Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Nghi thức Tam Nhật Thánh


Dẫn Nghi Thức Tam Nhật Thánh
(tgphanoi.net)
 
THỨ NĂM TUẦN THÁNH
Lễ chiều và Tiệc ly
Chiều nay, Giáo hội kêu mời chúng ta sống lại những giây phút cao qúi tuyệt vời nhất của tình yêu Chúa Kitô, một tình yêu không thể đo lường hay sánh ví. Tình yêu bao la đó được thể hiện qua việc Người thành lập Lễ Hy Sinh là Nhiệm Tích Thánh Thể, để rồi sẽ hoàn tất trên Núi Sọ.
Vì thế, phụng vụ hôm nay trổi một điệp khúc : Chúa Kitô đã yêu thương loài người đến tột độ : Người đã để lại cho chúng ta một bảo chứng tuyệt vời của tình yêu : đó là Nhiệm tích Thánh Thể : lấy Thịt Máu mình làm của ăn nuôi hồn con cái. Đồng thời để ở lại với chúng ta cho đến tận thế, làm của lễ hiến tế Chúa Cha mỗi ngày trên bàn thờ. Không ai biết yêu thương bằng người biết hiến mạng sống mình vì kẻ mình yêu.
Có thể nói được rằng : bài học đầu tiên và cũng là lời trăng trối cuối cùng của Chúa trong những ngày khổ nạn là : hãy tự hiến và tận hiến. Một sự tận hiến không tính toán, so đo, không do dự, vị kỷ, không tiếc rẻ vì đã theo Chúa. Tự hiến hết mình, trọn vẹn cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Ai không biết tự hiến, người đó không thể hy vọng trở thành môn đệ đích thực của Chúa Kitô.

Các bản văn phụng vụ Thánh Lễ hôm nay đã làm nổi bật ý lực ấy của Lễ Vượt Qua và Nhiệm Tích Thánh Thể.
Hôm nay, Chúa tự nộp mình cho kẻ tội lỗi, đồng thời Người tự cho ta trong Nhiệm Tích Thánh Thể. Hai bộ mặt của mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh.
Ca hiệp lễ, ca tâm niệm, ca dâng lễ và kinh tiền tụng hôm nay đã ca tụng bộ mặt vinh quang Mầu Nhiệm Cứu Thế : Vì chúng ta, Chúa Kitô đã tự hạ, vâng lời cho đến chết, vì thế Thiên Chúa đã suy tôn Người và tặng ban cho Người một danh hiệu cao quý hơn mọi danh hiệu.
Thánh lễ kỷ niệm Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể chiều hôm nay, giờ này nhắc ta nhớ lại bầu khí trang trọng, nhưng vô cùng xúc động tại Phòng Tiệc Ly ngày xưa. Thực ra, là một vị Thiên Chúa quyền năng nhưng Chúa Giêsu không thể không nghĩ ra được một cách thế nào cao hơn, tuyệt vời hơn để biểu hiện tình yêu nồng nàn của Người đối với chúng ta bằng cách lập phép Thánh Thể.
Chúng ta hãy cảm nhận tấm lòng vô biên của Chúa, và phấn đấu sống tốt hơn để đáp trả tình yêu cao vời của Chúa.
- Sau bài hát "Vinh Danh", chấm dứt chuông nhạc rộn ràng để bước vào một màn cảnh mới, màn cảnh bi thương khổ nạn của Chúa Giêsu : chính đêm nay Chúa bắt đầu tự nộp mình trong tay quân dữ. Chúng ta hãy theo sát bước chân Chúa trong các chặng khổ nạn này.
* Mời cộng đoàn đứng lên. Thánh Lễ chuẩn bị bắt đầu. (hát ca nhập lễ)
Nghi thức rửa chân (sau giảng)
Linh mục, vị thủ lãnh của cộng đoàn cởi áo ngoài, lấy khăn vải thắt lưng, bước xuống lấy nước rửa chân cho các ông. Ý nghĩa diễn lại cử chỉ Chúa Giêsu ngày xưa rửa chân cho các môn đệ : một bài học khiêm nhường phục vụ và luật bác ái.
Giờ phút trang nghiêm và cảm động, nếu không nhận ra ý định sâu xa của Thầy Chí Thánh, thì chúng ta có thể thốt ra lời từ chối này : "Không, đời nào Thầy lại rửa chân cho con !". Nhưng, qua những cử chỉ khiêm nhường đó, Chúa Giêsu đã trăng trối cho chúng ta một bài học tâm phúc, Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng hãy làm như vậy (Ga 13,15). Các con hãy rửa chân cho nhau, đó là điều Chúa muốn dạy bảo và nêu gương cho các Tông Đồ, để các ngài cũng như chúng ta biết khiêm tốn và mau mắn phục vụ, vì yêu thương anh em.
Hãy cầu xin Chúa cho chúng ta biết nhìn thấy Chúa nơi anh em, biết yêu thương và phục vụ anh em như chính Chúa đã yêu thương và phục vụ chúng ta.
Rửa chân xong, mời cộng đoàn đứng dậy, sốt sắng dâng lên Chúa những lười cầu nguyện.
Kiệu Thánh Thể
Sau lời nguyện hiệp lễ, phụng vụ tiếp tục bằng cuộc rước Kiệu Thánh thể long trọng sang bàn thờ bên cạnh. Đây không phải là một cuộc đưa Chúa đi ẩn mình hoặc có ý ám chỉ nhà tạm là Ghết-sê-ma-ni, hay ngôi mộ như có người lầm tưởng. Cuộc cất mình Chúa hôm nay nhằm mục đích dành cho bệnh nhân và để chịu lễ ngày mai.
Sở dĩ cuộc rước có tính cách long trọng, vì Giáo Hội muốn đón mừng kỷ niệm ngày Chúa lập phép Thánh Thể, nhiệm tích tình yêu của Chúa đối vời nhân loại. Ôi ! Nhiệm tích cao quý, chúng ta hãy khiêm cung thờ lạy.

ĐÊM CANH THỨC
(Trước lúc chầu)
Chúng ta hãy sống với Chúa những giây phút cô đơn thống khổ và mướt máu : "Linh hồn Thầy buồn đến chết được ! Các con hãy ở đây và tỉnh thức với Thầy" (Mt 26,38). "Không lẽ các con không tỉnh thức được với Thầy một giờ sao !" (Mt 26,40)
Đáp trả lời mời gọi của Chúa, đêm nay, đêm canh thức, chúng ta hãy đưa hết tâm tình chầu chực Chúa, đền tạ Chúa, để chia sẻ nỗi cô đơn đau buồn với Chúa trong tinh thần sám hối ăn năn. Chúng ta hãy theo sát Chúa vào vườn Giệt và các công nghị Do Thái đêm nay, nơi Chúa hấp hối lo buồn toát mồ hôi, máu, và bị đánh đòn sỉ vả trăm ngàn khốn khổ.


THỨ SÁU TUẦN THÁNH
Hôm nay, ngày đại tang, ngày kỷ niệm Chúa Giêsu chịu tử hình ô nhục đau thương trên thập giá vì tội lỗi nhân loại chúng ta. Và chính hôm nay, Giáo hội sống lại những giây phút thống khổ và tử nạn đó của Chúa. Vì thế phụng vụ được cử hành trong khung cảnh ảm đạm của màu tím. Tất cả mọi lễ nghi và câu hát trong ngày, nhằm đưa chúng ta lên Núi Sọ, dưới chân cây Thánh Giá. Vị Thượng Tê, Chúa chúng ta tự hiến làm lễ vật duy nhất cho Chúa Cha bằng khổ hình thập giá, một khổ hình vô cùng đau thương bi đát.
Nhưng, Chúa không những chỉ đau đớn thể xác, Người còn khổ tâm hơn khi nghĩ tới thái độ vô ơn, giả tâm và bội phản của loài người qua các thế hệ. Trước thực trạng phủ phàng đó, Người cảm thấy tất cả cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đang giáng xuống trên đầu Người, vì Người đã tự nguyện đứng ra để gánh tội lỗi thế gian. Và chén đắng đó đã làm Chúa Giêsu cảm thấy mình như bị Chúa Cha từ bỏ. Vì thế, Người đã đau đớn thốt lên : Lạy Cha, sao Cha bỏ Con ?
Vì thế, cuộc cử hành phụng vụ tử nạn Chúa không những chỉ là một nỗi buồn của kỷ niệm đau thương, mà còn là niềm đau xót của Giáo Hội trước tội lỗi của loài người vẫn còn tiếp diễn mỗi ngày một chồng chất lên. Do đó, lễ nghi và bầu khí của ngày Thứ Sáu là bằng chứng cụ thể nói lên bộ mặt xấu xa của tội lỗi. Đồng thời cho ta thấy tình yêu bao la của Thiên Chúa đối với loài người, tình yêu của một Đấng đã lãnh nhận cái chết đau thương nhục nhã để mang lại nguồn sống cho loài người sa đọa.
Nhận thức sâu xa điều đó, Giáo Hội mời gọi mỗi người chúng ta cùng nhất quyết hiệp nhất với giá máu của Chúa Kitô để chống lại tội lỗi, tiêu diệt tội lỗi và sẵn sàng chết cho tội lỗi.
Tuy nhiên, giữa màn đêm tối bi thảm này, đang bừng lên một tia hy vọng hoan hỷ : sự chết đã mang lại cho Chúa Kitô một chiến thắng vinh quang.
Chính cây thập giá đã gạt đổ bức tường tội lỗi ngăn cách giữa Thiên Chúa và loài người.
Chính cây thập giá là ngọn đuốc thiêng của đêm tối trần gian, là sự giải thoát của mọi người thiện chí... Bởi thế, chiều nay chúng ta hãy cùng Giáo Hội theo sát Chúa Kitô từng bước một để tìm ra hoa tươi trong đau khổ, và tìm được nguồn sống trong cõi chết. Đường thánh giá tuy là đường đau thương gai góc, nhưng cũng là đường chiến thắng vinh quang và là lẽ sống của mọi Kitô hữu chúng ta.
Phụng vụ hôm nay gồm ba phần : Phụng vụ lời Chúa - Thờ lạy Thánh Giá và Rước Lễ.
Phần I : phụng vụ Lời Chúa
(Lễ nghi bắt đầu) : linh mục mặc phẩm phục màu đỏ. Tiến ra bàn thờ, cúi chào, đoạn phủ phục xuống đất, một cử chỉ hết sức cảm động nói lên : sẵn sàng nằm xuống chết cho tội lỗi, cùng với Người, chúng ta thinh lặng âm thầm than khóc lỗi lầm chúng ta.
Giảng xong, cử hành lời nguyện trọng thể.
Mọi công nghiệp và ơn ích của ơn cứu rỗi đều do giá máu của Chúa Kitô. Vì thế, giờ đây, Giáo hội nhờ trung gian của Chúa Kitô và công nghiệp của Người để dâng lời cầu nguyện chung cho mọi nhu cầu chính trong Giáo hội. Chúng ta hãy đưa hết tâm tình hiệp thông trong giờ cầu nguyện trọng thể này.
Phần II : thờ lạy Thánh Giá
Sau một cuộc chiến thắng, quốc kỳ tượng trưng cho hồn dân tộc, đem đến khắp nơi niềm hoan hỷ. Cũng thế, thánh giá Chúa Kitô quả là một ngọn cờ chiến thắng và là dấu hiệu cứu độ của mọi kitô hữu chúng ta.
Vì thế, lễ nghi tôn vinh thánh giá hôm nay, mặc một vẻ tôn nghiêm lạ thường. Thánh giá thực sự đã có Chúa cứu chuộc, phải được coi như đồng hóa với chính Người. Vì thế, tôn thờ thánh giá là tôn thờ Đấng Cứu Chuộc. Đây là gỗ thánh giá, nơi đây treo Đấng Cứu Độ trần gian. Chúng ta hãy đến thờ lạy.
Hiệp lễ :
Hiến Tế Tiệc Ly giờ đây đã được hoàn tất do cái chết của Chúa Kitô trên thập giá và vì thế, mỗi lần anh em ăn Bánh và uống Chén này, anh em loan báo cái chết của Chúa và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến. Đồng thời được kết hợp với Chúa trong tình yêu.
Chúng ta chuẩn bị sẵn sàng để đón rước Chúa ngự vào cung lòng chúng ta.


THỨ BẢY TUẦN THÁNH
(đêm Vọng Phục Sinh)
Cho đến bây giờ, bầu khí vẫn giữ tịch mạc cô liêu, bởi Chúa đang an nghỉ trong mồ. Nhưng tin tưởng vào Lời Chúa, chúng ta hãy tỉnh thức chờ đợi, chờ đợi ánh sáng huy hoàng của chiến thắng Phục Sinh
Vì thế, đêm canh thức này bao hàm : một đêm kỷ niệm việc dân Do Thái được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, kỷ niệm để nuôi dưỡng lòng tin và niềm tri ân đối với Giavê Thiên Chúa. Đối với chúng ta, đêm nay cũng là đêm hồng phúc vì là kỉ niệm Chúa Giêsu Chiến Thắng Phục Sinh. Chúng ta hãy canh thức với lòng tin và tri ân đối với Chúa Kitô.
Ngày xưa, dân Do Thái ở Ai Cập trông đợi ngày Chúa đến để giải thoát họ. Cũng thế trong đêm canh thức này, chúng ta cũng mong đợi Chúa đến giải thoát chúng ta khỏi xiềng xích tội lỗi.
Vì thế, lòng tin tưởng của chúng ta không giả vờ mong đợi Chúa Phục Sinh, Chúa đã Phục Sinh thực sự, nhưng chúng ta mong chờ để hun đúc lòng tin Chúa Phục Sinh mãi mãi nơi tâm hồn chúng ta, và chúng ta hướng về ngày cánh chung, ngày đến gặp Chúa.
Ca tụng Ánh Sáng
Lễ nghi Phục Sinh đêm nay trước tiên là để ca tụng ánh sáng, toàn thể vũ trụ nằm trong đêm tối, đang mong đợi ánh sáng. Nhân loại tội lỗi đang mong đợi giải thoát. Tất cả đang hướng nhìn về Chúa Kitô, nguồn ánh sáng bất diệt.
Lễ nghi gồm hai giai đoạn :
1. Làm phép lửa mới và nến Phục Sinh : tượng trưng chính Chúa Kitô, ánh sáng của nhân loại.
2. Công bố Tin Mừng : chiến thắng vinh quang của sự sống lại.
Điểm chính yếu của nghi lễ là ánh sáng. Ánh sáng là nguồn soi sáng, nguồn sống và là sự hoan lạc của mọi người. Vì thế, trước tiên, nghi lễ được diễn ra trong khung cảnh đen tối của màn đêm, hình ảnh của sự sợ hãi, tội lỗi, thế giới qủi thần, sự chết của mọi vật.
Nhưng rồi, giữa bầu trời âm u đen tối, bừng lên một ánh lửa, một tia sáng tỏa lan khắp cảnh vật đánh tan những lo sợ chết chóc, tội lỗi, mang lại sự sống và niềm vui cho mọi người.
Đó là ý nghĩa cầu nguyện của Giáo Hội khi châm ngọn nến đầu tiên : "Xin ánh sáng Chúa Kitô sống lại, hãy đánh tan sự tăm tối của lòng trí chúng con".
Chúa Kitô thực sự là ánh sáng của đời ta và của muôn người. Người là nguyên cớ của vạn vật và là cùng đích của đời ta, là cứu cánh của mọi loài. Chúa Kitô vĩnh tồn trong quá khứ, và trong hiện tại, cả trong tương lai. Với dấu thánh giá trên cây nến, Giáo Hội tuyên xưng uy quyền Chúa Kitô Phục Sinh đối với toàn thể lịch sử, cả không gian lẫn thời gian. Năm hạt hương cũng gọi là nụ đinh trên nến Phục Sinh, tượng trưng cho năm thương tích của Chúa, những dấu tích của sự cứu rỗi.
Bởi thế, đêm nay tất cả nhân loại được giải thoát đang đứng trước Thiên Chúa mình, tay giơ cao ngọn đuốc đức tin, lòng cậy, và lòng mến ; để dâng lên Người niềm tạ ơn vì được tái tạo trong Đức Kitô.
- Lễ nghi bắt đầu : yêu cầu tắt toàn bộ ánh sáng. Chúng ta đứng tại chỗ, hướng về phía chủ tế khai mạc nghi thức làm phép lửa mới và Nến Phục Sinh. Nghiêm túc, trật tự để theo dõi, tham dự một cách tích cực các nghi lễ thánh.
- Rước nến : cuộc rước Nến Phục Sinh bắt đầu.
Cả nhân loại trong màn đêm tăm tối, bây giờ đã chiếu lên một ánh sáng, đó là ánh sáng Đức Kitô. Sau lời vị linh mục chủ sự xướng : "Ánh sáng Chúa Kitô", Chúng ta hãy thưa lên : "Tạ ơn Chúa"
- Tới giữa bàn thờ, sau khi xướng hai lần, ánh sáng Nến Phục Sinh đã được tiến lên giữa cộng đoàn, bắt đầu lan tỏa sang chung quanh. Từ ánh Nến Phục Sinh, chúng ta hãy thắp chuyền cho nhau . Như vậy, ánh sáng Đức tin đã phong tỏa đến mọi người.
- Tới cung thánh, sau khi xướng ba lần... Ánh sáng Chúa Kitô phải được chiếu soi lan tỏa khắp nơi. Tất cả ánh sáng hãy bừng lên .(Bật điện)
Công bố Tin Mừng Phục Sinh
(Trong lúc xông hương Sách Thánh và Nến Phục Sinh)
Giờ cứu độ đã điểm, giờ vinh quang chiến thắng đã bắt đầu. Ánh sáng huy hoàng của ngọn Nến Phục Sinh đang bừng cháy. Trước niềm hân hoan chan hòa của một cuộc sống mới, Mẹ Giáo Hội kêu mời tất cả con cái loài người, cùng ca đoàn thiên sứ hãy vui lên ! Hãy vui lên để ca tụng Chúa Kitô khải hoàn từ cõi chết. Hãy vui lên hỡi anh chị em, vì ánh sáng Chúa Kitô đang xé tan màn đêm của tà thần tội lỗi.
Được ánh sáng huy hoàng của Vua muôn đời soi chiếu, hoàn vũ hãy nhận biết mình đã được giải thoát vòng tăm tối.
Đây là đêm nhắc lại những hồng ân Thiên Chúa đã ban cho dân Người. Đây là đêm Chúa đã đưa Tổ Tông chúng ta, con cái Israel ra khỏi Ai Cập để giải thoát họ khỏi ách nô lệ, và mang đến cho họ niềm an bình hạnh phúc.
Thì đây cũng là đêm những người có lòng tin vào Chúa Kitô, được giải thoát khỏi xiềng xích vết xấu thế gian và bóng tối tội lỗi, đem họ về với ơn Chúa, và toàn thể các thánh trong nguồn sống mới bất diệt. Vì thế, đêm nay thật là đêm hồng phúc, đêm chiến bại của tà thần, đêm vinh quang của ánh sáng, đêm chan hòa ơn cứu độ.
Chúng ta đứng thẳng người lên, cầm nến cháy trong tay tượng trưng ánh sáng đức tin của mình, lắng nghe bài công bố Tin Mừng Lễ Phục Sinh.
Phụng vụ Lời Chúa
Mời cộng đoàn ngồi xuống, tắt nến, lắng nghe Lời Chúa.
- Để chờ đón giờ Chúa Kitô Phục sinh chiến thắng, Giáo Hội lắng nghe Sách Thánh nhằm nuôi dưỡng lòng tin và niềm hy vọng. Giáo Hội canh thức chờ Chúa đến, mắt đức tin đăm nhìn vào Thánh Kinh như ngọn đuốc chiếu soi vào đêm tối.
(Thánh Augustin)
Bài đọc I : St 1,1-2,2
Thuật lại công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Người tạo dựng tất cả vì tình yêu vô biên của Người. Đặc biệt là con người, theo hình ảnh Thiên Chúa, như là tột đỉnh của việc tạo dựng.
Bài đọc II : St 22,1-2,9a.10-13,15-18
Mô tả việc Abraham vâng lệnh Chúa sát tế người con duy nhất của mình là Isaac, chính vì sự vâng phục này mà ông được gọi là "cha các kẻ tin". Và ông được Chúa chúc phúc để trở thành cha của một dân tộc đông đúc như sao trên trời, như cát dưới biển. Việc sát tế này là hình ảnh của việc sát tế chính Con của Thiên chúa : Đức Giêsu Kitô.
Bài đọc III : Xh 14,15-15,1
Tường thuật lại việc dân Do Thái đi qua lòng Biển Đỏ khô cạn và được bình an. Đó là hình ảnh của cuộc giải thoát mới do công trình cứu độ của Đức Kitô. Đó là cuộc giải thoát từ kiếp sống nô lệ, đưa đến vùng đất tự do : là miền Đất hứa.
Bài đọc IV : Is 54, 1-14.
Đây là bài yên ủi dân Ít-ra-en đang sống trong kiếp lưu đầy tại Babylon. Họ bị lưu đày vì đã bất trung với Chúa, nhưng họ sám hối thì Chúa lại tha thứ và chăm lo cho họ. Chúa lấy lòng nhân từ vô biên quy tụ họ lại để họ vui hưởng nền hòa bình lâu dài.
Bài đọc V : Is 55,1-11
Tiên tri Isaia loan báo một thời kì thịnh đạt mà Israel sẽ được vui hưởng, thời kì mà Chúa sẽ kí kết một giao ước vĩnh cửu với những hồng ân mà Chúa đã hứa với Đavit. Và điều này sẽ được thực hiện nơi Chúa Cứu Thế.
Bài đọc VI : Br 3,9-15.32-4,4
Bài đọc ghi lại lời tiên tri Baruc nói cho dân Ít-ra-en biết : tại vì họ bỏ đường lối Chúa nên họ đã bị lưu đay. Vậy muốn sống mãi trong bình an thịnh vượng, thì hãy tuân giữ luật Chúa và trung thành với Giao ước.
Bài đọc VII : Ed 36,16-17a-18-28
Tiên tri Ézékiel cho dân Do thái biết tại vì họ bỏ Chúa để tôn thờ thần tượng, phạm đủ thứ tội nên họ bị lưu đày. Nhưng rồi Chúa sẽ qui tụ họ về, thanh tẩy họ, ban cho họ một quả tim và một thần trí mới, để họ thực thi huấn lệnh Chúa.
- Sau lời nguyện bài đọc Cựu ước cuối cùng này : vị chủ tế xướng "Kinh Vinh Danh". Tất cả chuông trống, thánh nhạc vang lên, chúng ta cùng hân hoan chúc mừng Chúa sống lại.
Tuyên thệ lời hứa (giảng xong) : mời cộng đoàn đứng lên, cầm nến sáng trên tay để chúng ta chuẩn bị tuyên thề lại lời hứa khi chịu Bí Tích Rửa tội.
Với nghi thức tuyên thệ này, Giáo Hội nhắc chúng ta là những người đã cùng chết và cùng sống lại với Đức Kitô. Hãy hiên ngang dấn thân theo Chúa và trung thành phụng sự Người : hãy chết đi cho tội lỗi, cho ích kỉ, cho những gì làm ta xa Chúa, để luôn sống xứng đáng thân phận làm con Chúa và Giáo hội.
Chúng ta lặp lại lời tuyên xưng và từ bỏ, khi chịu phép Rửa Tội. Linh mục bắt đầu làm phép nước thánh (xong tuyên thệ và rảy nước thánh).
Không đọc Kinh Tin Kính, phụng vụ tiến hành lời nguyện giáo dân : "Ước chi lời con nguyện như hương trầm bay tỏa trước thiên nhan và tay con giơ lên được chấp nhận như của lễ ban chiều".


