Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Nên dùng chữ nào cho Thiên Chúa: "Ngài" hay "Người"?

THỨ NĂM, 30 THÁNG 08 2012 10:37 BBT WTGP HN
I. Lời dẫn nhập:
Hồi còn nhỏ, nghe và hát: ''Ta hãy nguyện xin cho Đức Giáo Hoàng Phaolô*, Chúa gìn giữ người tăng gấp sinh lực và ban cho người đời này hạnh phúc. Đừng trao người cho ác tâm quân thù, đừng trao người cho ác tâm quân thù!'', tôi thắc mắc tại sao mình ''lại được phép'' dùng trong lời nguyện chữ ''người'' để nhắc đến ''Đức Thánh Cha''* là Chủ Chăn Giáo Hội, là đại diện Chúa Giêsu!!! (* Đức GH Phaolô Đệ Lục; Đức Thánh Phapha)
Lần kia, bà cụ nọ trong giáo xứ hỏi tôi: ''Có biết Cha Sở đang ở đâu không?'' Để thử xem phản ứng của ''người'' hỏi, tôi trả lời thế này: ''Người đang ngồi tòa giải tội.'' Thế là tôi bị mắng cho một trận: ''Người há? Người như mi thì có! Ai cho phép mi ăn nói hỗn láo? Mi phải nói: Dạ, Ngài đang ngồi Tòa giải tội!''
Tôi bèn tự biện hộ bằng cách đọc lời nguyện cho Đức Giáo Hoàng có chữ ''người''!!! Nghe xong, bà cụ bỏ đi, không thèm trả lời.
Trong một buổi Giáo Lý hằng tuần khi còn ở Tiểu Học, Chị (Xơ) Mến Thánh Giá hỏi: ''Thiên Chúa có mấy Ngôi?'' Tôi giơ tay trả lời cũng là để xem phản ứng của Chị nữ tu: ''Dạ thưa Chị, Người có ba Ngôi.'' Thế là tôi bị véo tai và nghe Xơ nói: ''Ai dạy em gọi Thiên Chúa là Người? Quỳ xuống mau lên! Phải lo đi xưng tội phạm Thượng! Chút nữa, Cha Sở ra. Ngài sẽ trị tội em.''
Sẵn bực mình, tôi trả lời: ''Dạ thưa Chị, em học từ Giáo Lý mà Cha Sở và Chị dạy em như sau: T. Có một Đức Chúa Trời mà Người có Ba Ngôi...'' (Kinh Nghĩa: Thiên Chúa Nhứt Thể, Tam Vị - Đệ Nhứt Thiên)
Cha Sở vào lớp. Chị nữ tu to nhỏ gì đó với ngài. Nhưng ngài chẳng trị tội ''thằng người'' ưa thắc mắc như tôi.
II. Ngữ nguyên của chữ ''Ngài'' và lý do khác khiến tôi dùng chữ ấy:
Xin dẫn chứng ''ngữ nguyên'' của chữ ''Ngài'' mà tôi đã ''học hỏi'' được và đồng tình với quý Linh Mục và những ''người'' chủ trương chỉ dùng chữ ''Ngài'' cho Thiên Chúa. Để bài viết được tương đối ngắn gọn, tôi tóm tắt các ý kiến về chữ NGÀI:
A. Ngữ nguyên của chữ ''Ngài''
a. Lời giảng giải của LM Nguyễn Văn Thích
Linh Mục là Giáo Sư Hán Văn, trả lời cho tôi về nguồn gốc chữ ''Ngài'' như sau: ''Người Việt mình nói: 'Tôi van ông.' Còn người Công Giáo thì thưa gọn với Chúa: 'Lạy Chúa, con van nài. Xin nhậm lời con.' Các Cố Đạo phát âm những chữ bắt đầu bằng 'ng' như 'Nguyễn' thành 'Nuyễn'. Cho nên, các ngài tưởng rằng 'nài' là 'ngài'. Từ đó, mới có câu: 'Lạy Chúa, con van Ngài...'' như trong Thánh Vịnh 142,1 của Vua Đavít: Je supplie le SEIGNEUR!!! Chữ Ngài với ngai một vần! Đó là chữ của tiếng Việt từ ngàn xưa, có trước tiếng Trung Hoa...''
b. Ý kiến của một số tác giả về Tiếng Việt cổ
Sau này, học hỏi thêm về tiếng Mẹ qua một số tài liệu cho biết rằng tiếng Việt có cách đây chừng bảy mươi ngàn (70.000) năm như học giả Hà văn Thùy cũng mới chứng minh sau này: ''Tiếng Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa. Từ đó rút ra quá trình hình thành tiếng Hoa như sau: tiếng Việt ở Việt Nam được chuyển lên Nam Dương Tử. Người Việt ở đây chuyển hóa thành thổ ngữ Triều Châu, Quảng Đông... Người Hoa học tiếng của dân Sở, Việt (Triều Châu, Quảng Đông) và nói trại theo giọng phía Bắc. Do mỗi tộc mỗi vùng nói khác nhau nên thành đa tạp. Thời Xuân Thu, nhà Chu chủ trương học theo tiếng của phương Nam vì đó là ngôn ngữ thanh nhã chuẩn mực, nên gọi là nhã ngữ. Khi thống nhất văn tự, nhà Tần dùng nhã ngữ làm quốc ngữ. Tới thời Đường, ngôn ngữ Trung Hoa chuyển hóa thành cách đọc Hán Việt. Người Mãn Thanh cai trị Trung Quốc đã cải biến theo cách đọc của người Mãn thành tiếng Bắc Kinh ngày nay. Người phương Tây gọi là Mandarin do xuất xứ từ chữ Man-da (Mãn đại). Đến nay, nhiều từ trong sách Thuyết văn giải tự của Hứa Thận không thể đọc được theo âm Mandarin, nhưng lại dễ dàng đọc theo tiếng Triều Châu, Quảng Đông, nhưng đúng nhất là khi đọc theo tiếng Việt Nam vì trong tiếng Việt còn giữ nhiều tiếng Việt cổ.''
c. Nguồn gốc của chữ ''ngài'' theo học giả Hà văn Thùy:
''Về chữ mày ngài: 蛾眉
1. Chữ mày/ mi: Theo quy luật biến âm Việt thì B biến âm thành "M": "rầu buồn" có trước "sầu muộn". Tiếng Mân Việt / Triều Châu còn giữ nguyên âm B của chữ mày là lông đã xếp - "bày" thành hàng trên con mắt, là "mắt bày-目眉''. Âm Hán Việt là mục mi目眉."
2. Chữ Nga : con ngài, tiếng Bắc Kinh là ''ở'', Quảng Đông đọc là ''ngò'', Triều Châu đọc là ''ngo, ngó''. Như vậy, bày/ mày ngài (Việt Nam) à bày/ mày ngo/ ngò (Triều Châu, Quảng Đông) à nga mi (Hán Việt).
d. Chữ ''ngài'' trong truyện Kiều:
1. ''Ngài lấy từ điển tích Tướng Thư: Diện như mãn nguyệt, my nhược ngọa tầm: mặt như mặt trăng tròn, mà lông mi như con tằm nằm ngang. Đây là nói về cái tướng phúc hậu của cô Thúy Vân.'' (Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo, chú thích vào năm 1925.)
2. ''Nét ngài: nét lông mày. Ngài: con ngài, tức con bướm tằm, ở đầu nó có hai cái râu dài, thanh, cong cong hình bán nguyệt. Lông mày người con gái trông giống cái râu dài, nên người ta thường tả là mày ngài.'' (Nguyễn Văn Hoàn nhân kỷ niệm lần thứ 200 ngày sinh của Cụ Nguyễn Du.)
3. ''Nét ngài: ngài tức con bướm tằm. Đây nói nét ngài là bởi chữ tầm my (mày tằm) hay ngọa tầm my (mày tằm nằm): nét lông mày cong, đậm mà thanh, chỉ lông mày đẹp nói chung. Xem các câu 927, 1213, 2167. Câu này tả cái vẻ đẹp phúc hậu của Thúy Vân.'' (Nguyễn Thạch Giang chú thích năm 1972.)
4. ''Nét ngài: nét lông mày. X. mày ngài. Vd. Nét ngài nở nang. Ngài: thứ bướm do con tằm hóa ra; cũng chỉ con tằm, tỉ dụ lông mày. Vd. Nét ngài nở nang 20, 927, 1213, 2167, 2274.'' (Từ điển Thúy Kiều - Đào Duy Anh, 1974. Ngoài ra, Hán-Việt Từ Điển (Đào Duy Anh) còn dùng từ ''nga mi'' là râu ''con ngài'' đẹp...)
5. ''Nét ngài nở nang: chỉ nét lông mày nhỏ, mà dài như râu con ngài (nga my) là tướng đàn bà nhiều phúc về đường con cái.'' (Kiều - Nguyễn Du, Nxb Văn Học, Hà Nội 1979 - Tham gia hiệu đính: Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Công Hoan, Hoài Thanh, Tuấn Đô.)
Như vậy, theo các ý kiến đã nêu (trong phần A. Ngữ nguyên của chữ ''Ngài''), từ ''ngài'' không phải là cách biến âm của chữ ''người'' như Phạm Duy đã sửa lại để phổ nhạc, như cô giáo nọ ở Nghệ An dám giải thích cho học sinh ý thơ của Cụ Nguyễn Du như thế này: ''Ngài là tiếng địa phương Nghệ Tĩnh, có nghĩa là người. Nét ngài nở nang nghĩa là nét người nở nang.'' Thật ra, nghề trồng dâu nuôi tằm đã khiến Ông Cha chúng ta ''tạo từ tượng thanh, tượng hình'', ấy là chữ ''nét ngài'' biểu tượng cho nét đẹp phúc hậu nói chung dễ gây cảm tình, lòng quý mến... Cho nên, một khi được trân trọng dùng cho chính khách, bậc tu trì, nhất là cho Thiên Chúa, Mẹ Maria, các Thánh hay Mục Tử, chữ ''ngài'' trở thành đại từ ngôi thứ nhất hay thứ ba.
6. Theo thiển ý của tôi (người viết bài này), nếu chữ ''nét ngài'' có nghĩa là ''nét người'' thì chắc chắn Cụ Nguyễn Du đã dùng chữ ''người'' để nó hợp vần với ''vời'' ở câu sáu (6) chữ. Nhưng Cụ lại viết: ''Vân xem trang trọng khác vời – Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang''!!!
e. Chữ ''ngài'' trong từ điển
1. Từ Điển Tiếng Việt (Viện Ngôn Ngữ Học):
Từ dùng để chỉ hoặc gọi với ý tôn kính....; (thường viết hoa)... để chỉ thần thánh với ý kính sợ. (vd. Ngài linh thiêng lắm.)
2. Một số cuốn khác như:
Từ Điển Việt-Pháp (Đào Đăng Vỹ), Từ Điển Việt-Pháp (Lê Khả Kế-Nguyễn Lân), Từ Điển Việt-Anh (Đặng Chấn Liêu-Lê Khả Kế), Wörterbuch Vietnamesisch-Deutsch (Winfried Boscher-Phạm Trung Liên)...đều ghi bằng tiếng đã nêu với ý thế này: Từ chỉ sự tôn kính, lịch sự; từ chỉ sự tôn kính khi nói với Thần Linh, bề trên hay khi nói về các vị ấy.
B. Lý do khác khiến tôi dùng chữ ''Ngài''
a. Kinh Thánh
1. Bản Dịch của Cha Nguyễn Thế Thuấn
Ngài dùng tới 13 lần chữ ''Ngài'' (ngôi thứ ba) trong Colôxê 1,15-20: ''Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình... đã ban lại bình an nhờ bửu huyết đổ ra nơi thập giá của Ngài, cho mọi vật dù ở dưới đất hay ở trên trời!''
2. Bản Dịch của Tin Lành
Anh-em Tin Lành cũng dùng chữ ''Ngài'' (ngôi thứ ba) như sau: ''Hãy tạ ơn Đức Chúa Cha, Ngài đã khiến anh em có thể dự phần cơ nghiệp của các thánh trong sự sáng láng.'' (Cô-lô-se 1:12).
3. Thánh Phaolô tôn vinh Chúa Giêsu
- Trong Philip 2,9-11, Thánh nhân viết như sau: ''Bởi vậy, Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và ban cho Ngài Danh Hiệu vượt quá mọi danh hiệu ngõ hầu, trước Danh Hiệu của Chúa Giêsu, mọi gối ở trên Trời, dưới đất, nơi địa ngục đều phải quì xuống bái lạy và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng: Giêsu Kitô Là Chúa để làm vinh quang cho Thiên Chúa Cha.'' (Xin xem thêm: Ysaya 45,23; Êphêxô 4,10; Khải Huyền 5,13; Roma 10,7-13)
- Trên đường Damas, bị ánh sáng tự trời lóe rạng bao lấy mình, ''Xaulô'' ngã xuống đất và nghe tiếng nói: "Xaulô, Xaulô, tại sao ngươi bắt bớ Ta?" Ông hỏi: "Thưa Ngài, Ngài là ai?" (Wer bist du, Herr?- Who are you, Lord? - Qui es-tu, Seigneur? - Τίς εἶ, κύριε - Quis es Domine?)
4. Chứng nhân Giêhôva
Dù chẳng tin Chúa Giêsu cũng là Thiên Chúa như Cha của Ngài, Chứng nhân Giêhôva vẫn không ''dám'' dùng chữ ''Người'' (ngôi thứ ba) để ''nói về'' Chúa Cứu Thế, mà ''phải'' dịch như sau: ''Nếu chúng ta theo ý-muốn Ngài mà cầu-xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta.'' (1Giăng 5:14)
5. Nhóm Mormon và lạc giáo khác
Nhóm Mormon vẫn sử dụng Kinh Thánh và tự bịa ra Tân Ước thứ hai (The Second Testament), cũng dùng chữ ''Ngài'' (ngôi thứ ba) để nói về Chúa Giêsu là Thiên Chúa như Cha Ngài.
6. Các Tôn Giáo Bạn
Các Tôn Giáo như Phật Giáo, Phật Giáo Hòa Hảo, Hồi Giáo...đều dùng chữ ''Ngài'' để nói về Chúa Giêsu. Đặc biệt hơn, Cao Đài Từ Điển viết như sau: ''Thiên Chúa là Đức Chúa Trời, Đấng làm vua cõi trời, Đấng đã tạo dựng ra CKVT và vạn vật, mà người đời gọi Ngài là Ông Trời, là Thượng Đế, Đạo Cao Đài gọi Ngài là Ngọc Hoàng Thượng Đế, nay tá danh là Cao Đài.'' (CKVT: Càn Khôn Vũ Trụ)
7. Lời ca tuyên xưng và tôn vinh Chúa trong Thánh Lễ:
a. Câu hát sau Nghi Thức đọc Lời Truyền:
''Con tuyên xưng Chúa đã chết đi, con tuyên xưng Ngài đã sống lại, trong vinh quang, mai Ngài lại đến, đón chúng con lên Trời về với Chúa Cha.''
b. Thánh Ca
- Tác giả bài ''Trên Đường Emmau'' dùng chữ ''Ngài'':
''Có những buổi sát vai nhanh chân ta bước bên Ngài trên đường về, nhưng chẳng biết Ngài. Ấy những lúc chúng ta vô tâm không để ý Ngài: Người lao công cùng đi.'' (Trong youtube, lời ghi là ''Ngài'', nhưng ca sỹ Hoàng Oanh thì hát: ''...không để ý Người: Người lao công cùng đi.'' Theo tôi, chữ ''Người'' trong ''Người lao công'' là ''đồng vị'' (apposition to) với chữ ''Ngài'' là Chúa Giêsu.)
- Nhiều bản Thánh Ca khác:
''Con Đường Ngài Đã Đi Qua'' của LM Văn Chi; ''Giêsu, Ngài Đã Đến'' (Ca Nguyện trang 868); ''Bỏ Ngài, Con Biết Theo Ai?'' (CN trang 1027); ''Vì Con Chưa Yêu Ngài (C N trang 1040)
C. Cách xưng hô trong tiếng Việt
a. Khi nói về mục tử:
Kính trọng linh mục là ''Kitô khác'' (Sacerdos Alter Christus), người Công Giáo Việt ''phải'' dùng chữ ''ngài'' trong các câu như sau: ''Ngài đang dùng cơm. Ngài đi vắng. Ngài đang ngủ. Ngài...''
Thậm chí, khi nói về chú, bác, cậu hay con của mình là linh mục, người nhà thích dùng chữ ''ngài'' như sau: ''Chú, Bác, Cậu Ngài sẽ về thăm. Ngài là con trai đầu của chúng tôi.''
b. khi mục tử gián tiếp nói về chính mình:
Tôi đã từng nghe rất nhiều linh mục dùng chữ ''ngài'' cho mình. Ví dụ: Linh mục A nói với tôi: ''Anh trả lời cho người ta thế này: Cha A ngài không đồng ý như thế. Bà con cứ thưa chuyện với ngài thì sẽ rõ.''
c. Chữ ''Người'' dùng cho Chúa không được hợp tình, hợp lý:
Có linh mục dùng chữ ''Người, ngài'' như trong ví dụ này: ''Chúa Giêsu đã sinh ra cho chúng ta. Người đã chết vì chúng ta. Người đã phục sinh để chúng ta cùng sống lại với Người.'' Nhưng, liền sau đó, linh mục ấy lại viết, nói: ''Đức Thánh Cha Biển Đức 16 là nhà Thần Học nổi tiếng. Ngài đã viết nhiều tác phẩm về Chúa Giêsu...''
d. Chữ ''người'' còn có nghĩa ''không đẹp'' như sau:
Khinh thường, tỏ ý chua chát: Ví dụ: ''Các người coi chừng tay tôi! Đồ thứ người gì đâu! Kiếp thằng người! Người vô tích sự! Người vong ân, bội nghĩa!'' Cụ Nguyễn Công Trứ đã từng mỉa mai đời: ''Kiếp sau xin chớ làm người - Làm cây thông đứng giữa trời mà reo'' !!!
III. Lời kết
1. Rất nhiều Dịch Giả dùng chữ ''Ngài''! (Tu-sĩ Salêdiêng trong Sách Giáo Lý của GHCG mà Cố TGM Bình đã chuẩn thuận. Khi giới thiệu khung ảnh ở bìa mặt, Nhà Xuất Bản Thời Điểm dùng chữ ''Ngài''. Bản Dịch của Lm Hồ Ngọc Thỉnh ''Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng'' cũng vậy.
2. Trang mạng Công Giáo nọ ghi tựa đề cuốn phim ''Thưa Chúa, Người Đi Đâu?'' (Quo vadis, Domine?) đã khiêm tốn đón nhận lời góp ý của tôi, mà đổi tựa đề thành: ''Lạy Chúa, Ngài Đi Đâu?''
3. Một số người miền Bắc không tin Chúa, nói: ''Phải dùng chữ 'Ngài' khi nói với, nói về Chúa.''
4. Khi ''nói về'' Chúa Giêsu trong thư gởi đồng bào Công giáo nhân dịp lễ No-en năm 1945, Chủ Tịch Hồ Chí Minh viết: ''Cách một nghìn chín trăm bốn mươi nhăm năm trước, cũ ngày hôm nay một vị thánh nhân là Đức Chúa Giêsu ra đời. Suốt đời Ngài chỉ hi sinh phấn đấu cho tự do, cho dân chủ. Từ ngày Ngài giáng sinh đến nay đã gần 2.000 năm, nhưng tinh thần nhân ái của Ngài chẳng những không phai nhạt mà tỏa ra đã khắp, thấm vào sâu.'' (Trích bài viết của Giáo Sư Nguyễn Lân Dũng (năm 2012) về Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Nguồn: Văn Chương.)
Tại sao dùng chữ ''Người'' (ngôi thứ ba) cho Thiên Chúa thì không sao, mà cho linh mục thì bị coi là ''hỗn láo, vô lễ, phạm Thượng'' như tôi đã trình bày?
Đaminh Phan văn Phước
23.8.2012

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang