặc đơn giản chỉ vì tuổi già sức yếu.

Xướng Cung
(Intonation)
Là cất tiếng hát, cất giọng, bắt giọng (intonare trong tiếng La tinh có nghĩa là làm vàng dội). Ðây là việc cất lên những chữ đầu hoạc những nốt nhạc đầu của một bản văn phụng vụ. Có thể là do chủ tế, các ca xướng viên, hoặc những người tham dự nghi lễ. Kinh Vinh Danh, Kinh Tin Kính, Kinh Te Deum, điệp ca, một thánh vịnh, một thánh thi... là những chỗ thường có người bắt những câu đầu (xc. Ðặt tay).

Xướng Ðáp
(= Responsorial)
Sách hát Ghê-gô-ri-a-nô dùng trong phụng vụ, gồm những đáp ca có ghi nốt nhạc dùng trong giờ kinh Ðêm, cũng như các điệp ca các giờ kinh Ðêm và bản văn Giáo đầu có ghi nốt nhạc.


Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang