Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Những nhà truyền giáo lặng thầm trên đất nước Nhật Bản

Lần dở lại những trang sử Giáo hội Công giáo Nhật Bản, người ta thấy sử sách đã ghi lại: từ năm 1543, đã có người Bồ Đào Nha đầu tiên đặt chân đến với xứ sở hoa Anh Đào, và bảy năm sau đó thì Thánh Phanxicô Xaviê, có thể nói được, là nhà Truyền giáo đầu tiên cũng đặt chân đến nơi đây, và đã đưa Kitô giáo đi vào hiện diện giữa lòng xã hội Nhật Bản, bên cạnh các tôn giáo truyền thống lâu đời khác.
Sau đó, các giáo sĩ khác cũng đã theo bước Thánh Phanxicô Xaviê lần lượt đến với đất nước Nhật Bản mang theo sứ mạng loan báo Tin Mừng cho lục địa mới mẻ này. Các ngài đã giảng dạy dân chúng, quy tụ mọi người, xây cất nhà thờ, mở chủng viện và các cơ sở sinh hoạt tôn giáo. Và rồi dọc dài suốt dòng lịch sử mãi cho đến hôm nay vẫn còn có những nhà truyền giáo trẻ đầy nhiệt thành và tâm huyết đến với đất nước Nhật Bản.

Ngay hiện tại nơi giáo xứ tôi đến học hỏi kinh nghiệm cũng có hai linh mục truyền giáo, cha Michel CONNAN thuộc Hội Thừa Sai Paris (M.E.P.) và cha Marco CASQUILHO, thuộc Hội Truyền Giáo Bồ Đào Nha (S.M.B.N.). Cả hai linh mục cùng làm việc chung với một linh mục người bản xứ là cha Phê-rô UMEHARA.
Ngày 11 tháng 11 là ngày tròn 50 năm, cha Michel CONNAN đến Nhật Bản. Trong suốt 50 năm qua, Cha đã sống và gắn bó với những người bản xứ qua mọi biến cố thăng trầm của lịch sử. Cha đã hiện diện bên họ trong tư cách là một linh mục truyền giáo lặng thầm và lặng lẽ trong tất cả những công việc được trao phó cho cha.
Trong suốt 6 tháng vừa qua, cứ mỗi cuối tuần tôi đến với giáo xứ để tiếp cận thực tế, học hỏi kinh nghiệm và sinh hoạt chung với mọi người thì tôi lại có cơ hội được gặp gỡ ngài; và ngài luôn chia sẻ với tôi những kinh nghiệm sống quý báu của một nhà truyền giáo đã cả đời gắn bó với đất nước Nhật Bản. Qua những lần trao đổi và chia sẻ với ngài, tôi đã học được bài học căn bản và thiết yếu cho nhân cách của một nhà truyền giáo đó là sự khiêm tốn, vui vẻ và khát vọng sống cho đi. Qua cung cách sống của ngài mà biết bao người đã tìm đến với Kitô giáo.
Năm trước, trong địa hạt nơi tôi ở có một linh mục thuộc Hội Truyền Giáo Tây Ban Nha. Sau 43 năm làm việc truyền giáo tại Nhật Bản, ngài phải trở về nước để giữ một trọng trách khác của Hội Thừa Sai. Trong bữa tiệc chia tay với ngài, có một người đã hỏi ngài: “43 năm sống ở Nhật, điều gì cha mong muốn mà chưa làm được?” Ngài đã cười và trả lời: “Chết ở Nhật”. Câu trả lời thật giản đơn nhưng lại mang chứa một tâm tình muốn sống gắn bó với niềm đất truyền giáo và sâu xa hơn là với sứ vụ truyền giáo cho đến chết.
Trên đây chỉ là hai trong số vô vàn những nhà truyền giáo mà tôi đã may mắn được gặp gỡ, gần gũi trên đất nước Nhật Bản. Có rất nhiều vị là những nhà chuyên môn danh tiếng, đã từng giữ những chức vụ lớn lao, mà nói theo ngôn ngữ bình dân là những nhà tư tưởng đầy đầu, bằng cấp đầy mình, chữa nghĩa đầy miệng nhưng lại sống rất giản dị và lặng thầm. Trong thực tế vẫn còn đó rất nhiều những nhà truyền giáo khác đến từ khắp nơi trên thế giới mà với góc nhìn nhỏ hẹp, tôi chưa thấy hết và cũng chưa có cơ hội để gặp gỡ được. Tuy nhiên, chỉ nhìn vào gương sống của các nhà truyền giáo qua sự hiện diện của họ thôi cũng đã là một bài học lớn cho tôi rồi.
Trong tiếng Latinh có câu “bonum est diffusivum sui” nghĩa là điều thiện hảo thì tự nhiên tỏa lan ra, hay nói theo ngôn ngữ Việt Nam – “hữu xạ tự nhiên hương”. Chính từ cung cách sống khiêm tốn, chan hòa, gần gũi với mọi người đã là một chứng từ sống động và đầy sức thuyết phục rồi! Chẳng cần phải thổi phồng, đánh bóng hay khoe mẽ những việc mình làm cho mọi người biết tới. Hơn nữa, “Con người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn nghe những thầy dạy, và nếu họ có nghe những thầy dạy thì chính vì những thầy dạy đó cũng là những chứng nhân” (Evangelii Nuntiandi 41).
Thật đẹp thay những bước chân người ra đi Loan báo Tin mừng, những bước chân nở hoa trên vạn nẻo đường, những bước chân vẫn từng ngày lặng thầm trong phục vụ trên cánh đồng truyền giáo mênh mông. Và đẹp biết bao những con người dám dấn thân ra đi tiếp bước hành trình truyền giáo mà các vị tiền bối đã khai lối, viết tiếp trang sử truyền giáo mà các chứng nhân đã khởi đầu.
Sukugawa, 12.11.2012
Dom Nguyễn Quốc Thuần
(Nguồn: vietcatholic.net)

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang