Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Abba! Cha Ôi (số 142)

TÂM SỰ CỦA CHIẾC XE LĂN
Tôi là chiếc xe lăn. Điều này chẳng có gì đáng để tự hào. Thậm chí người ta còn có thể ghét tôi; và có lẽ chẳng ai muốn làm bạn hoặc sở hữu tôi. Hình ảnh của tôi luôn làm cho người ta nghĩ đến những hình hài của những con người bị khiếm khuyết một phần nào đó trên thân thể. Thế nhưng chúng tôi vẫn hiện hữu, không phải vì chúng tôi muốn, nhưng vì có những "con người" cần đến chúng tôi.
Những người tạo ra chúng tôi đã cố gắng làm cho chúng tôi mỗi ngày mỗi hoàn hảo hơn, gọn nhẹ hơn, tiện lợi hơn, và có thể còn mắc tiền hơn… Nhưng cho dù tôi có hoàn hảo hơn về kiểu dáng, có đẹp hơn về nước sơn, thì bầu bạn với tôi vẫn chỉ là những thân mình không hoàn hảo về hình hài.
Phải! Cuộc đời của tôi gắn liền với những thân phận. Đó có thể là những cụ ông, cụ bà; đó có thể là những chàng trai, cô gái; đó có thể là những em bé thơ ngây; và đó cũng có thể là những cô, những cậu học sinh, sinh viên như các bạn… Nhưng hình hài của họ thì "khác". Họ không thể tự mình đi dạo trên hè phố vào những chiều cuối tuần. Họ không thể tự mình khâu vá những chiếc áo cho người thân, cho người bạn, cho người yêu. Họ không thể tự mình trèo lên những ngọn núi cao để ngắm nhìn trời cao, biển rộng. Họ không thể tự mình chạy xuống biển để nô đùa với những đợt sóng trào. Họ không thể tự mình làm những công việc bình thường như những người bình thường khác. Họ chỉ có thể mang trên mình chính thân phận của họ, với những nỗi buồn… Và chúng tôi – những chiếc xe lăn, mang trên mình những hình hài như thế.

Đã bao lần, tôi được lắng nghe tiếng lòng của họ; lắng nghe tiếng thổn thức từ trái tim họ. Đó là những nỗi khao khát, ước mơ được trở nên "giống như những người khác". Đó là những ước mơ về một tình bạn, về một tình yêu, về một gia đình riêng tư. Đó là những ước mơ được chạy nhảy tung tăng nô đùa, ca hát. Đó là những ước mơ được đến trường, được trở thành những cô, những cậu sinh viên. Đó là những ước mơ được mặc một chiếc áo dài, một chiếc váy xinh xắn, hoặc được mặc một chiếc quần tây hợp thời…
Vâng thưa bạn. Vì tôi là chiếc xe lăn, chẳng chút danh phận. Nhưng tôi đem nỗi lòng của tôi chia sẻ cùng bạn. Bạn có đồng cảm với tôi không?
Hằng ngày bạn đi lại, nói năng, học hành, làm việc bằng một thân xác khỏe mạnh. Hoặc bạn có thể dạo chơi đây đó vào những lúc nhàn rỗi, trong những trang phục đẹp đẽ, trên những chiếc xe phân khối lớn. Bạn có thể ngồi hàng giờ trong quán để nhâm nhi ly cà phê và phì phèo điếu thuốc. Bạn có thể tốn hàng giờ trong các siêu thị để tìm mua cho mình những món hàng hợp thời… Vâng! Đó là quyền của bạn.
Nhưng bạn ơi! Có khi nào bạn nghĩ rằng: chúng tôi – những chiếc xe lăn – sẽ có thể mang trên mình chính tâm hồn của bạn không?
Vì rằng tâm hồn của bạn khép kín, nên không thể mở ra với đời.
Vì rằng tâm hồn bạn cứng cỏi, nên không thể rung động trước nỗi đau của người khác.
Vì rằng tâm hồn bạn tê liệt, nên không thể đi đến với những phận người đau khổ đang cần được sẻ chia, cảm thông và nâng đỡ.
Xin bạn hãy san sẻ cùng tôi, dám mang trên mình những thân phận không may mắn như bạn, bằng những việc phục vụ, hy sinh và sống đẹp.
Xin bạn đừng để chúng tôi – những chiếc xe lăn – phải mang trên mình tâm hồn tê liệt của bạn. Bạn nhé!
MARTINO NGUYỄN VIẾT THANH
(Nhóm Muối Đất)
KHI BẠN GIÚP ĐỠ AI - HÃY NÓI LỜI CẢM ƠN NGƯỜI ẤY
Từ xưa tới nay, con người ta thường hay trông đợi vào hoa quả tức thời của hành động mình. Đơn giản như khi bạn làm ơn cho ai điều gì đó, bạn luôn mong nhận được lời cảm ơn của ấy… Mấy ai như Lục Vân Tiên xưa để mà khảng khái tuyên bố rằng: "làm ơn há dễ trông người trả ơn".
Nhưng hôm nay tôi còn muốn mời gọi bạn bước lên một bậc nữa, một bậc hơn cả Lục Vân Tiên để không chỉ " há dễ trông người trả ơn" nhưng còn biết cảm ơn người mà bạn làm ơn cho họ.
Có thể nghe qua, bạn sẽ cho là tôi gàn dở hay nói trắng ra là tôi điên. Vâng có thể là tôi đi ngược lại với cái "nếp" chung của cộng đồng con người vì từ thuở bé bạn cũng như tôi, chúng ta được dạy là phải cảm ơn những người làm ơn cho mình, nhưng tôi không điên…tôi đang muốn hoa quả đời đời.
Bạn hãy nhìn thằng cu Bin em tôi, nó lon ton ra cổng nhận báo từ tay một bác đưa thư đã lớn tuổi, theo đúng lễ phép, nó khoanh tay cảm ơn bác đưa thư, và thật kỳ diệu, đôi mắt nó mở to khi bác đưa thư đáp lễ lại nó bằng câu: Bác cảm ơn cháu… thằng cu Bin đã thắc mắc với mẹ tôi rằng tại sao khi đưa báo cho nó, bác đưa thư lại cảm ơn nó, lời cảm ơn lúc này có tác dụng thôi thúc tìm hiểu trong yêu thương. Cu Bin đang khám phá ra một cái gì đó mới mẻ, phi thường. Hôm sau khi đáp lễ cảm ơn nó, nó liền cảm ơn lại… hai bác cháu cứ cảm ơn qua cảm ơn lại mãi khiến cả nhà tôi được một phen cười sảng khoái… Nhưng sau cái cười tức thời, đọng lại trong tâm hồn mọi người hôm ấy là sự ngọt ngào của yêu thương. Phải chăng tất cả đều bắt nguồn từ lời cảm ơn đơn giản của bác đưa thư dễ thương - Bác không chỉ cảm ơn thằng cu Bin vì nó đã không để bác chờ lâu như lời mẹ tôi giải thích với nó, nhưng có lẽ bác cảm ơn thằng cu Bin vì nó đã trao tặng cho bác niềm vui khi nó tung tăng nhảy chân sáo ra cổng đón báo cho mẹ, nó đã làm một việc bình thường là đón báo, nhưng với một tâm hồn đầy vui sướng của con trẻ là được làm việc giúp mẹ và lời cảm ơn kia như là chìa khoá mở trong những tâm hồn đang đóng cửa. Thật diệu kỳ!
Khi bạn làm cho ai đó điều gì, nếu bạn làm với thái độ của một kẻ bề trên, ban phát, bố thí… bạn sẽ không thể bắt được nhịp sống yêu thương lan toả từ trong đôi mắt họ, có chăng chỉ là nhịp sống cam chịu nhẫn nhục đầy vẻ hàm ơn. Tôi nhớ có ai đó đã nói: "của cho không quý bằng cách cho" hay "cho ai mà không kèm yêu thương đó là một điều sỉ nhục", bạn đừng quẳng tiền vào nón người ăn mày, đừng khó chịu trước cái nhìn cầu khẩn của kẻ tha hương rách rưới xin cốc nước lã… Nếu bạn bỏ tiền nhẹ vào nón người ăn mày, bạn sẽ thấy họ mỉm cười với bạn, nụ cười của lòng biết ơn, nụ cười thân thiện của một kẻ xa lạ đói khổ sẽ xoa dịu tâm hồn bạn rất nhiều, vậy tại sao lại không cảm ơn họ vì họ đã xoa dịu tâm hồn bạn? Một thầy giáo dạy văn của tôi khi giảng về cho và nhận đã nói: "khi các bạn cho ai, các bạn hãy đặt mình xuống bằng người ấy, khi nhận cũng vậy… không phải như thế là hạ nhục mình mà như thế là tôn trọng người bạn cho hoặc nhận"… Một người ăn mày xin tiền, bạn đừng đứng trên sân thượng ném tiền xuống và nói to: đây, ta ban cho ngươi… mà hãy xuống nhà, mở cửa và trao cho họ, dù chỉ 200 đồng thôi cũng rất đáng quý… Và khi nhận, đừng bắt người cho "phải dâng" lên tới mình, hay "ném xuống" cho mình nhưng hãy tự đặt mình trong mối quan hệ ngang bằng nhau để tay trao tay… tâm hồn bạn sẽ bắt được sóng yêu thương dễ dàng hơn.
Tôi còn nhớ trong bài chia sẻ 10 năm gặp gỡ Bác Ái Huynh Đệ – Huế – tháng 7 của một bác trong đoàn Hà Nội có 4 câu: "khi khám bệnh, phát thuốc xong thì nói lời cảm ơn họ, bỗng nhiên mình thấy tâm hồn mềm ra trước sự đau đớn của người khác và cảm thấy yêu thương họ nhiều hơn".
Có lẽ tôi chẳng cần phải nói gì thêm nữa, bạn hãy nhớ trong Mt 25-40. Chúa Giêsu đã nói: "ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của ta đây, là các ngươi đã làm cho chính ta vậy". Vậy khi bạn làm cho ai điều gì, hãy nói lời cảm ơn họ vì họ trao tặng cơ hội cho bạn để được làm cho Chúa Giêsu, Chúa chúng ta.
Tôi viết điều này để mời gọi bạn, cảm ơn bạn đã cho tôi cơ hội để được làm điều này cho Chúa Giêsu.
SÓC CON - Tháng 8-2003
Viết tặng BBT ABBA và tất cả các bạn đọc ABBA


Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang