Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

SỐNG THÁNG HOA


I. NGUỒN GỐC THÁNG HOA
  Trước tiên cần phải khẳng định rằng, đây là một tâm tình bộc phát của các tín hữu, chứ không phải do quyết  định của Giáo quyền, nên không có một nhật kỳ nhất định. Vào thế kỷ XIII, vua Alphonsô X nước Tây-ban-nha đã sáng tác một bài thơ trong đó có đoạn hô hào dành tháng 5 để ca ngợi Đức Maria. Như vậy, tục lệ ấy chắc là đã có từ trước. Bên Đức, hồi thế kỷ thứ XIV, chân phước Henricô Suso, dòng Đaminh, đã bắt đầu trồng hoa trong nhà dòng vào tháng 4, để có thể lấy hoa kết triều thiên đội lên tượng Đức Mẹ vào đầu tháng 5. Henricô là một nhà giảng thuyết bình dân thời đó, nên chắc rằng ngài đã tuyên truyền cho bổn đạo bắt chước mình. Hai thế kỷ  sau, một cha dòng Bênêdictô, Wolfango Seidl, đã viết tập sách nhỏ tựa đề "Tháng 5 Thiêng Liêng", trong đó đề nghị những phương thức cầu nguyện và những lễ nghi để thay thế những thói quen phàm tục. Sang thế kỷ XVII, người ta đã thấy nhiều nơi tổ chức những buổi rước hoa vào ngày đầu tiên và các chủ nhật tháng 5, đồng thời với việc đọc kinh cầu Đức Mẹ và những bài ca khác. Ngoài việc dâng hoa thiên nhiên, các tín hữu cũng được khuyến khích dâng những hoa thiêng liêng là các việc lành nhân đức cho Mẹ.
Nhằm thể  hiện những mục tiêu ấy, nhiều tác giả (đặc biệt là các cha Dòng Tên) đã soạn ra những sách trình bày đời sống của Đức Maria, với những tư tưởng rút từ Kinh Thánh, các Giáo Phụ, các Nhà Tu Đức, ngõ hầu các tín hữu có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh thần của Mẹ mà bắt chước. Những sáng kiến tự phát của các tư nhân từ các gia đình, trường học, tu viện, dần dần được quảng bá rộng, đi vào các họ đạo. Sang thế kỷ  XIX, Đức Giáo Hoàng Piô VII, để ghi nhớ việc mình được trả về Rôma vào tháng 5 năm 1814, sau thời gian bị Napoléon giam lỏng tại Paris, đã khuyến khích việc cử hành tháng 5 dâng kính Đức Maria. (Theo Internet)

II. SỐNG THÁNG HOA
Với những gì được trình bày ở trên, chúng ta xác định rằng, Tháng Hoa không phải là phụng vụ chính thức của Giáo hội, mà đó chỉ là một hình thức đạo đức bình dân, được phát xuất từ lòng sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt của những cá nhân, được Giáo hội chuẩn nhận và coi đó là một việc làm đạo đức cần thiết để tỏ lòng tôn kính Đức Mẹ. Xác định như vậy để chúng ta không lẫn lộn lòng đạo đức bình dân với phụng vụ chính thức của Giáo hội. Bởi vì trong thực tế, đã có rất nhiều người coi những việc đạo đức trọng hơn việc đi tham dự thánh lễ mỗi ngày, kể cả lễ ngày Chúa nhật. Cụ thể, khi tới Tháng Hoa, họ tổ chức dâng hoa rất hoành tráng, hao tốn nhiều tiền cho việc dâng hoa, nhưng lại không coi trọng việc đi tham dự thánh lễ và sống thánh lễ mỗi ngày. Thực vậy, những việc đạo đức kính Đức Mẹ đã được Giáo hội chuẩn nhận, cụ thể là việc dâng hoa kính Đức Mẹ trong Tháng Hoa, là việc rất tốt, rất được khuyến khích thực hiện. Thế nhưng, để việc dâng hoa kính Đức Mẹ trong Tháng Hoa thực sự mang lại ơn ích thiêng liêng thì phải đạt được hai mục tiêu chính là: Lòng Yêu Mến Đức Mẹ và Lòng Yêu Mến Chúa.
1. Lòng Yêu Mến Đức Mẹ
Thế nào là lòng yêu mến Đức Mẹ? Lòng yêu mến  Đức Mẹ không phải được thể hiện qua việc tổ chức Tháng Hoa cho thật hoành tráng với những bông hoa rực rỡ, nhiều sắc mầu và những vãn hoa thật hay. Đó chỉ là hình thức bên ngoài mà nếu không có tâm tình bên trong thì những hình thức đó chẳng nói lên được điều gì: người dâng hoa và người tham dự không cảm nhận được sự linh thánh trong những việc làm đó. Lòng yêu mến  Đức Mẹ thật sự, đó là một sự cảm nhận thiêng liêng của người con về tình thương của một người Mẹ luôn yêu thương và cầu bầu cho con cái mình. Với cảm nhận đó, khi tổ chức dâng hoa kính Đức Mẹ, dù chúng ta tổ chức hoành tráng hay đơn sơ; dù chúng ta dâng cho Đức Mẹ những bông hoa đắt tiền hay chỉ là những cánh hoa đồng nội, thì vẫn luôn toát ra được sự linh thiêng thật sự. Và như vậy, việc tổ chức dâng hoa kính Đức Mẹ sẽ thực sự là kết quả của một lòng yêu mến Đức Mẹ thực sự.
Hơn nữa, khi yêu mến Đức Mẹ, chúng ta còn phải noi gương bắt chước Đức Mẹ trong đời sống hằng ngày và trong đời sống đạo. Nghĩa là, chúng ta học nơi Đức Mẹ bài học yêu mến Chúa, bài học khiêm nhường, bài học hy sinh phục vụ, và nhất là bài học về sự vâng phục thánh ý Chúa trong cuộc đời chúng ta. Yêu mến ai là chúng ta muốn nên giống người đó. Yêu mến Đức Mẹ là chúng ta muốn nên giống Đức Mẹ trên đàng nhân đức. Yêu mến Đức Mẹ theo cách đó là chúng ta đang tích góp những đoá hoa lòng để dâng cho Đức Mẹ.
2. Lòng Yêu Mến Chúa
Khi đã có  lòng yêu mến Đức Mẹ, thì hẳn nhiên chúng ta phải có lòng yêu mến Chúa, bởi vì Đức Mẹ luôn yêu mến Chúa. Cũng như thánh Gioan Tông Đồ nói: “Nếu ai nói tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối” (1Ga 4,20), thì cũng có thể nói: Nếu ai nói mình yêu mến Đức Mẹ mà lại không yêu mến Chúa thì cũng là người nói dối. Việc tôn kính Đức Mẹ phải là việc dẫn chúng ta đến việc tôn thờ Thiên Chúa. Và việc tôn thờ đẹp lòng Thiên Chúa nhất là chúng ta luôn sẵn sàng sống Xin Vâng như Đức Mẹ. Sống xin vâng như Đức Mẹ là:
- Cộng tác với Chúa trong chương trình Ngài muốn thực hiện trong cuộc đời chúng ta. Khi được sứ thần Gabriel báo tin là sẽ thụ thai một con trai thì Đức Mẹ đã tỏ ra hết sức ngỡ ngàng và khó hiểu, nhưng Mẹ đã sẵng sàng thưa vâng. Qua lời “xin vâng”, Đức Mẹ muốn bày tỏ lòng khát khao muốn được cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình cứu độ; và vì vậy, lời xin vâng của Đức Maria đã mở đường cho Đấng Cứu Thế đến để thực hiện chương trình kế hoạch cứu độ của Chúa Cha. Mẹ đã cộng tác vào chương trình kế hoạch đó, và Mẹ là người đầu tiên được hưởng ơn cứu độ. Trong cuộc sống, chắc chắn có những điều xảy đến cho chúng ta mà chúng ta không thể hiểu được, nhưng noi gương Đức Mẹ, chúng ta cần phải sẵn sàng xin vâng để Chúa thực hiện ý định của Chúa. Chắc chắn, điều Chúa thực hiện sẽ rất tuyệt vời.
- Ý  thức mình là “nữ tỳ” của Thiên Chúa. Khi ý thức là nữ tỳ của Thiên Chúa, Đức Maria không có ý hạ mình sống khiêm nhường cách giả tạo, nhưng là muốn bày tỏ sự thuận phục trước thánh ý của Thiên Chúa. Thực vậy, chỉ có người nữ tỳ mới có thể hoàn toàn làm theo lời và ý muốn của chủ. Nghĩa là người chủ muốn gì thì người nữ tỳ hoàn toàn làm theo. Thế nhưng, nói như thế không có nghĩa là Thiên Chúa hoàn toàn áp đặt mọi sự trên Đức Maria. Thiên Chúa vẫn để cho Mẹ hoàn toàn tự do trước lời đề nghị của Ngài. Cụ thể, trước một lời đề nghị khó hiểu, Mẹ đã thắc mắc và sứ thần đã phải giải thích. "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!" Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà….. (Lc 1,35-37). Khi đã hiểu và biết được ý định và quyền năng của Thiên Chúa, Mẹ đã hoàn toàn vâng phục. Noi gương Đức Mẹ, chúng ta cần phải ý thức mình chỉ là người “nữ tỳ” của Thiên Chúa để chúng ta dễ chấp nhận thánh ý của Thiên Chúa hơn.
- Tin tưởng, phó thác cho chương trình của Thiên Chúa. Trước ý  định của Thiên Chúa, tuy đã được sứ thần giải thích, nhưng Đức Maria cũng không hoàn toàn hiểu hết được kế hoạch và ý định của Thiên Chúa muốn thực hiện nơi Mẹ. Nói lời “xin vâng”, Mẹ đã bắt đầu bước vào một hành trình đức tin đầy cam go đến độ Mẹ đã phải “lần mò bước đi trong đêm tối của đức tin”: Sự kiện Giuse định tâm lìa bỏ Mẹ khi biết Mẹ có thai; việc Mẹ sinh con trong cảnh nghèo giữa đêm đông giá rét; ẵm con trốn sang Ai cập; lạc mất con trong đền thờ; chứng kiến cảnh con bị bắt; theo con trên đường thánh giá; chứng kiến cảnh con chết cách tức tưởi trên thánh giá, tất cả đều là những biến cố đau thương. Tuy nhiên, Mẹ vẫn luôn tin là Thiên Chúa không “lừa dối” Mẹ. Mẹ vẫn tin rằng “Lời Chúa phán cùng Mẹ sẽ được thực hiện”. (x. Lc 1,45). Và lời Chúa phán cùng Mẹ chỉ được thực hiện cách trọn vẹn khi Mẹ đón nhận được tin vui phục sinh của Con Mẹ. Noi gương Đức Mẹ, chúng ta cũng hãy luôn tin tưởng phó thác cho chương trình của Thiên Chúa muốn thực hiện trong cuộc đời chúng ta, cho dù có gặp nhiều gian khổ.
- Từ bỏ  ý riêng. Khi sứ thần báo tin Mẹ sẽ là Mẹ Đấng Cứu Thế,  Đức Maria đã không nói: “Xin lỗi, tôi đã có chương trình riêng và tôi muốn thực hiện chương trình đó; tôi và người bạn đã đính hôn với tôi là Giuse muốn dâng mình cho Thiên Chúa để sống trinh khiết suốt đời…”, nhưng Đức Maria đã nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Đức Maria đã cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa không hệ tại ở việc Mẹ đã làm cho Chúa nhiều việc cao sang theo ý Mẹ, mà hệ tại ở việc Mẹ đã từ bỏ ý riêng, dù đó là tốt, để hoàn toàn làm theo ý Chúa. Mẹ đã không làm theo kế hoạch của riêng Mẹ nhưng là theo kế hoạch của Thiên Chúa. Noi gương Đức Mẹ, chúng ta hãy biết luôn từ bỏ ý riêng để ý Chúa được thực hiện trong cuộc đời chúng ta.
Tóm lại, Tháng Hoa sẽ chỉ thực sự mang đúng ý nghĩa và sinh ích thiêng liêng khi chúng ta biết coi đây là dịp để noi gương Đức Mẹ trên đàng nhân đức, hầu sống trọn vẹn ơn gọi làm con Chúa. Đó là cách thức chúng ta sống Tháng Hoa tuyệt vời nhất. Sống Tháng Hoa như vậy, chúng ta sẽ không chỉ giới hạn trong tháng 5, mà chúng ta sống mỗi ngày trong suốt cuộc đời chúng ta. Sống được như vậy, chúng ta đang tích góp cho mình những bó hoa thiêng rất thơm ngát để dâng kính Mẹ.
Hương Quê

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang