Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Lòng tin và những vùng an toàn



(EMTY) - Mọi người thường nói về “thoát ra khỏi vùng an toàn của bạn”. Tôi ghét điều ấy. Phải thú nhận rằng tôi thích những vùng an toàn của tôi. Tôi không thích làm những điều mới, đặc biệt những điều tôi không hiểu hoặc không nghĩ mình sẽ làm tốt. Tuy nhiên, dạo gần đây, tôi thường bị đẩy ra khỏi vùng an toàn của mình. Tôi nghĩ về tầm quan trọng của một số dự án mới, và tôi bắt đầu quặn lòng và muốn thoái lui.
Tôi bàn luận một dự án với người bạn, và anh ta cho ý kiến. Anh ta thuộc tuýp người nhìn xa trông rộng - anh ta hoàn toàn không hoảng sợ trước những khả năng phải làm việc cực nhọc và những rủi ro. Đối với anh ta, dự án càng lớn, càng phiêu lưu càng tốt. Khi anh ta thảo kế hoạch, tôi bắt đầu cảm thấy quá sức. Anh ta nhận ra khi tôi ngồi đờ mắt ra.

“Chuyện gì thế?”
“À…”, tôi lắp bắp, và cố gắng tỏ vẻ ủng hộ, “một kế hoạch hay, nhưng dường như hơi lớn và hơi quá sức đối với mình.”
“Bạn biết không, mọi thứ dường như có vẻ quá sức đối với bạn lúc này. Có thể bạn cần thêm một chút lòng tin.”
Đúng thế, tuy nhiên, tôi không muốn thừa nhận điều đó.
Sau đó, khi tôi trò chuyện với Chúa, Ngài xác nhận rằng tôi hơi nhút nhát. Kế đến, Ngài chỉ cho tôi 3 bước cho chương trình xây dựng lòng tin.
1. Nuôi dưỡng lòng tin. Cũng như thân xác của tôi không thể sống được nhờ vào những thức ăn thiếu dinh dưỡng hoặc không thường xuyên được bồi bổ, lòng tin của tôi cũng không thể sống được cũng như không thể phát triển mạnh nếu tôi không thường xuyên nạp vào những thức ăn tinh thần bổ dưỡng (x. Rm 10,17). Khi tâm hồn tôi tràn ngập những lời hứa của Chúa, lòng tin của tôi sẽ không dễ dàng giao động.
2. Củng cố lòng tin. Lòng tin không phát triển khi mọi việc dễ dàng, khi tất cả những nhu cầu của tôi đều được chu cấp, khi tôi có thể tự xoay sở mọi việc, hoặc khi tôi biết trước sự việc. Tôi làm tốt trong những hoàn cảnh như thế; chỉ khi sự việc trở nên khó khăn, khi tôi không thể tự mình gánh vác, khi tôi phải phó thác mọi việc cho Chúa và tin tưởng Ngài thực hiện những gì tôi không thể, chính lúc ấy lòng tin của tôi mới được củng cố. “Hãy hết lòng tin tưởng vào Đức Chúa, chớ hề cậy dựa vào sự hiểu biết của con. Hãy nhận biết Người trong mọi đường đi nước bước, Người sẽ san bằng đường nẻo con đi” (Cn 3,5-6). Khi tôi cậy dựa vào Chúa và đặt niềm trông cậy của tôi nơi những lời hứa của Ngài, lòng tin của tôi trở nên mạnh mẽ hơn.
3. Kéo giãn lòng tin. Một khi lòng tin của tôi đã được củng cố, tôi phải bước ra để thực hiện những điều tưởng chừng như quá sức. Nói cách khác, thoát ra khỏi vùng an toàn của mình. Một lần nữa, lòng tin không có cơ hội để phát triển khi mọi việc diễn tiến một cách thông thường. Đôi khi, những khó khăn và thử thách tự xảy đến, nhưng nếu tôi thật sự muốn lòng tin của mình phát triển, tôi cần lựa chọn thử những điều mới; tôi cần lựa chọn để cho mình bị thử thách; tôi cần lựa chọn để mình bị kéo giãn.
Trong Kinh Thánh, một số người bị đặt vào những hoàn cảnh khó khăn, họ bị buộc phải kéo căng lòng tin, nhưng những người khác chủ động hơn vì họ trông đợi những điều lớn lao hơn từ Chúa, và Ngài giúp họ vượt qua. Một số trong những điều lạ thường nhất xảy ra khi người ta bước đi bằng lòng tin và làm những việc tưởng chừng như điên rồ trong mắt những người khác.
Chẳng hạn như, một lần khi các môn đệ của Chúa Giêsu đang trên thuyền, cách bờ biển khoảng vài dặm, Chúa Giêsu đã đi trên mặt nước để đến với họ. Đó là một phép lạ lớn, nó củng cố lòng tin của các môn đệ. Sau đó, bằng lòng tin, Phêrô đã bước ra khỏi thuyền, đi trên mặt nước để đến với Chúa Giêsu. Phêrô không bắt buộc phải làm như thế, nhưng tôi chắc điều ấy làm tăng lòng tin của ông lên rất nhiều khi ông cũng có thể bước đi trên mặt nước, dù chỉ trong chốc lát (x. Mt 14,22-32).
Vậy đức tin mạnh mẽ hơn ở mức độ nào? Chúa Giêsu đã nói rằng đức tin chỉ cần lớn bằng hạt cải cũng có thể làm được những điều trọng đại. Đôi khi, đó là tất cả những gì chúng ta có thể gom lại - lòng tin lớn bằng một hạt cải - nhưng những lúc đó, Chúa sẽ sử dụng những gì chúng ta có. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng Ngài không muốn đức tin của chúng ta chỉ dừng lại ở mức độ nhỏ bé ấy. Tôi nghĩ Ngài mong muốn lòng tin của chúng ta phát triển lên khi chúng ta nhìn thấy Ngài giúp chúng ta vượt qua được hết lần này đến lần khác.
Chúa có những kế hoạch lớn cho mỗi chúng ta, và Ngài mang chúng ta vào trong những hoàn cảnh để chúng ta chuẩn bị sẵn sàng cho những kế hoạch ấy. Tuy nhiên, cần lòng tin để bước đi, để hành động, để tin cậy vào những gì Ngài mong muốn nơi chúng ta. Nếu chúng ta chần chừ cho đến khi mọi việc có vẻ an toàn, chúng ta có thể bỏ lỡ mất cơ hội.
Một định nghĩa về lòng tin chính là “tin tưởng hoặc kỳ vọng nơi khả năng của người khác.” Lòng tin chính là biết rằng bản thân chúng ta không thể, nhưng vẫn làm những gì Chúa bảo chúng ta làm, bởi vì chúng ta tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa sẽ làm thông qua chúng ta. “Không phải chúng tôi đủ khả năng nên nghĩ rằng mình làm được gì, nhưng khả năng của chúng tôi là do ơn Chúa” (2 Cr 3,5). “[Chúa Giêsu] quả quyết với tôi: ‘Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối’” (2 Cr 12,9).
 
Thiên Ân dịch
(Nguồn: emty.org)

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang