Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Vị trí sách Thánh trong nhà thờ


Tại Việt Nam, sau Công đồng Vatican II (1963-65), rộ lên một hình thức tôn vinh Kinh Thánh trong việc bố trí nhà thờ, là đặt sách Kinh Thánh ở nơi cao và ngang hàng với Nhà Tạm lưu giữ Mình Thánh Chúa. Có lẽ điều này xuất phát từ niềm phấn khởi hậu Công đồng khi Kinh Thánh được đề cao trong đời sống của Hội thánh; hơn nữa, có thể đó là do cách giải thích các lời trong Hiến chế về Mặc Khải Dei Verbum (DV):
«Giáo hội vẫn luôn tôn kính Thánh Kinh giống như tôn kính chính Thánh Thể Chúa, đặc biệt trong phụng vụ thánh, Giáo hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Mình Chúa Kitô để trao ban cho các tín hữu» (số 21).

Câu hỏi về việc đặt Thánh Kinh ngang với Nhà Tạm như vậy có diễn tả đúng đức tin của Hội thánh không đã tìm thấy câu trả lời trong Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Giám mục Verbum Domini (VD), do Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI ban hành ngày 30.09.2010:
«Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng cũng đề nghị trong các nhà thờ nên dành một chỗ danh dự để đặt Sách Thánh, ngay cả khi ở ngoài các cuộc cử hành phụng vụ. Quả thế, nên để quyển sách chứa Lời Thiên Chúa có một chỗ danh dự ai cũng thấy ở bên trong đền thờ Kitô giáo, mà không phương hại tới vị trí trung tâm dành riêng cho nhà tạm chứa Mình Thánh Chúa» (Bản dịch của UB. Thánh Kinh / HĐGMVN, số 68).
Câu trả lời như vậy thật rõ ràng. Nhưng thiết tưởng đây cũng là cơ hội để đọc lại Công đồng và các văn kiện sau đó.
1. Thánh Kinh và Thánh Thể
Hiến chế về Phụng vụ thánh (Sacrocanctum Concilium = SC) trình bày thần học về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Phụng vụ như sau:
«Để hoàn tất công trình [cứu độ - ND] cao cả ấy, Chúa Kitô hằng hiện diện trong Giáo hội, nhất là trong các hành động phụng vụ. Người hiện diện trong Hy tế Thánh lễ, vừa ở nơi con người của thừa tác viên,…, vừa hiện diện cách vô cùng nhiệm lạ dưới hình bánh hình rượu trong bí tích Thánh Thể. Người hiện diện trong các bí tích… Người hiện diện trong lời của Người, vì chính Người nói khi người ta đọc Thánh Kinh trong Giáo hội. Sau hết, Người hiện diện khi Giáo hội khẩn cầu và hát Thánh vịnh…» (SC, số 7).
Đây là những nơi Chúa Kitô hiện diện thật sự trong các cử hành phụng vụ. Tuy nhiên, khi nói về sự hiện diện của Chúa Kitô nơi bí tích Thánh Thể, Công đồng đã thêm cụm từ “vô cùng nhiệm lạ”. Đức Phaolô VI, trong Thông điệp Mysterium Fidei, ngày 03.09.1965, đã thêm vào đó những điểm nữa là Chúa Kitô hiện diện thật sự khi Giáo hội thực thi lòng bác ái và khi Giáo hội lữ hành tiến về cuộc sống đời đời (số 35); khi Giáo hội rao giảng (số 36); và khi Giáo hội thực thi việc cai quản Dân Thiên Chúa (số 37). Tuy nhiên, khi nhắc đến sự hiện hiện của Chúa Kitô nơi bí tích Thánh Thể, ngài nói «cách hiện diện này là vượt trên tất cả các cách khác» (số 38).
Trong Tông huấn Verbum Domini, Đức Bênêđictô XVI nói lại điều này và làm rõ hơn bản văn của Hiến chế Dei Verbum, số 21 đã được trích ở trên.
«Lời Thiên Chúa và Mầu nhiệm Thánh Thể, luôn luôn và ở khắp nơi, tuy không được Giáo hội thờ phượng như nhau, nhưng được Giáo hội tôn kính như nhau» (VD, số 55).
Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo (1982) trong phần nói về Linh hứng và chân lý Thánh Kinh, sau khi khẳng định Thiên Chúa là tác giả của Thánh Kinh, ơn linh hứng nơi các tác giả nhân loại và chân lý không sai lầm được chứa đựng trong Thánh Kinh, đã nhắc về bản chất đức tin của Hội thánh, đó là
«Đức tin Kitô giáo không phải là “tôn giáo của Cuốn Sách”. Kitô giáo là tôn giáo của “Lời” Thiên Chúa: Lời đó “không phải là lời được viết ra và câm lặng, nhưng là Ngôi Lời Nhập Thể và sống động”. Cần thiết là phải có Đức Kitô, Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa hằng sống, nhờ Chúa Thánh Thần, mở trí cho chúng ta, thì chúng ta mới hiểu được Thánh Kinh, nếu không thì các sách đó chỉ là văn tự chết» (Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, Bản dịch của UB. Giáo lý Đức tin / HĐGMVN, số 108; x. VD, số 7).
Một vấn đề cần lưu tâm là công thức “Lời Thiên Chúa” được sử dụng một cách loại suy; cho nên cần nắm bắt được những ý nghĩa khác nhau của kiểu diễn tả này, cũng như hiểu được tính duy nhất của các ý nghĩa ấy (VD, số 7). Thánh Kinh được gọi là quyển sách chứa đựng Lời Thiên Chúa. Bởi vì, khi đọc Kinh Thánh, «cần phải vượt quá chữ viết: quả vậy, Lời Thiên Chúa không bao giờ chỉ hiện diện với chữ viết của bản văn» (VD, số 38).
2. Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn Quyền của Giáo hội
Có vẻ những lời của Hiến chế Dei Verbum gây ngộ nhận và là nguyên nhân cho việc đặt Sách Thánh ngang hàng với Nhà Tạm. Nếu đúng như thế, các lời này đã được đọc hoàn toàn tách biệt với mạch văn của Hiến chế.
Trong khi đó, Hiến chế Dei Verbum có sự phân biệt giữa “Lời Thiên Chúa” và Sách Thánh như được trình bày trong Verbum Domini (số 7); đồng thời luôn đặt Thánh Kinh và Thánh Truyền trong tương quan không thể tách rời và ngang hàng nhau, cả hai «làm thành kho tàng thánh thiêng duy nhất lưu trữ Lời Chúa đã được ký thác cho Giáo hội…» (DV, số 10).
Hiến chế còn đặt Thánh Kinh và Thánh Truyền trong tương quan với Huấn Quyền của Giáo hội: «Nhiệm vụ chính thức giải thích Lời Chúa đã được ghi chép hay lưu truyền, đã được uỷ thác riêng cho Huấn Quyền sống động của Giáo hội, một quyền được thi hành nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Tuy nhiên, Huấn Quyền không ở trên Lời Chúa, nhưng phục vụ Lời Chúa vì chỉ giảng dạy những điều được truyền lại…» (DV, số 10).
Do đó, «Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn Quyền của Giáo hội được nối kết và liên đới với nhau đến nỗi cả ba luôn cần đến nhau để có thể tồn tại» (DV, số 10).
Còn Tông huấn Verbum Domini đặt điều kiện không thể thiếu cho việc giải thích Thánh Kinh, đó là «một giải thích trung thực về Kinh Thánh phải luôn luôn hoà điệu với đức tin của Giáo hội Công giáo» (DV, số 30).
Việc liên đới của bộ ba này được thể hiện cách đặc thù trong phụng vụ. Tự bản chất, mỗi hành động phụng vụ đều được nuôi dưỡng bằng Kinh Thánh; từ Thánh Kinh mà các bài đọc được rút ra (x. SC, số 24); và chính Chúa Kitô hiện diện khi người ta đọc Kinh Thánh trong Giáo hội (x. SC, số 7). Do đó, chính việc cử hành phụng vụ trở thành một việc công bố liên tục, đầy đủ và hữu hiệu Lời Thiên Chúa.
«Chính vì thế, Lời Thiên Chúa được công bố đều đặn trong phụng vụ thì luôn sống động và hữu hiệu do quyền năng của Chúa Thánh Thần, và thể hiện tình yêu của Chúa Cha không bao giờ ngừng tác động nơi mọi người. (…). Theo một ý nghĩa nào đó, việc chú giải đức tin dựa trên nền tảng Kinh Thánh, phải luôn coi phụng vụ như điểm quy chiếu, nơi đó Lời Thiên Chúa được cử hành như một lời hiện tại và sống động: Như thế, trong phụng vụ, Giáo hội trung thành theo cách đọc và chú giải Kinh Thánh như Đức Kitô đã làm, từ cái ‘hôm nay’ của việc Người đến, Người khuyến khích thăm dò cẩn thận toàn bộ Kinh Thánh» (VD, số 52).
Kết luận
Hiến chế Dei Verbum bắt đầu như thế này: «Khi thành kính lắng nghe và mạnh dạn công bố Lời Thiên Chúa, Thánh Công Đồng …» (số 1). Đó là một định nghĩa năng động về đời sống của Giáo hội: Đó là những từ ngữ Giáo hội dùng để nói lên một phương diện trong tính cách của Giáo hội: Giáo hội là một cộng đoàn lắng nghe và công bố Lời Thiên Chúa (VD, số 51). Với nhận thức này, Giáo hội quả thật “không phải là tôn giáo của Cuốn Sách”, nhưng qua cách thức diễn tả của mình, Giáo hội làm cho “Lời Thiên Chúa” được sống động nơi các phần tử của mình, để họ trở nên «những người thờ phượng Thiên Chúa trong Thần khí và trong chân lý» (Ga 4, 24).
 
Lm Phêrô Lê Tấn Bảo

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang