Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Hướng dẫn bài đọc Tam Nhật Thánh


DẪN Ý CÁC BÀI ĐỌC TAM NHẬT VƯỢT QUA

THỨ NĂM TUẦN THÁNH
Trước bài đọc I : Xh 12, 1 – 8. 11 – 14
Sách Xuất Hành đưa ra những chỉ thị về bữa ăn Vượt Qua, trong đó người Ít-ra-en ăn thịt con chiên và lấy máu bôi lên khung cửa; nhờ máu này, các con đầu lòng của họ được thoát chết, trong khi đó các con đầu lòng người Ai cập bị tàn sát. Từ đó, hằng năm họ ăn bữa tiệc Vượt Qua, để tưởng nhớ ơn Chúa đã cứu họ khỏi ách nô lệ Ai cập, và để xin Chúa hoàn thành ơn cứu thoát ấy.
Trước bài đọc II : 1 Cr 11, 23 – 26
Đoạn thư gởi tín hữu Cô-rin-tô mà chúng ta sắp nghe, tường thuật việc Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể. Trong bữa ăn sau hết cùng với các môn đệ, vào chính dịp lễ Vượt Qua của người Do Thái, Chúa Giêsu ban Mình và Máu Người cho môn đệ như con Chiên Vượt Qua thật, hy sinh vì loài người. Mỗi khi cử hành Thánh Lễ, và đặc biệt chiều hôm nay, chúng ta cũng tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu, và được hưởng nhờ ơn cứu chuộc Người thực hiện cho chúng ta.
Trước bài Tin Mừng : Ga 13, 1 – 15
1. Trong bữa ăn sau hết, trước khi về với Chúa Cha, Chúa Giêsu cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Đây là một hành động tượng trưng nói lên ý nghĩa của cuộc thương khó: Chính vì yêu thương, mà Chúa Giêsu hạ mình xuống như một người đầy tớ, để phục vụ hoàn toàn từ bỏ bản thân. Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta noi gương Người trong tình yêu phục vụ đó.
2. Trong bài Tin Mừng hôm nay, sau khi tả lại việc Chúa Giêsu hạ mình rửa chân cho các môn đệ, thánh Gioan cho biết: đức bác ái là kết quả của Bí Tích Thánh Thể, là Chúa, là Chủ và là Thầy mà Chúa Giêsu còn làm như thế, phương chi chúng ta là anh em ngang hàng với nhau, chúng ta cũng phải biết đối xử với nhau như thế.


DẪN Ý CÁC BÀI ĐỌC TAM NHẬT VƯỢT QUA

THỨ SÁU TUẦN THÁNH
Trước bài đọc I : Is 52, 13 – 53, 12
Bài ca thứ tư về Người Tôi Tớ cho chúng ta thấy Người Tôi Tớ bị sỉ nhục, hành hạ và sau cùng bị giết, mà vẫn hiền lành như con chiên, không mở miệng kêu la. Người Tôi Tớ chịu như vậy là để đền tội thay cho kẻ khác và mang lấy hình phạt kẻ khác đáng chịu. Chính vì thế mà người Tôi Tớ Chúa làm cho muôn người nên công chính, và đem lại cho họ phúc bình an. Các tác giả Tân Ước thấy rằng: những lời sách Isaia sau đây đã thực hiện nơi Chúa Giêsu và chính cái chết của Người đem lại ơn cứu chuộc cho ta.
Trước bài đọc II : Dt 4, 14 – 16; 5, 7 – 9
Chúa Giêsu cũng là người như chúng ta. Vì thế, trước đau khổ và cái chết, Người cũng cảm thấy khắc khoải. Mặc dầu bị xâu xé trong tâm hồn và thể xác, Người đã vâng phục chấp nhận thánh ý Chúa Cha. Vì thế, Người vừa là Tư Tế, vừa là lễ vật hy sinh đem lại ơn cứu độ cho muôn người.
Trước bài Thương Khó : Ga 18, 1 – 19, 42
1.Trong Bài Thương Khó này, Thánh Gioan không nhấn mạnh đến những đau khổ và sỉ nhục Chúa Giêsu chịu, nhưng nhấn mạnh đến tính cách hoàn toàn tự nguyện của Người. Qua cái chết của Chúa Giêsu, Người đã hoàn thành tất cả những gì Chúa Cha muốn. Giờ Chúa Giêsu chịu treo cao trên Thập Giá, chính là giờ Người đánh bại Xa-tan, Người được tôn vinh và lôi kéo muôn người lên với Người. Khi trút hơi thở, Chúa Giêsu trao Thần Khí lại cho Hội Thánh. Từ cạnh sườn Chúa Giêsu, máu và nước chảy ra, tượng trưng cho hai bí tích Thánh Tẩy và Thánh Thể thành lập Hội Thánh.
2. Trong Bài Thương Khó này, Thánh Gioan tả lại các việc Chúa Giêsu bị bắt, dẫn đến trước Cai-Pha, điệu sang Philatô, bị lăng nhục, vác thập giá, tắt thở trên đồ Golgôta và mai táng trong huyệt đá. Chúng ta hãy theo sát từng bước Chúa trên đường cực hình, cảm thông với Ngài và xin Ngài thứ lỗi cho.


LỜI DẪN TRƯỚC CÁC BÀI ĐỌC
TỐI THỨ BẢY TUẦN THÁNH
1.     Lời dẫn (ngồi)
2.     Bài đọc (ngồi)
3.     Đáp ca (ngồi)
4.     Lời nguyện (đứng)
Trước bài đọc I: St 1, 1 – 2, 2
Chương này không phải là một bài tường thuật lịch sử, hay một bản nghiên cứu khoa học về nguồn gốc vũ trụ và loài người. Đây là một bài ca phụng vụ, mượn những quan niệm bình dân thời xưa về vũ trụ để tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng dùng quyền năng và Thánh Khí của Ngài mà sáng tạo muôn loài. Đêm nay, Hội Thánh đọc đoạn văn này để nói rằng: trong mầu nhiệm Vượt Qua, tức mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh, Chúa Kitô đã khai mào một cuộc tạo thành mới còn tốt đẹp hơn nữa. Người đã dùng nước Thánh Tẩy và ơn Thánh Thần, để đưa chúng ta vào cuộc tạo thành mới đó.
Trước bài đọc II: St 22, 1 – 18
Lòng tin của tổ phụ Ap-ra-ham đạt tới điểm cao nhất, khi ông sẵn sàng hiến tế, dâng Thiên Chúa đứa con một là I-xa-ác, vì tin rằng Chúa có thể làm cho kẻ chết sống lại, và dù thế nào đi nữa, lời hứa của Chúa sẽ được thực hiện. Do đó, ông Ap-ra-ham đã trở thành cha của mọi kẻ tin, của hết thảy chúng ta. Ông I-xa-ác vác củi lên núi cũng tiên báo Đức Kitô, Người Con Một mà Thiên Chúa đã không ngần ngại phó nộp, vì yêu thương chúng ta.
Trước bài đọc III: Xh 14, 15 – 15, 1
Bằng thể văn anh hùng ca, sách Xuất Hành quảng diễn và đề cao việc Thiên Chúa giải thoát dân Người, khi Người cho họ đi bộ qua Biển Đỏ. Biến cố này tiên báo cuộc Xuất Hành mới, mà Thiên Chúa cho chúng ta thực hiện: khi đi qua nước Thánh Tẩy, chúng ta cũng được giải thoát khỏi vòng nô lệ tội lỗi, và trở thành dân Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta có thể hát bài ca chiến thắng: Vang lên muôn lời ca!
Trước bài đọc V: Is 55, 1 – 11
Lương thực mà Chúa cho không tượng trưng cho những hồng ân Chúa ban, vì tình thương của Người. Đặc biệt, đó là Lời Chúa, là nước Thánh Tẩy, là Mình Máu Chúa mà ta nhận được trong giao ước mới, giao ước vĩnh cửu thiết lập nhờ mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô.
Trước bài đọc VII: Ed 36, 16 – 28
Vì tội lỗi của mình, dân Chúa phải sống lưu vong tản mác giữa các dân ngoại. Nhưng Thiên Chúa không quên giao ước của Người, Người hứa sẽ qui tụ họ về, thanh tẩy họ, ban cho họ một trái tim mới, đặt Thần Khí của Người trong họ. Chúa Kitô Phục Sinh thực hiện hoàn toàn lời hứa đó: Người kêu gọi ta từ khắp muôn dân, dội nước Thánh Tẩy trên ta, để tha tội và ban ơn Thánh Thần, nhờ đó ta được một trái tim mới, để có thể gọi Thiên Chúa là Cha.
Trước bài Thánh Thư: Rm 6, 3 – 11
Đây là một trong những đoạn văn căn bản về bí tích Thánh Tẩy. Thánh Phaolô nói: trong phép rửa, chúng ta được liên kết với mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Thật vậy, khi được dìm vào trong nước Thánh Tẩy, ta cùng chết, cùng được mai táng với Đức Kitô; và khi ra khỏi nước, ta cùng sống lại với Người và bước vào cuộc sống mới.


Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang