Ông chủ làm vẻ vang cho ngôi nhà chứ không phải ngôi nhà làm vẻ vang cho ông chủ - Xixêrông

Tân Bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin*: Điều quan trọng cho tương lai của Hội Thánh là phải vượt lên trên những khác biệt về mặt ý thức hệ

Người đăng: hoctran | 28.07.201 
 
“Lời Chúa không thể bị đem ra thương thảo. Không thể vừa tin (điều này) lại vừa không tin (điều khác). Không thể khấn giữ ba lời khuyên phúc âm rồi lại coi thường. Không thể quy về truyền thống của Hội Thánh để nói là chỉ chấp nhận một phần. Con đường của Hội Thánh dẫn chúng ta đi tới phía đằng trước và tất cả mọi người được mời gọi đừng khép mình lại trong lối suy nghĩ quy ngã, nhưng phải chấp nhận trọn vẹn sự sống và đức tin của Hội Thánh”.
Trong bài trả lời phỏng vấn mới đây của tuần báo Osservatore Romano dành cho Đức Tổng giám mục Gerhard Ludwig Müller, tân tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, người ta có thể đọc được những định hướng căn bản của ngài khi điều hành công việc của Bộ.

Trước hết, ngài nhấn mạnh đến sứ vụ chính yếu của Hội Thánh là loan báo Tin Mừng và thông truyền giáo huấn của Hội Thánh. Ngài đưa ra nhận xét: “Các nhóm – được gọi là bảo thủ và cấp tiến – cũng là một vấn đề khiến chúng ta phải tiêu phí quá nhiều năng lực và thời giờ. Ở đây có một nguy cơ là làm cho chúng ta không còn thấy nhiệm vụ chính yếu của mình là loan báo Tin Mừng và thông truyền giáo huấn của Hội Thánh”. Và ngài nói thêm: “Chúng ta chắc chắn là không có gì thay thế được mặc khải của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô. Mặc khải ấy trả lời cho những vấn nạn lớn của nhân loại qua các thời đại”.
Sứ vụ loan báo Tin Mừng và thông truyền giáo huấn của Hội Thánh gắn liền với việc tôn trọng tính toàn thể của nội dung đức tin Kitô giáo: “Điều quan trọng cho tương lai của Hội Thánh là phải vượt lên trên những khác biệt về mặt ý thức hệ, dù phát xuất từ đâu. Mặc khải của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô được trao phó cho toàn thể Hội Thánh. Do đó Lời Chúa không thể bị đem ra thương thảo. Không thể vừa tin (điều này) lại vừa không tin (điều khác). Không thể khấn giữ ba lời khuyên phúc âm rồi lại coi thường. Không thể quy về truyền thống của Hội Thánh để nói là chỉ chấp nhận một phần. Con đường của Hội Thánh dẫn chúng ta đi tới phía đằng trước và tất cả mọi người được mời gọi đừng khép mình lại trong lối suy nghĩ quy ngã, nhưng phải chấp nhận trọn vẹn sự sống và đức tin của Hội Thánh”. Nhận định này của vị tân bộ trưởng, theo nhiều người, là cách trả lời của ngài về vấn đề của nhóm Lefèbvre cũng như của Hiệp hội nữ tu tại Hoa Kỳ.
Những khẳng định trên cũng cho thấy đâu là nhiệm vụ chính yếu của Bộ Giáo Lý Đức Tin: “Hội Thánh trước hết là một cộng đoàn đức tin, do đó đức tin mặc khải là phần quan trọng nhất. Chúng ta phải chuyển giao, loan báo và chăm sóc đức tin ấy. Chúa Giêsu đã trao cho thánh Phêrô và những đấng kế vị quyền giáo huấn phổ quát và các ban ngành của Tòa Thánh phải làm việc để phục vụ quyền giáo huấn này”. Rồi ngài nói thêm, công việc chính yếu của Bộ Giáo Lý Đức Tin là “thúc đẩy và giải thích đức tin. Một điểm quan trọng khác là phải bảo vệ đức tin chống lại những sai lầm và lạm dụng”.
Định hướng đức tin này cung cấp một tầm nhìn lớn, nhờ đó chúng ta xem xét và giải quyết các vấn đề trong Hội Thánh, ví dụ vấn đề phong chức linh mục cho phụ nữ. Ngài giải thích: “Nhiều tuyên ngôn về việc yêu cầu phong chức linh mục cho phụ nữ đã không quan tâm đến một khía cạnh quan trọng của thừa tác vụ linh mục. Làm linh mục không có nghĩa là kiếm cho mình một địa vị. Không nên nhìn tác vụ linh mục như một thứ địa vị và quyền lực trần gian, rồi cho rằng con người chỉ được giải phóng khi cả người nam lẫn người nữ đều có thể chiếm vị trí này. Đức tin công giáo nhận biết rằng không phải tự chúng ta đặt ra những điều kiện cho việc phong chức linh mục, nhưng đằng sau chức linh mục là ý muốn và tiếng gọi của Đức Kitô. Các nam nữ tu sĩ tại Hoa Kỳ đã làm những công việc tuyệt vời cho Hội Thánh, cho việc giáo dục và cho người trẻ. Đức Kitô cần đến những người trẻ bước theo con đường và lối sống này bằng chọn lựa cá nhân của mình. Điều quan trọng là phải tăng cường sự tin cậy lẫn nhau thay vì chống đối nhau”.
Thiên Triệu
* Đức TGM Mueller năm nay 65 tuổi, sinh ngày 31-12-1947 tại thành phố Mainz. Sau khi học triết và thần học tại Mainz, rồi tại Munich và Freiburg-im-Breisgau, năm 1977, khi được 30 tuổi, thầy Mueller đậu tiến sĩ thần học với luận án do Cha Karl Lehmann hướng dẫn, Cha Lehmann sau này là HY, và vẫn còn cai quản giáo phận Mainz. Luận án của Cha Mueller có tựa đề là “Giáo Hội và các bí tích trong Kitô giáo không tôn giáo”. Năm sau đó, 1978, thầy Mueller thụ phong linh mục, và lần lượt phó xứ tại 3 giáo xứ, và làm giáo sư môn tôn giáo tại hai trường trung học.
Năm 1978, cha Mueller bảo vệ luận án hậu tiến sĩ (habilitatio), cũng dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Lehmann tại Đại học Freiburg, về đề tài “Cộng đoàn và sự tôn kính các Thánh – nền tảng lịch sử của việc tôn kính các thánh”.
Năm 1986, cha Mueller được bổ nhiệm làm giáo sư thần học tín lý và lịch sử tín lý tại Đại học Ludwig Maximilians ở Munich. Với 38 tuổi, cha là một trong những giáo sư trẻ nhất tại đây. Cha đảm trách nhiệm vụ này trong 16 năm, đồng thời cũng được mời làm giáo sư thỉnh giảng tại nhiều đại học tại Peru, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Ấn độ, Roma và Brazil. Trong thời gian làm giáo sư, cha Mueller vẫn làm việc mục vụ tại giáo xứ Leiden Christi ở thành phố Munich.
Ngày 1-10-năm 2002, cha được ĐTC Gioan Phaolô 2 bổ nhiệm làm GM giáo phận Regensburg, giáo phận này cũng là nơi ĐTC Biển Đức 16 từng làm giáo sư và khoa trưởng thần học trước khi được bổ nhiệm làm TGM Munich năm 1977.
Từ năm 1990, Cha Mueller đã làm việc cho Ủy ban GM Đức về giáo lý đức tin, và ngài từng làm thành viên Ủy ban thần học quốc tế từ năm 1998 đến năm 2002, một Ủy ban do ĐHY Joseph Ratzinger làm Chủ tịch, trong tư cách là Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin.
Năm 2002, theo đề nghị của ĐHY Walter Kasper, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, ĐTC bổ nhiệm Đức Cha Mueller làm thành viên của Ủy ban hỗn hợp quốc tế đối thoại thần học giữa Công Giáo và Chính Thống giáo. Trong HĐGM Đức, cha Mueller từng là chủ tịch Ủy ban đối thoại đại kết và góp phần tái lập cuộc đối thoại với Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mascơva.
Năm 2005, Đức Cha Mueller tham dự Thượng HĐGM thế giới về bí tích Thánh thể, và năm sau đó, 2006, ngài đón tiếp ĐTC Biển Đức 16 về thăm giáo phận Regensburg, nhân dịp ngài về thăm quê hương ở miền Bavaria.
Đức Cha Gerhard Ludwig Mueller là tác giả của hơn 400 ấn phẩm khoa học, trưong đó nổi tiếng nhất là cuốn “Tín lý Công Giáo. Nghiên cứu và thực hành Thần Học” (Katholische Dogmatik. Fuer Studium und Praxis der Theologie”, một tác phẩm dài 900 trang, được tái bản nhiềulần, lần thứ 7 vào năm 2007, và được dịch ra các ngôn ngữ như Tây Ban Nha, Ý và Hungari. Bản dịch tiếng Tiệp đang được chuẩn bị.
Đối với ĐHY Ratzinger nay là ĐTC Biển Đức 16, Đức Cha Mueller cũng có một quan hệ đặc biệt. Ngài được ủy thác nhiệm vụ ấn hành toàn bộ của ĐHY Ratzinger, dự kiến là 16 cuốn. Để thi hành công tác to lớn này, năm 2008, Đức Cha Mueller thành lập Viện ĐGH Biển Đức 16 với trụ sở đặt tại thành phố Regensburg và cuốn đầu tiên được xuất bản bằng tiếng Đức hồi tháng 10 năm 2008, 5 tháng sau, cuốn này được ấn hành bằng Ý. Đó là cuốn 11 và mang tựa đề là “thần học phụng vụ”.
Đức TGM Mueller cũng có quan hệ đặc biệt với Mỹ châu la tinh. Đại học Giáo hoàng Lima, thủ đô Peru, trao tặng Văn bằng tiến sĩ danh dự hồi năm 2008. Ngài cũng được biết là có một tình bạn cố tri với cha Gustavo Guttierrez, nhà thần học giải phóng, sau này gia nhập dòng Đa Minh. Hai vị đã cộng tác với nhau trong việc soạn cuốn sách về nạn nghèo đói và thần học giải phóng xuất bản hồi năm 2004. Ngài cũng được các văn bằng tiến sĩ danh dự của Đại học Công Giáo Lublin bên Ba Lan, Đại học Wyszinski ở Varsava, Ba Lan.
Trong nhiệm vụ Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, ngài phối hợp hoạt động của 16 HY và 7 GM thành viên để đề ra những hướng đi tổng quát cho Bộ.
Cộng tác trực tiếp hơn với Đức TGM Mueller trong nhiệm vụ Tổng trưởng, có vị Tổng thư ký, hiện nay là Đức TGM Luis Francisco Ladaria Ferrer, dòng Tên người Tây Ban Nha, và Đức Ông Phó Tổng thư ký Damiano Marzotto Caotorta cùng với khoảng 35 nhân viên các cấp khác, và 32 chuyên gia cố vấn.

Không có nhận xét nào:

Lên đầu trang