DẪN LỄ TAM NHẬT THÁNH

(gpcantho.com)

 

I. THỨ NĂM TUẦN THÁNH

ĐẦU LỄ:
Giáo Hội, Mẹ Thánh của chúng ta, xưa cũng như nay đều lưu tâm đến việc cử hành phụng vụ của ba ngày trọng đại nầy - một danh xưng khác được dùng để chỉ ba ngày nầy đó là “Tam Nhật Vượt Qua”. Tam Nhật Vượt Qua được bắt đầu với Thánh Lễ Tiệc Ly chiều hôm nay và kết thúc vào chiều Chủ Nhật Phục Sinh.
Hôm nay, chúng ta bắt đầu ngày thứ nhất của 3 ngày Vượt Qua đó. Mỗi năm người Dothái ăn mừng Lễ Vượt Qua, để tưởng nhớ lại việc Chúa giải thoát họ ra khỏi đất Aicập. Chúa Giêsu, mượn biến cố nầy để khai mào cuộc thương khó, khi Ngài cùng với các môn đồ thân tín dùng bữa ăn Vượt Qua. Nhưng Ngài muốn cho bữa ăn nầy trở thành bữa tiệc của MỘT GIAO ƯỚC MỚI mà Ngài sẽ thiết lập, khi Ngài hy sinh đổ máu trên thập giá. Vì thế, khi trao cho các môn đồ tấm bánh và chén rượu, là đồ ăn và thức uống, đã trở thành Mình và Máu Ngài nuôi thế gian.
Mỗi lần cử hành thánh lễ, chúng ta tái diễn lại bữa tiệc của Chúa để tưởng niệm việc Ngài đã chết và sống lại, mừng vui vì Ngài hiện diện, và trông chờ Ngài lại đến. Nhưng hôm nay, đặc biệt hơn những ngày khác, chúng ta sẽ tưởng niệm chính ngày Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể và thiết lập chức Linh mục Thượng Phẩm, để qua Các Ngài, Chúa trực tiếp và hiện diện luôn mãi với nhân loại cho tới ngày Chúa lại đến phán xét nhân loại,
Hôm nay, Linh mục sẽ làm lại những điều Thầy Chí Thánh đã trối làm giao ước ngàn đời, và trong nghi thức đó, có phần rửa chân các tông đồ. Ý nghĩa của việc rửa chân nói lên tinh thần Chúa muốn cho các tông đồ thực hiện, đó là phục vụ anh chị em mình. Ước chi qua những sinh hoạt trong Đoàn Thể và Cộng Đoàn nhất là khi xum vầy quanh Bàn Tiệc Thánh Thể như hôm nay sẽ giúp mỗi phần tử trong Họ Đạo chúng ta  mỗi ngày thêm gắn bó keo sơn.
Với những tư tưởng chuẩn bị cho thánh lễ Tiệc Ly đêm nay, giờ đây, chúng ta cùng hợp tiếng với Ca Đoàn bắt đầu thánh lễ Tiệc Ly với bài ca nhập lễ sau đây:
TRƯỚC BÀI I:
Thiên Chúa đã truyền cho Môisen và Aaron chuẩn bị Dân Dothái ăn lễ Vượt Qua trên đất Aicập. Ngày nầy đã được ghi vào lịch sử của người Dothái. Hằng năm họ cử hành lễ nầy để ghi nhớ biến cố Chúa đã đưa họ về Đất Hứa.
TRƯỚC BÀI II:
Thánh Phaolô thuật lại bữa ăn cuối cùng của Đức Kitô với các môn đồ. Bữa ăn tràn đầy lòng yêu mến, tha thứ và thông cảm nhau. Ước chi nhiều gia đình trong Cộng Đoàn tạo cơ hội để có những buổi họp mặt các phần tử trong gia đình của mình qua những bữa cơm gia đình.
NGHI THỨC RỬA CHÂN :
(Đọc sau bài giảng)
Trước khi làm hy tế trên thập giá và tự hiến mình làm của ăn cho môn đệ, trong giây phút trang nghiêm và cảm động nhất của Bữa Tiệc Ly, CG đã quỳ gối xuống rửa chân cho các môn đệ. Theo luật Do - thái, việc rửa chân là việc thấp hèn của người đầy tớ. Thế mà CG đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ mình. Thầy lại rửa chân cho các đệ tử… Cho nên ông Phêrô phản ứng quyết liệt : "không đời nào Thầy lại rửa chân cho con". Nhưng qua cử chỉ khiêm nhường đó, Chúa đã trăn trối cho chúng ta bài học tâm phúc : "Nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau" (Ga 13,14-15).
Phần chúng ta, bài học về sự tự hạ và vâng phục của CG cần thấm nhập vào chúng ta với ý nghĩa cao đẹp của nó. Cầu xin chúa cho chúng ta biết noi gương Chúa, quan tâm đến những nhu cầu của anh em và phục vụ tận tình trong tinh thần khiêm hạ của CG.
KIỆU MÌNH THÁNH CHÚA SANG BÀN THỜ PHỤ :
(Đọc sau lời nguyện hiệp lễ)
Giờ đây, Mình Thánh Chúa được chuyển qua một Bàn Thờ phụ. Tất cả Mình Thánh Chúa còn lại hôm nay sẽ được chuyển qua và giữ lại tại Bàn thờ phụ, để ngày mai chúng ta sẽ rước lấy, vì ngày mai, Thứ Sáu Tuần Thánh sẽ không có Thánh Lễ.
Đêm nay cũng là việc tưởng niệm CG lập Bí tích Thánh Thể, chúng ta hãy chạy đến với Người trong Nhà tạm.

II. THỨ SÁU TUẦN THÁNH .

DẪN NHẬP:
Hôm nay ngày Đại Tang của Giáo Hội Công Giáo, có thể nói, không những chỉ cho người Công Giáo mà còn cho tất cả những người tin vào Chúa Kitô. Chiều hôm nay, chúng ta tưởng niệm về cái chết khổ nhục của Đức Kitô trên thập giá. Chúng ta cùng theo Ngài cho đến đỉnh đồi Calvariô, cùng với Mẹ Maria và người môn đệ Chúa yêu đứng dưới chân thánh giá, với chị em của Mẹ Ngài, với Maria Mađalêna, với người lính canh, với hai tên trộm và đông đảo dân thành Giêrusalem nữ.
Chương trình cứu chuộc Thiên Chúa Cha trao trong tay Đức Kitô nay đã hoàn tất. Tất cả cuộc đời nhập thế của Đức Kitô, từ giây phút đầu thai trong lòng Đức trinh Nữ Maria, cho đến lúc gục đầu xuống trút hơi thở cuối cùng đó là hoàn tất lời XIN VÂNG TUYỆT HẢO Đức Kitô đã thực hiện từng ly từng tý thánh ý của Thiên Chúa Cha Thánh ý đó chính là sự mạc khải tình yêu và ý muốn cứu độ toàn thể nhân loại của Thiên Chúa Cha.
Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta cùng hiệp tiếng với Ca Đoàn bắt đầu nghi lễ tưởng niệm cuộc khổ nạn của Đức Kitô chiều nay bằng bài ca sau đây:
*********
Sau bài hát, khi Chủ tế nằm phủ phục trước bàn thờ, người dẫn lễ đọc tiếp:

* Kính mời Anh Chị Em quỳ xuống.
Giờ đây, cùng với linh mục đang nằm phủ phục trước bàn thờ, chúng ta cùng liên kết với Chúa Kitô, khi ngài sấp mình cầu nguyện trong vườn Giếtsêmani, trước khi vào cuộc thương khó.

“Lạy Chúa, chiều nay, chúng con cùng chia sẻ với Chúa và cùng đi theo Chúa trên bước đường dẫn đến núi Calvariô. Hiệp thông với Chúa, ít là những giây phút nầy, hy sinh những thời gian Chúa ban cho chúng con hưởng dùng, thông hiệp với Giáo Hội Hoàn Vũ cử hành mầu nhiệm Vượt Qua. Xin Chúa giúp chúng con khi cử hành Ba Ngày Vượt Qua Thánh nầy, mang lại phần ích cho chúng con và tha nhân.”
Sau lời cầu nguyện trên đây, khi thấy Linh mục đứng lên, thì dẫn lễ viên mời Cộng Đoàn đứng:
* Kính mời Anh Chị Em đứng lên.
Nghi Thức tưởng niệm bắt đầu với lời nguyện. Sau đó, dẫn vào các bài đọc như thường lệ.
TRƯỚC BÀI I:
Đây là bài ca tuyệt hảo của tiên tri Isaia dâng lên Thiên Chúa Giavê. Người tôi tớ phải gánh chịu thay cho nhân loại những sự đau thương tủi nhục. Hình ảnh nầy không ai khác hơn là Đức Kitô trong tương lai.
TRƯỚC BÀI II:
Hình ảnh gương mẫu của Đức Kitô, theo như thánh Phaolô, đã trải qua những khổ nhục và vào vinh quang, nên Chúa đã hiểu những nhu cầu cần thiết của con người chúng ta vì Chúa đã sống thân phận con người như chúng ta.
Sau bài Thương Khó, là bài chia sẻ của Linh mục. Sau bài chia sẻ, là Lời Nguyện cầu cho mọi người .
LỜI NGUYỆN CHUNG:
(Đọc sau bài Thương khó, hoặc sau bài giảng nếu có).
Dẫn : Phần Phụng vụ Lời Chúa sắp được kết thúc bằng lời nguyện chung. Những lời nguyện chung hôm nay mang tính cách quan trọng và đặc biệt. Vì đây là những lời cầu nguyện chính thức của Giáo hội cho mọi hạng người trên thế giới. Như thế, chúng vừa biểu lộ tính phổ quát của ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đem lại, vừa nói lên tính duy nhất của Gíao hội.
Lời nguyện chung mà chúng ta sắp đọc hôm nay, sẽ có 10 ý nguyện. Ngoài hai ý nguyện đầu và cuối ra, tám ý nguyện kia được xếp theo hai tiêu chuẩn: trước hết là dựa theo phẩm trật Hội thánh và sau đó dựa theo tiêu chuẩn những người gần gũi đức tin Công giáo hơn.
Giờ đây chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện chân thành của chúng ta.
PHẦN HÔN KÍNH THÁNH GIÁ:
(Sau các Lời Nguyện cầu cho mọi người)
* Khi người dẫn lễ ĐÃ THẤY Linh mục và đoàn giúp lễ xuất hiện ở cuối Nhà Thờ với cây thập giá giơ cao thì đọc:
Giờ đây, chúng ta bắt đầu vào phần thứ II của cuộc tưởng niệm, đó là phần suy tôn và hôn kính thánh giá Đức Kitô. Thánh Giá là trung tâm điểm của đời sống người Kitô hữu chúng ta, là then chốt của đức tin. Thánh Giá là hình thức tủi nhục dành cho tội nhân hèn hạ. Nhưng con người đã lầm, Thiên Chúa đã làm cho cây Thánh Giá trở nên cao trọng và có ý nghĩa khác thường, khi Đấng Cứu Thế chịu treo trên đó. Qua chính thánh giá Chúa Giêsu đã vào vinh quang. Giờ đây, kính mời Anh Chị Em hướng về cuối Nhà Thờ, để cùng với Linh mục suy tôn thánh giá.
Chúng ta nên nhớ, ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, nhưng cũng là ngày chúng ta sống trong bầu khí chiến thắng của Thập Giá. Thập Giá là Cờ Vua Cả chiến thắng. Kẻ thất bại là sự chết, là tội lỗi và ma quỷ.
Trong nghi thức này, chủ tế đưa cao Thánh Giá 3 lần và hát ĐÂY LÀ GỖ THÁNH GIÁ, NƠI TREO ĐẤNG CỨU ĐỘ TRẦN GIAN, và cộng đoàn thưa CHÚNG TA HÃY ĐẾN THỜ LẠY.
Sau đó, mọi người thứ tự tiến lên hôn kính Thánh Giá Chúa giữa những lời ca ngợi tình yêu nồng nàn của CG.
PHẦN RƯỚC LỄ:
(Đọc sau khi hôn kính Thánh giá Chúa).
Dẫn : Chúng ta bước qua phần thứ ba cũng là phần cuối cùng trong nghi lễ hôm nay.
Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Hội thánh không cử hành trọn vẹn các Bí tích. Ngày Thứ Sáu hôm nay không có Thánh lễ vì muốn nói lên sự liên kết chặt chẽ và duy nhất giữa Thứ Năm Tuần Thánh và Thứ Sáu Tuần Thánh. Vì thế, hôm nay giáo dân rước lễ với Mình Thánh Chúa đã được truyền phép trong Thánh lễ Tiệc Ly của ngày Thứ Năm hôm qua.
Giờ đây chúng ta chuẩn bị tâm hồn để rước Chúa là của ăn quý giá cho linh hồn chúng ta.
**********
  

III. CANH THỨC LỄ VỌNG PHỤC SINH


MỞ ĐẦU PHẦN CANH THỨC:
Anh Chị Em thân mến,
Việc tưởng niệm Chúa Kitô chịu chết và sống lại đạt tới cao điểm trong đêm Vượt Qua nầy Đây là đêm mà người Dothái ăn thịt chiên và được cứu thoát. Đây là đêm mà Chúa Kitô đã đập tan xiềng xích của tội lỗi và sự chết. Đây là đêm mà Giáo Hội từ thuở ban đầu vẫn chờ mong Chúa đến.
Đêm Canh Thức hôm nay gồm có 4 phần chính:
Phần I: là nghi thức rước nến Phục Sinh. Nến nầy, tượng trưng cho đám mây sáng khi xưa đã dẫn dân Dothái trên đường về Đất Hứa Ngày nay, nến nầy tượng trưng cho Chúa Kitô là Ánh Sáng thế gian.
Phần II: là phần Phụng Vụ Lời Chúa. Đêm nay, chúng ta sẽ nghe ôn lại tất cả lịch sử của ơn cứu độ từ buổi khai thiên lập địa, đến biến cố dân Dothái qua Biển Đỏ cho đến biến cố Chúa Sống Lại và Lên Trời.
Phần III: là phần Phụng Vụ Phép Rửa Tội. Hội Thánh khắp nơi trong đêm nay hoặc là ngày mai, vui mừng đón tiếp Anh Chị Em Tân Tòng, sau một thời gian đã được chuẩn bị, sẵn sàng được đón nhận vào Giáo Hội Chúa qua bí tích rửa tội Dịp nầy, toàn thể Cộng Đoàn Dân Chúa sẽ lặp lại lời cam kết khi chịu phép rửa tội Qua phép rửa tội, chúng ta cùng chết với Chúa Kitô, để rồi cũng được sống lại với Người trong một cuộc sống mới.

Phần IV: là phần Phụng Vụ Thánh Thể. Bí Tích Thánh Thể là tiệc thánh của giao ước mới Trong giao ước nầy, các môn đồ nhận ra Đức Kitô khi Người bẻ bánh. Ngài đã chết và sống lại và Ngài dùng chính Ngài làm của nuôi trần gian cho tới khi Ngài trở lại để phán xét trần gian.
Giờ đây, chúng ta cùng với Giáo Hội hoàn vũ mở đầu phần canh thức đêm nay, bằng việc tham dự nghi thức làm phép nến Phục Sinh. Kính mời Anh Chị Em hướng về phía cuối Nhà Thờ, để tham dự nghi thức làm phép lửa và nến.
Hãy thắp lên ngọn lửa đức tin, soi sáng cho chính chúng ta và những người sống xung quanh, để họ cùng nhận biết Chúa Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Hãy thắp lên ngọn nến tâm hồn để hâm nóng tình nhân loại, để Chúa Kitô là Ánh Sáng luôn chiếu giãi trong lòng ta và lòng của thế giới nầy, cho đến khi chúng ta cùng tham dự bàn tiệc vĩnh cửu trên thiên quốc.
NGHI THỨC THẮP NẾN SÁNG :
(Đọc khi đi ra)
Khởi đầu đêm Vọng Phục Sinh hôm nay là nghi thức thắp nến sáng. Cây đèn Phục sinh, với mục đích làm nổi bật chủ đề "CK là Anh Sáng thật đã bừng lên xua tan bóng tối của tội lỗi và sự chết". GH sẽ lần lượt cho chúng ta tham dự những nghi lễ sau đây : Làm Phép Lửa, Làm Phép Nến Phục Sinh, Kiệu Nến PS và công bố Tin Mừng PS.
Chủ tế làm phép rửa :
(Đọc khi chủ tế ra tới lò lửa)
Bóng tối đang bao phủ chúng ta, đó là hình ảnh của tội ác, của sự chết, của ma quỷ. Lửa phát ra ánh sáng và sức nóng, là hình ảnh của CK. Ánh Sáng phá tan bóng tối sự chết và tội lỗi. Sức Nóng nói lên tình yêu TC sưởi ấm tâm hồn chúng ta, dẫn lối cho kẻ đang bước trong đêm tối dày đặc.
2. Chủ tế làm Phép Nến :
(Đọc ngay sau lời nguyện)
Cây nến sáng tượng trưng chính Con Người CK đã sống lại, lôi kéo chúng ta đi theo Anh Sáng của Người.
Trên cây nến có cắm năm hạt hương, nhắc ta nhớ tới thuốc thơm tẩm xác CK và báo trước sự PS của Người. năm hạt hương cắm vào cây nến cũng nhắc chúng ta nhớ tới 5 thương tích vinh hiển trên thân xác CK.
Hai chữ AlphaOmêga ám chỉ CK là Nguồn Gốc phát xuất và cũng là Cùng Đích mọi loài hướng về.
Con số thời gian (20…) nói lên TC đã có, đang có và tồn tại đến muôn đời.
(Đọc sau khi đốt Nến PS- nkhi gắn 5 hạt hương xong)
3 . Kiệu Nến Phục Sinh :
(Đọc trước khi đi kiệu)
Kiệu Nến PS ám chỉ Anh Sáng của CK đi đến đâu sẽ chiếu sáng đến đó và phá tan âm mưu độc dữ của ma quỷ. Người chính là Anh Sáng Chân Thật chiếu soi mọi người. Hãy đến gần Người, bạn sẽ được sáng.
Vì nến tượng trưng CK, nên chủ tế xông hương Cây Nến, là cử chỉ tôn thờ CK là TC đang hướng dẫn chúng ta đến với Ngưòi.
Giờ đây vị chủ tế sẽ cùng đoàn rước tiến vào Nhà Thờ (Lễ đài). Trên đường đi, sẽ có 3 lần đưa Nến lên cao và hát : ÁNH SÁNG CHÚA KITÔ và tất cả mọi người chúng ta cùng đáp : TẠ ƠN CHÚA.
Cũng xin lưu ý : sau khi thưa tạ ơn Chúa lần thứ 2. Mỗi người chúng ta ai có nến sẽ được mồi nến của mình từ ngọn lửa của Nến PS truyền ra.
Xin mời cộng đoàn thắp nến ( lúc đáp tạ ơn Chúa lần 2 )
Công Bố Tin Mừng Phục Sinh :
(Đọc khi chủ tế đặt Nến PS vào chân đèn xong)
Khúc ca hoan hỷ và khải hoàn sắp vang lên để kêu mời tất cả Thiên Sứ, nhân trần và tất cả GH hãy vui lên vì đây là một Đêm Hồng Phúc. Đêm nay xiềng xích tội lỗi đã bị bẻ tung và con người đã được giải thoát khỏi án tội tổ tông xưa.
Cây Nến PS uy hùng đặt giữa cung thánh (Lễ đài) tượng trưng CKPS, chiếu tỏa ánh sáng chan hòa khắp vũ trụ, tiêu diệt bóng tối.
Chúng ta hãy nhớ mình đang sống trong ánh sáng đó, nhờ ơn Bí tích Rửa Tội, nhờ sự chết và sống lại của Đấng đã nói : "Ta là Anh Sáng thế gian, ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ được ánh sáng ban sự sống".
***
Hoặc đọc bài dẫn sau đây:
Dẫn lễ  bài công bố Tin Mừng Phục Sinh
(vì bài công bố dài. Do đó có thể chia ra làm nhiều phần có dẫn lễ để dễ theo dõi sốt sắng như sau)
Giờ đây vị chủ tế sẽ long trọng tiến đến giảng đài công bố Tin Mừng Phục Sinh.Bản công bố Tin Mừng Phục Sinh này chính là một khúc khải hoàn ca để kêu mời tất cả các thiên sứ trên trời cũng nhu muôn người dưới đất hãy vui lên vì đây là một đêm hồng phúc : đêm mà xiềng xích tội lỗi bị bẻ tung và con người được giải thoát khỏi án tội tổ tông.
Chủ tế: (hát): Mừng vui lên……(đến: ….nhân trần)
 (…….nhân trần) :
Cảm thấy mình bất xứng trước mầu nhiệm hết sức cao cả này.Chủ tế kêu mời cộng đoàn hãy hợp ý cầu nguyện cho Ngài, được xứng đáng hơn với nhiệm vụ đại diện cộng đoàn dâng lên Thiên Chúa những lời chúc tụng tôn vinh.
 (…….cây nến huy hoàng)
Những hình ảnh ngày xưa trong cựu ước như lễ vượt qua, chiên sát tế, vượt qua biển đỏ, bóng mây, cột lửa….giờ đây đã biến thành hiện thực nơi Đức KiTô.Ngài là vị cứu tinh của nhân loại.Ngài đã thế chúng ta trả nợ Ađam và tẩy sạch án tội tổ tông xưa, để từ nay tất cả những ai tin vào danh Ngài sẽ được cứu độ.
 (…….họp đoàn cùng các thánh nhân)
Tình yêu thương của Thiên Chúa thật không ai hiểu thấu : chỉ để cứu một đám đầy tớ Ngài đã dám hy sinh cả người con duy nhất dấu yêu.Vì thế mà tội Ađam đã được mệnh danh là ‘tội hồng phúc’ Bời vì nhờ đó mà ta đã cảm nhận được tình yêu vô bờ của Chúa. Ước gì mỗi Kitô hữu chúng ta hãy làm cho tình yêu đó được lan toả khắp nơi hầu xua tan bóng tối của của hận thù, khủng bố…và đem lại vui mừng và bình an cho toàn thể địa cầu.
 (…….quyền bính thế gian)
Để kết thúc, chủ tế lại hướng về cây nến phục sinh, một hình ảnh tượng trưng cho Chúa Kitô là ánh sáng thế gian và nói lên ý nghĩa của nó.Ngài cầu xin cho mỗi người chúng ta cũng được thắp sáng từ ngọn lửa Chúa KiTô và trở thành như những ngọn nến lung linh toả sáng, khác nào như muôn muôn vì sao trong một đêm hội hoa đăng tuyệt vời cùng với một ngôi sao sáng nhất là Đức KiTô vượt lên chiếu sáng cả trần gian đến muôn đời vạn thuở.
-----
(Hát xong:)  xin cộng đoàn tắt nến
Sau bài ca Mừng Vui Lên là phần Phụng Vụ Lời Chúa. Trước mỗi bài đọc sẽ có một lời nguyện. Sau mỗi lời nguyện Dẫn Lễ Viên mới đọc bài giới thiệu dẫn vào bài đọc.
Phụng Vụ Lời Chúa có tất cả 9 bài đọc : 7 bài trích trong Cựu ước và 2 bài trong Tân ước. Có thể chỉ đọc 3 bài Cựu ước nhưng không thể thiếu bài đọc 3 trích sách xuất hành.
 (Xin mời cộng đoàn ngồi)
1. Bài đọc 1 :
Thiên Chúa ban sự sống
Bài đọc thứ nhất trích trong Sách Sáng Thế tả lại việc Chúa tác tạo vũ trụ … thế giới. Người thấy mọi sự đều tốt đẹp. Sau hết Người tạo nên nhân loại. Nhưng thế giới này chỉ là dự bị, tiên báo một thế giới khác. Ađam chỉ là một phác họa cho một Ađam mới, một con Người hoàn toàn, đó là CG.
2. Bài đọc 2 :
Thiên Chúa ban Con mình
Bài đọc thứ 2 trình thuật việc Abraham vâng lời sát tế người con duy nhất là Isaác, nhằm tiên báo cuộc hy sinh của Con Một TC. TC đã yêu thương nhân loại đến nỗi đã bằng lòng để Con Một Người chịu chết vì ta.
Vì vâng phục và vì có một đức tin mạnh mẽ, Abraham được Chúa chúc phúc và hứa sẽ ban cho ông một dòng dõi đông đúc như sao trên trời và như cát bãi biển. Chúng ta nhờ sự vâng phục của CG, sẽ được tái sinh và trở nên dân rất đông đảo của TC.
(Hát đáp ca xong, xin mời cộng đoàn đứng)
(Chủ tế đọc lời nguyện xong, xin mời cộng đoàn ngồi)
3. Bài đọc 3 :
Thiên Chúa cứu độ
Bài đọc thứ 3 tả lại việc con cái Israel đi vào giữa lòng Biển Đỏ khô cạn và được bình an. Điều đó ám chỉ phép Rửa Tội, như Thánh Phaolô đã viết : "Toàn thể những người dưới quyền Môsê chịu phép rửa dưới mây và trong biển …"
Chúng ta được rửa do Thánh Linh và nước. Như vậy, đám mây ám chỉ Thánh Linh và biển ám chỉ nước rửa tội.
(Hát đáp ca xong, xin mời cộng đoàn đứng)
(Chủ tế đọc lời nguyện xong, xin mời cộng đoàn ngồi)
4. Bài đọc 4 :
Thiên Chúa mời gọi ta tới hạnh phúc
Bài đọc thứ 4 là lời tiên tri Isaia an ủi dân Israel đang bị lưu đày tại Babilon. Vì Israel bất trung, nên Chúa đã bỏ rơi họ. Khi họ sám hối, Chúa lấy lòng nhân từ vô biên mà quy tụ họ lại để họ vui hưởng nền hoà bình lâu dài. Nhân loại tội lỗi, nhưng Chúa không bỏ rơi. Người đã ra tay cứu rỗi và quy tụ về Giêrusalem mới là GH.
(Hát đáp ca xong, xin mời cộng đoàn đứng)
(Chủ tế đọc lời nguyện xong, xin mời cộng đoàn ngồi)
5. Bài đọc 5 :
Thiên Chúa để cho ta tìm thấy Người
Bài đọc thứ 5, tiên tri Isaia loan báo :sẽ có một thời kỳ Israel vui hưởng ơn lành dồi dào. Đó là thời của Đấng Thiên Sai. Khi đó, Chúa sẽ lập một giao ước mới. Chúng ta cám ơn Chúa, vì chúng ta đang được sống trong thời đại Tân ước đó.
(Hát đáp ca xong, xin mời cộng đoàn đứng)
(chủ tế đọc lời nguyện xong, xin mời cộng đoàn ngồi)
6. Bài đọc 6 :
Thiên Chúa ban cho ta một lề luật
Bài đọc thứ 6, tiên tri Barúc khuyên và nhắc dân Israel đang bị lưu đày tại Babilon : Hãy nghe Lời Chúa. Vì bỏ đường lối Chúa nên đã bị khổ nhục, và nếu tuân giữ giới luật Chúa sẽ được sốnt trong an bình và thịnh vượng.
(Hát đáp ca xong, xin mời cộng đoàn đứng)
(chủ tế đọc lời nguyện xong, xin mời cộng đoàn ngồi)
7. Bài đọc 7 :
Thiên Chúa nói với ta về dự định của Người
Bài đọc thứ 7, tiên tri Êdêkien đang sống với dân lưu đày tại Babilon, ông nhắc nhở dân bài học : vì những tội lỗi họ đã phạm, nên họ bị lưu đày. Nhưng Chúa sẽ cho họ về, sẽ có một dân mới, một tinh thần mới và Thần Khí sẽ ở với họ, họ sẽ biết nghe theo luật Chúa. Chúng ta nên nhớ : dân mới đó là GH CK ngày nay.
(Hát đáp ca xong, xin mời cộng đoàn đứng)
***********
Sau các  bài đọc Cựu ước  thì ca đoàn sẽ hát bài đáp ca và Linh mục sẽ đọc lời nguyện.
Các cây nến trên bàn thờ sẽ được đốt từ cây nến Phục Sinh. Sau đó, Linh mục sẽ xướng lên bài Vinh Danh.
Giờ đây, chủ tế sẽ long trọng xướng Kinh Vinh Danh
 (Khi xướng kinh vinh danh xong thì giật chuông và đánh trống)


Sau Kinh Vinh Danh và Lời Nguyện Đầu Lễ, Dẫn Lễ Viên sẽ đọc bài dẫn vào Bài Đọc IV đó là bài Thánh Thư.
TRƯỚC BÀI THÁNH THƯ
(THƯ THÁNH PHAOLÔ GỞI TÍN HỮU RÔMA)
Cùng đích đời sống của người Kitô hữu là chính Chúa. Chính biến cố Chúa sống lại đã mang lại cho đời sống của những người tin vào Chúa Kitô một ý nghĩa sống đích thực.
Dẫn : (đọc ngay sau bài thánh thư ).
Mời cộng đoàn đứng.
Chúng ta hân hoan hát bài ca Alleluia. Chủ tế sẽ long trọng hát trước và mọi người hân hoan lặp lại.
Ý nghĩa chữ Alleluia: chữ Alleluia lấy từ tiếng Do-thái, có nghĩa là “Hãy ca tụng Giavê Thiên Chúa”. Giáo hội quen dùng từ này để nói lên niềm vui, đặc biệt là trong mùa Phục Sinh.
Dẫn : (hát xong Alleluia ). Xin mời cộng đoàn ngồi.
(Hát đáp ca.)
Dẫn Tin mừng (Năm A): (Mt 28, 1-10).
Xin mời cộng đoàn đứng.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Matthêu cho thấy những nhân chứng đầu tiên của biến cố Chúa Phục Sinh là các bà đạo đức. Các bà đã được loan báo tin Chúa sống lại khi đến viếng mồ để xức thuốc thơm cho xác Chúa. Trong Đêm canh thức Phục Sinh, chúng ta cũng được nghe lại Tin Mừng đó: Chúa chúng ta luôn sống động, Người là Đấng chiến thắng tội lỗi và sự chết.
PHỤNG VỤ PHÉP RỬA (Sau Bài giảng)
* NẾU KHÔNG CÓ RỬA TỘI DỰ TÒNG:
Sau đây là phần Phụng vụ phép rửa. Phần này gồm có nghi thức sau đây:Nghi thức làm phép nước và nghi thức lập lại lời tuyên xưng Đức Tin khi chịu phép Rửa Tội.

1.Nghi thức làm phép nước rửa tội:
Nước có tác dụng rửa sạch và đem lại sự sống. Chúa KiTô là nguồn sự sống. Những ai nhận lãnh Bí Tích Rửa Tội sẽ được tẩy sạch mọi vết nhơ tội lỗi và được thông phần vào đời sống mới trong Chúa KiTô.
2. Nghi thức tuyên xưng Đức tin:
Với nghi thức này Hội thánh muốn nhắc chúng ta nhớ lại lời hứa của chúng ta khi chiụu phép Rửa tội, để một lần nữa chúng ta xác tín hơn niềm tin của mình vào Thiên Chúa Ba Ngôi và quyết tâm trung thành với Chúa cho đến cùng.
 PHỤNG VỤ THÁNH THỂ:
Dẫn : (đọc sau Lời nguyện Giáo dân).
Đến phần phụng vụ Thánh Thể, trong khi chúng ta hân hoan nhắc nhớ mầu nhiệm Chúa Kitô chết và sống lại, là nguồn sự sống của chúng ta, chúng ta cử hành Thánh Lễ: Để nói lên việc cứu rỗi nhân loại là một việc đang diễn ra trên Bàn Thờ này, tại nơi đây. Chúng ta tin và nhìn nhận nhân loại đang được cứu rỗi hằng ngày hằng phút trên các Bàn Thờ. Và khi chúng ta tham dự mầu nhiệm Thánh Thể đó, chúng ta- những người tin- có bổn phận loan truyền và chiếu toả ánh sáng đức tin đó cho những người xung quanh.

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang