Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

(Huấn Giáo về Năm Đức Tin của ĐGH Benedict XVI, kỳ 7)

 “… nói về sự hiện diện của Thiên Chúa sống động, chính Chúa Giê-su đã trưng ra biết bao câu chuyện thường nhật của đời sống con người, chẳng hạn như dụ ngôn về sự bé nhỏ của hạt cải, dụ ngôn người con hoang đàng, hoặc về La-da-rô… Ấy phải chăng là những kinh nghiệm mà trong đời chúng ta ai cũng có thể hiểu, và nghiệm ra được.”
Sáng thứ Tư 28/11/2012, trong buổi Tiếp Kiến Chung, ĐTC Benedict XVI đã tiếp tục loạt bài Giáo Huấn về Năm Đức Tin với chủ đề “Chúng ta phải nói về Chúa thế nào cho những người đương thời chúng ta?” ĐTC đã nhấn mạnh đến những điều căn bản: nếu chúng ta muốn nói được gì về Chúa thì trước tiên chúng ta phải gặp gỡ và gần gũi thiết thân với Chúa; cách mà Chúa Giê-su nói về Chúa Cha vén mở cho chúng ta khoa sư phạm dạy nói về Chúa; bậc cha mẹ phải là sứ giả tiên phong của Thiên Chúa và phải chăng gia đình là môi trường dành riêng để nói về Chúa? Dưới đây là toàn bộ phần diễn từ của ngài trong buổi Tiếp Kiến Chung sáng thứ Tư vừa qua.

Anh chị em thân mến,
Hôm nay, câu hỏi trung tâm mà chúng ta nêu lên là: làm thế nào để nói về Thiên Chúa trong thời đại ngày nay? Làm thế nào để thông truyền Tin Mừng, nhằm mở ra những con đường cứu độ đích thực trong những con tim luôn khép kín của những người đương đại chúng ta, và trong não trạng của họ bị xao lãng bởi nhiều thứ ánh chớp của xã hội? Các tác giả Tin Mừng đã nói cho chúng ta rằng chính Chúa Giê-su khi rao giảng về Nước Thiên Chúa cũng bị chất vấn về vấn đề này. Ngài nói: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được?” (Mc 4,30).
Làm thế nào để nói về Thiên Chúa trong thời đại hôm nay? Câu trả lời đầu tiên là chúng ta có thể nói về Chúa bởi vì chính Thiên Chúa đã nói với chúng ta. Do đó, điều kiện đầu tiên để nói về Chúa là chúng ta phải nghe Ngài nói với chúng ta. Thiên Chúa đã nói với chúng ta. Thiên Chúa không phải là một giả thiết xa lạ với nguồn cội của thế giới, không phải là một sự hiểu biết mang tính toán học vốn xa lạ với chúng ta. Trái lại, Thiên Chúa quan tâm, yêu thương chúng ta. Ngài đã đi vào thực tại lịch sử của mỗi người trong chúng ta khi tự thông truyền chính mình đến nỗi Nhập Thể. Vì thế, Thiên Chúa là một thực tại của đời sống chúng ta, Ngài lớn đến nỗi Ngài có giờ cho chúng ta, đến nỗi Ngài có thể bận rộn, bận rộn vì chúng ta.
Nơi Đức Giê-su người Na-da-rét, chúng ta gặp gỡ dung mạo của Thiên Chúa, Đấng đã đến từ trời để dìm mình vào thế giới nhân sinh để dạy chúng ta “nghệ thuật sống”, dạy chúng ta con đường hạnh phúc; để giải thoát chúng ta ách tội lỗi và làm cho chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa (x. Ep 1,5; Rm 8,14). Đức Giêsu đã đến để cứu độ chúng ta và chỉ cho chúng ta sự sống trọn hảo của Tin Mừng.
Do đó, để nói về Thiên Chúa trước hết chúng ta phải nói rõ điều chúng ta mang đến cho những người nam và người nữ trong thời đại hôm nay. Thiên Chúa không phải là một Thiên Chúa trừu tượng, không phải là một giả thuyết, nhưng là một Thiên Chúa cụ thể, một Thiên Chúa tồn tại và đã đi vào lịch sử và hiện diện trong lịch sử. Thiên Chúa của Đức Giê-su chính là câu trả lời cho truy vấn nền tảng về mục đích và cách thế sống đời này. Vì vậy, để nói về Thiên Chúa đòi hỏi phải có một cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa Giê-su và với Tin Mừng của Ngài, giả thiết về một sự hiểu biết đích thực và cá vị về Thiên Chúa và một niềm đam mê mạnh mẽ đối với kế hoạch cứu độ của Ngài mà không hề quỵ ngã trước những cám dỗ về sự thành công, nhưng luôn theo phương pháp của chính Thiên Chúa.
Phương pháp của Thiên Chúa chính là sự khiêm hạ, Thiên Chúa đã trở nên một người ở giữa chúng ta. Phương pháp này được nhận ra trong Mầu Nhiệm Nhập Thể, trong căn nhà đơn sơ miền Na-da-rét, và nơi hang đá Bê-lem, đó cũng chính là dụ ngôn về hạt cải. Chúng ta đừng sợ những điều nhỏ bé nhưng hãy tin rằng men sẽ thấm vào trong bột và làm cho toàn bộ khối bột dậy men (x. Mt 13,33). Trong việc nói về Chúa, trong công cuộc truyền giảng Phúc Âm, dưới sự hướng dẫn của Thần Khí, là cần thiết để chúng ta khôi phục lại sự đơn thành và quay về với nền tảng thiết yếu của việc truyền giảng: Tin Mừng của Thiên Chúa là một thực tại cụ thể, đó là Tin Mừng về một vị Thiên Chúa, Đấng quan tâm đến chúng ta, về vị Thiên Chúa Tình Yêu đến gần chúng ta nơi Đức Giê-su Ki-tô tận cùng trên Thập Giá và nơi biến cố Phục Sinh, Ngài đã ban cho chúng ta niềm hy vọng và mở ra cho chúng ta một sự sống luôn mãi, sự sống vĩnh cửu, một sự sống đích thực.
Thánh Phao-lô Tông đồ, một nhà truyền giảng Tin Mừng xuất chúng, đã chỉ cho chúng ta bài học về việc đi sâu vào trung tâm của đức tin, và của vấn nạn làm thế nào để nói về Thiên Chúa với sự đơn thành lớn lao. Chúng ta lắng nghe lời ngài trong thư thứ Nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô: “Thưa anh em, khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm về Thiên Chúa. Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Ðức Giê-su Kitô, mà là Ðức Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá” (Cr 2,12). Trước hết, ta thấy thánh nhân không nói về một thứ triết học mà ngài đã phát triển, ngài không nói về những ý tưởng đã tìm thấy một nơi nào đó hay do chính mình khám phá ra, đúng hơn ngài nói về một thực tại trong chính đời sống của mình; ngài nói về Thiên Chúa, Đấng đã đi vào đời sống của mình, một vị Thiên Chúa đích thực và sống động, Đấng đã nói với ngài, nói với ngài về Đức Giê-su đã chịu đau khổ và đã phục sinh.
Thứ hai, ta thấy khi thánh Phao-lô rao giảng, ngài không tìm mình, không mong muốn tạo ra một nhóm người hâm mộ, không muốn đi vào lịch sử như một người đứng đầu của một trường phái tư tưởng vĩ đại nào đó. Khi không tìm chính mình, và không muốn có một nhóm người hâm mộ của riêng mình, thánh Phaolô đã công bố về Đức Ki-tô và khao khát chinh phục được nhiều người khác cho một Đấng khác, đó chính là Thiên Chúa đích thực. Khao khát duy nhất của Phao-lô là ước ao rao giảng về điều đã đi vào đời sống của ngài, và là sự sống đích thực, là điều mà ngài đã bị chinh phục khi đang trên đường đi Đa-mát. Để nói về Thiên Chúa cần phải dành một không gian riêng để nơi đó Thiên Chúa có thể làm chúng ta biết về Ngài, để Thiên Chúa có thể hé lộ cho chúng ta thấy được khuôn mặt của tình yêu. Để nói về Thiên Chúa cũng cần phải dâng chính mình lên cho Đức Ki-tô, biết rằng chúng ta không thể đem người khác về cho Thiên Chúa, nhưng phải để cho họ gặp gỡ chính Ngài, đưa dẫn họ đến với Ngài. Nói về Thiên Chúa nảy sinh từ việc lắng nghe, từ việc hiểu biết về Thiên Chúa được hiện thực hóa nhờ sự thân quen với Ngài, ngang qua đời sống cầu nguyện và việc sống theo các giới răn của Ngài.
Truyền đạt đức tin, đối với thánh Phao-lô, không có nghĩa là mang chính-mình ra để giảng dạy, mà đúng hơn là nói cách công khai và phổ biến rộng rãi những gì đã được nghe thấy trong cuộc gặp gỡ với Chúa Ki-tô. Truyền rao những điều đã được chứng nghiệm trong cuộc sống mình, cuộc sống đã được biến đổi từ sau cuộc gặp ấy. Nghĩa là thánh Phao-lô đã mang đến cho người khác chính Chúa Giê-su mà thánh nhân đã từng cảm được trong chính mình, Đấng đã trở nên định-phương đích thị cho cuộc đời của mình. Thánh nhân đã làm cho tất cả mọi người hiểu rằng Chúa Giê-su Ki-tô không thể thiếu và Ngài có tính quyết định đối với thế giới và với sự giải thoát cho mọi người.
Vị tông đồ cho dân ngoại này đã không tự chế tác nội dung để công bố Lời Chúa, mà là chấp dính lại mọi sự hiện hữu riêng trong một công trình lớn lao của đức tin. Để nói về Chúa, cần tạo ra một không gian, trong niềm xác tín rằng chính Thiên Chúa là Đấng đang hoạt động nơi sự yếu đuối của chúng ta, nghĩa là tạo ra một không gian không hề có sợ hãi, với niềm vui sướng và đơn thành, trong niềm xác tín sâu xa rằng chúng ta càng đặt trọng tâm vào Chúa nhiều bao nhiêu, chứ không phải vào chính mình, thì việc truyền đạt đức tin của chúng ta càng trổ sinh hoa trái nhiều bấy nhiêu. Điều này cũng có giá trị đối với các cộng đoàn Ki-tô hữu, nghĩa là họ được mời gọi biểu lộ hoạt động biến đổi của ơn Chúa, vượt qua những chủ nghĩa cá nhân, những sự đóng chặt, những cái tôi, và vô cảm, để sống trong những tương quan yêu thương Thiên Chúa cách thường hằng. Thế thì đích thị đâu là các cộng đoàn của chúng ta? Chúng ta (các cộng đoàn) vì vậy phải đặt mình trong chuyển động luôn nhằm trở nên những kẻ loan truyền về Chúa Ki-tô, chứ không phải là những kẻ tự truyền đạt về chính mình.
Về điểm này chúng ta phải tự vấn mình giống như chính Chúa Giê-su đã làm khi ngài rao truyền Tin Mừng. Chúa Giê-su đã nói về Cha mình, Đấng mà ngài gọi là Abba, nghĩa là Cha, và nói về Vương quốc Thiên Chúa, trong cách thế độc nhất vô nhị, cùng với việc xét đến đầy đủ nỗi bận tâm đối với những bất lợi và những khó khăn của kiếp người.
Ngài đã nói bằng cái hiện thực lớn lao, và tôi có thể cho rằng điều chính yếu của lời loan báo của Chúa Giê-su là để đả thông thế giới này và hết thẩy chúng ta với Thiên Chúa. Chúa Giê-su đã cho thấy rằng nơi thế giới, nơi thụ tạo đang tỏa sáng dung mạo Thiên Chúa. Khi nói về sự hiện diện của Thiên Chúa sống động, chính Chúa Giê-su đã trưng ra những câu chuyện thường nhật trong đời sống con người, chẳng hạn như dụ ngôn về sự bé nhỏ của hạt cải sánh với những hạt khác, hoặc là dụ ngôn người con hoang đàng, hoặc về La-da-rô hoặc những dụ ngôn khác, ấy là những kinh nghiệm mà trong đời chúng ta ai cũng có thể hiểu, và nghiệm ra được.
Từ các Phúc Âm, chúng ta thấy cách thế mà Chúa Giê-su đã thú vị đối với những cảnh huống nhân sinh mà Ngài gặp phải. Ngài tự đắm mình vào trong thực tại của những người nam cũng như nữ cùng thời với Ngài, với lòng tin tưởng dạt dào nơi sự trợ giúp của Cha, và sự thực thì Thiên Chúa ẩn mình trong những hoàn cảnh ấy, và nếu chúng ta biết chú ý, chúng ta có thể gặp được Thiên Chúa trong mọi cảnh huống của đời sống.
Các môn đệ, là những người đã sống cùng với Chúa Giê-su, những đám người mà Chúa Giê-su đã gặp, họ nhìn ra được cách ứng xử của Chúa Giê-su trong các vấn nạn hóc búa hơn nhiều, họ đã nhận ra cách mà Chúa Giê-su nói và tự nhập cuộc vào các vấn nạn ấy. Họ nhận ra nơi Ngài hoạt động của Thần Khí, hoạt động của Thiên Chúa. Nơi Chúa Giê-su, lời loan báo và đời sống hòa quyện vào nhau: Chúa Giê-su hành động và giảng dạy, luôn khởi đi từ một tương quan thiết thân với Thiên Chúa Cha! Phong cách này trở thành một chỉ định cốt lõi dành cho các Ki-tô hữu, nghĩa là chính cung cách sống trong đức tin và đức ái của chúng ta lại trở thành lời truyền đạt về Thiên Chúa hôm nay. Bởi lẽ lối sống ấy cùng với cuộc sống được sống trong Chúa Ki-tô sẽ biểu lộ tính khả tín, biểu lộ thực tại của lối sống ấy (điều mà chúng ta đang nói) cùng với những lời giảng, để lời không chỉ là lời mà còn phơi trần cái thực tại của lời, thực tại đích thị.
Và trong điều ấy, chúng ta phải nhìn chăm chú để nắm bắt các dấu chỉ của thời đại trong thời chúng ta để nhận diện được các tiềm năng, các ước muốn, các chướng ngại mà chúng ra gặp phải trong nền văn hóa đương đại, cách riêng là ước muốn về sự chân thực, nỗi sợ siêu việt, sức nhạy cảm đối với sự an ninh của thụ tạo, và không hề sợ để truyền đạt lời giải đáp cho những ai chất vấn chúng ta về đức tin vào Thiên Chúa. Cùng với sự linh hoạt diệu kỳ từ Thánh Linh, Năm Đức Tin là cơ hội để khám phá ra những nẻo đường mới đến với cấp độ cá nhân cũng như cộng đoàn, để mỗi nơi sức mạnh của Tin Mừng được là minh triết của cuộc sống và là kim chỉ nam của sự sống.
Cũng vậy trong thời chúng ta, gia đình được xem là một nơi dành riêng để nói về Chúa. Gia đình là mái trường đầu tiên để truyền đạt đức tin cho hậu hế. Công Đồng Chung Va-ti-ca-nô II đã cho rằng cha mẹ chính là những sứ giả tiên phong của Thiên Chúa (x. Hiến Chế Tín Lý, Lumen Gentium, 11, Sắc lệnh Apostolicam actuositatem, 11). Công đồng đã kêu mời một cuộc tái khám phá sứ mạng của bậc cha mẹ, hãy đảm nhận trách nhiệm trong việc giáo dục, trong việc mở mang nhận thức cho con trẻ về tình yêu Thiên Chúa y như một dịch vụ nền tảng cho cuộc sống của chúng, trách nhiệm trong việc trở nên những giáo lý viên tiên quyết và những bậc thầy đức tin đối với con cái mình.
Trong nhiệm vụ này quan trọng đầu tiên là sự lưu tâm, nghĩa là cha mẹ hãy biết tận dụng cơ hội thuận lợi để dạy dỗ con trẻ trong gia đình những bài đức tin, và làm cho chính chắn một suy tư có phê bình xét đến vô số những điều kiện mà trong đó con trẻ bị tác động. Sự để tâm này của bậc cha mẹ cũng là sự nhạy bén trong việc nhận ra những khả thể đặt câu hỏi tôn giáo bật ra nơi tâm hồn con trẻ, lúc hiển lúc ẩn.
Thứ đến là sự vui tươi: việc loan truyền đức tin phải luôn có một cung giọng hân hoan. Đó là niềm vui phục sinh. Mặt khác không nên che giấu hoặc bỏ qua các thực tại về khổ đau, sầu buồn, mệt mỏi, chán chường, khốn khó, hiểu nhầm và cả sự chết, đúng hơn hãy biết đưa ra những tiêu chuẩn để diễn giải những vấn nạn ấy trong viễn tượng hy-vọng Ki-tô giáo. Cuộc sống trọn lành theo Tin Mừng đúng khít với cái nhìn mới này, đúng với khả năng nhận ra Thiên Chúa nơi mỗi cảnh huống của cuộc đời với cùng một đôi mắt ấy. Thật quan trọng biết bao việc giúp đỡ mọi thành viên trong gia đình thấu hiểu được rằng đức tin không phải là một gánh nặng, mà chính là vòi phun niềm vui sâu xa, là tri nhận được hành động của Thiên Chúa, nhận ra sự hiện hữu của sự thiện, thứ không gây ra tiếng động, và đức tin đưa ra những định hướng cao quý để sống tốt sự sống riêng của mỗi người.
Cuối cùng là khả năng lắng nghe và khả năng đối thoại: gia đình phải là một môi trường mà trong đó người ta học để ở cùng nhau, để điều chỉnh lại những mặt tương phản trong việc đối thoại với nhau, việc lắng nghe và nói năng được thực hiện, để tự hiểu nhau và yêu thương nhau, người này biết yêu thương người kia, làm nên một dấu chỉ cho tình yêu xót thương của Thiên Chúa.
Vì thế, việc nói về Chúa muốn nói đến chuyện hiểu bằng lời và bằng cuộc sống rằng Thiên Chúa không phải là một địch thủ của sự sống chúng ta, mà đúng hơn Ngài là nguồn an ninh đích thị, là một bảo đảm cho sự cao cả của con người. Thế thì chúng ta quay trở lại trả lời cho câu hỏi khởi đầu bài này: nói về Chúa là thông truyền điều chính yếu này, bằng sức mạnh và đơn thành, bằng lời giảng và bằng chính cuộc sống, rằng Thiên Chúa của Giê-su Ki-tô, vị Thiên Chúa đã biểu lộ cho chúng ta thấy một tình yêu lớn đến độ nhập thể, chết đi và sống lại vì chúng ta. Ngài là vị Thiên Chúa đòi chúng ta bước theo ngài và tự biến đổi chính mình bởi tình yêu trào tràn của ngài để đổi mới cuộc đời và đổi mới mọi tương quan của chúng ta. Ngài là vị Thiên Chúa ban cho chúng ta Giáo Hội, để cùng bước đi, và ngang qua Lời và các Bí tích, Giáo Hội giúp con người canh tân Nội Thành của mình, (nội thành của con người ở đây có nghĩa là cõi lòng), để cõi lòng ấy có thể trở nên Thành Đô nơi Chúa ngự.
Từ RadioVaticana, 28/11/2012
Thái-Hiệp và Minh-Triệu chuyển ngữ và giới thiệu

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang