Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Cùng đọc Toát Yếu Giáo Lý HTCG 24

Thứ bảy - 05/05/2012 14:37

 
CÙNG ĐỌC TY GL HTCG 24
BÍ TÍCH THÊM SỨC
*Hôm nay ta trao đổi Bí tích thứ hai là Thêm Sức. Bí tích này trong nghi thức nhập đạo, tức khai tâm cho người lớn được ban liền trong Thánh lễ ngay sau khi rửa tội, và trước khi cho rước lễ, tức lãnh Bí tích thứ ba là Thánh Thể. Nhưng trong mục vụ bình thường, trẻ thơ các gia đình Công giáo được rửa tội khoảng một tháng sau khi sinh (xưa sinh ra rửa tội liền, hoăc chỉ 1 vài ngày sau), đến tuổi khôn học giáo lý thì được Xưng Tội, Rước lễ, tức lãnh Bí tích Hoà giải và Thánh Thể trước, sau đó học biết giáo lý thêm khoảng 3 năm mới được Thêm Sức-đón nhận dồi dào Chúa Thánh Thần. Câu 265 trong TYGL cho ta biết vị trí của Bí tích này trong Nhiệm cục Cứu độ, tức trong chương trình nhiệm mầu mà Thiên Chúa cứu độ nhân loại, liên tục nhắc đến Ngôi Thứ Ba là Chúa Thánh Thần: “Trong Giao ước cũ, các tiên tri đã loan báo việc tuôn đổ Thánh Thần của Chúa trên Đấng Mêsia đang được mong đợi, và trên toàn dân của Đấng Mêsia. Trọn đời sống và sứ vụ của Đức Kitô diễn ra trong sự hiệp thông trọn vẹn với Chúa Thánh Thần. Các Tông đồ nhận lãnh Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ tuần và loan báo “những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2, 11). Qua việc đặt tay, các ngài trao ban cho các người mới lãnh nhận Bí tích Rửa tội hồng ân của chính Chúa Thánh Thần. Qua bao thế kỷ, Hội Thánh liên tục sống nhờ Chúa Thánh Thần và thông ban Chúa Thánh Thần cho con cái mình.”
 

À, vậy học giáo lý về Bí tích này giúp ta gặp lại Chúa Thánh Thần để hiểu thêm về Ngài và ân sủng Ngài ban?
 
*Đúng, và trước khi được Thêm Sức, thụ nhân (tức người lãnh nhận) cần học kỹ giáo lý về Chúa Thánh Thần. Đọc Thánh Kinh bạn gặp thấy Chúa Giêsu báo trước Người sẽ xin Cha sai Đấng Phù Trợ khác là Thánh Thần. Rồi sau Phục Sinh, Chúa Giêsu hiện ra hữu hình, thổi hơi ban Thánh Thần cho các tông đồ. Nay nhờ Bí tích Thêm Sức, Người hành động trong vô hình qua thừa tác viên hữu hình khi cầu xin Chúa Cha tiếp tục ban Thánh Thần như Ân sủng cho ta lãnh nhận. Cũng qua Bí tích này, thụ nhân đón nhận những ân huệ của Chúa Thánh Thần, theo truyền thống liệt kê bảy ơn Chúa Thánh Thần. Ý nghĩa cử hành này thể hiện rõ trong lời nguyện thành sự Bí tích được đọc trước khi xức dầu thánh : “Lạy Thiên Chúa toàn năng là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, Chúa đã tái sinh các tôi tớ Chúa đây bởi nước và Thánh Thần khi giải thoát họ khỏi tội lỗi, thì lạy Chúa, xin ban Chúa Thánh Thần, Đấng An Ủi đến trong (những) người này: xin ban cho (những) người này thần trí khôn ngoan và thông hiểu, thần trí lo liệu và sức mạnh, thần trí suy biết và đạo đức: xin ban cho (những) người này ơn kính sợ Chúa. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.”
 
Trình bày của cha ở trên giúp con hiểu thêm điều đã học trước là thánh hoá không chỉ có Thánh Thần, mà cả Ba Ngôi, và cả Ba Ngôi hoạt động trong Phụng vụ. Bây giờ mình tìm hiểu theo lược đồ 5 điểm, trước là tên gọi. Tại sao Bí tích này được gọi là Bí tích Dầu thánh hay Thêm sức ?(266)
 
Người ta gọi Bí tích này là Bí tích Dầu thánh (trong các Giáo hội đông phương : Chrismation là việc xức bằng dầu myron, nghĩa là Dầu thánh), bởi vì nghi thức chính yếu của Bí tích này là việc xức dầu. Người ta gọi Bí tích này là Bí tích Thêm Sức, vì Bí tích này kiện cường và củng cố ân sủng của Bí tích Rửa tội.
 
Nghi thức chính yếu của Bí tích Thêm sức là gì?(267)
 
Nghi thức chính yếu của Bí tích Thêm sức là việc xức Dầu thánh (dầu pha hương liệu đã được Giám mục thánh hiến), kèm theo việc đặt tay của thừa tác viên, ngài sẽ đọc các lời thuộc Bí tích dành riêng cho nghi thức. Ở Phương Tây việc xức dầu được ghi trên trán của những người đã được Rửa tội, kèm theo lời này :  “Hãy lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần”. Trong các Giáo hội Đông Phương theo nghi thức Byzantin, việc xức dầu còn ghi trên nhiều phần thân thể, với công thức : “Tôi ghi dấu cho anh bằng hồng ân của Chúa Thánh Thần.”
 
Bí tích Thêm sức có những hiệu quả nào?(268)
 
Hiệu quả của Bí tích Thêm sức là việc đổ tràn Chúa Thánh Thần cách đặc biệt, như trong ngày lễ Ngũ Tuần. Việc đổ tràn này ghi một ấn tín không thể tẩy xoá trong linh hồn người lãnh nhận, và gia tăng ân sủng của Bí tích Rửa tội. Việc tuôn tràn Thánh Thần giúp chúng ta tiến sâu hơn vào ơn làm con cái Thiên Chúa, kết hợp chúng ta chặt chẽ hơn với Đức Kitô và với Hội Thánh của Người. Bí tích này củng cố trong tâm hồn chúng ta các hồng ân của Chúa Thánh Thần và trao ban cho chúng ta một sức mạnh đặc biệt để làm chứng cho đức tin Kitô giáo.
 
*Bí tích Rửa tội giúp ta làm con Chúa, còn Thêm Sức cho ta lớn mạnh làm chiến sĩ (lính) của Chúa Kitô  trong việc bảo vệ và xây dựng Nước Chúa.
 
Ai có thể lãnh nhận Bí tích Thêm sức ?(269)
 
Tất cả những ai đã nhận Bí tích Rửa tội đều có thể và phải nhận Bí tích Thêm sức và chỉ một lần duy nhất. Để lãnh nhận cho có hiệu quả, người đã được Rửa tội phải ở trong tình trạng ân sủng.
 
* “ở trong tình trạng ân sủng” tức là sạch tội trọng. Chúng ta sẽ bàn thêm khi học Bí tích Giải tội.
 
Ai là thừa tác viên của Bí tích Thêm sức ?(270)
 
Thừa tác viên nguyên thủy của Bí tích Thêm sức là Giám mục. Đây là cách làm nổi bật sự liên kết giữa người được Thêm sức với Hội Thánh trong cơ cấu tông truyền. Khi linh mục trao ban Bí tích này – điều này thông thường ở Đông Phương và trong những hoàn cảnh đặc biệt ở Tây Phương – mối dây liên kết với Giám mục và với Hội Thánh được biểu lộ qua linh mục, là cộng sự viên của Giám mục, và qua Dầu thánh được chính Giám mục thánh hiến. 
 
*Quyền cử hành Bí tích thành sự, ta gọi là năng quyền của Bí tích Thêm Sức chỉ dành cho Giám mục. Nhưng Linh mục được ban khi cử hành các Bí tích khai tâm, nghĩa là khi rửa tội cho người lớn thì đồng thời ngay sau đó có năng quyền ban Bí tích Thêm Sức cho họ. Còn trong sinh hoạt bình thường, trẻ em đã xưng tội rước lễ rồi, có đủ điều kiện lãnh phép Thêm Sức thì các cha Sở mời Đức giám mục đến cử hành.
 
*“Dầu thánh được chính Giám mục thánh hiến” tên Latin là Chrisma, (Sanctum Chrisma, viết tắt là SC) được thánh hiến long trọng vào ngày Lễ Dầu sáng Thứ Năm Tuần Thánh. Trong nghi thức đặc biệt này, cũng làm phép hai loại dầu khác là dầu Dự tòng (Oleum Catechumenorum-OC; còn gọi là Oleum Sanctum-OS) để xức trước khi rửa tội; và dầu Bệnh nhân (Oleum Infirmorum-OI) để cử hành Bí tích Xức dầu bệnh nhân. Dầu thánh (SC) không chỉ dùng trong Bí tích Thêm Sức mà còn để xức trên đỉnh đầu ngay khi trẻ em được rửa tội, lòng bàn tay các Tân Linh mục trong nghi thức phong chức, bàn thờ và nhà thờ trong thánh lễ cung hiến. Chúa Kitô là Đấng được xức dầu, và việc các tín hữu: giáo dận, linh mục được xức dầu nhiều lần trong đời như vậy giúp ta hiểu rõ hơn người thuộc về Chúa Kitô có tên gọi là “Kitô hữu”.
 
 
Lm Phêrô Nguyễn Hữu Duy

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang