Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Abba! Cha Ôi (số 57)

HỮU DANH VÔ THỰC
Hoàng đế Don Petro, nước Tây Ban Nha, rất thương mến người nghèo khổ, kẻ tật nguyền trong nước. Nhà vua có ý định xây một bệnh viện lớn và đầy đủ tiện nghi tại thành phố Rio de Janeiro, nhưng gặp lúc công quỹ cạn kiệt, tài sản riêng của hoàng tộc chẳng thấm vào đâu so với kinh phí xây dựng. Nhà vua liền cho phổ biến một lời kêu gọi gởi tới các nhà quý tộc giàu có trong nước. Kết quả chẳng được bao nhiêu và hình như họ rất thờ ơ. Biết thế, lần này nhà vua lại ra một thông báo cụ thể hơn: ai cho 100 ngàn đồng vàng sẽ được ban tước vị Nam-tước, ai cho 250 ngàn đồng vàng sẽ được phong Hầu-tước. Thế là khắp nơi tiền bạc đổ về như nước, kèm theo những tấm danh thiếp ghi rõ tên tuổi từng ân nhân. Nhờ đó công trình bệnh viện được tiến hành nhanh chóng. Ngày khánh thành  nhà vua cho triệu tập dân chúng đến tham dự đông đảo.
Các nhà quý tộc và triệu phú cũng được chính thức phong tước vị theo số tiền mà họ đã đóng góp. Ai ai cũng hân hoan ra mặt: dân chúng có bệnh viện để điều trị, nhà giàu thì hả hê với danh vị mình được. Tuy nhiên mọi người vẫn hồi hộp thắc mắc vì ngay trước mặt tiền bệnh viện có treo một tấm bảng lớn phủ băng vải kín mít, không biết có gì trên đó. Thế rồi khi đã cắt băng khánh thành xong, nhà vua bước tới dùng tay kéo sợi dây buộc sẵn làm cho tấm vải che rớt xuống và ai nấy đều thấy một hàng chữ thật to ghi rằng: Đây là quà tặng của sự khoe khoang dành cho nỗi thống khổ của con người. Dân chúng vỗ tay hoan hô như sấm. Nhà vua thì mỉm cười kín đáo. Còn những ai được phong tước vị sẽ nhớ mãi bài học khoe khoang hợm hĩnh của mình.
Suy cho cùng, thấy cuộc đời sao mà lắm cảnh éo le dở khóc dở cười đến thế. Ngay đến con người được mệnh danh là loài thông minh mà nhiều khi vẫn bị mê hoặc không biết đâu là hư đâu là thực nữa. Mà một trong những cái khó hiểu ngây dại của con người là ai cũng muốn xây dựng cho mình một lý lịch bên ngoài thật oai, lắm tước vị thật kêu, nhưng thực chất bên trong lại không tương xứng chút nào cả. Điều này chứng tỏ nếu không khôn ngoan sáng suốt chúng ta đều là những kẻ chỉ thích danh vọng tước vị, nhưng để sống đúng và xứng đáng với địa vị danh hiệu mình có thì lại không muốn.
Đức Giêsu Kitô, Đấng mà chúng ta luôn xưng tụng bằng nhiều danh hiệu: Con Thiên Chúa, Tôi Tớ của Chúa, Đấng xoá tội trần gian. Tất cả những danh hiệu này đã được Chúa Cha ban tặng cho Ngài qua miệng các Tiên tri loan báo trong Thánh kinh, nhất là chính Ngài đã đóng trọn những vai trò đó, đã sống gương mẫu thực tế một cách tuyệt hảo những danh hiệu của mình. Riêng chúng ta ngoài những danh hiệu mà chúng ta có được ở đời bằng cách này hay cách khác, còn có những danh hiệu trong tôn giáo như Dân Tư Tế, Dân Được Tuyển Chọn, Dòng Dõi Đế Vương, Môn Đệ Của Chúa, Con Cái Chúa, Người Công Giáo, Kitô Hữu,... Vậy thử hỏi chúng ta đã sống đúng chức năng của những danh hiệu đó chưa?
J.B Ngô (Trích lược từ "Dấu Ấn Tình Yêu"- QUẾ NGỌC)
NGÀY NÀY NĂM XƯA
Thánh Tôma Khuông – Linh mục Dòng ba Đaminh
Ngày 30/01 cách đây 142 năm (1860), một Linh mục thuộc Dòng ba Đaminh ở tỉnh Hưng Yên đã bị xử tử vì theo Đức Kitô. Đó là cha Tôma Khuông. Tôi không biết nhiều về cuộc đời ngài, chỉ trừ một chi tiết. Khi bị điệu ra pháp trường trong ngày xử trảm, cha Khuông, lúc đó đã 80 tuổi, chống một chiếc gậy, trên đó cha đã cột thêm một thanh ngang cho giống hình cây Thánh giá.
Cũng được biết thêm, cha Tôma Khuông xuất thân từ một gia đình thuộc hàng danh giá, bản thân cha cũng có nhiều cơ hội để bước dài trên con đường danh vọng. Thế nhưng cha đã từ bỏ tất cả để đi theo tiếng gọi yêu thương của Đức Kitô.
Trần Nguyễn Thanh Uyên
Thánh Gioan Théophane VÉNARD VEN - Linh mục Thừa sai Paris (21/11/1829 – 02/02/1861)
Tạp chí "Những Người Ra Đi" số dành riêng cho Hội Thừa sai Paris đã phác họa chân dung vị Thánh Tử Đạo trẻ trung, linh mục Vénard Ven như sau:
"Đời anh là một bài ca trong lúc vui, lúc buồn. Từ những biến cố thời học sinh cho đến lòng sốt sắng khi gia nhập hàng tư tế. Anh hát lên khi rời đất Pháp, anh hát lên khi thấy đất Việt Nam…
Trong những lá thư dài và thường xuyên, anh kể lại cho gia đình từng chi tiết anh gặp trong đời. Đối với anh, đời tông đồ sao mà thoải mái, vui tươi, dễ yêu đến thế! Anh thi vị hóa tất cả: Với anh, việc cực nhọc thành nhẹ nhàng, gánh nặng nên nhẹ nhõm, bệnh tật không làm anh nản chí, anh coi như cơ hội thưởng nếm những giây phút nghỉ ngơi, các cuộc hành trình qua đồng lầy, núi cao hay trên đường sỏi đá, anh diễn tả dưới màu sắc tươi mát như những buổi đi dạo mùa xuân. Anh quả là một cây huệ có sức mạnh của cây sồi.
Chúng ta chỉ có thể đoán ra những cực hình anh chịu, vì anh mô tả chúng đằng sau những cánh hoa kỳ diệu, mà anh không ngừng gieo trồng, tung vãi mọi nơi cho đến khi nhắm mắt lìa đời. Những cánh hoa đó nở rộ trong công việc của anh, nở trong những cực hình, nở trong cũi gỗ, nở trên những dụng cụ tra tấn và nở ngay trên mảnh đất thấm máu đào của anh. Quan tòa cũng trở thành bạn hữu, lý hình cũng phải tỏ lòng ngưỡng mộ. Đối với anh, nhát gươm chém đầu định mệnh chỉ là "ngắt nhẹ cánh hoa tuyển lựa để trang hoàng bàn thờ…"
TERESAH 
(Theo
Thiên hùng sử 117 Hiển thánh tử đạo Việt Nam - Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam, San Jose, California, Hoa Kỳ)
BÁN CHÓ CON
Một ông chủ đang đóng đinh treo tấm bảng ghi "Có bán chó con" bên ngoài cửa hiệu của mình. Một tấm bảng hiệu như thế bao giờ cũng hấp dẫn bọn trẻ con, bằng chứng là, đã có ngay một thằng bé xuất hiện. "Chó con bán sao hả bác?" cậu bé hỏi.
Ông chủ trả lời "Từ 30 đôla đến 50 đôla tùy con."
Cậu bé thò tay vào túi móc ra một ít tiền lẻ. "Cháu có 2 đôla và 37 xu. Cháu có thể xem qua chúng được không ạ?"
Ông chủ mỉm cười rồi huýt sáo. Từ trong cái cũi chó nằm ở gian nhà bên, một con chó cái chạy ra, theo sau là năm chú chó con bé xíu mũm mĩm. Một chú chó con lết đi một cách khó nhọc nên bị tụt lại phía sau một khoảng cách đáng kể. Ngay lập tức cậu bé chọn lấy chú chó đang khập khiễng và hỏi "Con chó nhỏ này bị làm sao thế bác?"
Ông chủ giải thích rằng bác sĩ thú y đã khám cho chú chó và phát hiện ra nó không có khớp xương chậu. Nó sẽ luôn đi khập khiễng như thế. Nó sẽ bị què vĩnh viễn. Chú bé trở nên xúc động.
"Cháu muốn mua chú chó này."
Ông chủ nói "Ồ không, cháu không cần mua con chó đó. Nếu cháu thật sự muốn có nó, bác sẽ cho cháu."
Chú bé buồn bã. Nó nhìn thẳng vào mắt ông chủ và nói "Cháu không muốn bác cho cháu chú cún đó. Những con chó khác đáng giá bao nhiêu thì nó đáng giá bằng bấy nhiêu và cháu sẽ trả đủ. Giờ cháu sẽ đưa cho bác 2 đôla và 37 xu, sau đó cháu sẽ trả bác 50 xu một tháng cho đến khi cháu trả hết tiền."
Ông chủ phản đối "Cháu thực sự không muốn mua chú cún con này đâu. Nó sẽ chẳng bao giờ có thể chạy nhảy và chơi với cháu như những con cún khác."
Để trả lời, cậu bé cúi xuống và kéo ống quần lên để lộ ra chân trái bị lệch cong được giữ lại bằng một miếng kẹp kim loại. Cậu nhìn lên ông chủ và nhỏ nhẹ nói "Bác thấy đấy, bản thân cháu cũng không thể chạy nhanh được, và con cún này sẽ cần một ai đó có thể hiểu cho nó!"
Dan Clark  (Hài Đồng sưu tầm và dịch)
TIA SÁNG
Cho mà không thương, quả là một điều sỉ nhục.
Raoul Follereau
Giá trị của hành động xuất phát từ cõi lòng, chứ không phải từ đồ vật đem cho…
Bà chủ đem cho đồ đạc để nhà kho khỏi chật chội, chứ không phải để xoa dịu túng bấn. Ông chủ cúng một món tiền để được ghi tên vào tờ báo. Cậu trai biếu cô gái nghèo một ít tiền để dành được để khỏi phải đến thăm những người nghèo…
Tôi hành động dễ dàng hay khó khăn? Lòng tôi đứng về phía nào? Nếu tôi làm những công việc phục vụ trong nhà, phải chăng là để được yên ổn hay là để tỏ lòng thân thiết thực sự? Phải chăng tôi sẽ không cho tiền, nụ cười hay cơm áo, cốt để được nhiều hơn?
Lạy Chúa, Ngài đã cho hết tất cả vì lòng yêu mến, biết bao lần con đã cho mà chẳng vì yêu thương.

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang