Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Cô đơn


1. Cô đơn đang trở thành một hiện tượng càng ngày càng phát triển trong thế giới càng ngày càng văn minh.
Giữa đám đông người ta vẫn có thể rất cô đơn. Cô đơn ngay trong gia đình. Cô đơn cả trong đời sống vợ chồng. Thậm chí cô đơn chính giữa cộng đoàn bác ái và cộng đoàn đức tin.
Cô đơn không là một sự việc. Cũng không là một sự kiện thiên nhiên. Nó là một tình trạng của con người. Tình trạng này được cảm nhận như một sự thiếu vắng, mất mát, đứt lìa những dây liên đới, mà mình tha thiết.

Có những cô đơn tình nguyện đầy bình an nhờ lý tưởng cao đẹp.
Hiện nay, không thiếu người cho rằng sống cô đơn, tuy có khó khăn, nhưng vẫn dễ chịu hơn sống với những người khác.
Nhưng có những cô đơn xảy đến như những tai nạn, muốn tránh mà không tránh được. Đó là những cô đơn không đợi chờ. Thí dụ cô đơn do bệnh tật, do bị loại trừ.
Dù thuộc loại nào, cô đơn thường vẫn đòi nhiều phấn đấu. Riêng những cô đơn bất đắc dĩ, thường hay gây nên nhiều thứ đớn đau, rất nhiều mệt mỏi, nhất là có thể dẫn tới nhiều hậu quả tiêu cực. Vì thế, những người, cô đơn loại đó vốn được xã hội và tôn giáo quan tâm đặc biệt. Đó là một bổn phận đạo đức thuộc lương tâm.
Vấn đề tôi tự đặt ra cho tôi không chỉ là bản thân mình phải đón nhận những cô đơn bất đắc dĩ thế nào, mà còn là người môn đệ Chúa sẽ phải làm chứng cho Chúa thế nào trong một tình hình dày đặc những cô đơn thê thảm.
Tôi đưa vấn đề trình lên Chúa. Chúa cho tôi thấy là. Tôi cần chuẩn bị, vừa đón nhận những cô đơn khó chịu, vừa để làm chứng cho Chúa với những người cô đơn.
Để chuẩn bị, Chúa chỉ cho tôi nhìn vào những nhân vật nổi tiếng rất là cô đơn trong Kinh Thánh.
2. Nhân vật cô đơn trong Cựu Ước đã nói với tôi rất nhiều đó là tiên tri Giêrêmia.
Ngài cô đơn, vì thiếu một đời sống riêng tư tình cảm ấm áp.
Chúa phán với Ngài: "Ngươi đừng cưới vợ, đừng có con trai con gái ở đời này" (Gr 16,2).
Ngài cô đơn, vì lời Chúa truyền cho ngài phải nói với dân, đã không được dân nghe.
Ngài nói: "Kể từ năm thứ 13 triều Giosigiahu, con vua Amon, làm vua Giuđa cho đến hôm nay tính ra đã 23 năm, lời Đức Chúa phán với tôi, và tôi đã không ngừng công bố cho anh em. Nhưng anh em đã chẳng thèm nghe" (Gr 25,3).
Ngài còn cô đơn hơn nữa, khi lời Chúa mà ngài công bố đã bị nhạo cười.
Ngài than: "Vì lời Chúa mà con đây bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày" (Gr 20,8).
Ngài cảm thấy một nỗi cô đơn đầy cay đắng, khi mình bị bắt bớ vì Chúa.
Chúa phán với ngài: "Phần con, con khác nào con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt. Con đâu biết chúng đang mưu tính hại con. Chúng bảo nhau: Cây đương sức, nào ta chặt nó đi, loại nó ra khỏi đất dành cho kẻ sống, để không còn ai nhớ đến tên tuổi nó nữa" Gr 11,19)
Ngài rơi vào một nỗi cô đơn cực độ, khi có lúc ngài cảm tưởng như Chúa không còn là suối nguồn an ủi ngài nữa.
Ngài than vãn: "Tại sao con cứ phải đau khổ hoài, mang vết trọng thương hết đường cứu chữa. Phải chăng đối với con, Chúa chỉ là ngọn suối trong ảo mộng, là dòng nước mơ hồ" (Gr 15,18).
Những cô đơn nơi tiên tri Giêrêmia được ngài cảm nhận như những nỗi đau đớn, khổ nhục. Đau quá, khổ quá, nên ngài đã có lúc than trách: "Con vô phúc quá, mẹ ơi, mẹ sinh con ra làm gì?" (Gr 15,10).
Nhưng dù than, dù trách, tiên tri vẫn một niềm tin cậy vào Chúa: "Lạy Đức Chúa là sức mạnh, là thành lũy của con, là nơi con nương ẩn trong ngày khốn quẫn" (Gr 16,19).
3. Tôi dừng lại lâu lâu ở mỗi nỗi cô đơn của tiên tri Giêrêmia. Dừng lại, để hiểu, để cảm nhận. Rồi tôi nhận ra rằng: Những cô đơn đã xảy ra cho tiên tri Giêrêmia là một bài học cho tôi.
Bài học dạy rằng: Người thánh cũng không tránh được những cô đơn khó chịu. Người thánh cũng bị cô đơn gây nên đau đớn. Người thánh, khi bị cô đơn đau đớn, cũng đã la lên, than trách. Đức tin đã giúp người thánh bám vào Chúa, nhưng không cứu ngài khỏi cô đơn dằn vặt.
Những gì đã xảy ra cho tiên tri Giêrêmia cũng có thể xảy ra cho tôi và những người Chúa sai đi. Rất có thể những cô đơn khó chịu sẽ xuất hiện cách khác. Nhưng cô đơn nào cũng là một thách đố có thể gây nên khủng hoảng bất ngờ. Tình trạng đó thường là cái gì rất riêng tư, không ai chia sẻ được.
Nhưng trong tình trạng bi đát đó, tiên tri Giêrêmia đã làm chứng rằng: "Lời Chúa vẫn như là ngọn lửa bừng cháy trong tim" (Gr 20,9). Còn tôi, liệu có được như thế không?
Như vậy, người cô đơn trong phấn đấu cam go vẫn có thể là nhân chứng cho tình yêu Thiên Chúa. Nhưng vượt qua được thử thách là điều không dễ.
4. Suy nghĩ trên đây đưa tôi tới Chúa Giêsu là Đấng Cứu Chuộc loài người. Chúa Giêsu cũng đã trải qua những cô đơn ghê gớm.
Cô đơn ghê gớm xảy ra cho Người, chính khi Người làm phép lạ. Phúc Âm thánh Gioan, đoạn 5, kể rằng: một người đau ốm đã 38 năm, nằm ở hành lang hồ nước Bếtđatha. Chúa Giêsu làm phép lạ chữa anh được khỏi. Anh vác chõng và bước đi hớn hở. Nhưng chính phép lạ đó đã là cớ cho nhiều người Do Thái kết án Chúa, vì Người đã làm phép lạ ngày Sabát là ngày nghỉ việc. "Người Do Thái tìm cách giết Chúa Giêsu" (Ga 5,18). Đem tình thương cứu độ đến cho người ta, thế mà người ta lại ghen ghét!
Cô đơn đau đớn xảy ra cho Người, khi Người tìm đến các môn đệ để chia sẻ nỗi xao xuyến trong vườn Cây Dầu. Nhưng các môn đệ vẫn ngủ. "Simon, anh không thức nổi một giờ sao?" (Mc 14,37). Tìm an ủi nơi người mình thương thế mà họ không chút quan tâm!
Cô đơn cực độ đã xảy đến cho Người, khi trên thánh giá, Người thốt lên: "Lạy Chúa, lạy Chúa của con, sao Cha nỡ bỏ con" (Mc 15,34). Hết lòng với Tình Yêu, nhưng cảm thấy như bị Tình Yêu loại trừ!
Trong mỗi nỗi cô đơn, Chúa Giêsu luôn làm chứng về sự vâng phục thánh ý Chúa Cha, và tuyệt đối phó thác nơi Chúa Cha. "Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha" (Lc 23,46).
5. Tới đây, tôi hiểu: Mỗi một nỗi cô đơn trên đây nơi Chúa Giêsu đều gây nên những đau khổ riêng cho Người. Mỗi cô đơn đau đớn ấy đều là mỗi chiến trường. Chính Người cũng phải phấn đấu. Phấn đấu ấy rất cam go. Người thốt lên: "Tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối" (Mc 14,38). Nhưng kết thúc đều là gắn bó trung thành với Chúa Cha. Nhờ đó, mà muôn người được cứu chuộc.
Suy gẫm về những cô đơn đau đớn của Chúa Giêsu càng làm tôi xác tín điều này: Thân phận phấn đấu chật vật với những cô đơn khó chịu, thường được Chúa trao cho những ai Chúa gọi cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa. Như những thanh luyện. Như những thử thách. Như những thánh giá cứu độ. Như những của lễ đền tội. Và như thế, luôn được thành công không hẳn là dấu chỉ được Chúa yêu thương và tuyển chọn.
6. Khi những xác tín đó thấm sâu vào lòng tôi, tôi như được mở mắt linh hồn ra, để nhận ra ý Chúa về tôi.
Nếu tôi phải cô đơn đau đớn một cách nào đó, thì ý Chúa là muốn cho tôi được phần nào nên giống Chúa. Chính Chúa là Tình Yêu hôm nay đang bị cô đơn đau đớn giữa loài người lạnh nhạt và chối bỏ Chúa.
Ý Chúa còn là muốn cho tôi biết thông cảm và gần gũi với vô số người hôm nay đang sống cô đơn đau đớn giữa cuộc đời muôn vàn phức tạp.
Cô đơn đau đớn, nhờ ơn Chúa, đã giúp tôi gặp được Chúa và gặp được nhiều người. Tôi đón nhận cô đơn, không phải ở đó có niềm vui giá rẻ, nhưng vì ở đó tôi tuyên xưng niềm tin trung tín, một niềm tin được mài giũa qua thử thách tư bề.
Khi gặp bất cứ thứ cô đơn nào, tôi phải rất khiêm nhường nhìn nhận mình yếu đuối, để hết lòng cầu nguyện trong cậy vào sức phù trợ của Chúa. Nhờ đó, trong phấn đấu cam go, tôi vẫn tìm được một không gian tĩnh lặng cho tâm hồn.
Mục vụ và truyền giáo cho những người cô đơn đau đớn đòi nhiều tế nhị và thương cảm. Nếu không, sẽ càng làm cho người ta thêm đau đớn cô đơn.
Biết đâu một ngày nào đó Hội Thánh của tôi sẽ rơi vào cảnh cô đơn đau đớn giữa chính những đồng bào của tôi. Tôi cầu xin cho điều đó đừng xảy ra. Nhưng nếu nó cứ xảy ra, thì chúng ta có được chuẩn bị để sống tình trạng đó không?
Lạy Chúa, xin thương cho tất cả những ai đang quằn quại trong vực thẳm cô đơn đau đớn được gặp chính Chúa là tình yêu cứu độ.
ĐGM.GB Bùi Tuần
(Nguồn: tinvui.info)

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang