Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Kinh nghiệm đặc sủng trong Giáo Hội



(04/09/12, 8:45 am)
Trong viễn ảnh đón mừng Năm Đức Tin của Giáo Hội Công Giáo, Toà Thánh sắp sửa phổ biến một số văn kiện trong đó các tiêu chuẩn giúp lượng giá và khả dĩ vận dụng những mặc khải tư, những cuộc hiện ra cho cá nhân này hoặc cá nhân nọ sẽ được nêu dẫn và xác định một cách minh bạch. Để chuẩn bị đón nhận những văn kiện này, và trước sự nở rộ hiện nay của một số phong trào đạo đức bình dân như chẳng hạn những tổ chức du ngoạn tâm linh, những buổi tụ họp tôn sùng và khẩn cầu Lòng Chúa Thương xót, những cuộc hành hương xin ơn nơi các trung tâm Đức Mẹ, những sinh hoạt lôi kéo và vận dụng ơn Thánh Linh…thiết tưởng các giáo lý viên cũng nên khởi sự đặt vấn đề, tìm hiểu và cầu nguyện làm sao để cho chính bản thân mình cũng như các học viên giáo lý luôn được gìn giữ, bảo toàn và phát huy trong một đức tin quân bình, trưởng thành và chính thống.

Nhân cơ hội này, ban giáo lý Kontum xin mạo muội chia sẻ một vài bài giáo lý đã được soạn thảo và truyền đạt trong khuôn khổ hạn hẹp tại giáo phận nhà, dựa theo tài liệu của Đức Hồng Y Léon Joseph Suenens phát hành năm 1974 và tái bản năm 2001. Xin đặc biệt giới thiệu bài “Đức Maria và Chúa Thánh Thần”. 
Chúng ta đã đề cập tới sự hoà điệu cần thiết giữa hai chiều kích cơ chế và đặc sủng của Giáo Hội. Bây giờ là lúc chúng ta nên tìm hiểu kỹ lưỡng hơn chiều kích thứ hai, tức chiều kích đặc sủng, trải qua lịch sử Giáo Hội, từ những buổi đầu cho đến thời của Vaticanô II.
1. Chúa Thánh Thần, Đấng tạo sức sống cho Giáo Hội sơ khai.
Hai tiêu chuẩn giúp chúng ta nhận ra những đặc sủng hay những biểu hiện của Chúa Thánh Thần chính là: phải khá rõ nét và phải hướng tới mục đích phục vụ cộng đoàn nhằm xây dựng Nước Thiên Chúa.
Các biểu hiện này được ghi nhận là tưng bừng và ngoạn mục, tựa như những tia nắng bình minh, vào sáng ngày lễ Ngũ Tuần; các biểu hiện này xuất hiện nơi từng trang sử một của Giáo Hội sơ khai. Chỉ cần lướt qua sách Công Vụ Tông Đồ là chúng ta có dư tràn những dấu chứng. Chọn sách Cvtđ, chúng ta không cố ý đưa sách này lên hàng tiêu biểu bậc nhất. Thật ra, về phía người đọc, sách này cần được nhiều nguồn khác soi sáng hơn là tự mình soi sáng cho những sách khác. Tuy nhiên, chúng ta không vì vậy mà thờ ơ trước những ví dụ cụ thể được thánh Luca cung cấp ở đây.
Ngay từ trang đầu, Chúa Thánh Thần tự tỏ lộ mà không khỏi gây ngỡ ngàng, thậm chí gây hoang mang, bởi lẽ những can thiệp của Ngài quá nhiều, quá bất chợt và đôi khi quá hiển hách. Rõ ràng là Ngài dìu dắt mọi sự và tạo sức sống cho các Tông Đồ cùng với cộng đoàn tìn hữu. Ngài can thiệp vào trong từng chi tiết đời sống thường nhật của Giáo Hội và cả vào tầm lan rộng của Giáo Hội trong đế quốc Rô-ma, đến nỗi người ta đã có thể coi sách Công Vụ Tông Đồ như là quyển Tin Mừng thứ năm: Tin Mừng của Chúa Thánh Thần.
Ngay khi ra khỏi phòng Tiệc Ly, vào buổi sáng ngày lễ Ngũ Tuần, thánh Phêrô tức khắc gợi lên sự tuôn tràn Thánh Thần kỳ diệu mà ngôn sứ Gio-en đã tuyên sấm : “ Thiên Chúa phán : Trong những ngày cuối cùng, Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm, con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, thanh niên sẽ thấy thị kiến, bô lão sẽ được báo mộng. Trong những ngày đó, Ta cũng sẽ đổ Thần Khí Ta cả trên tôi nam tớ nữ của Ta, và chúng sẽ trở thành ngôn sứ. Ta sẽ cho xuất hiện những điềm thiêng trên trời cao, và những dấu lạ dưỡi đất thấp, đó là máu, lửa và những cột khói. Mặt trời sẽ trở nên tối tăm, mặt trăng hóa thành máu, trước khi ngày của Đức Chúa đến, ngày vĩ đại, vinh quang.”  (Cv 2, 16-20; Ge 3, 1-5).
Chúa Thánh Thần hoạt động trong khi chờ đợi ngày quang lâm sẽ vén mở cho chúng ta trọn vẹn uy nghi của Thiên Chúa. Nơi mỗi trang sách Cvtđ, người đọc nhận thấy Chúa Thánh Thần hiện diện nhiều hơn và hoạt động nhiều hơn là những con người mà tác phẩm mô tả lịch sử và nêu danh tánh. Người mô tả vừa đoan chắc Ngài hiện diện vừa coi sự hiện diện ấy là thiết thân. Ngay cả khi ngưới mô tả không xướng tên Ngài thì người đọc cũng suy đoán có Ngài ở nơi mặt chìm và Ngài như thể toả sáng nơi mỗi trang sách thánh. Ngài dìu dắt nhịp bước tông đồ và âm thầm kết dệt nền móng.
Chính Ngài nhắc bảo phải nói gì trước vua quan, trước các vị lãnh sự và tổng trấn Rô-ma, cũng như nhắc bảo phải rao giảng như thế nào mỗi ngày. “ Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng của Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa.” (1Cr 2, 4-5).
Ngài là Đấng gợi hứng để cho các Tông Đồ nên gan dạ can trường: “ Thần Khí nói với ông Phi-lip-phê : “Tiến lên, đuổi kịp xe đó”. (Cv 8, 29). Hoặc còn nữa: “ Khi hai ông lên khỏi nước, Thần Khí Chúa đem ông Phi-lip-phê đi mất, và viên thái giám không còn thấy ông nữa. Nhưng ông tiếp tục cuộc hành trình, lòng đầy hoan hỷ.” (Cv 8, 39)
Ngài là sức mạnh của những vị tử đạo: “ Được đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Đức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa..” (Cv 7, 55)
Ngài đưa dẫn Phê-rô đến nhà ông Cornêliô: “ Ông Phêrô vẫn còn phân vân về thị kiến, thì Thần Khí bảo ông : “Kìa, có ba người đang tìm ngươi. Đứng lên, xuống mà đi với họ, đừng ngần ngại gì, vì chính Ta đã sai họ đến” (Cv 10, 19-20)
Ngài lựa chọn các Tông Đồ: “ Một hôm, đang khi họ làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo : “Hãy dành riêng Ba-na-ba và Sao-lô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm.” (Cv 13, 2)
Ngài là niềm vui và sự trấn an cho những người bị bách hại:
“ Nhưng người  Do-thái sách động nhóm phụ nữ thượng lưu đã theo đạo Do-thái, và những thân hào trong thành, xúi giục họ ngược đãi ông Phao-lô và ông Ba-na-ba, và trục xuất hai ông ra khỏi lãnh thổ của họ. hai ông liền giũ bụi chân phản đối họ và đi tới I-cô-ni-ô. Còn các môn đệ được tràn đầy hoan lạc và Thánh Thần.” (Cv 13, 50-52).
Ngài chủ trì những quyết định quan trọng cho tương lai của Giáo Hội mới khai sinh và chính các Tông Đồ đệ đạt các đường lối hoạt động lên Ngài: “ Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này...” (Cv 15, 28)
Cũng chính Ngài vạch đường vạch lối cho các Tông Đồ, hướng dẫn các ông và níu kéo các ông:  “ Các ông đi qua miền Phy-ghi-a và Ga-lát, vì Thánh Thần ngăn cản không cho các ông rao giảng lời Chúa ở A-xi-a, Khi tới sát ranh giới My-xi-a, các ông thử vào miền Bi-thy-ni-a, nhưng Thần Khí Đức Giêsu không cho phép.” (Cv 16, 6-7)
Một cách đặc biệt, Ngài là Đấng điều khiển hoạt động truyền giáo của thánh Phaolô: “ Giờ đây, bị Thần Khí trói buộc, tôi về Giê-ru-sa-lem mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó, trừ ra điều này, là tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi. Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi đã nhận được từ Chúa Giê-su là long trọng làm chứng cho Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa.” (Cv 20, 22-24).
Những biểu hiện trên đây chính là những gì thíêt thực và cụ thể qua đó Giáo Hội sơ khai đã chuyển dịch và đã sống đức tin mà Giáo Hội đặt để nơi Chúa Thánh Thần.
2. Chúa Thánh Thần và việc tuôn đổ các ơn của Ngài
Chúa Thánh Thần tỏ lộ với tư cách sức mạnh thúc đẩy Giáo Hội bước tới trên những nẻo đường thế giới và mang lại cho Giáo Hội chiều kích truyền giáo, làm cho Giáo Hội trở thành Giáo Hội công giáo (phổ quát).
Ngài cũng tạo nên sự hiệp nhất sống động cho Thân Thể Huyền Nhiệm, bằng cách thánh hoá các Kitô hữu và thông ban quyền lực cho họ. Nơi từng trang từng đoạn, thánh Phaolô cho chúng ta thấy Chúa Thánh Thần hoạt động khắp mọi nơi.
Đức Giêsu cũng đã đích thân loan báo rằng Thánh Thần mà Ngài gửi đến sẽ tỏ ra cho các môn đồ qua những ân sủng và ơn ban kỳ diệu, đến nỗi các môn đồ sẽ có thể thực hiện những phép lạ còn lớn lao hơn những phép lạ do chính Ngài.
Tuy toả rạng trong Giáo Hội sơ khai tựa như những chồi lộc mùa xuân, tuy đa dạng và khác biệt nhau, các đặc sủng đều là những biểu hiện hữu hình thuộc về cùng một thực tại duy nhất: đó chính là sức sống trào tràn của Thánh Thần trong tâm hồn các Kitô hữu.
Các ơn ấy sở dĩ được ban là để xây dựng Giáo Hội, ơn này bổ khuyết cho ơn kia, cùng đồng qui với nhau theo như thánh Phaolô đã ghi chú : “ Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa thì lại được ơn giải thích các tiếng lạ. nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của Người.  ”(1Cr 12, 4-11).
Chúng ta vừa trích dẫn chương 12 là chương đi trước và mở lối cho chúng ta bước vào chương 13 trong đó thánh Phaolô mô tả vẻ rạng rỡ độc nhất và tối thượng của đức ái đối thần, một nhân đức sẽ  một mình ‘còn mãi’. Nhưng nếu đức ái thống trị tất cả, nếu đức ái là mặt trời của đời sống được phú ban Thánh Thần, ánh sáng của đức ái không hề che khuất vẻ rực rỡ của những ngôi sao rọi chiếu trong đêm đen.
Chính theo nhãn quan này mà Thánh Phaolô nói về  các đặc sủng như chẳng hạn ơn hiểu biết và khôn ngoan (1Cr 12, 8), ơn đức tin (1Cr 12, 9), ơn giảng dạy (Rm 12, 7; 1Cr 12, 28tt; 14, 26), ơn khuyên nhủ và an ủi (Rm 12, 8), ơn phục vụ (Rm 12, 7), ơn biện phân thần trí (1Cr 12, 10), ơn trợ giúp và cai quản (1 Cr 12, 28), v.v…
Do vậy, cũng theo tinh thần thánh Phaolô, Không bao giờ được coi Giáo Hội như một tổ chức thuần tuý hành chánh. Giáo Hội chính là thân thể huyền nhiệm của Đức Kitô, ngôi vị hằng sống, được tác động bởi Chúa Thánh Thần.  
3. Kinh nghiệm đặc sủng trải qua các thế kỷ
Người đọc Thánh Kinh không thể không tự hỏi: một quang cảnh đặc sủng rực rỡ như thế tại sao lại đã chấm dứt theo dòng thời gian? Thánh Gioan Kim Khẩu cũng đã nêu câu hỏi và cũng đã tìm cách mon men giải đáp. Theo ngài, Giáo Hội mới khai sinh cần được xử đối một cách ưu đãi để được nâng đỡ trong nhiệt tình truyền giáo và, nói tóm lại, đó là một trường hợp ngoại lệ. Câu trả lời không tránh khỏi yếu ớt và lúng túng. Thật ra, hiện tượng đặc sủng chưa bao giờ biến mất trong Giáo Hội! Bởi vì Chúa Thánh Thần vẫn luôn mãi trung thành với Giáo Hội.
Cho tới cuối thế kỷ thứ II, theo ghi nhận của thánh Irênêô, các đặc sủng lạ lùng vẫn thường đều diễn ra và được công chúng biết đến : “Không ít anh em có được đặc sủng ngôn sứ, họ nói hết các thứ tiếng, nhờ Thánh Thần, họ tiết lộ bí mật của một số người nhằm giúp ích cho những người ấy và họ bày tỏ mầu nhiệm Thiên Chúa” (Adv. Haer., V, 6, 1).
Dần dà, văn chương tôn giáo xem ra dè chừng hơn đối với vấn đề này. Vì đức tin mỗi lúc một suy yếu và Kitô giáo mỗi lúc một nặng chiều kích xã hội cho nên các biểu hiện của Thánh Thần cũng bớt tỏ tường hơn. Các cuộc tỏ lộ của Ngài dường như chỉ còn được ghi nhận trong những môi trường thu hẹp của các đan sĩ, đặc biệt nơi những nhân vật sáng lập viên của các đan viện và dòng tu.
Đời sống tu dòng lúc ban đầu thật ra là một phong trào đặc sủng. Nỗ lực khổ chế của các thành viên dòng tu được quan niệm như là cuộc chiến thắng của Thánh Thần trên những mãnh lực đen tối của thế gian, xác thịt và ma quỷ. Trong phạm vi này, khá nhiều trường hợp được ơn ngôn sứ và được những quyền năng kỳ diệu, đặc biệt ơn chữa trị, đã được tường thuật. Rõ ràng là vào thời ấy các Kitô hữu vẫn thường tin tưởng rất mãnh liệt vào việc xức dầu Thánh Thần và vào các ơn ban của Ngài.
Các đan sĩ chính hiệu được ví như những người cha thiêng liêng, có khả năng dẫn dắt người khác trên những lối nẻo của Thánh Thần. Trong truyền thống đông phương, người ta còn coi các vị này như những nhà hiền triết và rất thích tìm đến để tham vấn.
Về những đặc sủng, các tác giả thiêng liêng thường tìm cách giúp người ta  biện phân kỹ lưỡng các thần trí và nhắc bảo người ta chớ coi các ơn ban như là cứu cánh nhưng như là phương thế phục vụ nhằm làm cho đức ái được thắm đượm hơn. Không ai phản bác sự có mặt của các đặc sủng. Dọc theo thời gian, ngoại trừ một vài giai đoạn có nhu cầu phải cảnh cáo những lạm dụng đặc sủng mang tính bè phái, thái độ chung chung của phẩm trật được kể là tích cực. Các vị mục tử như Athanaxiô và Baxiliô đã không ngần ngại cậy dựa vào các đan sĩ để canh tân đời sống tôn giáo.
Vào thế kỷ XI, một đan sĩ nổi tiếng ở Conxtantinôpôli, thánh Symêon, mệnh danh là tân thần học gia, đã phát biểu khá mạnh mẽ về chiều kích đặc sủng. Theo ông, Lễ Ngũ Tuần luôn mang tính chất hiện đại. Ngay khi được khai mở để tiến vào ánh sáng bên trong của Thánh Thần, chính Thánh Thần kết hiêp chúng ta với Đức Kitô và chính Thánh Thần đưa dẫn chúng ta đến với Chúa Cha. Theo Symêon, chỉ những ai đã cảm nghiệm Thánh Thần mới thât sự có khả năng hướng dẫn người khác.
Bên Tây Phương, tuy truyền thống Thánh Thần ít được đẩy mạnh hơn nhưng niềm tin vào Ngài không vì thế mà không hữu hiệu, đặc biệt trong đời sống của các vị sáng lập dòng và của các thánh. Thánh Inhaxiô Lôyôla soạn thảo những trang sách cổ điển bàn về việc phân định thần trí và ngài không phải là đơn phương. Trước và sau ngài, các nhà thần học và các tác giả thiêng liêng cũng làm công việc phân tích các ơn ban và hướng dẫn cách sử dụng các ơn ban ấy. Giữa thánh Gioan Thánh Giá và thánh nữ Têrêxa Avila tuy có khác biệt quan điểm về những an ủi và về những hình tượng khả giác trong đời sống thiêng liêng (thánh Têrêxa lựa chọn một hướng sống Kitô giáo nhân bản hơn thánh Gioan Thánh Giá), nhưng cả hai vị đều sống kinh nghiệm về Thiên Chúa đến mức sâu đậm tột bậc.
Thiết tưởng còn cần phải đọc lại cuộc đời của các vị thánh gần hơn với chúng ta để có thể nhận rõ hơn sự có mặt của các đặc sủng phi thường mãi cho đến thời đại chúng ta ngày nay. Đọc lại chẳng hạn cuộc đời của thánh Gioan Vianey, của thánh Don Bosco hay của bao nhiêu vị thánh khác, chắc hẳn chúng ta sẽ nhận ra được những ơn đặc sủng không thể chối cãi : nào là ơn phân định thần trí, ơn ngôn sứ, ơn chữa bệnh… Như thế, chúng ta không được quyền khẳng định rằng các đặc sủng đều là những gì thuộc về một quá khứ đã sang trang.
4. Sự khôi phục vào thời Công Đồng
Đối với các đặc sủng, Công Đồng lựa chọn một thái độ đon đả và cởi mở. Công Đồng cung cấp một bản văn rất quân bình : một mặt vẫn bảo tồn thái độ thận trọng cần thiết nhưng mặt khác, không ngần ngại nhìn nhận tầm quan trọng luôn luôn hiện đại của các đặc sủng.
Sau đây là hai phân đoạn cốt yếu của các bản văn Công Đồng. Trong Hiến chế ‘Ánh sáng muôn dân’, đoạn 12 :
Nhưng cũng chính Chúa Thánh Thần không chỉ thánh hoá dân Chúa bằng các bí tích và các thừa tác vụ, và trang điểm họ bằng các nhân đức, nhưng Ngài còn ban phát các ân sủng đặc biệt cho mọi cấp bậc các tín hữu “phân chia ân huệ cho mỗi người theo ý Ngài” (1Cr 12,11), khiến người lãnh nhận các ân sủng ấy có đủ khả năng và sẵn lòng đảm nhận các công việc và nhiệm vụ khác nhau mưu ích cho việc canh tân, xây dựng và phát triển Giáo Hội như lời chép rằng : “Thánh Thần hiển hiện trong mỗi người hầu mang lại lợi ích” (1Cr 12,7). Phải lãnh nhận những đoàn sủng này, từ các ơn chói lọi nhất đến các ơn thường mà nhiều người lãnh nhận được, với lòng tri ân và yên ủi vì các ơn đó mang ích lợi và phù hợp với nhu cầu của Giáo Hội. Nhưng không nên liều lĩnh kêu nài những ơn đặc biệt, và cũng đừng vì đó mà tự đắc mong rằng việc tông đồ sinh kết quả. Những vị thủ lãnh trong Giáo Hội có thẩm quyền phán quyết về tính cách chân chính và sử dụng hợp lý các ơn lạ ấy; các ngài có nhiệm vụ đặc biệt phải khảo sát tất cả, .không phải dập tắt Thần Trí nhưng thử luyện tất cả để giữ lại điều nào là tốt lành.” (x. 1 Tx 5,12,19-21).
Trong Sắc lệnh ‘Tông Đồ Giáo Dân’, đoạn 3, người ta cũng đọc thấy cùng một giáo thuyết :
Để thi hành tác vụ tông đồ ấy, Chúa Thánh Thần thánh hóa dân Chúa qua giáo vụ và các bí tích. Ngài cũng ban cho các tín hữu những ơn đặc biệt (x.1Cr 12,7), “phân phát những ơn đó cho mọi người tùy ý Ngài” (1Cr 12,11) để “mỗi người tùy theo ơn đã nhận mà giúp đỡ nhau” và chính họ trở nên như những người quản lý trung tín giữ mọi thứ ơn của Thiên Chúa” (1Pr 4,10) hầu xây dựng toàn thân trong đức ái (x.Ep 4,16). Do sự đon nhận những đoàn sủng này dầu là nhưng đoàn sủng thông thường, mỗi tín hữu có quyền lợi và bổn phận sử dụng những ơn đó trong Giáo Hội cũng như giữa trần gian để mưu ích cho mọi người và xây dựng Giáo Hội trong tự do của Chúa Thánh Thần, Đấng “muốn thổi đâu thì thổi” (Ga 3,8) và đồng thời sử dụng trong sự hiệp thông với anh em trong Chúa Kitô, nhất là với các vị chủ chăn của mình. Chính các ngài có nhiệm vụ xét đoán về bản tính đích thực và việc sử dụng thích hợp những đoàn sủng đó, không phải để dập tắt Thánh Thần, nhưng thử luyện tất cả để giữ lại điều nào là tốt lành (x. 1 Tx 5,12,19-21)”
Công Đồng mời gọi chú ý đến các đặc sủng và qua đó thôi thúc dân Chúa gia tăng ý thức về sự hiện diện liên lỉ và năng động của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội. Công Đồng còn lặp lại lời mời gọi này trong nhiều bản văn khác – người ta đếm được 252 lần quy chiếu vào Chúa Thánh Thần trong các văn kiện công đồng – nhưng đặc biệt ngang qua những cải tổ phụng vụ sẽ được thực hiện theo đà thúc đẩy của công đồng. Điểm nổi bật, đó là phụng vụ đã nêu cao vai trò thánh hoá của Chúa Thánh Thần trong các công thức cử hành phụng vụ và bí tích mới được sửa đổi từ sau Công Đồng.
Lm Phaolô Đậu văn Hồng
Gp Kontum


Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang