Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Tân phúc âm hóa, ý nghĩa một định nghĩa

Posted on fx.hongan on Tháng Chín 10, 2012
Tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng về Tân Phúc Âm Hóa vừa được công bố gần đây tại Vatican, đã chính thức đưa ra câu định nghĩa sau đây về dự án cấp thiết này của Giáo Hội ngày nay.
Tài liệu cho rằng dù là một trong nhiều dự án nổi danh của Giáo Hội, nhưng “tân phúc âm hóa”, cho đến nay, vẫn còn là một biểu thức và một quan niệm tương đối mới trong nhiều giới của Giáo Hội. Thành thử nghĩa của hạn từ này, đối với họ, vẫn còn mù mờ, chưa chính xác. Thoạt đầu được Đức GH Gioan Phaolô II đưa ra nhân dịp chuyến tông du của ngài tại Ba Lan (1), mà không kèm theo một nhấn mạnh hay một ý niệm đặc thù nào về vai trò tương lai của nó, “tân phúc âm hóa” sau đó đã được sử dụng lại với một sức sống mới trong Huấn Quyền của Đức Thánh Cha dành cho các giáo hội Châu Mỹ La Tinh. Ngài dùng hạn từ này để đánh thức một lần nữa và thúc đẩy các cố gắng mới đối với các sáng kiến truyền giáo và phúc âm hóa tại lục địa này. Về phương diện này, ngài nói với các giám mục Châu Mỹ La Tinh rằng: “việc tưởng niệm nửa thiên niên kỷ phúc âm hóa này sẽ có ý nghĩa đầy đủ nếu, trong tư cách giám mục, cùng với các linh mục và giáo dân của chư huynh, chư huynh dám chấp nhận nó làm việc dấn thân của mình, một cuộc dấn thân không phải để tái phúc âm hóa mà đúng hơn để tân phúc âm hóa; mới (tân) trong nhiệt tình, phương pháp và biểu thức của nó” (2).

Thành thử, tân phúc âm hóa không phải là vấn đề làm lại một điều gì đó trước đây mình làm chưa tới hay chưa đạt được mục tiêu của nó, như thể hoạt động mới này là một kết án mặc nhiên đối với sự thất bại của cuộc phúc âm hóa đầu tiên. Tân phúc âm hóa cũng không phải là việc lặp lại cuộc phúc âm hóa đầu tiên kia hay đơn thuần nhắc lại quá khứ. Đúng hơn, nó là lòng can đảm mở ra những con đường mới để đáp ứng các hoàn cảnh và điều kiện đang đổi thay mà Giáo Hội đang phải đương đầu trong ơn gọi công bố và sống Phúc Âm lúc này của mình. Trong quá khứ, lục địa Châu Mỹ La Tinh vốn đã phải đương đầu với nhiều thách đố mới như sự lan tràn của ý thức hệ cộng sản, sự xuất hiện nhiều hình thức ông đạo (cult). Tân phúc âm hóa phát sinh sau một diễn trình biện phân do Giáo Hội tại Châu Mỹ La Tinh phát động nhằm xem xét và đánh giá tình thế toàn diện.
Theo nghĩa trên, một lần nữa, Đức GH Gioan Phaolô II đã lấy lại biểu thức trong Huấn Quyền của ngài và đề xướng nó cho toàn thể Giáo Hội. “Ngày nay, Giáo Hội phải đương đầu với nhiều thách đố khác và được đẩy tới nhiều biên cương mới, cả trong sứ mệnh ban đầu đối với các dân ngoại (ad gentes) lẫn trong cuộc tân phúc âm hóa đối với những dân tộc từng được nghe công bố về Chúa Kitô. Ngày nay, mọi Kitô hữu, cả các giáo hội đặc thù lẫn Giáo Hội phổ quát, đều được mời gọi có cùng một lòng can đảm như lòng can đảm từng linh hứng các nhà thừa sai trong quá khứ, và có cùng một lòng sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần” (3). Tân phúc âm hóa chủ yếu là một hoạt động thiêng liêng có khả năng lấy lại được, trong thời đại này, lòng can đảm và mạnh dạn của các Kitô hữu và các nhà truyền giáo lúc ban đầu. Thành thử, nó đòi hỏi, trước nhất, một diễn trình biện phân được sinh khí của Kitô Giáo và tái thẩm định các thành quả và khó khăn của nó. Sau đó ít lâu, Đức GH gioan Phaolô II đã làm rõ hơn nữa quan niệm của ngài về tân phúc âm hóa: “Giáo Hội ngày nay phải bước một bước vĩ đại về phía trước trong cố gắng phúc âm hóa của mình, và bước vào một giai đoạn mới của lịch sử trong động lực truyền giáo của mình. Trong một thế giới nơi việc rút gọn khoảng cách đang làm cho nó ngày càng nhỏ bé hơn, cộng đồng Giáo Hội phải củng cố dây liên kết giữa các chi thể của mình, trao đổi các năng lực và phương tiện chủ yếu, cam kết thành một nhóm theo đuổi sứ mệnh độc đáo và chung cho mọi người là công bố và sống thực Phúc Âm. ‘Các Giáo Hội tự gọi là trẻ trung hơn có nhu cầu phải tăng cường cho các giáo hội già nua hơn trong khi các giáo hội già nua hơn cần đến chứng tá và thúc đẩy của các giáo hội trẻ trung hơn, ngõ hầu mọi giáo hội cá biệt đều nhận được sự phong phú của các giáo hội khác” (4).
Hiện nay, khi xem lại các động lực của tân phúc âm hóa, biểu thức này vẫn có thể áp dụng vào các cố gắng đổi mới của Giáo Hội nhằm giải quyết các thách đố mà xã hội và văn hóa ngày nay đang đặt ra cho đức tin Kitô Giáo, cho việc công bố nó và cho các chứng tá của nó. Để đương đầu với các thách đố này, Giáo Hội không được đầu hàng hay rút lui vào chính mình; thay vào đó, Giáo Hội phải đưa ra một dự án để tái sinh khí hóa chính mình. Giáo Hội phải lấy con người của Chúa Giêsu Kitô và cuộc gặp gỡ bản thân với Người làm tâm điểm cho tư duy của mình, vì biết rằng Người sẽ ban Thần Khí của Người và sẽ cung cấp sức mạnh để Giáo Hội loan báo và công bố Phúc Âm trong những cách thế mới, những cách có thể nói với các nền văn hóa hiện nay.
Hiểu như trên, ý niệm tân phúc âm hóa một lần nữa đã được lặp lại và được đề xướng cho các hội nghị công đồng lục địa, nhóm họp để chuẩn bị cho Năm Thánh 2000. Lúc ấy, nó đã trở thành biểu thức được chấp nhận trong tư duy mục vụ và giáo hội học của các giáo hội địa phương. Tân phúc âm hóa hiện nay đồng nghĩa với các cố gắng đổi mới về thiêng liêng trong đời sống đức tin của các giáo hội địa phương, bắt đầu với diễn trình biện phân các thay đổi trong các khung cảnh văn hóa và xã hội đa dạng và các tác động của chúng đối với đời sống Kitô Giáo, cũng như diễn trình đọc lại ký ức đức tin, đảm nhiệm các trách vụ mới và sản sinh ra các năng lực mới nhằm công bố Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô một cách hân hoan và đầy thuyết phục (5). Về khía cạnh này, lời của Đức GH Gioan Phaolô II ngỏ với Giáo Hội tại Châu Âu hết sức rõ ràng và khúc chiết: “… một nhu cầu khẩn cấp [đã xuất hiện] cần được tân phúc âm hóa, vì ý thức rằng Châu Âu ngày nay không nên chỉ nại đến di sản Kitô Giáo trước đây của mình: nó cần có khả năng biết quyết định làm cho tương lai của mình phù hợp với con người và sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô” (6).
Dù đã trở thành quen thuộc trong Giáo Hội, nhưng biểu thức này vẫn chưa được chấp nhận trọn vẹn trong các cuộc thảo luận trong Giáo Hội và trong thế giới văn hóa nói chung. Nhiều người vẫn còn do dự không muốn sử dụng nó, vì nghĩ rằng nó là một kết án tiêu cực đối với quá khứ của Giáo Hội, cố ý cởi bỏ một số trang khỏi lịch sử gần đây của một số giáo hội địa phương. Có người, nhất là thuộc các giáo phái Kitô Giáo khác, tỏ ra ngờ vực, cho rằng tân phúc âm hóa chỉ là ngụy trang che đậy âm mưu cải đạo của Công Giáo mà thôi (7). Lại có người có khuynh hướng nghĩ rằng hạn từ này có thể dẫn đến việc thay đổi các thái độ của Giáo Hội đối với người không có đức tin, biến họ thành người tham dự cuộc tranh luận chứ không còn là đối tác đối thoại, trong đó ta và họ được coi như những người có chung một nhân tính biết dõi tìm chân lý về hiện sinh. Liên quan tới mối lo cuối cùng vừa kể, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã có những phát biểu sau nhân chuyến công du Cộng Hòa Czech của ngài: “Ở đây, tôi tự nhiên nghĩ tới lời lẽ được Chúa Giêsu trích dẫn từ Tiên Tri Isaia, tức Đền Thờ phải là nhà cầu nguyện dành cho mọi dân tộc (xem Is 56:7; Mc 11:17). Chúa Giêsu nghĩ đến nơi gọi là ‘Tiền Đình Dân Ngoại’, tiền đình mà Người đã khai quang hết các sự việc ngoại tại để nó trở thành khoảng trống thênh thang cho Dân Ngoại muốn cầu nguyện ở đó với Thiên Chúa duy nhất, dù họ không thể tham dự vào mầu nhiệm mà việc cử hành được diễn ra ở phần bên trong hơn của Đền Thờ. Một nơi cầu nguyện, có thể nói, được dành cho tất cả những người, theo Người, chỉ biết Thiên Chúa từ xa; những người không hài lòng với các thần minh, các nghi lễ và các thần thoại riêng của họ; những người thèm khát Đấng Tinh Trong và Đấng Cao Cả, cho dù, đối với họ, Thiên Chúa vẫn là ‘Thiên Chúa vô minh’ (xem Cv 17:23). Họ cầu nguyện cùng vị Thiên Chúa vô minh này, nhưng nhờ cách đó, họ quả có tiếp xúc cách này hay cách khác với Thiên Chúa chân thực, dù một cách hết sức mù mờ. Tôi nghĩ rằng cả ngày nay nữa, Giáo Hội cũng nên mở ra một thứ ‘Tiền Đình Dân Ngoại’ nơi đó, người ta có thể bám lấy Thiên Chúa, tuy không biết Người và trước khi vào được mầu nhiệm của Người, một mầu nhiệm mà chỉ có sinh hoạt bên trong của Giáo Hội mới cử hành được. Ngày nay, song song với cuộc đối thoại liên tôn, ta nên có cuộc đối thoại với những người mà đối với họ tôn giáo là điều xa lạ, Thiên Chúa là vô minh nhưng lại không muốn bị coi chỉ là những người không có Thiên Chúa, đúng hơn, muốn xích lại gần Người, dù Người là đấng vô minh” (8).
Là tín hữu, ta cũng phải tỏ ra quan tâm đối với những người tự gọi mình là bất khả tri hay vô thần, những người có thể sợ sệt khi thấy ta nói tới tân phúc âm hóa, vì nghĩ rằng họ là mục tiêu hàng đầu trong hoạt động truyền giáo của Giáo Hội. Tuy nhiên, ngay cả họ cũng cân nhắc câu hỏi về Thiên Chúa. Việc tìm kiếm Thiên Chúa vốn phát sinh ra phong trào đơn tu của Tây Phương, và với nó, nền văn hóa Tây Phương. Bước đầu tiên của phúc âm hóa là tìm cách duy trì cuộc tìm kiếm ấy cho nó sống động và duy trì cuộc đối thoại, không phải chỉ với những người đang tuyên xưng một tôn giáo, mà còn cả với những người coi tôn giáo là điều không chủ yếu trong đời.
Hình ảnh ‘Tiền Đình Dân Ngoại’ giúp ta một yếu tố nữa trong suy nghĩ của ta về tân phúc âm hóa nhờ chứng tỏ rằng Kitô hữu không bao giờ được bỏ qua cảm thức mạnh dạn trong việc công bố Phúc Âm và tìm mọi cách tích cực để cung cấp nơi chốn cho đối thoại, tại đó, các kỳ vọng sâu xa nhất của con người và khát vọng Thiên Chúa của họ được thảo luận. Sự mạnh dạn này giúp đặt được câu hỏi về Thiên Chúa vào đúng ngữ cảnh nhờ việc trao đổi các kinh nghiệm bản thân của người ta trong việc tìm kiếm Thiên Chúa và thuật lại bản chất nhưng không của cuộc gặp gỡ bản thân với Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô. Việc này trước hết đòi một sự tự đánh giá và thanh tẩy, để nhận ra bất cứ dấu vết sợ sệt, mệt mỏi, hàm hồ hay tự rút lui nào vào chính mình do các yếu tố văn hóa gây nên. Bước này ngay sau đó phải được tiếp nối bằng nhiều cố gắng và sáng kiến đổi mới, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, trải nghiệm được Thiên Chúa như Cha, một cảm nghiệm, sau đó, có thể thông truyền cho người khác qua cuộc gặp gỡ bản thân của ta với Chúa Kitô. Đây không hẳn là các giai đoạn kế tiếp nhau cho bằng là những phong cách thiêng liêng của đời sống Kitô hữu. Thánh Phaolô Tông Đồ đề cập tới các phong cách (modes) này khi ngài mô tả kinh nghiệm đức tin như một cuộc giải phóng “khỏi quyền lực bóng tối” và bước vào “vương quốc Con yêu qúi của Người, nơi ta nhận được ơn cứu chuộc, ơn ta thứ tội khiên” (Cl 1:13, 14; xem thêm Rm 12:1,2). Đồng thời, sự mạnh dạn này không phải là một điều tuyệt đối mới hay hoàn toàn chưa ai nghe nói tới bao giờ trong Kitô Giáo, vì các dấu mốc của sự mạnh dạn này vốn đã có trong các trước tác của giáo phụ (9).
Vũ Văn An
______________________
Chú thích
(1) Xem Đức Gioan Phaolô II, Bài Giảng Tại Đền Thánh Thánh Giá, Mogila, Ba Lan (9 tháng 6, 1979), 1.
(2) Đức Gioan Phaolô II, Diễn Văn Trước Hội Nghị Lần XIX của C.E.L.AM. (9 tháng 3, 1983), 3.
(3) Đức Gioan Phaolô II, Thông Điệp Redemptoris missio (7 tháng 12, 1990), 30.
(4) Đức Gioan Phaolô II, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Christifideles laici (30 tháng 12, 1988), 35.
(5) Xem Gioan Phaolô II, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Ecclesia in Africa (14 tháng 9, 1995) 57, 63; Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Ecclesia in Asia (6 tháng 11, 1999), 2; Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Ecclesia in Oceania (22 tháng 11, 2001) 18.
(6) Gioan Phaolô II, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Ecclesia in Europa (28 tháng 6, 2003), 2. có nhắc tới Tuyên Bố Sau Cùng của Phiên Họp Đặc Biệt Đầu Tiên Về Châu Âu của Thượng HỘi Đồng Giám Mục Thế Giới, 1991.
(7) Xem vừa dẫn, 32. Đức Thánh Cha nói tân phúc âm hóa không phải là cải đạo. Về sự khác biệt này, xin xem tài liệu của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin: Các Ghi Chú Tín Lý Về Một Số Khía Cạnh của Phúc Âm Hóa (3 tháng 12, 2007) 10-12.
(8) Đức Bênêđíctô XVI, Diễn Văn Mừng Giáng Sinh trước Giáo Triều (21 tháng 12, 200)
(9) Xem Thánh Clêmentê thành Alexandria, Protreptico IX, 87, 3-4 (SC, 2, 154); Thánh Augustinô, Sermo 14,3.
(Nguồn: vietcatholic.org)

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang