Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

LỬA THẦN KHÍ

Trong lịch sử nhân loại nhất là trong những năm gần đây, đã có biết bao phát minh về khoa học kỹ thuật làm thay đổi và thăng tiến đời sống tự nhiên của con người. Chúng ta nói đến các phát minh đáng nhớ: điện, máy chụp hình, xe hơi, điện thoại, truyền hình, truyền thanh, máy bay, phi thuyền, bom nguyên tử, máy vi tính và gần đây ineternet, điện thoại di động, iphone, ipad…Nhưng người ta thường nói rằng phát minh lớn nhất của nhân loại là việc con người bắt đầu biết dùng lửa. Con người dùng lửa để sưởi ấm, soi sáng, thiêu hủy rác rến, nấu nướng đồ ăn thức uống, bào chế thuốc men, xua đuổi thú dữ, luyện kim…Chính từ việc biết dùng lửa, con người đã đi từ đời sống hoang dã đến cuộc sống ngày càng văn minh và chinh phục vạn vật trong vũ trụ.

Lửa còn giữ một vai trò và mang một ý nghĩa đặc biệt trong chiều kích tôn giáo và tâm linh của con người. Có những dân tộc vì nhận biết sức mạnh và tầm quan trọng của lửa đã thờ lửa như một vị thần. Lửa có mặt trong hầu hết mọi nghi lễ của các tôn giáo: trong việc hương khói, thiêu đốt của lễ, hỏa táng…Lửa cũng được nhắc đến nhiều lần trong Cựu Ước: Thiên Chúa đã hiện ra với Môsê trong bụi gai bốc lửa. Trên đường về Đất Hứa, ban ngày Chúa dùng cột mây và ban đêm Chúa đã dùng cột lửa để dẫn dân đi trong sa mạc. Tiên tri Êlia đã gọi lửa từ trời xuống thiêu đốt của lễ để chứng minh Thiên Chúa của ông là Thiên Chúa thật.
Trong bài đọc một trích sách Tông Đồ Công Vụ của Phụng Vụ Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hôm nay, chúng ta được biết Chúa Thánh Thần đã lấy hình lưỡi lửa để ngự xuống trên các môn đệ: “Lại có những lưỡi như thể bằng lửa xuất hiện và rải rác đậu trên từng người. Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và bắt đầu nói tiếng khác nhau tùy theo Thánh Thần ban cho họ nói” (2:3-4). Sự kiện này đã hoàn tất lời Chúa Giêsu hứa với các môn đệ trước khi lên trời: “Như các con đã nghe chính miệng Thầy rằng: Gioan đã làm phép rửa bằng nước, phần các con, ít ngày nữa, các con sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần” (Cv. 1: 4b-5); và “các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1: 7-8).
Nếu việc nhân loại bắt đầu biết dùng lửa được coi như biến cố quan trọng nhất đánh dấu nền văn minh nhân loại, tách biệt con người khỏi thế giới hoang dã, thì biến cố Lửa Thần Khí ngự xuống trên các môn đệ phải là một trong những biến cố quan trọng nhất trong lịch sử Hội Thánh. Thật vậy, với biến cố này các môn đệ được chia sẻ cùng một sức mạnh của chính Chúa Kitô để tiếp tục sứ mạng cứu độ của Người, Đấng đã từng áp dụng lời ngôn sứ Isaia nơi chính Người: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4:18-19). 
Chính nhờ được Chúa Thánh Thần ngự xuống, các môn đệ đã được biến đổi cách lạ lùng, được trở nên những “Kitô khác”, những người thực sự thuộc về Chúa Kitô và nên một với Người, những người con cái Thiên Chúa. Điều này được Thánh Phaolô xác quyết: “Nếu ai không có Thần Khí của Đức Kitô, thì kẻ ấy không thuộc về Người…Những ai sống theo Thần Khí, thì là con Thiên Chúa” (Rom 8: 9b, 14). Từ những con người yếu hèn, ngu muội, các môn đệ đã trở thành những người can đảm, khôn ngoan, đầy hiểu biết để làm chứng cho Chúa Giêsu và chinh phục mọi người. Vì vậy, Lễ Hiện Xuống được gọi là sinh nhật của Hội Thánh Công Giáo.
Như lửa tự nhiên soi sáng giúp chúng ta nhận biết các sự vật trong bóng đêm, Lửa Thần Khí giúp chúng ta nhận biết các thực tại siêu nhiên, các mầu nhiệm đức tin, phân biệt tội phúc, nhất là nhận biết quyền năng và tình thương vô biên của Thiên Chúa dành cho chúng ta nơi Chúa Kitô. Nói tắt, Thần Khí giúp chúng ta nhận biết toàn bộ nội dung đức tin: Thiên Chúa là ai, Người thương yêu ta thế nào và ta phải làm gì để đáp trả lòng thương yêu ấy.
Đây chính là điều Chúa Giêsu đã từng nói trước với các môn đệ: “Song, Thầy nói thật với anh em, Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em. Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xư: về tội lỗi: vì chúng không tin vào Thầy; về sự công chính: vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa; về việc xét xử; vì Thủ lãnh của thế gian này đã bị xét xử rồi. Thầy nói thật Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lãnh hội được. Khi Thần Chân Lý đến, Người sẽ dạy chúng con biết tất cả sự thật” (16:7-13).
Cũng vậy, như lửa tự nhiên giúp con người được sưởi ấm, thanh luyện những gỉ sét của kim loại, thiêu hủy những rác rến, xua đuổi thú dữ, Lửa Thần Khí làm tâm hồn chúng ta đầy tràn an ủi, gia tăng ước muốn thánh thiện, lòng hăng hái nhiệt thành, xua đuổi ma quỷ và những đam mê tội lỗi, thanh tẩy linh hồn, tăng sức mạnh giúp chúng ta can trường thực hiện những gì là tốt lành thánh thiện, tuân giữ và thực thi Lời Chúa, Luật Chúa. Đặc biệt, vì là Thần Yêu Mến, Lửa Thần Khí làm tâm hồn chúng ta đong đầy lòng mến Chúa yêu người. Đây chính là Lửa Yêu Mến mà Chúa Giêsu đã mang đến trần gian và mong mỏi được bùng lên nơi tâm hồn mọi người: “Thầy đã mang lửa đến thế gian, và Thầy ước mong cho lửa ấy bừng cháy” (Lc 12:49).
Như lửa tự nhiên làm biến đổi sự vật và giúp người ta chế tạo nhiều sản phẩm hữu ích, những thực phẩm bổ dưỡng và những thuốc men hiệu nghiệm, Lửa Thần Khí cũng biến đổi tâm hồn người ta từ tội lỗi trở nên thánh thiện, từ “xác thịt” nên “thần thiêng”. Mọi nhân đức trọn hảo đều là hoa trái của Thần Khí: “Còn hoa quả của Thần Khí là: yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gal 5:22).
Việc Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các môn đệ trong ngày Lễ Ngũ Tuần còn mang một ý nghĩa đặc biệt. Thật vậy, Lễ Ngũ Tuần chính là Lễ để người Do thái kỷ niệm việc Chúa ban cho họ Thập Giới qua trung gian Môsê trên Núi Sinai. Thần Khí chính là “Luật Mới” được Chúa Giêsu ban tặng các môn đệ trong Lễ Hiện Xuống. Thật vậy, chính nhờ sống theo Thần Khí là “Luật Mới” này, chúng ta được giải thoát khỏi sự bó buộc của luật cũ, như Thánh Phaolô xác quyết: “Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc lề luật nữa” (Gal 5:18). Cũng vậy, chỉ khi có sự hiện diện đầy quyền năng của Thần Khí nơi tâm hồn chúng ta, chúng ta mới có thể chu toàn giới răn của Chúa Giêsu: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương chúng con” (Ga 15:12). Chính Thần Khí giúp chúng ta “có được tâm tư như đã có nơi Đức Kitô” (Phil 2:5).
Như Chúa Giêsu là món quà tuyệt quý tuyệt cần Chúa Cha đã thương ban cho nhân loại, Chúa Thánh Thần chính là món quà tuyệt quý tuyệt cần Chúa Giêsu đã thương ban cho Hội Thánh , cho các môn đệ của Người làm dấu chứng họ thuộc về Người. Vì vậy, có nhiều tác giả tu đức khuyên rằng khi cầu nguyện nếu không biết xin ơn gì, chúng ta hãy nài xin Chúa ban cho chúng ta Thần Khí của Người. Vì Thần Khí chính là Hồng Ân bao gồm mọi hồng ân, là chính Thiên Chúa, là Nguồn Mạch muôn ơn. Đây là điều Chúa Giêsu đã từng nói trước: “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống. Đức Kitô muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận” (Ga 7:38-39).
Như xưa ngọn lửa đã dẫn dân Do thái vượt qua những đêm đen trong sa mạc trên đường về Đất Hứa, từ ngày Lễ Hiện Xuống Thần Khí hằng hướng dẫn Hội Thánh vượt qua những đêm đen trần thế để tiến về Thiên Đàng. Chính Thần Khí sẽ dạy và giúp  mọi Kitô hữu chúng ta đạt được mục đích của đời sống con người: nhận biết, yêu mến và phụng sự Thiên Chúa ở đời này và chia sẻ hạnh phúc với Chúa trong cuộc sống đời đời.
Vậy nên, trong bài đọc hai của Phụng Vụ hôm nay, Thánh Phaolô đã kêu gọi chúng ta: “Anh em hãy sống theo Thần Khí, và như vậy anh em sẽ không còn thỏa mãn đam mê của tính xác thịt nữa” (Gal 5:16) và “Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” (Gal 5:25). “Sống theo Thần Khí” hay “sống theo Thánh Ý Chúa” vì thế đã trở thành nguyên lý căn bản và bí quyết then chốt của đời sống người Kitô hữu. Điều này được xác định trong kinh “Bí Quyết Nên Thánh” của Đức Hồng Y Mercier như sau:
“Lạy Chúa Thánh Thần, Hồn của hồn con. Xin soi sáng con, xin dẫn dắt con, xin thêm sức con, xin an ủi con. Xin dạy con biết việc con phải làm, và xin truyền khiến con thực hiện. Con hứa sẽ suy phục trong hết mọi điều Chúa cho phép xảy đến với con. Miễn là được biết rằng con đang thực thi Ý Ngài”.
Lạy Mẹ Maria, xưa Mẹ đã hiện diện với các môn đệ nơi nhà Tiệc Ly để giúp các ngài đón nhận Chúa Thánh Thần. Nay xin Mẹ cũng hiện diện trong cuộc đời chúng con, để không ngừng nài xin Chúa ban cho chúng con tràn đầy Lửa Thần Khí, để Người biến đổi chúng con nên những môn đệ đích thực của Chúa Kitô và những chứng nhân bất khuất của Tin Mừng Sự Sống và Tình Yêu của Người, trong thế giới hôm nay, một thế giới bị bao phủ bởi bóng đêm của “văn hóa sự chết”. Amen.
Lm Phạm Quốc Hưng
Nguồn: thanhlinh.net

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang