Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Chúa Thánh Thần và kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa


Posted on fx.hongan on Tháng Tám 27, 2012
 
Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần không chỉ nằm trong giáo lý đức tin. Sự hiện diện của Ngài còn được cảm nghiệm, trong truyền thống Giáo Hội, như một kinh nghiệm sống, ngang qua nhiều hình thái biểu hiện đa tạp, không ngừng đổi mới.
Muốn làm quen với các kinh nghiệm muôn hình muôn vẻ ấy, chúng ta cần phải tìm hiểu xem làm thế nào mà Thiên Chúa lại có thể tự tỏ lộ nơi trần thế và đâu là ý nghĩa của những hình thức tỏ lộ ấy. Để làm công việc này, chúng ta cần can đảm ra khỏi những phạm trù của trí não, ra khỏi ngữ vựng khuôn thước hàng ngày để nói bằng một thứ ngôn ngữ giản dị và trực tiếp của kinh nghiệm sống

Đức tin và kinh nghiệm
Vấn đề ở đây là vấn đề làm sao tạo cho được sự hoà điệu giữa hai bên. Đức tin thì gắn liền với đêm tối, với điều không thấy, chỉ một mực cậy dựa vào lời của Thiên Chúa. Trong khi đó, kinh nghiệm về Thiên Chúa nhất thiết phải được kết hợp với một hình thức biểu lộ nào đó của Thiên Chúa khả dĩ cụ thể và khả dĩ thâu nhận bằng giác quan. Làm thế nào để có thể dung hoà cả hai bên? Làm thế nào để có thể vừa phó thác vào Thiên Chúa, lao mình xuống nước nhưng lại vừa cảm thấy chân mình đang bước trên đất liền?
HAI BÊN ĐỐI NGHỊCH NHAU?
Cũng trong cùng một con tim, làm sao để có được sự hài hoà giữa đêm tối của đức tin với ánh chiếu dọi của những vì sao?
Thoạt nhìn, đức tin và kinh nghiệm xem ra loại trừ nhau. Thử hỏi người ta có thể xé bức màn của Đền Thờ rồi dẫm chân lên nơi cung thánh mà không phàm tục hoá sự thánh thiện của các nơi chốn sao?
Thánh Kinh đã chẳng nói với chúng ta rằng “người công chính sống bằng đức tin” sao? Và Đức Giêsu đã chẳng công bố rằng “Phúc cho những ai không thấy mà tin” sao? Lại nữa, toàn bộ truyền thống tu đức vẫn thường nhắc nhở chúng ta chớ lẫn lộn đức tin đích thực với tri giác khiếm khuyết của con người. Tin vào một điều nào đó bằng một đức tin thật sự thì khác với chỉ cảm nhận một tâm tình nào đó về điều ấy. “Tôi tin. Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi!”  (Mc 9, 24). Lời kêu cứu của người cha khẩn nài Đức Giêsu cứu chữa con mình phản ánh một thái độ người ta vẫn thường gặp nơi các môn đệ. Chúng ta chứa đựng kho tàng của chúng ta trong những chiếc bình sành dễ vỡ. Phải chăng chúng ta sẽ làm tổn hại đức tin khi muốn thay thế đức tin bằng kinh nghiệm – điều mà không ai dám kỳ vọng – hay ít ra muốn làm cho đức tin ra suy yếu bằng cách cung cấp cho đức tin một chỗ dựa bên ngoài, nại cớ là để làm cho đức tin thêm vững chắc?
CHỈ LÀ CHỦ QUAN?
Giả sử đức tin và kinh nghiệm về Thiên Chúa có thể dung hợp với nhau, phải chăng người ta liều trượt từ đức tin đòi một thái độ khách quan cần thiết sang đức tin thuần chủ quan thuộc lãnh vực ý thức và như thế là liều nhắm mắt trước tầm quan trọng của đòi buộc tuân phục giáo lý cũng như của nghĩa vụ đón nhận các chân lý đã được Chúa Kitô mạc khải và đã được huấn quyền bảo đảm?
Vấn nạn thật ra có phần ỡm ờ. Tự nền tảng đức tin Kitô giáo, tin không là gắn bó vào một tập hợp mệnh đề nhưng là vào chính Thiên Chúa, Đấng tự mặc khải. Tin là gặp gỡ một cách sống động với Thiên Chúa hằng sống; đức tin được phô diễn trong Giáo Hội, ngay giữa lòng kinh nghiệm. Chính đức tin giữa lòng kinh nghiệm sống của các tông đồ và của cộng đoàn Kitô hữu về Thiên Chúa đã được dệt thành biểu thức hay thành định nghĩa chung để truyền đạt lại cho chúng ta và đó là giáo lý. Trong thư thứ I, thánh Gioan nói với chúng ta về điều mà chính ngài và các tông đồ khác chứng thực, rằng:
“ Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu,
điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt,
điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng,
 và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống.
Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày,
chúng tôi đã thấy và làm chứng,
chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời;
sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha
và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi.” (1Ga 1, 1-2).
Phải nếm trải kinh nghiệm về Đức Kitô trước rồi sau đó mới có thể định nghĩa về kinh nghiệm ấy. Thánh Tôma Aquinô chắc hẳn không có khuynh hướng bài xích tri thức, vậy mà chính thánh nhân lặp đi lặp lại rằng đức tin không phải là gắn bó vào những mệnh đề giáo lý được phát biểu về Thiên Chúa nhưng là gắn bó vào chính Thiên Chúa, nhận biết Ngài và yêu mến Ngài trong mối tương quan ngôi vị.
Giáo lý mang tầm quan trọng đặc biệt, bởi vì ngoài việc đáp ứng nhiều nhu cầu khác, giáo lý cung cấp tiêu chuẩn khách quan và bảo đảm giúp truy nhận kinh nghiệm chủ quan nào là chính đáng và đích thực: kinh nghiệm chủ quan đích thực không bao giờ có thể mâu thuẫn với giáo lý. Nhưng, ngược lại, chính giáo lý khi phát biểu những chân lý về Thiên Chúa lại thoạt đầu bắt nguồn từ một kinh nghiệm gặp gỡ. Đối với những chân lý về Chúa Thánh Thần cũng thế. Các Kitô hữu thời Giáo Hội sơ khai đã sống kinh nghiệm về Chúa Thánh Thần trước, rồi ba thế kỷ sau mới phát biểu tín điều về Chúa Thánh Thần. Đối với họ, đón nhận Thánh Thần hay cảm nghiệm Ngài bằng đời sống cũng chỉ là một.
PHÓNG ĐẠI VÀ LẠM DỤNG
Khi bàn về sự thánh hoá, một số vị hữu trách đã tô đậm quá mức những gì là kinh nghiệm trong đời sống Kitô giáo thời Tân Ước và do đó đã có hiện tượng phóng đại và lạm dụng vai trò của kinh nghiệm. Trong chiều hướng này, phái thì đề cao kinh nghiệm về ơn tiền định, phái khác nhấn mạnh ơn hoàn toàn thụ động về mặt thiêng liêng, phái khác nữa lại nêu dẫn kinh nghiệm sống và coi đó mới là yếu tính của Kitô giáo chứ không phải Kinh Tin Kính. Trong khi nhà tin lành Schleiermacher chủ trương một thứ tôn giáo lãng mạn của tình cảm, nhà thực dụng William James lại đưa kinh nghiệm tôn giáo lên hàng ưu tiên số một vì cho rằng chỉ cần sức mạnh nội tâm là đủ.
Vì sợ người ta phiêu bạt quá xa cho nên huấn quyền mới nhấn mạnh phương diện khách quan của tôn giáo, cả trong lãnh vực giáo thuyết lẫn trong lãnh vực bí tích.
Tuy nhiên, có sợ lạm dụng đi nữa thì cũng không ai được giảm thiểu ý nghĩa và vai trò của kinh nghiệm tôn giáo trong nội vi của Kitô giáo chân chính. Hơn nữa, không ai được quên rằng tôn giáo là việc của con người trọn vẹn, một con người nhìn thấy, cảm nếm, chiêm ngắm, hành động, chứ không phải là việc của tinh thần thuần túy hoặc của linh hồn vượt thoát thân xác.
Cựu ước cũng đã không hề coi nhẹ tầm quan trọng của kinh nghiệm trong đời sống tôn giáo. Đối với người Ít-ra-en, biết Thiên Chúa có nghĩa là cảm nếm Ngài bằng kinh nghiệm. Theo quan niệm Thánh Kinh về con người, con đường duy nhất giúp tiến vào nhận thức là con đường ngang qua kinh nghiệm; con đường tiếp cận Thiên Chúa cũng phải nhận chịu cùng một quy luật như thế. Người Do thái sở dĩ nhận biết Thiên Chúa là nhờ đã trải qua những kinh nghiệm nếm cảm Ngài một cách cụ thể trong lịch sử. Người Do thái không suy tư bay bổng và trừu tượng để phát biểu về bản tính và về những thuộc tính của Thiên Chúa như các nhà thần học về sau. Họ nhận biết Gia-vê bởi vì họ đã đã cảm nghiệm hoạt động cứu thoát của Ngài : Chẳng phải Ngài đã dẫn đưa họ từ chốn Ai Cập tiến vào miền đất hứa sao? Kinh nguyện của họ luôn nhắc nhở kinh nghiệm thiết thân ấy.
“Dân tôi hỡi, này nghe tôi dạy bảo,
lắng tai đón nhận lời lẽ miệng tôi.
Mở miệng ra, tôi sẽ nói đôi lời huấn dụ,
công bố điều huyền bí thuở xa xưa.
Điều chúng tôi đã từng nghe biết
do cha ông kể lại cho mình,
chúng tôi chẳng giấu gì con cháu cả,
sẽ tường thuật cho thế hệ mai sau;
sự nghiệp lẫy lừng, quyền uy của CHÚA,
với những kỳ công Chúa đã làm” (Tv 78, 1-4).
Lm. Phaolô Đậu Văn Hồng (Gp. Kontum)
________________________
Nguồn: giaolyductin.org

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang