Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Cùng đọc toát yếu giáo lý hội thánh công giáo


BÀI 14: “ĐỨC GIÊSU KITÔ ĐÃ CHỊU NẠN ĐỜI QUAN PHONGXIÔ PHILATÔ (04/09/12, 8:20 am)

Con đã đọc qua trước nên biết rằng cuộc Thương khó của Chúa được ghi lại trong Phúc Âm theo thánh Mathêu chương 26. Đầu tiên là lời Chúa nói với các môn đệ: “Anh em biết còn hai ngày nữa là đến lễ Vượt Qua, và Con Người sắp bị nộp để chịu đóng đinh vào thập giá.” (Mt26,2). Chắc không phải ngẫu nhiên Chúa chọn thời điểm là lễ Vượt Qua, và nếu có dụng ý thì nó mang ý nghĩa gì?
*Câu hỏi rất hay, có nền tảng Thánh Kinh. Lễ Vượt Qua là đại lễ lớn nhất của người Do thái tưởng niệm biến cố lớn nhất trong lịch sử của họ, là cuộc giải phóng khỏi ách nô lệ người Aicập, nhờ Chúa dùng một nhân vật vĩ đại là ông Môsê. Sau một loạt các tai ương giáng xuống Aicập mà lòng họ vẫn chai đá, sự kiện quyết định là việc giết các con đầu lòng Aicập, loài vật cũng như người, trong đêm ăn chiên Vượt Qua, tức con chiên đực không tì tích, được giết lấy máu bôi lên ngạch cửa, để nhờ máu này như dấu hiệu mà thần tru của Thiên Chúa vượt qua ngưỡng cửa nhà đó, không giết con đầu lòng của Dân Chúa. Hãy đọc toàn bộ chương 12 sách Xuất hành bạn sẽ nắm rõ lễ này.

*Đức Kitô đã chọn thời điểm mừng lễ Vượt Qua truyền thống ấy để hiến tế chính mình, và chịu chết lúc 3g00 chiều ngày 14 tháng Nissan, tháng đầu tiên của người Dothái, trùng với ngày giờ người ta giết chiên Vượt Qua. Từ ý nghĩa liên đới ấy, Đức Kitô được gọi là Chiên Vượt Qua, và cuộc thương khó đổmáu cứu độ nhân loại của Người được gọi là mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô. Và khi nhìn cuộc Vượt Qua của Đức Kitô giải thoát nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết, so với cuộc giải phóng nô lệ Aicập, Đức Kitô được gọi là Môsê mới.

Lễ Vượt Qua của Cựu Ước là quan trọng bậc nhất. Thế, mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu có tầm quan trọng nào?(112)
Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu, bao gồm cuộc khổ nạn, cái chết, sự phục sinh và tôn vinh của Người, là trung tâm của đức tin Kitô giáo. Vì ý định cứu độ của Thiên Chúa được hoàn tất một lần thay cho tất cả nhờ cái chết cứu độ của Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô.

Thời bấy giờ dân Dothái lệ thuộc vào quyền của đế quốc Rôma, cai trị qua tổng trấn Philatô. Nên để qui án tử cho Chúa Giêsu họ phải có lý do kết tội mới xin giết được. Thế, Chúa Giêsu bị kết án vì những lời buộc tội nào ?(113)
Một số thủ lãnh Israel đã kết án Chúa Giêsu chống lại Lề Luật, chống lại Đền thờ Giêrusalem và đặc biệt chống lại niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất, bởi vì Người tự tuyên bố mình là Con của Thiên Chúa. Chính vì thế họ đã nộp Người cho quan Philatô, để Người bị kết án tử hình.

Vậy, đâu là thái độ của Chúa Giêsu đối với Lề luật Israel ?(114)
Chúa Giêsu không hủy bỏ Lề luật do Thiên Chúa trao ban cho ông Môsê trên núi Sinai, nhưng Người đã làm cho Lề luật nên trọn bằng cách đem lại cho Lề luật lời giải thích tối hậu. Người là Đấng ban hành Lề luật của Thiên Chúa, Đấng chu toàn Lề luật cách viên mãn. Ngoài ra, qua cái chết đền tội trong vai trò Người Tôi Trung, Người hiến dâng hy tế duy nhất có khả năng cứu chuộc tất cả “tội lỗi người ta đã phạm trong thời Giao ước đầu tiên” (Dt 9,15).

Còn thái độ của Chúa Giêsu đối với Đền thờ Giêrusalem ?(115)
Chúa Giêsu bị kết án là có thái độ thù nghịch với Đền thờ. Thực ra, Người đã tôn trọng Đền thờ như là “nhà của Cha mình” (Ga 2,16). Chính tại đó Người đã giảng dạy một phần giáo huấn quan trọng của Người. Nhưng Người cũng báo trước Đền thờ sẽ bị tàn phá, trong liên hệ với cái chết của Người. Người tự giới thiệu mình là nơi cư ngụ vĩnh viễn của Thiên Chúa giữa loài người.

Tội thứ ba họ kết án Chúa có đúng không? Chúa  Giêsu có chống lại niềm tin của Israel vào Thiên Chúa duy nhất và là Đấng cứu độ hay không ?(116)
Chúa Giêsu không bao giờ chống lại niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất, cả khi Người hoàn tất công trình của Thiên Chúa cách trọn hảo, chu toàn các lời hứa về Đấng Mêsia và đồng thời mạc khải Người ngang hàng với Thiên Chúa : đó là việc tha thứ các tội lỗi. Người mời gọi chúng ta phải tin vào Người và phải sám hối, giúp chúng ta nhận ra sự hiểu lầm bi thảm của Công nghị đã kết án Người đáng phải chết vì lý do phạm thượng. 

Giết người vô tội như thế thì phải có trách nhiệm. Vậy, ai chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa  Giêsu ?(117)
Không thể qui trách nhiệm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu một cách không phân biệt cho mọi người Do Thái thời đó, cũng như cho con cháu họ sau này. Mỗi tội nhân, nghĩa là mọi người, thực sự là nguyên nhân và công cụ gây nên những đau khổ của Đấng Cứu Chuộc. Chịu trách nhiệm nặng nề hơn nữa là những người, đặc biệt nhất là các người Kitô hữu, thường xuyên sa ngã phạm tội và vui thoả trong những điều xấu xa.
*Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Đấng vô tội đã chết thay cho chúng ta là tội nhân. “Chúa Kitô vì chúng ta đã vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá” nên cái chết của Người nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa.

Tại sao cái chết của Chúa Giêsu lại nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa ?(118)
Để tất cả chúng ta, là những kẻ đáng chết, được giao hòa trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã đưa ra một kế hoạch tràn đầy tình yêu là sai Con mình đến phó mình chịu chết vì những kẻ tội lỗi. Cái chết của Đức Kitô đã được loan báo trong Cựu Ước, đặc biệt như hy tế của Người Tôi Tớ chịu đau khổ, và đã xảy ra “theo như lời Thánh Kinh.”
*Đọc Phúc Âm chúng ta thấy Chúa biết trước giờ đã định, và chủ động nộp mình chứ không phải là nạn nhân bất ngờ của một âm mưu có sẵn. Hành vi cao thượng ấy gọi là tự hiến mình cho Chúa Cha vì chúng ta.

Đức Kitô đã dâng hiến mình cho Chúa Cha như thế nào ?(119)
Đức Kitô đã tự do dâng hiến mình cho Chúa Cha, để chu toàn ý định cứu độ. Người đã trao ban sự sống “làm giá chuộc cho nhiều người” (Mc 10,45). Nhờ đó, Người giao hòa toàn thể nhân loại với Thiên Chúa. Sự đau khổ và cái chết của Người cho thấy nhân tính của Người là dụng cụ tự do và hoàn hảo để Thiên Chúa, Đấng muốn cứu độ mọi người, thể hiện tình yêu của Ngài.

Con đi lễ thấy trong thánh lễ có lời “Khi tự nguyện nộp mình chịu khổ hình, Người cầm lấy bánh…” Việc này con lại đọc thấy trong bữa Tiệc Ly Chúa làm. Tiệc Ly cũng diễn tả việc dâng hiến của Chúa ? (120)
Trong Bữa Tiệc Ly với các Tông đồ vào buổi tối truớc cuộc Khổ nạn, Chúa Giêsu đã tham dự trước, nghĩa là Người ám chỉ và thực hiện trước, việc tự nguyện dâng hiến chính mình : “Đây là Mình Thầy bị nộp vì anh em” (Lc 22,19); “Đây là Máu Thầy, máu đổ ra…” (Mt 26,28). Như thế, Người vừa thiết lập Bí tích Thánh Thể như việc “tưởng nhớ” (1 Cr 11,25) đến hy tế của Người, vừa thiết lập các Tông đồ của Người thành những tư tế của Giao ước mới.
*Điều này giúp bạn sẽ dễ hiểu hơn sau này khi biết Thánh lễ là hiện tại hóa cuộc hiến tế thập giá của Đức Kitô.

Trong đêm, trước khi bị bắt, Chúa đem theo ba môn đệ tin cẩn như để an ủi mà các ông cứ ngủ, còn Chúa “buồn đến chết được” (Mt26,38). Biến cố hãi hùng ấy có sách gọi là cơn hấp hối của Chúa. Điều gì đã xảy ra trong cơn hấp hối nơi vườn Giếtsêmani ấy?(121)
Mặc dầu nhân tính rất thánh của Đấng là “Tác giả sự sống” (Cv 3,15) đã khiếp sợ sự chết, nhưng ý chí nhân loại của Con Thiên Chúa vẫn tùng phục thánh ý Chúa Cha : để cứu độ chúng ta, Chúa Giêsu chấp nhận gánh lấy tội lỗi chúng ta trong thân xác mình, Người “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết” (Pl 2,8).
*Là Thiên Chúa nhưng cũng là con người, nên Chúa Giêsu có cảm xúc, cảm giác trước đau thương, đau đớn như chúng ta. Bản tính Thiên Chúa không vì thế giúp Người miễn trừ những đớn đau thể xác và tinh thần. Sự khiếp sợ giằng co ba lần cầu xin Cha : “xin cho con khỏi uống chén này” thể hiện điều đó. Nếu Chúa chẳng đau đớn, khổ tâm gì thì cũng chẳng có công phúc gì. Và bị treo trên thập giá mà như một vị thần không cảm giác thì chẳng có hiệu quả gì.

Vậy, hiệu quả hy tế của Đức Kitô trên thập giá là gì ?(122)
Chúa Giêsu tự nguyện hiến dâng mạng sống mình làm hy lễ đền tội, nghĩa là Người sửa lại tội lỗi chúng ta bằng sự vâng phục trọn vẹn của Người vì tình yêu cho đến chết. Tình “Yêu thương đến cùng” (Ga 13,1) của Con Thiên Chúa đã giao hòa toàn thể nhân loại với Thiên Chúa. Như vậy, Hy lễ Vượt qua của Đức Kitô cứu chuộc mọi người cách độc nhất vô nhị, hoàn hảo và tối hậu, và mở lối cho họ vào sự hiệp thông với Thiên Chúa.

“Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta”. Tại sao Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ vác lấy thập giá của họ ?(123)
Khi kêu gọi các môn đệ vác thập giá mình mà theo Người, Chúa Giêsu muốn những người đầu tiên hưởng nhờ hy tế cứu độ của Người được kết hợp vào hy tế ấy. 
*Thập giá ngày nay chúng ta không chỉ hiểu là cây chữ thập bằng gỗ đóng đinh tử tội không phải công dân Rôma, một hình phạt ô nhục đau đớn nhất. Kiểu nghĩa đen này chỉ có thánh Phêrô chịu, và ngài đóng đinh ngược. Thập giá diễn tả tất cả những đau thương thể xác và tinh thần, những điều trái ý muốn nhưng ta phải gánh chịu trong sự tuân phục theo gương Đức Kitô, sinh ích cho bản thân và Hội thánh. Những hy sinh ấy có giá trị như hy tế dâng lên Chúa.

Phúc Âm cũng ghi lại sau khi chết rồi, xác Chúa được hạ xuống khỏi thập giá, và an táng trong ngôi mộ đá gần đó. Thân xác của Chúa Giêsu ở trong tình trạng nào khi Người nằm trong mồ ?(124)
Đức Kitô đã chết thật sự và đã được mai táng thật sự. Nhưng quyền năng Thiên Chúa đã gìn giữ thân xác Người khỏi bị hư  nát. 
*Có người nghi ngờ chắc Chúa chưa chết thật để phủ nhận việc phục sinh, mà cho đó chỉ là một sự hồi tỉnh sau cái chết lâm sàng. Cùng với việc một người lính lấy ngọn giáo đâm vào cạnh sườn mở rộng trái tim yêu thương của Chúa, ngôi mộ mai táng Chúa mà ngày nay vẫn còn là điểm hành hương linh thiêng, các chứng cớ xác thực ấy cho thấy Chúa đã chết thật. Tảng đá lớn đóng lại, lấp cửa mồ nhưng không chấm dứt lịch sử của Đức Kitô, mà mở ra một thời mới, một cách thế hiện hữu mới của Người trong mầu nhiệm Phục sinh mà chúng ta tìm hiểu lần tới nhé.

Lm Phêrô Nguyễn Hữu Duy
Gp Phan Thiết


Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang