Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Quả tim biết yêu thương


Giữa đời thường
Một linh mục đã hơn sáu mươi tuổi tâm sự rằng: “Nhiều người nói cha đổi tánh một cách kỳ lạ. Ngày xưa lúc còn trẻ cha rất khó tánh. Bây giờ cha rất mềm dẻo và sống rất tình cảm. Cha bảo đó không phải là một sự thay đổi ngẫu nhiên. Càng trải nghiệm cuộc đời cha thấy mình đã sai lầm trong việc giáo dục và ứng xử với người khác. Trước đây cha thường áp đặt người khác theo nguyên tắc và lý trí. Lúc về già cha thấy mình đã sai. Lẽ ra, cha cần áp dụng nguyên tắc của trái tim yêu thương trong việc huấn luyện một con người. Khi người khác cảm nhận được sự yêu thương họ sẽ dễ dàng để yêu thương người khác...”

Bạn thân mến, con người có lý trí và quả tim. Lý trí để phán đoán, nhận định đúng sai. Quả tim để yêu thương cảm thông giữa người với người. Được biết vị linh mục trên đây là một người mục tử sống rất tình cảm. Một mục tử có quả tim hết mình yêu thương mọi người. Ngài đã từng nhắn nhủ những người học trò của mình như thế này: “Nếu sau này có ai hỏi tụi con đã học ở Nhà Chung những gì thì hãy trả lời là chúng tôi được huấn luyện để có một quả tim biết yêu thương.”
Vậy, quả tim biết yêu thương được biểu hiện cụ thể trong đời sống như thế nào? Sống với quả tim biết yêu thương có giá trị như thế nào trong cuộc sống hôm nay?
Quả tim biết yêu thương luôn nhạy cảm với những hoàn cảnh nghèo khổ
Trước hết, trái tim biết yêu thương luôn nhạy cảm. Nhạy cảm với người nghèo. Nhạy cảm với người đau khổ. Nhạy cảm với người già yếu bệnh tật v.v… Điều này cho thấy trái tim là nơi phát ra tiếng nói của tình yêu. Bởi vậy, một tác giả nào đó đã cảm nghiệm rằng: “Con người chỉ trở thành người nhờ trí thông minh, nhưng chỉ nhờ trái tim con người mới là người.”
Cuộc sống đô thị hiện đại hôm nay vẫn còn đó biết bao những con người nghèo khổ. Họ là những cụ già hành khất, đi bán vé số. Họ là những người phụ nữ quét rác, bán hàng rong và lượm ve chai. Hay họ là những đứa trẻ mồ côi lang thang không cửa không nhà v.v… Một người có quả tim biết yêu thương thường ngậm ngùi xúc động khi chứng kiến những hoàn cảnh và con người như thế. Họ rất cần sự cảm thông. Họ rất cần sự sẻ chia. Vì thế, Albert Camus đã từng xác tín mạnh mẽ: “Tôi chỉ biết một nghĩa vụ, và đó là yêu thương.”
Vậy, thế nào là yêu thương? Phải chăng khi ta nói yêu thương là ta đang yêu thương? Quả tim biết yêu thương không chỉ ở lời nói mà còn thể hiện bằng việc làm cụ thể.
Quả tim biết yêu thương là động lực giúp ta dấn thân phục vụ
Nhà tư tưởng Aldous Huxley đã trải nghiệm cuộc đời bằng câu nói trứ danh: “Bạn học yêu thương bằng cách yêu thương – bằng cách để tâm và làm những điều phát hiện ra mình cần phải làm.” Hay một nhà tư tưởng vô danh nào đó cũng đã từng cảm nghiệm: “Khi nhìn lại cuộc đời mình, bạn sẽ thấy rằng những khoảnh khắc bạn thực sự sống là những lúc bạn làm điều gì đó hết lòng vì tình yêu.” Điều này cho thấy quả tim biết yêu thương là động lực giúp chúng ta dấn thân phục vụ.
Thực tế có những tấm gương phục vụ người khác thật đáng trân trọng. Đó là những vị linh mục lấy đức ái mục tử để phục vụ đoàn chiên của mình theo lời dạy của Thầy Chí Thánh Giêsu: “Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống vì đoàn chiên.” (x.Ga 10,11) Đó là những nữ tu đang dấn thân phục vụ ở nhiều mái ấm, nhà mở hay ở các trường tình thương. Đó là những tấm lòng nhân ái của nhiều mạnh thường quân quý trọng tình người. Họ phục vụ những người bệnh Sida. Họ bỏ ra nhiều tiền để giúp đỡ người nghèo khổ. Điều này đã được diễn tả qua chương trình “Ngôi Nhà Mơ Ước”, “Vượt Lên Chính Mình” được phát sóng trên kênh truyền hình HTV v.v… Phải chăng những nghĩa cử yêu thương như thế sẽ giúp mỗi chúng ta cảm nhận được hạnh phúc thiên đường giữa đời thường? Bởi vậy, đại văn hào Voltaire đã khẳng định: “Thiên đường được tạo ra cho những trái tim dịu dàng; địa ngục, cho những trái tim không biết yêu thương.”
Cuối cùng, Chúa Giêsu đã nói: “Như Cha đã yêu thương Thầy, Thầy cũng yêu thương anh em. Anh em hãy lưu lại trong tình yêu của Thầy.” (Ga 15,9) Thật vậy, Ngài là vị Mục Tử có quả tim yêu thương hoàn hảo. Ngài đã dạy và đã sống yêu thương. Vì thế, lòng thương xót của Chúa hệ tại ở những tia sáng yêu thương nơi trái tim của Chúa Giêsu. Vậy, mỗi Kitô hữu chúng ta cần cắm mốc cuộc đời nơi trái tim yêu thương của Chúa Giêsu. Có Chúa Giêsu là có tất cả. Có yêu thương là có tất cả cho cuộc đời như một tác giả đã cảm nghiệm như sau: “Trong hành trang học làm người và để dạy người của tôi luôn có hai tiếng yêu thương. Có yêu thương là có tất cả trên đời. Đã làm người ai cũng khao khát được yêu thương… yêu thương xuất phát từ trái tim của tôi nói với trái tim yêu thương của các bạn: “Hãy dành cho nhau những gì ngọt ngào nhất để cộng đồng luôn kết nối trái tim.”
Raphael Trần Dương Tuyển

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang