Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Những Câu Chuyện Suy Ngẫm Phần 3



Câu Chuyện từ  1 - 10
Câu Chuyện từ 11 - 20
Câu Chuyện từ 21 - 30
Câu Chuyện từ 31 - 40
Câu Chuyện từ 41 - 50
Câu Chuyện từ 51 - 60
Câu Chuyện từ 61 - 70
Câu Chuyện từ 71 - 80
Câu Chuyện từ 81 - 90
Câu Chuyện từ 91 - 100
Câu Chuyện từ 101 - 110

21. LÀM KHÓ ĐẤNG TẠO HÓA
Chim sẻ hỏi Đấng tạo hóa:
- "Con thích sự an định và ấm áp trong gia đình, nhưng con cũng vọng hưởng sự thoải mái và không gò bó, lang thang ở chân trời; con muốn tìm một công việc được đãi ngộ chu đáo, nhưng lại sợ trách nhiệm quá nặng nề, chống không nổi, có cách gì để đẹp cả đôi đường không?"
Đấng tạo hóa than thở, nhè nhẹ nói:
- "Ai dà, Ta cũng muốn tìm một chỗ vừa tôn quý uy nghiêm, vừa không cần phải nhọc lòng lo nghĩ đến trời đất chúng sinh".
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
Không ai được làm tôi hai chủ: vừa làm tôi Thiên Chúa lại vừa làm tôi tiền bạc.
Nhưng lòng người thì luôn muốn "trọn vẹn cả đôi đường".
Tôi có người bạn làm việc ở hai công ty lớn, buổi tối còn học thêm Anh văn, hơn một năm sau anh ta xuống mất bốn, năm ki-lô-gam, và xin nghỉ việc một công ty, lý do đơn giản là: làm không nổi.
Đó là công việc làm ăn, còn về tinh thần, phần hồn thì sao ? Tôi cũng có một học trò đã có vợ và hai con rất dễ thương, vợ là đạo theo, bản thân anh ta rất tốt, hiền lành, ngoan đạo, nhưng trước cửa nhà có đặt một...ông địa, gọi là thần tài. Ngày ngày vợ anh ta thắp nhang vái vái lạy lạy ông địa trước khi đến nhà thờ, tôi hỏi tại sao làm vậy, chị trả lời rất vô tư: "Nếu Chúa Mẹ không cho phát tài, thì ông thần cũng cho". Hết ý.
Chúng ta từ bỏ tất cả để theo làm môn đệ của Chúa, nhưng cũng có những lúc chúng ta cũng vơ vét lại những gì mà chúng ta đã bỏ, vơ lại chút tình yêu, vơ lại chút danh vọng, vơ lại chút của cải v.v...
Những cái vơ lại ấy không làm cho chúng ta hạnh phúc, cũng chẳng làm cho chúng ta bình an, nó chỉ làm cho chúng ta bối rối và bất an mà thôi.
Đừng làm tôi Thiên Chúa rồi lại làm đệ tử của ma quỷ.
22. CHIM SƠN CA THÍCH HÁT
Mọi người đều công nhận chim sơn ca là con chim biết hát nhất trong rừng rậm, giọng ca của nó thánh thót du dương trầm bỗng, nghe rất vui tai.
Được mọi người ca ngợi, chim sơn ca rất phấn khởi, càng hát mạnh lên, hát mà không nghỉ.
Chẳng ngờ, chúng nhân bắt đầu dần dần chán ghét giọng ca của nó, nó không hiểu tại sao, bèn hỏi:
- "Thật là kỳ cục, trước đây không phải các người thích nghe tôi hát sao?"
Chúng nhân bất đắc dĩ nói:
- "Cô hát tất nhiên nghe hay rồi, nhưng hát từ sáng đến tối, chúng tôi còn phải ngủ chứ?"
- "Nhà tôi vừa mới xảy ra chuyện bất ngờ, chị còn được vui vẻ như thế, là cố tình không đến với tôi".
Nhưng chim sơn ca, trái lại không nghĩ như thế, nó tức sôi lên nói:
- "Cái chính là lòng người dễ dàng thay đổi, yêu mới nới cũ đó mà".
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
Đúng là lòng người cũng có khi đổi trắng thay đen.
Biết bao nhiêu cô gái đã thất tình, chán đời vì người yêu đổi trắng thay đen, có bao nhiêu bạn bè lừa gạt nhau cũng chỉ vì lòng dạ đổi trắng thay đen?
Nhưng đó là chuyện của họ.
Chuyện của chúng ta, chính là lòng mình có đổi trắng thay đen hay không?
Chúng ta cậy vào tài năng, đối xử với bạn bè như cỏ như rơm, chúng ta có đổi trắng thay đen hay không?
Trước đây chúng ta rất hoà nhã với mọi người, như từ khi làm ông cha, làm bà phước, làm ông thầy, thì coi mọi người như là thuộc hạ không bằng, có phải chúng ta đổi trắng thay đen không?
Thay trắng đổi đen hay thay đen đổi trắng, không phải tự tâm chúng ta mà ra đó hay sao ? Có người trước kia chỉ là một người chân lấm tay bùn, nhưng khi có chút chức quyền thì hống hách với mọi người, trạng thái tâm lý biến đổi, tính tình cũng biến đổi theo, có phải là thay trắng đổi đen hay không?
Người ta bỏ mình, không thích đến với mình, thậm chí thấy mình ở đâu là họ tránh né, cũng có thể là lỗi của họ, mà cũng có thể là tại chúng ta quá thay trắng đổi đen ỷ vào tài năng của mình, để rồi bất cần mọi người hay chăng?
Hãy hỏi lòng mình khi mọi người tìm cách tránh mặt mình...
23. LẠC ĐÀ BỊ BỆNH
Lạc đà bị bệnh té ở bên đường, đợi cứu viện.
- "Thật là áy náy, tôi phải đi nhanh để xây thánh điện, không có giờ rãnh để giúp anh", con voi đi qua đường, nhưng đi tất tất bật bật.
- "Tôi bận đi đầu tư gấp, đợi kiếm chút lời thì có thể dâng hiến Thiên Chúa một món tiền lớn"- hà mã áy náy nói với lạc đà xong, đi mà không ngoảnh đầu lại.
Đấng tạo hóa buồn nói:
- "Này các con, thánh điện càng đẹp hơn, tiền bạc có nhiều thêm nữa, thì cũng không quan trọng bằng một sinh mệnh".
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
"Một miếng khi đói, bằng một gói khi no", thật là một câu nói đầy tính triết lý sống.
Chúa Giê-su đã kể ra dụ ngôn người Samari nhân hậu, để chê những người thích coi trọng hình thức bên ngoài mà bỏ ngơ công việc bác ái: tới nhà thờ trễ một chút có chết thằng tây nào đâu, mà người anh em đang nằm đó sắp chết lại không cứu giúp! Đụng đến người ngoại đạo là ô uế, sợ lỗi luật, mà không cúi xuống đỡ người hoạn nạn lên, thì chẳng khác chi cầm gáo nước lạnh tạt vào mặt Chúa, bởi vì khi đã hành động như thế thì ô uế hơn là đụng vào xác chết.
Bác ái là không kể tốt xấu, ô uế, da đen da trắng, không kể quốc gia dân tộc, không kể có bà con thân thuộc hay không. Bác ái cũng không phân biệt nhà giàu hay nhà nghèo, thông minh hay đần độn v.v...
Người công giáo cần sống bác ái.
Các tu sĩ lại cần sống bác ái gấp đôi.
Các linh mục càng sống bác ái cách tuyệt vời hơn.
Bác ái chính là diễn tả lại cuộc sống của Chúa Ki-tô, là rao giảng Tin Mừng hữu hiệu nhất vậy.
24. VƯỜN Ê-ĐEN Ở TRÊN ĐẤT
Tiếng chim bay vọng lại:
- "Nếu không khí không ô nhiễm, nếu rừng rú không bị đốn, nếu sinh thái không bị phá hoại, thì đây thật là đào hoa tiên cảnh".
Cá chép say sưa nói:
- "Nếu hồ nước một vùng trong biếc, ánh quan chiếu trên núi, khoan thai yên lặng, chúng ta sống nhàn nhã trong nó, không lo không buồn, không sợ hãi, đây quả thật là thiên đàng".
Chúng nó truy hỏi Đấng tạo hóa Nước Trời lúc nào thì tới. Đấng tạo hóa trả lời gọn gàng:
- "Nước Trời, chính là ở ngay trong lòng các ngươi đó".
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
"Anh em hãy sám hối, vì nước trời đã đến gần" (Mt 3, 2).
Có người biện luận: Nước Trời đến gần chứ chưa tới bên, vậy thì cứ thoải mái vui chơi.
Có người dỏng dạc hô to: Nước Trời đến rồi, nhưng chưa tận thế đâu mà sợ, ta cứ phè phởn ăn chơi.
Lại có người hùng dũng lý luận: trái đất này là Chúa dựng nên, cho nên Chúa đến từ lâu rồi, nhưng Chúa dựng cho chúng ta hưởng thụ vui chơi, vậy tội gì mà không vui chơi chứ ?
Ai cũng có lý cả, Nước Trời hay thiên đàng cũng là một, đều là nơi vui sướng hạnh phúc nhất cho chúng ta hưởng thụ, nhưng họ quên mất một điều: lương tâm. Nếu lương tâm của họ ngay thẳng, nếu tâm hồn của họ bình an thì thiên đàng chính là tự trong lòng họ, và lây lan cho người chung quanh.
Thiên đàng hiện tại và thiên đàng mai sau, cũng chỉ giống nhau ở một điểm là hoan lạc và bình an.
Vậy có bình an, có hoan lạc hay không, đều là do chính nơi bản thân tâm hồn của chúng ta có Thiên Chúa hay không mà thôi !
25. NGUYỆN VỌNG CỦA CÂY CỎ NHỎ
Đấng tạo hóa cho phép mọi người, mỗi cá nhân đều có thể đề xuất ra một nguyện vọng.
Hổ nói: "Con vẫn khát vọng trở thành vua của các thú rừng, con cần quyền lực."
Hươu cao cổ nói: "Trí tuệ là của cải lớn nhất, con thích có một đầu óc thông minh."
Con cáo nói: "Tiền bạc có thể đem lại cho người ta cảm giác an toàn, con chỉ cần có tiền, thì cái gì cũng không sợ."
Con công đối với những nhu cầu của chúng bạn thì nó thật coi khinh: "Các anh dung tục, tôi chỉ cần thanh xuân và dung mạo đẹp đẽ là có thể được rồi".
Mỗi cá nhân đều nói xong nguyện vọng của mình, chỉ có cây cỏ nhỏ trầm mặc không lời. Đấng tạo hóa dịu dàng hỏi:
- "Bé con, con cần gì?"
Cây cỏ nhỏ ngẩng đầu lên, nhỏ nhẹ trả lời:
- "Nguyện vọng của con là vĩnh viễn không nhụt chí đối với cuộc sống, không khuất phục trước hoàn cảnh xấu xa".
Cho đến hôm nay vật đổi sao dời, tất cả quyền thế địa vị, của cải, thông minh đều như "hoa trong gương, trăng dưới nước", trong nháy mắt trở thành không không, chỉ có cây cỏ nhỏ vẫn cứ đời đời không chấm dứt, nơi nào có đất là ở đó có nó.
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
Thiên Chúa cho vua Sa-lô-mon một lời cầu xin, ông chỉ xin có một điều nhưng rất đẹp lòng Ngài: ông xin cho được khôn ngoan để cai trị dân Chúa, và Chúa đã ban cho ông được như thế.
Trong cuộc đời của chúng ta, chỉ một người thôi cũng đã có hàng chục triệu lần cầu xin, thử làm một thống kê xem sao:
- Cầu xin cho bản thân, gia đình: 90%.
- Cầu xin cho tha nhân (bạn bè, ân nhân...): 5%.
- Cầu xin cho kẻ thù: 2%.
- Cầu xin cho sáng danh Chúa: 3%
Thường thì chúng ta cầu xin cho mình nhiều hơn cho tha nhân, cho tha nhân nhiều hơn cho kẻ thù, và thỉnh thoảng cũng nhớ cầu cho sáng danh Chúa.
Vậy thì bây giờ chúng ta làm ngược lại:
1. Xin cho sáng danh Chúa: 90%
2. Cầu xin cho kẻ thù: 5%
3. Cầu xin cho tha nhân: 3%
4. Cầu xin cho bản thân, gia đình: 2%
Theo thứ tự ưu tiên là như thế, còn % thì tùy mỗi người vậy.
Lời cầu xin đẹp lòng Thiên Chúa nhất, chính là xin cho được làm sáng danh Chúa trong mọi việc.
26. CHUỘT TÚI VÀ NGƯỜI HÀNH KHẤT
Trong rừng sâu xuất hiện một người hành khất.
Hình dung tiều tụy, áo quần rách bươm, toàn thân còn toả ra một mùi khác lạ, mọi người thấy nó mà phát ghét, chỉ sợ tránh không kịp, nhưng nếu thực sự tránh không kịp thì buộc lòng phải cho nó vài đồng để nó cút cho mau.
Lúc người hành khất đến trước mặt chuột túi, chuột túi lục... túi khắp cả người, sau đó áy náy nói:
- "Này bạn, xin lỗi ạ, tôi cũng nghèo như bạn vậy".
Chẳng ngờ, người hành khất xiết chặt tay của nó, liên tục nói tiếng cám ơn.
Chuột túi không hiểu, bèn hỏi Đấng tạo hóa:
- "Quái lạ, con không cho anh ta cái gì cả, mà anh ta lại còn cảm ơn con!"
- "Không phải đâu bé con"- Đấng tạo hóa nói tiếp: "Con đã cho ông ta cái tốt nhất: tình bạn và sự cao quý".
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
Con người ta, cao quý nhất là tấm lòng, đem tấm lòng biếu tặng người khác đó là món quà vô giá.
Thánh Martinô Giám mục đã cắt tấm áo choàng của mình để đắp cho người hành khất đang lạnh cóng, Thiên Chúa đã hiện ra và cám ơn ngài.
Có nhiều người nói: tôi muốn giúp đỡ người khác lắm, nhưng tôi cũng nghèo như họ. Bạn không thể nghèo túng đến nỗi một nụ cười cũng không có ? Bạn có thể không có một đồng xu dính túi, nhưng cái bắt tay, một lời hỏi han mà cũng không có nữa hay sao?
Có một giáo dân trong xứ tôi bị bệnh, các đoàn thể rủ nhau đi thăm, có một ca viên vì bận học hành không cùng đi đựơc, tối lại, anh ta rủ thêm vài cô cậu học trò đến thăm, anh ta xin lỗi vì không cùng đi với đoàn thể được, bệnh nhân nói: "Khỏi lỗi với phải, nghe tiếng mày cười là vui lắm rồi".
Tiếng cười hơn mười thang thuốc bổ, thế thì tại sao ta không đem "mười thang thuốc bổ" ấy tặng cho tha nhân? Suy xa hơn một chút, thang thuốc bổ thì chỉ có bệnh nhân là có lợi, còn tiếng cười thì cả bệnh nhân, người coi bệnh nhân, và những ngừơi chung quanh đều có lợi: họ vui vẻ thoải mái.
Vậy thì, đừng nói là tôi không có gì để tặng cho tha nhân, chúng ta không có tiền bạc vật chất, nhưng nụ cười, cái bắt tay, lời thăm hỏi.v.v... thì chúng ta không thiếu, phải không các bạn?
Đó là những món quà của tình người rất cao quý.
27. CHIM ƯNG CÔ ĐỘC
Chim ưng kể lể nó không có bạn bè.
- "Hừm, chúng nó ghét tôi mới đánh tôi, xa lánh tôi..."
Đấng tạo hóa nhắc nhở nó:
- "Bé con, con có nghĩ tới chăng, nếu con cảm thấy bạn bè không tốt, có lẽ bản thân con cũng chưa đủ tốt. Nếu con đủ tốt thì bạn bè của con đã không tỏ ra quá xấu".
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
Có người sống chết với bạn bè, bởi vậy họ có rất nhiều bạn tốt.
Có người lợi dụng tình bạn để làm lợi cho mình, cho nên bạn bè dần dần xa lánh họ.
Người quen biết thì nhiều, nhưng kiếm cho được bạn tri kỷ thì thật rất khó. Có được người bạn tốt, thì như kiếm được viên ngọc quý giá, nó làm tăng lên giá trị của con người mình.
"Giàu nhờ bạn, sang nhờ vợ"
- Lấy lòng tự trọng mà đối đãi với bạn bè, thì bạn bè sẽ tôn trọng mình.
- Lấy sự tin tưởng mà trò chuyện với bạn bè, thì bạn bè sẽ tin phục mình.
- Lấy yêu thương để giao kết với bạn bè, thì bạn bè sẽ chết sống vì ta.
Đừng lấy bụng dạ hẹp hòi mà đối đãi với bạn bè, thì lo gì mà không có bạn tốt chứ?
28. MÓN QUÀ CỦA VỢ CHỒNG SÓC
Một năm chấm dứt, mưa thuận gió hòa, các động vật cùng nhau thương lượng, mỗi người phải tặng cho Đấng tạo hóa một món quà mà Ngài ưa thích.
Sư tử nói: "Tôi sẽ dùng vàng ròng làm tặng Ngài một cái vương miện, nhất định Ngài sẽ ưa thích".
Báo gấm nói: "Tôi sẽ dâng cho Ngài một cây quyền trượng khảm đầy đá quý, giá trị rất to lớn".
Lễ vật của các người khác: có cái thì trân châu rưc rỡ, có cái thì gấm đoạn hoa lệ, còn có cái là hương liệu ngàn năm...
Cuối cùng vợ chồng nhà sóc vừa già lại tàn tạ, đi đến trước mặt Đấng tạo hóa, móc từ trong túi ra một quả vỏ cứng nhỏ (hạt dẻ), ấp úng nói:
- "Thật con không có lễ vật chi để tặng Ngài, chỉ có quả vỏ cứng nhỏ này ra..."
Đấng tạo hóa từ trước đến nay luôn nhìn những thứ quý giá trong đống lễ vật đầy ắp, nay cầm lấy món quà ấy thì sung sướng nói:
- "Đây mới đúng là quà tặng trân châu quý giá"
- "Cái gì?"- Chúng nhân nhao nhao lên tiếng kháng nghị: "Chúng con kính tặng Ngài rất nhiều kỳ trân dị bảo, nhưng Ngài chỉ nhìn đến quả vỏ cứng nhỏ chẳng có chút gì là giá trị, hoàn toàn không hợp mắt..."
- "Này các con, các con biết không?" -Đấng tạo hóa nhẹ nhàng nói: "Các con tặng cho Ta rất nhiều quà, nhưng đó là một phần trong sở hữu của các con, chỉ có quà vợ chồng nhà chồng sóc tặng Ta, lại chính là toàn bộ cuộc sống của nó vậy."
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
Những người nghèo khó, thật thà, chất phác, thường là những người hảo tâm nhất, có tấm lòng thơm thảo nhất. Họ dâng biếu mà không buồn nghĩ đến mình sẽ thiếu thốn, có khi nhịn đói, quà biếu của họ tuy nhỏ không đáng giá, nhưng tâm hồn họ thì vô giá, không vàng bạc nào mua được cả.
Trái lại, có những người giàu có khi dâng biếu thì tính đến cái lợi cho mình, ngày lễ ngày tết luôn tìm cách quà cáp cho giám đốc, cho cấp trên, chẳng phải họ yêu mến gì cấp trên của họ, mà là vì công việc làm ăn của họ mà thôi.
Tôi để ý thấy, mỗi lần bỏ tiền "xin thau" trong thánh lễ ngày chủ nhật, có một bà luôn bỏ mười ngàn hoặc năm mươi ngàn đồng, mỗi lần người cầm thau đến trước mặt bà, thì bà đưa tay lên cao, tờ bạc căng ra và bỏ vào cái thau. Chẳng biết bà khoe tờ giấy bạc hay là khoe cổ tay mang đầy vòng vàng ?
"Thiên Chúa cần tấm lòng hơn là của lễ".
29. HẠNH PHÚC CỦA CÁ HEO
Cá heo hỏi:
- "Hạnh phúc và không hạnh phúc khác nhau ở chỗ nào?"
Đấng tạo hóa trả lời:
- "Chỉ lưu tâm có thoả mãn hay không, con có thể vừa ý ở tình huống hiện tại, thì không hạnh phúc cũng hạnh phúc. Bằng ngựơc lại, hạnh phúc cũng là không hạnh phúc" .
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
"Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày..." (Mt 6, 11).
Người sung sướng là người không thiếu gì cả, nhưng chưa chắc đã có hạnh phúc.
Người hạnh phúc có thể thiếu thốn, nhưng không bon chen, mà vui vẻ chấp nhận những gì mình có.
Người hạnh phúc nhất là người biết thánh hoá giây phút hiện tại.
Người đau khổ nhất là người đem giây phút hiện tại hoá thành tương lai.
30. CHỒN HÔI ĐI CHÚC TẾT GÀ
Nghe tin bà gà bị bệnh, nhân tiện nhằm ngày tết, chồn hôi chuẩn bị quà cáp đi thăm.
Ông gà nhìn thấy nó, lông mũ dựng đứng, cắn răng nghiến lợi nói:
- "Tao biết mầy trong lòng không yên, tao đã chuẩn bị tốt, các bạn, lên nào".
Ông gà lên tiếng la lối, lập tức từ cửa sau đột nhiên xuất hiện dê núi, chó săn, khỉ, gà tây mọi người tay cầm dao tay cầm gậy, nhắm vào chồn hôi mà đánh, đánh cho đến khi chồn hôi thương tích đầy mình, vắt chân lên cổ mà chạy.
Thật không thể chạy trốn số mệnh, chưa hoàn hồn, chồn hôi mặt mày ủ rủ nói:
- "Lần này, tôi muốn gột sạch tiếng xấu ngàn đời, mới đặc biệt có chủ ý đi chúc tết, tại sao không có ai tin thành ý của tôi ?
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
Một người có bề dày thành tích xấu, muốn làm lại cuộc đời thật khó lắm thay.
Cái khó thứ nhất là chính bản thân họ.
Trong thời gian giúp xứ tại một họ đạo nhỏ trung tâm thành phố Sài Gòn, chung quanh nhà thờ là những tụ điểm tệ nạn xã hội, tôi hầu như mỗi ngày đều tiếp xúc, chuyện trò với họ, hiểu rõ hoàn cảnh của mỗi thanh niên, thiếu nữ, họ là những con người mà xã hội bỏ rơi, chán ghét...
Có những cô gái trẻ đẹp làm nghề mãi dâm, họ đã nói với tôi: "Thầy biết không, tụi con cũng muốn bỏ nghề này, nhưng ai cũng nhìn tụi con cách khinh bỉ, hơn nữa tụi con chẳng biết đi đâu cả". Các thanh niên bụi đời thì nói: "Ngày hôm nay tụi con không đi làm nhưng bạn bè cứ tới rủ đi, không đi không được, thầy thông cảm cho tụi con".
Cái khó thứ hai chính là xã hội và chính chúng ta từ chối đón nhận họ hoà nhập với cộng đồng. Cũng tại giáo xứ tôi phục vụ, mỗi lần đi nhà thờ là các giáo dân phải đi qua những khu vực tệ nạn trên, thái độ của giáo hữu rất dễ dàng nhận thấy: người lắc đầu, kẻ đi như chạy cho qua khỏi chỗ đó, lại có người không thèm nói chuyện với những người ở đó.
Với hai cái khó trên, quả là họ khó trở lại làm người lương thiện.
Nhưng cũng có những giáo dân rất tình người, không những nói chuyện thân tình với họ, mà còn mời họ đến nhà chơi, mời họ đi nhà thờ. Vị linh mục ở nhà thờ ấy cũng làm rất nhiều cách để cho con em của họ hội nhập với xã hội, ngài mở nhà trẻ tình thương, mở lớp dạy nghề cho thiếu niên, các hoạt động vui chơi, thành lập hướng đạo sinh v.v... và hiệu quả thật khả quan, hoàn cảnh môi sinh cành ngày càng tốt hơn.
Chúa Ki-tô đến không phải để cứu những người công chính, nhưng là cứu vớt những tội nhân (Mt 9, 13).
Người trộm lành, thu thuế Lê-vi, một Gia-kêu lùn, một Maria Magdala...
Hãy nhìn thiện chí của họ để mừng vui.
Đừng nhìn quá khứ của họ, vì quá khứ như xác chết đã chôn trong nấm mồ, họ không muốn chúng ta đào lên.
"Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối" (Lc 15, 10).
Lm. Giuse Maria Nguyễn Nhân Tài, csjb.
Sưu Tập tại http://gxnamlo.org

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang